Đến chính Nghiêm Cẩn cũng không biết mình đang ở đâu.
Sau khi bị bắt, phía công an đã biết rút kinh nghiệm, để đề phòng nghi phạm giết người xuất thân từ lính trinh sát này lại bỏ trốn lần nữa, họ đã sử dụng những biện pháp ứng phó vô cùng nghiêm ngặt. Nghiêm Cẩn bị bịt mắt trên suốt quãng đường từ sở công an đi tới trại giam mới. Mức độ bảo mật trên xe cũng rất cao, tai chẳng hề nghe được bất cứ âm thanh nào bên ngoài vọng vào, song qua số bước chân từ xe áp tải cho tới khi ngừng xe, anh có thể đoán được mình đang bị đoàn người đưa ra khỏi nội thành, lên đường cao tốc.
Xe cảnh sát chạy băng băng trên đường, thị giác mất đi khiến các giác quan khác trở nên vô cùng nhạy bén, đặc biệt là việc cảm nhận cơn đau. Những vết thương mới toanh không ngừng nhắc nhở anh chuyện xảy ra hôm qua, nhất là khóe mắt bên phải, cục máu đông đè lên miệng vết thương, miếng vải bịt mắt đen lại không ngừng ma sát lên vết thương vừa đóng vảy, nỗi đau đó không khác gì chiếc khoan điện cứ liên tục tác động lên dây thần kinh nhạy cảm.
Vị cảnh sát bên cạnh đang uống nước nhưng không ai nghĩ tới chuyện phạm nhân mà họ đang áp giải cũng đã mười mấy tiếng không được một giọt nước vào bụng. Tuy cổ họng khát khô như lửa đốt, Nghiêm Cẩn cũng không mở miệng ra xin. Qua cuộc điện thoại của Hứa Chí Quần, biết bản thân không thể trở lại trại tạm giam bằng việc tự thú, anh cũng hiểu giờ đây họ sẽ không bao giờ đối xử với mình tử tế như trước khi bỏ trốn nữa. Hình tượng lúc này tuy nhếch nhác nhưng kiêu ngạo và tự tôn ban đầu vẫn còn đó, anh vẫn chưa quen với việc khúm núm khụy lụy với mấy tay cảnh sát trẻ.
Hơn hai giờ sau xe cảnh sát tới đích. Nghiêm Cẩn bị áp tải đi xuống rồi thẳng tiến vào một phòng trống. Cảnh sát áp tải anh đang làm thủ tục bàn giao ở ngay phòng bên cạnh, anh nghe được tiếng nói chuyện văng vẳng cách một bức tường. Từ khẩu âm giọng nói của họ có thể biết chắc nơi này ở rất xa Bắc Kinh, có lẽ đã vào tới thành phố giáp ranh là Hành Thủy ở Hà Bắc.
Tiếng nói chuyện văng vẳng ở bức tường bên cạnh không còn nữa, cửa mở ra lại đóng vào, cán bộ quản lý trại giam mới và cảnh sát áp giải Bắc Kinh đang chào nhau ngoài hành lang, một người cáo biệt một người khiêm tốn, cảnh sát Bắc Kinh nói họ thiếu cảnh giác, cán bộ quản lý trại giam buông thả nên mới có chuyện phạm nhân bỏ trốn; trong khi cán bộ trại giam mới lại nói các đồng nghiệp thủ đô hiểu nhiều biết rộng, còn nhiều điểm đáng để người ở đây học tập, họ nhất định sẽ canh giữ nghiêm ngặt, không phụ sự kỳ vọng của các đồng nghiệp. Nói đoạn, họ bước vào căn phòng đang giam giữ Nghiêm Cẩn.
Miếng vải bịt mắt Nghiêm Cẩn cuối cùng cũng được lấy xuống, nắng chói chang bất ngờ rọi thẳng vào mắt khiến anh không khỏi giơ tay che đi. Lông mi trên và dưới bên mắt phải dính vào nhau vì máu chảy ra, anh không dám mở mắt mạnh vì vết thương trên đó cứ khẽ động là đau như cứa da cứa thịt.
Một cảnh sát đi tới khóa tay anh lại một cách thô bạo, tháo khóa tay anh rồi tra còng số 8 của trại giam vào. Nghiêm Cẩn nheo mắt nhìn, còng số 8 của trại giam này tuy cồng kềnh hơn loại còng inox nhỏ gọn cảnh sát thường đem theo bên người nhưng chỉ cần anh thực sự muốn tháo thì cả hai loại đều chẳng nhằm nhò gì. Anh khẽ nhếch mép, cười mỉa mai rồi để mặc cảnh sát đeo cả còng chân mà chỉ tội phạm nguy hiểm mới phải đeo vào chân mình.
