Chương trước
Chương sau
Tám giờ sáng, ngày nghỉ thứ hai từ khi Hồng Ma hạ cánh.



Đêm qua, quá nhiều chuyện đã xảy ra, tới nỗi giờ Viêm vẫn còn đang rối trí, không biết nên hành xử thế nào. Mặc bộ đồ bà ba nâu sần, chân đi đôi xăng đan được Hồng Ma đem cho, nhỏ dắt Thiên đi chung với mẹ con nhà kia. Tuy ngủ lại trong phòng Mộc Ma trên tàu, sáng nay mẹ nhỏ bạn đã tới hốt cả hai đứa qua nơi khác. Giờ nhỏ mới biết Hồng Ma cũng dùng được ma pháp không gian, nhưng cô ấy nói, đó chỉ là chút đỉnh “xài ké” của Giao Long, và sự thực thì không gian pháp cô làm chủ được chỉ ở mức cơ bản của cơ bản.



Hôm nay, sau khi ăn sáng, Hồng Ma đã dẫn chúng nó tới bãi tập bắn hôm qua. Hoàn toàn trống trải, theo lịch treo trên tường thì hiện tại không có lớp nào thực tập cả. Như vậy, việc tháo lắp và tập bắn súng tại đây sẽ dễ hơn. Tuy bữa trước Viêm đã vào đây, nhưng bắt gặp ánh mắt dị nghị lẫn lo ngại của những quân nhân đang làm việc, cảm giác cũng kỳ lạ lắm. Không biết phải diễn tả ra sao, nhưng rõ ràng họ đang nhìn nó. Vì mình là thường dân? Hay trẻ con? Nhỏ không biết, cho tới khi nhận ra Thiên đang cố bám vào chân. Thằng bé lại định đu lên, như lần nọ. “Rồi, hiểu rồi…”, con bé tự nhủ. Không phải vì mình, mà vì cục nợ đáng yêu đang đu theo nên mới bị nhìn.



Ngồi chờ ngoài sân bắn, tự nhiên Viêm thấy nơi này trống trải quá! Cả quãng đất rộng ngàn mấy trăm thước, trải dài cũng phải cả mấy cây chỉ toàn đất cát, không có nổi ngọn cỏ nào mọc lên. Chỗ chúng nó đang ngồi là bảy bao cát lớn, bọc bằng vải bố, mà Mộc Ma nói là dùng để tỳ người khi nằm bắn. Chúng hoàn toàn chẳng sạch chút nào, đất bụi dính lung tung, nhưng đó là để tập luyện cho môi trường thực chiến về sau. “Chiến trường không bao giờ sạch”, nhỏ chột bảo thế. Không biết nó có ra trận lần nào chưa, hay cũng chỉ là thao trường với sách vở, như hôm qua bị Hồng Ma vặn tới khóc. À mà phải rồi, đêm qua có chuyện gì mà đang ngủ, nhỏ lại cảm thấy có chuyện gì đó xảy ra?



– Đừng nghĩ nhiều! – Mộc Ma chống cằm, trề dài môi – Hồi tối có, ừm, “vài chuyện” đã xảy ra, mà cậu cũng đừng nên biết tới! Bí mật quân sự mà!

– Vậy cậu đã khai ra bao nhiêu cái “bí mật quân sự” rồi?



Làm mặt giả vờ nghiêm túc, Viêm nhìn sang con bạn mình. Quen nhau chưa bao lâu, nhưng khi ở nhà, nhỏ cũng từng gặp đám mồm mép tía lia như con chột. Dù chúng nó luôn hứa này hứa nọ, thề ngón út luôn là giữ bí mật, nhưng chỉ cần “khéo” một chút là đám đầu gấu và người lớn trong xóm khui được hết. Con nít với nhau thì tụi nó hối lộ bằng gói kẹo, lon nước ngọt hay đứa nào chịu chơi thì dắt đi ăn luôn, còn các bậc phụ huynh “vĩ đại” thì… Viêm không muốn nhớ tới, có gì khác ngoài chổi lông gà thần thánh và những câu chửi thề đã nhập vào đầu chúng nó từ khi tiểu học?



Trong lúc chờ Hồng Ma đi lấy súng – cô ta còn phải làm việc với bên quản kho và ký cả núi giấy tờ xác nhận – tụi nhỏ ngồi chơi trên mấy chiếc bao cát. Sáng nay trời đẹp, trong veo như mặt hồ mấy ngày thu, cái thuở mà Viêm còn cùng cha mẹ ra công viên Lê Thị Riêng chơi, vào khu Thỏ Trắng hay chỉ đơn giản là đi vòng quanh bờ hồ, nhìn người ta câu cá. Khi đó, trời xanh lắm, đẹp lắm. Mây trắng bay ngang, ngước lên là hàng cây si đại thụ vươn tán xanh rợp, phủ bóng trên con đường dài đi ngang qua phía nhà sách Nhân Văn, nhà hàng và hồ bơi mé gần đường Bắc Hải. Lúc đó là đầu thu, khi Viêm chuẩn bị vào lớp Bốn. Nhỏ nhớ, công viên chỉ cách nhà vài phút chạy xe máy, từ trong hẻm ra Tô Hiến Thành, lên Hồ Bá Kiện rồi vào cổng bên đường Trường Sơn. Năm đó cũng là lần cuối nó đi cùng gia đình, trước khi mẹ bỗng biến mất, và cả nhà ngoại cũng im bặt luôn.



Chuyện dù gì cũng qua rồi.



Không thể cứ chìm trong quá khứ, mẹ nó từng nói thế. Ngẩng mặt lên, Viêm lại nhìn trời. Dù ở ngay dưới phong lộ, cùng các “Máy chém của Trời”, thứ gió nghe bảo có thể chém nát cả chiến hạm, thì bầu trời vẫn thật đẹp quá. Hôm qua xem lịch, con bé thấy giờ mới là tháng Ba dương bên đây. Ở nhà đã là nửa cuối tháng Tư rồi, chưa kể thời gian có phần cách biệt nhau. Lúc nhỏ lập đàn cầu khấn, dù không phải rằm nhưng trăng vẫn tương đối tròn, cỡ mười tám lịch âm. Bên này, lại mới gần hết quý một, thời gian khác nhau quá.



