🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau


Ngày hôm sau đã là 29 tết, không khí xuân rộn ràng lan từ ngoài đường phố đến khắp các ngõ ngách, tràn vào trong cả bệnh viện.

Buổi sáng Trung ngủ dậy, thấy tôi cũng nằm ở sofa mới mỉm cười:

– Chào buổi sáng.

Tôi cũng cười:

– Chào buổi sáng.

Ánh nắng ban mai của ngày mới xuyên qua cửa sổ, chiếu lên giường, khuôn mặt của anh hôm nay đã có vẻ khá hơn hôm qua, nhưng nói chung vẫn xanh rợt như tàu lá. Mới chỉ qua một ngày thôi mà trông Trung như gầy thêm mấy phần, khiến tôi không nhịn được, cảm thấy rất xót xa.

Tôi hỏi:

– Anh có muốn ăn gì không? Sáng nay ăn cháo nhé?

– Em lại định đứng xếp hàng chờ cháo chim đấy à?

– Vâng. Hôm nay đúng thứ 4, kiểu gì cũng có cháo chim.

– Ừ, em cũng mua gì ăn đi nhé, đừng chỉ lấy cháo cho một mình anh.

– Vâng, em biết rồi.

Lúc tôi đang xếp hàng chờ cháo thì mẹ tôi gọi điện lên, bà gọi vào thời gian này, chắc là hỏi tôi với Trung có về ăn tết không. Tôi thở dài một tiếng, nhờ chị đứng phía sau giữ chỗ rồi lặng lẽ đi ra một nơi yên tĩnh, bấm nút nghe máy:

– Alo, mẹ à?

– Ừ. Con đang làm gì thế? Đã ăn sáng chưa?

– Con đang đi mua đây mẹ ạ. Mẹ ăn chưa?

– Mẹ ăn rồi. Mẹ gọi để hỏi con xem tết có về không?

Tôi do dự một lúc mới miễn cưỡng đáp:

– Tết đúng lịch anh Trung chạy thận nên có khi bọn con không về được mẹ ạ. Hay là con về đón mẹ lên đây ăn tết cùng bọn con nhé?

– Trung dạo này không khỏe à con? Sao mẹ thấy lịch chạy thận dày hơn trước thế?

– Đâu, anh ấy chuẩn bị ghép thận nên dạo này phải nằm viện nhiều để kiểm tra sức khỏe mẹ ạ. Con ngại chạy đi chạy về nên đăng ký phòng bệnh ở lại luôn.

– Thế tết con được nghỉ mấy ngày?

– Con được nghỉ 7 ngày ạ.

– Ừ, thế để mẹ lên cũng được. Nhưng chắc là phải mùng 3 mẹ mới lên được. Gần tết khách mua hàng nhiều, với cả cũng phải ở nhà thắp hương thắp khói, rồi làm cơm cúng gia tiên nữa. Không lên sớm được. Mùng 3 có xe mẹ lên.

Nghe mẹ nói thế, sống mũi của tôi lại bắt đầu cay cay, cứ nghĩ đến việc bà ở quê đón giao thừa một mình, rồi 3 ngày tết cũng lủi thủi một mình, tôi thấy thương vô cùng:

– Vâng ạ. Mẹ cố gắng nhé. Con sẽ gọi điện về thường xuyên. Đến mùng 3 rồi mẹ lên với con.

– Ừ, thế mấy đứa có ăn gì không? Hay mẹ nhờ dì Oanh làm con gà rồi mang lên nhé?

– Thôi, mất công mẹ xách lên, cách rách lắm, trên này có rồi. Mẹ cứ bắt xe lên đây với bọn con thôi.

– Ừ, hôm ấy mẹ lên. Ở trên đó chịu khó chăm sóc Trung nhé, bảo nó cố gắng, nốt tết năm nay nữa thôi, tết năm sau là khỏe rồi, được về nhà rồi.

– Vâng ạ.

Cúp máy xong, tôi ngẩng đầu nhìn dòng chữ Happy New Year được treo ngay cổng Khu cách ly, bỗng dưng lại tự hỏi chẳng biết Trung còn tết năm sau nữa không, anh có kiên cường chống đỡ được tới khi ghép thận và rời khỏi nơi này hay không. Sao tới bây giờ bỗng nhiên tôi cảm thấy mọi thứ trở nên mông lung vô định quá, chẳng biết phải nỗ lực thế nào mới đến tận cùng!

