Đêm nay là giao thừa, mọi người khắp nơi đều đang hân hoan háo hức chuẩn bị chào đón một năm mới, đồng thời cũng rũ bỏ đi những điều không may mắn của năm trước. Trong khu phố mà Gia Thanh đang ở phải nói là vô cùng náo nhiệt. Bên dưới sân ngoại trừ quầy nước đắt khách của dì Năm ra, nhà nào cũng bắt đầu trưng đầy chậu hoa mai, hoa đào lẫn chậu quất để buôn bán. Ba mẹ của Gia Thanh sau một năm đi làm ăn xa, rốt cuộc cũng đã trở về. Ba của gã không giống với những người khác trong khu phố, ông không bày bán hoa mai hoa đào hay quất, ngược lại bày biện rất nhiều đồ vật may mắn dành cho năm mới, rực rỡ sắc đỏ. Còn mẹ của gã thì loay hoay ở dưới bếp suốt mấy tiếng để chuẩn bị cho những phong tục tập quán vào đêm giao thừa, chẳng thể nhàn rỗi nổi một phút nào. Riêng Gia Thanh thì rất thảnh thơi. Sau khi dọn dẹp xong các phòng, từ phòng khách đến phòng tắm, gã lập tức chạy ào vào phòng ngủ, sửa soạn quần áo trên người khoảng năm phút rồi xoay người, với lấy chiếc túi bạt màu đen đeo lên lưng. Lúc Gia Thanh đi ra tới cửa nhà, đang định ngồi xuống mang giày vào thì nghe thấy tiếng nói đầy nội lực của mẹ mình vọng ra từ phòng bếp: “Thanh! Mày lại định đi đâu đó?” Có lẽ đã quá quen thuộc với giọng điệu khủng khiếp này rồi, Gia Thanh không mảy may sợ sệt, vẫn bình tĩnh buộc thắt dây giày. Xong xuôi, gã ngẩng đầu, dùng nội lực giống mẹ mình nói thật lớn: “Con đi đón năm mới!” “Đón cái cù lôi! Có phải lại chạy sang nhà thằng Lịch tụ tập không hả?” “Quả nhiên là mẹ yêu của con, con đi đâu cũng biết hết ớ!” Gia Thanh cười ha hả tự hào nói xong thì đứng dậy, chưa kịp phủi bụi dính sau quần đã nghe thấy tiếng bước chân đang tiến đến gần. Âm thanh này quen tai lắm, gã cảnh giác quay phắt lại, đập vào trong mắt là hình ảnh người mẹ yêu dấu đang cầm một cây roi giơ lên giữa không trung, đôi mắt đằng đằng sát khí nhìn gã. “Mẹ…” Gia Thanh nuốt nước bọt, đôi chân thoăn thoắt lùi về phía cửa nhà, giả vờ cười cười lấy lệ “Con đi một chút thôi, đi mua đồ với nó một tí rồi về ngay ấy mà!” Mẹ gã vẫn lăm lăm nhìn, khóe môi khẩy cười: “Gì nào? Về ngay ấy hả? Về ngay của mày có phải sang nốt ngày mai rồi mới về không hử?” Gia Thanh như là oan ức lắm, trừng mắt nói: “Làm gì có! Con dám thề với đầu gối của mình, con chưa bao giờ overnight!” Nghe gã nói nửa này nửa kia, mẹ liền hù đánh một cái: “Mày muốn over không? Rốt cuộc là đi đâu, với ai, mấy giờ về?” Gia Thanh thở dài: “Con đi chơi với bọn thằng Lịch một chút, trước mười hai giờ sẽ về!” “Trễ một phút là chết mẹ với tao nghe chưa?” “Mẹ, mẹ có thể bớt bạo lực được không? Người ta thì con yêu con dấu, sao mẹ hở tí là chết chóc thế kia?” “Còn dám chê mẹ mày!” Mẹ bất ngờ sấn tới trước, suýt nữa đầu roi đã vút qua mặt đối phương. Cả nhà sống với nhau tính đến giờ đã ngót nghét