🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Friedrichshaven, một ngày cuối năm một ngàn chín trăm lẻ ba.

Cái lạnh mùa Đông đã kéo tới ngay trước cửa. Trên những con đường đông đúc nhất, đèn bật sáng, dù cho Mặt trời vẫn còn chưa lặn hẳn. Từng hàng thông xanh phủ trắng lớp tuyết dày đứng nghiêm mình dưới cơn gió rét, mặc cho những bông tuyết cuối ngày bắt đầu rơi. Nhũ băng đóng trên mái mấy ngôi nhà cổ, rũ dài xuống hàng tấc, óng ánh dưới sắc cam đỏ cuối ngày của một quả cầu lửa đang biến mất dần sau lớp sóng cồn của đại dương.

Người ta đi lại ngày một nhiều, từ khu công nghiệp phía Nam về phố cổ mặt Bắc, qua dòng sông lớn đã đóng băng, nơi đám golem cơ khí đang cực khổ phá từng mảng vì tàu phá băng vào không vừa. Chiếc cầu đá bắt giữa đôi bờ cũng trắng xóa màu tuyết đầu mùa, dày lên thành lớp như bột trên lan can, dưới lòng đường, và cả trên vỉa phố cho người đi bộ. Sắc tuyết kéo vào đến tận nội thành, lên những đoạn đường mô tê xưa cũ, chôn sâu các trụ đèn kim loại và cả những thùng thư, cũng kéo dày đến gần sát bậu cửa sổ của mấy tiệm bán bánh. Già trẻ trai gái, giấu mình trong mấy chiếc áo khoác lông thú dựng cổ, vạt dài quá đầu gối, hì hục lội trong đầm tuyết ấy, vào những cửa hàng mua đồ hay chỉ đơn giản là về nhà.

Chỉ một trận tuyết đã khiến thành phố ngập sâu tới thế.

Nhưng có ai quan tâm đâu?

Từ rất lâu, dân chúng Friedrichshaven đã quen với những cơn mưa tuyết kéo dài, nhấn chìm thành phố vào thứ kem tươi trắng xóa của trời cao đó. Không ai tỏ ra lo lắng, dù là nhà mặt phố hay trong hẻm, căn hộ riêng hay phòng chung cư. Người nào thích thì trèo lên mái, lấy cây cào mà cào mà ủi cho tuyết rơi xuống, từng tảng từng tảng đánh bịch xuống nền trắng xóa bên dưới. Cũng có mấy chú trung niên, mấy cậu trai trẻ mặc áo bành tô, đầu đội mũ dạ, mũ lên, lông thú ra thi nhau xúc, xúc hết cái đống cản đường trước cửa. Họ cũng tham gia ủi tuyết trên đường, vì khu phố cổ chủ yếu là nhà nằm sát đường, không có ngõ dẫn như mấy nơi rộng rãi khác nên cũng bình thường.

Dân phố thị mua đồ ăn tối. Valhöll tới giờ vẫn chưa thể hồi phục: Trong cuộc Đại chiến, họ đã mất hơn hai mươi mốt triệu người trên tổng các mặt trận, thiệt hại nằm ở mức lớn chưa từng thấy. Đa số là đàn ông độ từ mười tám tới sáu mươi, vì họ có tuổi trung bình khá cao nên huy động được nhiều. Thành thử ra, bây giờ đường sá chủ yếu là các bà các chị đi mua, tay ôm mấy chiếc túi giấy đựng bánh mỳ dài, khoai tây, đồ hộp từ cửa hàng. Đàn ông ở nhà hoặc là không đủ khả năng phục vụ quân ngũ, hoặc chưa bị gọi, hay lính giải ngũ sớm vì thương tích, cũng hỗ trợ. Họ đi cùng phái nữ, ân cần giúp đỡ, mang vác hộ các túi thức ăn nóng nổi, mở cửa nhà,… Rất lịch lãm, thực sự, và nữ giới cũng vô cùng tinh tế, sẵn sàng nhận sự hỗ trợ nhưng vẫn giữ được nét thanh lịch, quý phái.

Đó là những gì họ thấy.

– Thế nào? Vừa miệng chứ?

– Cô nấu vẫn đỉnh thật nhỉ?

– Phư, tôi sẽ xem đó là lời khen.

Ngồi bên chiếc bàn ăn tròn trải khăn đỏ, tựa lưng vô ghế bọc da thuộc êm dịu, hai chỉ huy quân sự thuộc vào hàng “đặc biệt” nhất của Liên quân đang thư thả tận hưởng bữa tối, trong khi hướng tầm mắt xuống phố cổ bên dưới. Căn phòng lớn với đầy đủ những thứ trang trí đặc biệt nhất, không cầu kỳ xa hoa nhưng lại cực kỳ độc đáo, tạo thành từ hàng ngàn chiếc ống dẫn tạo hình đặc biệt và mạ màu đồng vàng lấp lánh khiến vẻ “sang trọng” tăng lên gấp bội. Trên trần, đèn huỳnh quang thắp sáng. Những bóng tuýp dài dài theo lối quân đội, được giữ đầu trong các ống dẫn kim loại nằm sát vào trần phòng tỏa sáng dìu dịu, dễ chịu, không chói mắt mà cũng chẳng mờ mịt.

