Hôm liên hoan văn nghệ toàn trường cuối năm, tôi bất ngờ được lên sân khấu. Đúng là chuyện không mơ thấy nổi.
Đầu đuôi tại thằng Quang sún. Nó được phân công đóng vai tên đầy tớ trong vở hài kịch của lớp tôi. Tập dượt đâu vào đó, sắp đến ngày diễn, nó bỗng lăn đùng ra ốm.
Thằng Châu trưởng ban văn nghệ phải quýnh quáng tìm người thay vai. Không hiểu mắt nó quáng gà như thế nào mà nó lại chọn tôi.
Khi nghe Châu tuyên bố tôi đã được chọn đóng thế Quang sún, tóc gáy tôi cứ dựng đứng cả lên. Và dĩ nhiên, tôi từ chối quyết liệt:
- Tao đã nói là không đóng mà! Mày tìm đứa khác đi!
Châu nhăn nhó:
- Tìm ai bây giờ! Chỉ có mày là thích hợp với vai đó!
- Tao có biết đóng kịch đâu mà thích hợp!
Châu kiên trì động viên:
- Không biết thì tập rồi sẽ biết! Tướng mày khờ khờ, nhập vai đầy tớ thì không chê vào đâu được!
Châu động viên tôi mà y như chửi tôi. Tưởng nó chọn tôi đóng thế thằng Quang vì nó phát hiện tôi có năng khiếu diễn xuất, nào ngờ do nó phát hiện tôi có tướng làm... đầy tớ. Điều đó càng khiến tôi tẩy chay kịch nghệ. Tôi kiên quyết:
- Tao nói một lần chót: tao không đóng!
Châu túng thế, bèn cầu cứu cô Tần. Cô Tần dịu dàng nói với tôi:
- Khoa phải giúp cho ban văn nghệ của lớp mình một tay chứ!
Giọng cô Tần êm như ru. Nhưng lần này cô không ru được tôi. Tôi định nói cho cô biết là trong trường hợp này, "giúp hai tay" tôi cũng không giúp được nữa là "giúp một tay", nhưng tôi chưa kịp mở miệng thoái thác thì Gia Khanh đứng bên cạnh bỗng nhẹ nhàng lên tiếng:
- Nghe lời cô đi, Khoa ơi! Khi nào Khoa lên diễn, Gia Khanh quẹt lọ nghẹ giùm cho!
Gia Khanh đột ngột xen vào làm tình thế thay đổi hẳn. Nó ru được tôi ngay. Nó hứa hẹn cái khoản quẹt lọ nghẹ càng khiến tôi khoái chí tử. Tôi nhìn cô Tần, đáp bằng giọng ngoan ngoãn:
- Dạ, em sẽ đóng.
Thấy tôi chịu nhận lời, thằng Châu mừng hết lớn. Nó lập tức cầm tay tôi kéo đi phăng phăng.
- Đi đâu đây? - Tôi hỏi.
- Đi ăn chè! Tao đãi mày!
Châu dẫn tôi ra quán chè trước cổng trường, kêu hai ly thật to. Tôi lây thằng Ngữ, ghét chè nhất thế giới. Tôi chỉ khoái uống cà phê. Nhưng trước niềm hân hoan của Châu, tôi không nỡ từ chối. Tôi bưng ly chè to tổ bố, múc từng muỗng nhỏ cho vào miệng.
Và mặc cho Châu huyên thiên đủ chuyện bên tai, tôi vừa nhấp nháp vị ngọt vừa nghiền ngẫm về những éo le của đời người. Rốt cuộc thì rồi tôi cũng được lên sân khấu, nhưng thay vì trở thành ca sĩ, tôi lại thành kịch sĩ. Tôi chẳng được hát song ca chung với Gia Khanh, cũng chẳng đóng được một vai sang trọng. Số tôi là số ăn mày nên chỉ hợp với vai đầy tớ. Nếu không có lời của Gia Khanh, tôi đã từ chối thẳng thừng, mặc cho thằng Châu nài nỉ rã họng.
Nhưng Gia Khanh đã phán, tôi chỉ biết nhắm mắt nghe theo. Những ngày sau đó là những ngày tập dượt. Vì thời gian gấp rút nên thằng Châu bắt tôi tập cật lực. Hóa ra đóng kịch cũng không đến nỗi khó lắm. Hơn nữa,vai đầy tớ của tôi là vai phụ, chỉ xuất hiện trên sân khấu có mấy phút phù du, nên tôi chẳng vất vả bao nhiêu. Xem tôi tập, Châu đứng bên ngoài gật gù động viên:
- Khá lắm! Cố lên Khoa ơi!
Nó khen tôi mà sao tôi chẳng thích thú chút nào. Mặt tôi cứ rầu rầu. Cứ nghĩ đến chuyện trong khi tôi lăn lưng ra làm đầy tớ thì cùng lúc đó, Hòa lé đang tập hát chung với Gia Khanh ở đâu đó, bụng tôi cứ ấm a ấm ách.
