Chương trước
Chương sau
Chiều, chiều rồi.

Phía sau rặng núi đen, Mặt trời, cái quả cầu lửa đỏ rực đầy gay gắt, đang khuất bóng dần. Lưng chừng trời, hàng đàn cò thẳng cánh bay đi, băng qua điện Cây Quế. Gió núi thổi hiu hiu lạnh, dù cho bây giờ chỉ mới tầm sáu giờ chiều. Thế thành tựa núi, bốn bề rừng cây tĩnh mịch, cảnh chiều tà nơi này thực sự làm kẻ mới đến phải rờn rợn trong lòng. Viêm cũng vậy. Lúc trước, nó đã quá quen với ánh đèn đường, và tuy sống trong tận khu hẻm nhỏ, ánh đèn cũng chưa từng thiếu. Bây giờ, ở nơi đất lạ, nhìn các tháp cao, mái ngói vút cong nhuốm màu đen đỏ, nhóc ấy cứ thấy ớn ớn mãi.

Sửa lại cái khăn quàng với cổ áo cho ngay ngắn, nhỏ đứng đó chờ Mộc Ma trả xong tiền nước. Uống hết hẳn mười mấy ly, Viêm thấy thật dị khi mình chỉ cần phóng vô nhà xí một lần duy nhất là đủ để “xả lũ” rồi. Nhưng quái hơn, Mộc Ma thậm chí còn không phải đi nữa. Cứ mỗi lần uống nước vào, Viêm để ý, tóc nhỏ đó lại ánh lên màu xanh lá mạ, còn trên người từ hàm dưới xuống cổ lại nổi lên mấy sợi gân xanh xanh như gân lá. Nó lấy làm lạ lắm, nhưng lại nghĩ, Mộc Ma mang tính mộc mà, chắc do vậy nên mới thành ra dị thế.

Mà tự dưng nó thấy quê quê, mới qua thế giới khác, quen con nhà người ta rồi bắt nó trả tiền cho mình á?

– Chứ cậu có cắc nào dính túi á?
– Oái?

Xém hét toáng lên, Viêm quay lại và thấy ngay con bạn đã lù lù sau lưng tự bao giờ. Đút tay vô túi quần, Mộc Ma nói chuyện tiền nong Viêm không cần phải lo, mai mốt lỡ có mua gì quá đà thì cứ khai tên Giao Long ra, người ta ghi nợ cho.

– Chơi kỳ vậy? – Viêm tròn mắt.
– Chứ giờ cậu kiếm mô ra tiền? – Mộc Ma hỏi – Chưa có thì phải ăn chịu, hoặc để người ta bao. Chừng nào có… Hì hì, trả lại sau cũng được!
– Ra là vậy… Cậu tính hết rồi nhỉ?
– Làm sĩ quan phải có tầm nhìn xa một chút! Mà, có chỗ này mẹ mới bảo tớ dẫn cậu đi!
– Hờ… Mà cái gì… Oái?

Chưa kịp dứt câu, Viêm bị Mộc Ma lôi đi tuồn tuột. Nghĩ lại, nhỏ thấy cái cảnh này chả khác gì hồi được thuyền trưởng đón lên tàu, chỉ khác là thay vì bồng thì là lôi đi thôi. Nhưng chẳng sao, ít ra nó đỡ phải xấu hổ. Chứ nghĩ tới cái cảnh mình bị một đứa nom còn lùn hơn ẵm chắc Viêm độn thổ luôn mất! Lúc đó thì sao sống nổi chứ, nhục quá chết luôn cho lành!

Mà đợi đã…

Nãy giờ mấy cái nó nghĩ Mộc Ma có biết chưa?

Nghĩ tới đó, Viêm thực sự rụng rời tay chân, tưởng như cả thế giới sụp đổ toàn bộ rồi. Trời ơi! Ai đời đâu lại đi nghĩ mấy chuyện xấu hổ muốn chết đó cạnh cái con suốt ngày đọc suy nghĩ chứ? Nãy giờ Mộc Ma im im, có lẽ nào nó đọc hết những gì Viêm gào thét trong óc rồi? Chết! Chết thiệt rồi! Bị bạn đọc tuốt tuồn tuột mọi suy tư, bây giờ Mộc Ma sẽ nhìn nhỏ như thế nào chứ? Một con bánh bèo? Vô dụng? Lo nghĩ lung tung? Cái nào đây?

Không, không thể cứ bị động hoài được! Viêm phải, dù chỉ một lần thôi, nắm thế chủ động!

Nghĩ bụng, nhỏ giật tay Mộc Ma, nói:

– Nè, nãy giờ tớ nghĩ trong đầu… cậu…
– Tớ có đọc chưa à?

Lại lần nữa! Chưa nói xong Viêm đã bị chận họng rồi! Mà khoan, Mộc Ma nói vậy thì có khác gì nó thừa nhận nó nghe hết mọi tiếng lòng của Viêm? “Tui muốn chết…”, Viêm khóc thầm.

– Tớ chưa đủ trình để đọc suy nghĩ mà không đối diện người khác đâu!
– Huể?

Mộc Ma mới thở ra cái gì thế kia? “Chưa đủ trình để đọc suy nghĩ mà không phải đối diện người khác”? Nói như vậy tức là bây giờ, khi nhỏ đó đang quay lưng về phía mình, Viêm có thể đảm bảo cái đầu mình không bị nghe lén á? Thật may quá, chứ không thì nó chẳng biết mình phải chết kiểu gì cho hết nhục nữa. Thậm chí chạy thẳng ra đường cho ba gác chở tôn đâm còn chẳng đủ nữa.

Hay là, nó nghĩ, nhảy khỏi Hồng Ma từ độ cao mười ngàn thước mà không dù, không đồ bảo hộ nhỉ? Hồi đó có lần coi tivi nó thấy người ta nói nếu nhảy dù từ trên cao mà không có sự chuẩn bị đàng hoàng cũng như trang bị phù hợp thì sự chênh lệch áp suất đủ khiến một người trưởng thành ngất lên ngất xuống vài chục lần. Chưa kể do tác động của lực hấp dẫn mà cơ thể sẽ lao đi ngày càng nhanh, tới khi chạm đất thì chỉ còn là mớ thịt vụn. Nhớ lại, Viêm thấy chết vậy cũng… vui chứ, ít ra còn cống hiến cho khoa học!

