Chương trước
Chương sau
Mùa thu năm một ngàn năm trăm sáu mươi lăm, năm cái Trung thu sau cuộc chính biến đưa Thái tử nhà Mạc lên ngôi, trở thành Mạc Thành Tông của triều Mạc thứ mười chín, tình hình trong nước đã tương đối ổn định. Các cải cách kinh tế được đưa ra kịp thời giúp hạn chế siêu lạm phát, giảm tỉ lệ từ hơn tám ngàn xuống chỉ còn khoảng sáu phần trăm. Nền tảng chính trị được cải tổ, bãi bỏ hoàn toàn kiểu quan đầu xứ kiêm luôn xử kiện, thành lập cơ quan tòa án chuyên trách và nhánh “tư pháp” được tách khỏi hành pháp. Hội đồng Đế quốc trở lại làm việc, nhưng bên cạnh đó, còn có thêm sự xuất hiện của Hội đồng Bộ trưởng, cơ quan hành pháp cấp cao nhất, tạo thành từ các Bộ trưởng, tức Thượng thư cũ. Quân đội chỉnh đốn lại, với việc thành lập Bộ Tổng Tư lệnh Đế quốc do Thừa tướng là người đứng đầu, đảm bảo không còn những trò hề như nước tới chân mới nhảy, mà bất cứ ai cũng đều được huấn luyện chiến đấu bài bản.



Hiến pháp mới được ban hành, theo đó Hoàng đế chấp nhận từ bỏ phần lớn quyền lực chính trị, lui về phía sau cánh gà làm hậu phương cho Thủ tướng và Hội đồng Bộ trưởng. Luật mới quy định ngay cả hoàng gia cũng không được đứng trên pháp luật, cũng như tất cả quý tộc địa phương đều không thể cao hơn luật do mình định ra. Đế quốc chính thức chuyển từ mô hình phong kiến phân quyền sang “một cái gì đó” giống như lai tạp giữa chế độ liên bang và quân chủ lập hiến, với các lãnh thổ quý tộc vẫn giữ quyền tự trị, thành lập những bang tự do và vùng đặc khu kinh tế, tuy nhiên chính trị không được quyết định theo lối gia đình trị mà thông qua các hội đồng nhân dân từng cấp, nhỏ nhất là ủy ban mức phường, sau tới quận, thành phố và cấp lãnh địa. Trung ương ở Đông Kinh vẫn lớn nhất, và nhờ việc chuyển đổi chế độ, quyền lực chính trị càng tăng cao. Tuy nhiên quân đội vẫn có thể can thiệp nếu thấy “không ổn”.



Tuy nhiên, đó không phải chuyện quan trọng lúc này.



~oOo~



– Thế này ạ?

– Ừ, đúng rồi đấy. Tư thế đẹp lắm. Nào, bóp cò!



Pằng!



Súng khai hỏa, và đằng tấm bia cách chừng năm chục thước kia, một lỗ tròn to đục ngay vào… mép ngoài. Hụt tất tần tật mọi vòng điểm bên trong!



– Ư ư… Vẫn chưa trúng được…

– Từ từ sẽ được thôi. Lần đầu bắn mà vẫn dính được bia thì không phải dở đâu. Ta chắc em sẽ làm được mà.

– Bệ hạ…!



Trong sân tập hoàng gia, nơi các thành viên hoàng tộc triều Mạc Phạm vẫn thường dùng tập luyện võ thuật và suy nghĩ các chiến thuật mới, Hoàng đế Mạc Thành Tông đang đích thân chỉ dẫn “người mới” việc bắn súng hỏa mai. Vẫn nguyên hồng bào, tức bộ đồ đỏ của vua, Thành Tông giữ lấy cô gái, tay trái chỉnh lưng, tay phải canh hướng nhắm, chĩa thẳng về trước. Vua vẫn còn trẻ, chỉ mới hơn ba mươi lần đón Tết, dung mạo đặc biệt khác người. Mặt chữ điền sáng sủa khôi ngô, lông mày mảnh, sống mũi cao, đôi mắt nâu sáng ngời tựa sao. Đặc biệt mái tóc đen dài như suối nước không búi củ hành ra sau như người phương Bắc mà để dài lòa xòa đằng trước, phía sau cột thành đuôi dài ngang lưng, khác hẳn hình tượng về vua chúa của người Hoa Đông.



Hồng bào không rộng thùng thình, rườm rà như hoàng bào Hoa Đông mà may khá sát người, rộng rãi vừa đủ, phần ống tay bó chặt từ khuỷu xuống tới cổ tay áo, bên trên phồng to hơn chút, rất thích hợp cho kiểu quần áo dã chiến. Tấm áo choàng đỏ viền đen, hai bên thêu hình thuồng luồng đen năm móng khoác trên vai, phủ xuống tới ngang mắt cá, che chắn gần như cả thân trên, chỉ vừa đủ để lộ phần ngực áo cũng có thêu thuồng luồng đen hai tay uốn mình. Vạt áo hồng bào cũng không quá dài, vừa ngang đầu gối, bên dưới lại là kiểu quần ống túm chỗ cẳng chân, bó chặt vào, thoải mái cả khi lên triều lẫn tập luyện nên Thành Tông rất ưa. Hông thắt dây nịt, dây thắt ngoài áo, đeo hai thanh đao lưỡi cong. Đế quốc đó giờ không ưa thứ kiếm thẳng hai lưỡi, cũng như cái suy nghĩ “vương đạo” Nho gia các thứ. Họ chỉ trọng bá quyền, mà đao tượng trưng cho bá, nên Hoàng đế luôn mang theo đao.



Nhẹ nhàng vỗ vai thiếu nữ kia, Thành Tông trầm giọng nói:



– Được rồi, lại lần nữa nào. Nạp đạn và bắn, lần này thử trúng vào trong xem.

– Vâ… Vâng ạ!



Hỏa mai mồi thừng không thể bắn liên tiếp. Mỗi lần chỉ được một nhát. Nàng ta để súng thẳng đứng, báng chạm sàn ốp gạch, nòng chĩa lên trời. Đầu tiên, mở cái túi vải đeo bên hông, bỏ vào đó gói thuốc súng bọc trong giấy cực mảnh, xong rồi tới viên đạn gang đường kính cỡ một phân. Lắc lắc nhẹ cái nòng cho đạn rơi xuống. Rút cây thông nòng cài bên dưới phần thân gỗ ra, cái que sắt vừa dài vừa mảnh, một đầu hơi loe tròn, nàng giữ súng bằng tay phải, tay trái hì hục cầm cây thọc xuống, ép cho đạn và bọc thuốc súng đen nằm yên bên dưới. Rồi lại trả cây về chỗ cũ, bên dưới nòng.



Sau đó, nàng lấy thêm một túi nhỏ bằng da dê đựng thuốc súng, mở cáo nắp gỗ. Đưa súng lên, nàng đổ thuốc vào chỗ cốc mồi, chiếc hộp sơn mài nằm bên phải nòng, ngay bên dưới chỗ chiếc “búa” giữ sợi dây hỏa mai cháy chậm sẽ châm xuống. Dây vẫn đang cháy, dù chậm rì như nhang, nhưng vẫn nguy hiểm. Vớ vẩn nó nổ một phát thì tan nát đời hoa, nên đoạn này cần đặc biệt cẩn thận. Xong xuôi, cất túi thuốc súng vào, đóng nắp cốc mồi lại, mới có thể xem là đã hoàn tất việc nạp. Đứng phía sau, Thành Tông tay cầm đồng hồ nhận từ người Tây, xem thời gian thao tác. Mất tổng cộng một phút hai mươi tám giây. Lính chuyên nghiệp có thể làm trong một phút, nhưng đối với tay mơ, thế này là được rồi. Nhiều lính mới thậm chí còn không biết cách đổ thuốc vô cốc mồi cơ mà.



Cất đồng hồ vào túi quần, Thành Tông nói:



– Bà Ba chuẩn bị!

– Vâng thưa Bệ hạ!

– Mục tiêu năm mươi thước, bất động! Nhắm… Bắn!



Giữ chặt ốp gỗ dưới nòng, nàng cung phi nhắm tịt mắt trái lại, ngắm thẳng vào mục tiêu. Nàng bóp cò. “Pằng!” một tiếng, trên bia lại thêm một lỗ nữa. Nhưng lần này khá hơn. Hồng tâm chấm tròn và năm vòng ngoài, cô nàng đã bắn được vào giữa cái thứ hai và ba tính từ trong ra. Có thể coi như trúng mô mềm của người, hay với các chủng to bự hơn, đâu đó trên ngực.