Nhưng rồi đúng như ông bà nói "ở hiền gặp lành", nỗi gian khổ của tôi đã được đền bù. Tới ngày biểu diễn văn nghệ, Gia Khanh đã giữ lời hứa. Mấy phút trước khi vở kịch mở màn, nó đứng sau "hậu trường" ngoắc tôi:
- Khoa lại đây!
Tôi hí hửng chạy lại.
Đợi cho tôi lại gần, Gia Khanh thò ngón tay trỏ quẹt lên đít nồi rồi huơ huơ trước mặt tôi, mỉm cười bảo:
- Khoa đứng yên để Gia Khanh vẽ râu cho!
Chuyện "vẽ râu" lần trước khiến tôi đau khổ bao nhiêu thì cú "vẽ râu" lần này khiến tôi tươi tỉnh bấy nhiêu. Tôi nhắm mắt lại và cảm thấy ngón tay của Gia Khanh lướt nhẹ trên mặt tôi mềm mại và âu yếm xiết bao! Chỉ tiếc là râu con người ta mọc ít quá, chứ nếu râu cũng mọc tràn lan khắp mặt mày đầu cổ như cỏ dại, hẳn tôi sẽ tận hưởng cái cảm xúc ngọt ngào đó lâu hơn nữa.
Trang điểm cho tôi xong, Gia Khanh đứng lùi ra một bước, nghiêng đầu ngắm nghía. Vừa ngắm nó vừa cười khúc khích.
- Gì mà cười? - Tôi chột dạ hỏi.
- Trông Khoa "láu" lắm!
Nói xong, Gia Khanh đưa cho tôi một cái gương con.
Tôi tò mò nhìn vào gương. Và tôi cũng không nhịn được cười. Gia Khanh đã quệt cho tôi hai hàng lông mày rậm rì như hai con sâu róm. Mỗi lần tôi nhướng mắt, hai con sâu róm ngọ nguậy trông phát ớn. Nhưng buồn cười nhất là hai hàng ria mép. Hai hàng ria dài và vểnh cong lên như ria của d'Artagnan khiến gương mặt tôi nom láu cá không thể tưởng.
Với bộ tịch như thế, tôi vừa ló mặt ra sân khấu, đang còn ngơ ngơ ngác ngác, chưa nói được câu nào, tụi bạn đã cười ầm. Và mặc dù xuất hiện không nhiều, nhưng những pha "diễn" của tôi luôn được chào đón bằng những tràng pháo tay tán thưởng. Cho đến khi rời khỏi sân khấu, tôi cũng không thể nào tưởng tượng được con người ta có thể thành công trong môn kịch bằng cách vừa diễn vừa... run như tôi.
Gia Khanh đã đứng sẵn sau bục gỗ với chiếc khăn ướt trên tay. Tôi vừa lò dò leo xuống sân khấu, Gia Khanh đã tiến tới trước mặt tôi, dịu dàng nói:
- Để Gia Khanh chùi lọ nghẹ cho!
Và trong khi tôi đứng chết trân vì xúc dộng, chưa kịp đáp, Gia Khanh đã nhẹ nhàng áp chiếc khăn mát lạnh lên mặt tôi. Nhoáng một cái, hai con sâu róm và hàng ria vênh váo đã biến mất khỏi gương mặt tôi. Và hệt như trong những câu chuyện cổ tích đáng giá, chỉ cần công chúa Gia Khanh chạm tay vào người tôi, tôi liền thoát khỏi thân phận của một kẻ tôi tớ nghèo hèn, và lập tức biến thành một... phò mã khôi ngô.
Phò mã khôi ngô nhưng ngờ nghệch. Công chúa chùi lọ ẹ cho phò mã cả buổi rồi mà phò mã cứ đứng lóng ngóng chẳng biết nói gì. Mãi đến khi Gia Khanh chuẩn bị lên hát, tôi mới nói được một câu khách sáo hạng bét:
- Cảm ơn Gia Khanh nghen!
Lời nói vừa thốt ra khỏi cửa miệng, tôi chợt nhận ra sự vô duyên của mình, liền vội vàng lỉnh đi chỗ khác. Tôi chuồn xuống hàng ghế chót, đứng lẫn lộn với tụi học sinh lớp khác, nghếch mắt dòm lên sân khấu. Gia Khanh đang hát cặp với Hòa lé. Hòa vẫn không bỏ tật cũ, vừa hát nó vừa liếc Gia Khanh chằm chặp, cặp mắt nó đong đưa tình tứ. Nhưng lần này tôi không cảm thấy ấm ức nữa. Tôi cũng không thèm ghen tị với Hòa. Ngược lại tôi còn tội nghiệp nó. Nó đâu có biết trên sân khấu Gia Khanh hát chung với nó, nhưng dưới sân khấu Gia Khanh lại mơn trớn lau mặt cho tôi. Nó là ca sĩ, nhưng chính tôi mới là phò mã. Nó có hát đến rã họng, nó có liếc mắt đưa tình đến rách cả khóe cũng không mong chiếm được địa vị của tôi.