Dùng dao cắt miếng thịt bít tết vẫn còn thấm đẫm sốt, Fritz lấy nĩa đưa phần ấy lên miệng ăn ngon lành. Lần ăn tối này có lẽ là cuối cùng với tư cách hai người đồng đội cùng đơn vị, vì sang năm người kia sẽ rời đi. Liên quân chính thức giải tán hồi tháng Tám, sau khi ký với Gaullia, cùng những chư hầu, bản Hòa ước Parisée, quy định rõ những khoản bồi thường và các lệnh trừng phạt họ phải chịu. Thực sự, anh không thích điều này. Những người một thời kề vai sát cánh, ở chung đội ngũ lại sắp phải chia tay. Mà, cũng không trách được. Họ chỉ sang đây hỗ trợ, chiến tranh kết thúc rồi thì chẳng còn lý do gì để ở lỳ lại nữa. Tất cả sẽ rời đi, quay về với gia đình, quê nhà họ. Chỉ còn anh ở lại.

Đi ăn tối nhưng Fritz hoàn toàn không chưng diện. Chàng thanh niên hai mươi sáu tuổi mặc nguyên bộ quân phục Lục quân màu xám tro với cầu vai một sao, bậc Thiếu tá từ tốn tận hưởng bữa ăn trong cái nơi không lấy gì làm lãng mạn. Mà cũng chẳng cần lãng mạn. Mái tóc vàng hoe như đồng lúa chín chải chuốt gọn gàng kiểu bảy – ba, áo lính cài dọc hàng cúc vàng kín từ cổ xuống đến chiếc thắt lưng da, cùng đôi bàn tay giấu kín sau bộ găng nâu đất, thứ đã đi cùng anh suốt bốn năm chiến tranh. Chiếc mũ sắt, với cái đinh to nhọn hoắt trên đỉnh, nằm ngay ngắn trên mặt bàn, đè lên tấm khăn lụa trải đơn giản, im lặng như vị tướng già trầm ngâm trước hòa bình.

Vừa ăn, Fritz không quên xúc lấy mấy muỗng khoai tây nghiền bơ, thưởng thức cùng thịt bít tết và phần xà lách trộn. Còn có xúc xích hun khói, phần bánh mỳ chừng một tấc và vài củ khoai hấp sẵn, để trên những chiếc “hộp” nhôm, kiểu dùng trên chiến trường, khi mang vác có thể để chồng nhiều tầng, như một cách nhắc nhở về quá khứ. Các món đều được bày biện đơn giản, gần như không trang trí gì, nhưng với anh, chúng dễ nuốt hơn hẳn mấy thứ xa hoa rườm rà trong cung điện. Vả lại, từ nơi này trông xuống cũng tuyệt đấy chứ?

Là một thành phố cảng truyền thống, thậm chí có hẳn sân bay quốc tế ở khu công nghiệp mặt Nam, Friedrichshaven là một nơi lý tưởng để tàu bay ghé vào trú ẩn trong những ngày thế này. Trên trời có phong lộ che chắn, mặt biển dù đóng băng nhưng vẫn đủ di chuyển, miễn là tàu phá băng hoạt động, và tàu bay thì chẳng ngại gì bão tuyết. Các chuyến bay thương mại vẫn diễn ra liên tục, từ phi trường cách chưa đầy bốn cây xuôi sang phía tay trái. Qua ô cửa kính pha lê thép hóa, Fritz thấy rất rõ hàng chục những điếu xì gà khổng lồ hết lên lại xuống, những tháp neo tàu vĩ đại vươn cao cả trăm thước giữa trời, cùng bộ cần cẩu, xe đầu kéo khổng lồ đưa tàu vào vị trí.

Dưới kia, nhà cửa bé xíu như đồ chơi, nằm ngay ngắn trong những ô đã kẻ thành hình bàn cờ, bao quanh bởi mấy con phố được quy hoạch đầy tỉ mỉ, chăm chút. Nhà nào nhà nấy sáng rỡ ánh đèn điện, dù không thấy dây nhợ chằng chịt đâu. Valhöll đã xây dựng thành công mạng lưới dây điện ngầm, đưa điện từ nhà máy tới mọi nhà mà vẫn không phá hoại mỹ quan đô thị. Thật tuyệt. Ống khói bốc từng làn xam xám, mờ ảo giữa cơn gió lạnh buốt, mang theo cả mùi hương của mấy món ăn – mà ngồi trong này Fritz không thể ngửi thấy – lên đến tận trời cao.

Đối diện anh, Giao Long đang chầm chậm thưởng thức phần ăn của mình.

Cảnh tượng ấy chắc hẳn cực kỳ hiếm thấy, kể cả tại đại lục Gaia, nơi khét tiếng với những loài quỷ hút máu đáng sợ từ truyền thuyết tới đời thực. “Thi Hoàng”, sự tồn tại đứng trên mọi chủng hút máu, lại đang nhâm nhi ly rượu vang nhẹ mang đến từ những vùng trồng nho ủ rượu nổi tiếng nhất quốc gia miền trung tâm này. Nước da xanh ngắt màu chết chóc, khí tử thi lạnh buốt giá phà từng hơi tựa sương giăng, cùng đôi mắt đọc sắc đen tuyền, với sáu vòng đỏ thẫm màu máu đồng tâm thu nhỏ dần vô trong giống như cái cửa hút của màn đêm vĩnh cửu, của Địa ngục âm ti, nơi đến cả ánh sáng cũng chẳng thoát được. Mái tóc dài mượt mà tựa bầu trời đêm trăng non xõa dài, rũ cả lên bộ quân phục màu xanh đen Hải quân, lòa xòa chạm cả sàn tàu.