mười tám năm, Gia Thanh còn lạ gì với tuyệt chiêu của mẹ mình nữa? Vừa thấy đòn roi vụt qua trước mặt, gã đã nhanh gọn lẹ tránh né như một siêu nhân. Sau cùng, gã tranh thủ cơ hội vặn nắm cửa, chạy ào ra ngoài thoát thân. Ngay lúc đó, mẹ gã cũng mở cửa, chửi vọng theo: “Cụ nhà mày! Chạy xe cẩn thận đó! Không phải tháng cô hồn đâu mà lượn lờ!” Đóng cửa lại, mẹ nhất thời cau mày thở dài, trong miệng thì lầm bầm: “Con với cái, suốt ngày không lo học hành mà toàn tụ tập đàn đúm!” Lúc nói đến đây, mẹ chợt nghĩ tới chuyện gì đó không hề sáng sủa, sắc mặt tái nhợt, lo lắng thấy rõ. Thôi chết cụ, tụ tập đàn đúm với mỗi bọn thằng Lịch, có khi nào hai đứa nó có gì rồi không? Gia Thanh tăng tốc chạy xuống dưới sân, vừa chạm mặt dì Năm đã nghe dì quở trách: “Mày đó nha, ba mẹ lâu lâu mới về mà cứ chọc chửi hoài! Mẹ mày chửi từ lầu bốn mà tầng trệt nghe hết ráo!” “Hờ hờ, dì Năm còn không biết tính mẹ con hả? Mẹ con một ngày không chửi con sẽ ăn không ngon, ngủ không yên đâu.” Gia Thanh cười cười nói thêm “Vả lại, càng yêu càng chửi, gu nhà con nó thế đấy!” Dì Năm vừa liếc mắt nhìn ly cà phê đen đang pha cho khách vừa nói: “Ôi giồi, mày nói hay thế nhở? Thế có muốn tao mách lại vụ hôm bữa dẫn bạn bè về nhà tụ tập không hả?” Gia Thanh quay đầu nhìn người phụ nữ đang cuộn cả chục cuốn lô trên đầu, ngoài mặt nhăn mày khó chịu, trong lòng tự dưng thấy bất an. Gã nhớ ngày hôm đó có kéo vài đứa sang nhà chơi, ngoài La Lịch ra thì còn hai người khác cùng lớp. La Lịch thì quen mặt quá rồi, nhưng hai thằng kia thì lạ hoắc. Nhắc mới nhớ, hôm đó hèn gì dì Năm cứ lăm le hai thằng kia hoài, chắc là sợ mình đưa “giặc” về nhà đây mà. Có điều, tụi gã đâu có làm gì mờ ám với nhau đâu? Đều là con trai với nhau, nếu không chơi game điện tử thì cùng lắm là mở phim xem thôi. Phim gì thì tùy mọi người nghĩ vậy. Hơn nữa, cả đám còn là trai thẳng, lẽ nào có chuyện mập mờ ái muội ở đây? Điên hết rồi! Quả nhiên người nguy hiểm nhất trên thế giới này không còn ai khác ngoài hàng xóm! Gia Thanh thở dài một tiếng rồi ngẩng đầu lên, ánh mắt gian tà nói một câu: “Thôi dì Năm đừng để ý đến con làm gì! Con nói này, dì lo mà quản con heo vàng trong tủ của mình đi. Xem xem thằng con quý báu của dì có rút đồng bạc nào không?” Dứt lời, gã nhanh chóng xoay người, phóng lên con xe đạp tay ngang, bóng dáng chẳng mấy chốc đã biến mất ở đầu hẻm. Dì Năm nghe vậy thì bán tín bán nghi. Lúc nhận tiền từ khách xong, dì hơi liếc mắt sang con heo vàng trong hộc tủ cuối cùng. Giọng điệu của Gia Thanh nói nghiêm túc thì không nghiêm túc, mà nói đùa giỡn thì cũng không đùa giỡn. Thây kệ, kiểm tra cho chắc! Dì Năm mở hộc tủ, kiểm tra con heo vàng. Một hồi sau, dì bỗng rú lên một câu, vọng vào trong ngôi nhà đối diện quầy nước của mình: “Tổ mẹ mày! Thằng