Đi phía trước, thực ra Viêm nghĩ gì Mộc Ma đều biết cả rồi. Cái trò không đọc được nếu không đối diện chỉ là cái cớ bịa đại để bạn mình không xấu hổ quá cắn lưỡi chết thôi. Nhưng nhỏ không nói. Có những điều cần được chôn sâu, nhất là thứ có thể khiến người ta mất bình tĩnh mà làm chuyện bậy bạ. Có điều, Mộc Ma thực sự thích ý tưởng nhảy khỏi tàu từ độ cao mười ngàn thước. Không biết cảm giác gió rít qua tai khi ấy sẽ thế nào nhỉ?

Trên đường đi, hai nhỏ cắt ngang qua khu kho bãi của điện. Chỉ tay vào mấy cái nhà thấp thấp, xây gần như chìm hẳn dưới đất, Mộc Ma nói đó là các kho quân dụng, chứa vũ khí trong đó. Khu vực hai đứa đang qua chỉ là kho vũ khí cầm tay, tức mấy loại súng ống và các kho đạn gần đó. Nguyên tắc chung là không để súng với đạn chung kho nên dù gần nhau, hai khu vực cũng bị tách ra và ngăn bằng vách đá cao chừng một thước. Tổng số vũ khí điện Cây Quế sở hữu đủ để vũ trang cho khoảng sáu quân đoàn bộ binh, tương đương ba trăm ngàn lính, chưa kể các lực lượng dân quân và du kích, nhưng cụ thể gồm các loại nào thì Mộc Ma không nói. Dĩ nhiên, thông tin tuyệt mật vậy không thể nói ra. Nhưng việc cho biết số lượng vũ khí đại khái vậy giống như nhỏ cố tình chọc Viêm sợ vậy.

Và đúng như Mộc Ma tính, Viêm tái mét cả mặt. Giọng run run, nó nói:

– Nhiều… Nhiều vậy á?
– Thì dù gì cũng là căn cứ cỡ lớn mà! – Mộc Ma bảo – Xuống miệt Gò Quau còn một thành, bên Nam Vang hai ba thành gì đó, phía Phiên An cũng có cái tổng kho Thiên Bình. Tớ nỏ có rành lắm nhưng khui hết mấy kho này chắc đủ để vũ trang cho tầm bốn triệu lính thường trực, còn đạn thì vãi vô tư!
– Hả? – Viêm sốc tận óc – Vậy rốt cuộc… Đế quốc Liên hiệp có nhiêu quân vậy?
– Tớ nỏ biết.
Nhún vai, Mộc Ma nói đầy vẻ bàng quan. Nhỏ bảo mình ở bên Không quân, lại chỉ là bộ phận phòng không “bù nhìn” nên không được tiếp cận thông tin chi tiết. Những cái đó có thể người có quyền lớn như Giao Long, Hồng Ma hay Tham mưu trưởng chắc biết, còn nó thì chỉ nghe sơ sơ. Đặc biệt là tình hình quân dự bị, khả năng có bao nhiêu lính khi tổng động viên, sản lượng công nghiệp quốc phòng, nền kinh tế,… thế nào thì nó hoàn toàn mù tịt. Nhỏ bảo, chắc tại mình còn nhỏ quá, mẹ sợ nói ra thì Mộc Ma giữ không được nên chẳng hề nói gì cả, dù con mình có là Trung úy quân đội đi chăng nữa.

Vừa đi vừa nghe Mộc Ma càm ràm, cuối cùng hai nhỏ cũng rời khỏi khu kho bãi. Viêm nghĩ bụng, nhất định con đầu đỏ này ức chế lắm mới nói không kéo da non suốt hai chục phút đi bộ đây! Mà nhỏ đó lảm nhảm nãy giờ lại không lòi ra chút tin tuyệt mật nào cũng tái thật. Toàn nghe nói mẹ thế này, mẹ thế kia, mẹ không cho đi theo tàu, mẹ bắt làm cái việc cóc hề quan trọng, mẹ không cho ra trận,… Nhưng vậy cũng được mà. Viêm mỉm cười, ít ra Mộc Ma còn có mẹ, còn mình thì…

– A, nhìn nè!

Đang suy nghĩ lung tung, Viêm giật mình khi Mộc Ma kéo tay mình. Nhìn theo hướng bạn chỉ, nhỏ thấy hai đứa đã tới khu cảng tự bao giờ. Dù chỉ đứng bên ngoài, Viêm vẫn cảm thấy được sự hùng vĩ của nó.

Khác hẳn với mọi loại “bến cảng” mình từng biết khi ở Trái đất, quân cảng Thiên Cẩm, tên chính thức của khu cảng hàng không bên trong điện Cây Quế, thực sự là một khu phức hợp cực kỳ khổng lồ của các cầu cảng, tay đỡ và cả các hầm chứa lớn. Lúc hạ cánh xuống, nhỏ thực sự ngạc nhiên, dù vẫn thấy buồn nôn, khi tận mắt chứng kiến cảnh những chiến hạm được nâng lên từ tận trong lòng đất. Khi ấy Hồng Ma giải thích rằng quân cảng Thiên Cẩm được xây tựa vào núi, trong núi khoét thành khu kho bãi cỡ siêu lớn để trữ tàu. Tuy nói là thế, nhưng thực sự cảng Thiên Cẩm chỉ có thể nhận khoảng một trăm tàu khu trục, sáu mươi tuần dương hay hai mươi thiết giáp hạm. Zeppelin không tính vì chúng thuộc về tàu đổ bộ, mà cảng Thiên Cẩm lại vốn là căn cứ zeppelin. Phần lớn lực lượng của Không hạm đội 6 nằm tản mát trong các “Không đoàn” riêng, đóng ở những căn cứ quân sự trên khắp sáu vùng lãnh thổ của U Minh.

Nhưng vậy thì sao chứ?

Nhìn kích thước của mấy con tàu, Viêm nghĩ bụng, nhét được cả trăm chiếc “khu trục” vô cái thành này thực sự đã là quá ư kỳ công rồi! Trên cảng, hàng chục tàu zeppelin nằm im lìm trên các tay đỡ vĩ đại, đang chờ được đưa vào nhà chứa ở vách núi. Nhìn mấy cánh cổng thép cao hàng chục thước, bề dày chắc cũng phải mấy tấc hình mái vòm chầm chậm mở ra mà nhỏ lạnh hết cả sống lưng! Hàng ngàn, hàng vạn bánh răng, dây xích với đai chuyền làm việc liên tục chỉ để kéo mấy tấm kim loại đó ra, và bệ đỡ sẽ “chở” cả con tàu vào trong.