– Làm tốt lắm.



Mỉm cười, Thành Tông nói.



– Vâ… Vâng ạ! Cảm ơn Bệ hạ!



Quay sang đức vua, cô cúi gập đầu, tay vẫn mang súng. Người ngoài nhìn vào sẽ không biết nghĩ rằng có thể đó chỉ là cung nữ nào đó. Giản dị quá, chỉ mặc bộ đồ vải bình thường bên trong, áo cài khuy chéo sang phải ôm sát người và chiếc quần túm ống quyển. Áo trắng tinh, thêu họa tiết hoa sen chìm, ý nhị, không hề trang trí lộ liễu. Cô nàng không đeo trang sức cầu kỳ, chân đi giày lính, bên ngoài lại chỉ khoác thêm cái áo khoác kiểu Tây màu xanh đen đậm, xẻ vạt lên tới gần hông phía sau. Làn da trắng muốt như tuyết, nhưng lại nhìn không có vẻ gì quý phái, đến cả tóc cũng chỉ cột đuôi ngựa đằng sau, hoàn toàn không tạo thành những kiểu cách cầu kỳ. Chẳng có cả mũ mấn hay trâm cài, chỉ đơn giản sợi dây buộc màu tím biếc trên màu tóc đen cháy nâng vàng ấy.



Thật sự, nếu mới thấy lần đầu sẽ chẳng ai tin nổi cô là một trong các “quý phi” của Thành Tông: Hiền phi Nguyễn Trúc Đào, người chỉ nhỏ hơn vua vài năm.



Tiến cung từ khi mới mười tuổi, đến nay cũng gần cả hai thập kỷ vùi mình chốn cung cấm, Đào đã nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ có thể rời khỏi đây. Dụ Tông lên ngôi, là tên vua tàn nhẫn, bạo ngược với “sở thích” hạ nhục các cung tần, mỹ nữ ngay trước mặt bá quan văn võ. Hắn cùng đám hoạn quan làm những trò sỉ nhục danh dự, nhân phẩm họ, gọi các cung nữ là thứ “điếm hạng sang” và đối xử ngay cả với các quý phi không hơn gì con ở, bất kể gia thế họ có lớn tới đâu. Huống hồ Đào chỉ là con nhà thương nhân, khi ấy lại còn nhỏ, chỉ mới mười một, mười hai gì đó, không sao thoát được.



Hai người gặp nhau hoàn toàn tình cờ. Sáu năm trước Đào vừa tròn hai mươi, là đóa sen đặc biệt của hậu cung, nhan sắc kiều diễm ít ai bằng. Thái tử Nghĩa, tức Thành Tông khi ấy, độ hăm tư, hăm lăm gì đó, vừa kết hôn với con gái của Tổng lãnh vùng Linh Giang. Đào biết Thái tử nhờ Thái tử phi, người khi vừa vào cung đã làm Dụ Tông “ứa gan ứa mật” vì cách sống phóng khoáng, không theo các tiêu chí Nho gia, lại rất thích cưỡi ngựa săn bắn. Nhân một lần Thái tử phi vào hậu cung chơi, đúng lúc Đào đang… ngủ gật trong cái đình nhỏ gần hồ sen, họ gặp nhau. Nói chuyện một hồi mới thấy hợp, nàng được mời tới chơi nhà Thái tử. Và cũng chính lúc đó, Thái tử mỉm cười. Như một trò đùa của số phận, Thái tử phi đã nói rằng thực tế mình không thể có con, và vì vậy muốn “chuẩn bị” trước cho chồng. Cô không có vấn đề gì với chuyện Thái tử có nhiều vợ, vì bản thân Tổng lãnh Linh Giang cũng đã có đến năm, sáu bà, chỉ nói một điều với Hoàng đế tương lai mà khiến Đào nhớ tới tận giờ.



“Tôi với anh lấy nhau vì lý do chính trị, không phải tình yêu. Anh muốn yêu ai, lấy ai tôi không quản, đó là quyền của anh! Nhưng là thằng đàn ông, với tư cách một thằng đàn ông, thì không cần biết anh là Thái tử hay ăn mày, đã yêu là phải có trách nhiệm! Nếu anh chỉ yêu trong chốc lát, nhắm không thể làm tới cùng thì thà đừng, vì cái “yêu” đó của anh có thể sẽ hại con người ta cả một đời! Đừng có khiến người ta phải đau khổ vì mình, đứa nào như vậy thì chỉ là thứ khốn nạn không đáng được nhìn ánh Mặt trời!”



“Chị ấy thực sự gắt!”, Đào nghĩ bụng, “Mà nhờ vậy cuộc sống mới dễ thở hơn…”



Trước khi Thành Tông lên ngôi, hậu cung không khác gì cái địa ngục. Các phi tần, cung nữ không còn lo chuyện cung đấu, tranh giành sự sủng ái của nhà vua nữa. Họ tìm mọi cách để sống sót. Vì Dụ Tông có “sở thích” rất bệnh hoạn, thường siết hay bóp cổ tới chết các cung phi khi đang trên giường, họ phải làm mọi cách để tránh bị gọi đi “ngủ” cùng vua. Các thái giám được thế lộng hành, chủ yếu là đám cấp cao, ra sức ăn hiếp cung nữ.



Những trò tra tấn thường xuyên xảy ra, phi tần phạm lỗi bị lột trường và trói ngoài vườn, bỏ cho đói khát, không ai được giúp đỡ. Nhiều người bị ép ăn đồ có độc chỉ để vua “thưởng thức” biểu cảm sợ hãi tột độ và sự gào khóc tuyệt vọng một khi đã nuốt độc vào bụng. Phi tần thuộc yêu ma, á nhân còn thảm hơn, thường xuyên bị hành hạ, hạ nhục công khai theo những cách khiến cho quý phi Hoa Đông cung đấu trở nên giống trò trẻ con. Bị bắt phải làm “chuyện đó” với chó, heo, bò, ngựa,… trước mặt vua và thái giám để mua vui, hay bị ném cho đám quan lại mục nát, tham nhũng để giải khuây, rất nhiều. Tiếng khóc than oán thán vang tận trời xanh. Mùi xú uế, máu mủ tanh tưởi bốc nồng nặc. Quân lính thấy vậy ức lắm nhưng không thể hành động, vì nhà vua có tai mắt khắp cấm cung.



Bây giờ thì khác rồi. Từ khi Thái tử phi thành Hoàng hậu, người đứng đầu hậu cung, cuộc sống của các cung phi đã khá khẩm hơn trước rất nhiều. Ít nhất thì… cũng không còn bị lo phải chịu cảnh lột truồng trói đứng giữa sân, mặc cho cái nóng đổ lửa hay mùa đông lạnh thấu xương. Hoàng hậu cho xây dựng lại sân tập hoàng gia vốn bị bỏ bê bấy lâu, mở rộng quy mô lên ngang với vườn ngự uyển, rồi còn tổ chức cho phi tần, cung nữ, thái giám và cả các con cái của cung phi tham gia tập. Trẻ con chỉ luyện thể lực đơn thuần, như sân tập thể dục, nhưng người lớn nhiều hơn.



Học võ trở thành bắt buộc, bất cứ ai cũng phải biết các đường đánh cơ bản. Tướng quân đội về hưu được mời về huấn luyện. Thái giám tập cưỡi ngựa, dùng thương, trong khi phi tần học bắn súng hỏa mai và đội hình phương trận kết hợp súng với giáo dài, đánh trận giả như chiến đấu thực sự. Không bắt học các đòn thề cao siêu hiểm hóc, kiểu tung mình chạy trên mái nhà như truyện võ thuật Hoa Đông, họ tập trung vào các đòn thế “xấu xí” nhưng hiệu quả, đảm bảo chí ít có thể tự vệ và xin vài cái xương của địch.



Đàn bà con gái, đủ mọi chủng tộc, chủ yếu luyện tập với dao găm ngắn, trong khi thái giám học dùng đao. Khả năng bắn súng đã đạt tới trình độ bắn hai phát qua cùng một lỗ, khiến lần đầu nhìn thấy, các quan chức Trung ương đã phải tròn mắt, không dám tin nữa. Kỵ binh tuy vẫn kém hơn lính tinh nhuệ, vẫn có thể tác chiến thọc sườn, tạt cánh và đi trinh sát. Cực kỳ giúp ích trong những cuộc đi săn của hoàng gia, và hơn nữa, Hoàng hậu đã tình trước, lực lượng phòng vệ cuối cùng của Đông Kinh.



