🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Có tiền bán tranh nên ngày hôm sau tôi mới có thể đưa Trung đến bệnh viện chạy thận. Lần này khám, bác sĩ bảo tình hình của anh càng lúc càng nặng, chuẩn bị đã chuyển đến suy thận giai đoạn 5, cũng là giai đoạn cuối rồi.
Tôi đã xác định rõ ngay từ đầu, nhưng giờ nghe bác sĩ nói vậy vẫn cảm thấy rất khó chấp nhận được. Trái tim hụt hẫng như vừa bị thiếu mất mạch máu nào đó, nhưng lại chẳng thể móc ra xem mạch máu bị thiếu ấy là ở chỗ nào.
Tôi run run hỏi bác sĩ:
– Nếu chuyển sang giai đoạn cuối thì có thể sống được bao lâu nữa hả bác sĩ?
– Tối đa là 3 – 5 năm, nhưng đó là trên lý thuyết thôi, còn tùy vào sức khỏe của từng người bệnh nữa, như trường hợp của chồng cô có lẽ không dài đến thế. Tôi khuyên cô nên sớm ghép thận cho anh ấy, nếu có thể thay thận, tuổi thọ có thể kéo dài thêm được 15 năm.
– Vâng, cháu biết rồi ạ.
– Điều kiện kinh thế khó khăn quá hả?
Tuần nào tôi cũng đến đây, các bác sĩ hầu như đã quen mặt hết, bọn họ biết hoàn cảnh của tôi nên thỉnh thoảng vẫn hay động viên, có người còn khuyên tôi thử tìm đến các tổ chức từ thiện xem. Tất nhiên, tôi vẫn còn lo được, vả lại tôi cũng rất ngại ngửa tay xin lòng tốt của người khác nên mới chần chừ mãi đến bây giờ.
Tôi hơi cúi đầu, xấu hổ đáp:
– Vâng, vợ chồng cháu hơi khó khăn bác sĩ ạ. Nhưng bác sĩ yên tâm, cháu sẽ sớm kiếm đủ tiền ghép thận cho anh ấy.
– Ừ, tốt nhất là nên sớm, bởi vì người chờ ghép thận nhiều lắm, trung tâm điều phối tạng quốc gia cũng không đủ thận để đáp ứng đâu. Với cả còn một cái quan trọng là không phải thận nào cũng phù hợp với người ghép, muốn tìm thận phù hợp cũng cần nhiều thời gian, cô nên cân nhắc nhé.
– Cháu cảm ơn bác sĩ ạ.
– Được rồi, lần này chạy thận xong chồng cô sẽ mệt đấy, để chồng ở viện thêm một ngày so với các lần trước nhé.
– Vâng ạ.
Bởi vì chẳng biết thời gian còn lại là bao lâu, cũng chẳng rõ tương lai sẽ như thế nào nên tôi càng thấy lo lắng và thương Trung vô vàn. Tôi không dám tỏ vẻ đau buồn trước mặt anh, cũng không dám nói cho anh biết về bệnh tình của mình, lúc về phòng thấy anh đang ngắm nghía mấy bản vẽ bằng điện thoại, tôi vẫn giả vờ tươi cười bảo:
– Em chưa thấy ai yêu công việc như anh đấy, chạy thận xong mệt phải nghỉ ngơi, thế mà vừa mới rút máy một cái đã ôm điện thoại ngắm bản vẽ rồi.
– Tại đẹp quá nên anh mới ngắm đấy. Với cả chỉ nằm ngắm thôi, không làm việc đâu, em yên tâm đi.
Nói là nói vậy nhưng anh vẫn tắt điện thoại, sau đó ngước lên nhìn tôi:
– Em vừa đi đâu mà lâu thế?
– Em đi đóng tiền viện, với cả ở ngoài hành lang có một cụ già nằm cáng mà không đủ người khiêng nên em giúp một tay.
– Lại làm nặng rồi, đưa tay đây anh xem nào.
Tôi cười cười xòe tay ra, đôi bàn tay mấy hôm nay không phải làm việc ở nhà bếp nên rất sạch sẽ, móng tay cũng không dính mủ thâm xì nữa mà trắng tinh. Trung sờ sờ một lúc, thấy tay phải của tôi không nóng mới hài lòng buông ra:
– Linh này.