Thậm chí, vì quá lớn nên các bệ phải đặt hẳn trên đường ray riêng, có cả đầu máy xe lửa để chạy nữa chứ. Trông mấy con tàu hình xì gà yên giấc ngủ trên cầu cảng mà nhỏ phục sát đất nền công nghiệp nơi này. Thậm chí ở Trái đất cũng chưa làm được tàu bay vỏ thép dài mấy trăm mét, vậy mà cái “dị giới” này lại có hẳn cả hạm đội thế này sao? Kinh dị quá, nhất là khi thấy mấy cột khói đen ngòm xả ra từ ống khói máy kéo. Cái tiếng máy “tu… tu…” đặc trưng của ống khói xe lửa nhắc nó nhớ chỗ này, nền công nghiệp mới chỉ là thời kỳ hơi nước. Thời hơi nước thôi, nhưng so với Việt Nam thì đã đi trước cả thế kỷ.

Uỳnh…! Uỳnh…! Uỳnh…!

Mặt đất lại rung bần bật. Nhìn lên trời, hai đứa thấy một đội tàu nhỏ với bốn chiếc đang vào bến. Tất cả chúng đều giống nhau, nhưng tàu dẫn đầu, chắc thế, có sơn hình rồng xanh ở hai bên mạn. Trên lớp vỏ đen, hình rồng màu xanh lục bảo càng nổi rõ hơn, nhất là khi những chiếc đèn rọi lớn dưới đất chiếu thẳng vào thân. Mà cũng chưa phải tối hẳn nên Viêm thấy chúng khá dễ. Nhỏ nhận ra đó là một trong mấy loại tàu đã xuất hiện lúc Hồng Ma hạ cánh.

Những chiến hạm cỡ nhỏ, hai thân với khối kim loại dằn lớn nằm dưới bụng, dang rộng đôi cánh vĩ đại ra che lấp cả bầu trời. Mé đằng đuôi, ba trục cánh quạt lớn, mỗi chiếc lắp bốn cặp quạt, đang hoạt động hết công suất. Từ dưới nhìn lên, nhỏ không thấy hết được dàn hỏa lực nhưng vẫn trông rõ mồn một các ụ pháo đáy, dù chỉ có độc một nòng mỗi ụ nhưng vẫn trông hầm hố vô cùng.

Phía thân trên, tuy chỉ lấp ló cơ mà Viêm cũng nhìn ra mấy tháp pháo gắn bên mạn, giống với mấy chiến hạm Định Quốc. Và cũng như lớp chiến hạm cỡ lớn ấy, đám tàu này có phần mũi rất nhọn, hai bên thân trên có đoạn bè ra. Thậm chí cột buồm chúng còn hoành tráng hơn với cả lô các loa thu thanh. Viêm không thấy hết mà chỉ nhìn mé mé thôi, nhưng nó thấy có gì đó giống… bệ phóng tên lửa trên tàu?

– Đội khu trục 6 về rồi à? – Mộc Ma tròn mỏ – Cứ tưởng họ phải tới mai mới về chứ hầy?
– Đội khu trục 6? Là gì vậy? – Viêm ngạc nhiên.
– À, bốn chiếc khu trục dưới quyền mẹ đó mà! Chứ cậu nghĩ tàu bự như mẹ lại nỏ cần hộ tống á?
– Hộ tống?
– Ừ, hộ tống!

Viêm không nghe nhầm chứ? Cái pháo đài bay như Hồng Ma mà cũng cần hộ tống á? Không phải với dàn vũ trang đó cô ta có thể đánh nát bất cứ tàu nào sao? Chưa kể kích thước khổng lồ đó thì bắn tới Tết Công – gô may ra mới nứt giáp! Vậy thì cái bà quái vật đó còn cần hộ tống làm gì nữa chứ? Làm màu á?

Biết tỏng con Viêm nghĩ gì, Mộc Ma cười khì khì, nói ngay:

– Ban đầu tớ cũng nghĩ rứa, bự như bả thì cần gì hộ tống! Mà sau đó tớ mới biết lý do!
– Lý do? – Viêm tròn mắt không hiểu.
– Dàn pháo hạng hai bắn chán lắm, trong khi đống pháo chính phải chờ nửa tiếng mới “phơ” được một phát! Phòng không bắn nhanh nhưng chả khác gì muỗi chính nồi đồng, bắn tàu địch không xuyên nổi giáp! Thành ra để tự vệ mẹ phải đem theo hàng hộ tống. Dưới hai cánh bả chứa đâu chừng hai trăm cái xe bay mỗi bên, còn lôi theo khu trục bảo vệ nữa! Nhìn thì hoành tráng lắm cơ, thực ra to xác vô dụng!
– Nè, mẹ cậu đó… – Viêm nói nhỏ – Cậu không sợ cổ buồn à?
– Bả biết mà. – Mộc Ma tỉnh bơ – Người mạnh là người nhận thức được nhược điểm và biết khắc phục nó!

Nói tới đó, Mộc Ma mỉm cười. Tuy nhỏ quay đi rất nhanh, nhưng Viêm, trong thoáng chốc, nhận thấy đó rõ ràng là nụ cười đầy tự hào của người con khi nói về mẹ mình. Nhỏ cũng mỉm cười, xem ra trong lòng Mộc Ma vẫn thương mẹ lắm.

“Đồ ngốc…”

Mộc Ma hơi đỏ mặt. Nhỏ đáng ra không nên đọc mớ suy nghĩ của con ngốc kia!

Phải làm gì để đánh trống lảng đây…?

A, phải rồi!

Chẳng phải Viêm rất hứng thú với tàu bè sao?

Thấy ngay lối thoát, Mộc Ma không ngu gì để nó vuột khỏi tầm tay. Canh ngay lúc bốn chiếc tàu còn chưa đáp, và trên sân vẫn còn tới vài chục zeppelin đang chờ được đưa vào kho, nhỏ kéo tay Viêm, bảo:

– Nhìn ngầu chứ? Khu trục hạm lớp Xích Quỷ là lực lượng chính của Không Hạm đội 6 đó!
– Hể? – Viêm quay ngoắt sang – Nhưng… tớ tưởng cậu mới nói họ là hộ tống của Hồng Ma?
– Có đội 6 thôi, chứ cậu nghĩ cái lớp khu trục cả ngàn chiếc đi theo bả hết á?
– Cả… Cả ngàn?
– Ừ! Sốc chưa?

Nói đoạn, Mộc Ma lại kéo tay Viêm ra chỗ khác, tránh ánh mắt của mấy người bên trong. Nãy giờ lo đủ thứ chuyện nên hai nhỏ không để ý rất nhiều binh sĩ đang quan sát mình, nhưng họ không làm gì cả. Viêm không biết, nhưng Mộc Ma hiểu như vậy là sao. Lính trong điện chủ yếu là thi quỷ, không dưới quyền Hồng Ma thì cũng là Hương Hương. Một người là gấu mẹ vĩ đại, người kia, tính ra, giống như chị nuôi vậy. Lỡ như bị báo cáo lên thì tiền tháng này cắt cái rụp ngay! Vì tiền ăn, nó buộc phải trốn đi.

