Vẫn giữ tốc độ hành trình, toàn bộ lực lượng thuộc Không Hạm đội 2 tiến thẳng phương Bắc, không có vấn đề gì. Mặt trời lặn mất từ lâu, vòm trời bây giờ chỉ còn màu xanh đậm chuyển dần sang đen với những ánh sao bạc lấp lánh, cùng với Mặt trăng sáng mờ trên kia. Cánh quạt quay phành pạch chém liên hồi vào hư vô, âm thanh vọng rõ giữa không trung bốn bề tĩnh mịch. Chỉ có tiếng máy nổ, những trục quạt khổng lồ rung lên khe khẽ bởi chấn động từ bộ máy bên trong, và gió trời bị mũi tàu xẻ nát.
Độ cao năm ngàn.
Đã tăng lên chút so với ban sáng, họ phải bay qua khỏi dãy núi Thanh Mã, rặng núi cao nằm vắt ngang dải đất miền Trung, với độ cao trung bình lên tới bốn ngàn năm trăm thước. Địa hình Thủy Tinh không hoàn toàn giống Trái đất, Viêm nhớ dãy Bạch Mã không cao đến thế, trong khi nơi này lại đâm thủng chân mây. Khi đến núi, tất cả đồng loạt tăng trần bay lên mức năm ngàn thước so với mặt biển, đảm bảo tàu không bị va đập hay vướng vào mấy thứ bên dưới, cũng như tránh các trường hợp đáng tiếc. Tàu bay, tuy không hoạt động theo nguyên lý khí động học, vẫn phải đảm bảo sự an toàn này.
Bật đèn sáng rỡ như cả rừng cây thông Noel trôi dạt giữa tầng không, hạm đội lầm lũi di chuyển, không quên giữ nguyên liên lạc với các quân khu bên dưới. Từ khi tiến vào lãnh thổ Đại Việt, Giao Long đã cho nối đường dây liên lạc quân sự bí mật với các căn cứ phòng không dưới đó, liên tục cập nhật hướng và tốc độ di chuyển của hạm đội để không xảy ra chuyện gì hiểu lầm. Cô không cho hạm đội bay vòng ra biển rồi tiến vào lại Đông Kinh vì nó cực kỳ tốn thời gian, với khả năng hiện tại của các tàu lớn thì không thể nào tới kịp trong đêm. Thuyền trưởng lại muốn mọi người, nhất là đám học viên, được nghỉ ngơi thẳng một đêm dưới đất, để sáng mai có thể làm việc với hiệu quả tốt nhất.
– Vâng, vâng, cám ơn. Hết.
Đóng ống nghe lại, Oa Lân quay qua thuyền trưởng, gương mặt vẫn đầy vẻ mệt mỏi, thiếu ngủ như mọi khi. Dụi dụi mắt cho tỉnh, cô nói:
– Bộ Tư lệnh tỉnh Thuận Châu vừa báo lực lượng của Tổng lãnh Linh Giang đã tới nơi. Họ gặp chút trục trặc nên đã hạ cánh muộn hơn dự tính, nhưng quân số không ảnh hưởng. Không có thương vong trong số các học viên.
– Ông già lại gặp chuyện à?
Khép hờ mắt, Giao Long nói:
– Dùng kênh quân đội, gọi thẳng ra ngoài đó… À mà thôi, bỏ đi. Lát xuống biết ngay. Oa Lân, bảo tất cả các tàu giữ nguyên cự ly. Tiếp tục bật đèn rọi, kể cả không có chuyện gì cũng rọi. Không được để đèn tắt.
– Chúng ta nữa! – Hồng Ma nói vào – Bật tất cả đèn rọi còn lại! Không được để chỗ nào bị “mù”! Chú ý cảnh giới!
– Rõ!
Vừa nhận lệnh, Oa Lân liền truyền xuống bộ phận liên lạc… mà thực ra cũng chỉ có “bóng” của Hồng Ma dưới đó. Thiếu hụt nhân lực trầm trọng, và việc Giao Long dùng cái bộ thiết bị đã hóa thạch nửa thế kỷ này càng khiến chuyện tìm được người vận hành nó khó hơn. Nhưng cũng không sao, vì đây vốn cũng chẳng phải tàu bình thường. Cái “bóng” ấy, một thứ đen sì, nhìn như mớ bùn bốc cháy, nhanh chóng thao tác. Không chỉ hai tay, nó còn mọc thêm bốn cái nữa, ra thêm hai đầu khác, nhìn như vi Thái tử nào đó vậy. Thao tác cực nhanh, và trong chớp mắt đã gọi cho toàn hạm đội.
Bên ngoài, tất cả các tàu đều đã nhận lệnh. Ngoài đèn xanh lá và đỏ nằm hai bên mạn ra, họ còn bật sáng tất cả đèn bên trong, làm rực lên những ô cửa sổ tròn, nom cứ như hái sao trời xuống mà khảm vào vậy. Ánh đèn vàng rực rỡ chiếu từ trong ra, sáng cả khoảng thân tàu, cùng với đèn hiệu lấp lánh kỳ diệu lạ thường. Nhưng không chỉ thế. Khi lệnh tới, các thuyền trưởng khác đồng loạt chỉ thị tàu mình bật đèn rọi. Khác với đèn huỳnh quang thông thường, đèn rọi là loại công suất lớn, đường kính một thước rưỡi, có thể chiếu “chùm” ánh sáng trắng đi vài trăm tới vài ngàn thước. Vặn hết lên, mỗi chiến hạm cũng sơ sơ vài chục tới trăm cái, riêng Hồng Ma có đến hàng ngàn, họ soi sáng không gian như thể đang có hội chợ gì diễn ra vậy.
