Giây phút tiếng chuông cửa vang lên đầy thánh thót, Văn Địch suýt nữa đánh rơi đống quần áo trên tay.
Cậu lấy lại bình tĩnh, ôm đống áo dài tay và quần jeans lộn xộn ấy rồi nhón chân đi vào trong phòng khách, ngồi xổm xuống dựa vào cửa. Hành tung lén lút chẳng khác gì một thằng trộm bị bắt quả tang khi chủ nhà quay về.
Hành động này quá vô nghĩa, Văn Địch cũng không biết tại sao mình lại phải rúc vào trong góc tường nữa, người ngoài cửa có nhìn thấy đâu.
Chuông cửa lại kêu mấy tiếng, Vu Tĩnh Di mở cửa phòng ngủ rồi thò đầu ra. Hai người cư trú trái phép, ngoài người giao hàng ra thì không ai ghé thăm cả, mà giờ này thì mấy anh giao hàng cũng tan làm rồi.
Với lại nhìn Văn Địch không giống ra nhận hàng mà giống trốn nợ hơn.
"Chuyện gì thế?" Vu Tĩnh Di hỏi, "Bên ngoài là ai?"
Văn Địch đưa ngón trỏ lên môi rồi vẫy tay gọi cô. Vu Tĩnh Di đi ra như bị ma nhập rồi cũng ngồi xổm xuống bên cạnh một cách khó hiểu.
Văn Địch buông ngón tay xuống, đưa tay lên cạnh miệng, quay ra thì thầm: "Hàng xóm."
Vu Tĩnh Di không hiểu gì: "Sao phải trốn hàng xóm?"
"Đùa à, đó là một tên đàn ông cơ bắp cao mét chín, tao chửi nhau với người ta bao lâu nay, lỡ như ổng tới trả thù, đấm tao một phát nghẻo luôn thì phải làm gì đây?" Văn Địch hạ thấp giọng, "Với lại bọn mình thuê trái phép, nếu bị lộ ra thì sao? Mày nhìn hai đứa mình có giống giáo sư tý nào không?"
Thường ngày Vu Tĩnh Di nói chuyện sôi nổi với bạn bè nhưng thực ra cô nàng là người hướng nội hiếm thấy ở khoa ngoại ngữ, nếu không thực sự cần thiết thì không bao giờ ra ngoài xã giao và gặp người khác. Cư trú trái phép vốn dĩ đã chột dạ rồi, lại thêm vẻ mặt cảnh giác của Văn Địch khiến Vu Tĩnh Di cũng thấy hoảng hốt lây: "Sao tên ấy lại sang đây? Mày lại chọc tức người ta à?"
"Không phải tao," Văn Địch nói: "Là do gió Bắc Kinh."
Sau vài tiếng gõ cửa, bên ngoài đột nhiên trở nên yên tĩnh. Hai người áp tai lên cửa, nín thở nghe ngóng một lúc. Vu Tĩnh Di nói: "Đi rồi?"
Văn Địch đứng dậy, một cái ống quần trượt xuống rồi treo ở cánh tay, Vu Tĩnh Di nhấc lên trước khi nó chạm đất rồi vắt lên vai Văn Địch.
Văn Địch ghé mắt vào mắt mèo trên cửa để nhìn, một lát sau thì lắc đầu.
"Chưa đi?"
"Chả nhìn thấy gì," Văn Địch nói: "Sao vẫn chưa xé câu đối tết trên cửa? Chữ hỷ che mất mắt mèo rồi." Đặng một lúc, bắt đầu chối bỏ trách nhiệm, "Tháng trước tao bảo mày xé rồi mà?"
Vu Tĩnh Di bặm môi: "Mày đi mà hỏi đàn anh ấy, đồ từ tết mà sao hết tết rồi vẫn còn treo."
Còn chưa dứt lời, Văn Địch cảm nhận được điện thoại rung lên. Cậu tìm theo nguồn âm thanh, móc nó ra từ đống quần áo. Một dòng tin nhắn bật lên trên màn hình: [Sao lại không mở cửa?]
Văn Địch run rẩy, lẽ nào ông kia vẫn đứng ngoài cửa và nhắn tin cho cậu?
