Chương trước
Chương sau
Tôi thích thú quan sát thằng bé lắp cánh buồm lên chiếc thuyền to gần bằng người nó. Trong lúc kiên nhẫn con gọi đến giúp, bố thằng bé cũng đang ngắm nó với vẻ trìu mến hiện rõ trên khuôn mặt.
Thằng bé tập trung vào việc của mình, còn người bố tập trung vào nó. Họ tạo ra một cảnh rất thú vị. Tôi lấy máy ảnh ra khỏi bao đựng và hướng máy vào họ.
Tôi thích chụp cảnh đó. Rất tự nhiên, cảnh đó sẽ thật tuyệt cho cuốn album gia đình. Tuy vậy, nó cũng chẳng thể nổi bật trong một cuốn album được, bởi vì tôi không thể tiến đến trước mặt một người lạ mà nói rằng:” Xin lỗi, tôi vừa chụp ảnh anh và con trai anh. Nếu anh cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gủi ảnh đến”. Tôi mà làm vậy thì người đàn ông đó sẽ nghĩ tôi đang hoặc đang rình mò làm ăn giống như các thợ ảnh quanh công viên, hoặc là đang cố làm quen với anh ta một cách lộ liễu.
Tôi tiếp tục ngắm hai bố con người đàn ông đó trong lúc họ lắp cánh buồm vào thuyền theo ý của thằng bé. Lắp xong, người bố đứng ngoắc ngón tay vào dây lưng quần, còn thằng bé thì cúi xuống bờ hồ đẩy chiếc thuyền nó vừa thả về phía một chiếc thuyền nhỏ khác lúc ấy đang bị một cơn gió thu chao đảo trên mặt hồ gợn sóng.
– Luke, thuyền trôi rồi, phải đưa nó vào thôi.
Gió làm vọng tới tai tôi tiếng reo phấn khích của thằng bé và thật bất ngờ đối với tôi khi nhận ra thằng bé nói tiếng Anh.
Ơn Chúa! Tôi tự khen mình đã không hỏi địa chỉ của người đàn ông ấy, bởi ở Paris nếu đường đột đến trước mặt một người Anh hỏi địa chỉ của người ta thì thế nào cũng bị cho là có ý không tốt Theo lời khuyên của bác sĩ, tôi đã đi nghỉ. Sau một trận cảm cúm, tôi bị suy nhược, bồn chồn và thiếu tự tin. Bố tôi, đồng thời cũng là ông chủ của tôi cho rằng tình trạng bồn chồn của tôi không phải do hậu qủa của cơn cảm cúm mà là (như theo ông gọi) do một cơn sốt cuối xuân, song ông cũng ủng hộ nhiệt tình lời khuyên của bác sỹ. Ông bảo:
“Lisa ạ, bố đã để ý và nhận thấy con bị bồn chồn từ mấy tháng nay rồi. Đã đến lúc con phải nghỉ ngơi thôi, tháng này phòng chụp không bận lắm. Bây giờ không phải là thời điểm học sinh chụp ảnh cho lễ tốt nghiệp cũng không phải là mùa cưới. Bố sẽ xoay sở được công việc ở phòng ảnh. Gần đây con đã có chút thành công với các tạp chí du lịch, sao con không đi Pháp hay đi Ý và chụp những bức ảnh về những nơi con tới. Như vậy, kì nghỉ của con sẽ thú vị đấy”.
Ý tưởng ấy nghe khá hấp dẫn. Mặc dù trước đó tôi cũng đã tính sẽ làm gì đó để thay đổi, nhưng tôi không muốn bỏ bố tôi một mình ở phòng chụp. Tôi cũng đã biết nơi tôi muốn đến thăm và chụp ảnh là Paris, thành phố mà hồi học ở trường Sorbonne tôi đã từng biết ít nhiều.
Một cơn gió thu nữa ào tới bứt thêm những chiếc lá từ trên cây. Một chiếc lá to màu vàng thẫm nhảy nhót trước mặt tôi. Tôi ngắm chiếc lá bay lòng bồi hồi nhớ lại tuổi thơ của mình. Tôi đưa tay chộp chiếc lá. Tôi để trượt nó rồi cố chộp lại lần nữa. Tôi reo lên hoan hỷ khi bắt được chiếc lá. Tôi mở túi khoác và cẩn thận đặt chiếc lá vào đó. Tôi biết tôi làm thế xem ra có vẻ ngớ ngẩn, nhưng hồi còn bé có người bảo tôi rằng bắt được một chiếc lá rơi là một điều may mắn và tôi nghĩ biết đâu tôi chả gặp may, thoát ra tâm trạng bồn chồn và vui vẻ hơn.
Kéo túi khoá xong, tôi nhìn ra hồ và chợt nhận thấy người đàn ông lúc trước đứng cùng thằng bé đang nhìn thẳng vào tôi. Tôi thấy rõ vẻ thích thú trên khuôn mặt anh ta. Anh ta không cố tình tránh cái nhìn của tôi, mà cứ tiếp tục nhìn tôi khiến tôi mắc cỡ. Trước mặt anh ta tôi mới ngớ ngẩn làm sao khi nhảy cuống cuồng như một đứa trẻ lên sáu để chộp một chiếc lá. Tuy nhiên tôi nhận ra rằng nụ cười trên khuôn mặt người đàn ông ấy không phải là nụ cười chế nhạo. Đó là nụ cười thể hiện rằng anh ta biết mục đích mang tính mê tín của tôi khi bắt chiếc lá.Và còn hơn thế. Đó là nụ cười mà sau những giây phút bối rối tôi đã phải mỉm cười đáp lại, cứ như thể người đàn ông đó là một người tôi đã quen biết.