Hoàng! Mày ở trong phòng đợi tao về tao xử nha chưa!” — Ngoài đầu ngõ, La Lịch đã đứng đợi từ mười lăm phút trước. Sau khi nhận được tin nhắn của Gia Thanh, La Lịch cũng không vội vàng gì. Cậu ta đi từ phòng học nhạc sang phòng ngủ, thong thả lựa chọn một bộ quần áo chỉn chu nhất mặc vào, sau đó còn nhâm nhi uống một cốc cacao nóng, cuối cùng mới rời khỏi nhà. Thế mà khi đến nơi, không ngờ phải đợi thêm mười lăm phút nữa mới thấy bóng dáng của Gia Thanh xuất hiện. La Lịch quấn khăn choàng quanh cổ, kéo xuống một chút để lộ ra cái miệng luôn nói ra những lời vàng ngọc tao nhã lịch thiệp, cười với người đối diện: “Ngủ mới dậy hả?” Gia Thanh gác hai tay trên tay lái, vò tóc nói: “Nố nồ, là bị mẫu thân giữ lại giáo huấn rồi gặp thêm dì hàng xóm tình thương mến thương quan tâm hỏi han mấy câu.” Nói đoạn, gã gục mặt thở dài: “Hành mình vãi cún.” La Lịch ngồi lên xe đạp, ánh mắt liếc nhìn dáng người Gia Thanh từ trên xuống dưới, khẽ thở ra một làn khói mỏng: “Thôi, ngày cuối của năm rồi, mặc kệ đi. Mẹ cậu yêu cậu nên mới mắng đó.” Gia Thanh đạp xe song song với La Lịch, nhếch môi đồng ý: “Biết mà biết mà, mẹ tao yêu—“ Gã nói giữa chừng thì đột nhiên dừng lại, nhìn La Lịch. La Lịch cũng nghiêng mặt thanh tú nhìn một cái, đáy mắt như lộ ra một tia suy nghĩ gì đó. Gia Thanh tằng hắng: “Mẹ tôi yêu tôi nhất rồi.” Trước giờ ai cũng biết tính tình Gia Thanh rất thẳng thắn và đôi lúc còn mang theo mùi vị của một chàng trai đậm chất giang hồ. Vì thế cách ăn nói của gã cũng tương đối dân dã, giống như người trong khu phố của gã vậy. Song, lúc chơi thân với đám của La Lịch, hầu như ai cũng khác biệt với gã hoàn toàn. Kỳ Họa Niên tuy lớn lên cũng trong hoàn cảnh không giàu có và quy tắc, nhưng cậu là một người ăn nói điềm đạm từ tốn, mỗi một lời nói ra đều khiến người khác hài lòng. Mặc dù khi xưng hô với Gia Thanh luôn là một tiếng “tôi” và một tiếng “cậu”, nhưng cũng có lúc phá lệ, xưng “tao” với “mày” cũng chẳng ảnh hưởng gì ghê gớm. Ngặt nỗi, Lý Thiệu Lâm và La Lịch thì không phải kiểu người này. Cả hai gia đình đều là dạng người tri thức, chức cao vọng trọng, lối sống luôn đi kèm với quy tắc và lễ nghi, cho nên ăn nói cũng rất chừng mực đoan chính. Thế nên từ đó về sau, Gia Thanh luôn tự nhắc nhở bản thân phải thay đổi cách xưng hô đối với hai người họ. Ban đầu thì chưa quen lắm, nhưng gọi riết thì cũng quen miệng thôi. La Lịch biết rõ người kia chỉ là vô ý, bèn chép miệng nói: “Chúng ta đến đó trước, một lát Du Du sẽ đến sau.” Nửa tiếng sau, ở trên giữa thân cầu rực rỡ ánh đèn, có hai thiếu niên đứng bên cạnh nhau, chẳng biết nói chuyện gì với nhau nhưng trông nét mặt của ai cũng rất vui vẻ và phấn khích. Phía dưới là dòng xe cộ đông như mắc cửi, hai bên đường vừa trưng bày chậu quất vừa treo những sợi dây câu