Nhìn ra ngoài ấy, Viêm không thể không nhớ lại ngày xưa, cái hồi nó còn ở nhà, được cha đèo đi vi vu trên con Dream Tàu cũ, đi dọc mấy con đường trong nội thành. Đi qua những công viên, hội chợ, nơi triển lãm đồ, đèn luôn sáng trưng, với hàng tá những gian hàng và nườm nượp người ra vào. Cũng có khi đi từ dưới ngoại về, theo hướng qua cầu Sài Gòn vào đường Võ Thị Sáu, lại ngang qua cái tiệm hay dùng đèn pha lớn chiếu lên trời quảng cáo. Đèn bật lóa hết mắt, hướng thẳng lên nền trời lúc nào cũng lừ lừ đỏ đỏ, cùng những hàng cây tỏa rộng tán lá ra trên lòng đường.
Thậm chí có những lúc chỉ ở nhà thôi, đúng ngoài ban công lầu hai mà trông ra, vẫn có thể lờ mờ thấy dược ánh sáng ấy. Như thanh gươm vút qua giữa màn đêm, nó kéo cả vệt dài vào nền trời tối thăm thẳm, phía sau những căn nhà ba bốn tầng trong hẻm trên đường Cách Mạng Tháng 8. Nó nhớ, nhớ hết chứ, nhớ cả cái đêm ma mị, trăng đỏ như máu khi Giao Long tới đưa đi. Bốn ngày trôi qua mà cứ ngỡ hơn năm rồi, nói nhanh không nhanh mà chậm cũng chẳng chậm. Nó nhớ hết chứ, dù chỉ đứng trong đây nhìn qua cửa sổ kính, và chứng kiến chính những cái đèn siêu to khổng lồ ấy tthap81 sáng từ tầng dưới của cột buồm.
Ba trăm hai mươi chiến hạm và một pháo đài bay, tất cả đều lên đèn sáng trưng như thể hào quang bao phủ.
Khác với các tàu mặt nước, vốn thông thường chỉ tập trung đèn pha lớn ở khu vực trung tâm, các tàu bay thường dàn trải chúng trên khắp thân để đảm bảo không có điểm mù. Các ban công đặc biệt được thiết kế để chứa loại đèn này, thường là ba chiếc một cụm, bố trí cách vài chục thước tính từ chúp mũi về sau, sau đó kéo dài cũng vài chục thước cách đuôi và các cánh quạt. Việc này, Viêm nghĩ, có lẽ do tàu của Đế quốc đa số đều có phần mũi dạng dùi để đâm húc đối phương, nếu bó trí đèn ngay phía trên đó sẽ gây nguy hiểm cho thủy thủ đoàn và bản thân nữa. Bởi vậy chúng được đặt hơi xa về sau, vẫn có thể rọi ra đằng mũi, nhưng không làm ảnh hưởng tới khả năng tông nhau.
Đèn rọi công suất lớn bố trí gôm cụm lại nhiều nhất ở khu vực thượng tầng, phía sau những tháp pháo chính khổng lồ, hay bệ phóng bom bay. Chúng đặt cao, cao lên trên, ở những nơi có thể rọi được ra tốt nhất. Những ban công trống, dường như thế, là nơi bố trí loại này nhiều nhất. Do hoạt động ở độ cao lớn, trời lạnh, sức gió mạnh và áp suất thấp, thường chúng được điều khiển từ xa chứ không có người thao tác trực tiếp. Chỉ những chiếc nằm trong tàu, soi qua cửa sổ kính mới thêm kíp vận hành. Mà loại ấy không nhiều, chủ yếu vẫn là dạng đèn tự động kia.
Riêng Hồng Ma, vì kích thước quá lớn, cũng do yêu cầu ban đầu trở thành một bộ tư lệnh di động, mà trang bị đến cả mấy ngàn chiếc. Bật liền lúc mà sáng trưng như ban ngày, chiếu về trước tựa ánh Mặt trời vừa đột ngột ló dạng. Trên, dưới, trước sau, phải, trái, góc nào cũng thấy đèn cao áp soi rõ, từ tàu bên kia nhìn sang có thể thấy cả đống pháo phòng không. Khu vực thượng tầng trên, tức cột buồm, như được bao phủ bởi ánh hàng quang kỳ lạ, rực rỡ những tia sáng chuyển động quanh khắp. Đèn có cả trên cánh, dưới chỗ nhà chứa, khu vực thượng tầng âm, nơi phụ trách lực lượng đổ bộ. Màu sơn đen tuyền bỗng trở nên rõ ràng gấp bội, hoàn toàn không ẩn đi, ngược lại còn giúp phô trương kích cỡ con tàu.
Cảm giác như thiên cung giáng trần vậy.