Cầm súng lên, nạp đạn và đứng sang bên cạnh, Thành Tông bắn vào tấm bia đối diện. Một phát ngay gần hồng tâm. Thao tác nhanh nhẹn cực kỳ, mất chưa đầy phút đã đặt súng xuống, thổi làn khói dày hẵng còn nghi ngút đằng mũi. Đoạn, ngài nói:



– Tập thế này phải có lợi hơn mấy trò hề cung đấu đó không? Bày đủ trò giết hại nhau chỉ để giành sự sủng ái của vua? Đám đó ăn nho độc quá ngu hết phần thiên hạ rồi.

– Vâng, thưa Bệ hạ.



Mỉm cười, Đào khẽ đáp.



Khu nhà tập súng này cực kỳ rộng rãi, diện tích lên tới cả trăm mẫu, mà một mẫu của Đế quốc bằng đến tận mười ngàn thước vuông. Chỗ họ đang ở chỉ là nơi luyện tập cho “xạ thủ”, những lính được huấn luyện chuyên biệt để bắn cực chuẩn, do hỏa mai có độ chính xác rất kém. Chiến thuật thường dùng của hỏa mai là dàn hàng bắn nhau, dựa vào số lượng đông đảo để gây sát thương tối đa lên bên kia. Đạn bay tứ tung, và tầm bắn hiệu quả của súng nòng trơn thế này chỉ vào cỡ năm chục thước đổ lại.



Trong khi đó, lính chuyên biệt, được biên chế thành từng tổ ba người, có nhiệm vụ luồn sâu vào bên cánh chiến trường, bắn tỉa tiêu diệt các tướng chỉ huy đơn vị, gây rối loạn hàng ngũ lính địch. Cũng có thể dùng cho tác chiến du kích. Không phải ai cũng có thể vào đơn vị loại này, ngay cả những thợ săn giỏi nhất cũng chưa chắc có cửa. Cần phải có thể lực tốt, nền móng bắn súng vững chắc, khả năng nhắm mục tiêu thượng thừa và nhiều cái khác nữa. Và chẳng biết trời xui đất khiến ra sao mà Đào lại ở đây, trong khi khả năng bắn của mình còn bị Hoàng hậu cho là không có gì nổi bật!



Dĩ nhiên, không bao giờ có chuyện vua một nước lại có thể ở một mình ngoài nơi “công cộng” thế này, chưa kể lại còn là bãi tập bắn đạn thật. Không thể biết trước chuyện gì sẽ xảy ra, nên Thành Tông luôn có một đội thị vệ hàng trăm người đi theo. Thủ tướng là ngừi đề nghị điều đó, dù nhà vua bảo như thế quá lãng phí, thù ông ta vẫn thuyết phục rằng đưa lính cận vệ theo, cùng luyện tập sẽ vui và hiệu quả hơn. Lính thấy vua tập luyện nghiêm túc sẽ làm gương, còn vua có thể học hỏi từ lính chuyên nghiệp. Chưa kể tập bắn liên tục sẽ giúp trau dồi khả năng thao tác, đảm bảo sự tinh nhuệ. Như vậy không có gì lãng phí cả.



Hàng trăm lính cận vệ mặc áo khoác xanh dương vạt dài tới đầu gối, phần cổ làm tròn cao, hồ cứng ôm chặt vào người, cài khuy vàng thẳng tắp xuống dưới bụng đang đồng loạt tập bắn xung quanh. Ở đây có tổng cộng hai mươi bia, nhưng do Thành Tông và Hiền phi chiếm mất hai cái rồi nên họ đành phải chia lại cho đủ đội hình. Áo khoác xanh đen, bên trong vẫn là bộ đồ vải nâu sần gọn gàng. Tay áo may sát, nằm trong chiếc áo khoác, còn ống quần rộng rãi được bó chặt lại dưới cẳng chân bằng mấy đoạn băng vải quấn chặt. Họ đi giày vải, thứ giày học từ phương tây cao hơn mắt cá, cột dây chứ không phải loại ấn chân vào là xong. Người nào cũng đội mũ lính, thứ nón “lá” đặc biệt được phết nhựa đường đen, ừa chống thấm lại che nắng rất tốt.



Xếp thành hàng dài, cứ người này bắn xong lại đi xuống cuối cho đồng đội phía sau lên, đứng bên cạnh có một tổ trưởng canh giờ và hô khẩu lệnh, việc luyện tập được thực hiện luân phiên. Viên tổ tưởng sẽ gia nhập hàng bắn sau khi một “chu kỳ” kết thúc, cử người khác ra hô thay. Cứ thế, không ai không được tập, không binh sĩ nào không được làm chỉ huy. Cách này đã được vùng Bồn Điện và U Minh làm từ lâu, song tới giờ ngoài này mới học theo. Họ bắn cùng lúc với vua, giống như đang thi đấu nghiêm túc vậy.



– Bà Cả ấy…



Vừa nạp đạn, Hoàng đế vừa nói:



– Em biết bả xuất thân từ quân đội của Tổng lãnh Linh Giang, đúng chứ?

– Vâng, thưa Bệ hạ. – Đào cúi đầu.

– Quân hỏa mai Linh Giang đặc biệt nghiêm khắc và tinh nhuệ. Cô ta trưởng thành trong môi trường đó, nên cách nhìn không giống chúng ta, những người đi lính vì nghĩa vụ. Khi ta còn ở đó, cổ cho ta ăn cháo hành ngày ba bữa.

– Ăn cháo hành… Ý Bệ hạ là…

– Ừ. Kỷ luật quân đội thật sự. Ý chí sắt đá. Không khuất phục.



Nạp đạn xong, Thành Tông đưa súng lên. Nhắm thẳng bia, vua bóp cò. “Pằng!”, viên đạn gang đục thủng hồng tâm. Khói bốc nghi ngút, và xung quanh ám đầy mùi thuốc súng khó chịu. Loạt lính ngang với vua cũng vừa xong, đang lui xuống để người khác lên. Bước đi cực kỳ nhanh nhẹn, chuyên nghiệm, người đến sau cũng chẳng làm rối đội hình. Mất một phút để Thành Tông nạp đạn, trong khi đó người ta đã bắn được ba lần.



Cứ thế, đến khi khoảng một tiếng nữa trôi qua, việc luyện tập đã hoàn tất. Cất súng vào vị trí, nhà vua dẫn quý phi cùng đoàn cận vệ đi sang bãi tập mở. Bệ hạ thường dành thời gian đi “chơi” với Hiền phi, người mà ngài thấy dễ nói chuyện nhất, và cũng “hiền” nhất. Hoàng hậu quá cá tính, bà Hai lại hùa theo bà Cả, chỉ còn bà Ba để nói chuyện. Cũng may hai người đều thích nói về súng – gia đình Đào là lái buôn vũ khí có tiếng ở tỉnh Thuận Châu – nên dễ đồng cảm. Đều thích súng, đều trả qua những ngày tháng “không ra gì” dưới triều Dụ Tông, họ nói chuyện dễ dàng hơn những người khác.



Khu vực thao trường quy mô lớn ấy nằm cách nhà luyện xạ thủ không xa, nhưng cũng chẳng gần. Lính cận vệ vẫn mang theo súng, và, tuy cực liều mạng, châm dây hỏa mai. Tất cả đều có đạn trong nòng, nếu thấy có chuyện sẽ bắn ngay.



Lưỡi lê, thanh kim loại làm nhọn dùng cài vào nòng, đeo bên hông. Súng hỏa mai nạp lâu cực, và khi kẻ địch lao tới, sẽ không khôn ngoan nếu cố đứng nạp đạn khi xung quanh chẳng có gì che chắn. Vì vậy, bắn xong liền lắp lê vào và giáp lá cà được xem là chiến thuật phổ biến. ý tưởng này do “một mụ đầu đỏ mọc sừng nào đó” dưới U Minh chế ra, chỉ việc cắm con dao đã thiết kế phần chuôi cho tọt vào nòng súng, là xong. Dù trò này khá tào lao nhưng cũng dọa thiên hạ sợ vỡ mật. Lưỡi dao sắc lẻm, nhọn hoắt vẫn kinh dị hơn khẩu súng bắn dựa vào “nhân phẩm” mà!



– Đám Hoa Đông mà thấy hậu cung này chắc chạy tuột quần.