đối màu đỏ may mắn. La Lịch cúi người lấy từ trong cặp ra vài cây pháo nhỏ, đong đưa trước mặt Gia Thanh. Gia Thanh với tay cầm một cây, tay còn lại đang cầm một đồ bật lửa, chau mày lầm bầm: “Thằng nhóc con kia đi gì mà chậm quá vậy?” La Lịch ngoảnh đầu ngó xuống dưới thân cầu, nhìn theo dòng ánh sáng luân chuyển liên tục, lắc đầu nói: “Ai mà biết. Chắc là đang đi rồi, dù sao thì— ờ, đến rồi kìa.” Gia Thanh lập tức ngoảnh đầu tìm kiếm: “Đâu?” La Lịch tỉnh bơ chỉ chỉ tay xuống bên lề đường, một chiếc xe hơi màu trắng đang yên tĩnh đỗ ở đó. Cửa xe bật mở, một người đàn ông lớn tuổi bước xuống trước, tiếp theo là một cậu nhóc được bọc kỹ bởi quần áo đắt tiền. Trên đầu còn có chiếc mũ len màu đỏ, nổi bật như một đốm lửa nhỏ. Gia Thanh xuýt xoa nói: “Chà, cậu ấm có khác ha.” La Lịch gật gật đáp: “Đâu chỉ là cậu ấm thôi, là một cậu ấm nhỏ nhỏ nhỏ.” Trong lúc hai người bọn họ đang bàn luận về kiểu dáng của mấy hãng xe hơi cổ điển thì Diệc Du ở đằng xa đang chạy đến gần, đốm lửa nhỏ trên đỉnh đầu lung lay theo từng chuyển động của cậu nhóc. Diệc Du thở một hơi, nhỏ giọng gọi: “Mọi người ơi, mình đến òi nè.” (mình đến rồi nè) Gia Thanh dựa trên thành cầu, lườm nguýt nó: “Biết mấy giờ rồi không? Để bọn này chờ đợi cậu mà coi được à?” La Lịch ở bên cạnh chỉ mỉm cười không nói gì. Thật ra Gia Thanh chỉ nói quá thôi, mới đợi có hai mươi phút chứ có bao lâu đâu. Chẳng bù cho mình đợi gã hơn nửa tiếng đồng hồ, đó là đã tính luôn thời gian mình lề mề ở nhà rồi đấy. Diệc Du vốn đã rất sợ bản tính hung hăng của Gia Thanh rồi. Nó im im nhìn gã, không biết giải thích như thế nào. Chẳng qua khi nãy nó đến muộn như vậy là vì đường lớn bị ùn tắc không nhẹ, người người khắp nơi đều đổ ra đường chuẩn bị đón năm mới và xem pháo hoa, cho nên ô tô mới bị kẹt lại. Nhưng mà đối diện với Gia Thanh, Diệc Du không muốn giải thích, nó sợ trong lúc nói sẽ tự mình nuốt luôn chiếc lưỡi nhỏ, thế là khéo léo lấy từ trong túi ra vài viên kẹo rất bắt mắt, nhét vào tay Gia Thanh một đống. Gia Thanh cúi nhìn đống kẹo nằm ngổn ngang trong tay, nhất thời đơ người. La Lịch nghiêng đầu qua nhìn, ghen tị nói: “Ê, tớ thích ăn kẹo này lắm nè.” Diệc Du ngoan ngoãn hiểu chuyện lấy ra thêm một bọc kẹo nữa, ấn vào tay La Lịch. Xong xuôi, nó cười rộ lên nói: “Lì xì đó!” “Lì xì?” Gia Thanh quay về trạng thái bình thường rồi, trong lòng cũng không giận dỗi nữa mà chỉ thấy buồn cười, nhẹ gõ lên đầu Diệc Du, nói “Ngố ơi là ngố! Ngày mai mới lì xì chứ?” “Không thích. Thích bây giờ cơ!” Diệc Du mạnh mẽ nói ra chính kiến. La Lịch xoa xoa đầu nó, cười bảo: “Cám ơn nhóc nha, ngày tới gặp nhau, bọn này lì xì cho cậu nhá.”