Đó là một nụ cười, mà tôi chắc sẽ khuyến khích sự đáp lại của bất cứ người phụ nữ nào, thậm chí cả người phụ nữ nghiêm nghị nhất. Tôi muốn tiếp tục cười với anh ta. Tôi đã vượt qua được cảm giác xa lạ, dường như tôi cứ bị hút vào người đàn ông ấy và cảm giác ấy mạnh mẽ đến nỗi khiến tôi bước lên một bước về phía anh ta trước khi tôi kịp trấn tĩnh. Quay nhìn sang hướng khác, tôi đặt quai túi lên vai và bước ra lối ra cổng công viên nơi có đại lộ Saint Michel. Tôi vừa đi được vài bước thì chợt nghe thấy tiếng thét của một đứa trẻ. Tôi quay lại, vừa kịp nhìn thấy một đám choai choai đang giật chiếc thuyền của thằng bé ban nãy tôi chụp ảnh. Đám choai choai ấy đẩy thằng bé ngã xuống đất rồi vừa tháo chạy về phía tôi, vừa chạy chúng vừa hét inh ỏi. Trên đường chạy, chúng xô ngã những đứa trẻ khác đang chơi trong công viên.
Tôi bực đến độ đã hành động ngay không nghĩ ngợi. Đợi cho bọn chúng chạy đến gần chuẩn bị đẩy tôi để dành đường, tôi liền né sang một bên và đưa chân ra ngáng khiến đứa gần tôi nhất ngã khụy gối. Sau đó tôi lấy bao đựng máy ảnh liệng vào mặt đứa cầm chiếc thuyền.
Cú nện bất ngờ khiến đứa cầm chiếc thuyền kêu lên đau đớn và buông rơi chiếc thuyền xuống đất. Lúc đó đã có thêm vài người nữa tới tham gia truy đuổi bọn trẻ hư đốn. Để cho họ xử lý chúng, tôi cúi xuống nhặt chiếc thuyền lên. Tôi quay lại chỗ thằng bé đang khóc thảm thiết đòi mẹ, trong khi người đàn ông đang cố vừa dỗ dành nó, vừa rịt vết thương đang rỉ máu trên đầu gối nó..” Hu hu... mẹ ơi, mẹ ơi”. Thằng bé tiếp tục kêu khóc một lúc một dữ dội, nghe thật là thương tâm. Mọi người kéo đến nhìn chằm chằm vào người đàn ông và đứa bé.
Họ xì xào khiến người đàn ông bối rối. Đúng lúc tôi đi tới, tôi vui vẻ nói với thằng bé.
– Ổn rồi, chàng trai. Cô đã lấy lại chiếc thuyền cho cháu này. Thằng bé chẳng để ý đến lời tôi nói, cứ tiếp tục kêu khóc với bố. Thay vì nhìn chiếc thuyền tôi vừa mang tới, nó càng túm chặt cổ áo đắt tiền của bố nó.
– Đó, đó Jami! Người đàn ông nhẹ nhàng bảo thằng bé.
– Ổn rồi, ổn rồi, vết thương chả sâu mấy đâu nhưng vì máu chảy ra làm Jami hoảng đấy thôi Anh ta xoa đầu thằng bé và nhìn tôi bằng cái nhìn van lơn như thể muốn tôi cho biết làm cách nào để dỗ một đứa trẻ đang khóc lóc như thế, rồi anh ta nói với thằng bé những lời đầy hy vọng. Anh ta bảo:
– Cô đây đã mang chiếc thuyền về cho Jami rồi đấy thôi. Nó chẳng bị hư hại gì cả, mọi chuyện lại ổn rồi mà.
– Đúng đấy Jami ạ, mọi chuyện ổn rồi. Tôi nhẹ nhàng nói rồi qùy xuống thằng bé. Tôi khẽ đặt tay lên vai nó và bảo:
– Cháu biết đấy, cháu đã lớn thế này và không nên khóc nhè như vậy. Một chàng trai dũng cảm không kêu than ầm ĩ chỉ vì một vết xước tí tẹo như vết xước ở đầu gối cháu đây.
Lần này thì tôi thuyết phục được thằng bé. Có lẽ chính giọng phụ nữ của tôi đã an ủi nó. Có lẽ nó nghĩ là mẹ nó đã tới. Nó thôi khóc và buông người đàn ông ra nhìn tôi. Tôi giang tay cho nó một vòng tay âu yếm - Của cháu đây! Tôi vội vàng đưa chiếc thuyền cho thằng bé trước khi nước mắt trong khoé mắt ngấn nước của nó kịp trào ra – Cô lấy lại chiếc thuyền cho cháu rồi, cháu còn muốn gì nữa nào? Tôi cười cố dỗ dành nó – Cháu biết không? Cô đã cho những “con bò” dám cướp thuyền của cháu những cái phát vào mông đấy.
Lời nói khiến thằng bé chú ý. Nó nhìn tôi trong khi mắt vẫn rân rấn lệ và môi thì vẫn run bần bật. Nhân đấy tôi tiếp tục:
– Chúng không muốn bị đánh nên chạy mất tăm rồi, bây giờ để cho cô chữa vết xước này cho cháu nhé! Cháu đưa thuyền để bố cầm cho và giúp cô mở cái túi của cô ra để tìm hộp băng dán được không? Tôi kéo chiếc túi khỏi vai và đưa cho thằng bé.
