Chưa đầy năm phút sau tôi và Vũ cùng quay lại chỗ chiếc xe bị đổ, Vũ bị tôi giục dữ quá nên không kịp thay đồ, vẫn diện nguyên quần sọc áo ba lỗ phi ra đường. Vừa đi tôi vừa kể ngắn gọn lại tình hình cho hắn nghe. “Có khi mày hoa mắt thôi.” Hắn lẩm bẩm. “Chuyện quái gì kỳ cục vậy được chứ?!” “Tao cũng ước gì mình hoa mắt.” Tôi nói. “Nhưng sự thật là tao đã thấy nó, tao còn dừng lại quan sát từng chi tiết của cái xe nữa kìa.” Chiếc xe vẫn nằm nguyên ở vị trí chỗ cũ, giờ này đường vắng vẻ lại đêm khuya nên chắc chưa ai phát hiện ra, hoặc có thể ai đó đi ngang qua cũng bỏ mặc không quan tâm giống như tôi ban nãy. Cả tôi và Vũ đều lúng túng không biết xử trí thế nào. Tôi muốn giữ nguyên mọi thứ để báo cơ quan chức năng nhưng Vũ mới về ở nên cũng không nắm rõ khu vực này, cuối cùng sau một hồi phân vân hai thằng bảo nhau cứ dựng xe lên kiểm tra đã. Chiếc xe không bị hư hỏng nhiều lắm, có phần vỏ xe mặt trước đã bị xước hết, tấm đặt chân bên trái thì bị gãy gập vào trong, ngoài ra, chắc do va đập mạnh nên dây rợ bên trong bị lỏng ở đâu đó, hai thằng hì hục tìm đủ cách nổ máy nhưng đều không được. “Thôi ,bỏ cuộc.” Vũ thở phì phò sau một hồi cố gắng đạp cho xe nổ máy. “Hay thử mở cốp tìm xem có giấy tờ gì không.” Chúng tôi mở cốp và thấy một túi nilon kích cỡ vừa phải màu đỏ, bên trong có mấy cọc toàn tiền 500.000 đồng, áng chừng chỗ ấy cũng phải đến mấy chục triệu đồng, ngoài ra còn có một chiếc điện thoại nắp gập màu đỏ. “Chà chà, ở đâu ra kho báu của Alibaba thế này!” Vũ nói khi tung hứng một cọc tiền trên tay. “Có nên đem đi đặt cửa cho đội nhà không mày?” “Đừng đùa nữa ông tướng!” Tôi nói. “Nhanh mở điện thoại ra xem có thông tin gì không!” Có mấy cuộc gọi nhỡ trong chiếc điện thoại ấy, cuộc gọi gần nhất là từ một thuê bao được đặt tên là “Con gái”, gọi lại theo số ấy thì có người phụ nữ nghe máy, sau khi nghe chúng tôi nói qua tình hình, người phụ nữ tự nhận xe là của bà và hỏi chỗ chúng tôi. Vũ cảnh giác hỏi thử vài câu thì người phụ nữ ấy tả rất rành rọt về chiếc xe máy, bà ta còn bảo chờ một chút sẽ mang cả giấy tờ xe đến đối chiếu. Khoảng hai mươi phút sau thì có ba người phụ nữ đi trên hai chiếc xe máy đến theo lời chỉ đường của Vũ, một cô gái trẻ chắc chỉ hơn chúng tôi vài tuổi chở theo một người phụ nữ nhỏ bé gầy gò, còn trên chiếc xe tay ga kia là một bà cô mập mạp tầm ngoài bốn mươi tuổi và ăn mặc khá đồng bóng. Hóa ra chiếc xe bị đổ là của bà cô to béo sồn sồn ấy, giấy tờ xe bà ta cầm theo thể hiện bà ta đúng là chủ nhân của chiếc xe ấy. Biết chúng tôi lấy được điện thoại ra thì chắc hẳn đã nhìn thấy bọc tiền nên bà ta tỏ ra khá sốt sắng. “Cô yên tâm đi.” Vũ trề môi nói. “Tiền của cô không mất một tờ.” “Ừ…ừ. Cô hiểu mà.” Bà ta nói, nhưng nghe có vẻ chỉ để đẹp lòng bọn tôi. “Thôi tốt nhất cô tự đếm lại đi.” Vũ tự ái. “Bọn này mở cốp ra thấy thế nào thì để nguyên đấy. Nếu có ý xấu thì đã chẳng thông báo cho cô làm gì.” “Không, không phải cô nghi ngờ gì các cháu.” Bà ta nói. “Tại tính cô vốn cẩn thận về tiền nong, thôi thì cứ để cô đếm lại cho chắc