Nhưng… Có thực sự quan trọng tới vậy không? Viêm không biết nữa. Càng ngày càng nhiều thắc mắc, mà lời giải thì hiếm như trò ngoan giữa đám trẻ trâu. Mọi điều nó biết cho tới giờ vẫn chỉ là những mảnh tin vụn vặt, hay mấy chuyện phổ thông ai cũng rõ, hoàn toàn không có gì thuộc bí mật, dù có thể dụ cho Mộc Ma nói hớ. Hừm, có lẽ phải nghiêm túc xem xét chuyện khai thác cái mỏ vàng bên cạnh. Nên không nhỉ?



Cứ mỗi giây trôi qua, đầu Viêm lại thêm hàng tá câu hỏi. Tại sao lại là nó? Tại sao không phải ai khác, mà chính nó, hôm đó, đã nhặt được cuốn light novel có kết giới bảo vệ của Giao Long? Tại sao, nếu Trái đất có rất nhiều người sở hữu linh lực, thì chỉ mỗi mình nó thấy? Tại sao cô ta chọn mình mà không phải bất cứ ai? Những điều Giao Long nói lúc đó có thật không, rằng nếu không sang nhanh, nó sẽ phải chết một cách thê thảm. Chà, bị một bà chạy Lead trùm kín như ninja tông trúng, xong rồi lạc trôi vô gầm taxi và chết thẳng cẳng, báo hại không biết bao nhiêu người, có đúng là sẽ xảy ra? Nghe chuyện đó còn khó tin hơn cha trúng Vietlott hay mẹ trở về vậy, nhưng dù sao Viêm cũng đồng ý sang đây rồi. Qua đây, Thủy Tinh, nơi mọi mơ ước về một dị giới giả tưởng với kiếm, ma pháp và cấp độ sụp đổ hết cả. Nhưng đổi lại, nó quen được nhiều người tốt, chiêm ngưỡng khung cảnh mà nếu ở nhà, có mơ cũng không thể. Là tốt hay xấu, thuận lợi hay khó khăn, chưa thể biết được.



“Cái gì tới hãy để nó tới. Đừng cố gắng chống cự quyết liệt, mà hãy nương theo tình thế mà nhạy bén xử lý. Mình yếu thế thì sẽ thắng theo cách yếu, con gái! Mẹ… phải đi đây…”



Câu nói cuối cùng của mẹ bỗng văng vẳng trong tai. Không biết nên làm gì, Viêm nhìn chằm chằm vào không trung vô tận. Mây trắng lững lờ trôi, mặc cho những cơn gió có hể xé nát chiến hạm đang vần vũ đầy trên ấy. Xem ra khác độ cao, nó nghĩ, bữa kia Hồng Ma cũng ra khỏi mây một lúc rồi mới xuống vùng phong lộ mà. Lạ thật, từ dưới này nhìn lên, chẳng thấy gì giống như mấy thứ kinh khủng đó cả. Trời xanh, mây trắng, với ánh nắng vàng rực rỡ chiếu rọi xuống muôn nơi. Nếu có gió, cũng chỉ là những cơn nhè nhẹ, thoảng qua bên mình, phà từng hơi mát lạnh vào da thịt nơi gò má, trước mặt và đôi bàn tay trần.



“Đã quá…”



– Đã ghê nhỉ?

– Hửm?



Nhìn sang bên, Viêm thấy Mộc Ma đã ngồi khoanh chân, chống cằm nhìn mình tự bao giờ. Cu Thiên chạy lon ton qua phía Mộc Ma, ôm chặt cứng bắp đùi trái nhỏ đó, và dù có vẻ không giống, thì nhỏ bạn mình vẫn đang run lập cập. Viêm cũng thấy lạnh. Thiệt luôn chứ, thằng bé lại xả tử khí rồi. Chắc do nắng quá, mà coi phim thì cương thi, ma cà rồng không ưa nắng. Nhỏ đành chịu, cái sân trường hồi trước lúc nghỉ học không nắng lắm, nhưng nhỏ xíu, còn sân chỗ này rộng ngút tầm mắt nhưng chẳng có nổi một bóng cây. Vâng, Viêm biết đây là chỗ tập bắn, nhưng ít nhất cũng phải cho xin hai ngàn bóng mát chứ?



– Chứ cậu nghĩ thằng bé đang làm gì?

– Hả?



Xoa đầu Thiên, Mộc Ma nói:



– Thằng bé khôn lắm! Nó biết trời nóng nên xả khí nãy giờ rồi! Có điều… ừm… hơi quá trớn.

– Nói vậy nó buồn sao? – Viêm hơi cịp mắt.

– Ừ nhỉ?



Nói đoạn, Mộc Ma cúi xuống nhìn Thiên. Bé con vẫn đang tỏa khí lạnh cật lực, dường như không quan tâm gì tới điều hai chị đang nói. Phồng tròn gò má lên, bé nó ngậm chặt miệng lại, chau lông mày, đôi tay nắm lại thành nấm đấm con con, xanh xao nhưng dễ thương vô cùng. Nhất là cặp mắt, cặp mắt “thiên sứ” nhìn một lần nhớ cả đời ấy! Khác với mẹ mình, dù vẫn chỉ là màu đen đặc với sáu vòng đỏ, nhưng đằng sau thứ màu sắc u ám ấy, lại là muôn vàn những vì tinh tú lấp lánh. Đôi mắt như chứa đựng cả vũ trụ, sáng rực rỡ lên, không hề u ám, đen tối và đầy bí ẩn như Giao Long. Có lẽ, đó là sự khác nhau giữa người lớn và trẻ con chăng?