Cậu muốn trả lời "không ở nhà" nhưng vừa rồi cậu chụp ảnh cái áo rồi gửi sang, chứng tỏ đã về nhà rồi.
Ngón tay gõ nhẹ lên màn hình, cậu nghiến răng nhắn: [Đang đi vệ sinh.]
Vừa gửi đi Văn Địch đã hối hận, nếu mười phút nữa tên kia lại đến nữa thì sao? Thế là vội vàng bổ sung: [Anh cứ về trước đi, lát nữa tôi đặt trước cửa nhà anh.]
Hàng xóm: [Lát nữa là lúc nào?]
Hỏi rõ ràng như vậy làm gì? Đợi sẵn để úp sọt cậu chắc?
Văn Địch: [Trước khi đi ngủ thì anh ra cửa mà lấy.]
Hàng xóm: [Cậu trả cái áo sơ mi thôi mà tốn hai tiếng đồng hồ?]
Văn Địch cúi đầu nhìn cái áo, ngẫm nghĩ rồi bịa bừa một lý do: [Tôi đang giặt nó rồi, đợi giặt xong thì trả lại.]
Hàng xóm: [Sao cậu phải giặt áo cho tôi?]
Văn Địch: [Quần áo của tôi cũng rơi xuống đất nên tiện thể giặt hết luôn. Dù gì cũng ném hết vào máy giặt, thêm một cái áo đâu tốn sức.]
Hàng xóm: [Cậu lấy ra ngay! Cái áo đó phải giặt tay, không được giặt máy.]
Hay rồi, bịa bừa một lý do mà giẫm ngay vào mìn. Văn Địch nghĩ mấy giây rồi trả lời: [Được rồi được rồi, lấy ra rồi, yên tâm đi. Còn chưa bắt đầu giặt, để tôi vắt khô rồi trả lại, anh cứ về trước đi.]
Hàng xóm: [Cậu nhanh lên, ngày mai tôi cần mặc cái áo ấy.]
Văn Địch nhìn cái áo sơ mi. Bắc Kinh hanh khô, để một buổi tối là khô gần hết rồi, ngày mai sấy thêm một lúc là có thể mặc ngay, thế nhưng có cần cứng nhắc như thế không: [Ngày mai anh mặc áo khác không được à.]
Hàng xóm: [Đó là áo dành cho thứ Sáu, tôi nhất định phải mặc nó.]
Văn Địch nhìn chằm chằm vào màn hình, vẻ mặt y như meme ông già ngồi tàu điện ngầm. Cậu thử tưởng tượng ra cái tủ quần áo được sắp xếp theo thứ tự từ thứ Hai đến Chủ Nhật, cảm thấy da gà thi nhau nổi lên.
Xì, ám ảnh cưỡng chế.
Văn Địch nghiến răng: [Được được được, anh về trước đi, lát nữa tôi trả lại.]
Hai phút sau không thấy hàng xóm trả lời, Văn Địch quay lại nói với Vu Tĩnh Di: "Có lẽ là đi rồi."
Vu Tĩnh Di thở phào, chống tay xuống sàn để đứng dậy, cảm thấy chân đã tê rần. Cô nàng vừa đấm chân vừa ngửa cổ nhìn Văn Địch, tỏ ra nghi ngờ: "Sao chúng ta phải làm thế này?"
Luống cuống tay chân, chật vật nhếch nhác, hoảng hốt thấp thỏm, hành động khả nghi.
Văn Địch: "Bởi vì nghèo."
Nói xong, cậu đứng lên đi vào trong bếp. Máy giặt đặt bên cạnh bồn rửa, cậu rút quần áo của mình bỏ vào trong, sau đó giơ một chiếc áo sơ mi cực rộng lên.
"Mày làm gì thế?" Vu Tĩnh Di thấy Văn Địch xả nước vào thau nhựa.
"Một lời nói dối cần bù lại bằng rất nhiều lời nói dối." Văn Địch nói.
Cậu làm việc cả buổi tối, bắt đầu là lau nhà, kết thúc bằng giặt áo. Điểm khác biệt là nụ cười trên môi dần tắt ngúm.