“Ừm, nhớ nha.” Diệc Du vui vẻ đáp, sau đó cẩn thận ôm lấy chiếc túi màu đỏ trước ngực mình Túi đỏ hơi cộm lên khiến cho Gia Thanh tò mò. Gã chỉ tay hỏi Diệc Du: “Trong đó còn đựng gì thế? Kẹo hả?” Diệc Du cúi đầu nhìn xuống, hồi sau gật đầu, giọng nói bùi tai như khoai nướng: “Cái này dành cho Họa Niên ớ. Đợi cậu ấy về sẽ lì xì cho cậu ấy! Còn có một phần cho Thiệu Lâm nữa, nhưng không biết lì xì làm sao hết!” Một câu nói lại khiến cho hai người còn lại rơi vào trầm mặc. Gia Thanh đánh mắt nhìn sang La Lịch, phát hiện La Lịch cũng nhìn mình. Cả hai trao đổi ánh mắt mấy giây rồi đồng loạt thở dài. Đứa nhỏ này vô cùng hiểu chuyện, nhưng mà vẫn có một số chuyện không cách nào nói cho nó hiểu hết được. Gia Thanh đột nhiên lặng người không muốn nói thêm gì, chỉ nghiêng đầu giả vờ ngắm phong cảnh. La Lịch lúc này bước tới trước mặt Diệc Du, nhẹ nhàng nói: “Thật ra vẫn có thể lì xì cho Thiệu Lâm đó, nhưng mà Du Du phải đưa quà cho tụi này, tụi này thay cậu gửi cho Thiệu Lâm ha.” “Thật không?” Diệc Du xoa xoa chiếc túi đỏ. “Thật chứ sao không.” La Lịch cười rất chân thành. Thấy vậy, Diệc Du không nghi ngờ gì thêm, lấy túi kẹo trong túi ra đưa cho đối phương, còn nhỏ giọng dặn dò: “Nói với Thiệu Lâm là Du nhớ cậu ấy lắm á.” “Ừm, biết rồi.” La Lịch cẩn thận cất gói kẹo vào cặp mình. Ở bên kia, Gia Thanh cầm lên một cây pháo nhỏ đưa cho Diệc Du, nhưng gã không châm lửa cho nó. Thằng nhóc này ngốc nghếch lại còn hậu đậu, sợ không cẩn thận lại làm ra chuyện gì đó xui xẻo. Diệc Du cầm cây pháo, nhìn nhìn một hồi, thắc mắc: “Ủa, lửa đâu òi?” (Ủa, lửa đâu rồi?) “Lửa trên đầu cậu kìa.” Gia Thanh nín cười trêu, sau đó kéo nó tới bên thành cầu, thấp giọng nói “Nếu thấy nhớ Thiệu Lâm thì phải lớn nhanh lên một chút, lớn rồi thì mới gặp được.” Diệc Du huơ huơ cây pháo ở trước mặt, tuy không có lửa và những tia sáng bắn ra, song nó vẫn cười lên rất vui vẻ. Sau khi nghe Gia Thanh nói xong, nó hơi nghiêng đầu nghĩ ngợi gì đó rất lâu mới trả lời. “Ừm ừm! Du nhớ rồi mà, ngày nào cũng ăn uống đúng giờ, học hành chăm chỉ, nhất định sẽ lớn rất nhanh thôi! Hôm qua mới đo chiều cao xong, sắp được 1m60 rồi đó.” Gia Thanh liếc nhìn nó, không nhịn được véo má nó một cái: “Ăn vừa vừa thôi, béo lên thì sao mà múa nữa?” Diệc Du đưa tay ôm mặt, chạy trốn bên cạnh La Lịch, bĩu môi đáp: “Không béo được đâu.” La Lịch là người đứng giữa, cậu ta thản nhiên dang rộng cánh tay, quàng qua cổ của hai người còn lại, kéo đến gần. Ba cái đầu đen sì chau sát vào nhau, cùng nhìn ngắm khung cảnh rực rỡ hân hoan trước mặt. “Bao lâu thì có pháo hoa ta?” Diệc Du náo nức hỏi. “Một tiếng bốn mươi phút nữa.” La Lịch chậm rãi trả lời. “Má, vậy ngủ một giấc dậy rồi ngắm luôn cho vuông nhờ?” Gia Thanh khe khẽ ngáp. “Trời ơi, lâu muốn xỉu xỉu.” Cả người Diệc Du xìu xuống như bong bóng xì hơi, ngã vào người La Lịch. La Lịch ngán ngẩm thở dài, không buồn liếc nhìn hai con bạch tuộc đang bám