Không biết mẹ làm gì mà lâu quá, Mộc Ma bế xốc Thiên lên, để nó ngồi vào lòng mình. Lạnh lắm, như để cả tảng băng vào vậy, nếu con bé không kịp dùng phép thì chắc chết vì mất nhiệt rồi. Dưới chỗ nó ngồi, cả một vòng ma pháp lớn hiện lên, với màu xanh lá nhạt rực rỡ như ánh đèn thành phố khi trước Viêm từng thấy. Hai vòng đồng tâm, với biểu tượng sao tám cánh bên trong, cùng chữ Vạn bên đạo Phật hay dùng và rất nhiều ký tự kỳ lạ khác. Nhìn thoáng qua, Viêm nghĩ chúng là chữ Hán, nhưng trông kỹ thì giống chữ Phạn của người Ấn hơn. Đều ngoằn ngoèo như nhau cả, nhưng cũng không tới nỗi cái đứa không có gì làm là dán mắt vô tivi coi mấy chương trình khai quật, khảo cổ như nó không thể phân biệt.



Nhìn Viêm, Mộc Ma nói hai đứa tưởng bở rồi. Cu Thiên xả tử khí không phải để hai chị đỡ nóng, mà do thằng nhỏ nực quá tự làm mát mình thôi. Chúng nó chỉ đơn giản là đám hưởng ké, hoàn toàn không được đoái hoài tới. Nghe thì ức thiệt, nhưng còn làm được gì? Chẳng lẽ bảo cu cậu ba tuổi phải “xả khí lạnh” cho hai đứa già đầu này được mát à? Mộc Ma tặc lưỡi, bảo rằng nếu làm cái trò đó thì mẹ nó bẻ cổ ngay, sau đó là thuyền trưởng lột da rat reo cột buồm luôn. Ai chứ mấy bà ấy chiều con lắm, chiều lắm nên Viêm móc một câu, Mộc Ma nín luôn.



– Chiều quá nên mới có chuyện như tối qua?

– Ư…



Cúi gầm mặt, Mộc Ma không trả lời. Má nhỏ hơi ửng lên, xem ra là xấu hổ rồi. Mà lạ, Viêm nghĩ, bữa nay nó không đội nón. Qua giờ dù làm gì, con bé đó cũng đội nón sĩ quan cả, vậy mà hôm nay bỏ lại đâu rồi. Lúc sáng, Hồng Ma thúc bọn nhỏ rời tàu mau, như thể sắp chìm tới nơi, xem ra là có điều bất thường. Tuy chỉ dịch chuyển được một quãng ngắn, chính xác là đến ngay bên ngoài cảng số Không, nhưng Viêm vẫn có thể thấy mấy tấm bảng “Không phận sự miễn vào” và “Khu vực tuyệt mật” treo đầy xung quanh. Phía rong, tuy tầm mắt bị hạn chế, nhỏ vẫn lờ mờ trông ra mấy cần cẩu lớn đang nâng cái gì đó… trông như tháp pháo, mà không biết phải không. Nhỏ chẳng mấy để tâm, chắc đang tân trang tàu nào thôi mà. Bí mật quân sự, làm căng là bình thường.



Ngồi một hồi, đám nhỏ vẫn không thấy Hồng Ma ra. Thay vào đó, một anh lính mặc áo đen Lục quân, đầu đội mũ vải hớt hải chạy đến, báo rằng do có cuộc họp đột xuất nên “Tư lệnh Hồng Ma” đã phải rời ngay mà không kịp báo lại cho đám nhỏ. Anh nói, Hồng Ma không cho phép tụi nhóc tự lấy súng ra tập bắn, vì như vậy quá nguy hiểm. Tuy nhiên, súng mẫu không đạn dùng để tháo lắp thì vẫn có thể thực hành, và chúng được chuẩn bị trong tòa nhà chỉ huy khu sân tập, tại dãy thứ nhất phía bên trái. Trùng hợp thay, đó cũng là nơi có tòa tháp mà bữa qua đám Viêm ngồi đọc sách. Nói xong, anh ta liền chào theo kiểu truyền thống, với câu khẩu hiệu quen thuộc cùng sự hồi đáp của “Trung úy” Mộc Ma, rồi rời đi ngay, hoàn toàn không để ý gì Viêm và Thiên cả. Quyết định tới đó, Mộc Ma ẵm Thiên dậy, để nó đứng đàng hoàng xuống sân rồi ba đứa rời đi.



Đi nhanh vào khu nhà cách đó chỉ khoảng dăm bước chân, Viêm ngạc nhiên khi nhận ra không gian bên trong này lại rộng tới vậy! Vẫn là kiểu nhà xây truyền thống của người Việt, nhưng cột nhà, xà ngang và cả lớp ngói lợp trên đều toát ra gì đó rất khác lạ. Tuy đã biết về chúng qua những bức ảnh, và tự mình bước vào khu nhà tiếp khách của chánh điện, Viêm vẫn cảm thấy nơi này lớn quá, cổ quá. Mọi thứ nội thất bên trong đều làm bằng gỗ, và dù được chăm sóc kỹ đến bóng loáng, nó vẫn toát lên hơi thở cổ kính của thời gian. Tường xây bằng gạch, quét vôi trắng đã ngả màu, nhưng hoàn toàn không thấy vết ẩm dột hay rêu phong. Thậm chí không có mạng nhện, dù là trên những góc nhỏ nhất của mái nhà.



Nơi chúng nó vừa đi vào là cửa phụ, nằm nép một góc bên chiếc tủ sách lớn đặt ngay giữa vách. Bước qua ngạch cửa, chúng nó tiến ngay vào một không gian cổ kính, trằm mặc, nhưng đồng thời lại hiện đại vô cùng. Một bảo tàng súng! Vừa vào thôi, thứ đập ngay vào mắt Viêm là bảy tủ lớn, mỗi cái cũng phải cao ít nhất ba thước, bề ngang một thước, gắn kính bên ngoài, phía trong để đầy các loại súng ống. Các tủ đều được đặt sát vách nhà, xen kẽ với những cửa sổ chấn song sắt lớn, hứng ánh nắng mùa xuân vào gian nhà. Trước mặt là súng ống, bên cạnh là sách vở, tài liệu về từng loại, Viêm nghĩ cái đống này có khi hoành tráng hơn cả tòa tháp canh hôm qua nữa.