– Dạ.
– Đợi anh được nhận chính thức xong, em tìm việc gì đó khác để làm nhé? Làm mãi ở khách sạn kia cũng vất vả lắm. Nếu anh được nhận chính thức, có lương rồi thì cuộc sống của hai đứa mình cũng đỡ hơn, em không cần làm việc từ sáng đến khuya nữa.
– Thế anh muốn em làm gì nào?
– Để anh thử xem có phòng triển lãm hay phòng tranh nào cần tuyển người không. Em làm ở đó vừa đỡ vất vả, vừa có cơ hội học hỏi nữa.
Trước đây mỗi lần anh nhắc đến chuyện vẽ tranh là tôi sẽ gạt đi, nhưng bây giờ tôi không muốn cãi nữa. Tôi chiều theo ý anh cũng ậm ậm ừ ừ bảo:
– Vâng, em biết rồi. Đợi anh được nhận đã rồi em tính nhé?
– Ừ. Mà em đi ăn cơm đi, muộn rồi, đói đấy, đừng đợi anh.
– Thôi em đợi rồi ăn luôn một thể, em cũng chưa đói mà.
– Gầy nhom rồi mà suốt ngày bỏ bữa, tý nữa phải ăn hai bát cơm đấy.
– Vâng.
Trung phải nằm viện mấy ngày, sáng chạy thận, chiều nghỉ ngơi. Tôi thấy anh nằm mãi trong phòng cũng buồn chân buồn tay, với cả bác sĩ nói phải vận động nhiều mới tốt nên chiều hôm đó mới lấy xe lăn đẩy anh ra bên ngoài hóng gió.
Ngày thường bệnh viện này người đông như kiến, ra sân cũng chẳng kiếm được cái ghế đá nào để ngồi. Hôm nay cuối tuần nên bệnh nhân nội trú về gần một nửa, chỗ ngồi thừa thênh thang, tôi đẩy xe lăn của Trung đến một gốc cây ngọc lan trong sân, ngồi ở đó vừa ngắm mây ngắm trời, nói mấy câu chuyện linh tinh.
Tự nhiên có một bông hoa ngọc lan rơi ngay xuống ghế đá bên cạnh tôi, định nhặt lên thì Trung đã vươn tay nhặt trước, anh bảo:
– Hoa ngọc lan này thơm cực, để anh cài lên tóc em xem có xinh không nào.
– Không, sến c.hế.t đi được, em không cài đâu.
– Sến gì mà sến, ngày xưa các cụ hay cài hoa lên tóc còn gì, ngồi yên, anh cài cho.
– Ôi, thế thì em sẽ giống Súy Vân giả dại đấy.
Anh cười cười, không bận tâm đến việc tôi từ chối mà vẫn cầm bông hoa ngọc lan kia cài lên tóc tôi. Xong xuôi, anh mới hài lòng ngắm tôi:
– Ai bảo giống Súy Vân giả dại, xinh gái thế này cơ mà.
Tôi xấu hổ lúc lắc đầu:
– Thật à?
– Thật. Bình thường đã xinh, bây giờ càng xinh. Mặc váy cô dâu chắc còn xinh hơn nhiều nữa.
– Đợi em mấy năm nữa, em mặc váy cô dâu cho anh ngắm nhé?
Ánh mắt ấm áp của anh không giấu nổi một niềm hạnh phúc khôn cùng, Trung nắm lấy tay tôi, gật gật đầu:
– Em hứa đi.
– Em…
Tôi còn chưa kịp nói hết câu thì bỗng nhiên có tiếng người nói cách đó không xa:
– Anh, có chuyện gì thế?
Quay đầu lại mới thấy sau bồn hoa là một cô gái trẻ, da trắng mũi cao rất xinh, đứng bên cạnh cô ấy là một người đàn ông đang nhìn chằm chằm về phía hai chúng tôi, ánh mắt lạnh nhạt, tựa như cất giấu cả một hồ băng bên dưới.
Tuy nhiên, chỉ một giây sau trên miệng anh ta lại nhanh chóng nở một nụ cười. Khánh quay đầu dịu dàng nói với cô gái kia:
– Không có gì, thấy người ta tình cảm quá nên nhìn để học theo thôi.
