🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Cuộc đời Trần Dương đã rẽ sang bước ngoặt mới từ năm mười lăm tuổi, thay đổi một trăm tám mươi độ ấy khiến trong một thời gian dài anh luôn chán nản ủ ê.

Sau khi gặp phải nỗi đau thương quá lớn, bà nội anh cũng bệnh theo nên phải nằm viện uống thuốc, cầm cự được một thời gian thì cũng đi theo người đã khuất. Trước khi chết bà nắm chặt tay Trần Dương, bởi lo lắng cho huyết mạch duy nhất còn lại trên đời này mà mãi vẫn chưa trút hơi thở cuối cùng. Bà kéo lấy Trần Dương dặn, “Diệm Diệm, phải sống cho tốt, bà và ba mẹ cháu sẽ ở dưới dõi theo cháu, phải sống cho tốt, nhất định phải sống thật tốt…”

Trần Dương quỳ nơi đầu giường, nắm lấy đôi bàn tay bà vì bệnh và đau khổ mà giờ đây gầy gò chỉ còn da bọc xương, anh không ngừng gật đầu, nghẹn ngào nói, “Bà ơi, con sẽ nghe lời, sẽ sống cho thật tốt, bà đừng lo.”

Một giọt nước mắt đục ngầu chảy ra từ khóe mắt, bà Trần thở ra một hơi cuối cùng, nhắm mắt lại.

Trần Dương cứ quỳ mãi nơi đó, đến tận khi y tá kéo mạnh anh mới đứng lên.

Sau này, không còn ai gọi anh là ‘Diệm Diệm’ nữa, không còn nữa.

Gặp phải biến cố lớn như thế, ba đám tang tiếp nối và cả tiền viện phí của nội đã vắt cạn tài sản gia đình vốn đã chẳng giàu có gì. Khi ấy Trần Dương đã học đến năm hai sơ trung, trước khi chết ba vẫn muốn anh hoàn thành việc học, cho nên anh tiếp tục.

Chẳng qua, do không có tiền, chuyện về sau học sửa xe đã không thể làm được.

Trần Dương thay đổi hẳn. Vốn là một cậu nhóc hay cười giờ đây lại cả ngày nghiêm mặt, chẳng nói lời nào. Thấy trong nhà anh xảy ra chuyện, vốn lúc đầu mấy đứa bạn xóm giềng còn quan tâm anh, sau thì chẳng biết từ đâu truyền rằng anh là kẻ khắc hết họ hàng, chẳng ai còn dám gần gũi anh nữa.

Ba cô sáu bà ấy[1] cứ bàn tán sau lưng anh, bắt đầu từ những chuyện trước và sau khi đám tang, từ những chuyện nhỏ nhặt đến chuyện mẹ anh sẩy thai, lúc này tất cả bất chợt đều có ý nghĩa và dụng ý riêng cả. Mọi người ai cũng lộ ra ánh mắt giật mình, Trần Diệm Diệm này quả đúng là kẻ khắc hết thân thích họ hàng.

Ít nhiều Trần Dương cũng nghe được mấy lời đồn ấy, nhưng anh không hề lên tiếng mà sắc mặt càng sa sầm thêm.

Bất kể có gặp phải chuyện gì đi nữa, chỉ cần người còn sống, thời gian rồi sẽ trôi qua.

Cứ gập ghềnh như thế, Trần Dương cũng học hết cấp ba. Trong năm cuối thời học sinh này, những trò nghịch ngợm gây sự ngày trước anh đã chẳng quan tâm nữa. Anh chỉ ngồi trong phòng học, không nhìn sách cũng chẳng nghe giảng bài, phần lớn thời gian đều thừ người ngó ra ngoài cửa sổ. Chúng bạn ngày trước cùng hội cùng thuyền cũng chẳng dám tới gần chơi đùa cùng anh.

Cứ thế, lớp học quậy phá nhất khối lại hiền lành ngoài dự đoán của mọi người.

Chờ đến khi tốt nghiệp, Trần Dương thu dọn vài bộ quần áo, khóa lại cửa ngôi nhà, rời khỏi nơi đó lang bạt đến vùng trời riêng của chính mình. Một kẻ chỉ có trình độ tốt nghiệp cấp ba, lại còn không bạn không bè chẳng quen biết ai bên ngoài thì có thể làm gì? Đầu tiên anh vào nhà máy, làm công nhân trong băng chuyền sản xuất.