chắn, tí cô sẽ hậu tạ các cháu sau.” Trong lúc bà cô kiểm tra lại xe và tiền, tôi quay sang hai người kia thuật lại việc mình phát hiện ra chiếc xe như thế nào. Sau khi nghe xong, người phụ nữ già khắc khổ nhìn chúng tôi với ánh mắt đầy sự biết ơn. “Cám ơn các cháu, cám ơn các cháu nhiều lắm” Bà ta nói liên hồi như vậy. “Ầy ấy!” Vũ nói. “Bà cô làm gì phải xúc động thế?!” “Khổ lắm cháu à.” Bà ta bắt đầu rơi nước mắt, người phụ nữ này rất dễ xúc động, đôi mắt của bà ta rất giống đôi mắt mẹ tôi, lúc nào nhìn cũng như ngân ngấn lệ. Rồi bà ta bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện cuộc đời bất hạnh của mình. Không nhớ rõ từ năm nào, chỉ nhớ là hồi chiến tranh với Mỹ, khi đó quê nhà của bà bị đánh bom, bà chạy đi di tản cùng gia đình làng xóm, rồi không may bị lạc mất hết cha mẹ và người thân. Kể từ đó bà trở thành một đứa trẻ lang thang đi xin ăn ở khắp các con phố Hà Nội. Bà được một người phụ nữ không gia đình nhận làm con nuôi, nhưng cũng chỉ mấy năm rồi người mẹ nuôi không may bị tai nạn giao thông qua đời. Thế là bà lại tiếp tục tự ra đời bươn chải. Lớn lên bà gặp và lấy được ông chồng vốn là công nhân đường sắt, lương công nhân ít ỏi nên hai vợ chồng cũng sống tằn tiện qua ngày. Những tưởng rằng bi kịch của bà chỉ ở nửa đời trước, ai ngờ nửa đời sau tai họa mới thật sự ùn ùn kéo đến. Bà có hai đứa con thì cậu con đầu tiên dính vào ma túy đã chết, cô thứ hai hiền lành chăm chỉ là hi vọng duy nhất thì không may mắc bệnh hiểm nghèo. Thấy bà ta khóc sướt mướt, cô gái đi cùng phải đỡ lời: “Khổ lắm em ạ. Trước đây con cô ấy làm kế toán siêu thị. Sau khi lập gia đình, hai vợ chồng cũng tập trung làm ăn lắm. Thế nhưng, ai ngờ cách đây hai năm, cơ thể nó cứ có biểu hiện suy nhược bất thường, đi viện khám thì mới biết đã bị suy tim cấp độ bốn. Chồng nó thấy thế chán nản quá nên bỏ đi mất rồi. Bây giờ mỗi tháng nó đi viện ít nhất hai lần, mỗi lần cũng phải tiền triệu. Tuần gần nhất lên thì người ta bảo là không truyền thuốc được nữa, phải cho về thở Oxy. Giờ cứ sống lay lắt nhờ vào bình Oxy, ba ngày lại phải thay một bình, không có là chết…” Tôi và Vũ quay sang nhìn nhau ái ngại. “Chị thì bán phở ở gần nhà cô ấy.” Cô gái nói tiếp. “Mọi người cũng thương nhà cô ấy lắm mà lực bất tòng tâm.” “Thế chiếc xe này là…” Tôi hỏi dè dặt. “Rắc rối này lại là do ông chồng cô gây ra cháu ạ..” Người phụ nữ nói tiếp, có lẽ đã vơi bớt xúc động. “Trước đây ông ấy cũng bình thường, nhưng từ ngày mất đứa con trai thì trở nên như điên như dại, cô có tuổi rồi, đẻ làm sao được nữa, ông ấy tuyệt vọng cả ngày chỉ biết uống rượu giải sầu. Ngày xưa còn uống được, hai năm nay yếu rồi, uống một tí vào là say xỉn, không ai cản được cả, trong nhà có đồ gì thì ông ấy đều giấu cô đem đi bán lấy tiền uống rượu hết.” “Vụ cái xe này…” Bà ta nói tiếp. “Cũng do ông ấy gây ra. Để lo tiền chạy chữa cho con, cô phải đi vay mượn khắp nơi, cô chủ xe kia là chủ nợ của cô. Tối nay cô ấy đi thu nợ mấy chỗ về, tiện qua nhà cô nói chuyện nợ nần, thấy khóa cổng rồi nên cô ấy yên tâm để chìa