– Ai học theo thì em còn tin chứ cao thủ tình trường như anh mà học theo thì còn lâu em mới tin.
– Anh mà là cao thủ gì? Bây giờ vẫn chưa có mảnh tình nào vắt vai đây này.
– Còn lâu em mới tin. Có mà anh vẫn còn yêu…
Cô gái kia chưa nói xong, Khánh đã cười cười ngắt lời:
– Được rồi, lại bắt đầu suy diễn rồi đấy. Hôm nay đưa em đi ăn món Ý, được không?
– Rồi rồi, em không nhắc nữa là được chứ gì. Hôm nay em phải ăn sạt nghiệp anh mới được.
– Anh đang chờ đến ngày em ăn sạt nghiệp đây. Đi thôi.
Sau khi bọn họ đi rồi, tôi vẫn còn bất ngờ vì đụng mặt anh ta ở đây nên cứ ngây ngốc nhìn theo. Mãi đến khi Trung lên tiếng, tôi mới giật mình quay lại:
– Trông bọn họ cũng đẹp đôi em nhỉ?
– À… vâng.
Tôi lúng túng thu lại tầm mắt, cũng chẳng có tâm trạng để ngồi ở đây nữa nên đành đánh trống lảng:
– Em nghe nói chiều nay nhà ăn có cháo chim bồ câu đấy, anh có muốn ăn không? Tý nữa em xếp hàng đi mua cho anh?
– Lần nào em cũng mất công xếp hàng mà có mua được đâu, đông người chật chội, đứng chờ lại vất vả ra, Thôi để anh ăn cơm bình thường cũng được.
– Ăn cháo chim bổ mà, để em xếp hàng, hôm nay cuối tuần chắc không đông mấy đâu.
Thường thường một tuần sẽ có một tổ chức từ thiện phát cháo miễn phí một lần, lần nào tôi cũng xếp hàng nhưng đông quá, nhiều người lại chen chúc thiếu ý thức nên cứ đến lượt tôi là nồi cháo đã sạch trơn.
Hôm nay tôi cũng đến xếp hàng, tưởng ít người nhưng vẫn bị cả đám đông chen suýt ngã mấy lần. Khi đến lượt tôi, nồi cháo cũng chỉ còn trơ đáy, tôi thất vọng định đi về thì bỗng nhiên bạn nam phát cháo nói:
– Khoan đã. Vẫn còn một suất chị ạ, chị đợi em chút, em lấy cho.
Tôi ngơ ngác tròn xoe mắt, hết nhìn nồi cháo rồi lại nhìn bạn nam kia:
– Vẫn còn cháo ấy ạ?
– Vâng, còn một suất đặc biệt, ban nãy bên em định để dành cho một chú ở khu B, nhưng hôm nay chú ấy xuất viện rồi. Chị lấy xuất cháo đó nhé?
– Vâng ạ. Cảm ơn bạn.
Bạn nam đó mỉm cười rồi đi vào trong, lát sau xách theo hai tô cháo nóng và 2 cốc nước gì đó đi ra. Khi đưa cho tôi, bạn ấy mới bảo:
– Đây ạ. Ngoài cháo ra còn có một cốc trà gừng và một nước ép việt quất, chị cầm về nhé. Chúc chị ăn ngon miệng ạ.
– Trong suất ăn có cả nước hả bạn? Cũng được tặng miễn phí ấy ạ?
Bởi vì nước ép việt quất rất đắt, lại là thức uống rất bổ dưỡng cho người bị suy thận nên tôi mới hỏi như vậy. Bạn nam kia không ngần ngại gật đầu xác nhận:
– Vâng. Được tặng miễn phí đấy chị ạ, chị yên tâm, không mất tiền mua đâu ạ.
– Nhưng nước ép việt quất nguyên chất thế này đắt tiền quá, tôi không nhận không được. Hay bạn để tôi trả tiền cốc nước này đi.
– Chị đừng làm thế, bọn em ngại đấy. Chú ở khu B bị suy thận, có một nhà tài trợ hay tặng chú ấy nước này, giờ chú ấy không ở đây thì chị cứ nhận đi, coi như nhà tài trợ ấy tặng chị, không sao đâu mà.