Mỗi ngày làm việc mười hai tiếng, lúc nhà xưởng vào mùa còn phải thường xuyên tăng ca. Ngày nào cũng vậy, cứ hết ca rồi Trần Dương sẽ đặt người xuống chiếc giường đơn dơ bẩn. Nơi anh sống là một căn phòng cho thuê chật hẹp chỉ có độc chiếc giường đơn, dù gì cũng còn chỗ để xoay người, đó là nơi chuyên dụng được xây cho công nhân gần đó. Tầng lầu nào cũng giống y hệt nhau, phòng một gian hoặc phòng đôi – những căn phòng chẳng khác nào chuồng bồ câu, cùng một lầu sẽ dùng chung một nhà vệ sinh, muốn nấu cơm thì cứ bê bếp ra ngoài hành lang mà nấu.

Trần Dương sống ở nơi đó. Lúc đầu anh vốn không quen do chật chội quá, mà người cũng phức tạp lại quá ồn ào. Tường thì quá mỏng, người ở kế bên là là một ả đàn bà làm nghề buôn bán xác thịt, ả thường hay dẫn đàn ông về, thanh âm gì cũng nghe rõ mồn một.

Hiện tại Trần Dương cũng không còn tinh thần sa sút như trước kia nữa. Chuyện đau thương đến mấy thì thời gian đi cũng nhạt phai thôi, hoặc là cũng đã chết lặng cõi lòng rồi. Tất nhiên Trần Dương không quên, nhưng anh không còn để những việc ấy đầy ắp trong tâm trí mình nữa.

Trần Dương làm trong nhà xưởng ấy hai năm, sau đó lại đổi chỗ ở, đổi nhà máy. Trong chớp mắt, anh đã tròn hai mươi.

Trần Dương hai mươi tuổi cao 1m8, dáng người cao lớn, da ngăm đen, mày rậm mắt to, nếu xét về vẻ ngoài thì cũng chẳng kém những diễn viên thần tượng trên tivi là mấy. Vì biến cố gia đình và những gian khổ của cuộc sống đã cho anh thêm vài thứ mà người cùng tuổi không có, dựa theo cách nói của cái ả làm nghề xác thịt ở phòng bên thì, nhìn Trần Dương sẽ nghĩ ngay đến việc nã pháo cùng anh, bởi đôi mắt kia sao cám dỗ người đến lạ.

Dần dần, có rất nhiều cô gái cùng làm việc chung tỏ ý tốt với Trần Dương, anh cũng chẳng để trong lòng lắm mà chỉ chơi đùa cho vui, mấy cô ấy cũng chẳng thèm để ý rồi trách “Đáng ghét quá” rồi khúc khích bật cười, thế là Trần Dương cũng sẽ cười theo.

Làm việc chung với nhau cùng chẳng còn trò giải trí nào khác, nên thường khi hết giờ, tất cả hay cùng chơi đánh bài với nhau. Không lâu sau Trần Dương cũng học được cách chơi bài. Họ không chơi mạt chược mà là chơi tự bài và xì phé, sau cũng ít chơi tự bài mà chỉ chơi mỗi xì phé thôi. Trò này cũng đơn giản nhưng lại lắm mánh vặt.

Lúc mới bắt đầu có thua có thắng, nói tóm lại là thắng nhỏ, qua một thời gian ngắn thì thua ngày càng nhiều và thắng ngày càng ít đi.

Trần Dương đầu óc xoay chuyển, nhanh chóng phát hiện ra có kẻ động tay động chân giở trò.

Lúc ấy Trần Dương giận sôi lên, đệt, ván bài nhỏ này mà cũng gian lận, cần tiền đến điên rồi hử. Anh và vài người nữa thường hay thua bèn hợp nhau lại bàn kế, không thể cứ để kẻ khác trêu đùa bọn anh mãi thế được, không dạy dỗ chúng thì chúng chẳng thèm biết cửa nằm ở đâu nữa rồi. Vốn ban đầu định đánh mấy kẻ hay gian lận một trận, nhưng Trần Dương thấy thế không ổn, đánh thì đánh nhưng không có tiền lại được, không thể để chúng hời như thế.

Anh cũng không nói nhiều mà bắt đầu dõi theo, bắt đầu học phải gian lận thế nào. Thật ra cách thức mấy tên ấy gian lận nói trắng ra cũng rất đơn giản, mỗi lần kết thúc một ván, khi thu bài sẽ bỏ ra vài lá bài giữa lá bài mình muốn, rồi lúc thu bài, xào bài thì luôn chú ý. Làm tốt thì tiền vào túi càng nhiều, đây là cách gian lận đơn giản nhất nhưng cũng thực dụng nhất trong bài xì phé.

Sau khi học được rồi thì Trần Dương cười lạnh, anh và những người thua kia cùng nhau sắp đặt sẵn một ván bài.