Vô tiếp một chút, Viêm mới nhận ra chỗ này có treo đèn, nhưng do sáng quá nên cũng không cần bật. Chẳng phải loại đèn neon ở nhà, chúng là các bóng dây tóc kiểu cũ, gắn trong chiếc chụp hình đường ống, nối trên ống kim loại dài chạy hết xuống một góc nhà, Cũng như phòng Mộc Ma, đèn ở đây không dùng công tắc, thay vào đó là các văn vặn bọc nhựa cách điện. Xem ra, nó đoán, chúng cũng na ná đèn ngủ, có thể điều chỉnh độ sáng tùy nhu cầu. Do cách xây nhà, ánh nắng lúc nào cũng tràn ngập, nên chắc trừ khi mưa to hay thiếu nắng, người ta mới phải vặn cả lên.



Giữa nhà, sáu chiếc bàn lớn được đặt ngay ngắn, quanh mỗi cái lại có mười ghế xếp thành từng cặp đối diện nhau. Ba ghế chiều dài và hai chiếc chiều rộng, các bàn cách nhau khoảng ba thước, theo cỡ ấy, Viêm ước tính mấy cái bàn nhìn như bộ ván kia không dưới bốn thước dài. Vậy thì nơi đây hẳn phải lớn lắm, nếu không, làm sao đủ sức chứa đống hàng nóng kia. Ngoài các tủ chứa súng, nơi đây còn có hẳn bốn nòng pháo to oành đã tháo rời, bốn bệ chân pháo, vài trăm viên đạn lớn các loại. Pháo đặt cả dưới dất, có bệ đỡ hẳn hoi, trong khi đạn lại nằm trên những kệ khác tít tận phía bên trái, nơi gần với cửa vào hành lang dẫn sang tòa nhà điều hành.



– Oa!



Không cầm được sự ngạc nhiên, Viêm thốt lên.



– Nơi này… y như bảo tàng vậy!

– Bảo tàng! Bảo tàng!



Tuy không hiểu gì, cu Thiên cũng tía lia cái mồm theo.



Nhìn hai chị em kia như vậy, Mộc Ma khúc khích cười. Đoạn, nhỏ bảo, nơi này là phòng trưng bày vũ khí của Học viện Không quân, chuyên dùng cho các lớp thuộc bên đổ bộ. Do hiện tại vẫn chưa có học viện riêng cho họ, nên các sĩ quan quân “áo choàng đen”, tức lính Đổ bộ đường không, vẫn phải học chung với “áo xanh”, là Không quân. Nhỏ nói, gọi vậy vì kiểu và màu áo thôi, vì Lục quân cũng mặc áo đen, nhưng vào mùa đông thì họ mặc áo bành tô, còn quân đổ bộ thường sẽ trùm tấm vải như của Hồng Ma. “Gọi áo mẹ mình là tấm vải, con này gan!”, Viêm nghĩ bụng. Nhưng đột nhiên, nhỏ hỏi:



– Vậy cái áo Oa Lân mặc là gì?

– Nó à? – Mộc Ma hơi ngớ người – À, đó là loại cũ! Kiểu áo đó hơn mười năm rồi không còn dùng, giờ chỉ mấy đơn vị đặc biệt mới mặc thôi, hay ai thích giữ làm kỷ niệm ấy!

– Vậy à?



Không thắc mắc thêm, Viêm kéo ghế ngồi, rồi ẵm nhóc Thiên để vào lòng. Tuy không còn tỏa khí lạnh nữa, cu cậu vẫn rất mát, giống như cái quạt máy luic1 nào cũng chĩa thẳng mặt. Đưa mắt nhìn xung quanh, Viêm hoàn toàn á khẩu trước sự quy mô của nơi này.



Trong các tủ kiếng, súng được đặt ngay ngắn, tỳ vào những giá đỡ được tạc lõm, dụng thẳng lên, nòng chĩa nóc tủ. Chúng có rất nhiều loại, từ cái ống đồng gắn bệ gỗ, khai hỏa bằng cách đút dây mồi đang cháy vào tới khẩu K20 mới sản xuát gần đây. Không hoàn toàn là bảo tàng, nó giống một nhà trưng bày hơn, nơi chứa đựng các mẫu hỏa khí chủ lực qua từng thời kỳ.



Nhìn lướt qua, con bé thấy hỏa mai mồi thừng, hỏa mai bánh xe, hỏa mai kíp đá lửa giống như người miền núi hay dùng, để chung một nơi. Đặc biệt, hỏa mai mồi thừng không gắn báng tỳ vai, trong khi loại dùng bánh xe và kíp đá lửa lại có. Tất thảy chúng đều có lê đi cùng, nhìn như cây kim lớn gắn vào chiếc ống kim loại, thứ Mộc Ma bảo rằng có thể dùng như dao cận chiến, hay gắn nhanh vào nòng súng cũng được.



Ở một tủ khác, chiếc thứ hai từ trái sang, Viêm lại thấy những hỏa khí có niên đại và thiết kế “gần” hơn, xếp thẳng như hỏa mai. Đó là các mẫu súng trường đời đầu, khi nó chưa được định hình hoàn chỉnh. Từ trái vào, Mộc Ma nói, là loại súng trường nòng rãnh xoắn đầu tiên, vẫn nạp đạn từ nòng vào. Nó chưa có cơ chế nạp hậu, nhưng với việc gói đạn và thuốc nổ cùng vào một bao giấy nhỏ, thứ súng ấy giúp tiết kiệm thời gian hơn.



Khẩu thứ hai lại nom như cây súng lục cao bồi kéo dài, khi có hộp đạn sáu viên hình trụ kinh điển, chiếc búa kim hỏa lớn, nhưng nòng lại dài bất thường, có ốp lót tay và báng súng gắn liền vào tay cầm. Đó là một trong các nỗ lực đầu tiên để phát triển súng trường “bắn nhanh”, theo lời nhỏ chột, sử dụng cơ chế nạp của súng lục ổ xoay. Sáu phát đạn, nhồi bằng loại đạn vỏ giấy, về sau là vỏ đồng, cho tốc độ bắn nhanh hơn hỏa mai hay súng trường đòn bẩy, nhưng độ ổn định và chính xác lại không quá cao.