Nhưng nói “trốn” vậy thôi chứ hai đứa vẫn đứng ở nơi chắc ăn có thể quan sát cảng được.

Từ cái bục quan sát, đúng hơn là mỏm đá cải tạo lại, hai nhỏ hoàn toàn nhìn thấy hết khu bãi đáp của quân cảng Thiên Cẩm. Những chiếc zeppelin cuối cùng đang được đưa vào kho, khói đầu tàu bốc lên cuồn cuộn như muốn che kín cả trời. Do nhà chứa tàu bay nằm ở mé Tây, tựa hẳn vào lưng chừng núi nên ánh Mặt trời không thể soi tới đó được. Đổi lại, cả cái sân bay rộng lớn lại rực rỡ ánh đèn điện xanh đỏ, nhấp nháy, lấp lánh như thể người ta hái cả thiên hà xuống đất vậy. Đèn rọi cao áp vạch từng đường sáng vào bầu trời lừ lừ sắc đỏ như con đường đi thẳng đến thiên đường. Nhìn hàng loạt đèn sáng rỡ dẫn lối cho chiến hạm, Viêm không thể nào không trầm trồ thán phục. Cái khung cảnh hoành tráng tới thế thậm chí ở Việt Nam nó cũng chưa từng được thấy qua.

Chỉ lên nhóm khu trục, Mộc Ma nói:

– Chắc thuyền trưởng nói cậu nghe cái học thuyết cầm quân của cổ rồi ha?
– Học thuyết? – Viêm nghiêng đầu – Hình như rồi, mà sao thế?
– Vậy thì dễ nói hơn thôi!

Nháy mắt, Mộc Ma tiếp:

– Nếu cậu muốn ở lại tàu thì cần phải biết mấy cái này!
– Biết gì?

Viêm bắt đầu hối rồi. Nhỏ đang thực sự tò mò với mấy chuyện Mộc Ma úp mở nãy giờ. Nhỏ không biết mình đang đi thẳng vô cái bẫy giăng sẵn của nhỏ đầu sừng đó. Mộc Ma tính cả rồi. Khơi chuyện vài ba câu và con ngốc này sẽ bị cuốn theo! “Xem ra ở đây hay ở đó thì con người đều dễ bị ảnh hưởng như vậy”, Mộc Ma cười thầm. Chỉ tay lên chỗ mấy chiếc khu trục, nhỏ bảo:

– Thế giới hiện tại có hai trường phái chính là Hạm đội quyết chiến của Albion và Jeune École của Gaullia! Thuyền trưởng tuy từng chống Gaullia nhưng lại theo phe Jeune École, ưu tiên tàu nhỏ, cơ động hơn!

Nói tới đây, Mộc Ma mới bắt đầu giải thích, do không phải chuyện “quốc cấm” nên nhỏ đi rất kỹ càng. Học thuyết hải quân Jeune École, theo tiếng Việt nghĩa là “Trường phái nhỏ”, là học thuyết Hải – Không quân được phát triển nhằm phù hợp với nền công nghiệp của Gaullia và các cường quốc hạng hai, vốn không đủ tiềm lực để chạy đua tàu lớn với những quốc gia vốn mạnh như Albion hay Novgoroussiya. Học thuyết này tập trung vào việc sử dụng các khu trục, tuần dương hạng nhẹ và tàu phóng lôi cơ động, uy lực và tính kinh tế cao để đối chọi lại những hạm đội lớn vốn rất đắt tiền và hiệu quả không rõ rệt.

Do ưu tiên tàu nhỏ nên trong thời gian ngắn, họ có thể đóng nhiều tàu với giá tiền chỉ bằng giá một chiến hạm lớn trong khi khả năng tác chiến thực tế cao hơn và cũng linh hoạt hơn trong cách tiến hành chiến đấu. Chưa kể, khi ở trên trời, do Jeune École tập trung vào khu trục nên việc phát triển các phi đội phóng pháo phản lực xung kích cực kỳ hiệu quả để chống thiết giáp hạm, vốn chậm chạp và khó cơ động. Thuyết này cũng phù hợp với chủ trương “thủ nhà” của Đế quốc Liên hiệp, với việc xây dựng quân đội chủ yếu là để tự vệ chính đáng chứ không phải tiến hành chiến tranh bành trướng. Cũng nhờ nó mà cả nước sở hữu lực lượng khu trục cơ động thuộc hàng hùng hậu bậc nhất thế giới, dễ dàng tạo thành các nhóm tác chiến thiết giáp hạm cũng như các biên đội hộ tống, như đội khu trục 6 là nhóm theo sau phòng vệ Hồng Ma vậy.

– Nói chung là tự vệ? – Viêm gật gù – Nhưng thuyền trưởng nói mấy tàu Định Quốc mới để thủ mà?
– Lớp đó chỉ dùng khi khẩn cấp thôi, còn lại khu trục với tuần dương lo! – Mộc Ma xua tay – À tớ nhắc luôn, các tàu thuộc Không quân thường to gấp mấy lần tàu Hải quân cùng định danh đó! Như lớp Xích Quỷ, mang tiếng khu trục chứ… tớ nhớ nỏ lầm thì dài tầm hai trăm ba chục thước!
– Dữ vậy?
– Thì phải bự mới nhét được cái máy làm nổi chứ! Thôi, tiếp phát nè!

Chuyển ngay đề tài, Mộc Ma lại giảng. Trái ngược với Jeune École là học thuyết Hạm đội quyết chiến, được đề ra bởi Arthur Thomas Mahan, Tham mưu trưởng Hải quân Hợp chúng quốc Columbia vào khoảng năm một ngàn tám trăm mười ba, sau khi chứng kiến việc các trận hải chiến cổ điển thường kết thúc theo lối phe có tàu to hơn, giáp dày và hỏa lực mạnh hơn sẽ thắng. Học thuyết này dựa trên thực tế lịch sử vào thời đại tàu buồm, khi các chiến hạm chạy thành hàng, song song nhau và nã pháo để hủy diệt mạn đối phương. Mộc Ma nói:

– Nhờ vậy mới có cái danh “ship of the line of battle”, tức là “tàu chiến tuyến” hay “tàu chiến dàn hàng”! Hai hạm đội chạy thành hàng, song song và ngược chiều nhau, cố gắng bắn vào kẻ địch càng nhiều càng tốt ở cự ly chỉ dao động từ vài chục tới vài trăm thước, tận dụng tối đa yếu tố số lượng để gây sát thương cộng dồn lên vỏ gỗ tàu địch!
– Giống như con người với á nhân dùng súng để tận dụng lợi thế số lượng? – Viêm nói ngay. Cái này xem, ra giống như điều Hồng Ma đã bảo.
– Chính nó! – Mộc Ma chỉ thẳng tay – Sao cậu biết hay vậy?
– Thì… mẹ cậu nói mà! – Nhỏ gãi đầu.
– Ghê, thuộc bài dữ! Vậy tớ đố cậu nha, tới thời này thì cái thuyết đó còn đúng không?
– Ơ…

Viêm đớ miệng. Tự nhiên bị hỏi thế này thì sao nó, cái đứa cả ngày chỉ làm việc và xem tivi biết được chứ? Giờ nó biết phải trả lời ra sao?

