Chiếu vua ban phế Hoàng Hậu Tô Ngọc Lan làm thứ dân, Tam hoàng tử mười ba tuổi được lập phủ đệ sớm, phong vương hiệu Hiểu Đức lập tức trở nên rầm rộ khắp Thăng Long. Kẻ bàn ra tán vào. Không ai biết Tô Ngọc Lan đã thực sự làm ra chuyện tày đình gì để mình rơi vào bước đường ấy.
Có lẽ đây là việc cuối cùng Hoàng Đế có thể làm để thể hiện sự tôn trọng của mình với phế hậu. Việc Hiểu Minh Vương là hoàng tử của quý phi Lý thị cũng được công cáo thiên hạ, nhiều người chắc mẩn trong lòng y sớm hay muộn cũng thành thái tử.
Từ khi việc này được báo trước toàn dân, vương phủ nhộn nhịp hẳn. Không ít người đến quà cáp, hỏi thăm song Khanh đều khước từ không nhận cũng chẳng gặp ai.
Sau khi Tô Hoàng Hậu ngã ngũ, Tô gia sẽ lâm vào buổi khủng hoảng mà có những động thái quyết liệt hơn, nàng không thể làm gì dại dột.
Thời gian đó quý phi có qua lại với Khanh bằng thư từ. Thời gian qua Khanh học chữ đã tiến bộ nhiều, đã thạo đọc và viết. Bà thường hỏi thăm về Tuân và tâm sự với nàng, cũng dặn nàng phải chú ý với vây cánh Tô gia, thời gian này trong cung không khí nặng nề, thượng triều người cũng căng thẳng không kém.
Thế rồi lại có chuyện không may xảy ra. Chẳng được mấy hôm kể từ khi phế hậu, Tô Ngọc Lan mất. Giám định bước đầu phế hậu treo cổ tự vẫn.
Dù đã thành phế hậu, Hoàng Đế vẫn lệnh tổ chức mai táng cho bà theo hình thức của một phi tần, di cốt của Tô Ngọc Lan được đưa về quê hương thay vì ngụ tại lăng tẩm. Hoàng Đế đã thành toàn cho ước nguyện muốn được làm thê tử chàng nông phu vào kiếp sau của Tô thị.
Phế hậu tuy làm nhiều điều ác song vẫn là nghĩa phu thê với ông mấy mươi năm giời. Nhìn mặt nhau gần như mỗi ngày, không biết Hoàng Đế có buồn hay chăng. Mấy ngày ấy không khí Thăng Long trùng đi hẳn.
Trước gió to là biển lặng. Không lâu sau đó, phía Nam có ngoại bang quấy phá, binh lực ước tính cả vạn binh mã, người được cử đi dẹp loạn không ai khác ngoài Hiểu Minh Vương Trần Nhật Tuân.
Mọi chuyện đến gần như dồn dập khiến Khanh không khỏi lo lắng. Không biết vì lẽ gì mà dạo đây nàng hay cảm thấy chẳng lành, căng thẳng.
Hôm nào Tuân cũng bận duyệt binh chuẩn bị cho ngày khởi binh đến tối muộn, suốt mấy ngày liền phu thê chẳng thấy mặt mũi nhau. Rồi ngày nọ cũng đến, ngày Khanh phải tiễn chồng đến sa trường.
Nàng ôm hắn mãi chẳng buông. Nhìn giáp trụ nặng nề hắn khoác trên mình Khanh mới nhận thức được đôi chút khi xưa chiến tranh tàn khốc dường nào. Hóa ra đây là cảm giác chinh phụ tiễn chồng. Nàng không nỡ. Nàng lo sợ nhiều điều. Nếu có thể Khanh chỉ muốn đi theo hắn mà thôi.
Nàng hít một hơi sâu, nàng phải mạnh mẽ hơn thì Tuân mới yên lòng được. Nàng tham lam ôm hắn một lúc rồi mới buông, khi ngẩng lên lại bắt gặp ánh mắt thâm tình của hắn đang đăm đăm nhìn nàng.
Không nói không rằng, Tuân ghì đầu nàng, quấn lấy đôi môi nàng một cách mạnh bạo và dồn dập. Một nụ hôn sâu, đầy nồng nhiệt, quấn quýt không rời khiến cả hai hơi thở như hòa làm một với nhau. Nhiệt lượng của hắn lan tỏa tới nàng, hơi thở của Tuân cứ thế chiếm trọn tâm trí nàng làm đầu óc Khanh mụ mị cả đi.
Hóa ra phu quân nàng cũng điêu luyện cả khoản này nữa.
Tuân day nhẹ môi Khanh rồi cụng trán với nàng, hai tay hắn áp vào gò má Khanh. Chưa bao giờ Khanh thấy tình yêu của hắn lại nồng nàn cháy bỏng dường đó.
“Chàng nhất định phải trở về đấy. Nhất định phải toàn mạng về với ta. Ta ở Thăng Long đợi tin báo thắng.”
Tuân hôn lên mắt nàng.
“Ngoan ngoãn đợi ta, thế lực Tô gia ở kinh thành có nhiều, nàng đừng làm gì liều lĩnh.”
Hắn có một nỗi sợ, sợ khi trở về Vương phủ sẽ không vẹn toàn như lúc trở đi.
“Chàng thân chinh sao lại thành lo cho ta rồi?”
“Nàng rời khỏi ta một khắc ta đều không yên lòng.