Cũng như người đối diện, Giao Long vận quân phục đàng hoàng, chứ chẳng hề mặc mấy thứ váy áo rườm rà, kiểu cách của các vị “quý tộc” ăn trên ngồi trước. Chiếc áo lính đôi hàng khuy vàng ôm sát thân hình nóng như than hồng của người đáng ra lạnh lẽo tựa băng giá, tôn lên mọi đường cong thầm kín, đồi núi vĩ đại cùng chiếc eo thon như đồng hồ cát mà không hề lộ liễu, phản cảm. Chiếc quần dài ống rộng, thậm chí không thèm mặc sát chân, thừa sức ngầm thể hiện đôi chân dài miên man, duyên dáng, với dáng ngồi thẳng, chân để chạm sàn như những vị vua đích thực. Chẳng phải cắt xén chút vải nào, thậm chí mặc kín như bưng – bên trong áo lính là một chiếc sơ mi đen nữa – cô vẫn dư sức khiến những hoa hậu nóng bỏng nhất phải toát mồ hôi hột trước thân hình quá sức cân xứng, hoàn mỹ.

Trên lưng “Thi Hoàng”, chiếc áo bành tô da khoác hờ gần như chìm hẳn sau suối tóc, chỉ trừ phần cổ áo quá lớn chĩa sang đôi bên. Kiểu áo tiêu chuẩn của Không lực Hải quân Đế quốc Liên hiệp, lực lượng Giao Long thuộc về, dù cô thực ra thuộc nhóm hải quân đánh bộ hơn là lính tàu bay truyền thống. Chiếc nón kêpi Hải quân với quai đeo bọc da che phần tai để trên bàn, rất ngay ngắn, thậm chí cho cả quai vào trong để không làm choáng không gian. Cô không dùng khăn ăn, người Đế quốc không có thói quen ấy, nên nơi cổ áo đáng lẽ bị che đi, thấy rõ được chiếc huy chương cao quý nhất của Đế quốc Valhöll, “Huy chương Tấm khiên bạc với Lá sồi, Thanh gươm và Vương miện”, thứ chỉ dành cho những quân nhân có đóng góp đặc biệt nổi trội trong chiến tranh, và thậm chí người trong hoàng gia cũng khó mà có vinh dự được đeo.

Đưa thìa khoai nghiền vào miệng, Giao Long vừa nhai vừa nghĩ ngợi. Cô không cần ăn, nhưng mới thành thế này chỉ độ bốn năm, cơ thể vẫn chưa bỏ được mấy thói quen lúc còn sống. Vả lại, mời khách tới mà lại để người ta ăn một mình, thực sự kỳ cục và bất lịch sự lắm. Nên cô vẫn ăn, khẩu phần nấu theo đúng kiểu quân đội dành cho các sĩ quan chỉ huy cấp Tiểu đoàn, dù hai người không thực sự ngang cấp nhau.

Vừa ban trưa thôi, có quyết định nâng Fritz lên đến Thượng tá, thăng hàm vượt bậc dựa theo các chiến công của anh ta. Chủ yếu là chỉ huy tiểu đoàn pháo binh bắn phá trọng điểm địch vào những lúc cam go nhất. Chính đơn vị của anh đã dội những phát pháo đầu tiên xuống đội hình Gaullia, cũng như bắn yểm trợ trong các chiến dịch đột phá thế bế tắc. Và quan trọng nhất, anh là một trong những chỉ huy cốt lõi của cuộc đại phản công Argönne, nơi giải cứu cô nàng xanh ngắt kia và đánh dấu bước chuyển biến lớn trong cuộc chiến, tạo đà cho chi viện từ U Minh sang đánh phá chiến hào bên kia và thọc một đường thẳng tới hệ thống phòng ngự d’Arc của đối phương.

Còn Giao Long, cô đã tham chiến từ những ngày đầu, đơn vị từ một ngàn giảm xuống chỉ còn chưa đầy hai trăm chiến sĩ sống sót quay về. Mọi trận chiến ở phía Bắc tuyến Siegfried, chiến tuyến chính giữa Gaullia và Liên quân, luôn có mặt tiểu đoàn của cô, dù họ ngày một tả tơi. Cô tham chiến tại vùng trũng Sonne, “cối xay thịt” giết hai triệu lính chỉ trong một ngày, hay “cơn ác mộng” Ybrish, nơi hai bên lần đầu tiên sử dụng khí clo trên diện cực rộng để tiêu diệt lẫn nhau. “Thi Hoàng” vẫn khó chịu với thứ khí độc đó như thường, nhưng cô, với cương vị tham mưu trưởng tiểu đoàn, vẫn giúp họ vượt qua. Cuối cùng, nơi kinh khủng nhất, Argönne, sáu trăm người tiến vào và chỉ một trăm tám mươi chín binh sĩ còn sống đi ra, số lành lặn chưa nổi một phần sáu. Mất cả chỉ huy, cô là quyền tư lệnh, đã cố thủ các điểm cao suốt bảy ngày đêm liền, sống giữa bùn lầy, chuột dòi và xác chết, để cố thủ trọng điểm chiến lược, mở đà cho cuộc tổng phản công.