Đêm hôm đó, họ tìm một căn phòng trống ở gần đó rồi hẹn mấy tên kia ra. Đã từng thành công gian lận được nhiều lần, thấy tiền dâng đến tận cửa thế này họ không nói hai lời đã đồng ý ngay, hơn nữa còn dẫn theo người tới để mọi người cùng náo nhiệt.

Lúc thời gian đã điểm, trong số những người được dẫn theo có một ông chú khoảng ba mươi tuổi nói giọng địa phương, thấy nơi này thì chợt chẳng muốn chơi nữa, “Sao lại tìm nơi này kia chứ, ở đây từng xảy ra chuyện quái lạ, không tới được đâu.”

Mấy kẻ khác đều là những tên trẻ trung dồi dào sinh lực nên đời nào tin lời ấy, có cả một tên đi cùng còn vỗ vai gã bảo, “Chúng ta nhiều người thế này, sợ quỷ cái gì? Nào nào, cứ kêu bọn chúng tới cùng chơi là được, sợ là chúng còn thích đó chứ.”

Gã giọng địa phương kia vội vàng bảo, “Đừng nói lung tung, đừng nói lung tung, họa từ miệng mà ra.”

Thêm hai người bọn Trần Dương, tổng cộng có sáu người. Họ không nhiều lời vô nghĩa nữa mà mở ván bài ngay, họ chơi ba lá, chia hai lá trước mặt mỗi người, sau khi kêu bài rồi thì sẽ chia lá cuối và so lớn nhỏ.

Có lẽ là vì trong phòng âm u lạnh lẽo, lúc mới bắt đầu còn có người nói chuyện, có người kêu to, sau đó thì bên ngoài đêm càng ngày càng sâu, bên trong con người cũng ngày càng im lặng. Trong căn phòng trống rỗng chỉ còn lại mỗi tiếng lật bài và tiếng kêu bài thôi.

Dần dà, Trần Dương cảm thấy có gì đó không đúng.

Trong phòng có sáu người nghĩa là có sáu đôi tay, nhưng chẳng biết khi nào trên bàn lại xuất hiện thêm đôi tay nữa. Anh im lặng như chưa từng nhìn thấy gì, tiếp tục thu bài, xào bài, chia bài, kêu bài, nhìn đôi tay kia cũng lấy bài, kêu bài. Trừ anh ra, năm người khác sống sờ sờ ra đó lại chẳng hề phát hiện một chút khác thường nào.

Bị quỷ mê mắt hay là có chuyện gì khác? Tâm trạng Trần Dương đã chẳng còn ở trên ván bài nữa, chuyện này nếu làm không tốt thì ngay cả mạng cũng để lại nơi đấy chứ không đùa được.

Đánh thêm mấy ván, tất cả tiền đều bị đôi tay tái nhợt kia kéo tới trước mặt mình, tiếp theo sẽ không cánh mà bay. Mấy tên kia thua tiền thì sau khi chửi thề vài câu rồi tiếp tục chơi ván kế. Trần Dương quăng bài lên bàn, nói một câu, “Hết tiền rồi, không chơi nữa.”

Gã giọng địa phương mới nãy còn bảo nơi này không thể ở lại chơi được giờ lại rống thật lớn, “Sao lại không chơi, nói phải chơi thâu đêm cho lắm vào, không mang tiền theo mà lại rủ bọn tao đi, chơi nửa chừng lại giải tán, mợ nó khốn khiếp.”

Mấy tên đi theo cũng la ó theo, Trần Dương mặc kệ. So với mạng mình thì mấy lời chửi bậy ấy có quan trọng gì, anh cầm số tiền còn lại trên bàn rồi đá người bạn đi chung kia một đá. Cú đá đó mạnh đến mức bạn anh thiếu chút nữa đã kêu thất thanh, nhưng cũng chính cú đá ấy khiến người bạn tỉnh khỏi cảnh bị quỷ mê hoặc.

Trần Dương nháy mắt ra hiệu. Người bạn đảo mắt qua thì trông thấy sau lưng ba người bên cạnh có thêm một cái bóng, cậu chàng sợ tới mức ngay lập tức chân mềm nhũn, mém nữa là tiểu cả ra quần. May là Trần Dương nắm chặt lấy tay rồi giữ chặt cậu, hai người rời khỏi phòng trong tiếng mắng chửi của bốn gã còn lại.