Kéo theo chiếc còng chân nặng hơn chục kg, Nghiêm Cẩn bị chuyển đến phòng trong cùng của khu nhà giam. Điều kiện trong phòng thoạt nhìn không quá tệ, trong phòng có một chiếc giường sắt đã được cố định, một buồng vệ sinh đơn, là phòng giam một người cực hiếm trong trại giam. Nhưng chỉ cần nhìn lướt qua Nghiêm Cẩn cũng nhận ra một vấn đề: phòng này không có cửa sổ, chỉ có một lỗ thông gió nhỏ, công tắc bật điện bố trí bên ngoài, chỉ cần tắt đèn và đóng cửa lại, không gian bên trong sẽ tối om như mực. Thực ra đây là một phòng giam đã được cải tạo, không khác gì phòng tối đã giam giữ Mã Lâm trước ngày thi hành án. Trong hoàn cảnh u tối thế này, một người bình thường cùng lắm chỉ sống được bình thường khoảng ba ngày, dài hơn sẽ khiến tinh thần suy sụp.
Nghiêm Cẩn vừa đi vào, cánh cửa sau lưng liền đóng sập lại, không gian tối tăm lập tức bao trùm. Bóng đen không nhìn rõ năm ngón tay phủ lên mặt, lên tay và cơ thể, mềm mại và lạnh lẽo sẽ khiến con người ta có cảm giác cả người chìm trong bóng tối này, biến thành một miếng hổ phách đen sì, trong vắt. Anh mò mẫm nằm lên giường. Sự trói buộc của còng tay và sức nặng của còng chân khiến anh chỉ có thể nằm nghiêng thì cổ tay cổ chân mới bớt đau một chút. Bóng tối trước mắt không quá xa lạ với anh, cũng không hề khiến anh e sợ. Trong đợt huấn luyện “phòng tối” ngày xưa, kỷ lục lớn nhất của anh là bảy ngày. Một phòng nhỏ diện tích chỉ khoảng 4 m2, không có bất cứ nguồn sáng nào, không có công cụ đưa tin, cũng không nhận được bất kỳ tin tức nào bên ngoài, chỉ có thức ăn và nước uống. Công cụ tính toán thời gian duy nhất là khoảng cách giữa hai bữa cơm. Sau khi ăn xong ba bữa cơm là bắt đầu tiến vào bóng tối lâu và đậm màu hơn, chính là màn đêm. Trong sự xoay vần giữa bóng tối và bóng tối, anh lúc nào cũng phải lưu ý đến âm thanh và động tĩnh bên ngoài, bởi vì khi ra khỏi phòng tối, sẽ có giám khảo hỏi anh nghe được âm thanh đặc thù nào không, không trả lời đúng sẽ bị khai trừ. Bước ra khỏi căn phòng đó, một cậu lính trẻ vốn lanh lợi hướng ngoại trở nên trầm ngâm kiệm lời. Khi ngồi theo dõi mục tiêu, anh có thể nhìn chăm chú liên tục vào một bông hoa dưới khẩu súng suốt mười hai tiếng, cho đến khi nhắm mắt, hình ảnh bông hoa đó trong đầu anh còn rõ nét hơn cả dưới ống kính camera có độ phân giải 24 Megapixel.
Nhưng lúc này đây, Nghiêm Cẩn hoàn toàn đánh mất khái niệm thời gian. Mỗi ngày cái lỗ trên cửa đúng giờ mở ra ba lần, lấy đi đồ ăn thừa bữa trước rồi đưa tới thức ăn và nước uống mới. Hai ngày đầu người phụ trách đưa cơm còn thấy cơm nước có dấu hiệu được dùng một chút, nhưng đến ngày thứ ba, thứ tư gần như cơm nước mỗi bữa đưa vào thế nào đều được lấy đi như thế.