Quay về phòng bệnh, đút cháo cho anh xong tôi mới đến phòng bác sĩ trưởng khoa. Tôi hỏi chú ấy tình hình của Trung, nhưng chú ấy chỉ lắc đầu, bảo bây giờ mọi chuyện chỉ chờ vào sức khỏe của anh, gia đình bên kia tạm thời vẫn chưa rút ống thở của con trai họ, đây là chuyện liên quan đến sinh mệnh và đạo đức, không thể ép gia đình họ rút ống thở để lấy thận ghép cho Trung được, thế nên chúng tôi chỉ có thể chờ đợi thôi.

Tôi biết, tôi hiểu điều này nên cuối cùng chỉ mỉm cười:

– Cháu cảm ơn chú, cháu không mong cậu thanh niên ấy mất, cháu chỉ mong chồng cháu sớm khỏe mạnh thôi ạ.

– Suy thận giai đoạn cuối cơ thể có nhiều biến chứng và suy kiệt rất nhanh. Có thể hôm nay thấy khỏe mạnh đấy, nhưng chỉ qua vài tiếng thôi đã khác hoàn toàn rồi. Cháu cứ chăm sóc chồng cháu cho tốt, cố gắng làm sao cầm cự được đến ngày ghép thận. Biết không?

– Vâng, cháu sẽ cố gắng ạ.

– Mấy hôm chú vào khám, thấy Trung cứ ngồi thẫn thờ một mình, hình như thời gian này cháu bận nên vào viện ít hơn trước hả?

– Vâng. Dạo này việc của cháu bận quá, bình thường trước thì ở cả ngày được, nhưng giờ ngày chỉ vào được vài tiếng, có khi cách ngày mới vào được chú ạ.

– Nó có vẻ buồn đấy. Đây là thời gian khó khăn, công việc gì thì công việc, tất cả không quan trọng bằng sức khỏe của chồng cháu được. Cố gắng động viên chồng nhiều vào. Tinh thần tốt mới có sức chống chọi lại bệnh tật.

– Vâng, cháu biết rồi, cháu cảm ơn chú ạ.

Rời khỏi phòng bác sĩ, tôi thẫn thờ đi trên hành lang, lòng nặng trĩu vô vàn, chẳng biết phải làm gì ngoài chuyện tự trách bản thân mình. Vì tôi không tốt nên hai người đàn ông, chẳng ai được vui vẻ.

Đang lững thững bước đi thì thấy Thanh bưng một khay hoa quả bước vào phòng bệnh, đêm qua cô ấy cũng lo cho Trung nên ngủ rất ít, sáng ngày hôm nay hai bọng mắt đã thâm quầng, gương mặt đầy vẻ mệt mỏi.

Thấy tôi, ánh mắt Thanh mới sáng lên đôi chút:

– Chị, chị đi gặp chú trưởng khoa về rồi đấy à?

– Ừ, em mua hoa quả mới à?

– Vâng, da anh Trung khô quá chị ạ, uống nước cam cho mát, với cả tăng sức đề kháng nữa.

Cô ấy nhìn tôi, nặn ra một nụ cười gượng gạo:

– Chú trưởng khoa nói sao hả chị?

– Bảo bây giờ cố gắng cầm cự ngày nào hay ngày ấy thôi, mong là anh ấy sẽ chờ được đến ngày ghép thận.

Bàn tay đang bưng khay hoa quả của Thanh đột nhiên siết chặt, các khớp xương hằn lên trắng bệch. Có lẽ, cô ấy cũng đau lòng như tôi, lo lắng như tôi, thậm chí cũng sợ hãi như tôi. Nhưng bây giờ, chúng tôi chẳng có cách nào ngoài việc động viên nhau cả:

– Vâng, thôi giờ biết sao được, phải cố gắng thôi. Em với chị cùng chăm sóc anh ấy nhé? Có chị ở đây, anh ấy rất vui.

– Đâu chỉ mình chị, có em anh ấy cũng rất vui mà. Thôi vào đi em, để anh ấy một mình lâu chị không yên tâm.

– Vâng.

Buổi trưa hôm ấy, nhân lúc Trung ngủ, tôi mới lấy điện thoại ra nhắn cho Khánh một tin, hỏi anh đã ăn cơm chưa.

Rất lâu sau đó anh mới nhắn lại:

– Anh ăn rồi, em ăn chưa?