Rảo bước, Thành Tông chợt nói:



– Không biết hậu cung ba ngàn gái xinh bên đó nó thế nào nhỉ? Có luyện tập quân sự gì không?

– Thưa Bệ hạ. – Một cận vệ lên tiếng – Xin ngài hãy chú ý từ ngữ, và hậu cung bên đó không đủ trình để làm như chúng ta đâu ạ.

– Ý ngươi là?

– Theo thần biết, cung nữ bên đó chỉ chăm chăm vào chuyện hại nhau để tranh ân sủng của tên mặc áo vàng, chứ nói về chuyện binh hay luyện súng đều không ra gì. Vả lại, quân đội Hoa Đông vẫn rất tự tin vào các pháp sư, chúng không hiểu được ưu thế của súng.

– Nếu thật sự vậy thì bọn nó chết được rồi đấy.

– Bệ hạ, ngài định xâm lược Hoa Đông ạ?



Đi bên cạnh, Đào nhỏ nhẹ hỏi.



– Ừm, không, với tình hình chúng ta hiện tại thì không.



Nói thế, Thành Tông nhắc lại những khó khăn Đế quốc vẫn đang phải chịu. Nhờ “ơn” Nho giáo, nền kinh tế phát triển cực thịnh ở các đời trước đã bị tàn phá không thể tả. Tư tưởng trọng văn sĩ, khinh thường thương nhân đã khiến sự phát triển thương mại đình trệ, thậm chí siêu lạm phát ở Đại Việt. Các vùng khác ảnh hưởng không mạnh bằng, nhưng vẫn nát. Việc tuyển chọn người tài qua các khoa thi ba năm thay vì hằng năm như trướ, lại chỉ chú trọng văn hay chữ tốt, dùng điển cố điển tích xưa cũ lạc hậu và răm rắp làm theo sách vở thay vì nhìn vào thực tại khiến bộ máy hành chính điêu đứng. Nguồn nhân sự thiếu hụt trầm trọng, quốc khố khủng hoảng vì các vu trước ăn chơi trác táng, người dân oán thán hết mức, nên bây giờ hoàng cung mới đang mệt thế này. Quý phi mà đến vải lụa cao cấp để mặc cũng chẳng có nữa!



Một hồi sau, cả đoàn mới tới được thao trường lộ thiên.



Đúng như tên gọi, nơi đây là một bãi đất trống, diện tích lên tới hai vạn mẫu, vốn được Dụ Tông tính dùng cho việc xây dựng một tòa lầu trăm tầng để lên đó “vui vẻ” với người đẹp trong thiên hạ. Tuy nhiên, lầu chưa thấy đâu, đầu vua đã bị xiên trên cọc ngoài chợ. Toàn bộ khu công trường chỉ mới là bãi đất trống với các khu gò chưa san phẳng hết, cùng những đường rãnh bên dưới, được Thừa tướng cho quy hoạch lại thành một thao trường lớn dành cho cấm vệ quân. Diện tích của nó đủ lớn để voi chiến vác pháo bệ xoay tập dợt, hay cho kỵ binh xung phong, lính bộ tập đội hình giáp lá cà,… đều được. Và cũng bởi thế mà từ khi về “nhà chồng”, với cương vị mới, nơi đây đã thành “sân chơi” của Hoàng hậu và các phi tần, cung nữ.



Và dĩ nhiên, không ngoài dự tính của Thành Tông, “Hoàng hậu nương nương” đang cùng các cung tần, thị nữ và thái giám tiến hành tập trận. Sứ giả phương Bắc trông thấy chắc chả dám tin, vì chuyện này vượt ngoài khả năng nhận thức của họ. Các cung nữ, trong trang phục “bình dân” với áo mặc cài thẳng hàng khuy từ trên xuống, cổ áo tròn hồ cứng, ống tay ôm chặt, lại thêm một chiếc áo không tay cài chéo vạt qua phải, dài đến quá eo che bên ngoài, trông cực kỳ kín đáo. Màu vải không quá nổi bật, tông chủ đạo xanh đen với khuy vàng, áo vạt chéo ngoài dùng sắc điều.



Áo dài xẻ vạt sau lưng, giống áo lính cận vệ, nhưng chỉ đến ngang bắp đùi, không lên quá cao. Quần vải mặc dưới cũng là loại hàng chợ bán ngoài đường, không dùng chất liệu cao sang quyền quý mà dùng loại vải bình dị nhất may thành, túm chặt lấy từ đầu gối xuống tận mắt cá, chân đi giày vải quân đội chứ cũng chẳng phải thứ “hài” màu mè yểu điệu gì. Người nào người nấy đeo thắt lưng ngoài áo, móc vào đó thanh đao ngắn, lại thêm bên kia một túi nhỏ đựng đạn và thuốc súng. Trên vai lại đeo theo chiếc túi lớn, hoành tráng hơn tay nải, với hai đây đeo lớn dày cộm vòng qua nách. Túi khá to, bên trên còn quấn theo tấm vải cuộn tròn, đống đồ dùng nấu ăn, bầu da đựng nước uống, xẻng và đủ thứ khác. Lỉnh kỉnh và có thể bẻ gãy lưng một tiểu thư quyền quý loài người, nhưng với người đã từng tham gia quân đội, thứ đó mới chỉ ở mức đeo tập cho có, chưa thể hành quân được.



Hậu cung ba ngàn phi tần từ khắp mọi miền đất nước tập trung ra đây, vấn tóc cao, đội nón lá phết nhựa đường tránh cái nắng khó chịu, mặt mày nhễ nhại mồ hôi gió bụi, trên tay cầm hỏa mai mồi thừng, nhắm thẳng mục tiêu vào mấy hình nộm rơm và mô đất trước mặt. Người đẹp xinh như hoa như ngọc, da dẻ trắng nõn nà, tóc đen như mun thế, nếu ở nước khác chắc đang được vua sủng ái, hay lo đấu đá nhau, chứ tất cả cùng đứng dưới một màu cờ, tập luyện quân sự chắc chưa từng xảy ra.



Chuyện “huấn luyện” này Thành Tông đã quá quen, Từ khi còn ở quân đội Linh Giang, bà Cả nhà mình đã nghiêm khắc thế, và từ khi lên làm Hoàng hậu thì đã biến hậu cung thành doanh trại dự phòng cho kinh đô Đông Kinh luôn. Mỹ nữ trong cung, Hoàng hậu phụ trách các cung phi, chia làm mười đội ba trăm người, được gọi là các “đại đội”, tiến hành tập bắn ở những khu vực riêng nằm song song nhao, tránh tình trạng đạn lạc vô tình bắn trúng người. Số lượng phi tần không phải con người đặc biệt ít, do yêu ma nữ rất khó có con với chồng là loài người, nên thêm vào thường cũng chỉ cho có lệ. Như thế nghĩa là số lượng con người, những người dễ bị tổn thương bởi vũ khí bình thường, rất đông. Phải đảm bảo an toàn khi luyện bắn đạn thật, không thì dân chúng ý kiến chết.



– Nhìn bên phải, thẳng! Hàng đầu chuẩn bị!

– Rõ! Nhìn bên phải, thẳng! Hàng đầu chuẩn bị!



Tiếng quân lệnh dội lên khắp trên bãi tập, rầm rập cơ hồ đất rung. Các đại đội chia thành ba hàng, mỗi hàng một trăm người, được chỉ huy bởi những phi tần giàu kinh nghiệm nhất, đứng bên phải đội hình. Trải dài một trăm người ra như vậy, các đại đội lại đứng song song nhau, nên mỗi “hàng” thực tế có đến ngàn mạng. Bồng súng trên tay, những con người vốn bị Nho gia mặc định là chân yếu tay mềm, phải ở phía sau bước thẳng đến trước. Chĩa súng ra, họ nhìn cực kỳ chuyên nghiệp, đứng thẳng và đưa chân thủ thế không khác gì lính thực sự. Dây hỏa mai cháy chậm bốc khói xám ngắt cay xè mắt, nhưng vẫn không quan tâm. Nắng ư? Đã có nón rồi. Họ nhắm vào hình nộm trước mặt, mỗi con cách nhau khoảng nửa thước, cự ly dàn trải tiêu chuẩn cho đội hình dàn hàng bắn súng. Tất cả đều đang chờ lệnh.



– Bắn!