Tôi đã làm thằng bé chú ý như mong muốn. Những đứa trẻ hình như rất thích những túi khoác thì phải và Jami không phải là một ngoại lệ. Nó cầm chiếc túi và kéo khoá hăng hái đến nỗi mấy thứ tôi để trong túi bật tung ra và rơi xuống đất. Qủa tao tôi mua để ăn trưa lao qua chân tôi.Chiếc túi giấy đựng cặp bánh cuộn dòn bị rách rơi xuống đất, khiến cho bánh văng ra trên cát.
Hoảng quá, thằng bé đánh rơi luôn chiếc túi, trong đó có “chiếc lá may mắn”.
– Cháu xin lỗi, cháu xin lỗi - Một lần nữa thằng bé lại chực khóc – Cháu không định làm thế. Tôi vội ôm lấy nó và bảo:
– Tất nhiên, chỉ là do không may thôi cháu à! Nào, chúng ta hãy cùng nhặt mọi thứ vào túi nhé, kẻo gió lại thổi bay hết. À, dĩ nhiên là sẽ không bỏ hộp băng dán vào vì chúng ta sẽ dùng nó bây giờ. Nào, có lẽ bố cháu sẽ giúp chúng ta được đấy nhỉ? Tôi cố mỉm cười với người đàn ông và gợi ý.
Người đàn ông nhăn nhó lắc đầu. Đợi Jami đi xa vài bước nhặt quả táo rơi, anh ta nói khẽ:
– Tôi không phải là bố của Jami. Tôi là chú nó. Nét mặt nhăn nhó trên mặt người đàn ông bỗng chuyển thành nụ cười. Tôi không biết phải cảm ơn cô thế nào vì đã giúp chúng tôi. Tôi không quen xoay sở trong những tình huống như thế này, mặc dầu tôi biết tôi sẽ phải quen dần. Người đàn ông lắc đầu thở dài, sau đó anh ta nhìn đồng hồ và lại lắc đầu lần nữa - Nếu chị gái tôi đến đây đúng giờ thì tôi đã không phải đương đầu với chuyện này, nhưng thật tiếc bà chị Marguerite của tôi chẳng mấy khi đúng giờ cả.
Jami đã nhặt xong các thứ bị bỏ rơi vào túi của tôi rồi kéo khoá lại. Nó nói đầy hãnh diện:
– Cháu đã nhớ bỏ hộp băng dán ở bên ngoài rồi đấy.
– Nhưng cháu quên cất một thứ quan trọng đấy Jami ạ! Người đàn ông mỉm cười, cúi xuống nhặt chiếc lá vàng tôi đã cất vào túi khi nãy lên.
Anh ta mở túi và cẩn thận đặt chiếc lá vào trong rồi quay sang cười bằng cả ánh mắt và miệng:
– Vì tất cả chúng ta, tôi không thể để cô mất chiếc lá này được, đúng không nào?
Tôi đáp lại cái nhìn trìu mến của anh ta rồi khẽ nói:
– Thật đáng tiếc vì Jami không bắt được chiếc lá nào, nếu như thế thì có thể Jami sẽ không bị ngã. Đến đây nào – Tôi nói và nắm tay Jami – Chúng ta sẽ rửa vết thương của cháu ngay bây giờ. Cháu có thể chọn bất cứ miếng băng nào cháu muốn để băng vết thương. Đằng kia có một cái ghế, cháu ngồi xuống đó để cô giúp cháu nhé!
Jami nhìn tôi lo lắng hỏi:
– Sẽ không đau chứ cô?
– Tôi vờ như không nghe thấy câu hỏi của nó. Để đánh lạc hướng chú ý của thằng bé, tôi bảo:
– Jami biết không? Chúng ta đang đi trên một con đường nhỏ mà một nhà thơ có tên là Theophile Gautier đã từng dắt con tôm hùm của ông ấy đi dạo? Cháu có biết con tôm hùm không?
Tôi thủ thỉ với thằng bé, cố làm cho nó không nghĩ tới đầu gối của nó vì thằng bé đang đi cà nhắc, tôi cũng không nghĩ là vết thương rỉ máu lại làm cho nó bước đi cực nhọc như vậy. Có thể thằng bé giống những đứa trẻ khác cố làm ra vẻ đau đớn hơn để người lớn phải chú ý đến nó.
– Cháu biết con tôm hùm rồi! Thằng bé qủa quyết với tôi - Thỉnh thoảng bữa tối nhà cháu có ăn tôm hùm. Cháu nghĩ mùi vị của chúng khiếp lắm, nhưng bà cháu lại thích chúng.
– Tôi chưa nghe câu chuyện nào về Gautier như thế cả. Chú thằng bé nhìn tôi với vẻ quan tâm rõ rệt - Liệu chuyện có thật hay không hay là cô bịa ra đấy?
Thật mà! Ít nhất chuyện đó cũng được ghi trên một số cuốn sách. Khi tôi còn học ở Sorbonne, một anh chàng nghiên cứu sinh đã cố thử xem liệu anh ta có thể đi dạo cùng một con tôm hùm trên lối này không. Việc đó khá gây ấn tượng.
Người đàn ông nhìn tôi ngờ vực rồi anh ta hỏi:
– Nếu cô đã từng học ở Sorbonne thì chắc cô phải nói tiếng Pháp khá giỏi?
– Tôi cho là vậy. Tôi khẽ nhún vai rồi nói – Đã có lúc tôi nghĩ đến việc dạy tiếng Pháp.
– Cháu cũng nói tiếng Pháp, chú Lulu cũng nói tiếng Pháp, Jami nói chen vào.