khóa xe trên bàn xuống nhà dưới nói chuyện, ai ngờ ông ấy nằm trên gác xép đã dậy lúc nào, xuống cứ thế mở cổng dắt xe đi mất.” “Trời.” Vũ nói. “Loại nát rượu ấy phải khóa trong nhà mà giám sát chứ!?” “Có phải con chim đâu mà khóa hả cháu. Có lần cô cũng thử khóa, nhưng ông ấy lại leo rào ra ngoài suýt ngã nên từ ấy lại thôi.” “Ha ha.” Vũ cười hềnh hệch và quay sang khều tôi. “Bọn say nó hay làm những việc điên điên khùng khùng lắm, cháu có thằng bạn giống thế nên cháu biết.” “Mày thôi đi.” Tôi lừ mắt nhìn bản mặt nhăn nhở của hắn. “Lúc quay lên nhà phát hiện ra cổng mở cô cũng nhờ chị bán bún đây đi quanh xóm hỏi xem có ai thấy không, mọi người đoán là ông ấy đi xa tìm chỗ uống rượu vì những quán gần nhà họ đều biết và không bán rượu cho ông ấy nữa rồi. Cô có nhờ người phóng xe đi tìm nhưng không nghĩ ông ấy lại đi hướng này.” “Chắc là lão ấy đi đến đây ngã xe, xong không nổ máy được nên tức quá bỏ đi rồi.” Vũ nói. “Mà may cho bà cô đấy. Lão ta mà phát hiện ra mấy chục triệu trong cốp thì uống rượu mệt nghỉ, sau đêm nay bà cô lại có thêm một khoản nợ kha khá đấy.” “Thế nên…” Bà chủ nợ phốp pháp quay lại nói, sau khi đã kiểm tra đồ đạc và gọi điện nhờ người nhà ra tìm cách đưa xe về. “Lúc nãy cô dùng máy của con gái gọi thử vào máy này, nhưng gọi xong một cuộc mới nghĩ ra là nếu lão ta mở cốp thì chết, thế nên lại thôi. Bà chị đây cứ bảo là chồng chỉ đi loanh quanh, uống xong là về nên cô cũng do dự cho thêm thời gian đi tìm chồng.” “Không giấu gì các cháu.” Người phụ nữ khốn khổ ấy lại khóc. “Đời cô coi như đã hết từ lâu rồi. Con cô chắc cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa. Nó đi rồi thì cô cũng bán nhà để trả tiền cho mấy người chủ nợ, rồi cô đến nơi cửa Phật xin nương nhờ.” Người đàn bà này chắc sẽ còn khổ đến tận lúc chết, tôi thầm nghĩ và ngó sang bản mặt nhăn nhó của Vũ, tính hắn không thích nghe những chuyện bi quan thế này, hơn nữa tôi cũng biết là hắn đang nhấp nhổm muốn về xem bóng đá. “Chị là may đấy.” Bà chủ nợ nói. “Giờ xã hội nhiều thủ đoạn lắm, phải người gian á, họ lấy hết tiền trong cốp rồi chỉ gọi điện bảo chỗ đến lấy xe thôi.” “Sao bà ta có thể nghĩ ra những chiêu trò như thế được nhỉ?!” Vũ quay sang nói nhỏ với tôi, tôi chỉ biết lắc đầu tỏ ý chán nản. Thấy mọi chuyện cũng đã rõ ràng, chúng tôi xin phép họ ra về trước, còn vụ ông chồng say xỉn kia thì để hai bên tự giải quyết với nhau. Bà cô chủ nợ rút mấy tờ trong cọc tiền ra đưa chúng tôi, tôi cám ơn rồi đưa tiền ấy lại cho người phụ nữ bất hạnh kia. “Cô cầm lấy.” Tôi nói. “Cứ xem là chút quà cháu thăm hỏi con cô.” “Không…” Bà ta nói. “Cô đã không có gì cám ơn các cháu thì thôi, làm sao cô dám nhận tiền của các cháu.” “Cô không phải nghĩ ngợi nhiều.” Tôi nói. “Thấy người khác gặp khó khăn thì đương nhiên bọn cháu phải giúp. Cô cứ cầm lấy đi.” “Cám ơn các cháu nhiều lắm.” Người phụ nữ khốn khổ siết chặt tay tôi trước khi về và nói. “Thời nay người ta chỉ biết đến tiền thôi, vậy mà… các cháu sống thật tử tế, cô không biết nói gì hơn, chỉ biết rất cám ơn các cháu!” Đó