Nghiêm Cẩn thấy rất mệt. Mười năm trước trong phòng tối, anh có nhiều việc để làm: dùng xúc giác làm quen với hoàn cảnh sống, chạy bộ tại chỗ, hát hò, học thuộc bài… Nhưng giờ đây anh lại chỉ thấy mệt mỏi, mệt mỏi đến từ mỗi khớp xương đau đớn rã rời như vừa trải qua đợt huấn luyện cực hạn siêu nặng nhọc. Nằm giữa không gian u tối tương tự, anh cứ mãi nhớ tới bầu trời đầy sao trên cao nguyên ở Vân Quý (1). Đó là hình ảnh anh nhìn thấy nhiều nhất trong thời gian làm bạn với bóng đêm. Gió thổi vù vù bên tai trong khu rừng nguyên sinh, mùi hôi thối do cây cối và động vật phân hủy tràn ngập trong không gian, cảm giác nóng nực của vùng khí áp nhiệt đới, bộ trang phục ngụy trang vải lưới dày cộp trên người, mọi thứ đều khiến người ta không thể hít thở. Vào những lúc như thế, anh chỉ có thể ngước lên tìm sao trời. Trên cao nguyên cao hơn 2000m không bị ô nhiễm, những vì tinh tú đầy trời lấp lánh thật đẹp, vừa sáng vừa dày, không cần dùng tới kính thiên văn, chỉ cần mắt thường cũng nhìn được các chòm sao ngự trị nơi nào trên bầu trời, tỏa ra ánh sáng lành lạnh nhưng vĩnh hằng. Sự vĩnh cửu và mênh mông đó khiến người ta nảy sinh cảm giác kính nể.
(1) Tên gọi chung khu vực giữa hai tỉnh Vân Nam và Quý Châu.
Anh khó nhọc trở mình, mở to mắt. Giờ đây anh đã hoàn toàn quen thuộc với bóng tối xung quanh, bóng tối vô tận này giống như một thứ chất lỏng dính nhớp, lặng lẽ đi vào mạch máu và cơ thể, bao trùm lên lục phủ ngũ tạng. Nhưng chẳng biết bắt đầu từ khi nào, trước mắt anh bỗng sáng lên, hình như có một ngôi sao lấp lánh nào đó vừa băng qua. Trí nhớ Nghiêm Cẩn trở nên hỗn loạn, cơn mưa sao băng đẹp nhất cuối thế kỷ 20 có lẽ là cảnh tượng khó quên nhất mà anh vô tình được chứng kiến trong thời gian thi tuyển chọn vào binh chủng trinh sát, khi đó anh bị bịt mắt, bị xe jeep bỏ lại, phải một mình tìm cách tồn tại ở thảo nguyên Tích Lâm Quách Lặc (2).
(2) Một khu vực ở Nội Mông.
Anh từ từ cuộn người ngồi dậy. Phòng giam lạnh quá! Dường như có gió thổi trên thảo nguyên, vừa lạnh vừa cứng, sắc như lưỡi dao. Tối tăm, gió lạnh, đầm lầy, đôi mắt xanh lè của những loài vật sống về đêm, cậu binh nhì bé nhỏ chưa tròn mười chín đứng giữa thảo nguyên không có gì che chắn, lần đầu tiên biết thế nào là nhỏ bé, thế nào là sợ hãi. Ôm chặt khẩu súng trường tự động thân thương, cậu bé đó òa khóc không biết xấu hổ, mãi đến khi nhìn thấy vô vàn ngôi sao băng lướt trên bầu trời. Cậu gạt nước mắt, ngơ ngác nhìn lên màn pháo hoa đẹp tuyệt trên đầu, vượt qua một đêm dài khó sống nhất trong suốt mười tám năm cuộc đời đã qua.
Đối với những trải nghiệm lần đầu, con người thường sẽ nhớ mãi không quên, huống hồ là một ký ức đặc biệt như vậy, mười mấy năm sau nhớ lại, anh vẫn cảm thấy mỗi tình tiết đều như còn mới nguyên.
Mặt trời chiếu xuống thảo nguyên khiến nhiệt độ bỗng tăng vọt, chưa đi được bao xa đã đổ mồ hôi khắp người chứ đừng nói tới đeo vật nặng hành quân. Quân phục rằn ri lúc nào cũng nửa ướt nửa khô, lớp muối trắng cứ bám mãi trên lưng áo. Không có công cụ định vị, anh chỉ có thể tìm phương hướng của căn cứ huấn luyện đằng trước bằng trực giác. Nước mang theo đã cạn, cổ họng khát khô khiến cái lưỡi trở thành một miếng gỗ không còn cảm giác. Trên thảo nguyên thỉnh thoảng cũng có vũng nước nhưng vũng nước sau mưa lại là nơi muỗi đẻ trứng, người uống vào rất dễ bị thổ tả. Trước khi kiếm được nguồn nước sạch, anh chỉ có thể nhấm nháp cỏ xanh, dùng chút nước trong cây cỏ để xoa dịu tình trạng thiếu nước.
Sau đó là đau, đau rát. Chiếc balo nặng như siết chặt xương bả vai, mỗi bước đi đều khiến balo nảy lên, quai balo sẽ ma sát với da thịt trên vai, mồ hôi chảy vào vết thương như lưỡi dao róc da xẻ thịt. Nhưng khi đó dường như không hề cảm nhận được cơn đau, bởi so với tình trạng thiếu nước trầm trọng thì chút đau đớn ngoài da đó chẳng xá gì.
Nằm trên giường sắt trong phòng giam, Nghiêm Cẩn như đang ôn lại câu chuyện từ mười mấy năm trước. Anh đang đổ mồ hôi lại không biết mồ hôi từ đâu mà ra. Khát nước, khát đến mức nội tạng như bị thiêu đốt. Trí nhớ gần xa đều dần trở nên mơ hồ, cảm nhận rõ ràng duy nhất là nước trong cơ thể đang cạn dần, giống như tính mạng cũng đang từ từ trôi đi.
“Nước…” Anh bật ra một tiếng mơ hồ nhưng không ai nghe thấy, chỉ biến thành một tiếng ro ro như muỗi kêu trong căn phòng tối.
Nghiêm Cẩn choàng mở mắt hy vọng lại thấy được cơn mưa sao băng rực rỡ như mười mấy năm trước, vậy mà giờ đây trước mắt anh chỉ có bóng tối bao trùm mọi ngóc ngách. Hơn thế, mật độ tối tăm dường như ngày càng dày đặc, chỉ cần hít vào một hơi thì trong hơi thở sẽ có hơn nửa là những tạp chất mang màu đen đúa khó tả đó, sau đó dường như cả lá phổi đều ngập trong chất lỏng đen thui nhầy nhụa kia. Anh muốn ngồi dậy nhưng lực bất tòng tâm, chỉ biết cố gắng hít thở, trí nhớ càng trở nên hỗn loạn, cảnh tượng xuất hiện nhiều lần trong mơ giờ lại tái diễn.
Trong khu rừng nhiệt đới, nắng lọt xuống qua khẽ lá như những lưỡi dao, côn trùng không biết tên cứ rả rích kêu không ngừng bên tai, còn có nhiều loại rắn rết màu xám thỉnh thoảng trườn qua tay.
“Chú ý! Mục tiêu xuất hiện!”
“Cách bao xa?”
“870m, đang đến gần. Hướng gió lệch phải, ba phần tư, sửa lại, hai phần.”
“Xác định mục tiêu.”
“Có thể bắn được rồi.”
“Pằng” một tiếng, họng súng tỏa ra một làn khói nhẹ, mục tiêu ở giữa kính nhắm bắn như bất ngờ bị người ta giáng một quyền trực diện, mọi động tác lập tức biến mất rồi rầm rầm ngã xuống.
“Trúng rồi.”
“Nguy hiểm gỡ bỏ. Rút lui.”
Lại một tiếng “pằng” vang lên, tiếng súng đến từ một nơi rất xa, nhưng người bên cạnh anh lại gục xuống.
Xưa nay anh chưa bao giờ tới xem mục tiêu bị mình bắn hạ vì không muốn thấy máu và thi thể, song lần này, chỉ với khoảng cách 30mm, anh tận mắt trông thấy chiến hữu thân thuộc nhất của mình trúng đạn ngay ngực, tận mắt nhìn từng giọt máu chảy ra đến cạn kiệt, tận mắt nhìn thấy tính mạng biến mất là thế nào.
Một dòng chất lỏng lạnh lẽo chảy qua gò má Nghiêm Cẩn, môi anh run rẩy, dùng giọng nói đã khàn đặc của mình khẽ hát một bài ca: “Anh thề sẽ không hối hận... Bộ quân phục mặc một lần... Anh thề sẽ không hối hận... Năm tháng khắc lên tấm bia... Anh nói nhập ngũ như thơ ca như tranh vẽ... Tính mạng như một đóa hoa...”
Phải mười mấy tiếng sau bên trại giam mới phát hiện ra tình trạng lạ thường của Nghiêm Cẩn. Khi cán bộ quản lý mở cửa đi vào, ý thức Nghiêm Cẩn đã trở nên mơ hồ. Anh được đưa lên cáng, cửa phòng giam mở rộng có chỗ cho một luồng gió mát lùa vào, ngọn gió mang theo hơi ẩm mùa xuân khiến anh tạm tỉnh táo trong giây lát. Anh cảm thấy bản thân như đang chìm dưới nước, đang băng qua thế giới tăm tối nhớp nháp, cố gắng tiến về nơi có nguồn sáng phía trước. Trong giây phút tinh thần tỉnh táo, anh nghe thấy cảnh sát nói chuyện với nhau bên cáng:
“Họ bảo hắn xuất thân từ lính trinh sát mà, sao cũng yếu ớt thế nhỉ?”