Pằng! Pằng! Pằng! Pằng!…



Như thể tiếng gầm xung trận, một ngàn khẩu hỏa mai bóp cò cùng lúc, liền phun ra chớp lửa và làn khói đen dày đặc, khó chịu. Khói bay mù trời, che khuất hết tầm nhìn trước mắt, nhưng không sao giấu được những viên đạn tròn vo bay xé gió về phía mục tiêu. “Bụp! Bụp!”, cứ thế, chúng đâm thẳng vào đống bù nhìn, vào đầu, tay, thân, vào cả đống đất đắp cao phía sau dùng để chắn không cho đạn bay lạc. Khói vừa tan, người chỉ huy từng tổ ra hiệu cho hàng đầu đi xuống, nhường cho hàng hai lên.



Trong lúc đó, vừa ra sau là nhóm vừa bắn xong kéo thanh giữ dây cháy lên, chổng nòng súng, bỏ thuốc và đạn vô nạp y như ban nãy Đào đã làm. Nhưng họ thao tác ở một tốc độ phải thực sự gọi là đáng kinh ngạc. Thành Tông đã lấy đồng hồ ra coi, thì từ khi ra phía sau tới lúc nạp xong, trung bình một phi tần chỉ mất… bốn mươi lăm giây thao tác, nhanh hơn hẳn thời gian trung bình của một binh sĩ. Hàng hai vừa xong, đi xuống cũng là lúc hàng đầu ban nãy nạp đạn xong xuôi, sẵn sàng cho lượt bắn tiếp. Cứ thế xoay tua mỗi hàng mười lần, thao tác tới khi thực thành thục mới cho nghỉ ngơi, sau đó sang bảo dưỡng vũ khí.



Và rồi, nhìn sang chỗ khác, họ lại thấy cảnh tượng còn ác chiến hơn.



Tại một quãng sân xa, cát bụi bay mù mịt. Cũng may hướng gió khác, không thì đã thổi tới tận đây rồi. Khoảng một, hai ngàn kỵ binh trang bị nhẹ đang cưỡi lũ ngựa tốt nhất của hoàng cung tiến hành tập trận giả với nhau. Những lúc thế này mới cần ma pháp, Thành Tông “cường hóa” thị lực lên nhiều lần để quan sát cho kỹ. Không ngoài dự đoán, đó thực sự là ngựa hoàng cung, còn người cưỡi chính là… lực lượng thái giám cực kỳ đông đảo!



Ngày trước khi Dụ Tông còn tại vị, thái giám có địa vị thường hay xiểm nịnh, lợi dụng sự ngu muội của vua để làm trò sách nhiễu, bành trướng thế lực. Câu kết với nhiều đại gian thần trong và ngoài Trung ương, đám đó ăn tàn phá hại cả nước, thậm chí dám đưa cả hàng dỏm vào cung để làm bậy với cung nữ. Dụ Tông là tên vua tàn bạo với xu hướng “ấy” quái dị, rất thích nhìn phụ nữ bị tra tấn, hãm hiếp nên thậm chí còn cho phép nhà giàu vào cung “chơi” với điều kiện phải mua vé vào cổng, sau đó chọn người con gái mình thích, trả thêm tiền và sau đó tha hồ hành sự cả đêm. Không ai ngoài các thái giám được lợi chuyện này nhất, tha hồ kiếm tiền, tha hồ hét giá. Vườn thượng uyển tập trung những bóng hồng tuyệt vời nhất nước trở thành cái phố đèn đỏ hạng sang, còn đám ấy tha hồ hốt bạc, ăn chia với môi giới và thân tín bên ngoài.



Bây giờ, tất cả những kẻ phạm tội đều đã bị xử. nhẹ thì ngồi tù, nặng cho bay đầu, đặc biệt dựa vào các khung hình phạt tăng nặng mà xử chém tại chỗ. Số thái giám còn lại ở đây, hoặc là người mới, hoặc trung thành với phe Thái tử từ trước, được cho phép ở lại. Thành Tông không giết hay đuổi các cung phi thị nữ, thái giám phục dịch từ thời vua trước, vẫn cho phép họ ở lại. Tập trung dần dần, thế lực hậu cung, vốn được xem như đơn vị riêng của hoàng gia, lớn tới mức có thể xem như một doanh trại riêng. Hậu cung gồm các thái giám trung thành, cung nhân được huấn luyện là đội quân tinh nhuệ cuối cùng phòng ngự Đông Kinh trong trường hợp các tường ngoài thất thủ, và với số lượng người ở đông đảo, tổng cộng đến hơn hai vạn, không khó hiểu khi một người mang tư tưởng thượng tôn quân sự như đức vua chấp thuận. Bởi trong mắt ngài, họ đều là các binh sĩ tiềm năng.



Giao lại quyền điều khiển “quân đội” hậu cung cho Hoàng hậu và Lệnh phi, vợ thứ, Thành Tông vẫn thường ghé qua xem tình hình huấn luyện thế nào. Hôm nay cũng thế, bắn súng xong thì qua coi huấn luyện. Các phi tần tập bắn cực kỳ tinh nhuệ, xứng đáng xếp vào hàng ngũ những đơn vị tốt nhất. Trong khi đó, thái giám, dù gì cũng là đàn ông, thân hình khỏe mạnh hơn hội chị em, được chọn vào kỵ binh để thực hiện việc đánh tạt sườn, giáp lá cà hay chạy trinh sát quân đội, vốn đòi hỏi thể lực cao. Nữ tỳ tập huấn ở chỗ xa hơn, bọn họ biên chế thành các tổ năm thành viên nhằm thực hiện du kích và tác chiến đô thị, với học thuyết sẽ tản ra khắp kinh đô khi địch xông vào, biến mọi ngôi nhà có thể thành pháo đài, đường phố lập chiến lũy, và “du kích” giữa lòng thành phố. Vì vậy, bãi tập có hơi khác và xa chút.



Hàng trăm, hàng ngàn thái giám mặc đồng phục đen dài tay, vạt đến đầu gối xẻ cao sau lưng, đầu đội mũ sắt viền da, trước ngực đeo tấm giáp kim loại lớn che kín phi thẳng vào đối phương, chiến đấu quyết liệt. Tuy nhìn tưởng hỗn chiến, nhưng khi thay đổi “góc nhìn” một chút, Thành Tông thấy chuyện chẳng đơn giản như thế.



Đội quân dùng mũ trụ đỏ chia thành hai cánh lớn, tiến công theo dạng sừng trâu đánh tạt vào bên sườn cánh quân đội nón trắng, ép đội quân ấy vào giữa thế gọng kìm. Mũ đỏ dùng đao cong một lưỡi, loại dùng cho luyện tập nên chỉ bằng gỗ hàng chợ, nhưng vẫn đủ sức gây vài vết bầm. Hai đội ban đầu là một, chạy tới khi còn cách đối phương non trăm thước thì lập tức tách làm đôi, sau đó lại đảo ngựa ôm gấp vào, dùng lợi thế đa ngắn cơ động đánh vào phần sườn, trong khi bên kia chưa kịp xoay đổi hướng. Chiến thuật này không hoàn toàn chính thống – nó được ghi nhận trong sách quân sự Đế quốc, nhưng không phải do các tướng đế quốc nghĩ ra, mà là học tập của kẻ thù.



Quân nón trắng, ngược lại, tạo thành đội hình mũi tên với người chỉ huy lãnh đạo hàng đầu, dùng thương dài và tốc độ cao cố gắng đâm xuyên thủng thế tiến công bên địch. Đây là kiểu tác chiến “chính thống”. với các đội kỵ binh vũ trang với giáp ngực và thương chuyên dụng tiến hành đâm thẳng vào một bên đội hình địch. Thường chiến thuật “xung phong” kiểu đó sẽ nhắm vào sườn đội hình bộ binh, đặc biệt là các phương trận cơ động kém, kín mặt lộ sườn. Không ai dại dột xông thẳng vào mặt tiền, đối đầu với cả rừng giáo chĩa thẳng, kể cả trọng kỵ vũ trang nặng nhất cũng ngán ba bốn phần. Kỵ binh trang bị thương còn khủng bố hơn, vì với tốc độ chạy của ngựa, lực đâm sẽ khủng khiếp hơn nhiều. Ba trăm năm trước, khi đụng độ với quân du mục phương Bắc, Đế quốc đã chứng minh được sự đáng sợ của kiểu tấn công này, nhưng cũng bị bất ngờ bởi chính lối đánh kỵ mã tạt sườn dùng vũ khí ngắn ấy. Từ sau ba lần đá đít du mục, họ liên tục luyện tập kiểu này để tìm ra điểm yếu của hai kiểu, cải thiện và đảm bảo chúng đều có thể triển khai được.