– Em ăn rồi. Anh người yêu có nhớ em không?

– Chẳng nhớ tý nào.

– Thật à?

Anh gửi lại một icon mặt cười, không kèm câu gì. Tôi biết anh vẫn còn phiền muộn vì chuyện tôi ở lại bệnh viện hôm qua nên chủ động làm lành:

– Chẳng bù cho em, nhớ anh mà ngủ cũng mơ thấy anh.

– Thật không?

– Thật.

Nói đến đây, không hiểu sao tự dưng tôi lại nhớ đến mẹ anh, không biết mấy ngày hôm nay bà có nhắc gì với Khánh về tôi không. Nhưng không thấy anh đả động gì đến nên tôi kiếm cớ hỏi:

– Mà gần tết rồi, anh không về bên nhà bố mẹ à?

– Anh đang định tối nay về bên ấy ăn cơm.

– Khoảng mấy giờ anh về nhà?

– Sao thế? Em định tranh thủ về dụ dỗ anh đấy hả?

– Làm gì có, em hỏi thôi.

– Thế thì anh đi cả đêm.

Tôi phì cười, ngón tay nhanh như chớp lướt trên bàn phím:

– Đúng là không nhớ em thật rồi. Đi cả đêm thì em biết ôm ai ngủ bây giờ.

Lần này, anh im lặng vài phút. Mãi đến khi tôi tưởng anh giận thật thì lại nhận được tin nhắn:

– Khoảng 10h anh về nhà. Anh đang bận một tý nhé.

Sau đó, hình như anh nhớ ra chuyện gì nên lại gửi thêm một tin:

– Nhớ vợ.

Lòng tôi phút chốc mềm mại như bị một sợi lông vũ cọ vào, tê tê ngứa ngứa, cũng rất yên bình và ấm áp. Chỉ anh mới có thể cho tôi cảm giác này.

Tôi tủm tỉm nhắn lại:

– Nhớ anh!

Tối đó, tôi vẫn ở lại bệnh viện với Trung, đút cho anh ăn, dỗ anh ngủ xong tôi mới dặn Thanh chăm sóc anh giúp tôi rồi mới ra về.

Khi taxi dừng lại khu đô thị mới chỉ mới hơn 9 giờ, sớm hơn thời gian anh về nhà một tiếng. Tôi nghĩ giờ này Khánh đang ở bên nhà chính ăn cơm nên cũng không nhắn tin, chỉ lẳng lặng về nhà đợi anh.

Chỉ là, lúc đi vào ngã rẽ thì bỗng dưng lại trông thấy một chiếc xe từ bên trong đi ngược trở ra. Tôi không nhìn thấy biển số xe, nhưng tôi nhận ra được đó là chiếc Vinfast màu hồng mà Vân vẫn thường đi.

Muộn rồi, cô ấy còn đến đây làm gì? Vân vào nhà Khánh hay chỉ tình cờ đến thăm người quen nên mới vào đây, sao tự nhiên trông thấy xe cô ấy, tôi lại thấy bất an thế này nhỉ?

Tôi mang theo tâm trạng thấp thỏm về nhà, lúc về đến nhà thì thấy xe Khánh ở trong gara nhưng nhà cửa trống trơn. Vào bên trong phòng khách còn ngửi thấy mùi nước hoa thoang thoảng.

Tôi nhớ mùi hương này, bởi vì lúc chúng tôi cãi nhau đã ngửi thấy trên người anh một lần. Khi đó tôi nghĩ mãi nhưng vẫn không biết nó quen ở chỗ nào, tới giờ mới nhớ ra nó giống mùi nước hoa của Vân.

Đúng thật, cô ấy vừa mới ở đây!

Tim tôi đột nhiên nhói mạnh một cái, có lẽ ám ảnh bị phản bội 6 năm trước vẫn còn hiện hữu rất rõ ràng trong đầu tôi. Tôi như chim sợ cành cong, không thể nhịn được, tưởng tượng ra rất nhiều thứ, sau đó, lòng cũng bỗng dưng thắt lại.

Tôi đi theo mùi nước hoa, chậm rãi lên cầu thang, phát hiện ra loại hương ấy kéo dài đến tận phòng ngủ. Lúc tôi mở cửa đi vào thì chăn gối trên giường rất lộn xộn, rèm cửa đóng kín, bên trong phòng tắm có tiếng nước chảy rì rì vọng ra. Không cần đoán cũng biết ai đang ở trong đó.