Chỉ vào cây súng trường ổ xoay, Mộc Ma hào hứng bảo:



– Đó là mẫu K88, loại súng trường “bắn nhanh” đầu tiên của nước mình đó!

– Đầu tiên?



Viêm trố mắt nhìn cây súng có phần kỳ dị. Quái đản, sao hôm qua đọc sách nó hoàn toàn không thấy?

– Sách hôm qua của cậu thì khẩu này ở chỗ khác! Muốn nghe không?

– Có! Có chứ!



Chỉ nghe tới thế, Viêm gật đầu lia lịa, hoàn toàn quên mất mục đích chính khi tới đây.



Mỉm cười, Mộc Ma biết Viêm đã cắn câu. Thực ra ban nãy, khi trao đổi với anh hạ sĩ ấy, con bé đã biết việc chuẩn bị mẫu sẽ tốn chút thời gian, nên tranh thủ lấy lại hình ảnh của mình trong mắt bạn cũng không tồi. Đêm qua thực sự xấu hổ quá. Bị dồn tới đường cùng, bật khóc như đứa ngốc, hoàn toàn không phải điều mà một quân nhân Đế quốc ưu tú nên để lộ cho người ta thấy.



Nghĩ đoạn, Mộc Ma bắt đầu nói. Nhưng không phải ở một chỗ, nhỏ bật khỏi chiếc ghế cây bốn chân, dẫn Viêm và nhóc Thiên đi qua ngay trước tủ trưng bày. Thằng bé nãy giờ nhìn ngó xung quanh, coi các loại vũ khí và sách vở có trong đây, nên được đi xem cũng khoái lắm. Tuy điện Cây Quế là nhà nó, và Học viện, về thực tế, thuộc sở hữu của Tổng lãnh xứ U Minh, thì bé con vẫn ít khi được đặt chân vào đây, chủ yếu là vì nơi này thường có lớp học. Hôm nay trống nên Hồng Ma mới sắp xếp mà cho bọn nó dự định được xem tháo lắp và coi bắn súng có niệm phép, nhưng lại có chuyện nên mới phải rời đi gấp.



Đứng trước tấm kính dày cường lực đã yểm phép bảo hộ, Mộc Ma nói, nơi chúng nó đang thực sự ở không chỉ là một khu trưng bày, nhà truyền thống hay viện bảo tàng, mà chính là Viện nghiên cứu Vũ khí V40 trực thuộc Học viện Không quân U Minh. Khuôn viên thực tế của Học viện chiếm khoảng một phần tám toàn bộ điện cây Quế, với bốn viện nghiên cứu lớn, nơi làm việc của các sĩ quan đã có học hàm ít nhất là thạc sĩ chuyên môn. Như tên gọi, nơi này chuyên nghiên cứu vũ khí, với “V” là ký hiệu của quân đổ bộ. Tuy nói thế, Mộc Ma không đi vào chi tiết, mà lại quay về mục đích súng ống.



Hít một hơi, Mộc ma bắt đầu giảng:



– K88, hay gọi đầy đủ là “Súng trường ổ xoay Kiểu 1888”, là súng bắn phát một có ‘ổ đạn” đầu tiên của Đế quốc Liên hiệp! Dùng cùng nguyên lý với súng ngắn ổ xoay sáu viên, nó thực chất chỉ là cây súng lục được bơm cho to ra, chứ không có gì quá khác biệt! Dùng đạn Patrone 85 “thần thánh”, cơ chế nạp dễ dàng đã giúp Đế quốc có được ưu thế hỏa lực tương đối áp đảo so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, so với các mẫu về sau, như súng G96 của Valhöll, dù tốc độ bắn hơi chậm nhưng sơ tốc nòng lớn, lục xuyên mạnh hơn và trên hết là quá trình nạp rất dễ chịu! K88 phải nạp thủ công từng viên, hay dùng khay nạp sáu viên rất phiền phức, trong khi G96 và biến thể K98 của mình lại dùng thanh kẹp năm viên, cơ số có ít hơn nhưng nạp nhanh, dễ thao tác và thuận tiện!



Nói tới đây, Mộc Ma hơi cụp mắt xuống. Dù nhìn thoáng qua không có vẻ gì, nhưng con bé lại đang buồn. Chính xác hơn, là tiếc nuối. Nó bảo, K88 là nỗ lực đầu tiên của Đế quốc để tạo ra loại súng mới uy lực và bắn nhanh hơn, đảm bảo ưu thế trước loại Fusil Lebel 1888 của Gaullia, kẻ thù tiềm năng khi đó, và cũng dùng xuất khẩu. Dựa trên thiết kế là súng trường ổ xoay M1855 và súng lục M1848 của Columbia, các viện nghiên cứu trên cả nước khi đó đã thấy tiềm năng của kiểu thiết kế này, nên đã tiến hành thiết kế và thực nghiệm.



Cuối cùng, mẫu thử nghiệm của chính Viện H40 này đã được chọn, và trở thành K88. Tuy phục vụ quân đội trong gần một thập kỷ, nó nhanh chóng lỗi thời trước các kiểu súng mới hơn, chủ yếu vì thân súng quá mỏng manh, khó có thể đảm nhận việc làm vũ khí cận chiến khi lắp lê, cũng như thiết kế tương đối phức tạp hơn so với các hậu bối cách mình nửa vòng tinh cầu. Ngoài ra, do nhận thấy kỷ nguyên của vũ khí tự động đang tới gần, nên tốc độ “bắn nhanh” trong cái thời dùng cần gạt của nó cũng đã kết thúc. Bắt đầu với những cây C90 nhét túi của sĩ quan Valhöll, tới khi khẩu Mondrágon ra đời, nhiều tướng lĩnh Đế quốc đã nhận ra, thời kỳ làm mưa làm gió của súng bắn phát một đã sắp tàn.