Nghĩ thế, Viêm thu người lại. Trời càng lúc càng lạnh, bây giờ quấn thêm áo bông ấm bên ngoài, đôi tay ấy vẫn cứ cóng lên. Đội thêm chiếc mũ da có vạt dài giữ ấm tai, con bé cài lại bên dưới chặt cứng, không để cơ thể mất nhiệt thêm nữa. Áo khoác dài quá hông giữ ấm khá tốt, bên trong là lớp lông ấm, độn bông dày và mặt ngoài bằng da thuộc, kéo dây kéo lên kín tới tận cổ. Loại này hình như của phi công lái máy bay ném bom, nếu ở Trái đất, nó nghĩ thế. Cái nón cũng là dạng dùng cho thủy thủ tàu bay, những người hoạt động ở độ cao lớn, cần giữ nhiệt. Trên đầu, nó để thêm cặp kính bảo hộ, nhưng kéo lên trán chứ không đeo cụp xuống. Chẳng ai ở đây dùng loại ấy cả, dường như chỉ mang vào cho đẹp thôi.
Nhìn sang bên, Viêm thấy Hồng Ma vẫn đứng yên, giấu mình sau tấm áo choàng da đen đúa. Mái tóc dài đỏ rực màu ráng chiều đổ lên vai, lên ngực như dòng thác hừng hực lửa cháy, trong khi làn da hồng hào đầy sức sống khiến nó chẳng thể nào tin được cô ta đã chết hàng vạn năm. Cặp sừng vĩ đại vươn dài ra từ trên thái dương, dường như chẳng nặng nề gì. Mộc Ma hình như có nói chúng vốn không phải vật chất rắn, chỉ được tạo hình bởi linh lực, nên có cũng như không. Nó thầm nghĩ, tiện thật. Kích cỡ và độ đỏ của sừng biểu thị linh lực trong người. Thế này thì bảo sao không cần bảng trạng thái nữa!
Khác hẳn cái vẻ nhây nhây bình thường, khi làm việc, nó mới thấy cô ta thực sự nghiêm túc thế nào. Gương mặt dẹp bỏ hoàn toàn mọi sự bông đùa, lạnh tanh như cái vỏ tàu, với đôi mắt đầy thần thái tập trung giám sát toàn bộ công việc. Cô ta đứng im như tượng, đến hơi thở cũng chẳng có. Hơi gió thổi nhẹ làm đung đưa mái tóc sau lưng, chẳng buồn quan tâm. Theo hình dạng mấy nếp gấp trên áo choàng, có vẻ cô đang chắp tay sau lưng. Như một vị tướng thực thụ, mà nó nghĩ gì vậy, Hồng Ma là tướng mà! Cầu vai bị tấm da thuộc ấy che mất, nhưng nó vẫn biết cô ta mang quân hàm gì. Mấy cái vòng trên cổ tay ấy, nói hết cả rồi.
Tuy là chỉ huy của quân đổ bộ, Hồng Ma lại ở đây chứ không xuống dưới. Con tàu này – đôi khi cái tên gây nhầm lẫn thật – có phần thượng tầng dưới dành cho việc kiểm soát bụng, cũng như tác chiến đổ bộ. Chị Lệ và Quân đoàn 1 đã tập trung xuống dưới, dù Viêm không biết làm thế nào mà cái thứ này nhét nổi năm vạn người nữa. Cô ta là Tư lệnh của họ, nhưng bình thường có thấy làm gì đâu? Hồng Ma chỉ đứng đó chơi, tới giấy tờ công văn cũng dường như chẳng đả động tới. Làm sếp lớn sao lại “nhàn” tới vậy được chứ?
– Dĩ nhiên, làm sếp lớn sao nhàn được.
– Dạ?
Không cần nhìn sang, cũng chẳng mở miệng, con bé trả lời âm thanh ấy. Nó quen rồi. Người duy nhất nói chuyện vào tâm trí đối phương ở đây chỉ có một thôi.
– Con thấy Hồng Ma rảnh mà, có làm gì đâu?
– Chắc không?
Khẽ nhếch mép, Giao Long đều giọng, nói.
– Nhóc nghĩ quân đội sẽ để một đứa nít người thường được thấy những công việc giấy tờ tuyệt mật à? Vậy thì dẹp cái xứ đó đi là vừa rồi đó. Ở đây không có Gorbachev, không có trò công bố hết đâu.
– Cô mỉa mọi lúc mọi nơi nhỉ? – Nó hỏi lại – Mà chúng ta nói chuyện như vầy cổ biết không?
– Không.
Khẳng định chắc nịch, thuyền trưởng bảo, việc hai người “nói chuyện” thông qua cái khả năng này giống như sử dụng đường truyền mật, có tần số khác, bảo mật an ninh cao nên rất khó bị nghe lén. Trong khi đó, khả năng của Hồng Ma là dạng bị động, tức bất cứ khi nào cô ta cũng nghe được. Nhưng đổi lại, Hồng Ma nói riêng và tộc Xích Quỷ nói chung chỉ có thể “nghe” các bước sóng điện não thông thường, không có sự can thiệp của ma pháp, hoặc ma pháp yếu hơn bản thân. Họ không thực sự đọc suy nghĩ, mà nhận sóng điện sinh học được não sinh ra, sau đó “giải nghĩa” trong đầu mình, từ đó biết được đối phương nghĩ gì.