Đúng là xui xẻo, Văn Địch vừa vắt áo vừa nghĩ, cứ lúc nào vui là lại đụng phải tên khốn kia.
Vu Tĩnh Di nhìn cái áo sơ mi với vẻ ngờ vực, đứng dựa tường xem Văn Địch vừa vẩy nước trên tay vừa lẩm bà lẩm bẩm. Cô nàng xoay cái điện thoại trên tay, hỏi: "Tối thứ Bảy mày có rảnh không?"
"Tuần này?" Văn Địch nhớ lại lịch trình trong đầu, "Chắc là có, sao thế?"
"Vưu Quân về rồi, bảo là muốn ăn cơm với hai đứa mình." Vu Tĩnh Di nói: "Có đi không?"
Văn Địch ngừng tay lại, lấy cánh tay để lau cái trán tự dưng thấy ngứa ngáy: "Ở đâu?"
"Một quán đồ Nhật ở Trung Quan Thôn."
Văn Địch thầm tính toán trong đầu, giá cả đồ Nhật dao động rất lớn, từ 80 đến 800. Nếu như cậu nhớ không nhầm thì số thuế mà Vưu Quân phải đóng còn cao hơn tiền lương của cậu.
Vu Tĩnh Di vỗ vai cậu: "Yên tâm, mỗi người trả 120 thôi, vẫn ăn được."
Văn Địch thở phào, giọng điệu cũng thả lỏng hơn, chính cậu cũng không nhận ra sự thay đổi này: "Được, đi xem sinh viên tốt nghiệp đại học T thật sự sẽ trông như thế nào."
Bọn họ đều từng là con nhà người ta, nhưng con nhà người ta cũng chia ra đẳng cấp. Có người giống như Vưu Quân - trạng nguyên ngành hô mưa gọi gió trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, cũng có những kẻ... le ve giống như bọn họ.
Hồi nhỏ hay nghe người ta nói "học tập có thể thay đổi số phận", Văn Địch tin tưởng sâu sắc vào điều đó, cậu quyết tâm cày cuốc, phấn đấu học hành để tiến bước tới một tương lai tươi sáng.
Nhưng sống tới 26 tuổi rồi, cậu bỗng dưng phát hiện ra cái tương lai tươi sáng mà mình theo đuổi chẳng khác gì dã tràng xe cát, mãi mãi không thể đạt được. Dân thường vẫn mãi là dân thường, con ông cháu cha vẫn cứ là con ông cháu cha.
Cậu gấp cái áo sơ mi ướt nhẹp ấy lại, lục lọi khắp phòng để tìm túi bọc còn thừa lúc mua hàng qua mạng. Cậu không bao giờ vứt mấy cái túi ấy đi mà bỏ hết vào một cái túi to, cứ cách ba tháng, luôn có một khoảnh khắc kỳ tích sẽ cần đến chúng.
Văn Địch chạy ra cửa, áp tai lắng nghe, xác nhận hành lang không có tiếng động gì thì mới vặn tay nắm cửa để luồn ra ngoài.
Cậu nhón chân đặt cái áo trên tấm thảm trước cửa rồi quay về nhà. Trước khi vào cửa, cậu duỗi tay chọc một cái lỗ nhỏ trên chữ Phúc để mắt mèo có thể nhìn xuyên qua. Xong xuôi, cậu gửi tin nhắn cho hàng xóm rằng đã đặt đồ trước cửa rồi.
Lúc Vu Tĩnh Di quay ra phòng khách thì thấy Văn Địch đang chổng mông nheo một mắt, hai tay bám lên cánh cửa như một con thạch sùng.
Cô day mắt rồi lườm Văn Địch: "Mày lại làm gì vậy?"
Văn Địch nói: "Ngồi rình, tao muốn xem thử người ngợm tên kia ra làm sao."
Tư thế bám cửa hơi mỏi, chỉ một lúc thôi mà cơ đã cứng còng, mắt thì khô rát. Cậu giơ tay lên xoa cổ rồi chớp chớp mắt.
Vu Tĩnh Di thở dài, quyết định không tham gia vào trò chơi thiểu năng trí tuệ này.