– Tôi cho là thằng bé đang khoác lác một chút và tôi cười, nhưng tôi cười không phải vì sự khoe khoang của thằng bé mà vì cái tên “Lulu” có vẻ không hợp với người đàn ông đẹp trai vạm vỡ đang đi cạnh tôi.
Chúng tôi bước đến cái ghế dài bên lối đi. Tôi bảo Jami ngồi xuống và mở cái hộp đựng băng dán, còn tôi thì mở túi lấy giấy ra lau quả táo.
Của cháu đây Jami. Tôi đưa qủa táo thẳng cho thằng bé – Khi cô thấm giấy này trên đầu gối cháu, nó có thể làm cháu đau một chút, vậy cháu cứ cắn mạnh vào qủa táo này trong khi cô làm nhé. Như vậy cháu sẽ không khóc đâu.
– Lần đầu tiên tôi nghe thấy rằng một quả táo lại được sử dụng như một liều thuốc gây tê đấy, chú thằng bé pha trò – Cháu sẽ kể với cô Marguerite về chuyện này nhé Jami, người đàn ông vỗ nhẹ vai thằng bé.
– Cháu sẽ kể cho cô ấy nghe cả chuyện con tôm hùm nữa, Jami cười khúc khích.
– Trước hết cháu hãy cắn một miếng táo nhé. Tôi bảo thằng bé và đợi cho đến khi nó cắn miếng táo “sột” một cái, tôi mới bắt đầu lau những hạt cát bám trên vết thương của nó. Tôi làm rất kiên quyết và mau lẹ. Trong lúc tôi làm, thằng bé có rùng mình nhưng miệng nó đã đầy táo rồi nên không thể kêu được.
Trước khi thằng bé nuốt một miếng táo thì miệng nó đã cắn một miếng táo rồi.
Vậy nên thời điểm rửa vết thương đau nhất cũng đi qua.
Thằng bé ngỏn nghoẻn nhai táo trong lúc tôi đặt miếng băng lên vết thương của nó. Khi tôi băng xong và lau sạch vết máu khô kéo dài đến tận cẳng chân thì nó đã ăn hết già nửa trái táo.
Tôi quay sang chú thằng bé, người nãy giờ chăm chú theo dõi những thao tác của tôi với con mắt đầy thán phục và bảo:
– Tôi hy vọng đã không làm bữa trưa của cậu bé mất ngon.
– Jami mới có một qủa táo, làm sao chán được cơ chứ. Anh ta qủa quyết rồi nhìn thẳng vào mắt tôi hỏi:
– Cô còn táo không? Vấn đề không phải là bữa trưa của Jami ra sao mà là bữa trưa của cô kìa. Cô đang đi picnic đúng không? Cô đã mang theo táo này, bánh này và cả sôcôla nữa.
Tôi gật đầu.
– Ôi! Thế thì bây giờ cô không còn táo nữa rồi. Những cái bánh mà Jami làm rơi xuống đất cũng không ăn được nữạ. còn..... – Tôi vẫn còn sôcôla, tôi nhanh nhảu - Đằng nào thì gió mạnh thế này mà chỉ ăn một bữa trưa toàn đồ nguội thì... Một đĩa súp nóng sẽ hấp dẫn hơn. Tôi nói và nhặt gói băng bỏ vào túi.
Tôi nhìn sang Jami, thằng bé ngồi trên ghế, đang duỗi chân ra để xem miếng băng tôi băng lên đầu gối của nó to đến ngần nào. Tôi bảo thằng bé:
– Cháu là một bệnh nhân dũng cảm đấy, Jami ạ. Nhưng sau này cháu nhớ đừng có để trượt chân nữa nhé. Còn đây, tôi đưa tay vào túi lấy những cái bánh cuộn dính sạn, cháu cầm lấy mang cho những con chim sẽ ở đằng kia ăn. Việc đó sẽ làm cháu vui trong lúc đợi chờ cô cháu đến.
Tôi nhìn Jami rồi nhìn chú nó:
– Tôi hy vọng chị gái anh đến trước khi những đám mây kia dội mưa xuống công viên. Tôi cũng hy vọng là ngày hôm nay anh sẽ không gặp thêm xui xẻo nào nữa. Tôi cười và xốc quai túi lên vai cùng với bao đựng máy ảnh. - Tạm biệt nhé, chúc một kì nghỉ vui vẻ ở Paris. Tôi nói và đứng dậy. Tôi chuẩn bị bước đi thì người đàn ông đó chợt đưa tay ra nắm lấy tay tôi.
– Cô gái thân mến! Cô không thể ra đi như thế sau những gì cô làm cho chúng tôi. Jami, chú nói có đúng không? - Anh ta nhìn sang thằng bé cầu cứu - Điều tối thiểu mà chúng tôi có thể làm là mời cô dùng bữa trưa với chúng tôi, đặc biệt là khi chúng tôi đã làm hỏng bữa trưa của cô. Anh ta mỉm cười với tôi, nụ cười thật hấp dẫn, hệt như nụ cười đầu tiên mà anh đã dành cho tôi khi thấy tôi bắt chiếc lá.
– Cô sẽ ăn cùng chúng tôi nhé! Anh ta dỗ dành. Đó sẽ là cách chúng tôi cảm ơn cô vì cô đã giúp đỡ chúng tôi.
– Ồ! Đó chỉ là vì tôi muốn giúp đỡ anh thôi mà!
– Vâng, và hơn cả sự sẵn lòng của cô, xin cô cho phép tôi thể hiện sự cảm kích đối với những gì cô đã làm cho chúng tôi bằng một bữa trưa.
