Chương trước
Chương sau
Mấy ngày sau có vài khách ghé hỏi giá đóng ghe nhưng vẫn chưa muốn mua. Chỉ có khách ghé sửa ghe thì được ba người. Bình ca cùng cậu hai, Sinh ca làm kiếm được gần hai trăm văn. Tiền không nhiều nhưng khởi đầu vậy đã tốt rồi. Ông ngoại và cậu vẫn ngày ngày thăm ruộng, làm đồng. Cửa tiệm do Sinh ca, Bình ca trông chừng. Đôi khi Hữu ca, Cơ ca và Mai ở cửa tiệm vừa học chữ vừa trông quán để người lớn ra đồng bón phân lúa, cuốc đất trồng khoai.
Ở đây có nhiều thuận lợi hơn Đông Hồ. Trấn trên có bán bút lông ngỗng, cọ tập viết, nghiên mực đầy đủ.
Nghiên mực bằng đá xanh, đẽo gọt trơn láng hình chữ nhật, còn khắc hình cây trúc hoặc hoa mai. Nghiên mực cũng có mấy cỡ, cỡ nhỏ bằng bàn tay, cỡ lớn nhất gần bằng hai gang tay. Mai thích thú ngắm nghía mấy hình chạm khắc trên nghiên. Cây trúc là tượng trưng cho người quân tử, bậc trượng phu. Cây mai tượng trưng cho cốt khí thanh cao của văn nhân mặc khách. Mai đương nhiên không mua, chỉ nhìn xem cho biết vậy thôi. Sau này khi nhà mình khá giả mới tính.
Mực viết cũng có mấy loại, loại tốt thì màu mực rất đẹp, có sắc sáng long lanh, để lâu không bị phai. Có thanh mực nhỏ cỡ ngón tay Hữu ca, hơi mềm, dùng mau hết và giá rẻ. Mai cầm thanh mực suy tính, đợi thêm thời gian mình thuộc nhiều chữ sẽ xin cha nương mua giấy mực, nghiên và bút lông đủ bộ mới được. Cũng không phải muốn luyện chữ thư pháp gì, nhưng cô nên tập viết hẳn hoi để ghi chép các việc quan trọng sau này.
Mấy đứa nhỏ đi một vòng ngó nghiên rồi đi ra. Chủ tiệm là một vị thúc thúc râu dài, mặc một thân quần áo xanh rất nho nhã. Ông thấy mấy đứa nhỏ không mua gì cũng không tức giận, đứng ở cửa sửa sang lại mấy xấp giấy lệch.
Dạo một vòng đường lớn trong trấn, a Cơ chỉ tửu lâu hai tầng phía trước nói:
– Lần trước xem múa lân ở đó.
A Duyên bĩu môi liếc hắn. Lần đó là Tết Nguyên Tiêu bà nội và nương không cho hắn đi, sợ hắn còn nhỏ lạc mất.
Vòng qua chỗ có hàng cây cổ thụ sum xuê là một tiệm dược liệu. Tiệm có hai gian, một gian bên trái bày từng hàng dược liệu; gian bên phải có hai ghế dài cho bệnh nhân ngồi chờ. Một vị lang y ngồi bên trong đang bắt mạch chẩn bệnh. Chỗ này là lần trước ông ngoại đến nhờ viết chữ.
Trấn này cũng chỉ vài người biết chữ. Nghe nói là vị thúc thúc chủ cửa tiệm bút mực viết chữ đẹp nhất, phí viễt chữ cũng cao nhất. Lần trước ông ngoại đến thì cửa tiệm đóng cửa nên đến tìm lang y nhờ giúp.
Mai đột nhiên nhớ đến chuyện tổ ong nên kéo mấy biểu ca đi vào. Thấy mấy đứa nhỏ đi vào, trưởng quầy hơi nhíu mày, bước ra phía trước. Mai không đợi ông hỏi đã chắp tay thưa, rồi nói:
– Nhà cháu có lấy được tổ ong lớn, không biết bá bá có muốn mua không?
– Lớn cỡ nào? Nhiều không?
Ông tưởng mấy đứa nhỏ vào quấy phá, không ngờ muốn là bán mật ong. Pha chế dược liệu cũng dùng mật ong. Đôi khi trong các đơn thuốc bổ dưỡng, kiện thân cũng cần nên ông muốn thử xem.
– Mỗi tổ lớn cũng hơn một cân. Tổ nhỏ nhà cháu để ở nhà bán hàng xóm, chỉ bán tổ lớn.
Ý Mai nóii cho ông biết nhà mình có nhiều, còn biết chọn loại tốt bán ra ngoài.
– Tổ lớn là nữa quan một cân, nhiều sáp quá thì giá rẻ hơn.
Ha, Mai chỉ muốn bán mật, còn sáp dĩ nhiên là nhà mình cần dùng, làm sao bán đi.
– Nhà cháu chỉ lấy mật, sáp ong chỉ thỉnh thoảng mới lấy.
Trưởng quầy thấy lạ, xưa nay người ta bán cả tổ ong. Nhiều người còn hút mật để lại bán riêng, làm gì chỉ bán mật, bé gái này muốn gạt ông sao? Thấy nghi ngờ trên mặt ông, Mai nói thêm: – Nhà cháu có học một chút y thuật, biết là mật ong chế biến thuốc phải dùng loại tốt. Pha trộn là chuyện không đúng, có khi vô tâm lại hại người.