Mùi nước hoa trên giường rất nồng, lồng ngực tôi càng lúc càng nặng trĩu, tôi tiến lại gần, định lật chăn ra xem nhưng cùng lúc này anh lại từ phòng tắm bước ra. Thấy tôi, Khánh hơi giật mình:

– Sao em về mà không bảo anh đến đón?

Tôi nhìn anh, cả người vẫn còn đọng hơi nước, mái tóc ngắn cũng ướt rượt, từng giọt từng giọt chảy tong tong xuống vùng ngực rộng lớn. Chẳng biết ban nãy anh đã làm gì, hoặc là chẳng có gì, nhưng tôi vẫn hỏi:

– Có người vừa ở đây à?

Vẻ mặt anh sượt qua một tia sửng sốt, nhưng rất nhanh thu về vẻ bình tĩnh như cũ. Khánh bước lại gần tôi, anh không hề giấu giếm:

– Có người, nhưng không xảy ra chuyện gì cả. Anh bảo cô ta về rồi.

– Cô ta là ai cơ?

– Bạn em.

Anh giữ chặt lấy hai vai tôi, dường như sợ tôi kích động nên bàn tay siết rất chặt:

– Cô ta lại mang tài liệu đến. Anh không làm gì cả.

– Thật không?

Anh gật đầu, kiên định nói một chữ “Thật”. Nhìn sâu vào đôi mắt yên tĩnh như bầu trời đêm của anh, tôi không phát hiện ra chút nào giả dối, nhưng thật lòng mà nói. Tôi không tin. Không phải vì tôi cố chấp, mà là vết sẹo năm đó quá lớn, tôi không thể nào nguôi ngoai, chỉ cần một đòn đả kích là lại rách toạc.

Nhưng tôi biết, tôi không có tư cách gì trách hay chất vấn anh, bởi vì như lời mẹ anh nói, tôi đã vì người đàn ông khác mà làm tổn thương anh quá nhiều rồi. Chính tôi ngày ngày vẫn ở bên cạnh Trung, chăm sóc cho Trung. Còn anh thì dù có gì với Vân hay không, tôi chẳng có bằng chứng để chất vấn.

Cuối cùng, mọi hoài nghi mâu thuẫn trong lòng nhanh chóng bị tôi ép xuống, tôi lẳng lặng hít sâu một hơi rồi gật đầu:

– Không làm gì là được rồi.

Anh vẫn khó tin nhìn tôi:

– Linh, anh không làm gì cả. Nếu không tin thì em cứ hỏi bạn em đi. Cô ta đi theo anh lên phòng lúc nào anh cũng không biết, lúc anh thấy thì đuổi cô ta về luôn rồi. Anh không làm gì cả.

– Ừ. Em biết rồi.

– Em đang giận đấy à?

Tôi gượng gạo nặn ra một nụ cười, kéo anh ngồi xuống giường, lại lấy máy sấy ra bắt đầu sấy tóc anh:

– Giận gì mà giận. Sắp tết rồi, giận nhau giông cả năm đấy. Ngồi yên đi em sấy tóc cho.

Anh không đáp, chỉ lẳng lặng quan sát tôi. Mãi sau, thấy thái độ tôi vẫn bình tĩnh như thường yên tâm xoay người lại, lười biếng tựa lưng vào người tôi:

– Đừng suy nghĩ nhiều, anh có đói bụng cũng không vơ bừa đâu, nhất là bạn em.

– Biết rồi, biết rồi ông cụ non. Mà sao anh bảo 10h mới về mà giờ đã về rồi.

– Bị đuổi về.

Anh cười cười, hình như nhớ ra gì đó nên lại cằn nhằn tôi:

– Đêm muộn, bắt taxi về nguy hiểm. Lần sau cứ gọi anh đến đón.

– Vâng. Hôm nay anh về bên nhà ăn cơm có vui không?

– Vui, ông già thấy công ty không bị anh làm phá sản thì mừng đến nỗi làm mấy mâm cơm cúng tổ tông ấy chứ. Trong bữa cơm còn cười mãi không thôi.

Cái người này, nói chuyện gì cũng cợt nhả, dù cà lơ phất phơ thế thôi chứ khi hiểu rõ anh rồi, đều biết Khánh luôn rất khiêm tốn về mình. Giả dụ như mẹ anh nói doanh thu công ty tăng vọt chưa từng có khi anh về quản lý, còn anh thì chỉ bảo với tôi “công ty không bị anh phá sản”.