Tôi do dự. Tôi đã ở Paris gần một tuần rồi. Những người bạn ở thành phố này mà tôi định viếng thăm đều đi vắng cả, tôi đang mệt mỏi vì phải ở Paris một mình. Đi ăn và chuyện trò với ai đó có lẽ sẽ là một sự thay đổi thú vị, nhưng suy cho cùng thì người đàn ông này cũng chỉ là một người đàn ông xa lạ, tôi chỉ có thể đi cùng anh ta trong một hai giờ. Dẫu sao tôi vẫn cứ nghi ngờ, không biết anh ta có thật sự muốn tôi nhận lời mời của anh ta hay không? Hay anh ta chỉ mời lấy lệ mà thôi và biết đâu anh ta bây giờ lại chẳng hối tiếc vì đã trót nói ra lời mời ấy thì sao.
Người đàn ông cảm nhận được sự do dự của tôi, anh nói nhanh:
– Jami sẽ không quấy rầy chúng ta, nếu đó là điều cô lo lắng. Còn chị tôi sẽ đến ngay thôi. Chị tôi không đến nỗi phải bắt tôi đợi qúa mười lăm phút đâu. – Anh ta nhìn đồng hồ.
Anh ta chờ đợi câu trả lời của tôi, song tôi chưa quyết định. Sẽ là hợp lý nếu tôi lắc đầu nói một cách lịch sự và kiên quyết rằng tôi không thể chấp nhận lời đề nghị của anh ta.Và rằng anh ta chẳng nợ gì tôi cả. Như thế rồi chào và bước đi.Nhưng thực tâm tôi lại không muốn làm điều đó. Tôi muốn ở lại thêm một lát với người đàn ông đó, người mà đối với tôi thật hấp dẫn.Rồi tôi lại tự mắng mình rằng như thế là ngốc nghếch, rằng tôi không thể để cảm tính lấn át lý trí được.
Tôi sắp mở miệng để nói lời chia tay cuối cùng, nhưng nụ cười quyến rũ trên môi người đàn ông, ánh mắt van lơn của Jami đã làm nhụt lòng quyết tâm của tôi.
Thay vì từ chối. Tôi đã đáp lại nụ cười của người đàn ông và đã nói ra quyết định mà lúc đó hầu như tôi không hiểu được nó sẽ thay đổi cuộc đời tôi như thế nào.
– Anh sẽ không để tôi nói lời xin lỗi vì đã từ chối lời mời của anh phải không?
– Vâng, không đời nào – Anh mở một nụ cười thoả mãn rồi nhìn thằng bé.
– Nào, thế là đã quyết định rồi nhé Jami. Anh ta nắm tay thằng bé và nhấc nó đứng dậy – Đi nào và chúng ta xem có thể tìm thấy cô Marguerite của cháu ở đâu không?
Anh ta vừa dứt lời thì có người phụ nữ vọng tới:
– Hai chú cháu ở đây ư? Không thấy hai người tôi lo qúa. Cậu luôn đúng giờ nên tôi nghĩ chắc là đã có chuyện gì xảy ra với hai người rồi.May là khi nhìn dọc con đường này tôi đã thấy Jami và con thuyền của nó. Ôi! – Người phụ nữ ngừng nói và nhìn chằm chằm vào miếng băng trên đầu gối Jami, sau đó nói tiếp vẻ lo lắng:
– Jami, cháu lại làm đầu gối bị thương rồi! Có chuyện gì xảy ra vậy?
– Đó là một chuyện rắc rối, chị Marguerite ạ. Người đàn ông đáp. Em sẽ giải thích với chị trong lúc ăn trưa. Người bạn này sẽ cùng đi với chúng ta luôn thể.
Marguerite, người phụ nữ có mái tóc đỏ dễ thương ngước nhìn tôi, trán chị ta nhăn lại cau có, khi phát hiện ra tôi đang đứng cạnh em trai và cháu mình.
– Để em giới thiệu chị với... Người đàn ông dừng lại gượng cười rồi tiếp tục - Với cô Florence Nightingle.
– Florence Nightingle? Marguerite nhắc lại tên em mình vừa nói rồi nhìn tôi nghi ngờ. Tên cô không phải như vậy phải không?
Tôi cười:
không, tên tôi là Lisa Angus.
– Vâng, đúng là Lisa Angus – Chú của Jami nhắc theo – Bây giờ tôi đã biết cô là ai, cho phép tôi giới thiệu tiếp nhé. Lisa, đây là chị gái tôi, chị Marguerite Fletcher. Tôi là Luke Fletcher, còn Jami là Jami De La Haie.
Jami vội chìa tay ra. Tôi bắt tay nó một cách trang trọng và thấy rõ cô của nó đang nhìn tôi đầy thắc mắc.
– Luke! Chị ta nói bằng giọng nóng nảy – Tôi không biết chuyện gí đã xảy ra? Mắt chị ta liếc xuống chỗ đầu gối bị băng của Jami – Không phải cô Lisa đây đã làm cho thằng bé bị thương đấy chứ.
Tôi nhăn nhó vì câu nói của người phụ nữ có cái tên dễ thương. Luke vội giải thích:
– Hoàn toàn không phải như vậy. Sự việc lại ngược lại kia. Lisa đã giúp Jami, đúng không Jami? Anh ta xoa đầu cậu bé và nói:
– Chúng em đã mời cô ấy đi ăn trưa để cám ơn đấy.