Còn Giao Long, khi nói vào óc Viêm, đã tạo thành một “kênh” riêng, có tần số đặc biệt để không bị phát hiện. Phép thuật cô sở hữu cũng không hải dạng vừa, nên nghe lén bị động không làm gì được. Hồng Ma có thể tập trung tinh thần để chủ động xâm nhập, nhưng khi đó thuyền trưởng sẽ biết ngay, và “tấn công” vào trung khu thần kinh của cô ta. Đối với các loài “bất tử” như ma quỷ hay xác sống, bị đánh vào ý thức còn thốn hơn ăn cả tá đạn mười hai ly bảy nữa. Tóm lại, “Thi Hoàng” bảo, có thể xem suy nghĩ thông thường như đường dây điện thoại dân dụng, độ an toàn trung bình, còn hai người lúc này là đường quân sự bảo mật trên trời. Mẹ con mụ đầu sừng đó bình thường chỉ nghe lén được các đường dây dân dụng, còn muốn thâm nhập vô quân đôi sẽ cần phải tập trung phá, và lúc đó họ sẽ bị phát hiện ngay.
“Vâng, chết cái não bé rồi…”
Viêm khóc thầm!
Vừa mới xong quả chính chị chính em, giờ lại thêm cái này, có nát không cơ chứ! Người ta mới gần mười ba thôi, đầu óc còn ham ăn ham chơi, sao lại cứ phải đi học bổ túc văn hóa kiểu này vậy chứ! Mà bổ túc còn đỡ, mấy người này nói cực kỳ lan man, một lần chém gió đổi đề tài xoành xoạch còn hơn đào hoa thay gái nữa. Thế này thì ngu sớm chứ được nỗi gì!
Thấy hết những gì Viêm đang nghĩ – không phải đường truyền mật nên Hồng Ma biết tất – bà già mỉm cười, nhìn vợ mình rồi nói:
– Mới thế này đã xoắn thì vô năm sao nhỉ?
– Để tớ chuẩn bị quan tài. Cỡ con nít nhỉ? – Giao Long bông đùa.
– Hai người làm quá con bé sợ giờ! – Oa Lân cũng tía lia vô – Mà đúng là tới giờ mình còn chưa tính chuyện học hành của nó nữa, sao đây?
Khẽ cười mỉa, Hồng Ma rõ ràng có ý châm chọc đồ đệ mình. Thực, chuyện quân đội cô ta đã không thấy làm rồi, tới học trò cũng cực ít thấy quản. Đôi khi không chỉ Viêm, mà ngay cả Oa Lân với mấy người khác cũng thắc mắc rốt cuộc Hương Hương học cái quái gì vậy chứ?
Mà…
Viêm chợt nghĩ…
Nếu nó xuyên qua không phải bây giờ, không phải do Giao Long dẫn đi, mà thực sự “chết” và đầu thai vô cái thời kiếm và ma pháp của Thủy Tinh thì sao nhỉ?
– Thì nhóc chết chắc.
Giọng nói ấy lại vang lên.
– Dạ? Nhưng… tại sao chứ?
– Thời Trung cổ của bọn ta với bên đó không khác mấy đâu.
– Dạ? Là sao ạ? Cô kể con nghe được không?
– Trời ạ. Thế này nhé.
Giao Long bắt đầu nói. Và chính lúc đó, Viêm mới nhận ra… “Ôi thôi chết bóe dồi!”.
Thời “Trung cổ” của Thủy Tinh bắt đầu từ thế kỷ thứ năm trong lịch Tây, với sự thất thủ của thành remusa và toàn bộ đế chế phía Tây, bao gồm bán đảo Iberia, vùng đất Celta gồm Gaullia với Albion hiện giờ, vương quốc Irea và nửa bên trái của Bắc Iberia. Bán đảo Remusa bị “man rợ”, cách gọi các tộc yêu ma du mục tới từ thảo nguyên phía Bắc Hoa Đông, xâm chiếm. Dĩ nhiên nửa phía Đông dưới triều đại Konstantine vẫn sống tốt tới cả ngàn năm nữa. Tuy nhiên vấn đề không phải ở đó.
Sự sụp đổ của Remusa đã bỏ lại một vùng đất rộng lớn vô chủ, nơi những tộc man rợ cùng dân bản địa tha hồ nỏi dậy xâu xé, chia miếng bánh khổng lồ đó thành vô số phần nhỏ xíu. Một vài vùng nổi tiếng là tộc Alf trấn giữ khu rừng Argönne xuống tới khu Burgundy và qua đến Calais, hay tộc Nibelg chiếm lãnh thổ Norden của Valhöll bây giờ. Người Nord, cùng các chi của mình, tỏa rộng khắp bán đảo Aesir, vào sâu trong đất Novgoroussiya bây giờ, lại sống hòa trộn với những dân tộc di cư từ phương Đông qua mà hình thành chủng Val Nord như giờ, xây dựng các tiểu vương quốc Val.