Tôi cười cười, cất máy sấy tóc rồi trèo xuống giường:

– Tóc khô rồi, anh nằm xuống ngủ đi. Em đi tắm đã.

– Có cần anh tắm cho em không?

– Thôi, có anh sợ em không tắm nổi.

Tối hôm ấy, bình thường chúng tôi sẽ phải giày vò một trận, nhưng hôm nay mặc Khánh quấy rầy thế nào tôi cũng vẫn từ chối. Một phần vì trong lòng còn nặng trĩu vì chuyện của Trung, một phần vì mùi nước hoa của Vân vẫn quanh quẩn trong phòng làm tôi khó chịu.

Trong lúc tôi tắm thì Khánh đã thay hết ga gối rồi ném vào máy giặt, anh thay một bộ ga khác rồi mở toang cửa sổ nhưng chẳng biết sao tôi vẫn ngửi thấy. Tôi không muốn hỏi anh, nhưng lòng càng lúc càng trĩu nặng vô vàn, đành lẳng lặng xoay lưng lại:

– Hôm nay em mệt lắm, em muốn ngủ. Anh ngủ đi.

– Ừ. Xoay người lại đây, anh ôm em ngủ.

– Thôi.

– Em vẫn còn giận đấy à?

– Không, em mệt thật. Lưng bên ấy đau quá, quay ra đó khó chịu lắm.

Anh không nói gì nữa, bên tai tôi chỉ có tiếng hít thở nặng nề của anh cùng với tiếng tim đập của chúng tôi. Một lát sau, bỗng dưng Khánh xoay người tôi lại, động tác của anh rất dứt khoát, không cho phép tôi từ chối.

Anh ấn đầu tôi vào ngực mình, ghì chặt lấy tôi, không để tôi vùng vẫy. Tôi biết anh đang giận, nhưng đâu chỉ có mình anh, tim tôi đang khó chịu sắp đ.iê.n lên. Tôi gằn giọng:

– Anh làm đau em.

– Anh để em tự do không có nghĩa là em ở ngoài muốn làm gì cũng được, đêm về từ chối anh.

– Em đã nói em mệt.

– Mệt thế nào? Phục vụ người khác nên mệt à?

Lời nói của anh như mang theo một con d.a.o, đâm thẳng vào tâm can tôi. Tôi sửng sốt ngước lên:

– Anh nói gì thế?

Khánh không đáp, vẫn ghì chặt lấy tôi. Anh im lặng như thế khiến sự nhẫn nhịn của tôi nãy giờ cuối cùng cũng nổ tung, tôi gào lên đáp trả:

– Em không phục vụ ai cả. Em chỉ mệt thôi. Em

mệt mà anh cũng không tha cho em à? Anh yêu em hay coi em là công cụ tình dục của anh thế?

– Em nói gì?

– Em nói em mệt. Em mệt thật đấy, anh ngủ đi.

– Không chỉ có em mệt đâu.

Những ngón tay của anh siết chặt lấy vai tôi, chặt đến mức tôi cơ hồ có thể nghe được tiếng khớp xương mình kêu răng rắc:

– Anh không chăm sóc người khác như em, nhưng anh cũng mệt. Còn em, có bao giờ em để ý đến anh, thấy anh cũng mệt không? Có bao giờ em hỏi anh khó chịu ở đâu, anh muốn gì không? Ngay cả việc trên giường, dù có ngủ với em 100 lần thì cả 100 lần ấy đều là anh chủ động. Em bảo em yêu anh, nhưng em yêu anh chỗ nào, sao anh không cảm nhận thấy tình yêu của em?

Trong đêm tối, tôi không thể thấy rõ sắc mặt anh, nhưng tôi có thể cảm nhận được ngữ điệu của anh rất đanh thép và cứng rắn, thậm chí còn có một chút hờn dỗi và tủi thân, giống như phải cố kìm nén lâu ngày, đến bây giờ mới bật ra được vậy.

Cơn giận của tôi nhanh chóng mềm xuống, tôi không muốn tiếp tục cãi cọ, không muốn tiếp tục làm tổn thương anh. Cho nên cuối cùng đành dịu giọng dỗ dành:

– Em xin lỗi. Có nhiều thứ em không tốt, anh nói không sai. Nhưng thực sự anh ấy với em không có gì cả, anh ấy là ân nhân của em, em nợ anh ấy rất nhiều nên em không thể rời bỏ anh ấy lúc này được. Anh hãy đợi em một thời gian nữa, một thời gian nữa thôi.