Nhận thấy vẻ mặt khinh khỉnh trên mặt người phụ nữ, tôi vội vàng nói:
– Tôi đã bảo với em chị là không cần phải cám ơn tôi bằng cách ấy.
– Nhưng tôi muốn đáp lại - Giọng Luke đầy quyết đoán.
– Ý cậu ta là không muốn mang ơn ai. Chị gái Luke châm chọc.
– Cô có vẻ vui vẻ nhận lời của Luke. Luke thích làm theo ý cậu ấy và cậu ấy thường đạt được mục đích. Chị ta nhăn nhó nhìn Luke:
Dù sao nếu có chuyện gì, tôi vẫn muốn nghe cô và cậu kể lại.
– Nào bây giờ, chị ta nói thêm, giọng mạnh mẽ khiến tôi nghĩ đến cách nói của Luke – Chúng ta đi thôi. Tôi để xe ở đằng kia, gần cổng công viên, nhưng người ta không cho phép đỗ xe ở đó lâu. Tôi không muốn lại bị nộp tiền phạt, tuần này tôi đã bị phạt rồi.
– Luke đùa:
– Rồi chị sẽ lấy được anh chàng trả tiền phạt cho chị.
Chị ta đốp lại:
– Mong Edouard làm điều đó cũng lâu đấy. Tôi chẳng có cách nào thuyết phục anh ấy đồng ý chấp nhận các điều kiện. Tôi biết rõ quan điểm của anh ấy. Luke, trường hợp của cậu và Frederique dễ hơn nhiều, cho dù cô ấy không muốn...
– Đủ rồi Marguerite. Luke vội ngắt lời chị gái. Anh lừ mắt với chị mình.
– Xin lỗi Luke, chị ta càu nhàu - Lẽ ra tôi không nói chuyện đó, chỉ vì tôi không được thoải mái. Sáng nay tôi và Edouard lại cãi nhau. Tôi thấy bế tắc qúa.Mấy hôm nay chúng tôi cứ bất đồng với nhau suốt. Chị ta thở dài - Đừng bao giờ yêu Lisa ạ!Tình yêu làm cho người ta dễ bị tổn thương lắm.
Chị ta lấy chùm chìa khóa từ chiếc túi da màu đen đắt tiền rồi dừng lại bên chiếc Alfa Rome màu đỏ tươi có biển đăng ký của Pháp. Chị ta mở khóa cửa xe và giữ cửa cho tôi lên xe.
Vấn đề gia đình mà chị em họ vừa để lộ ra khiến tôi thấy ngần ngại. Tôi ước giá mà tôi đủ cứng rắn để từ chối lời mời của Luke, song đã muộn rồi nên tôi chẳng làm gì thêm được nữa.
Jami và chú nó ngồi vào băng ghế sau, còn Marguerite ngồi trước tay lái.
Quả thật chị ta là một nữ lái cừ. Giữa đường phố đông nghẹt, đang giờ tan tầm, mà chị ta cho xe luồn lách, lắt léo rất điệu nghệ.
Tôi hy vọng chúng ta sẽ tìm được một chỗ đỗ xe gần Lipp - Chị ta đang nói đến quán ăn ngoài trời nổi tiếng ở đại lộ St.Germain.
– Chúng ta có thừa thời gian, chị Marguerite ạ. Biết chị qúy thời gian nên em đã bảo với chị bàn của chúng ta sẽ sẵn sáng lúc một giờ, nhưng thật ra là một giờ ba mươi cơ. Luke thích thú nói.
– Chị ta lườm Luke qua gương xe và kêu lên:
– Ha ha, ranh mãnh thật - Chẳng phải vậy sao? Bây giờ chị có thời gian để tìm chỗ đậu xe mà không cần phải toát mồ hôi đâu.
Nghe họ giễu cợt nhau, tôi lại nghĩ đến cách mà anh trai tôi và tôi thường trêu chọc nhau. Điều đó khiến tôi thấy dễ chịu hơn khi đi chung với họ.
Jami ở băng ghế sau chợt lên tiếng:
– Cháu sẽ không ăn món tôm hùm đâu.
Cô thằng bé nhướng lông mày hỏi:
– Điều gì khiến cháu nói như vậy?
– Sáng nay chúng cháu đã nói về những con tôm hùm đấy, chú Luke nhỉ? Cô biết không cô Marguerite, cô có thể mang những con tôm hùm đi dạo bằng dây xích giống như những con chó vậy. Cháu không thích ăn thịt một con chó. Cô cũng vậy, đúng không cô?
– Ừ! Tất nhiên là không rồi! Marguerite bật cười:
– Nhưng mà ai đã nhồi nhét vào đầu cháu những điều vô lý ấy? Luke, cậu phải biết rõ hơn chứ? – Marguerite trách em trai mình.
– Không vô lý đâu, Jami phản đối – Chính cô Lisa đã bảo cháu thế mà. Jami nói tên tôi cứ như thể chúng tôi là những người bạn thân vậy.
– Điều đó có thật đấy. Tôi trả lời ánh mắt đầy khó hiểu của Marguerite rồi kể lại câu chuyện về Gautier cùng con vật ưa thích của ông ta.
Chị ta phá lên cười. Chị ta bảo chưa bao giờ nghe câu chuyện hoang đường ấy.
Luke đề nghị:
– Tôi có ý này. Lisa sẽ kể cho chúng ta nghe về Paris. Cô ấy nói cô ấy đã từng học ở Sorbonne mà.
– Cô đã từng học ở đó thật ư? – Marguerite liếc xéo sang tôi trước khi khéo léo lượn xe vào một chỗ đỗ xe vửa được giải phóng.