chỉ là một câu cám ơn vô tình thôi, bình thường nó sẽ khiến người nghe thấy hạnh phúc, nhưng trong hoàn cảnh này nó lại khiến tôi trở nên bần thần suốt quãng đường về nhà. Thật đáng xấu hổ, người phụ nữ ấy không biết trước đấy không lâu tôi đã nói huỵch toẹt suy nghĩ của mình với Đăng rằng tôi thà dùng trí tuệ của mình để kiếm tiền còn hơn đi tìm hiểu và giúp đỡ những khó khăn của thiên hạ. Gần đây tôi đã bị hai người bạn thân xa lánh chỉ vì quan điểm về cuộc sống và tiền bạc của mình. Đăng hôm nay là lần thứ hai. Còn trước đó là Trang, vào hôm mà anh em chúng tôi bắt đầu hục hặc với nhau, cô cũng mắng tôi rất gay gắt về chuyện tiền bạc này. Chẳng là buổi chiều hôm ấy cô dùng máy tính ở tầng hai quán điện tử của tôi, được vài tiếng thì thằng cu con chủ nhà trọ cũ của tôi sang chơi, tôi bật cho nó máy ngay cạnh cô, một lúc sau thì Trang chạy uỳnh uỵch xuống than phiền việc thằng nhóc xem phim con heo. “Khiếp quá cái thằng ấy, em đang xem phim thì quay sang thấy cu cậu đang ngẩn người ra, nhìn cái mặt nó đần ra nhìn phát ghớm!” Cô lắc đầu lè lưỡi khi kể tôi nghe tình hình trên ấy. “Thế à? Để anh bật máy máy dưới này cho em dùng nhé.” “Ơ?! Anh nghe em nói chưa rõ à? Nó đang xem phim con heo đấy?!” “Kệ nó, góc ấy kín nó xem cũng không ảnh hưởng đến ai đâu.” “Sao anh lại nói vậy? Trên bảng chỉ dẫn của quán còn ghi rõ kia kìa!” Cô vừa lý sự vừa chỉ tay lên cái bảng thông báo của quán ngay sau lưng tôi, dòng thứ ba chữ màu đỏ rất nổi bật: Không truy cập những trang mạng đồi trụy khiêu dâm. “Mà hơn nữa.” Trang nói tiếp. “Nó còn bé lắm, nó xem mấy cái phim ấy nhiều rồi bị ám ảnh thì sao, đầy vụ phạm tội kiểu thế còn gì, anh khóa máy rồi lên nhắc nhở nó đi chứ!” “Ôi trời, kệ nó, anh có phải bố mẹ nó đâu mà có trách nhiệm dạy dỗ nó, nó không xem ở đây thì xem ở chỗ khác, miễn là trả đủ tiền thôi.” Tôi cáu bẳn. Trang tròn mắt nhìn tôi. Tôi đẩy vào người cô rồi giục: “Nếu em không chơi nữa thì về đi, anh đang chán lắm đây.” “Hôm nay anh làm sao đấy? Anh có vẻ khác mọi ngày lắm đấy nhé!” “Anh chả sao cả.” “Hồi anh thuê trọ bên ấy bố mẹ nó cũng tốt với anh mà!” “Tốt thế nào?” “Thì trả tiền nhà muộn mà không càu nhàu là tốt rồi, em đã phải chuyển nhà trọ đến hai lần chỉ vì thái độ của chủ nhà đấy!” “Vấn đề ở chỗ là, em hiểu không, nếu nó không xem ở đây thì sang quán khác trả tiền người ta cũng để nó xem thôi, có gì khác đâu? Mình không thể thay đổi gì được.” “Nhưng… nhưng mà…” Cô ú ớ. “Anh nói đúng không, em nghĩ kỹ đi!” Tôi hỏi. “Có đúng thế không?” “Em không biết!!” Trang gắt lên vì bị hỏi dồn, cô đùng đùng xách ba lô lên rồi bỏ ra ngoài. Tôi lại gục mặt xuống bàn, lúc ấy hơi thở của tôi vẫn toàn mùi rượu, đầu óc thì lùng bà lùng bùng. Dường như nghĩ ra điều gì đó, Trang dậm chân bình bịch và đứng ở cửa gào lên trước khi nổ máy: “Em chơi với anh vì quý con người phóng khoáng chính trực của anh! Anh đã nói thế thì em cũng chẳng còn gì để nói nữa!” Có tiếng nổ máy, rồi tiếng của Trang gào lên, lần này to hơn lần trước: “Anh cứ thế đi, rồi anh sẽ trở thành một kẻ chỉ biết đến tiền thôi!!” Tôi giật mình ngẩng mặt lên thì chỉ còn kịp thấy đuôi xe biển số 34 của Hải Dương quê cô. “Rồi anh sẽ trở thành một kẻ chỉ biết đến tiền thôi!” - Lời dự ngôn của Trang hôm ấy tôi đã hoàn toàn bỏ ngoài tai, nhưng đúng lúc này nó cứ lặp đi lặp lại làm đầu óc tôi bắt đầu trở nên quay cuồng. Tiếp sau tín hiệu châm ngòi ấy, mọi thông tin ký ức bắt đầu chạy toán loạn lên trong bộ óc tôi, kinh khủng như màn hình máy tính lúc bị nhiễm virus vậy, mọi chuyện từ khi tôi biết ý thức đến nay, ký ức nặng nề về cái chết của bố mẹ tôi, những kỷ niệm dằn vặt dang dở với Ngọc, những câu chuyện ngọt ngào nhưng đầy tuyệt vọng với Lan, những trải nghiệm với Đăng, với Trang, với Vũ… vân vân và vân vân chuyện, tất cả chúng cứ vụt lóe vụt tắt như ánh chớp và đan xen lẫn lộn thực thực hư hư trong tâm trí tôi. Chóng mặt. Buồn nôn. Vũ vừa dừng xe trước cổng nhà là tôi phi ngay xuống xe và quỳ sụp xuống ôm một bên cột cổng đầy rêu mốc để nôn. Sau màn nôn ọe mà Vũ đứng trêu vui tôi là đang đánh dấu lãnh thổ à, đầu óc tôi như bị nổ tung ra vì quá tải, vài phút sau đó, tôi ngẩng mặt lên ngơ ngác nhìn cảnh vật xung quanh mình, tất cả mọi thứ bỗng trở nên vô cùng xa lạ, bầu trời đêm cao vời vợi, vầng trăng khuyết đầu tháng, những đám mây lững lờ, đồng cỏ tối đen xa hút tầm mắt, tất cả, kể cả tiếng ếch kêu, kể cả Vũ đang cợt nhả kia nữa, bỗng dưng trở nên vô cùng khó hiểu, tôi cảm thấy mình chẳng hiểu gì về thế giới này nữa, tất cả những sự vật sự việc đều như mới hình thành và đang đòi tôi phải đi tìm một định nghĩa mới cho chúng. Tôi bị thần kinh rồi chăng? Chắc là tôi bị thần kinh thật rồi. Không ổn. Thật sự rất không ổn, tôi phải tìm một nơi nào đó để suy nghĩ lại về bản thân mình, về tất cả những gì đã và đang xảy ra với cuộc đời mình. Có thể đi đâu bây giờ được? Chỗ nào chữa bệnh thần kinh phù hợp nhất đây? Nơi đầu tiên hiện ra trong đầu tôi, thật khó tin, lại chính là nơi chiếc bàn thờ ấy, nơi tôi đã động chạm đến niềm tin của bố mình, nơi tôi xem là biểu tượng của cái chết và đã chạy trốn rất xa khỏi nó từ ngày mẹ mất. Phải trở về đối diện với cái chết thôi, đến lúc rồi, đến lúc phải trở về đối diện với cái chết rồi. “Cái gì?? Sáng sớm mai về quê?” Vũ nhảy dựng lên khi hai thằng vừa ngồi xuống bàn uống nước. “Mày vừa nói cái gì? Tao có nghe nhầm không?” Nghĩ cũng khổ thân cho hắn, gần đây hắn đã phải chứng kiến quá nhiều hành vi kỳ quặc đến mức điên loạn của tôi. “Mày điên à thằng kia??” Hắn quạc mồm mắng tôi, và vẫn như mọi khi, lại inh ỏi cả xóm trọ. “Rảnh rỗi chỉ lo cắm đầu vào rượu chè, tự dưng lúc quan trọng nhất thì đòi về, mày biết ngày kia là thi môn đầu tiên rồi không?? Hay tính bỏ học về quê chăn trâu luôn?!” “Tao biết, nhưng tao phải về! Có một việc dang dở tao bắt buộc phải hoàn thành, rồi chiều mai tao sẽ lên ngay để kịp dự thi.” Tôi nói, chợt nhận ra môi mình đang nứt toác vì thiếu nước. “Mày nói đúng, tao bị điên rồi, rất nặng là đằng khác. Tao phải đi chữa trị dứt điểm căn bệnh điên này.”
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]