– Đợi em?

Anh cười cười, ngữ điệu rất lạnh nhạt, cũng rất thê lương:

– Em muốn anh đợi, ok, em chưa từng nói bao lâu nhưng anh cũng không phàn nàn, anh vẫn yên lặng đợi em. Nhưng kết quả thế nào? Đợi em ở bên cạnh người đàn ông khác, rồi em vui thì em ban phát chút tình cảm cho anh, còn em không vui thì đến chạm vào người em cũng không được, đó là tình yêu của em à?

– Không phải. Thật sự hôm nay em rất mệt, cả đêm qua em không được ngủ. Em cũng rất nhớ anh, nếu anh muốn …

– Không, anh không muốn.

Anh hít vào một hơi thật dài, lồng ngực cứng lại, phảng phất như phải đè ép toàn bộ gánh nặng vào trong lòng:

– Cái anh cần chỉ là ở bên em, ôm em, chỉ có như thế mới có cảm giác em đang ở bên anh. Nhưng người ở một nơi, tim ở một nơi thì ôm trong lòng cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Lần này, anh nổi giận thật sự khiến tôi sợ hãi, tôi vội vã vòng tay ôm lấy anh, rúc đầu vào ngực anh:

– Anh đừng nghĩ như thế, không phải thế. Người em yêu là anh. Nếu không yêu anh, em sẽ không bỏ anh ấy để về đây. Chỉ là em mệt thôi.

– Em cũng từng bỏ anh để ngủ ở bệnh viện.

– Nhưng em không có gì với anh ấy cả.

– Việc đó anh không rõ.

Anh chậm rãi gỡ từng ngón tay tôi ra, rất dứt khoát, không một chút lưu tình:

– Em nói sai rồi. Anh không coi em là công cụ tình dục. Nếu cần giải quyết, không thiếu phụ nữ sẵn sàng leo lên giường của anh, trong đó cũng có thể có cả bạn em.

Khánh bước xuống giường, giọng anh không che giấu nổi sự thất vọng:

– Linh, từ trước đến nay anh luôn chờ đợi em, nhưng bây giờ tự nhiên anh nghĩ, không biết anh có đủ lòng tin để chờ nữa không. Ít nhất là chờ một người chưa bao giờ yêu mình. Nếu một ngày anh không thể chờ nữa, anh có làm gì thì em cũng đừng oán trách anh.

Nói xong, anh không thèm đợi tôi trả lời mà lập tức quay người mở cửa đi ra ngoài. Tôi vội vàng bò dậy, muốn chạy theo nhưng anh bước rất nhanh, khi tôi xuống được đến cầu thang thì đã nghe tiếng xe của anh phóng vút ra ngoài.

Âm thanh của chiếc Porsche vang vọng bên tai tôi, chẳng mấy chốc nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hẳn. Tôi hụt hẫng ngồi bệt xuống cầu thang, đầu óc trống rỗng, nuốt một ngụm nước bọt cũng cảm thấy cổ họng khô khốc, chua xót đến tận cùng.

Có lẽ rất nhiều người sẽ trách tôi, nói tôi không dứt khoát mà dùng dằng với cả hai người đàn ông cùng một lúc, nói tôi có được một người tốt như Khánh mà không biết trân trọng.

Nhưng có ở hoàn cảnh tôi mới biết, món nợ ân tình là thứ khó mà trả được, cả đời tôi sẽ không bao giờ quên có một người không cùng máu mủ đã sẵn lòng hy sinh tất cả vì tôi, sẵn lòng giúp đỡ tôi khi gia đình chúng tôi khốn khó nhất. Ân tình nặng tựa núi thái sơn ấy tôi không thể nào phủi sạch, cũng không thể tàn nhẫn rời bỏ anh vào lúc anh đang phải giành giật giữa sự sống và cái c.hế.t như thế này.

Còn với Khánh, tôi thật lòng yêu anh, thật lòng muốn ở bên cạnh anh. Tôi muốn mai này Trung khỏe mạnh rồi, tôi sẽ toàn tâm toàn ý yêu thương Khánh. Còn nếu Trung mất đi, tôi sẽ đợi đến khi lòng nguôi ngoai rồi mới bắt đầu lại. Xây dựng lại mọi thứ từ đầu.