– Nào, thế này chẳng phải may mắn lắm sao? - Chị ta nói và bấm còi xe vẻ hài lòng. Tôi cho chị ta làm như thế để biểu hiện sự hài lòng vì mình đã tìm được chỗ để xe, chứ chẳng phải vì biết tôi đã từng là một sinh viên ở Paris. Khi tôi tháo dây bảo hiểm khỏi người, chị ta lại liếc tôi một lần nữa và nói:
– Cuối cùng thì chúng ta cũng không phải đi bộ xa. Nhà hàng chỉ cách đây khoảng trăm mét thôi. Tôi hy vọng là cô đã từng đến đó.
Tôi lắc đầu, tất nhiên là tôi đã nghe về nó, nhưng đến một chỗ như Lipp thì là qúa khả năng tài chính của một sinh viên như tôi.
Marguerite cười:
– Hồi còn học ở Sorbonne tôi cũng không dám đến đó. Là một danh nhân và một sinh viên qủa là khác nhau.
Luke Và Jami đã ra khỏi xe, đang đứng ở vỉa hè đợi chúng tôi. Tôi vừa bước tới chỗ họ thì bất ngờ một cơn gió ào tới giật tung chiếc khăn lụa quấn hờ dưới cổ áo tôi. Tôi kêu lên hoảng hốt, cố lấy tay với lấy nó, nhưng gió nhanh hơn đã cuốn nó ra khỏi tầm với của tôi. Chiếc khăn đang bay về phía lòng đường thì Luke quay lại. Anh ta chộp lấy chiếc khăn đúng lúc nó vừa bay qua đầu anh ta.
– Cám ơn anh. – Tôi hổn hển nói và đưa tay đón chiếc khăn – Nhưng thay vì đưa lại khăn cho tôi thì Luke lại gấp chiếc khăn bỏ vào túi áo mình.
– Ở đây nó sẽ an toàn hơn. – Luke nói vừa lúc một cơn gió khác ập đến khiến chúng tôi tưởng chừng như không đứng vững nổi. – Tôi nghĩ là phải giặt nó đi đã. Anh ta nói thêm. – Lúc ấy, những giọt mưa đầu tiên bắt đầu rơi xuống vỉa hè. Luke bảo Jami:
– Đi nào Jami, để xem chúng ta có thể đến quán ăn trước các cô ấy không nhé... Nói rồi anh ta cầm tay Jami dắt đi.
Đúng là trong thực đơn của nhà hàng có món tôm hùm, song chúng tôi chẳng ai chọn nó cả. Thực ra thì tôi thích liếc xem liệu trong nhà hàng có những nhân vật nổi tiếng hay không, hơn là xem thục đơn. Cho tới khi nụ cười của Luke nhắc nhở, tôi mới nhớ ra là chúng tôi đến đó để ăn chứ không phải để ngắm cảnh. Tôi cười với Luke và bảo anh ta nếu biết món nào đặc biệt thì chọn giúp tôi.
Cô nói gì thế Lisa? Anh ta trêu:
– Có phải cô muốn tôi chọn món vì cô vẫn nhớ tới thời sinh viên, cái thời mà cô không biết anh chàng đưa cô đi ăn đã trả bao nhiêu cho bữa ăn, đúng không?
Tôi đỏ mặt lúng túng. Marguerite thấy thế liền nói đỡ:
– Đừng để ý đến những gì Luke nói, Lisa ạ. Cậu ta là kẻ thích trêu chọc bẩm sinh đấy. Chỉ có tôi mới biết rõ điều đó mà thôi.
Đó là một bữa ăn hảo hạng. Các món ăn được phục vụ nhẩn nha để chúng tôi vừa thưởng thức món ăn vừa nói chuyện. Câu chuyện của chúng tôi dường như chỉ nghiêng về một chủ đề vì Marguerite sau khi biết được tôi đã gặp em và cháu chị ta như thế nào thì cứ tò mò muốn biết thêm về tôi.
Trước khi cà phê và món tráng miệng được mang tới, Marguerite đẽ kịp tìm hiểu tôi từ đâu đến, bố mẹ còn sống hay không và hiện họ làm nghề gì. Thậm chí tôi đã kể với chị ta rằng tôi được đào tạo để trở thành một giáo viên dạy ngôn ngữ, nhưng khi tôi ra trường thì có quá nhiều giáo viên mà việc làm thì qúa ít. Vì thế, sau khi dạy tiếng Anh ở Thụy Sĩ một thời gian tôi đã quyết định trở về Edinburgh và nhận lời đề nghị của bố tôi đến làm ở phòng chụp ảnh của ông. - Bố tôi luôn khuyến khích mối quan tâm về ảnh của tôi. Tôi nghĩ mối quan tâm ấy là bẩm sinh và tôi thấy thích việc đó hơn là dạy học.
– Đó là công việc mang tính chất gia đình, đúng không? – Luke hỏi vẻ quan tâm. Nó được truyền từ đời này sang đời khác, giống như gia đình chúng tôi?
Tôi không biết công việc của Luke là gì, song vẫn trả lời:
– Không, không hẳn. Việc ở phòng ảnh là công việc mới mẻ đối với bố tôi. Ông là một phóng viên nhiếp ảnh. Tuy nhiên, ông đã phải nghỉ việc vì lý do sức khoẻ. Xe ô tô của ông bị vướng mìn ở Lebanon. Ông bị thương và sau đó đi lại rất khó khăn.
Luke kêu lên:
– Bố cô có phải là Bill Angus không? Tôi đã xem triển lãm ảnh của ông trong lần đến Lodon trước đây. Tôi thấy ảnh ông chụp tuyệt vời lắm. Cô cũng giỏi như bố của cô chứ?