Đồng thời, chiến thắng quyết định tại thủ đô Parisée và “tội ác” hỏa thiêu kinh đô ánh sáng cùng gần sáu triệu rưỡi dân lẫn người tỵ nạn, chính là do Giao Long chịu trách nhiệm. Trên con tàu này, chiến hạm riêng chỉ của mình cô, “Thi Hoàng” phát mật lệnh yêu cầu toàn bộ hạm đội bay hơn hai trăm tàu tạo thành đội hình cánh cung bao vây, nhả đạn cháy và clo liên tiếp vào thành phố san sát những nhà là nhà. Cùng với pháo binh vòng ngoài liên tục câu đạn vào, chẳng mấy chốc thủ đô phồn hoa thuở nào cháy hừng hực tựa bếp than. Hủy diệt mọi thứ, cả tháp cao ba trăm thước từng được coi là biểu tượng của thành phố, cả nhà thờ chính tòa gần ngàn năm tuổi bằng gỗ quý, những bảo tàng nghệ thuật, cung điện lâu đời,… Tất thảy hóa thành tro tàn dưới sức nóng của ngọn lửa hủy diệt.

Là chiến công hay tội ác? Ngay cả nội bộ Liên quân cũng tranh cãi rất nhiều. Giao Long từng suýt ra tòa án chiến tranh vì cách đánh đặc biệt tàn nhẫn, không quan tâm tới các di sản văn hóa, và luôn sẵn sàng dùng bom cháy với vũ khí hóa học. Nhưng cô thoát, vì các chỉ huy cấp cao làm căng. Suy cho cùng, vẫn được thăng hàm, từ Thượng úy lên Thiếu tá, tức ngang với Fritz chín tiếng đồng hồ trước. Quyết định cũng chỉ mới đến cùng một lúc với anh bạn tóc vàng hoe, lại thêm hôm nay là ngày nghỉ nên họ đều chưa kịp nhận cầu vai mới.

Bữa ăn tối nay vừa có thể xem là ăn mừng thăng hàm, lại cũng vừa xem như chia tay.

Fritz sắp kế vị cha. Còn Giao Long chuẩn bị rời đi, sang Albion học nghệ thuật dùng quân.

Nâng ly rượu mừng lên, kề vào bờ môi tím tái nhưng hẵng còn căng mọng, Giao Long hớp một hơi rồi nói:

– Anh sắp làm vua rồi nhỉ? Chừng đó đừng có bày đặt nhong nhong ngoài đường nữa nhé? Còn phải học cách ứng xử nữa!

– Dào, khéo lo!

Xua xua tay, Fritz mỉm cười, không quên ăn thêm một mẩu bít tết cùng xà lách và lát cà chua sống. Nuốt xong đồ ăn trong miệng, anh bảo:

– Vua với chả chúa, trước sau gì cũng vậy! Khi cô là vua một nước lập hiến, quyền lực hầu như không có, vậy thì sao phải quan tâm mấy chuyện đó chứ? Quốc gia đại sự đã có bố già Bismarck lo rồi, Không quân có thầy Strasser, còn trên đất đã có lão tướng Hindenburg! Nói xem, tôi phải lo gì chứ?

– Anh vô tư thật nhỉ? Mà thôi kệ, chuyện nhà anh mà! Ha ha, đôi khi tôi thấy mình đúng sướng khi không sinh ra làm con vua! Muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm, khỏe!

– Cà khịa cực mạnh đấy à?

– Có lẽ?

Mỉm cười, Giao Long nhìn thằng bạn thân vào sinh ra tử với mình bốn năm nay. Mặt mũi sáng láng, dễ coi, gia thế thuộc hàng khủng nhất cái tinh cầu này, vậy mà hành xử nhiều khi như con nít. Không, chính xác thì Fritz là đứa bé con kẹt trong thân xác anh thanh niên, chỉ khi liên quan tới quân sự mới thực sự “người nhớn”. Một thằng ngố, nếu phải nói thì cô sẽ goi thế. Là Thái tử hay cái gì đi nữa, ngố vẫn hoàn ngố. Chẳng biết sau này có làm nên cơm cháo gì không?

Bên kia, Fritz cũng nhướng chân mày. Chống cằm, anh nhìn Giao Long không chớp mắt. Con mụ quái đản, trong mắt anh chàng, cô luôn là thế. Nhỏ hơn mình ba tuổi nhưng luôn hành xử rất trưởng thành, tới bầu không khí xung quanh cũng khác hẳn. Nhưng đặc biệt, cô ta là dạng có thể vừa tủm tỉm cười như đứa trẻ, rất dễ thương, vừa đâm lưỡi lê vô bụng tù binh. Loại lê trông như kiếm ngắn ấy, rồi xoay ngang nó, măc cho nạn nhân có kêu gào thế nào đi chăng nữa, Giao Long sẽ chỉ mỉm cười.

“Ngố tàu…”

“Bạo chúa…”

Họ nghĩ về nhau thế đấy!