Và bởi việc này đòi hỏi chiến đấu trực diện, nó được giao cho thái giám, các “đấng nam nhi” của hậu cung. Trong khi đó hội chị em bạn dì dưới trướng Hoàng hậu thực hiện việc của lính bộ: Dàn hàng bắn súng. Dù sao bắn ba hàng vẫn đỡ áp lực hơn việc cưỡi ngựa xông thẳng vô cánh đối phương, lại còn thường có những chướng ngại vật bảo vệ trước mặt. Do huấn luyện thiên về phòng ngự hậu cung chứ không phải chủ động tiến công, phi tần chủ yếu tập trung vào việc bắn đằng sau các hàng rào cản địch và dùng đội hình ba hàng luân phiên. Còn thái giám, với vai trò của kỵ binh thường là xung phong lên trước, đánh tạt sườn, du kích, trinh sát và nhiều thứ khác, được huấn luyện chiến đấu bài bản.



– Họ lại chiến rồi.



Vừa nói, đức vua vừa ngáp ngủ. Một hành động chẳng đẹp chút nào.



– Thật sự thì ta muốn chiến thuật nào đó mới hơn cơ. Nhưng mà… trình quân sự của ta mà lên tiếng là bà Cả nạt ngay, hây dà…

– Chị ấy thực sự rất giỏi…



Đứng bên cạnh, Đào nói.



– Người thống nhất cả hậu cung, vực nó dậy từ cái địa ngục đó, và biến thành trại lính thế này…

– Phần cuối không cần thiết đâu.

– Vâng ạ…

– Nói bậy bạ cái quái gì hả?!?



Thành Tông đứng tim.



Tiếng hét từ xa vọng lại, cùng với đống cát bụi mịt mù bay, hai người mặc giáp cưỡi ngựa phi nước đại tới thẳng đằng trước, theo sau là đoàn hộ giá khoảng mấy mươi cung nữ và thái giám. Người đi đầu, cưỡi con ngựa cao lớn màu đỏ tuyệt đẹp, lãnh đạo đoàn quân. Một người nữ, vẻ mặt vào tầm gần ba mươi, dung nhan sắc sảo mặn mà, đôi mắt hổ phách long lanh nhưng trừng trợn lên cực kỳ dữ tợn. Cô ta mặc giáp kín người, loại giáp vảy đặc biệt làm thành từ nhiều miếng kim loại xâu vào nhau thẳng hàng, nằm đè lên nhau như bộ vảy cá, che kín mít ngực, vai, eo và chân, mỗi nơi đều có các tấm lớn phủ lên.



Bên dưới bộ giáp ấy lại là tấm giáp xích lớn, làm thành từ hàng ngàn khuyên kim loại xâu vào thành hình như chiếc áo, lộ rõ ống tay bên dưới các tấm che vai, phủ xuống dài đến cổ tay, che luôn phần nào cặp găng giáp sắt bảo vệ bàn tay người lính. Mái tóc giấu kín trong chiếc mũ trụ cũng ghép từ nhiều miếng kim loại lại với nhau, phía trước có viền đồng xanh rất đẹp, còn cắm thêm cặp lông đuôi chim trĩ dài vươn thẳng lên trên, lúc này lất phất phía sau cùng vạt áo choàng đỏ đậm viền lông vũ phần phật trong gió. Tay trái nắm yên cương, phải cầm thanh kích lớn hai lưỡi bán nguyệt, vừa thúc ngựa chạy đến, vừa giơ cao vũ khí cho người bên kia trông thấy.



Người đi theo sau, không nhầm được, cũng là nữ. Làn da không trắng, ngược lại tương đối rám nắng, chẳng có vẻ gì quý phái nhưng lại mạnh mẽ lạ thường. Ánh mắt như hổ thấy mồi, lao xồng xộc tới, chiếc lưỡi nhỏ liếm đôi môi đỏ căng mọng nước đầy vẻ kinh dị. Không như vị “tướng” đang dẫn đầu kia, cô mặc quần áo đơn giản hơn, với một phiến giáp tấm cỡ lớn bao phủ toàn bộ thân trước, tức ngực và bụng, trong khi bên dưới hoàn toàn được thả trống, không bọc gì cả. Hai tấm giáp vai lớn che đi phía trên, bảo vệ vai và bắp tay.



Cô không mặc giáp xích bên dưới, thay vào đó là chiếc áo xanh đen như kiểu những phi tần kia, nhưng phần cổ tay có đoạn lật ngược lên, để lộ phần vải vàng và tay áo lót màu trắng lụa bên trong. Tà áo dài xẻ cao xõa xuống hai bên yên ngựa, phủ lên bắp đùi, trong khi chân nằm yên trên bàn đạp. Chiếc quần lụa trắng được may đặc biệt cho việc cưỡi ngựa, với phần mông được làm êm và bắp đùi độn dày hơn, túm lại chỗ ống quyển. Từ đó trở xuống, chân cô bọc trong lớp vải khác, trắng muốt, nhưng bó sát vào, đến nỗi lộ hết những đường cong chết người. Đôi giày vải đi bên dưới ôm lấy đôi bàn chân, phần đế da được bọc viền kim loại cùng nhiều chiếc đinh nhỏ li ti, phía sau gót gắn thêm cái đinh cùn dùng thúc vào bụng chiến mã, cực kỳ hợp cho quân cưỡi ngựa. Thanh đao giắt bên hông, phía kia còn đeo theo khẩu hỏa mai nòng ngắn, nhìn cực kỳ hầm hố. Túi đạn treo bên yên xóc lên theo nhịp phi nước đại, cùng mái tóc đen dài tung bay dù đã bị mũ giáp đè xuống.



Hai người dẫn đầu nhóm kỵ binh ấy là ai thì ai cũng biết. Quân sĩ cận vệ nhìn nhau cười xòa, Đào lắc đầ thở dài, còn đức vua chỉ biết mỉm cười đau khổ. Không ra lệnh cho quân lính chuẩn bị bắn hạ kẻ “phạm thượng”, ngài yêu cầu tất cả họ tránh ra sau, còn bản thân tự tuốt đao “nghênh chiến”. Người ngoài không biết sẽ tưởng Bệ hạ muốn tự sát, nhưng kỳ thực, tính cả rồi.



– Hoàng hậu tới!

– Lệnh phi tới!



Đằng đám người cưỡi ngựa theo sau đó, tiếng hét lớn dậy xóm dậy làng báo hiệu cho không chỉ Thành Tông, mà ngay cả những phi tần đang tập súng cũng phải giật mình vì âm lượng cực lớn. Mà cũng chẳng cần đoán, vì trong cung ai lại chẳng nhẵn mặt với hai “chị đại” ấy chứ?



Người mặc giáp kín bưng từ đầu tới chân, đương kim Hoàng hậu “Huyền Cơ” Trịnh Hồng Thủy, con gái Tổng lãnh vùng Linh Giang.



Và…





Nhân vật chỉ bọc kim loại nhẹ vừa đủ nhưng vẫn khí chất ngời ngời, vợ thứ của Hoàng đế, Lệnh phi Lê Minh Ngọc Hạnh.



– Hí í í í í í…!



Đồng loạt ghì yên cương làm lũ ngựa hí rống, ưỡn người giơ chân trước lên như sắp đạp chết kẻ trước mặt, Hoàng hậu và Lệnh phi dừng trước đoàn quân, những kẻ ngay sau đó cũng nhanh chóng ghì cương dừng gấp. Ngựa chồm người lên làm Hoàng hậu như ngã về sau, nhưng chính khi ấy, tấm áo choàng dài lại tung mạnh vào giữa không trung, dang ra như đôi cánh đại bàng giữa vòm trời vô cùng vô tận. Thanh kích lớn nằm gọn trong lòng bàn tay giơ cao lấp lánh, tỏa ánh kim loại lạnh toát mà nổi hết da gà. Nhìn người khi ấy, thật chẳng ai nghĩ đó là mẫu nghi thiên hạ. Giống như chiến thần tái thế hơn. Khôi giáp ấy, kích lưỡi bán nguyệt, mũ lông chim trĩ và chiến mã đỏ rực màu ráng chiều, thật sự khiến kẻ chứng kiến phải run lên vì sợ hãi trước uy lực kinh người ấy.