Nhưng, như Mộc Ma đã nói, tư duy của họ vào thời điểm đó vẫn quá bảo thủ. Chỉ một bộ phận nhỏ thực sự nhận ra giá trị của loại hỏa khí cầm tay bắn nhanh, một thứ súng “trong mơ’ với khối lượng và kích thước vừa phải, xả đạn nhanh như tiểu liên và có độ chính xác nằm ở khoảng tương đối gần súng trường bắn từng viên. Bản thân Giao Long khi đó, dù đã mua biến thể trung liên của Mondrágon về, cũng chưa hề nghĩ về việc tạo ra loại súng mới. Ưu tiên khi đó của cô ấy, theo bé chột, là bảo vệ đồ án của mình, lý thuyết về tác chiến cơ động trên không thay cho việc dàn hàng đấu pháo truyền thống. Cuối cùng, dù K98 đã thay thế K88, thì cây súng trường sáu phát kia vẫn được giữ lại, như vật kỷ niệm hay bán cho người dân làm vũ khí đi săn. Bây giờ, tới lượt K20 thay thế K98, chúng lại trở thành vũ khí hạng hai, dùng cho các lực lượng dự bị vũ trang.



– Có Trung úy Mộc Ma ở đây không?

– A, dạ có ạ!



Đang say sưa với bài giảng, Mộc Ma bị cắt ngang bởi tiếng gọi vọng từ ngoài hành lang vào. Ngoái đầu trông ra, Viêm thấy đó là một sĩ quan trẻ, chắc chỉ mới hơn ba mươi, mặc bộ quân phục xanh ngắn tay và đội nón kêpi, cầu vai màu đồng dập nổi bốn sao năm cánh. Nhỏ thấy được lúc đó chỉ là do anh ta cúi người, đưa cho Mộc Ma ba khẩu súng đen trũi, khá lớn, sau khi thực hiện màn chào hỏi quen thuộc. Nó cố nhớ, hai sao đồng là Trung úy, mà quân hàm bên này gần giống Việt Nam, vậy thì bốn sao kiểu kia, chắc Đại úy nhỉ?



Đưa mấy khẩu K20 cho Mộc Ma xong, vị Đại úy kia đưa tay chào rồi rời đi. Do đang bận giữ hàng nóng, con bé không thể đáp lễ đàng hoàng, nhưng vẫn nói câu “Quyết thắng!” quen thuộc. Đoạn, nhỏ đi lại bàn, rồi nói:



– Hồi nãy là người phụ trách khu này, hay nói ngắn gọn là “giám thị” đó!

– Giám thị? – Viêm tròn mắt – À phải ha, cũng là trường học mà.

– Ừ, cũng là trường, nhưng hơi khác chút!



Nói đoạn, Mộc Ma bẻ lái vấn đề chút đỉnh. Khu viện nghiên cứu, do thuộc Học viện, nên được quản lý theo chuẩn của một trường đại học. Nhà trưng bày này là nơi các lớp xuống học về vũ khí các thời kỳ, tháo lắp súng và tổ chức kiểm tra định kỳ. Bình thường thì họ sẽ học trên lớp, chỗ đó cũng có hàng nóng, nhưng chắc chắn không thể nhiều như khu chuyên biệt được. Các phòng này thường được quản lý bằng ma pháp quan sát, với ít nhất một giám thị hành lang ở ngoài canh chừng. Tuy học viên có thể tự do ra vào, nhưng để được mượn sách vở, họ cần có sự đồng ý của cán bộ quản lý, và nếu muốn lấy súng thì phải có giấy xác nhận của giáo quan phụ trách bộ môn, và đi tối thiểu hai người mới được cầm súng đi. Và đó chỉ là bản trưng bày, không bắn được!



Đặt súng mẫu dùng để giảng dạy và tháo lắp lên bàn, Mộc Ma giới thiệu, ba khẩu K20 này đều là hàng mới nguyên, chỉ có điều hộp đạn trống rỗng. Đế quốc quản lý rất căng chuyện người dân sở hữu vũ khí gây sát thương, nên ai muốn mua súng thì phải xuất trình được mình là quân nhân giải ngũ, đã hoàn thành các tín chỉ quốc phòng và vũ trang, đồng thời ghi lại họ tên, số căn cước công dân, để cả dấu vân tay lại cho cán bộ để lưu trữ.



Do súng đạn thường chỉ được bán hạn chế tại những điểm do quân đội quản lý, tất cả lại có số seri đầy đủ nên khi có chuyện, người ta có thể tra theo số khắc trên thân đầu đạn mà biết ai đã mua đạn, mua cho súng gì, ngày tháng nào để hỗ trợ bên công an. Sĩ quan được phép sở hữu súng ngắn, nhưng chỉ súng ngắn, và đôi khi là kiếm lệnh. Những thứ khác như gươm, đao, thương,… đều phải đem ra cơ quan Nhà nước chứng thực quyền sở hữu, đăng ký này nọ, nếu không thì có là đồ gia bảo cũng tịch thu. Và vì là “hàng nóng’, cầm chĩa lung tung cũng dọa vỡ mật người ta, nên nơi nào có “hàng” là phải giữ cho kỹ, để bị tuồn ra ngoài là…



– Ăn phạt lè lưỡi luôn!



Vừa nói, Mộc ma vừa thè dài lưỡi ra, phụ họa cho câu chuyện hoàn toàn không ăn nhập gì với mục đích chính. Nói tràng giang đại hải một hồi, nhỏ đó mới chịu ngồi lại ghế, bắt đầu hướng dẫn Viêm tháo lắp… mà thực ra cũng chỉ biểu diễn cho xem.