Bữa tối tiếp tục, trong khi ngoài kia, tuyết rơi nặng dần. Dù phong lộ trên cao che cho, nó vẫn không thể ngăn được cơn bão đổ bộ vào vùng vịnh, theo dự đoán là sẽ còn mạnh dần. Gió rít từng hồi buốt giá, ngồi trong khoang tàu mà họ vẫn có thể cảm nhận được nó. Ống dẫn hơi nước rung lên bần bật, bần bật từng hồi, kim đồng hồ bắt đầu nhảy điên đảo. Ngay lập tức, hàng chục những thủy thủ mặc áo kỹ sư màu xám lao lên, vặn những chiếc van bọc nhựa, điều chỉnh lại áp suất bên trong. Họ kiểm soát tình hình rất nhanh, bộ đòn bẩy to nằm tận trên trần nhanh chóng được gạt về đúng vị trí, cũng như những khu vực khác đều bật đèn xanh “an toàn”.

Nhìn những thủy thủ da xanh tái, mắt đỏ au màu máu ấy, Fritz không bất ngờ. Họ là các “thi quỷ”, chủng loài thấp hơn so với “Thi Hoàng” Giao Long, nhưng vẫn trên cơ đại đa số ma cà rồng hiện giờ. Anh đã chứng kiến khả năng chiến đấu của chủng tộc này tại Argönne, khi họ nhanh chóng đảo chiều cuộc chiến chỉ trong chưa đầy hai tuần lễ, phá vỡ thế bế tắc kéo dài gần hai năm rưỡi. Đội quân đặc biệt đó thuộc về một người rất quan trọng với Giao Long, nên anh cũng không hỏi thêm. Tuy nhiên, có một chuyện không thể làm ngơ.

Ăn gần hết phần khoai nghiền, Fritz uống một ngụm rượu vang nhẹ rồi hỏi:

– Cô bố trí mấy cái máy móc đó trong phòng ăn thế này có ổn không?

– Sao tôi biết?

Nhún vai, Giao Long trả lời tỉnh bơ.

– Mọi thứ đều là do Hồng Ma chuẩn bị! Hồi tôi qua đây, cái tàu này còn chưa gắn máy móc điều khiển nữa. Vậy mà cậu ta làm xong nó chỉ trong hai năm, chạy thử ba tháng và bay thẳng qua bên này!

– Ra là bà già đó à? – Fritz bĩu môi thấy rõ.

– Sao thế? Bất mãn gì à?

– Cô ta cứ như đấng toàn năng ấy, cái gì cũng làm được!

– Hồng Ma mà, kệ đi.

– Lại lấp liếm rồi.

Cười khẩy, Fritz chợt nói:

– Nhưng cô cũng gắt lắm đấy, dùng tên cô ta đặt cho cái tàu này. Người ngoài nhìn thì tưởng Hồng Ma nhập vô, thiệt ra chỉ là lấy tên, đúng chứ?

– Anh nhận ra rồi à?

Nhoẻn miệng đầy nữ tính, Giao Long đáp bằng câu hỏi bỏ lửng. Đoạn, cô lại dùng dao nĩa cắt thêm phần bò bít tết, ăn cùng ổ bánh mỳ và khoai nghiền. Xà lách trong khẩu phần đã sắp hết, nhưng khoai còn khá nhiều. Trái lại, Fritz đã ăn sắp xong khoai, bánh và thịt, còn rau thì chừa lại. Xúc xích hun khói anh cũng đã ăn gần hết, còn cô nàng vẫn chỉ mới lỡ dở phân nửa. Dân Viễn Đông ăn nhiều cơm và rau, khác với người phương Tây ưa thịt, chất béo và các loại sản phẩm từ lúa mỳ. Khoai tây là ngoại lệ, hai bên đều có, nhưng “khoai” phương Đông lại hay bị gọi là “khoai tây ngọt”. Họ ăn rất mạnh những món quen thuộc, nhưng lại khá dè dặt trước phần ăn không hợp mình.

Tuy nhiên, trên chiến trường không có chỗ cho sự phân biệt, thiên vị hay quan tâm tới khẩu vị người lính. Tất cả đều ăn phần giống nhau, cùng mấy mẩu lương khô. Nếu hết mà vẫn muốn ăn thêm, họ phải tự “xử” bằng mọi thứ mình có. Chưa kể, môi trường ăn cũng không đảm bảo. Bùn lầy, dòi bọ, chuột rắn và đủ thứ tởm lợm khác luôn chầu chực xung quanh, cùng xác chết mấy người khác chưa kịp chôn, nằm lẫn trong mớ sình ngập ít nhất cũng tới đầu gối.

Chiến tranh hầm hào là thế. Chui rúc dưới hào như bầy chuột, sống cùng chuột, chết như chuột. Sốt, kiết lỵ, tiêu chảy diễn ra như cơm bữa. Đôi ba hôm lại có tên phải chuyển về vì bệnh nặng, nhiễm trùng vết thương, rắn cắn và ti tỉ thứ lý do khác. Mùi thuốc súng nồng nặc ám vô đất, cùng với “hương” bùn, mùi xác chết hòa với nhau xộc vô cánh mũi, đi thẳng một đường như địch đột tiến lên tới khối óc làm khối kẻ ói ra mật xanh mật vàng, liên tục gọi tên chị Huệ. Và phải ăn ở cái nơi như vậy, ngay cả Giao Long cũng thấy lợm họng, khó lắm mới không khiến đồ ăn trào ngược lên.