“Thì đó, phía Bắc Kinh còn bảo hắn lợi hại lắm, xem ra chẳng đáng tin.”
“Đúng, vụ án của hắn nổi đình nổi đám, nghe nói gia đình hắn cũng có điều kiện, bây giờ lại sắp chết ở chỗ bọn mình, há chẳng phải rước lấy đại họa sao?”
Nghiêm Cẩn muốn nói nhưng lại như bị người ta nhét cát vào cổ họng, vừa nóng vừa cay khiến anh không thể cất lên thành lời. Anh thử điều chỉnh hơi thở nhưng cơn đau đầu dữ dội khiến anh chỉ có thể nhắm mắt, rồi bị bóng tối cắn xé.
Trước tiên Nghiêm Cẩn được đưa tới phòng y tế của trại giam cách đó không xa, họ chẩn đoán anh bị viêm phổi cấp tính nhưng không được điều trị kịp thời nên phổi đã xuất hiện tổn thương. Xét thấy điều kiện ở phòng y tế hạn hẹp, bác sĩ đề nghị mau chóng đưa lên bệnh viện thành phố, thế là Nghiêm Cẩn được nhanh chóng chuyển đến một bệnh viện nội thành tuyến ba, để tiện cho cảnh sát canh giữ, bệnh viện dành riêng cho anh một phòng bệnh đơn, dĩ nhiên cửa sổ đã được đóng kín từ bên ngoài.
Nghiêm Cẩn ở lại trong bệnh viện tuyến ba này gần một tuần, bệnh tình mới cơ bản được khống chế. Cũng may anh có nền tảng thể lực tốt nên không có quá nhiều di chứng, lần này bác sĩ đề nghị cho phép anh ra hành lang hít thở và gặp người ngoài.
Người đầu tiên tới gặp Nghiêm Cẩn là luật sư bào chữa của anh – Chu Trọng Văn.
Lúc Chu Trọng Văn mở cửa phòng bệnh, Nghiêm Cẩn đang được một người dìu đi lại nhẹ nhàng trong phòng bằng cách bám tường. Mặc dù bác sĩ nói rằng ra ngoài đi bộ đúng giờ rất có lợi cho sức khỏe của Nghiêm Cẩn, song phía cảnh sát không thể không lo ngại việc anh đã từng bỏ trốn một lần, quyết định phải canh phòng thật nghiêm ngặt. Ra ngoài sẽ phải đeo đủ còng tay còng chân, ở trong bệnh viện nhân dân mà bị người ta thấy được sẽ vô cùng đáng sợ, ảnh hưởng không tốt nên anh chỉ được phép hít thở ở cuối hành lang chật hẹp và đi bộ trong phòng mà thôi. Nghe tiếng mở cửa, Nghiêm Cẩn ngước mặt lên, bộ dạng anh bây giờ thực sự khiến Chu Trọng Văn hết hồn. Vì vết thương trên đầu, đã nhiều ngày Nghiêm Cẩn chưa gội đầu khiến mái tóc đen vừa dài vừa bết, mắt tụ máu, trông mỏi mệt vô cùng, râu ria rậm rạp mọc kín cằm, đến mức vào vai đạo tặc lang thang tứ xứ cũng chẳng cần hóa trang thêm.
Người cũng ngẩng lên vì nghe thấy tiếng mở cửa còn có cảnh sát ngồi cạnh cửa sổ. Người này vốn đang cúi đầu, chăm chú đọc tờ báo địa phương đến xuất thần, luật sư Chu đi vào xuất trình thẻ luật sư và thư ủy thác, anh ta chau mày ngó đi ngó lại rất lâu mới ừm một tiếng, trả giấy tờ cho luật sư Chu và tiếp tục nhìn xuống chuyên mục giải trí trên tờ báo, không hề có ý định tránh mặt. Luật sư Chu biết rằng ở tỉnh lẻ quy định tư pháp có nhiều bất cập, không thể chuẩn chỉnh như ở Bắc Kinh, nhiều chuyện không thể cưỡng cầu, đành nghiến răng chấp nhận sự thật, cứ coi như vị cảnh sát đó như không khí.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]