Tôi nhăn nhó:
– Tôi cũng mong được như thế nhưng còn lâu tôi mới được như vậy. Có lẽ ý tưởng trong đầu sẽ giúp tôi biết làm gì trong tương lai.
– Quyết định gì vậy? –Luke hỏi.
– Tôi vừa quyết định sẽ làm một quyển sách chỉ dẫn về Paris từ những góc không thường thấy của nó. Tôi đã nghĩ được tên cuốn sách đó. Nó sẽ mang tên:”.
Những địa danh của Paris, những diện mạo của thành phố”. Tôi hăng hái nói tiếp:
– Anh biết không, tôi biết khá nhiều địa điểm xưa cũ của thành phố, nơi mà những người khách du lịch bình thường không bao giờ tới mặc dù những nơi ấy rất hấp dẫn và thường được biết đến nhờ khía cạnh lịch sử hơn là sự cuốn hút của nó đối với khách du lịch.
Một con mèo tới quấn quanh chân chúng tôi. Jami vuốt ve nó:
– Cháu thích mèo. Thằng bé líu lọ. - Ở nhà cháu có riêng một con mèo nhé.
– Nó tên gì? Tôi hỏi.
– Nó... nó..... Jami lúng túng không biết chọn ngôi nào để chọn gọi con mèo cho phù hợp với giới tính của nó. Cuối cùng thằng bé gọi nó theo giống cái. Nó bảo:
– Con mèo được gọi là Snoopy và nó có kẻ vằn trên người giống như một con hổ và nó thường ngủ trên giường của cháu cả đêm. Bà cháu bảo không được để nó ngủ trên giường. Cháu không thích bà...
Thằng bé định tiếp tục nhưng Luke ngắt lời nó một cách nghiêm khắc. Anh ta bảo:
– Thế đủ rồi, cậu bé.
– Nhưng cháu không thích bà thật mà. Bà nói sẽ mang Snoopy đi. Thằng bé ngừng một lát rồi nhìn chú với vẻ mặt lo sợ và hỏi:
– Chú có nghĩ là bà sẽ đuổi con Snoopy đi trong lúc cháu vắng nhà không?
– Đừng ngốc nghếch thế, dĩ nhiên là bà sẽ không đuổi nó. Dù thế nào thì Nana cũng sẽ chăm sóc nó tử tế trong lúc cháu đi vắng mà. Cô ấy sẽ không để chuyện gì xảy ra với nó đâu.
Rồi để đổi hướng suy nghĩ của thằng bé, Luke bảo:
– Nhân tiện nói về Nana. Chú nghĩ là chiều nay chúng ta sẽ chọn một món qùa gì để cháu mang về cho cô ấy nhé, được không?
– Ý đó hay đấy! Marguerite nói chen vào trong khi tôi vẫn đang nhìn thằng bé đầy thắc mắc. Tôi thấy cách thằng bé nói về bà nó không bình thường. Hầu hết trẻ con đều qúy bà chúng, thế mà Jami lại thẳng thừng nói là nó không thích bà, cỏn cô chú nó thì chẳng có gì là ngạc nhiên trước tuyên bố của thằng bé.
Tôi đang băn khoăn như thế thì Luke bảo:
– Tôi nghĩ chúng ta nên rời khỏi đây kẻo Jami lại đem những chuyện khó nói của gia đình ra kể. Tôi không muốn cô Lisa có ấn tượng không hay về chúng ta.
– Chuyện khó nói của gia đình là gì ạ? Jami hỏi, nhưng Marguerite đã lờ câu hỏi của nó đi. Chị ta vẻ buồn buồn.
– Tôi ước gì gia đình mình không có những chuyện khó nói và những gì tương tự. Tôi ước gia đình chúng ta là một gia đình bình thường. Tôi muốn chúng ta, tôi và cậu, không bị mắc vào lời hứa điên rồ với Alain. Đúng, Luke ạ, tôi ước gì Chúa giúp chúng ta thoát khỏi sự hứa hẹn đó để tôi có thể lấy Edouard và còn gì nữa nhỉ? – Marguerite nhìn xoáy vào em mình:
– Ước gì cậu có thể làm gì đó để tháo gỡ nếu cậu quan tâm đến tôi. Nhưng cậu là đồ ích kỉ.
Cậu cứ chúi mũi vào việc riêng của cậu. Tôi chắc nếu cậu biết thuyết phục thì Frederique sẽ chấp nhận...
– Đủ rồi, Marguerite. Vì Chúa chị đừng nói nữa. Luke ngắt lời chị gái trước khi chị nói hết câu.
– Đừng nói nữa ư? Ngón ta Marguerite lấp lánh chiếc nhẫn kim cương:
– Làm sao tôi có thể bình tĩnh và mỉm cưới trước chuyện đó. Tôi đã phải hoãn đám cưới của mình không biết đến bao giờ. Cậu không thể tưởng tượng nổi cái cảm giác ấy đâu. Tuyệt vọng, đau khổ, ôi, Chúa ơi! Marguerite nghẹn ngào, đẩy mạnh chiếc ghế rồi đứng dậy. Nước mắt lưng tròng, chị ta chạy vào phòng vệ sinh.
Tôi định chạy theo Marguerite xem chị ta có sao không, nhưng Luke đã đưa tay ra giữ tôi lại. Anh ta nói:
– Hãy để chị ấy một mình một lát. Chỉ cần chị ấy kiên nhẫn thì mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.