Nhìn ra ngoài, Fritz vừa ngậm một họng đầy khoai, vừa hỏi:

– Giao nè, theo cô thì chúng ta trụ được bao lâu nữa?

– Cùng lắm là hai, ba trăm năm.

Điềm nhiên xé bánh mỳ ăn cùng khoai, Giao Long đáp.

Ngoài kia, tuyết vẫn mạnh.

Từng luồng gió kinh khủng gào rú qua mái nhà, thậm chí thổi xích cả lớp tuyết phủ dày trên đó. Tuyết rơi nặng hạt, càng lúc càng nhiều, không còn là khung cảnh thơ mộng nữa mà đã hoàn toàn thành trận bão đáng sợ. Khắp nơi, sắc trắng pha lẫn xám tro bao kín, nhìn xa không thấy được khu công nghiệp dù bình thường chỗ ấy rất lớn và trông rõ vô cùng. Đường sá giờ này vắng tanh, người dân hết thảy đều nhanh chóng về nhà trú bão. Đôi lúc, Fritz cảm thấy mấy cái mái ngói hàng trăm năm tuổi kia có thể bị hất tung bất cứ khi nào, nhất là khi gió mạnh tới mức làm chính con tàu cũng phải rung chuyển.

Thời tiết Thủy Tinh đang khắc nghiệt dần.

Từ cuối thế kỷ trước, các nhà khí tượng đã dự báo hành tinh này đang tiến vào một kỷ Băng hà mới, có thể kéo dài đến vài ngàn năm sau. Từ trường đang yếu, theo cùng chu kỳ Mặt trời “giảm nhiệt”, điều thường diễn ra khoảng mười ngàn năm một lần và kéo dài hai, ba thiên niên kỷ gì đó. Lần gần nhất bắt đầu vào tầm mười hai ngàn năm trước, kéo dài hai chục cái thế kỷ và khiến mặt biển giảm đi tầm một trăm thước nước. Với tốc độ như hiện tại, họ dự tính khoảng cuối thế kỷ hai mươi hai, hành tinh này sẽ giảm nhiệt độ trung bình xuống chỉ còn… ba độ bách phân, so với mức khoảng mười ba độ so với hiện tại.

Mức chênh lệch như vậy là quá lớn, kể cả các quốc gia vùng nhiệt đới như Đế quốc Liên hiệp cũng không thể tránh khỏi. Băng hà sẽ khiến ánh Mặt trời tới thế giới này ít đi nhiều, ảnh hưởng rất tiêu cực tới hoạt động nông nghiệp. các khu ruộng không đủ ánh sáng và nhiệt độ giữ ấm sẽ chết dần, nhất là với những nơi trồng lúa nước như Đế quốc. Cỏ sẽ khó sống hơn, kéo theo đó là sự thiếu hụt đồ ăn cho đám gia súc. Như vậy thì càng làm trầm trọng thêm khủng hoảng lương thực, có thể sẽ gây ra những xung đột kinh khủng trong tương lai.

Đối với hai người họ mà nói, chuyện này không vui vẻ gì.

Valhöll tuy là cường quốc công nghiệp, nhưng sản lượng nông nghiệp chính quốc thực tế lại không đủ để nuôi toàn bộ người dân. Hằng năm, họ phải nhập siêu nông sản từ Đế quốc láng giềng Novgoroussiya để có đủ thực phẩm. Mà vựa lúa chính của xứ ấy, các vùng Donograd và đồng bằng Kieva, lại nằm ở vùng ôn đới dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết thay đổi thất thường. Vụ mùa thất thu thì không chỉ ảnh hưởng một nước, mà còn nhiều nơi khác. Người dân xứ này, tuy mang tiếng ôn đới, lại chịu lạnh kém hơn so với các sắc dân của Liên minh Aesir hay anh hàng xóm to xác phía Đông, vì thế sức đề kháng cũng kém hơn. Một trận Băng hà “nho nhỏ” nửa ngàn năm trước đã quét sạch ba phần tư dân số khu vực này, và bây giờ chắc cũng thê thảm chẳng kém.

Trong khi đó, Đế quốc Liên hiệp lại là vựa lúa lớn nhất thế giới, với sản lượng hàng triệu tấn mỗi năm chỉ tính riêng vùng U Minh. Nền tảng của họ là nền văn minh lúa nước đã xuất hiện ở Hồng Bàng và miền Nam Đảo từ hơn bốn ngàn năm trước, đời sống dù có công nghiệp hóa, hiện đại hóa tới đâu cũng không thể dứt được khỏi cây lúa. Trời trở lạnh sẽ khiến nước lạnh theo, và lúa chết cóng. Chưa kể, bản thân Đế quốc đã phải gánh chịu rất nhiều trận rét đậm, rét hại, tới nỗi yêu quái còn chết. Viêm phổi, suy hô hấp, giảm thân nhiệt,… rất nhiều thứ bệnh liên quan tới trời lạnh. Nhiệt dộ giảm đặc biệt bất lợi cho dân xứ nóng, do họ không chịu lạnh giỏi, nếu không phải kém, và điều đó sẽ khiến Đế quốc suy yếu rất nhiều.