chặt vào mình. Cậu ta đưa máy ảnh lên, chụp lại vài tấm kỷ niệm. Trong lúc đang lia ống kính về phía một chàng trai đứng bên lề đường, dáng người cao ráo gầy gầy giống như Kỳ Họa Niên, đột nhiên nảy ra một ý tưởng. “Ê!” La Lịch hô lên “Hay tụi mình gọi cho Họa Niên không? Chắc giờ này cậu ta cũng đang đón giao thừa với đội thiện nguyện nhỉ?” Nghe đến Kỳ Họa Niên, hai con bạch tuộc vật vờ kia tự nhiên sống dậy. Gia Thanh rất đồng tình với đề nghị này. Diệc Du thì không phải bàn nữa, giơ cả hai tay lên trời mà quên mình còn đang giữ một cây pháo. Cây pháo rơi tự do từ khoảng cách rất cao, lúc đáp xuống mặt đường thì bị gió thổi cho lăn đến bên lề phải. Cứ nghĩ cây pháo hoa ấy sẽ bị rơi vào quên lãng, nhưng không ngờ lại có người cúi người nhặt nó lên. Diệc Du chăm chú nhìn cây pháo, sau đó từ từ nhìn đến người nọ, nhỏ giọng ủ rũ: “Pháo hoa mất tiêu rồi…” Gia Thanh đang tìm cách liên lạc với Kỳ Họa Niên cho nên không để ý. Chỉ có La Lịch nghe thấy giọng điệu buồn bã của nó, bèn quay sang hỏi: “Gì vậy?” Diệc Du nghiêng đầu chỉ tay xuống bên lề đường, khẽ nói: “Pháo hoa mất rồi, cái người kia lấy mất tiêu rồi…” Ngay sau đó, La Lịch nhìn theo hướng tay của Diệc Du, chợt trông thấy chàng thiếu niên mà mình đã nhìn thấy trước đó. Cậu bạn này có nhiều nét tương đồng với Kỳ Họa Niên, nhưng cậu ta chỉ đứng ở đó một mình, lặng lẽ vô cùng. “Mất rồi thì thôi vậy, bọn này còn nhiều lắm.” La Lịch xoa xoa đầu Diệc Du rồi lấy ra một cây pháo khác đưa cho nó. Cùng lúc ấy, Gia Thanh thình lình rú lên như nhặt được vàng: “Ê ê ê, kết nối được rồi, kết nối được rồi nè.” La Lịch kéo tay Diệc Du đi qua bên đó, cả ba cái đầu lại tiếp tục chau sát vào nhau, chăm chú nhìn vào màn hình. Vòng tròn trên màn hình cứ xoay mãi, xoay mãi khiến cho lòng người cũng hồi hộp theo. Khoảng năm phút sau đó, vòng tròn kia nháy mắt đã biến mất, thay vào là một bóng tối mờ mịt. Cả ba liếc mắt nhìn nhau, nhất thời nghệch ra không hiểu chuyện gì. Nhưng chưa đầy năm giây tiếp theo, một khuôn mặt xuất hiện giữa bóng đêm, sáng ngời như ánh trăng. Dù cho đêm nay sẽ không thể có ánh trăng tròn vành vạnh được. Ngay khi nhìn thấy Kỳ Họa Niên, Diệc Du như chú chim nhỏ ríu rít hót không ngừng: “Họa Niên kìa, Họa Niên ơi, Họa Niênnnnnnn! Du nè, Du nè, thấy Du không?” La Lịch cũng cười lên gọi: “Hello, nghe rõ không?” Kỳ Họa Niên bên kia vẫn chưa ừ hử gì. Gia Thanh bị đứng hình một chốc bởi giọng điệu oanh tạc của Diệc Du, gã hé miệng ngập ngừng giây lát rồi bất ngờ tuôn trào: “Ông nội vợ ơi! Kết nối rồi nhưng sao im re vậy? Ê, nghe gì không? Ê, mở cái mồm ra xem nàoooo.” Tiếng “nào” kéo dài lê thê vừa dứt thì bỗng nghe thấy một giọng nói trầm tĩnh nam tính cất lên: “Cháu trai, nhớ ông nội không?”
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]