Lúc đó, tôi có thể ngẩng cao đầu dõng dạc nói với mẹ anh: Cháu hứa với bác, dù cháu không phù hợp với con trai bác nhưng cháu nhất định sẽ không làm tổn thương anh ấy, chỉ một lần cũng không.

Còn bây giờ, đứng giữa hai người đàn ông, một người tôi nặng nợ ân tình, một người tôi yêu sâu sắc, tôi chẳng thể chọn ai hay làm tổn thương ai cả.

Tôi ngồi ở cầu thang rất lâu, rất lâu, suy nghĩ đủ rồi mới nặng nề đứng dậy trở về phòng ngủ. Tôi biết bây giờ lòng anh có lẽ cũng khó chịu y như tôi, anh cần thời gian để bình tĩnh trở lại, cho nên tôi không gọi anh về mà chỉ nhắn một tin:

– Anh đừng uống rượu nhiều quá, lái xe từ từ rồi. Khi nào thoải mái rồi thì nhớ về nhà. Em ở nhà đợi anh.

Chờ mãi, chờ mãi cũng không thấy anh nhắn lại, tôi lại quá mệt, cuối cùng ngủ thiếp đi từ lúc nào không biết. Đến sáng ngủ dậy vẫn thấy chăn gối trống không, tôi lồm cồm chạy xuống sang phòng đọc sách rồi xuống nhà nhưng vẫn không thấy bóng dáng của anh đâu. Gara cũng không có xe anh, cả đêm hôm qua anh không về.

Tôi thở dài một tiếng, vào bếp nấu một nồi cháo, dặn bác Lan khi nào Khánh về thì hâm lại cho anh ăn. Bác Lan thấy nét mặt tôi tiều tụy mới giật mình hỏi:

– Hai đứa lại giận nhau à?

– À… dạ. Thỉnh thoảng cãi cọ bác ạ.

– Gần tết rồi, nhanh làm lành đi, giận nhau giông cả năm đấy. Tối nay là giao thừa phải làm lành rồi nhé.

Tôi mỉm cười, gật gật đầu:

– Vâng ạ.

Tôi vẫn đến bệnh viện, vẫn chăm sóc Trung, cả ngày hôm ấy có nhắn cho Khánh thêm mấy tin, nhưng chẳng được hồi âm. Đến buổi chiều, Trung hỏi tôi giao thừa này có dự định gì, tôi không dám trả lời, chỉ hỏi ngược lại:

– Anh thì sao? Anh có dự định gì?

– Anh phát hiện ra ở trên sân thượng bệnh viện có thể nhìn được một góc thành phố đấy. Hôm nay em có muốn ở lại xem pháo hoa không?

Nhìn ánh mắt yếu ớt đầy trông đợi của Trung, tự nhiên lòng tôi lại nặng trĩu. Tôi sợ năm sau có muốn cũng không được xem pháo hoa cùng anh nữa, cho nên không nỡ từ chối, chỉ bảo:

– Vâng. Để em tính.

– Ừ. Nếu bận thì thôi, anh xem trên tivi cũng được.

– Tý nữa em về một lúc, đến gần giao thừa em vào nhé?

– Thôi, đêm muộn, xa xôi nữa, không sao đâu. Em cứ về đi.

Gương mặt của anh hốc gác gầy yếu, lung lay như ngọn đèn trước gió. Tôi nắm lấy bàn tay gầy gầy xương xương của anh, mấy ngày nay phải truyền quá nhiều nên da thịt trên đó đã tím bầm thành một mảng, trông thương vô cùng.

– Muộn gì, hôm nay xe cộ có mà đông đến sáng ấy chứ. Tý em về tắm rửa, tối em vào.

– Có tiện không?

– Tiện mà. Anh đừng lo.

– Ừ. Thế cũng được.

Bác Lan bắt đầu nghỉ tết từ chiều nay, cho nên buổi tối tôi về nhà làm cơm tất niên. Tôi muốn ăn cơm tất niên cùng Khánh, sau đó đón giao thừa cùng Trung, dù hơi trơ trẽn nhưng chia ra như vậy, tôi mới cảm thấy nhẹ lòng hơn một chút.