Suy cho cùng, trong lịch sử không thiếu những nền văn minh phát triển vô cùng rực rỡ, để rồi cuối cùng bị “tự nhiên” hất cẳng khỏi vũ đài lịch sử bởi cái lý do lãng nhách nhưng cực kỳ nguy hiểm: Biến đổi khí hậu.

Nhưng…

– Sao chúng ta lại phải lo nghĩ mấy cái đó lúc này chứ!

Rót thêm rượu, Giao Long hào hứng nói:

– Bữa nay ăn mừng hai đứa mình lên lon mà phải không? Sao cứ phải lôi mấy chuyện vĩ thị mô đó vô nói chứ? Nào, uống tiếp!

– Ha ha, cô phán chuẩn! Uống!

Rót rượu vào ly, Fritz đưa lên, cụng mạnh với Giao Long. Thứ chất lỏng sóng sánh, nhè nhẹ vị đắng che đi chất ngọt lịm ấy nhanh chóng trôi thẳng vào cuống họng. Thứ còn lại trên lưỡi chỉ là dư vị, vị ngọt của nho và chất đăng đắng của hơi men.

Ngà ngà say, Fritz ăn nốt phần thức ăn cuối cùng. Quân đội không cho phép bỏ mứa thực phẩm, nhiều khi đói lả mà không có gì ăn, khát cào cuống họng nhưng chẳng có nổi giọt nước mới thấy quý đồ ăn thức uống thế nào. Anh vét tới mẩu cuối cùng, đến khi không còn gì mới dừng lại. Giao Long cũng thế, cô ăn hết, không thừa lại gì. Lớn lên trong môi trường quân phiệt cũng có cái lợi, nó hun đúc cho những người ấy thói quen và kỷ luật quân ngũ, cùng những đức tính tốt mà ai cũng cần. Sự tiết kiệm, giản dị, đã làm thì phải tới cùng, nhưng cũng biết tùy tình huống mà phán đoán, quyết định.

Khi giọt rượu cuối cùng biến vào trong miệng, bữa ăn cuối cùng cũng kết thúc. Ngồi trên ghế, Fritz huống ánh mắt về phía xa, như thể nhìn vào không gian chứ chẳng phải chỗ cụ thể nào. Lau miệng, anh nói:

– Có lẽ sang năm tôi sẽ làm quen với “cô ta” thôi.

– Cuối cùng cũng chịu à?

Giao Long mỉm cười.

– Cái thái độ gì đó? Giỡn mặt cấp trên à?

– Giỡn gì đâu, chỉ là không bất ngờ thôi!

– Không bất ngờ?

– Tất nhiên?

Trước câu hỏi có phần ngỡ ngàng của Fritz, Giao Long nói, chuyện anh ta “trồng cây si” một cô bên tổ kỹ thuật, cả sư đoàn đều biết, duy mỗi khổ chủ không hay tí gì! Người Fritz “thầm thương trộm nhớ” bấy lâu nay, Hildegard Exeldo Krashvera, thành viên chủng tộc Nibelg, là một cô gái hiền lành, thân thiện và khá thoải mái. Họ quen nhau thế nào thì có vô số “giai thoại”, như gặp nhau khi nghỉ phép, thấy trong bếp ăn tập thể, chung chiến dịch, khi Hildegard lạc đơn vị hay “ngôn tình” hơn là lúc anh cứu cô ấy khỏi một đám lính định giở trò bất chính, cái gì cũng có. Duy chỉ có sự thật là nhóm bạn của Giao Long nắm được, và nó thực sự còn hơn cả cổ tích nữa.

Nghêu ngao bằng cái giọng eo éo như thái giám, Giao Long bắt đầu kể, tay làm bộ như đánh đàn, hát cải lương:

– Một ngày mưa phùn cuối năm ngàn chín trăm, chàng Thượng úy Friedrich đang chỉ huy khẩu đội vượt địa hình thì thấy một nữ quân nhân ngã dúi bên đường, người đầm đìa máu…

– Dừng! Ở đây chúng tôi không làm thế!

Giơ tay lên trước, Fritz nói rõ to, điệu bộ giống hệt một vị vua. Mặt anh đỏ ửng như ngói mới, dù chẳng biết do rượu hay “xí hổ” nữa!

– Ôi chà, mới đó xoắn rồi?

Chống cằm, Giao Long hạ thấp mình, châm chọc:

– Anh thế này thì sợ Hilda phải là người chủ động mất!

– Im đê Giao, cô xỉn rồi!

Mặt đỏ hơn trái ớt chín, Fritz gắt, tiếng nói lè nhè đúng kiểu say rượu. Không còn rõ từng tiếng nữa, nó lèm bèm, lèm bèm, còn gương mặt thì bầm đi. Rõ ràng là rượu rồi. Máu dồn lên làm mặt đỏ ửng, nóng bừng bừng, mồ hôi túa ra dù chỉ uống loại yếu xìu, thậm chí chưa thể làm xỉn được. Nhưng Fritz vốn uống rất yếu, chỉ vài hớp là anh quắc cần câu ngay. Biết thế nhưng vẫn ực, vì thể diện, để cho bằng bạn bằng bè, và… lỡ có gì đáng hổ thẹn quá thì cứ đổ cho rượu!

“Người sắp lên ngôi mà thế đó, cái xứ này tiêu rồi, e he he he!”