Ba trăm năm trôi qua kể từ sự sụp đổ của Remusa, vùng đất phía Tây hoàn toàn trở thành cái nồi cám lợn với sự tồn tại của hàng trăm, hàng ngàn các “lãnh thổ” do con người, á nhân với yêu ma dựng lên. Chiến tranh xảy ra liên miên, trong khi điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt. Loài Alf vốn có lợi thế về bắn cung và khả năng dùng các ma pháp mạnh, nhanh chóng chiếm vùng lãnh thổ mà ngày nay là miền Tây Valhöll kéo dài lên tới dải đất Normandie của Gallia làm địa bàn, có thể coi là thế lực mạnh nhất phương Tây.
Người Gốp, hay Goblin, vốn có số lượng đông đảo, đã tập trung lại trên cao nguyên Svess, thành lập thành bang Dzürick của mình, cũng như nước “cộng hòa” hậu Remusa đầu tiên, dù nó theo kiểu bầu cử giữa các hào trưởng địa phương hơn là đầu phiếu dân cư thật. Chủng Örk, loài to lớn và nhiều mỡ, mặt ngang phè và tai to như lợn, phân tán ra thành những ngôi làng nhỏ, không lập thành lãnh thổ thực sự. Một số nhóm Örk trở thành cư dân của Dzürick cho tới khi nơi này bị thôn tính mấy thế kỷ sau nũa.
Con người, thời ấy vẫn còn khá đông, xây dựng các lãnh thổ của mình tại nửa Nam của Gaullia, kéo xuống tới bình nguyên Kataln ở Espánia, hình thành một trong những cụm dân cư đặc trưng nhất. Đặc điểm của loài người chính là họ sống trong các khu định cư cụ thể, xây dựng rào lũy rất kiên cố chứ không tản mát trong rừng như Alf, cũng không dựng đô thị của mình thuận theo tự nhiên giống người Gốp. Cùng với dân lùn phía Bắc, họ dựng những trung tâm kinh tế sầm uất nhất, có hệ thống pháp luật sơ khai và quy tắc bầu cử giữa các lãnh chúa, hình thành những liên minh khu vực “mạnh được yếu thua”. Các khái niệm này không tồn tại ở cao nguyên Svess, nơi vốn chủ trương nền dân chủ và coi mọi công dân ngang bằng.
Cục diện “phân quyền” ấy diễn ra tới khoảng cuối thế kỷ thứ bảy, đầu thế kỷ tám, khi từ vùng trung tâm Gascógne hiện giờ tức khoảng đâu đó trong lòng Gaullia, một cơn lốc nổi lên. Vua Charles I của Gasconia, thường gọi là Carolus Capetus, tiến hành cuộc chiến thống nhất các thành bang xung quanh. Vùng đất của Alf nhanh chóng bị quy phục, vì tuy có thế lực mạnh, dân cư của họ lại rải rác và quá phụ thuộc vào rừng rậm, tin rằng rừng cây sẽ chặn được đoàn quân xâm lược.
Carolus đánh lên tới tận miền Norden, nhưng thất bại và chấp nhận hòa hoãn với người Nibelg. Cuộc chiến sang phía Tây và Nam thuận lợi hơn, với toàn bộ lãnh thổ Gaullia và vùng Loumbard, tức nửa Bắc của bán đảo Remusa, bị thâu tóm, trừ thành phố Venetszea. Sức ảnh hưởng lan rộng tới phía Đông, sang khu vực sau này sẽ thành Thịnh vượng chung Polska – Lytwa, và chịu sự chống đối ra mặt của vương triều Konstantine với Vương quốc Hungollente. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, triều đại Carolus vẫn được xem là hùng mạnh nhất Tây Gaia, không tính bán đảo Iberia đã bị các dân tộc đến từ phía Đông chiếm mất.
Thời đại này đặt nền móng cho hệ thống quý tộc thực sự của phương Tây, với năm bậc Công, Hầu, Bá, Tử, Nam nghiêm túc. Dưới Nam tước là Tòng nam tước với hiệp sĩ, hai chức vụ gần như chỉ là thường dân lắm tiền, có thể tự trang bị vũ khí xịn. Trên Công tước là các Vương, Hoàng tử, Hoàng thân, Đại Công tước,… cho tới Hoàng đế. Charless I được vinh dự mang danh “Đại đế”, người cai trị vĩ đại, được chính Giáo hoàng đội vương miện và công nhận là người cai trị phương Tây. Khái niệm “Ma vương là vua của yêu ma” của phương Tây cũng bắt nguồn vào giai đoạn này, chính xác là thế, khi hệ thống cấp bậc được xác định rõ ràng và đầy đủ, với những mức ràng buộc khác nhau về vai trò, địa vị với quyền lực.
Cai trị tầm sáu mươi mùa xuân, Charles Đại đế băng hà, để lạo lãnh thổ cho ba người cháu trai: Ludwig IV “Hiếu chiến”, Charles II “Bình thản” và Louis V “Khôn ngoan”, dù nhiều sử gia cho rằng ông còn nhiều con hơn thế. Đế quốc của Charles Đại đế nhanh chóng bị ba người con của mình chia ra: Ludwig lấy phần đất Valrya bên kia sông Rhine, con sông chia đôi quốc gia làm hai phần, và từng bước Đông tiến, ép các thành bang, liên minh khác phải quy thuận. Về sau, Vua Ludwig IV xứ Valrya đổi thành Hoàng đế Ludwig I của Thánh quốc Romulusea, sau khi cải sang một tôn giáo nào đó, và Thánh quốc tiếp tục bành trướng tới khi áng ngữ toàn bộ vùng trung tâm Gaia. Hành động này chính thức đánh dấu sự tan rã của triều đại Carolus, hai người kia cũng tuyên bố tách ra và lập quốc gia riêng.