Nhìn nhỏ bạn cứ lắp bắp, Mộc Ma cười khì khì ra mặt. Đoạn, nó mới nói tiếp. Học thuyết Hạm đội quyết chiến ít nhất vẫn cỏn đúng tới ngày nay, cả cho Hải quân lẫn Không quân. Bằng chứng là, không biết Trái đất thế nào, nhưng ở đây, năm một ngàn chín trăm lẻ năm đã diễn ra trận không chiến thuộc hàng kinh điển giữa hai lực lượng zeppelin lớn, gồm Hạm đội Phương Đông của Đại Đế quốc Novgoroussiya và Hạm đội Liên hợp của Vương quốc Yamato. Hai không hạm đội này tiến vào trận đánh kinh điển mà tới giờ người ta vẫn gọi là “Không chiến Kakalin”, diễn ra ở vùng biển cách quần đảo Kakalin của Novgoroussiya khoảng hai trăm cây về phía Đông Nam.

Với ưu thế hiện đại, lại thêm các tàu vốn được đóng bởi Albion, cường quốc công nghiệp hàng đầu nên Yamato đã đánh bại lực lượng Novgoroussiya với tổng thiệt hại chỉ là ba trong sáu mươi tàu, trong khi đối phương mất đến năm mươi sáu trong tổng số bảy mươi hai chiến hạm. Tuy nhiên khi gần thắng, Yamato lại bị tấn công bởi Đế quốc Liên hiệp, vốn là đồng minh truyền thống của Novgoroussiya ở phương Đông, và cũng vì Yamato nếu thắng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích quốc gia này.

Không Hạm đội 2 dưới quyền chỉ huy của Tổng lãnh Linh Giang, tức Tuyển đế hầu Linh Giang, đã đánh tan tác Yamato trong nửa sau của Không chiến Kakalin. Chiến thắng ở cả hai lần đều nhờ ưu thế áp đảo của tàu to pháo lớn, khi hạm đội Yamato dù không hẳn là hiện đại bậc nhất nhưng vẫn hơn cái hạm đội hóa thạch của Novgoroussiya, còn Đế quốc Liên hiệp lại đem ra lực lượng hiện đại nhất của mình lúc bấy giờ.

Trận thắng chung cuộc của liên quân Đông Kinh – Muscovy, gọi theo tên thủ đô hai nước, đã xác nhận một lần nữa tính “đúng đắn” của Hạm đội quyết chiến, đồng thời khiến các cường quốc nhận thức lại sự thiếu hụt hỏa lực vốn có của zeppelin. Kết quả là chỉ hơn một năm sau, Albion hạ thủy Dreadnought, thiết giáp hạm “toàn súng lớn” đã lập tức khiến mọi zeppelin trở nên lỗi thời, cũng như tạo ra cả một thế hệ chiến hạm mang tên nó.

Kết thúc “bài giảng”, Mộc Ma nói:

– Nhưng bây giờ thì Hạm đội quyết chiến đang bị xem xét lại, trong khi Jeune École cũng từng bước thay đổi.
– Hể? Tại sao? – Viêm ngạc nhiên – Tớ tưởng thắng lớn vậy ai cũng theo chứ?
– Quân sự là thứ vận động nỏ ngừng! Nếu cậu đứng yên thì chỉ vài năm thôi, người ta sẽ vượt hơn cậu hoàn toàn. Lúc đó nếu đánh tổng lực thì nát chắc!
– Ừ nhỉ…

Dừng lại một hồi, hai đứa nó lặng thinh để làm nguội quả đầu. Nói cả tràng thực sự khiến Mộc Ma muốn gãy cổ, trong khi óc Viêm cũng sắp quá tải với mớ kiến thức đó. Nhỏ càng sốc hơn khi Mộc Ma nói, muốn làm sĩ quan thì phải học thuộc hết mớ kiến thức kia. Những gì nhỏ giảng nãy giờ chỉ là kiến thức nhập môn của “Lý luận tác chiến hạm đội”, một phần rất nhỏ trong toàn ngành “Lý thuyết Hải – Không quân”, cái ngành mà bất cứ ai muốn học cao lên để làm đô đốc hạm đội cũng đều phải xông vào. Kiến thức của nó cực nặng, từ lý luận tác chiến đại cương, thao tác trên tàu, thực tập tác chiến trên sa bàn tới viết báo cáo về các loại đội hình, chiến thuật chiến lược Đông Tây kim cổ, thậm chí còn phải có những nghiên cứu đóng góp cho việc phát triển học thuyết nữa!

Nói tới đó, Mộc Ma hơi xanh mặt. Nhỏ kể:

– Thuyền trưởng lúc trước cũng học hết cái đống đó, và tới bốn mươi tuổi mới leo tới cái lon Đô đốc Hạm đội! Tướng năm sao đó cậu biết không? Tớ… tớ còn cả chặng đường dài để đi, mà sao nhìn tương lai thấy mờ mịt quá…
– Nhưng cổ bốn mươi mới lên mà, cậu lo gì chứ? – Viêm thắc mắc.
– Ài, đúng là người mới…

Mộc Ma thở dài. Đoạn, nó nói:

– Được rồi, tớ sẽ vì cậu mà giảng bài thêm chút! Trong Không Hạm đội, từ cấp Phó Đề đốc, tức Thiếu tướng Hải quân, trở lên mới được phép chỉ huy hạm đội. Phân chia cấp bậc của Không quân Đế quốc thì… ừm… chuyện bí mật nên tớ nỏ nói được, chừng nào cậu học làm sĩ quan thì tự khắc biết, ha!
– Hể? – Viêm ngẩn người – Thực sự là phải học á?
– Chứ nghĩ sao mà tớ lên Trung úy?