Thời điểm đi lướt qua cái bóng xuất hiện thêm đó, nó còn định lôi kéo Trần Dương không chịu thả anh đi. Nào ngờ chỉ mới vừa chạm đến anh thì hệt như bị lửa thiêu, rụt trở lại. Trần Dương liếc nó xong thì nâng chân bước ra cửa. Còn về phần người bạn kia của anh thì đã bị dọa đến gần như ngất đi, chưa tới cửa thì đã gắng gượng không được, ngã nhào về trước. Trần Dương kéo lấy cậu bạn, dùng cánh tay rắn chắc của mình kẹp lấy cậu, kéo cậu ra ngoài.

Về phần bốn người trong phòng kia thì vẫn tiếp tục chúi mũi chơi tiếp.

Hai người đi khỏi đó thật xa, gió đêm bên ngoài thổi tới. Bởi mồ hôi tuôn như mưa nên quần áo của cậu bạn bị ướt hết. Cậu ta tên A Tín, run lẩy bẩy một hồi cậu mới cất tiếng được. Cậu nói với Trần Dương, “Nó… nó nó là cái đó hả?” Trần Dương lấy thuốc lá đưa cho cậu, lại lấy bật lửa châm giúp cậu để giúp cậu bớt sợ hãi, miệng không chút để ý mà nói, “Chắc thế rồi, dù sao cũng không liên quan tới chúng ta.”

A Tín rít một hơi mạnh tới mức gần hết cả cây thuốc, sau khi văng tục thì quăng thuốc lên đất, “Còn mấy tên kia thì sao? Sẽ không gặp chuyện không may chứ?” Trần Dương dẫn theo cậu tiếp tục đi phía trước, vừa đi vừa trò chuyện, “Dù có xảy ra chuyện cũng chẳng liên quan tới chúng ta, vừa đúng dịp để thứ đó báo thù giùm, tránh cho hai ta tự mình ra tay.”

Ngày hôm sau tin tức truyền tới, tất cả bốn tên chơi bài vào đêm hôm ấy đã chết sạch trong phòng.

Trần Dương tan ca theo dòng người ra ngoài. Thấy nơi cửa có mười mấy tên du thủ du thực hoặc đứng hoặc ngồi canh cửa nên anh chưa vội tới. Một cô bé thường vẫn quan hệ tốt và hay nói đùa cùng anh chạy lại, kéo anh đến căn phòng gần đó, vừa mồ hôi nhễ nhại vừa thở hổn hển mà rằng, “Anh Trần, mấy tên bên ngoài đó đang tìm anh đó, anh mau tìm chỗ nào trốn đi!”

Trần Dương suy nghĩ một thoáng, “A Đóa, cám ơn em. Em đi đi, anh tìm đường khác ra ngoài.”

Cô bé đang độ thanh xuân chỉ mới mười mấy tuổi ấy nhìn theo bóng dáng xoay người không chút do dự của Trần Dương, cảm giác như thể cả đời này sẽ không được gặp lại anh nữa. Cô xông lên chắn trước Trần Dương, “Anh Trần à, anh… anh sẽ trở về chứ? Nếu anh phải đi thì hãy dẫn em theo, dù anh về quê em cũng sẽ đi cùng.”

Trần Dương vuốt tóc cô, “Anh chỉ trốn đi một lát thôi, em nghĩ gì vậy?”

Vì hành động của anh mà cô bé đỏ bừng mặt, “Em… em biết rồi. Vậy anh nhớ cẩn thận.”

Trần Dương gật đầu, nói một câu “Em cũng cẩn thận” rồi xoay người bước đi.

Cô bé ấy nhìn bóng Trần Dương biến mất nơi nhà máy, nước mắt giấu trong mắt đã chẳng thể kìm được chảy ra. Tuy không thông minh nhưng cô không ngốc, cô biết lần này rời đi Trần Dương sẽ không về nữa. Người mình thích sẽ không bao giờ còn xuất hiện trước mắt mình, không bao giờ cùng mình nói cười, không bao giờ vuốt tóc mình nữa.

Trần Dương báo tin cho A Tín, sau đó ngay cả căn phòng cho thuê nhỏ kia cũng không quay về mà quá giang xe đi thẳng đến nhà ga. Chắc chắn có người đang chờ anh trong căn phòng đó, giấy căn cước và thẻ ngân hàng lúc nào anh cũng mang theo bên mình, phòng cho thuê không có cũng không sao, dù gì cũng không quan trọng.

Anh cũng đã lưu lạc bên ngoài lâu lắm rồi, vừa đúng lúc phải về nhà một chuyến.

Cứ thế, sau năm sáu năm xa nhà, Trần Dương trở về. Trong sáu năm này, ngoại trừ ngày thanh mình hàng năm về tảo mộ cho ba mẹ và bà nội, những thời điểm khác anh chưa từng trở lại, dù là lễ mừng năm mới thì cũng trải qua cùng những người bạn phiêu bạt tha hương.