Charles II giữ được phần đất tổ tiên Gascógne khỏi tay Iberia, về sau thôn tính thêm các lãnh thổ Normandie và vùng Albionaire, bán đảo nằm xa nhất về phía Tây của lãnh thổ, rồi đổi tên nước thành Gaullia. Khi chọn cái tên này, ông ta có ý muốn nhắc người dân nhớ về nguồn gốc của vùng đất, vốn được gọi là vùng Gaul dưới thời Remusa, và hơn thế, nhắc họ nhớ rằng mình mới là người thừa kế hợp pháp của lãnh thổ mà Charles I để lại. Quả thực, mảnh đất Charles II sở hữu rộng lớn nhất trong ba lãnh thổ gốc. đặc biệt, việc giữ tên Charles và con số “II” trong tên càng nhằm nhấn mạnh tính hợp pháp của sự kế thừa ấy, một chiêu bài chính trị đặc biệt.
Louis V giữ vùng Loumbard, nhưng càng về sau, ông càng để mất lãnh thổ vào tay em trai Charles và người anh hiếu chiến cùng cha khác mẹ Ludwig. Trái với danh hiệu của mình, Louis không hề “khôn ngoan” trong vấn đề trị quốc, khi ông chỉ giỏi chuyện sách vở, năng cầu nguyện chứ không biết gì đến binh đao. Cuối cùng, Louis chấp nhận thần phục anh trai mình. Lãnh thổ của ông hai thế kỷ sau bị Thánh quốc sáp nhập, trở thành Công quốc Loumbard dưới sự kiểm soát của Thánh quốc Romulusea. Trong ba người, ông là người có số phận thê thảm nhất khi suýt bị cháu họ Reinhart II của Heischen, một người con của Ludwig, cố gắng ám sát nhưng bất thành, sau cùng bị ép tội mưu phản và xử tử bằng cách bỏ chết đói.
– Thảm quá vậy!
Không cầm được, Viêm bật thành tiếng. Dĩ nhiên, trong đầu.
– Anh em, họ hàng một nhà mà chia đất với đánh nhau tàn độc vậy! Mấy người đó không coi máu mủ ra gì à!
– Trung cổ đấy, con gái.
Vẫn như cái máy, không chút biểu cảm, Giao Long nói:
– Trung cổ là cái thời anh em trong nhà sẵn sàng giết nhau vì vài cắc bạc, nói gì tới đất đai cha ông để lại. Nhóc còn muốn về thời đó không?
– Ưm, nhưng… Mà mấy cái tên cô nói nghe hơi khác nhỉ?
– Chính tả thời đó chưa chuẩn được, đành chịu thôi. Nếu gọi tên hồi ấy thì phải chấp nhận sai khác chút đỉnh so với bây giờ.
– Ồ…
– Mà chuyện đâu có dừng ở đó.
– Dạ?
– Cái vui nhất luôn ở phía sau!
Vài thế kỷ từ khi chính thức hình thành hai “ông lớn” là Vương quốc Gaullia và Thánh quốc Romulusea, Gaia diễn ra không dưới mười cuộc chiến. Sự xâm lược của người Ein nord miền Bắc, các cuộc hành hương Thập giá để giành lại “vùng đất thánh”, chiến tranh trăm năm giữa Albion với Gaullia, đại chiến giữa Liên minh Thần thánh chống Đế quốc Ostman, hay bốn lần Hungollente vả vỡ mồm các anh Trung Đông muốn mò lên Gaia, lại đá tung lực lượng kỵ binh hùng mạnh của người Khan,… rất nhiều chuyện. Nhưng những thứ đó không thấm vào đâu.
Vào khoảng giữa thế kỷ mười bốn, một trận đại dịch có tên Cái chết Đen đã bùng phát bà nhanh chóng bao trùm cả Gaia, tiến xa đến tận Muscovy. Bệnh bắt đầu với các vết phát ban đen, sau đó gây mệt mạnh, sốt cao, yếu dần và chết. Tình hình thậm chí còn tệ hơn khi tiểu Băng hà kéo xuống. Mây mù che khuất ánh Mặt trời, nhiệt độ giảm mạnh khiến vụ mùa thất thu, gia súc chết đầy đồng. Nhiều ngôi làng tiêu điều, xơ xác không còn bóng người, những loài yếu chết gần hết.
Các tinh linh, giống loài có năng lực điều khiển thời tiết, bị đẩy lùi, trong khi Hungollente và Công quốc Valakia phải liên tục đối đầu với mối đe dọa từ Ostman, còn Novgoroussiya vẫn đang chìm trong nội loạn. Lương thực không đủ khiến người dân các lãnh địa quý tộc bên trong Thánh quốc nổi dậy, với cuộc khởi nghĩa của Liên minh miền núi thành lập nước Switszlaend độc lập. Liền sau đó là những cuộc chiến tranh triền miên trên toàn châu lục, khi dịch bệnh, lạnh và đói hoành hành.