Vừa nói, Mộc Ma vừa hất tóc, làm mặt chảnh ghê lắm! Nhìn cái bản mặt ấy, Viêm chỉ muốn nhéo phát cho đỡ tức. Nhưng bình tĩnh lại, nó có cách đối phó rồi. Nhỏ bảo:

– Hậu…
– Hậu duệ, quan hệ, tiền tệ? – Mộc Ma mỉm cười – Nè, tớ đang “đối diện” cậu nhé!
– Ơ… Chết bà. – Viêm thè lưỡi.
– Hì hì!

Cười nhe cả răng, Mộc Ma kéo tay Viêm, chỉ lên trời. Vừa chỉ, nhỏ vừa bảo đây nhất định không phải khung cảnh mà thế giới không có tàu bay có thể thấy được. Viêm nhìn theo, và… dứng vậy thật!

Giữa vòm trời đang chuyển dần thành xanh đậm, bốn chiếc khu trục đồng loạt ôm cua, động tác nhịp nhàng tới mức chúng, tuy là bốn tàu độc lập, lại di chuyển cứ như chỉ có mỗi một tàu duy nhất. Bắt đầu với con tàu sơn hình rồng xanh, cả phi đội nghiêng dần sang mạn phải. Các cánh nhỏ trên mép cặp cánh lớn bắt đầu dịch chuyển, chúng bẻ lên một góc tầm ba mươi độ, để lộ ra rõ mồn một những bánh răng, tay đòn bên dưới.

Mộc Ma nói đó là các “cánh tà” và “cánh liệng”, hỗ trợ việc liệng của tàu bay. Cánh tà, liệng phải bẻ lên trong khi bên trái gập xuống để thay đổi dòng khí lưu vốn đang nâng tàu, cùng với việc giảm tốc độ quay của trục cánh quạt và bánh lái đứng phía đuôi giúp tàu cua dễ dàng hơn. Do tàu sử dụng hệ thống đẩy “nội tại”, sử dụng năng lượng từ động cơ để tạo sự nâng nên chúng không cần “bánh lái độ cao” phía đuôi, chỉ cần bánh lái đứng giúp ổn định hướng di chuyển.

Dọc trên thân, hàng loại bóng đèn nhấp nháy được bật sáng trưng, khiến cả tàu trông như một chòm sao di động đầy màu sắc trên nền đen trũi. Như chưa đủ, chúng còn bật luôn đèn rọi lớn, thứ Mộc Ma nói là dùng khi bay trong mây, bay đêm hoặc những lúc phải đánh buổi tối. Đèn rọi công suất lớn còn dùng để “liên lạc” với mặt đất bằng cách chớp tắt từng hồi, nhưng khi đáp thì chủ yếu dùng để soi đường, giống như đèn pha. Các đèn trên tàu cũng được quy định rõ: Màu đỏ ở mạn phải, xanh lá mạn trái còn mũi gắn đèn vàng lớn. Đuôi tàu phải mang cả hai màu đèn xanh đỏ để báo hiệu tàu bạn biết mình đang đi thế nào để tránh va đập.

Nghe vậy, Viêm nghĩ bụng, cũng chẳng khác máy bay cho lắm nhỉ?

“Mình còn chả biết cái “máy bay” là gì, mà thôi vậy. Nhỏ thích là được rồi!”, Mộc Ma cười thầm.

Bốn con tàu bắt đầu đáp xuống. Do bãi đáp của khu trục nằm phía sau một mỏm núi lớn nên hai đứa nó không thể thấy được. Nhưng vậy thì sao chứ? Nãy giờ nhìn cảnh bốn con tàu hạ độ cao, lại nghe Mộc Ma giảng cho cả lô kiến thức quân sự, Viêm có cảm giác mình no cả đầu lẫn bụng rồi.

Mặt trời đã hoàn toàn khuất bóng. Trên trời,không còn màu đỏ nữa, họa chăng chỉ là vài dải cam cam cuối cùng đang cố níu kéo bầu trời. Nhìn cái nền xanh thẳm, cao vời vợi ấy, nó mới thấy hai thế giới khác nhau tới chừng nào! Hồi còn ở nhà, mỗi lần đứng từ ban công nhìn ra, nó chỉ thấy được mấy nhà khác, cao thấp lô xô đứng san sát nhau, còn trời thì u ám, đỏ ngầu như mặt cha nó lúc xỉn. Trời không sao, không gió, còn con trăng thì hiếm lắm mới thấy ló mặt ra.

Nhưng nơi đây… Còn chưa tới sáu rưỡi chiều nữa, vậy mà sao đã lên cả rồi à? Sao lên cao, nhỏ xíu, lấp lánh, cơ hồ như ngàn vạn hột kim tuyến đính trên lớp vải dày xanh thẫm. Không có trăng, chắc chưa tới giờ, hay nay trăng non nhỉ? Nó không biết, mà cũng không cần biết. Mộc Ma không nói thì thôi, chẳng cần hỏi chi cho mệt.

Lặng người hồi lâu, hai nhỏ mới tiến sát tới chỗ lan can. Tỳ người vào đó, chúng nó nhìn xuống sân bay, bây giờ đã vắng tanh. Trên khu cảng rộng lớn ban nãy giờ chỉ còn những đường ray lớn chạy thẳng thắp, cách nhau chừng vài chục tới vài trăm thước, cốt để mấy bệ đỡ tàu di chuyển. Đèn rọi vẫn bật sáng lóa, soi kỹ cả vùng trời phía trên. Đằng vách núi, mấy cửa hầm đóng im lìm, bên ngoài đầy lính mặc áo bành tô đen, tay cầm súng trường, đầu đội mũi vải đứng gác. Còn có cả các tốp lính mang tiểu liên đi tuần tra xung quanh nữa. Chỉ vào họ, Mộc Ma nói:

– Thấy ghê chưa? Mấy người đó ở bên bộ phận mặt đất của Không quân đó!
– Bộ phận mặt đất?
– Thì cậu phải có người làm trên đất chứ! Phòng không, điều hành quân cảng,… đại loại thế!

Nói đoạn, Mộc Ma giảng ngay tắp lự. Bộ phận mặt đất của Không quân chủ yếu làm các việc hậu cần như tiếp tế, sửa tàu hay việc điều hành, vận hành các hệ thống phòng không,… Khác với nhóm trên tàu, lực lượng mặt đất được vũ trang tương tự Lục quân với trang bị tiêu chuẩn gồm một súng trường bán tự động, một tiểu liên, cơ số hai trăm sáu mươi viên đạn với mười hộp mười viên cho súng trường và năm một ba mươi viên của tiểu liên, loại băng đạn dài.