Sau khi tất cả đã ổn định chỗ ngồi, Mộc Ma mới đưa súng ra trước. Để gần thế này, Viêm mới cảm nhận được hết vẻ đẹp và cảm giác đáng sợ mà thứ giết người trong chớp mắt này đem lại. Với phần thân khá dài, làm từ kim loại và gỗ ép, sơn lên màu đen tuyền, đây là trang bị chính của các đơn vị xung kích, đổ bộ, và trong tương lai không xa sẽ thành hàng tiêu chuẩn cho quân đội Đế quốc. Hơn mười tám triệu cây K98 sẽ được chuyển về tuyến sau, các đơn vị đặc biệt, hay vào kho, thậm chí là bán nơi khác, sau khi những ‘cục cưng” này có đủ số lượng, đảm bảo tỉ lệ ba súng một người.



Nòng súng không quá dài, nhắm chừng chỉ cỡ năm, sáu tấc, gắn vào phần máy vừa vặn nửa gan bàn tay, thêm tay cầm và báng gắn liền thành một khối, là có khẩu súng bắn liên thanh. Ốp lót tay dưới, Mộc Ma giảng, chỉ dài khoảng hai tấc, nhưng dày và đủ to để người dùng không cầm phải phần vỏ thép nóng lên vì ma sát lúc bắn. Tất cả chúng đều gắn băng đạn cong, và khi nhìn vào, viêm có thể thấy cò bấm nhỏ nằm ngay sát chỗ gài. Bấm vào đó, hơi nghiêng cổ tay là Mộc Ma lấy được hộp tiếp đạn ra hoàn toàn dễ dàng.



Cầm một khẩu lên, nhỏ đầu đỏ nói:



– Nhìn kỹ nè! K20 không có nắp bệ khóa nòng, giống như mấy cây tiểu liên á!

– Đâu? Đâu?



Chồm hẳn người lên, tỳ tay xuống mặt bàn, Viêm cẩn thận quan sát nó. Quả thực không có “miếng che” như AK, nhìn xuống thấy rõ cái lỗ tống đạn ra cùng thoi nạp, có thanh ngang để kéo thủ công luôn. Dùng hai ngón tay, Mộc Ma moc vào thanh ngang, kéo mạnh nó ra sau. Hoàn toàn không bị gì kìm hãm, thoi nạp đẩy mạnh vào búa kim hỏa, ép nó nằm ngang xuống, trong khi bản thân khối thép ấy lui lại khoảng năm phân, lồi hẳn ra ngoài. Để xiên xiên, Mộc Ma cho Viêm và nhóc Thiên thấy bên trong. Nhìn thẳng xuống, đó là cửa nạp đạn, nơi dùng để gắn băng đạn vào. Phần cơ cấu cò súng do bị khuất sáng nên không thấy rõ, nhưng vẫn lờ mờ nhìn ra được chiếc lò xo lớn bên trong.



– Lò xo?



Khá ngạc nhiên khi thấy chiếc lò xo lớn, sáng bóng nằm ngay phía sau chỗ khối thép đẩy đạn, chính xác thì ôm sát vào thoi kéo, Viêm ngạc nhiên lắm. Trong súng AK nó coi trên đài, thì lò xo nằm ở phía sau, bên trong bệ khóa nòng, nhưng ở đây thì lại bố trí lộ thiên luôn. Quay sang Mộc Ma, nhỏ chờ câu trả lời, trong khi nhóc Thiên đưa bàn tay bé xíu sờ thủ hai cây kia.



Nhún vai, Mộc Ma nói:



– Thì… K20 dùng giật mùi mà! Thoi bị phản lực của đạn đẩy lùi ra sau, lò xo bị nén sẽ bung trở lên, đẩy nó vừa đủ chạy ngang hốt viên tiếp theo vào buồng đốt, chứ mạnh quá thì banh súng, mà yếu quá thì đẩy không nổi! Mạnh yếu quá mức gây hại không khác nhau mấy đâu, nên là cậu phải làm được lò xo có hệ số phù hợp với súng!

– Hệ số?

– Ủa mà bên cậu học lực đàn hồi chưa?



Viêm lắc đầu. Nhìn biểu hiện thế, Mộc Ma biết mình không cần phải nói thêm. Đoạn, nhỏ gắn băng đạn lại cho “đúng quy trình”, rồi bắt đầu tháo súng ra. Nó nói, chuyện tháo lắp súng trong một phút là bài kiểm tra cơ bản mà năm nhất – năm cơ bản – phải làm được. Không chỉ vậy, việc thực hành với súng cũng được tiến hành từ cấp ba. Vì vậy, Viêm trước sau gì cũng phải làm, nên biết trước cho nhuần nhuyễn vẫn tốt hơn.



Dựng đứng súng lên, để nó đứng trên báng, Mộc Ma bắt đầu thao tác. Với đôi tay nhanh thoăn thoắt, nó chụt ngang thân súng bằng tay trái, tay phải gạt khóa an toàn xuống mức “đóng”, không cho súng cướp cò. Khóa súng rồi, nó liền đưa tay xuống, bấm mạnh vào chiếc cò ngay chỗ băng đạn. Giữ bốn ngón ôm theo mặt cong trong của chiếc hộp thép, mộc ma nhẹ nhàng tháo ra, để nó nằm xuống bàn. Tiếp theo, chưa đầy một giây, nó kéo thanh gạt thoi cái cạch. Nhỏ chỉ kéo giật xuống, còn khi đẩy lên, nó buông tay hoàn toàn, để lò xo lo phần còn lại. Nó nói đó là khâu kiểm tra súng bắt buộc, để tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.



“Giờ mới là phần quan trọng! Nhìn nhé, tớ làm nhanh trước rồi giải thích sau!”, Mộc Ma mỉm cười, nói liếng thoắng. Để khẩy K20 nằm lên mặt bàn, nó lại nhấc súng lên bằng tay trái, nắm vào chỗ giữa báng và tay cầm. Thân súng và tay trái lúc này gần như thẳng hàng, Mộc Ma mới kéo búa kim hỏa ra sau. Thật kỳ lạ, nó không bật lên! Dù chưa hoàn toàn hiểu rõ, Viêm cũng lờ mờ nhận ra chuyện đó ắt hẳn phải có liên quan tới việc khóa cò súng. Có thể đó là một cơ cấu liên tục, hoàn thiện thành một thể thống nhất, nên khóa rồi thì nó không đánh lên được? Có lẽ thế, nhỏ không biết. Chờ xem thôi.