– Nhưng mà…
– Chị đừng áy náy nhé, không sao đâu. Bọn em phải dọn đồ rồi, chị mang cháo về phòng ăn đi cho nóng, nguội ăn không ngon nữa.
– À vâng. Cảm ơn đoàn từ thiện của các bạn nhiều.
Cầm cháo và nước đi về, chẳng hiểu sao tự nhiên trong lòng tôi lại có cảm giác rất khác lạ, thỉnh thoảng còn vô thức ngoảnh đầu tìm kiếm một thứ gì đó, nhưng bản thân cũng không thể định hình được mình đang kiếm tìm thứ gì. Mãi tới khi đi ngang qua bồn hoa kia, tôi mới chợt hiểu ra, hóa ra thứ mà tôi đang tìm đó chính là quá khứ.
Có lẽ cháo nóng và trà gừng làm tôi nhớ đến một người, một người mà nhiều năm trước kia đã đem hai thứ này đến đứng ở sân trường đợi tôi, cùng trải qua cảm giác “yêu đương” cùng tôi giữa mùa đông giá rét. Nhưng đáng tiếc, nơi này không phải nước Mỹ, mà quá khứ cũng đã rời xa từ lâu rồi, những thứ hôm nay tôi nhận được vốn dĩ chẳng hề liên quan gì đến anh ta, tự nhiên tôi lại nhung nhớ gì chứ?
Hết mấy ngày Trung chạy thận, tôi lại bắt đầu ôm hồ sơ đi xin việc làm. Vẫn chưa tìm được việc, nhưng ngày hôm sau tự nhiên tôi nhớ ra mình vẫn còn giữ một ít đồ của khách sạn, mà cầm đồ của người ta rồi nghỉ việc thì không khác gì ăn trộm nên tôi đành mang đến trả.
Cứ nghĩ khi đến sẽ bị mắng té tát một trận vì tội nghỉ ngang không xin phép, nhưng lúc tới nơi lại chẳng thấy ai nói gì, thậm chí chị quản lý còn hỏi:
– Linh hết ốm rồi hả em? Khỏe hẳn chưa?
Tôi không hiểu gì nên đứng ngẩn ra, mãi sau mới lúng túng nói:
– À… em khỏe rồi. Hôm nay em đến đây để trả lại đồ hôm trước em cầm về ạ.
– Ôi mấy cái này trả lúc nào chẳng được, với cả đang còn làm lâu dài, tự nhiên mang trả làm gì.
Mấy chị phụ bếp nghe thế cũng hùa vào nói:
– Linh sướng nhé, chúc mừng nhé. Mới lên phòng ông chủ làm việc có một ngày thôi mà đã được tăng lương rồi nhé. Hôm bọn chị nghe xong ai cũng bảo may cho mày, đang khó khăn vất vả mà được tăng lương cao thế, từ giờ có cái mà lo chữa bệnh cho chồng.
– Tăng lương ấy ạ? Em được tăng lương ấy hả chị?
– Ơ thế mày không biết à?
– Không ạ.
Chị quản lý cười bảo:
– Hôm em lên phòng sếp đấy, anh Khánh nói là em dọn dẹp sạch sẽ, lại có ý tứ nữa nên bảo từ giờ sắp xếp em lên làm việc hẳn trên đấy, một tuần cho em nghỉ 3 ngày, lương tăng lên gấp đôi nhé.
– …
Tôi cứ nghĩ hôm đó tôi đánh Khánh thế thì kiểu gì cũng bị đuổi việc, thế nhưng không ngờ anh ta chẳng những không đuổi mà còn tăng lương cho tôi. Cái gã đàn ông cặn bã đó, anh ta bị đ.iê.n rồi à? Hay là anh ta vẫn còn muốn tiếp tục chơi trò mèo vờn chuột với tôi?
Trong lúc tôi còn chưa biết trả lời thế nào thì một chị khác lại tiếp tục chen vào. Bà này trước giờ không tốt tính lắm, lại hay săm soi, lời nói ra cũng khiến người khác cảm thấy khó chịu:
– Mày làm cách nào mà tự nhiên sếp lại tốt với mày thế? Còn xin nghỉ hộ mày nữa. Hay là sếp thích mày rồi. Kể chị nghe xem nào.