Dừng ngựa rồi, lần lượt Hoàng hậu và Lệnh phi nhảy xuống, theo sau là các thái giám mang giáp, nhẹ nhàng hơn. Không ai quỳ sụp xuống thi lễ – Đế quốc không có phong tục đó, cũng như quần áo truyền thống là áo tà dài xẻ sau và mặc quần ống túm chứ không phải áo cổ chéo, váy quần lả lướt, họ đứng nghiêm trước mặt vua, đưa nắm đấm lên trước ngực trái rồi giơ thẳng về trước, cao quá đầu. Tất cả như một, đồng loạt hô to:



– Quyết thắng!

– Quyết thắng.



Đáp lễ, Hoàng đế giơ tay trái lên ngang mặt, bình thản đáp lời, do tay phải đang bận cầm đao. Kiểu chào hỏi này có thể khiến các sứ thần nước ngoài bất ngờ, nhưng với quốc gia có truyền thống thượng tôn quân đội lâu đời thế này, chuyện đó hoàn toàn bình thường. Ngay cả Hoàng hậu cũng chuyển tay cầm kích, vì theo quan điểm truyền thống, bên trái cao quý hơn nên chỉ người bề trên mới được dùng tay trái khi chào.



Lại chuyển kích về tay thuận, Hoàng hậu tiến đến trước mặt Thành Tông, hỏi thẳng:



– Tỷ lệ hôm nay?

– Bốn ăn một. – Đức vua đáp, đầy dứt khoát.



Nhìn sang Đào, Hoàng hậu nheo mắt rồi bảo:



– Trước đây là mười ba ăn một, giờ là bốn à? Có hơi quá nhanh không, còn chưa tới hai tháng mà?

– Đào bắn tốt, vấn đề là thể lực yếu nên dễ run.

– Vậy à? Hạnh, ý em sao?

– Dạ.



Đứng phía sau, Lệnh phi Hạnh tiến lên trước, nhìn một lượt. Rồi cô cởi găng, thản nhiên nắm lấy tay Đào, rờ rờ bóp bóp một hồi. Kỳ thực Hạnh nhỏ hơn Đào bốn tuổi, nhưng do lấy trước nên là bà Hai. Vẻ mặt trái xoan hiền khô, sáng rỡ như trăng rằm bỗng hiện vẻ đăm chiêu, rồi nghiệm giọng nói:



– Không phải không thể. Tay Đào yếu, nhưng nếu được chỉnh thì có thể bắn tương đối tốt.

– Vậy vấn đề là ở thể lực à? Mà đúng là em yếu thật đấy. – Huyền Cơ tặc lưỡi.

– Em xin lỗi ạ…



Cúi đầu, Đào lí nhí xin lỗi. Thấy vậy, Hạnh liền nói ngay:



– Chả dư lỗi cho đâu mà xin! Thay vì làm mấy chuyện vô nghĩa như vậy, em tập trung luyện sức còn tốt hơn!

– Hạnh, chú ý ngữ điệu. Giọng em dễ làm người khác sợ lắm.

– Dạ, xin lỗi chị ạ!

– Câu trước câu sau bắn nhau đùng đùng luôn.



Nghe Huyền Cơ nói thế, mọi người không nhịn được, bật cười ha hả.



Và ngay sau lúc ấy, Hoàng hậu chỉ kích về phía các cung phi đang tập bắn kia, nói:



– Đội hình ba hàng thực sự là phát kiến tuyệt vời. Nó cực kỳ hợp với tác chiến phòng thủ trong công sự, hàng rào hay phía sau các chướng ngại chống kỵ binh. Ba lượt, mỗi lần hàng trăm khẩu nổ cùng lúc, nó đảm bảo mưa đạn lúc nào cũng dội thẳng xuống đầu kẻ địch. “Ngài” có nghĩ vậy không, thưa “Bệ hạ”?

– Xưng hô bình thường đi. – Thành Tông nói, tông điệu vẫn đều đều không đổi – Nghe bà kêu “Bệ hạ” mà da gà nổi từng đống.

– Tính giữ cho anh miếng thể diện cuối cùng, mà không cần thì thôi!



Nhoẻn miệng cười đến lộ cả hàm răng nhọn hoắt, sắc lẻm và lởm chởm như cá sấu, Huyền Cơ nhún vai, lắc nhẹ đầu. Đoạn, mời tất cả vào một túp lều dã chiến, kỳ thực chỉ là tấm vải lớn căng trên cọc, còn chẳng che các vách, Hoàng hậu mới nói về tình hình huấn luyện hiện tại. Và đó chính xác là lý do Thành Tông tới đây. Không chỉ đơn thuần tới ngắm gái xinh và súng, sự kết hợp trên cả tuyệt vời, mà còn để nghe báo cáo huấn luyện. Vua và ba chị vợ tiến vào trong, còn thị vệ, thái giám đứng ngoài canh. Yên vị trên ghế gỗ, kiểu ghế dùng rẻ tiền và bán đầy ngoài chợ, xung quanh chiếc bàn gỗ dài cũng thuộc dạng “dân thường”, không trang trí màu mè, họ mới bắt đầu bàn chuyện.



Các cung phi, nữ hầu lâu năm đã hoàn toàn quen với việc sử dụng súng, trong khi đó những phi tần vừa tiến cung lại tỏ ra khá lóng ngóng với thứ này. Đây không phải điều lạ, Huyền Cơ nói, đã làm việc trong quân đội lâu năm, thấy lính mới chưa quen với súng cũng là chuyện thường. Hoàng đế và Hạnh gật đầu, trong khi Đào chỉ im lặng lắng nghe. Bởi so với những người kia, cô chỉ là tay mơ trong chuyện quân, tốt nhất là im lặng và nghe ngóng, học hỏi.



Lứa nhập cung gần đây nhất là vào tháng Hai, tức tới giờ cũng đã nửa năm trôi qua. Hậu cung năm nay nhận vào tổng cộng hai trăm mười bảy người nữ, gồm sáu phi tần hạng trung, số còn lại là nữ tỳ. Số liệu thống kê hiện tại cho thấy loại đi những cung phi đã được ban cho các tướng có công trong cuộc chính biến, những người qua đời hay được cho về quê, con số còn lại vừa vặn ba ngàn người. Thật sự thuận tiện đến bất ngờ, chỉ tính riêng như vậy thôi. Bởi nó quá hoàn hảo cho việc quân sự hóa.



Cơ cấu quân đội Đế quốc không giống Hoa Đông, tức không chia thành các nhóm gọi tên bằng bao nhiêu người cụ thể, mà gồm các “tổ”, “đội” và “đoàn”. Tổ tác chiến gồm năm người với một binh sĩ dày dạn kinh nghiệm chỉ đạo, ba lính tầm gần và một người hỗ trợ phía xa. Thời trước thì là chiến binh và pháp sư hay cung thủ, giờ là lính hỏa mai và người cầm giáo, tỷ lệ cứ bốc đại năm binh sĩ bất kỳ sẽ có một người vũ trang hỏa mai. Hai tổ tạo thành một tiểu đội, với quân số dao động từ mười tới mười lăm người. Số phi hiện tại vừa đủ cho Hoàng hậu thành lập một trung đoàn, quân số ba ngàn mạng, còn mỗi nhóm ba trăm thành viên là một đại đội. Thái giám có tầm hai ngàn, vừa thích hợp biên chế hai tiểu đoàn khinh kỵ. Lượng cung nữ, tức các nữ tỳ phục dịch, trong độ tuổi chiến đấu được là khoảng bốn ngàn rưỡi, có thể biên chế một trung đoàn, một tiểu đoàn và năm đại đội độc lập, hay ba tiểu đoàn cùng năm đại đội, vẫn khá vừa. Học thuyết tiêu chuẩn hiện tại của quân Đế quốc là đội hình “giáo dài và súng”, thay cho tư duy “kiếm và ma pháp” ngày xưa.



Không phải hậu cung không có quân lính. Được xây dựng như một pháo đài quân sự với tường dày mười thước, cao hai mươi thước, luôn có quân thị vệ đồn trú, tuy nhiên quy mô của nó không đủ lớn để bảo vệ toàn khu vực này. Thật khôi hài, Huyền Cơ bảo, khi cấm vệ quân chỉ có thể duy trì tối đa hai đại đội, cùng lắm là sáu trăm quân bộ, bên ngoài, Trong khi đó nơi này lại có hơn bảy ngàn người “chân yếu tay mềm”, thiếu khả năng tự vệ. Chưa kể các mối đe dọa khác, hành thích, ám sát, nên bắt buộc phải tự đào tạo quân riêng. Số quân này, tuy có thể sánh ngang với lính tinh nhuệ ở khả năng thao diễn bắn đạn thật, lại thiếu hụt trầm trọng kinh nghiệm thực chiến. Vì vậy Hoàng hậu không dám liều lĩnh nghĩ tới chuyện ném họ ra tiền tuyến, mà chỉ huấn luyện đó để dành làm phòng tuyến cuối cùng.



– Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh mà, nhỉ?



Nhún vai thế, mẫu nghi thiên hạ mỉm cười.



– Vậy tình hình huấn luyện hiện tại thế nào? – Thành Tông hỏi.

– So với hồi tháng Hai thì tiến bộ đáng kể. – Hạnh nói – Hiện tại tốc độ nạp đạn trung bình là bốn mươi tới bốn mươi lăm giây, đảm bảo khi hàng trên bắn xong thì phía dưới đã sẵn sàng. Họ cũng được tập các bài rèn luyện thể lực của quân đội nên thể chất cải thiện đáng kể. Khả năng tác chiến thì… Ư phư phư, tối nay anh muốn thử “đánh đêm” để biết không?

– Tới luôn cưng ơi.



Nói ra câu đó cũng đồng nghĩa với việc Bệ hạ vứt luôn chút tiết tháo cuối cùng xuống cống!



Và Huyền Cơ thở dài…



– Trời ạ, anh trên triều nghiêm túc bao nhiêu thì hết giờ lại điên bấy nhiêu nhỉ? Liêm sỉ đâu hết rồi hả?

– Tầm này thì liêm sỉ gì nữa. Thích gì chiều nấy! – Đức vua mỉm cười đầy vẻ vô liêm sỉ, đến nỗi khoe luôn bộ răng đã mòn vì phải nghiến quá nhiều.

– Đồ thằng chồng trời đánh thánh đâm.

– Thằng này một đời không sợ trời, không sợ đất, chỉ ngán bà già đó! Cô nghĩ chửi vậy ta sợ à?

– Mặt dày như cái tường thành rồi, thôi dẹp đi! Về chuyên môn!



Bẻ hướng câu chuyện gắt như cách ghì cương ngựa, Hoàng hậu đưa cuộc bàn luận về lại đề tài chính. Chuyện cung phi đã xong, tiếp theo là thái giám. Do học thuyết phòng thủ hậu cung hiện tại không yêu cầu chủ động tấn công trực diện, hai người họ, Thủy và Hạnh, đã xây dựng lực lượng khinh kỵ theo hai phong cách đánh khác nhau. Đội kỵ binh nón đỏ thực hiện kiểu tác chiến tạt sườn, đánh rỉa bên cánh đại quân và thực hiện kiểu chiến thuật gọng kìm bao vây, trong khi nhóm nón trắng vẫn theo kiểu đánh truyền thống, dùng thương lao thẳng vào.



Việc chọn thái giám cho binh chủng này xuất phát từ việc họ vốn là đàn ông, có sức khỏe vượt trội, lại không bị giới hạn chủng tộc như cung phi nên lợi thế hơn rất nhiều. Thể lực và khả năng ma pháp của các á nhân, yêu ma đóng vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định phương hướng tác chiến, vì có nhiều chiến thuật đa dạng hơn để áp dụng. Trong khi đó, một số chủng tộc cũng chuyên về cưỡi ngựa, có thể tham gia vào những nhóm tinh nhuệ để tiến hành tấn công xung kích, gây rối loạn hàng ngũ nhất thời rồi rút lui. Với lợi thế về chủng loài, khả năng dùng ma thuật đơn giản như cầu lửa hay gai băng nhưng đánh cấp tập, rút nhanh chóng có thể khiến phương trận bên kia vỡ đội hình, hay kỵ binh địch rối loạn nhất thời, tạo cơ hội cho quân ta phản công. Cách huấn luyện hiện tại tập cho họ khả năng bao vây và xuyên phá, và nó thực sự hiệu quả.



“Cái đó mà hiệu quả thì mình ăn cơm bằng lỗ mũi… Mà thôi, nói ra lại chết. Im lặng là tốt nhất.”



Thành Tông nghĩ thế, trong khi đang nhâm nhi cốc trà xanh được thái giám chuẩn bị cho. Dù sao thì, tư tưởng của bà Cả nhà mình cũng quá khác người. Việc vũ trang này cũng là cô ta đề nghị, bản thân vua chỉ làm theo vì thấy nó thực sự hữu ích.



Chắc chắn, sứ thần Hoa Đông, Portugale hay bất cứ nước nào nhìn thấy cái “hậu cung” này cũng đều sẽ nghĩ nó thật điên rồ. Tuy nhiên, nếu so với trò tranh quyền đoạt vị, tìm cách hãm hại nhau của phi tần đất Bắc, thì cái hậu cung xứ Nam này lại an toàn hơn gấp bội. Huyền Cơ đã nói, thật điên rồ và ngu xuẩn nếu cứ chăm chăm vào chuyện giết chóc nhau như thế. Một sự lãng phí nguồn lực ngu dại, và tên vua nào không thể kiểm soát được hậu cung thì coi như không có gan. Bởi hắn không thể đảm bảo an toàn cho ngay chính những người phụ nữ nằm trực tiếp bên dưới mình thì làm gì đủ khả năng để làm việc đó trên phạm vi lớn hơn?



Xét ở khía cạnh quân sự, đội quân hậu cung này chưa chắc ăn được ai. Trình độ huấn luyện và kinh nghiệm thực chiến không tỷ lệ thuận, khi luyện tập nhiều mà thực chiến lại chưa bao giờ. Tuy nhiên, có một thứ khác. Một cái lợi cực lớn mà từ thời Trùng Hưng Đế tới nay mới khai thác được, thứ khiến hậu cung Đế quốc không thành chốn thủ tiêu nhau tàn bạo của mỹ nữ, không trở thành cái lò đào tạo sát thủ chuyên nghiệp. Chính là kỷ luật quân đội. Như một thứ vữa đặc biệt, quân đội kết dính tất cả mọi người, đưa hết thảy họ vào khuôn khổ, sống chết có nhau, chẳng còn tư tưởng tranh quyền đoạt vị. Tất cả cùng đứng dưới một màu cờ sắc áo, đoàn kết thành sức mạnh to lớn hơn. Thay vì tập trung vào các âm mưu thủ tiêu tàn độc, phi tần bây giờ nói về tốc độ bắn, khả năng thao tác, việc bảo trì vũ khí. Nữ hầu không còn lo dò la tin tức tào lao mà chuyên tâm vào học, thái giám cũng chẳng có thì giờ nịnh hót mà phải luôn luyện tập quân sự. Và Thành Tông, người sở hữu cả hậu cung, ngày ngày tập bắn súng, bàn chuyện quân sự, trở thành tấm gương cho tất thảy kính sợ và làm theo.



Quan trọng nhất, Hoàng hậu và hai quý phi chẳng những không tìm cách xử nhau, lại thân thiết như chị em một nhà. Thân tới nỗi đôi khi Thành Tông thấy mình như bị cho… ra rìa!



Chính lúc này, bên tai Hoàng đế lại văng vẳng lời dạy của mụ ta, bà già với mái tóc đỏ rực màu lửa cháy và cặp sừng hồng ngọc óng ánh dưới cái nắng chiều tà, vào ngày họ cùng nhau hạ Đông Kinh, bắt giam Dụ Tông.



“Vua không có quân đội như xác không hồn, như người không trí khôn. Quân đội còn thì vua còn, quân đội mất thì vua mất. Nhà vua chỉ nên quan tâm tới quân sự và đừng nghĩ tới bất cứ thứ hưởng lạc nào ngoài nó. Quân đội là hoan lạc, và cũng chính là hiện thực. Binh pháp có nhiều hơn chỉ một ứng dụng. Ngâm cứu nó, nhuần nhuyễn nó, không bao giờ lơ là luyện tập quân sự, sẽ tạo thành một vị vua tài giỏi. Nền tảng của Đế quốc lại là quân đội, quân đội là bản sắc văn hóa, là ngàn năm văn hiến. Phải luôn nắm chặt lấy nó, muốn ngôi vị lâu dài, hoàng tộc trường tồn, quốc gia hưng thịnh đời đời thì luôn ưu tiên quân đội lên đầu. Đừng bao giờ bỏ lơ việc quân, vì như vậy chẳng khác gì bỏ trống ngai vàng.”



“Bà già quân phiệt đó, nói cũng thấm lắm!”
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.