Trang bị phụ trợ cho quân lính còn có lê, ba trái lựu đạn chày giắt hông, kính bảo hộ và mặt nạ phòng độc. Do quân lính của U Minh chủ yếu là các thi quỷ và người Giao có thể lực vượt trội nhân loại nên họ mới vác được nhiều hàng thế, chứ người thường như Viêm chỉ được dùng một trong hai loại vũ khí chính thôi. Tuy họ được chia ra để đào tạo theo các binh chủng chuyên môn riêng nhưng tất cả vẫn nghe lệnh từ Sở Chỉ huy Quân cảng, cũng là đài chỉ huy không lưu luôn.

– Nhiều khi tớ chả biết mắc gì phải vác cho lắm vậy! – Mộc Ma nói – Cũng có xả hết đâu chứ?
– Ừ nhỉ. – Viêm gật đầu – Mang cả tiểu liên với súng trường nhìn cồng kềnh thiệt. Ai đề ra vụ này vậy?
– Còn ai ngoài bà mẹ quý hóa của tớ chứ! Ơ chết…

Mộc Ma đột nhiên xanh mặt. Thấy bạn vậy, Viêm lấy làm lạ, mà trong lòng cũng tự dưng bất an. Nhỏ hỏi:

– Sao vậy?
– Tớ quên mất tiêu chuyện mẹ dặn rồi! Nhanh lên, giờ có mà chạy mới tới kịp!
– Hả… Oái!

Chưa kịp dứt câu, Viêm đã bị Mộc Ma lôi đi xềnh xệch. Vừa đi, nhỏ Trung úy vừa bảo lúc nãy, Hồng Ma chuyển lời qua cô Trung úy hậu cần là phải đưa Viêm tới khu trung tâm trước bảy giờ. Nhưng có vẻ Mộc Ma cũng không gấp lắm vì “khu trung tâm”, đúng hơn là chánh điện điện Cây Quế, chỉ cách nơi đây khoảng một cây số đi bộ. Thành ra, hai đứa chỉ cần rảo bước là được. Vừa đi trên con đường hơi dốc, lát đầy đá cuội, Mộc Ma nói:

– Mẹ kêu tớ dẫn cậu tới gặp Tham mưu trưởng để làm giấy tờ. Cầm tờ căn cước của quân đội ra đường là không ai dám rớ tới cậu đâu, nhất là khi có cả chữ ký của Tổng lãnh và Tham mưu trưởng!
– Hơ… Vậy à? – Viêm tròn mắt – Nhưng họ là ai?
– Lát gặp thì biết ngay!

~oOo~

Đi một hồi qua khu rừng nhân tạo, hai nhóc ấy đã tới cửa trước chánh điện. Khác hoàn toàn kiến trúc hiện đại của khu bãi đậu và sân huấn luyện, chánh điện điện Cây Quế mang dáng dấp một tòa thành cổ xưa với tường thành cao cắt ô răng cưa, phủ từng mảng từng mảng rêu xanh. Lọt thỏm trong “công viên” rừng cây âm u tịch mịch, nơi này có cái gì đó khiến Viêm rợn tóc gáy. Tường xây bằng đá tảng lớn, xếp chồng lên nhau, bên ngoài quét vôi trắng nhưng đã ố theo thời gian.

Viêm ước tính, cái vách khủng khiếp này phải cao những ba chục thước, với phần chân hơi loe ra còn phía trên, tầm hai mươi thước, dốc đứng hoàn toàn. Hai bên khu vực cổng, thành xây nhô hẳn ra ngoài, với đôi tháp cao, tuy vẫn mang phong cách kiến trúc phương Đông với mái ngói và các hàng cột, lại trang bị pháo phòng không và đèn rọi sáng rực. Thậm chí khi đèn quét qua, nhỏ thấy có cả lính đứng trên trển nữa!

“Hoành tráng quá!”, Viêm thở dốc, nhưng giờ không phải lúc lo lắng. Đã có Mộc Ma ở đây, không sao đâu. Giờ hai đứa phải vào trong, vào cung điện này.

Biết bạn nghĩ gì, Mộc Ma gật đầu. Vẫn nắm tay nhau, hai nhỏ bước tới cửa.

Không như các cung điện Nhật Bản mà nhỏ từng thấy trên tivi và mấy bộ anime coi cọp, điện Cây Quế mang đậm dấu ấn Việt Nam với tam quan khổng lồ từ cự thạch, xây thành ba cổng vòm lớn với cổng chính lớn nhất và hai cổng phụ nhỏ hơn, bằng nhau nằm hai bên. Bên trên cổng là cả một tòa đài nguy nga, mái ngói cong vút chạm trổ linh thú vàng rực. Mái lớn được đỡ bằng hàng cột cao, sơn đỏ thẫm, trên đỉnh có các xà nâng lớn khắc trổ mây gió, rồng phượng uốn lượn nhìn hùng dũng vô cùng! Ở mỗi góc lại treo đầy đèn, thành ra dù đứng từ xa nhìn lại, Viêm vẫn cảm nhận được rất rõ sự nguy nga, đồ sộ của nó.

Đài gồm hai tầng, tầng dưới có cột chống còn tầng trên xích vào trong, cách mái dưới mái dưới một đoạn, tạo thành ban công. Ở cả hai tầng, trên tường đều có rất nhiều ô cửa sổ, có cái mở toang, cái đóng chặt. Nhưng rõ ràng, ở những nơi cửa sổ mở, Viêm thấy song sắt bên trong rõ ràng y chang cái hình ở Khuê Văn Các ngoài Hà Nội, với vòng tròn ở chính giữa và các thanh xung quanh tỏa ra như ánh Mặt trời. Phía sau đó, tuy hơi mờ nhưng nhỏ thấy có bóng người, chắc là quân lính canh gác nhỉ?

Kéo nhẹ tay Viêm, Mộc Ma nói nhìn đài canh gác có vẻ bằng gỗ vậy thôi, chứ tất cả đều xây từ đá núi, mái lợp từ ngói đặc biệt, có thể chịu cả đạn đại liên nã liên tục. Lớp vôi phủ ngoài nhằm giúp cung điện chống cháy tốt hơn, và cũng vì chuyện thẩm mỹ nữa.