– Không có đâu ạ, hôm đó em chỉ dọn phòng xong rồi đi về thôi. Em với sếp không có gì cả.
– Được sếp thích thì tốt chứ sao mà phải ngại. Bao nhiêu đứa đang ước ao kia kìa.
– Em có chồng rồi, chị đừng nói thế không đến tai chồng em thì lại phiền lắm chị ạ.
– À ừ ừ, biết rồi, gớm, chị đùa tý thôi mà. Thế mấy hôm rồi mày ốm thế nào? Đã khỏe hẳn chưa mà đi làm thế?
– Em bị cảm, với cả vừa rồi đưa chồng đến viện chạy thận thôi ạ.
– Khỏe rồi là tốt rồi. Hôm qua chị Huyền bảo con bé Nhung lên dọn phòng sếp mà sếp không đồng ý đấy. Cả tuần rồi ở trên đó chưa ai dọn, thôi mày lên dọn đi. Được hưởng lương cao, lại có đãi ngộ tốt thế thì cố gắng mà giữ lấy công việc này, nhiều người ước như mày mà chẳng được đấy.
Tôi không muốn mọi người trong khách sạn hiểu lầm, với cả tôi cũng biết rõ, Khánh chưa đuổi việc tôi nghĩa là vẫn còn chưa buông tha cho tôi. Tất nhiên so với một kẻ có quyền có thế như anh ta thì tôi chỉ là một con kiến có thể bị bóp c.hế.t bất cứ lúc nào mà thôi, thế nên tôi quyết định lên phòng anh ta lần nữa, nói rõ ràng một lần.
Đứng bên ngoài gõ cửa ba tiếng, chờ thêm mấy giây mới có một giọng nói uể oải vọng ra:
– Vào đi.
Khánh đang đăm chiêu nhìn màn hình máy tính, nghe tiếng bước chân cũng chẳng buồn ngẩng lên nhìn tôi. Lúc đầu tôi nghĩ anh ta đang bận xem phim “con heo”, nhưng trông thấy gương mặt cẩn trọng nghiêm túc của anh ta, tự nhiên tôi lại không muốn lên tiếng cắt ngang nên đành ra ghế sofa ngồi đợi.
Khánh vừa gõ phím vừa nói:
– Tự lấy nước uống đi, đợi một lúc, sắp xong rồi.
Tôi không đáp, cũng không lấy nước uống. Cứ nghĩ anh ta bảo “sắp xong rồi” thì cùng lắm 20 phút là xong, ai ngờ tôi chờ đến tận cả tiếng anh ta mới chợt nhớ đến tôi. Khánh hơi nhíu mày quay đầu lại, thấy tôi vẫn đang ngồi chờ nên anh ta mới đứng dậy:
– Quên mất, cô có chuyện gì muốn nói với tôi à?
– Anh đang có ý gì?
– Ý gì là ý gì?
Mặt mày anh ta vẫn tỉnh bơ, tự rót ra một cốc trà, cũng định rót cho tôi nhưng lưỡng lự một giây rồi lại thôi:
– Cô nói năng gì thì nói rõ ràng ra, lấp lửng như thế tôi chịu thôi, không đoán được.
– Lấp lửng? Không phải lần trước tôi đã nói rõ ràng rồi à? Tôi bảo anh đừng có lôi tôi vào mấy trò chơi cặn bã của anh, công việc này tôi cũng không làm nữa. Anh tự nhiên nói với mọi người tăng lương cho tôi là ý gì? Anh không để ý đến mọi người hiểu lầm nhưng tôi để ý, hiểu không? Đừng có chuốc thêm phiền phức vào tôi.
– À… hóa ra là việc tăng lương.
Khánh nhấp một ngụm trà, bộ dạng vô cùng nhàn nhã:
– Tôi cảm thấy cô phù hợp với công việc tôi đang cần nên tăng lương cho cô. Nếu cô làm tốt, mỗi bức tranh tôi sẽ trả cho cô 10 triệu. Sao? Muốn làm không?
– Anh nói cái gì?
– Thấy tòa nhà đang khởi công không?