Chỉ là tôi đã nấu một mâm cỗ đầy, nhà cửa cũng đã dọn dẹp trang hoàng đón tết, còn đã mở sẵn ra hai chai rượu vang, thắp hai ngọn nến rồi ngồi chờ nhưng 8h tối Khánh vẫn chưa về. Gọi điện thoại thì không liên lạc được.

Đúng lúc này, bầu trời bên ngoài đột nhiên lại đổ mưa tầm tã. Tôi nhớ từ khi mình sinh ra đến nay, chưa có giao thừa năm nào mà trời lại mưa như vậy, mở tivi xem bản tin cũng thấy trên đó nói trận mưa đêm nay sẽ rất lớn, có thể kéo dài đến tận qua giao thừa, khuyên mọi người nếu không cần thiết thì không nên ra khỏi nhà.

Lòng tôi không hiểu sao rất lo lắng, tôi lấy điện thoại ra gọi cho Khánh lần nữa, đầu dây bên kia vẫn là giọng của tổng đài: Xin lỗi quý khách, thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được…

Liếc đồng hồ đã hơn 9 giờ đêm, tôi khẽ thở dài một tiếng, sau đó lại gọi cho mẹ. Đêm tất niên, hai mẹ con mỗi người một nơi, chỉ có thể dùng những âm thanh xa xôi qua điện thoại để sưởi ấm.

Hai mẹ con nói chuyện một lúc rất lâu mới cúp máy, bên ngoài trời vẫn mưa không ngớt. Chờ đến gần 10 rưỡi, cuối cùng tôi hoàn toàn tắt hy vọng, đành nhắn cho Khánh một tin nữa rồi dọn đồ ăn, xách túi đội mưa đến bệnh viện.

Khi tôi vừa mới vào đến hành lang thì bỗng dưng thấy rất nhiều y tá bác sĩ đang vội vã ùa đến phòng bệnh, tôi nhìn theo hướng bọn họ, bỗng dưng trái tim như c.hế.t lặng, bởi vì nơi mọi người chạy đến là phòng bệnh của Trung.

Tôi bắt đầu cuống lên chạy theo, tóm được một người chạy gần nhất, tôi rối rít hỏi:

– Có chuyện gì thế chị? Chuyện gì thế ạ?

Chị y tá kia vội đến mức không muốn trả lời, nhưng khi nhận ra tôi, chị ấy mới đứng khựng lại:

– Bệnh nhân phòng 3304 ngừng tim.

– Chị nói cái gì?

– Các bác sĩ đang cấp cứu, bệnh nhân đột quỵ.

Tôi có cảm giác bản thân mình như vừa rơi thẳng xuống vực thẳm, nỗi sợ hãi và kinh hoàng ập đến, nhấn chìm mọi giác quan của tôi. Tôi mở to mắt nhìn chị ấy, muốn há miệng, nhưng lại phát hiện ra mình không thể phát ra nổi âm thanh gì.

Chị y tá kia không thể chờ tôi thêm, tiếp tục chạy đi. Tôi bần thần hai giây cũng vội vàng co giò chạy theo hướng chị ấy.

Tôi nhìn thấy các bác sĩ và y tá túa vào phòng bệnh mà Trung nằm, rất đông người, tất cả đều cuống cuồng lao vào cấp cứu bệnh nhân. Tôi cũng nhào vào nhưng mọi người quây quanh anh quá đông, người này ép tim người kia tiêm thuốc, tôi không dám làm vướng chân vướng tay bác sĩ nên đành đứng lùi ra phía sau. Sợ hãi chờ đợi.

Nhưng cùng lúc này bỗng dưng đuôi mắt tôi liếc thấy thứ gì đó, ngoài những y bác sĩ tất bật ở trong phòng, dường như còn có một người im lặng đứng một góc như tôi.

Người đàn ông không mặc áo blouse trắng mà chỉ khoác một chiếc áo vest đen đã bị mưa làm cho ướt đẫm. Tròng mắt anh đỏ ngầu, mái tóc sũng nước, gương mặt thất thần. Hình như vừa mới dầm mưa vào đây nên nhìn anh mới thảm hại đến vậy.

Đầu tôi nổ ầm một tiếng, hai tai ù đi, lúc ấy mọi giác quan gần như tê liệt. Tôi chỉ còn duy nhất một suy nghĩ: Tại sao anh lại ở đây, vào đúng thời khắc này?

Người đàn ông tôi yêu nhất, tại sao anh lại ở đây?

Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.