Rồng ở miền Đông Gaia thậm chí đói mồi tới mức phải rời tổ tấn công những nơi khác. Họ bay theo các tổ đội, với ít nhất một con rồng “thật”, tức bốn chân và hai cánh, dẫn đầu một bầy các wyvern tấn công xuống dưới. Đó chính là tiền đề cho những truyền thuyết về chuyện rồng đánh làng, thiêu rụi mọi thứ. Thực chất rồng tấn công không phải chuyện hiếm vào thời đó, nhưng thường chỉ đi lẻ, chứ kéo cả dòng cả họ sang xâm lược thì thực sự là tai họa. Loài rồng chiếm đất của các tộc khác, đẩy lùi yêu quái với con người yếu hơn vào những nơi khó sống. Loài Viollente, giống ma cây đặc biệt trong vùng, cũng quyết định tự mình ra trận, dẫn đến cuộc chiến giữa rồng với liên minh yêu ma do ma cây dẫn đầu. Chiến sự còn loạn ác nữa.
– Khoan, dừng đã!
Viêm kêu lớn.
– Ý cô là… thời đó nó loạn vậy rồi, còn thêm rồng? Mà đã rồng còn wyvern nữa ạ?
– Ừ, và chúng nó đều phun được lửa. – Giao Long nói – Cuộc tấn công lớn nhất, ta nhớ trong sách viết là trận đánh ở lâu đài Káska ở miền Đông Nam Hungollente, được gọi là “Đại chiến Rồng”. Gia tộc rồng ba đầu Bárganaiszt, dưới sự lãnh đạo của Bá tước phu nhân Bárganaiszt Alscjiyón và Hoàng thân Radu IV của Valakia, đã lãnh đạo đội quân gồm hơn hai mươi con rồng ba đầu, khoảng vài ngàn ma cây cùng đội quân hỗn tạp người – yêu có quân số lên tới ba vạn đại chiến với khoảng bốn trăm con rồng tràn xuống từ vùng Capcast, nay là phía Nam Novgoroussiya.
– Bốn… Bốn trăm con rồng…?
Mặt Viêm tái nhợt, không còn giọt máu. Mắt nó mở to thao láo như vừa nghe phải cái gì kinh dị lắm. Mà kinh dị thật, bốn trăm con rồng không phải số lượng ít. Giả sử chỉ một con cỡ cái con trong phim người lùn gì đó thôi, cũng đã cho một thị trấn ra tro rồi. Nhân lên bốn trăm lần… Mà khoan, Giao Long nói rồng ở đây bốn chân nhỉ? Vậy thì nó sẽ còn phải khủng cỡ nào chứ? Đối đầu bên kia cũng có rồng, lại còn là rồng ba đầu, thì…
– Năm một ngàn bốn trăm ba mươi sáu, trận chiến tại lâu đài Káska diễn ra dưới sự chỉ huy của Alscjiyón và nhóc radu, a a a… Ta nhớ nó, vụ đó lớn thiệt!
– Ớ?
– Cậu nghe lén à?
Hồng Ma, không biết bằng cách nào, lại “can thiệp” được vào bên trong Viêm. Nhưng trong khi con bé bất ngờ tới nỗi biến dạng mặt mày thì Giao Long lại vẫn điềm tĩnh lạ thường, như thể biết rồi vậy.
– Hồi đó công nhận lớn thiệt!
Như mọi khi, Hồng Ma nói chuyện tự nhiên như thể đã biết hết từ trước.
– Con bé dẫn quân của nó phang với tụi Zmei bên kia, đánh nhau sứt đầu mẻ răng đúng nghĩa luôn! Bốn trăm con Zmei, thêm bầy wyvern hỗ trợ chơi với hai ngàn ma cây và một núi máy bắn đá, nỏ máy các thứ! Trời ạ, phép thuật bay đầy trời, cung nỏ nã liên tục, tụi nó chết đầy như rạ! Tất cả diễn ra dưới cái lạnh mười độ vào buổi trưa! Đánh nhau ác liệt luôn, cuối cùng học trò của ta cũng thắng!
– Bárganaiszt Alcjiyón, đệ tử đầu tiên ta thu nhận! Quý sờ tộc hàng hiệu, biến hình thành rồng ba đầu, bắn sấm sét từ mồm! Thét ra lửa tuổi gì!
Vểnh mũi lên, Hồng Ma nói đầy tự hào. Vẫn điên rồ như vậy, Viêm nghĩ. Rồi bà già tự tin vỗ ngực kể về giống loài của học trò.
Loài Zmei, cách gọi rồng của vùng Đông Gaia, có sức mạnh vượt hơn hẳn mấy anh bạn “dragon” bên kia, có lẽ do thổ nhưỡng khác biệt. Vùng đất ấy khó sống hơn, môi trường khắc nghiệt nên sức chịu đụng và khả năng tàn phá cũng cao cực kỳ. Một con rồng miền Tây có thể thổi bay một ngôi làng trong một lần phun lửa, nhưng với rồng miền Đông, tức Zmei và lũ bạn, dư sức phun hơi từ hơn bốn ngàn thước xuống và vẫn cho một tòa thành về với cát bụi. Chúng nó mạnh ngang với loài Jira ở Yamato, đều là những chủng đã sống từ thời kỳ Xích Quỷ. Sau khi Xích Quỷ sụp đổ và dòng giống Thiên Giao biến mát, bọn nó đứng đầu chuỗi thức ăn.