Niềm vui của tôi không dừng lại trong ngày hôm đó. Sáng hôm sau, không biết Bá đi đâu về mà nó xồng xộc đâm bổ vào phòng và cầm tay tôi kéo tuốt ra sau vườn. Bộ tịch của Bá khiến tôi không ngăn được thắc mắc:
- Làm gì mà lén lén lút lút vậy?
Khi chỉ còn có hai đứa, Bá cười hì hì:
- Cho mày coi cái này nè!
Vừa nói, Bá vừa rút trong túi ra một tấm hình đưa tôi.
Vừa nhìn thấy tấm hình, tôi đã giật bắn người và kinh ngạc kêu lên:
- Ủa, ở đâu ra vậy?
Hóa ra đó là tấm hình chụp cảnh Gia Khanh đang chùi lọ nghẹ cho tôi hôm qua. Bá có vẻ thích thú trước sự sửng sốt của tôi. Nó ưỡn ngực:
- Tao chụp chứ đâu!
- Xạo!
- Tao xạo mày làm gì!
- Mày làm gì có máy ảnh mà chụp?
Bá khịt mũi:
- Máy ảnh của ông thợ chụp hình. Trường mình thuê ổng vô chụp ảnh liên hoan văn nghệ. Hôm qua, thấy cảnh mùi mẫn của hai đứa mày, tao liền mượn máy ảnh của ổng, đưa lên bấm "cắc" một phát. Thế là có ngay tấm hình "lịch sử" này.
Tôi không thắc mắc nữa. Mà cúi xuống ngắm nghía tấm hình. Đúng như Bá nhận xét, cảnh Gia Khanh lau mặt cho tôi trông thật mùi mẫn. Tôi có cảm tưởng không phải nó chùi lọ nghẹ cho tôi mà nó âu yếm lau... những giọt lệ cho người yêu trước phút chia tay. Sự liên tưởng ngậm ngùi đó khiến tôi không ngăn được một tiếng thở dài. Tôi nói với Bá:
- Mày đưa tao tấm hình này đi!
- Chi vậy?
- Tao tặng Gia Khanh làm kỷ niệm.
Bá dường như đọc được tâm trạng của tôi. Nó không nỡ chọc ghẹo. Mà hất hàm:
- Mày lấy đi.
Tôi mừng như mở cờ trong bụng, liền vội vã rảo bước đến nhà Gia Khanh. Tôi bắt gặp nó đang đứng chải tóc trước cửa.
Thấy tôi xuất hiện, Gia Khanh tròn mắt, nhưng nó chưa kịp hỏi, tôi đã vội vàng lên tiếng:
- Tặng Gia Khanh cái này nè!
Vừa nói tôi vừa dúi tấm hình vào tay nó, rồi lật đật bỏ đi. Tôi không đủ can đảm đứng lại để chứng kiến cảnh Gia Khanh "nghiên cứu" tấm hình tình tứ đó.
Nhưng tôi mới đi được hai mươi thước, đã nghe Gia Khanh gọi giật phía sau:
- Khoa ơi Khoa!
Gia Khanh kêu lớn đến mức tôi không thể giả điếc. Tôi đành phải bồn chồn quay lại, trái tim đập thình thình như muốn văng ra khỏi lồng ngực. Gia Khanh chẳng thèm quan tâm đến vẻ hốt hoảng của tôi. Nó mỉm cười đưa tấm hình:
- Trả cho Khoa nè!
Nó nhẹ nhàng đặt tấm hình vào tay tôi và thản nhiên quay vào nhà và không cần biết tôi có chịu nhận hay không. Tôi cầm lấy tấm hình như cầm một mảnh tình đã vỡ, lòng đau như xé. Như vậy là Gia Khanh đã thẳng tay từ chối tình tôi. Nó không buồn nhận tấm hình kỷ niệm của tôi, hành động đó có khác chi một lời nói phũ phàng. Hóa ra nó lau mặt cho tôi cũng như nó lau mặt cho... em út nó, chùi lọ nghẹ cũng như chùi lòng thòng mũi dãi, chùi cho sạch sẽ vệ sinh chứ nào phải... lau khô lệ thắm, vậy mà thằng Bá và tôi cứ hí hửng kêu "mùi".
Gia Khanh bỏ vô nhà đã lâu mà tôi cứ ngẩn ngơ đứng tựa trời trồng. Phải mất đến mười lăm phút sau, tôi mới hoàn hồn và bần thần đưa tay đút tấm hình vô túi áo.
Nhưng khi giơ tấm hình lên, tôi bỗng nhác thấy một dòng chữ thấp thoáng ở mặt sau. Tôi run run lật ngược tấm hình lại và bàng hoàng khi bắt gặp hàng chữ nguệch ngoạc của Gia Khanh:
- Bốn giờ chiều mai, Gia Khanh đợi Khoa ở Ngàn Khơi!
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]