Nàng ôm hắn một lần nữa, ôm thật chặt.
“Chàng bảo trọng”
“Nàng cũng vậy."
"Nếu chàng mà có mệnh hệ gì, ta sẽ từ mặt chàng đấy. Ta yếu đuối lắm không chịu được cảnh làm góa phụ tuổi mười chín đâu...
Tuân bật cười: "Mạng của ta là của nàng, nàng không cho ta chết, ta sẽ không chết."
"Chàng hứa rồi đó."
"Ừ, cho ta nhìn nàng thêm một lát nào", hắn lại hôn nàng thêm nữa.
Tới tận khi tiễn hắn ra cửa ngõ Thăng Long, nước mắt Khanh mới trực trào ra thầm lặng. Bóng hình tướng quân anh dũng trên lưng ngựa mới thật đẹp dường nào.
Nàng chắp tay nguyện cầu, cầu rằng ông trời sẽ không độc ác với chàng như kiếp trước nữa.
Không biết vì lí do gì mà mọi chuyện xảy ra khác với “Đại Việt hoa sữa nở” như thế, nhưng Khanh tin chuyện này không đơn giản chỉ là thế lực ngoại bang chống phá. Đâu đó có uẩn khúc mà nàng không giải thích được.
Yến Nhi khẽ lau nước mắt cho nàng. Cạnh một người nhu mì như Nhi sẽ luôn có một người sổi nổi, bộc chộp như cô Đào:
“Vương phi, hay người lén ra chiến trường đi.”
Thật ra Đào nói thế không phải là bốc đồng hay gì, mà từ khi bị thương ở lưng đến nay, Khanh ý thức được thời này nàng cũng cần có chút gì đó tự vệ, phòng thân.
Vì thế tận dụng lợi thế dẻo dai vốn có, nàng tự tập Taekwondo, cũng như nhờ cô Đào dạy chút bản lĩnh. Dần dần cũng kháng kiện hơn nữ nhân bình thường.
Nhưng nàng là vương phi, là hậu phương của Tuân, hắn rời đi mà nàng lại chẳng lo chuyện nhà đàng hoàng thì thực không phải phép. Cũng bởi là vương phi nên nàng không thể tòng quân, một nơi mà cứ mười người thì đến kẻ thứ mười một là nam nhân.
Thời này chuẩn mực dành cho nữ giới rất khắt khe.
Yến Nhi hiểu chuyện khẽ nhìn Đào rồi lắc đầu. Làm vương thất sẽ có gò bó, không thể tùy tiện được.
Trên đường quốc bộ về lại Vương phủ, Khanh mải nghĩ nhiều thứ. Nhất là về cái chết của phế hậu và Tô gia. Thế rồi không để Khanh đoán già đoán non mãi. Ít hôm sau Hoàng Đế lâm bệnh nặng, sốt cao triền miên, không còn sức để lo chuyện nước trong buổi rối ren.
Quần thần lo lắng tìm một trữ quân để phụ ông quản lí triều chính. Khi này thái úy Hiểu Minh Vương đã thân chinh, người phù hợp nhất bấy giờ chỉ có Tam và Tứ hoàng tử. Trong hai kẻ có Tam hoàng tử đã lên ngôi vương vì vậy Tô gia liên tục thể hiện lập trường rằng y là người thích hợp nhất.
Một đứa trẻ mười ba tuổi.
Lý gia không nói gì. Có người phản đối nhưng là một chức huyện nhỏ nhoi. Ông ta nói Tam hoàng tử là con của phế hậu, thứ nhất không có sinh mẫu chỉ dẫn việc nước khó quản, thứ nhì vì là con của phế hậu nên chức vị ắt dưới Tứ hoàng tử.
Trong triều cứ thế xảy ra tranh cãi gay gắt, rồi ngay trong ngày hôm sau không biết vì lí do gì mà ông quan huyện đấy nghe đồn say xỉn ngã vào ao cá mà chết đuối, người biết nguyên do thì ai nấy cũng chả dám nói năng gì.
Tô gia thực sự đã để lộ ra bộ mặt máu lạnh, sát khí của mình trên triều. Chuyện Hoàng Đế lâm bệnh không biết vì sao mà họ Tô nắm rõ thế, Hiểu Đức vương dễ dàng nhiếp chính dưới sức ép đáng sợ từ Tô gia mà chẳng ai dám ho he nửa lời. Trưởng công chúa khi ấy hồi kinh phò trợ trữ quân. Đều là một mẻ với nhà họ Tô.
Trưởng công chúa quyền lực không nhỏ, sinh mẫu nàng là Thái Hậu, phò mã là tiết độ sứ phương Bắc, có trưởng công chúa yểm trợ, thế và lực của Tam hoàng tử thực rất khủng khiếp.
Có phải Tô gia đang vịn vào cái chết của phế hậu mà dàn trận từ đầu không? Để cho tam hoàng tử một chức vương, để cho trưởng công chúa đường đường chính chính hồi cung yểm trợ y? Bởi Hoàng Hậu sớm đã thất sủng lại bị phanh phui nhiều tội trạng như thế, chuyện Tô gia loại trừ bà cũng không phải quá khó tin.
Thời gian ấy, Lý quý phi trong cung gặp khó, thư từ gửi tới Vương phủ ít hẳn đi. Không khí Thăng Long trở nên căng thẳng như ngồi trên chảo lửa....
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]