Nghe Mai nhắc nhà mình có biết chút y thuật, trưởng quầy hơi ngạc nhiên. Ông nhìn kỹ lại tiểu cô nương trước mặt. Quần áo sạch sẽ, gương mặt tròn tròn, đôi mắt đen long lanh, nói chuyện rất rành mạch. Lại nhìn ba đứa con trai, không phải nhà rất nghèo, cũng tính đủ ăn đủ mặc. Cả ba đứng phía sau nghe hai người nói chuyện chăm chú, không chạy loạn, động tay động chân.
– Nếu mật loại tốt thì một quan hai một cân. Nhưng ta phải xem trước mới trả đúng tiền.
– Dạ, đương nhiên là vậy. Khi nào bá bá cần?
– Cứ mang đến đây, ngày nào cửa tiệm ta cũng mở đến giờ dậu.
– Đa tạ, cháu sẽ nói cha nương ở nhà biết.
Mai không hẹn ngày mà chỉ nói có mật sẽ mang đến, trưởng quầy cũng gật đầu ưng thuận. Dù sao đi lấy tổ ong không phải dễ, có ngày tìm được, có ngày không.
Lúc ra khỏi cửa tiệm, Mai nhìn quanh để ghi nhớ vị trí tiệm dược liệu này. Phía trước là tửu lâu lớn, còn có mấy cây cổ thụ. Thật ra cửa tiệm có bảng hiệu, nhưng Mai chưa nhận ra mấy chữ này. Cô đương nhiên không hỏi trưởng quầy rồi, từ từ cũng biết tên thôi, không vội.
Lúc lên ghe đi về, Hữu ca ôm bụng cười nói:
– A Mai, nhà mình ai biết y thuật vậy?
– Gì chứ? Là Vĩnh ca đó, học y thuật gần một năm rồi. Muội cũng biết một chút mà.
Mai giương mi, lớn tiếng nói làm ba đứa con trai càng cười dữ hơn. Không phải nói học y thuật hai ba chục năm mới làm được lang y sao? Có người cũng không thể làm lang y mà chỉ đứng bốc thuốc như trưởng quầy đó. A Vĩnh mới học chưa được một năm mà a Mai nói khoa trương quá đi. Ha ha ha.
Nhìn mấy biểu ca cười ngặt nghẽo Mai không khỏi hơi quê, xị mặt không nói nhìn ra hai bên bờ sông.
Từ làng lên Trấn Giang này có mấy ngã, theo sông lớn sẽ nhanh hơn. Lần này chỉ có mấy đứa nhỏ muốn đi chơi nên cậu hai dặn phải đi theo rạch nhỏ phía trong. Con rạch rộng cỡ tám thước, nước không sâu, hai bên bờ là hàng dừa nước, cây bần vươn ra mặt nước.
Có đoạn con rạch cặp sát ruộng lúa. Một bầy cò trắng chân cao hơn cả thân lúa đang chăm chỉ mò tôm bắt cá. Thân cò trắng toát trong nắng, cái cổ dài, mỏ hồng hồng sụt vào nước ruộng, ngẩng lên nhịp nhàng rất ngộ. A Duyên không ngồi yên, bẻ nhành cây bần khua loạn xạ làm bầy cò hết hồn bay vụt lên. Tiếng kêu như đánh động, từng đợt cò trắng bay vút lên loang loáng ánh nắng thật sinh động.
– Ca, bụi cây thơm kìa, dừng lại xem có trái chín chưa.
Không kịp đợi Hữu ca tìm chỗ đất khô, a Cơ đã nhanh tay bám lên thân cây bần rồi chuyền vào trong lên bờ. Trên gò đất cao là mấy bụi thơm rất lớn, lá gai tua tủa xung quanh. Tháng này trái thơm bắt đầu chín rồi. Đứa dùng cây đè đầu nhánh gai, đứa bẻ trái cũng không tránh khỏi bị răng cưa trên lá làm xướt da.
‘Lần sau phải mang theo túi lát mới được’ nhìn mấy gò đất gần đó có không ít bụi cây thơm Mai nhủ thầm. Cô rất thích ăn thơm, nấu canh chua cá lóc, xào lòng gà, lòng vịt hay làm mứt thơm đều là món khoái khẩu. Mình làm nước ép thơm mật ong rất tốt cho ông bà ngoại, cho cậu hai nữa.
Gần nửa canh giờ, đi một vòng tìm trái chín, bốn đứa hái được chục mười sáu trái, thảy lên ghe rồi tiếp tục xuôi con rạch về nhà. Nước sắp ròng rồi, gió thổi ngược làm quai nón lá căng lên, cấn vào cổ hơi khó chịu. Mai gỡ nón ra, phơi mặt cho nắng gió giống mấy đứa con trai. Mái tóc cô đã dài gần nửa lưng, được cô thắt thành bím. Gió thổi nhẹ làm những sợi tóc bay bay, mát rượi, còn thoảng mùi vị của nước ngọt, hương mạ non. Cảm giác không gò bó, thật sảng khoái!
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.