Về đến nhà, mở cửa, căn nhà hàng năm không ai trú ngụ nên đầy mùi ẩm mốc. Cửa sổ, góc tường, nóc nhà, đâu đâu cũng giăng đầy mạng nhện, trên mặt đất còn có cả côn trùng và chuột ở lâu đến mức chắc chừng đã an cư lạc nghiệp mà chạy tới chạy lui, thấy người chúng nó càng chạy nhanh hơn. Trần Dương xắn tay áo bắt đầu dọn dẹp.

Do nhanh lẹ nên chỉ chốc lát sau, anh đã quét sơ nhà chính và hai căn phòng ngủ bên cạnh. Lúc ra ngoài xách nước, anh va phải cô thím hàng xóm bên cạnh. Cô hàng xóm nhìn mấy lần mới nhận ra anh, “Là Trần Diệm Diệm à, cháu về được bao lâu rồi? Lâu lắm mới gặp cháu.”

Đúng là đã nhiều năm không gặp, dù cho có về tảo mộ, anh cũng tới vào sáng sớm và rời đi vào lúc tối trời.

Trần Dương cười nhẹ, “Thím à, thím đứng gọi cháu là Trần Diệm Diệm nữa, cháu đổi tên rồi, là Trần Dương, Dương của vầng thái dương.”

Thím ấy nghe xong thì bảo, “Thì cháu vốn hay chê cái tên kia giống tên con gái mà, ha ha, thím còn nhớ lúc bé cứ dăm ba bữa là cháu lại đòi đổi tên với người nhà.”

Nhắc tới người nhà nhưng sắc mặt Trần Dương chẳng thay đổi gì, anh chỉ lấy ra một điếu thuốc rít một hơi rồi mới đáp, “Đúng thế, giờ không phải đã đổi rồi sao. Cái tên cũ viết nhiều nét quá, sau này thím cứ gọi cháu là Trần Dương.”

Thím kia nghe vậy bèn bảo, “Được rồi được rồi, thím nhớ rồi. Cháu làm gì cứ làm tiếp đi, thím đi hái rau.”

Trần Dương sửa sang lại vài thứ trong nhà, những gì cần mua thì mua thêm một ít. Những nhà xung quanh đã xây mới thành nhà hai tầng, nhưng căn nhà của họ vẫn là nhà lợp ngói ba gian, chẳng qua Trần Dương nhìn cũng quen. Đây là nơi anh đã sống mười mấy năm, chỉ cần còn có thể ở lại, anh dự định sẽ tiếp tục ở.

Sau khi dọn dẹp xong đâu vào đó, Trần Dương lên trấn trên. Thôn xóm của họ gọi là trấn Từ Ân, bên trái là trấn Quảng Tế, bên phải là thôn Giang Môn. Trong những người bạn tốt hồi cấp ba của anh, hiện có mấy người đang ở trấn trên, có người mở cửa hàng, có người làm vài nghề khác.

Anh tìm gặp Hai Mập. Nhìn cái gã béo ục ịch hệt như con lợn trước mắt này thì thật ra không thể gọi là Hai Mập được nữa, gọi thẳng Heo Mập còn được nữa là, nhưng nhũ danh vẫn là nhũ danh, Trần Dương cứ tiếp tục gọi như thế.

“Diệm Diệm ——” Nghe Hai Mập cố ý dài giọng cộng thêm bản mặt tơn hớn của hắn gọi tên mình, Trần Dương không nói gì đã đi qua đánh một cú khiến Hai Mập quỵ cả người xuống còn miệng thì hít hà liên tục. Hắn hét, “Đau chết mất, sao lại ra tay cứ mạnh như trước kia thế hử.”

Trần Dương châm một điếu thuốc, “Nếu không phải bọn bây đáng bị đánh, tao đánh mà làm gì.”

Hai Mập cười khì vài tiếng, vuốt bụng, sau đó hai người trò chuyện về những chuyện trước kia, những chuyện sau khi tách ra và tình hình gần đây. Trần Dương cũng không dối gạt gì, anh kể chuyện mình đắc tội kẻ khác nên đành trở về, sau cùng chốt lại một câu trọng điểm.

“Nghe Dương Tử bảo gần đây mày nhận công trình sửa đường gì đó mà còn làm ông chủ nữa, cho tao miếng cơm với.”

./.

[1] Ba cô sáu bà: chỉ những người phụ nữ làm nghề bất chính, lừa đảo. Ba cô gồm có đạo cô, cô đồng. Sáu bà gồm bà mối, bà lang, mẹ mìn, chủ nhà chứa.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.