Cười thầm trong bụng, Giao Long đứng dậy, tới dìu Fritz nằm nghỉ trên chiếc xa lông dài đằng góc phòng. Thực sự, cô không có tình cảm yêu đương gì với anh chàng này, dù nhiều đồng đội cũng hay cố tình gán ghép họ với nhau. Giao Long thường hành xử như người chị, người mẹ, còn Fritz giống cậu trai tuổi nổi loạn hơn chàng thanh niên chững chạc, nên hồi chiến tranh đám chung đơn vị cứ chọc mãi. Cô không quan tâm. Đối với “Thi Hoàng”, anh Thượng tá này chỉ đơn giản là một người bạn. Một người bạn quý báu, đáng giá hơn cả vạn đứa đàn em bè lũ bên dưới. một người hiếm hoi mà cô có thể rủ đi nhậu chung, cùng ngồi trước quầy bar, gọi hai cốc bia yến mạch cỡ bự rồi tu ừng ực, đồng thời có bao nhiêu cái buồn bực, uất ức hay “sầu tình” gì cứ trút ra hết.

Fritz cũng vậy. Tuy rất thân, nhưng giữa họ luôn tồn tại một khoảng cách nhất định. Mối quan hệ này hay bị gọi vui là “trên tình bạn, dưới tình yêu”, nhưng chủ yếu là do hai bên đều tự giữ mình. Giao Long không muốn tiến xa hơn, Fritz thì thích Hildegard chứ không có tình cảm lãng mạn gì với cô nàng cao gần gấp rưỡi mình. Trong mắt anh, mấy năm nay đã vậy, cô là người bạn, người đồng chí đáng tin cậy, là nguồn viện trợ cực lớn chỉ cần nhấc radio lên và gọi, Giao Long sẽ cho tàu bay tới cứu… dù rõ ràng cô không có cái thẩm quyền đó. Hai người coi nhau là bạn tốt, tốt đến thân, nhưng tiến xa hơn thì không. Fritz, say bí tỉ – cả rượu và tình – vẫn biết chút chút. Rằng trong lòng cô ta, người bạn lớn da xanh tái này, sớm đã có kẻ chiếm chỗ. Một người mà anh mãi mãi không thể nào sánh bằng.

Trên hết, hai người đó giữ khoảng cách vì vấn đề chính trị.

Thân phận của nhau, họ đều biết rõ.

“Tiểu thư” Phạm Huyền Giao – tên khi còn sống của Giao Long – cháu gái Tổng lãnh, Tuyển đế hầu, Thân vương U Minh thuộc Đế quốc Liên hiệp.

Và…

Thái tử Friedrich Karl Albert Otto Wilheim von Hohenzollern, Bá tước Baden, Đại Công tước Preußen và là người thừa kế ngai vị Hoàng đế Valhöll.

Tình bạn giữa hai người vốn đã cách biệt, cả về địa lý và xã hội.

Bữa tối đó, và những điều họ nói chuyện, có lẽ đã bị trận tuyết ấy chôn vùi.

Người dân Friedrichsahen hoàn toàn không biết gì về điều này. Họ ở trong nhà, bên chiếc lò sưởi ấm áp, cuộn mình trong chăn bông hay mấy chiếc áo măng tô lông dày cộm. Là thành phố cảng, dân chúng không lấy làm ngạc nhiên nếu có tàu bay xuất hiện. Nhưng hôm nay đặc biệt hơn. Một số người đã để ý, họ thấy trên lưng chừng trời, cách mặt đất vài trăm thước là một zeppelin khổng lồ đang buông neo, ngay trên thành phố!

Một con quái vật thật sự, có nằm mơ dân chúng cũng không nghĩ mình có thể thấy thứ như vậy giữa lòng đô thị. Nhiều người há hốc mồm kinh ngạc, không tin nổi vào kích thước, trong khi số khác dạn dĩ hơn bèn lấy máy ảnh ra chụp lại. Vui nhất phải là lũ trẻ, chúng nó liên tục cười nói, chỉ trỏ vào con tàu quá khổ kia. Người lớn thì không thế, họ điềm tĩnh hơn, nhất là khi đã trông rõ mồn một hàng chục tháp pháo đôi dưới đáy, bao quanh gondola – nơi hai vị kia ngồi ăn – và tháp pháo chính hai nòng, to hơn cả những pháo đài thủ cảng lớn nhất họ từng biết. Cặp trục quạt dài, mỗi cái giữ sáu đôi quạt đồng trục bốn cánh quay ngược hướng nhau, nằm im lìm trong cơn bão trắng xóa. Với thứ ấy, như thể không có bão, không có giá rét, mọi thứ vẫn bình lặng đến lạ thường.

Tàu sơn đen hết, nhưng người tinh mắt có thể nhìn thấy lá cờ bay phấp phới bên trên, kiêu hãnh giữa trận bão, với thập giá vàng nằm ngang, bốn góc là các màu đen, xanh lam, xám và huyết dụ, cùng một vòng tròn đỏ ở trung tâm chữ thập. Đồng thời, nếu nhìn thật kỹ, thậm chí có thể trông được hình bóng một người tóc đỏ, trên đầu có cặp sừng lớn, mặc áo choàng đứng ở nửa thân trên. Dù sao, chỉ những nhà nằm rất xa, tầm nhìn rộng mới trông được góc đó, và thị lực cũng phải vào cỡ diều hâu thì may ra nhìn được.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.