Tiếp tục tháo, Mộc Ma ấn mạnh thoi về trước. Đoạn, nhỏ lôi nguyên cái khối khổng lồ ấy ra. Lúc này Viêm mới nhận ra, toàn bộ hệ thống nó nghĩ là chỉ đơn giản gắn vô lại được giữ bằng bốn rãnh thép cực khỏe, nằm ở các phía của vỏ trong thân súng, và phần bệ giữ cố định của quy lát. Chiếc thoi dài, đầu có rãnh xoay vòng vòng được Mộc Ma đặt sang một bên.



Khối đó khá lớn, có dạng như cái dùi kim loại. Tại nơi tận cùng của phần cố định, nó còn có một tấm thép mỏng, gắn chiếc lò xo bên trong, đầu còn lại được giữ khá lỏng bằng viền của thoi. Thanh kéo nằm ở khối thép hình vuông lớn phía sau, chứ không phải ở phần bệ thuộc máy phía trong. Cầm thoi lên, trông vào trong, Viêm thấy có thanh gì dài dài, nhỏ cỡ câu nhanh nằm yên, nhưng không hỏi. Nó muốn chờ Mộc Ma nói hết một lần. Nhỏ chột nói, nếu thi thực tế thì người ta sẽ yêu cầu tháo luôn lò xo, nhưng do đây không phải thi cử nên… ăn gian chút!



– Lầy thế? – Viêm trề môi, ra vẻ ghét lắm.

– Chút nữa ngưng lầy cho! Giờ cứ từ từ!



Tưởng còn gì ghê gớm lắm, nhưng Mộc Ma đột nhiên đặt súng xuống. Nhỏ bảo, thế là xong mấy bộ phận lớn. Tiếp theo chính là phần máy khó nhằn này. Thanh dài nhỏ xíu bên trong quy lát mà Viêm thấy, Mộc Ma bảo, chính là kim hỏa. Khi bóp cò, búa kim hỏa sẽ đánh vào thanh ấy, nó chọc vào hạt nổ phía cuối viên đạn và bùm, bắn đạn ra ngoài. Phản lực còn lại sẽ đẩy vỏ đạn giật lùi, lùi luôn cả thoi.



Phần xoay xoay Viêm thấy là “khóa nòng”, nó dùng để cố định đạn, không để rơi rớt khi súng bị xóc. Lúc lui lại, nó sẽ tự xoay nhờ thiết kế súng bên trong. Chiếc thoi sẽ lui một khoảng cố định rồi dừng, trong khi đó đạn bị đẩy vẫn theo quán tính và phản lực vụ nổ tiếp tục di chuyển, bị cản lại thì tất nhiên, sẽ bị ném ra theo hướng khả thi nhất. Dĩ nhiên, do buồng đốt là không gian khép kín, khi thoi lùi, chỗ trống duy nhất là khe đẩy vỏ, nên cái vỏ đồng cứ theo đó mà bay thẳng ra ngoài.



Nói đoạn, Mộc Ma cầm phần thoi lên. Trước ánh mắt ngỡ ngàng của Viêm và sự thích thú của nhóc Thiên, nhỏ đầu đỏ chỉ nhẹ nhàng xoay mấy cái, lấy khóa nòng để sang bên rồi chổng ngược chiếc thoi xuống, mảnh giữ phía trước đã rơi tuột ra! Nó nói, do thoi và khóa nòng xoay nằm thẳng hàng, nên lấy ra rất dễ. Mảnh cố định phía sau cũng không hề khó khăn, chỉ cần tháo cái cục to to đằng đuôi là rút ra được cả. Tuy nhiên, Mộc Ma bảo, do cục thép ấy gắn cố định với thanh kim hỏa nên thường phải có người khác giám sát mới được làm, nên không thể thực hiện ở đây. Chà, có phải lý do lấp liếm cho sự lười ban nãy không? Viêm nghĩ thế, mà sao cũng được. Giờ con bé nắm được đại khái rồi.



Khúa nòng giữ với thoi bằng một con vít lớn ở đầu thoi, còn khóa tra vào như cách người ta siết ốc vậy. Hai mảnh đỡ về lý thuyết là sẽ trượt tự do, tuy nhiên chúng lại được gắn cứng vào thân súng, nên không bất ngờ gì khi chúng giữ được thoi. Ngay sau mảnh cố định đầu là một vành thép lớn, được dùng làm chỗ giữ lò xo. Lò xo cũng để tự do, không hề gắn cố định gì, nhưng do chiều dài của nó vừa ngay với khoảng cách giữa các bộ phận mà bị giự chặt. Như vậy, khi thoi giật về, hai mảnh giữ đứng yên, thoi trược đi, đồng thời vành thép ép lò xo về, còn phía sau súng sẽ làm việc chịu lực chính. Chà, cũng không quá dễ, nhưng nhỏ nghĩ, đối với súng thế này thỉ vậy cũng hay rồi… nhỉ?



– Đã ha?



Mỉm cười, Mộc Ma hỏi. Thấy Viêm gật đầu, nhỏ cười tít mắt, rồi gắn mọi thứ trở lại. Quy trình nhanh tới nỗi viêm hầu như không kịp thấy, chỉ biết khi Mộc ma chổng ngược súng lên thì đã gắn gần xong rồi. Cạch! Cạch! Nó khéo thử hai lần, đảm bảo không có vướng mắc gì, rồi gắn hộp đạn cong vào. Thế là xong khẩu súng. Đặt xuống mặt bàn, con bé nói, chỉ khi đã để súng xuống thì mới coi là “xong”. Tiếp theo, tụi nó sẽ ngồi đó coi, và nếu thích, nhỏ bảo, đi lòng vòng căn phòng này. Vẫn còn rất nhiều thứ Viêm chưa được xem mà.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.