Bên ngoài cửa kính đối diện với tôi có mấy chiếc cần cẩu, bên dưới là một góc tòa nhà vừa mới khởi công xây dựng. Tôi biết nơi này sắp tới sẽ xây thêm một tòa nhà nữa để phục vụ du khách, nhưng vẫn không hiểu nổi ý anh ta muốn gì.
– Thì sao?
– Trong mỗi phòng nghỉ sẽ có một bức tranh tường trang trí, vẽ xong nhận tiền hay nhận tiền trước mỗi bức thì tùy.
Lúc ấy, tôi mới hiểu ý Khánh nói anh ta muốn thuê tôi vẽ tranh tường trong các phòng ở khu sắp xây. Công việc này tất nhiên rất tốt, cũng chẳng liên quan gì đến tự trọng của tôi. Chỉ là tôi không tin anh ta tử tế với mình như thế, hơn nữa tay tôi cũng hỏng rồi, không thể nào nhận được công việc này.
Cho nên, tôi dứt khoát từ chối:
– Tôi không làm.
– Sao thế? Sợ tôi ăn thịt cô à?
– Đúng rồi đấy. Tôi sợ nhất là dây dưa với loại người như anh, thế nên hôm nay tôi lên đây chỉ có một mục đích duy nhất, nhắc anh đừng có làm những thứ để người khác hiểu sai về tôi. Trước đây và bây giờ vẫn giữ nguyên một câu như cũ, từ giờ đến c.hế.t đừng gặp lại.
Xả xong được ấm ức trong lòng, tôi không thèm chờ anh ta đáp đã đứng dậy đi thẳng ra cửa. Chỉ là khi tay vừa chạm đến tay nắm cửa, đột nhiên lại nghe Khánh nói:
– Vẽ trên máy tính bảng, trả lương trước 10 bức.
Bước chân của tôi ngay lập tức khựng lại. Suy nghĩ đầu tiên chính là 10 bức sẽ đổi được bao nhiêu tiền, suy nghĩ thứ hai chính là nếu vẽ trên máy tính bảng thì phần mềm AI sẽ khắc phục những nét run tay của tôi.
Nhưng mà…
Trong lúc tôi thoáng chần chừ thì anh ta lại tiếp tục nói thêm một câu:
– Trước đây tranh của cô vẽ cũng được, không xuất sắc lắm nhưng phù hợp với thẩm mỹ của tôi. Công việc này nhiều người muốn làm lắm đấy, cô suy nghĩ cho kỹ.
Tôi lạnh lùng quay đầu nhìn anh ta:
– Chuyện tốt mà nhiều người muốn làm thế, sao đến phần tôi? Cuối cùng mục đích của anh là gì?
– Không là gì cả. Tôi nói rồi, tranh của cô phù hợp với gu thẩm mỹ của tôi.
Nói đến đây, Khánh lại liếc tôi từ đầu đến chân một lượt, ánh mắt nhàn nhạt mang theo vẻ giễu cợt:
– Tất nhiên chỉ là tranh thôi, còn cô bây giờ thì không. Kể cả chơi với cô tôi cũng không có hứng. Cô đừng đánh giá bản thân mình cao đến thế.
Câu nói này khiến tôi hoàn toàn tỉnh ngộ, tôi mở to mắt nhìn anh ta, bỗng dưng lại phát hiện ra chúng tôi bây giờ khác nhau nhiều quá. Người đàn ông kia từ đầu đến chân toàn hàng hiệu, ngay cả một cái đồng hồ đang đeo trên tay cũng bằng tôi đi làm cả nghìn kiếp. Bên cạnh một người như Khánh xưa nay không hề thiếu phụ nữ, còn tôi, trong mắt người khác tôi đã là một người đàn bà đã có chồng, cả người cục mịch quê mùa, ngay cả móng tay cũng khó khăn lắm mới tạm thôi cáu bẩn.
Hình như đúng là tôi đã tự đánh giá mình quá cao rồi thì phải. Người như anh ta, đâu cần phải nhọc công bày trò chơi với tôi. Chẳng qua lúc mới gặp lại, Khánh nổi chút hứng nên mới giễu cợt tôi mà thôi.
Sau cùng, tôi hít sâu vào một hơi:
– Vẽ bằng máy tính bảng nghĩa là không cần đến đây làm việc phải không?
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.