Văn Địch nghĩ, nếu như mười năm cày cuốc học hành mang lại cho cậu điều gì đó thì ấy chính là sức bền. Cho dù phải đợi đến khi sông cạn đá mòn, cậu cũng phải xem thử tên biến thái bên kia trông như thế nào.
Sau khi chờ đợi trong đau khổ khoảng năm phút, có tiếng kẽo kẹt vang lên ở đằng xa, cánh cửa mở ra.
Văn Địch hít một hơi thật sâu rồi mở to mắt.
Cánh cửa nửa đóng nửa mở, một bóng người đi ra ngoài. Người đó đứng chếch và cúi đầu xuống, chỉ có thể nhìn thấy hai bên tóc đen. Chất tóc rất cứng, từng cọng tóc lỉa chỉa.
Xem ra không phải là ông chú trung niên bụng phệ, cũng không phải là học giả hói đầu. Dáng người gầy gò, và...
Đây không thể là một tên đàn ông cao mét chín được.
Tuy nhìn qua mắt mèo thì sẽ bị bóp méo, lại thêm người đó đang cúi đầu, thế nhưng một người cao mét chín không thể thấp hơn quá nhiều so với khung cửa. Người này còn chưa tới mét bảy.
Văn Địch nheo mắt, muốn nhìn rõ mặt của người đó.
Đáng tiếc là sau khi người đó xách túi áo lên thì cửa đã đóng lại, không hề lộ chính diện.
Văn Địch nhìn chằm chằm cánh cửa đã đóng lại, chửi một câu "đù má". Lại phí công rồi.
Cậu quay về phòng ngủ trong sự nghi ngờ, suy nghĩ về chuyện kỳ lạ vừa rồi: Người cao mét sáu mấy mà mua áo sơ mi dành cho người mét chín? Bây giờ đang thịnh hành mặc oversize? Hay là treo cái sơ mi cho người mét chín để phòng trộm?
Nghe tiếng điện thoại kêu rừ rừ, Văn Địch tưởng rằng hàng xóm lại có ý kiến với cách vắt khô và đóng gói của cậu, thế là cầm lên xem. Hóa ra là việc xét học bổng có vấn đề rồi.
Đúng là không lúc nào được yên thân.
Sau khi công bố kết quả, trong vòng ba ngày nếu có vấn đề gì thì có thể thắc mắc với bí thư ban tổ chức biện luận. Bí thư - thường là trợ lý chung, cũng chính là Văn Địch. Người thông minh không bao giờ chịu ngậm bồ hòn, thường xuyên có người đứng lên kháng nghị, năm nay cũng không ngoại lệ.
Văn Địch nhìn lướt qua tên Wechat, người tìm cậu là cô bé khóa dưới đang học năm hai tiến sĩ. Cô giành được học bổng hạng hai nên không phục, buổi tối cảm xúc dâng trào, tìm đến Văn Địch để kể lể hùng hồn một đoạn văn dài:
[Anh ạ, nếu dựa theo quy tắc cũ, chỉ nhìn vào kết quả nghiên cứu khoa học thì số bài kỷ yếu hội thảo, luận văn đăng tạp chí, số lần trao đổi học thuật và thành tích của em đều cao hơn bạn ấy. Trong diễn đàn nghiên cứu sinh, em đạt giải bài báo xuất sắc nhưng bạn ấy thì không. Còn nếu đối chiếu theo hệ thống tổng hợp, ngoài nghiên cứu khoa học ra, thành tích trên bốn phương diện còn lại của em cũng tốt hơn bạn ấy. Bọn em đều là ứng cử viên cho Ngôi Sao Văn Học, cuối cùng mỗi em được chọn; về thể dục thì em đạt quán quân cúp John Ma [1]; trong công tác xã hội thì em là người chỉ đạo, đạt chi đoàn loại Giỏi, chịu trách nhiệm toàn bộ công tác động viên sinh viên khoa ngoại ngữ tiếp tục học thạc sĩ, được đánh giá là cán bộ sinh viên xuất sắc của trường. Nói tóm lại, về khía cạnh nào thì em cũng giỏi hơn. Tại sao bạn ấy hạng một còn em lại hạng hai?]