Trong lúc Viêm còn đương sững người, Mộc Ma ghé tai nó, lí nhí:

– Nhìn kỹ đi, cậu sẽ nỏ thể thấy bất cứ cung điện nào như thế này đâu! Điện Cây Quế này xây cách đây mấy mươi năm trên nền tường điện cũ, mà thực ra cũng chỉ là sửa sang bên trong chút đỉnh với xây tường bọc này à! Mấy cái ô lõm trên tường hồi xưa dùng bắn đại bác, giờ là để người ta đưa súng máy ra bắn xuống, cửa sổ ở đài cũng vậy! Bây giờ trời tối tớ nỏ chỉ được chứ buổi sáng cậu mới thấy nó hoành tráng cỡ nào! Cách năm mươi mét có một pháo đài bát giác, trên đặt hai khẩu ba trăm lẻ năm ly trong tháp bọc thép dày, góc nâng âm mười tới tám mươi lăm độ, đảm bảo bắn tan xác bất cứ đứa nào lảng vảng! Có điều… họ trữ đạn đâu thì đừng hỏi tớ, nỏ biết đâu!
– Cậu toàn hở đầu giấu đuôi. Xì… – Viêm trề môi.
– Thì tớ chỉ nói được mấy cái ai nhìn vô cũng thấy thôi, còn chuyện ẩn thì sao mà được chứ!
– Thiệt hông đó? Tớ thấy cậu biết nhiều lắm mà?
– Chuyện phổ thông, phổ thông thôi!

Lườm bạn một cái rõ kinh, Viêm lại nhìn về phía cổng thành. Thực sự, nếu xét về quy mô thì nhỏ nghĩ, cả thành Tây Đô, cố đô Huế hay Tử Cấm Thành đều không thể sánh được với chánh điện của điện Cây Quế về độ hoành tráng. Tường cao tầm ba mươi thước xây bằng đá tảng chắc chắn không phải thứ gì dễ công phá, còn mấy cái cổng kia… Viêm không muốn nghĩ tới!

Nhìn chiều cao với bề ngang, nhỏ nhắm chúng phải đủ cho xe tăng Mỹ húc thẳng và lọt thỏm luôn ấy chứ! Bất kể cổng chính hay phụ, tất thảy đều quá hùng vĩ. Nhìn mấy cột cờ treo trên đó, nó thấy quốc kỳ Đế quốc Liên hiệp, hiệu kỳ của Giao Long và nhiều cờ khác, mỗi lá một màu riêng biệt. Phía trước cổng chính, bốn chiếc đèn rọi cao áp bật sáng trưng, cùng với đèn trên tháp canh chiếu rực cả góc trời. Nhỏ chả biết sao họ lại bật lắm đèn thế nữa, bộ ở đây dư điện lắm á?

– Viêm, nhìn đằng kia kìa!

Mộc Ma đột nhiên kéo tay nhỏ. Giật mình, nó khẽ kêu:

– Hở?
– Nhìn kìa! – Mộc Ma chỉ – Mấy người đứng gác đó! Thấy không?
– Hở? Đâu cơ?
– Đằng cửa kìa!

Trông theo hướng Mộc Ma chỉ, Viêm thấy rõ nhóm lính mặc áo bành tô đen, tay trái bồng tiểu liên, vai mang súng trường đang đi gác bên ngoài cửa. “Tổng hành dinh có khác!”, nhỏ thầm nghĩ. Xem ra binh lính nơi này ăn mặc giống nhau, cứ chơi cái áo khoác dày cộm, đen xì bất kể trời nóng lạnh thế nào, lại đội mũ vải và mang hai cây súng. Nhìn cho kỹ thì mấy loại súng đó khác hẳn bất cứ thứ súng nào Viêm từng biết. Mà ngoài AK-47, Gewehr 96 với cây súng lục của Mộc Ma ra thì nó còn biết gì nữa chứ?

Yên lặng quan sát, Viêm định tiến lên…

Thì…

Bụp!

Tự nhiên có con gì đu ngay lên chân Viêm!

Giật bắn mình, nhỏ xém la lên, cũng may là Mộc Ma kịp bịt mồm nó lại. Giữ chừng năm giây, Viêm mới thực sự bình tĩnh. Nhưng Mộc Ma vẫn chưa cho nhỏ nói. Buông tay từ từ, con đầu sừng chỉ xuống chân bạn. Nhỏ nhìn theo, và suýt nữa hét lần hai, nếu Mộc Ma lại không kịp bịt mồm!

Một đứa bé á?

Một đứa bé… tóc dài, da xanh?

“Cái tình huống nhảm nhí gì đây?”

Nghĩ trong đầu, Viêm thực sự không biết phải giải thích sao với cái tình cảnh này. Gần bảy giờ tối, tự nhiên trước cái dinh to đùng kia lòi ra đứa nhóc chạy tới đu giò mình là sao nhỉ? Hít một hơi, Viêm cố không phát hoảng lên khi nhìn nó lần nữa. Nhưng vẫn run lắm! Đưa tay túm lấy vạt áo Mộc Ma, Viêm giật giật áo bạn, làm hiệu cho bạn mình biết mà “yểm trợ”. Mộc Ma cũng hiểu ý, gật đầu.

Dùng hết cái gan mà ngó xuống lần thứ ba, Viêm đã bớt sợ hơn khi trông thấy đứa bé. Mặt nó tròn tròn, bầu bĩnh với hai gò má lúm đồng tiền đang phồng căng lên. Cái mỏ bé xíu, chúm chím lại nhìn đến là cưng, nếu không vì da nó xanh ngắt như người bệnh chết mấy hôm và đôi môi tím tái hết cả lại. Mái tóc đen tuyền, mượt mà lòa xòa phía sau, trong khi mấy lọn tóc mái rũ xuống, gần như che đi hết cặp mắt đen tuyền, to tròn đầy ngây ngô với sáu vòng đỏ đồng tâm bên trong. Người nó có một khúc, bé xíu, tay chân ngắn cũn cỡn ghì chặt chân Viêm, nhìn từ xa như con cá thòi lòi đu cây dừa vậy. Mà chẳng hiểu sao, nhìn nó, nhất là cặp mắt đen láy, sâu thăm thẳm với mấy cái “vòng tròn oan nghiệt” đó, Viêm lại thấy nó quen lắm luôn nhỉ?

Quay sang Mộc Ma trong khi vẫn giữ đứa nhỏ dưới chân, Viêm thì thầm:

– Nè, làm gì giờ?
– Đứng yên và để tớ lôi nó ra! – Mộc Ma nói – Làm bậy là thuyền trưởng lột da tụi mình đó!
– Sao vậy?

Viêm tròn mắt sững sờ. Sao chuyện đứa nhỏ này lại liên quan tới thuyền trưởng?

Nhìn bạn vậy, Mộc Ma thở dài. Đoạn, nhỏ cúi xuống, định gỡ bé con ra. Ngay cái lúc đầu Mộc Ma ngang tầm tai Viêm, nó nói:

– Cục vàng cưng của thuyền trưởng đó!
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.