Khác với Hương Hương là con người hoàn toàn và đi theo để học thuật điều khiển xác chết, Alscjiyón bái Hồng Ma làm sư phụ để học sức mạnh cực lớn của cô ta. Dĩ nhiên, chúa sứng phán, việc học diễn ra suôn sẻ, và cô ấy trở thành trưởng tộc mới. Trận đại chiến ở Káska hoàn toàn dư sức xếp vào hàng kinh thiên động địa, quy mô lớn chẳng kém gì Đại chiến Gaia, với sự huy động từng ấy lính tham gia. Sức hủy diệt của một con Zmei không khác gì vũ khí hạt nhân sống, và giờ chúng nó lao vào tẩn nhau thì cả vùng ấy thành đất chết cả. Thực sự cực kỳ may mắn khi Hồng Ma tới và dẹp được cái con đã duy trì tiểu Băng hà, không thì hậu quả sẽ còn ác liệt nữa.
– Oa…
Viêm chính thức câm lặng.
– Và chúng ta lại vừa nghe thêm một câu chuyện nữa của Hồng Ma vĩ đại, sức mạnh bá đạo vô đối đánh đâu thắng đó, người số hưởng chuyên thu nap5de965 tử khủng bố. Chờ gì mà không vỗ tay nào?
Bằng giọng điệu rõ ràng châm biếm, Giao Long xoáy chồng mình, nhất là chuyện cô ta lúc nào cũng mạnh, cũng thắng. “Đồ Mary Sue.”, thuyền trưởng chốt câu xanh rờn.
Đỏ ửng hết mặt, Hồng Ma lập tức phản pháo:
– Tớ Mary Sue thì cậu là Mary… Sue Sue nhé! Khác quái gì đâu, còn bá ác nữa!
– Ít ra tớ không có toàn thắng, hay luôn miệng khoe khoang về sự bá đạo của mình.
Quả thực, Giao Long rất ít khi tự nói về năng lực bản thân, và số trận đánh cô tham gia cũng đếm trên đầu ngón tay. Trong đó, thắng thua dường như ngang nhau, nhưng có những trận cô tự cầm quân thì thương vong lên tới năm. Sáu con số. Chủ yếu lại là dân thường nữa. Như vậy có tính là “thắng” không, khi thứ chiếm được chỉ là cái bãi tha ma vô dụng?
Nói một hồi, Hồng Ma đuối lý, hay không muốn tranh cãi nữa, nên thôi. Viêm thầm cảm tạ trời đất, vì bà già đó thâm nhập vô não bộ mình mà lảm nhảm nên nãy giờ đầu đau như búa bổ rồi. Khó chịu cực, nhưng vì lễ phép nên không dám nói.
– Mà sao tự nhiên nói vụ rồng vậy? Con bé hỏi à? – Hồng Ma đổi chủ đề ngay.
– Nó hỏi nếu xuyên vào thời Trung cổ sẽ thế nào, nên tớ nói nó biết Trung cổ của tụi mình thôi.
– Và… đoán chắc cậu bắt đầu từ sau sự sụp đổ của Remusa?
– Ừ.
– Lảm nhảm tới trận Káska là chưa hết thế kỷ mười lăm?
– Ừ.
– Và chưa nói gì phương Đông?
– Chuẩn bài.
– Trời ạ…! Thua cậu luôn!
– Là sao ạ?
Vẫn thói tò mò, Viêm chõ miệng vô hỏi ngay.
– Ngắn gọn thì nhóc chết chắc!
Không hề nhìn xuống con bé, Hồng Ma vẫn nói:
– Yếu nhớt, không dùng được ma pháp, không biết cầm kiếm, nhỏ giờ chắc chưa cắt tiết gà lần nào, bất đồng ngôn ngữ, không đọc chữ được, là con gái, đủ chưa? Nhẹ thì ăn hành, tệ hơn thì bị đem bán, nhọ nhất thì chết như con cún luôn! Thế giới Trung cổ tàn bạo lắm, không phải chỗ để mơ mộng mình bá đạo rồi mua nô lệ lập hậu cung, thám hiểm di tích,… gì đó đâu!
Viêm lại câm nín. Nó không nói được gì, vì đó rõ ràng là sự thật. Nhỏ đã quên – cố tình quên – rằng Thủy Tinh không khác Trái đất là bao. Thời Trung cổ ở nhà tàn khốc bao nhiêu, qua đây chắc lên gấp bội. Đây là đời thật, không phải tiểu thuyết. Chẳng có vị thần nào chìa tay ra giúp cả. Cũng chẳng có sức mạnh phi thường hay bảng trạng thái, các trò ăn gian. Lại thêm vụ lính đánh thuê, Hồng Ma nói rồi. Quá nhiều thứ không thể làm được. Chỉ có một kết quả nếu xuyên vào Trung cổ: Nó sẽ không thể sống sót nổi.
Tỉnh mộng thôi. Không thể cứ ngủ với mớ truyện đọc chơi ấy được. Nhỏ tự nhủ.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]