[1] John Ma Cup là sự kiện thể thao của trường đại học Thanh Hoa, được đặt tên theo John Ma hay Mã Ước Hàn - người tiên phong trong lĩnh vực giáo dục thể chất và thể thao hiện đại của Trung Quốc, là giáo sư giáo dục thể chất tại Đại học Thanh Hoa trong 52 năm.
Văn Địch thở dài, trả lời: [Không phải cứ đáp ứng đầy đủ chỉ tiêu là sẽ được hạng nhất.]
Đàn em khóa dưới gửi một dấu hỏi chấm to đùng, sau đó nói tiếp: [Em đề nghị phải công khai tên thật trên bảng chấm điểm.]
Văn Địch nhìn màn hình mà thấy đau răng, cậu biết tin tức nội bộ về việc xét học bổng năm nay. Đàn em khóa dưới giành được học bổng hạng nhất là học sinh của giáo sư Triệu. Trước khi biện luận, giáo sư của em nó đã chào hỏi các giám khảo khác rồi. Vốn dĩ ấy mà, điều kiện của mọi người đều ngang nhau, biện luận chỉ xem mặt mà thôi, giám khảo là người quen thì sẽ được điểm cao hơn. Nếu là người có kinh nghiệm như cậu thì chỉ cần nhìn lướt qua danh sách người chấm điểm là biết năm nay mình có phải đá lót đường cho người khác hay không.
Giám khảo sẽ chấm điểm kín, cũng có nghĩ là bạn sẽ không biết được giáo sư nào đã cho mình điểm số ấy. Nếu như công khai danh tính thì biết ngay là thiên vị ai.
Làm sao có thể công khai được!
Văn Địch khuyên hết nước hết cái, nói một đống câu vô thưởng vô phạt kiểu "chấm điểm liên quan đến biểu hiện khi trả lời", "tiêu chí của các giám khảo là rất cá nhân" nhưng cô bé vẫn không phục. Văn Địch nhìn đồng hồ, sắp nửa đêm rồi, cậu vừa buồn ngủ vừa mệt mỏi, đầu cũng đau như búa bổ. Cậu chỉ là một thằng trợ lý, cậu có chấm điểm đâu mà làm khó cậu!
Văn Địch gửi một tin nhắn cho cô bé: [Nếu em có ý kiến với điểm số của các thầy cô thì nộp đơn khiếu nại nhé. Năm nay giáo sư Triệu phụ trách xét học bổng, em cứ trực tiếp tìm đến cô ấy là được.]
Đàn em khóa dưới thế mà đồng ý thật. Cái con bé này tính làm gì vậy!
Văn Địch vội bổ sung một câu: [Báo cáo học thuật lần cuối chắc chắn em sẽ đụng mặt giáo sư Triệu, cô ấy còn là chủ tịch hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ đấy.]
Cô bé khóa dưới rơi vào im lặng: [Thế thôi ạ.]
Văn Địch không bất ngờ. Học sinh không có cửa đấu với giáo sư, chỉ vì mấy đồng học bổng mà làm mất lòng người ta thì không đáng. Vả lại mấy giáo sư ấy đều dày dặn kinh nghiệm, đến cả mấy vụ cứa cổ tay với nhảy lầu còn xử lý được, sợ gì cái chuyện học bổng cỏn con này?
Cậu xoay cái điện thoại, tự dưng thấy đồng cảm với đàn em. Mong sao sang năm sẽ đổi giám khảo đánh giá, như vậy mới có thể thu lại được tiền của năm nay.
Nghĩ tới chuyện tiền nong, Văn Địch không nhịn được cơn rùng mình.
Cậu nhớ lại chuyện mình đã từng bị cướp mất 700 USD.
—------
Tác giả có lời muốn nói:
Văn học nói nhảm của Shakespeare:
"- He misses not much.
- No, he doth but mistake the truth totally." - The Tempest (Act 2, Scene 1)
"- Sai không phải sai hoàn toàn.
- Không phải sai hoàn toàn, chỉ là hoàn toàn không đúng mà thôi."
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]