Sau khi giải quyết cả con Âm Trùng con gà tinh lẫn bụi chuối ma, ngựa ma bàn đưa cả hai người Vũ Thanh, Điền Mục ra đầu làng. Dọc đường, có thể thấy rõ những ngôi nhà bị đánh bật nóc, đổ tường đang tự chữa lành lại. Mặt đường nhựa bị xới tung, lộ ra cả các đường cống ngang dọc. Đi thêm chốc nữa, thì có thể thấy ngổn ngang những cây tre ngã đổ bật rễ, mặt đường phủ đầy lá rụng. Thoạt nhìn cứ như thể một cơn bão lớn vừa quét qua làng vậy. “Ông bác” bấy giờ đang ngồi vắt vẻo trên một cái cột đá trơ trọi giữa một đống đá vụn – phần còn lại của cái cổng làng, vừa hút thuốc vừa nhìn lên trời. Sau lưng ông, chỗ con đường dẫn qua cổng, xác quỷ nằm bất động giữa một vũng nước đen ngòm. Tam Vĩ Ô Vân hạ xuống đống đá, chờ hai người Điền Mục xuống khỏi lưng mình, rồi mới lấy đầu đẩy vào lưng Vũ Thanh một cái. Ánh mắt con ngựa ma như ra dấu thúc giục, đầu hất hất về nơi xác quỷ đang nằm gục. Cô nàng ngoái sang, thấy Điền Mục đang định chạy theo thì “ông bác” đã nhảy xuống, gửi một mẩu giấy đến trước mặt cậu chàng. Giấy ghi rằng: “Để hai người họ riêng một lúc”. Đoạn lại đưa tay giật một cái, xiềng xích đang trói cứng Điền Mục lập tức đứt làm mấy đoạn. Điền Mục nhún vai, nếu ông cụ đã nói thế thì tức là xác quỷ Thiên Linh đã không còn là một mối nguy hiểm nữa, lo lắng chỉ tổ phí thời gian. Vũ Thanh đến trước xác quỷ nằm giữa đường, lẳng lặng nhìn quái vật gớm ghiếc từng là hai hàng xóm thân thiết trong làng. Phần thuộc về cô Linh đã chết cứng, mặt lộ vẻ an tường khó được. Nhưng cái đầu gắn ở tay phải của bà Mai thì vẫn còn hơi tàn, ánh mắt vẫn chưa đục hản lại. Nhận thấy ánh mắt phức tạp của Vũ Thanh, bà Mai ngước mắt lên, mặt đối mặt. Cô nàng bất giác lại quay mặt ra chỗ khác, né tránh ánh mắt của bà ta. Sao bà ta còn có thể nhìn thẳng vào mình chứ?? Lẽ nào bà ta không thấy hối hận hay cắn rứt tí nào sao? Suốt cả cuộc đời, bà Mai vẫn luôn là một người bà thân như ruột thịt với Vũ Thanh. Thế nhưng, vài ngày ngắn ngủi qua, bà hàng xóm lại làm đủ thứ chuyện hòng hãm hại cô nàng. Chính vì thế, cô nàng mới không biết phải đối mặt với bà ta ra sao. Mà bà Mai, hiểu rất rõ điều này, nên mới ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào Vũ Thanh, khiến cô nàng phải ngoảnh sang chỗ khác, trong lòng không khỏi thấy khó chịu khi bị đọc vị. Lúc này, mảnh giấy của “ông bác” từ từ bay đến trước mặt cô nàng: “Muốn hỏi gì thì nhanh lên, chẳng mấy mà bà ta chết đấy.” Lời thúc giục của ông cụ giúp Vũ Thanh hạ quyết tâm. Hít sâu một hơi, cô nàng mới nhìn bà Mai, hỏi: “Tất cả... có phải đều là một màn kịch hay không? Cảm xúc, kỷ niệm.v.v... đều là giả tạo ư?” Bà Mai nhìn cô nàng một cái thật lâu, nói đoạn thở dài, hỏi: “Nếu bà bảo có, con có thấy dễ chịu hơn không?” Vũ Thanh không đáp, cũng không muốn hỏi thêm gì nữa, bởi chính cô nàng cũng không rõ câu trả lời nào sẽ khiến mình đau xót hơn. Bị lừa từ khi còn bé tí đến lúc lớn, hay bị một người thực sự thân thiết với mình phản bội. Bà Mai lắc đầu, sớm đã đoán được mọi chuyện sẽ đi theo hướng này. Bà ta ngó sang chỗ “ông bác”, nói: “Con may lắm đấy. Nếu kẻ đến can thiệp là ai khác chứ không phải ông ta...” Thình lình, ông cụ ngoái ngay đầu lại, nói xen vào: “Đừng đánh giá bản thân mình cao thế, mụ già.” Bà Mai cười nhạt, không phản bác gì cả. Đúng vậy, vong thủ hộ nhà họ Điền quả thực còn kinh khủng hơn lời đồn nhiều. Lúc hai bác cháu Điền Mục chém quỷ nhi của cô Linh, mụ đã mừng húm. Cô Linh không cảm thấy hiện diện nữa, càng trở nên điên cuồng, có thế mới giúp hai xác quỷ nhập lại làm một được. Nếu như đủ Tam Tài thì không cần lằng nhằng đến thế. Nhưng ngay cả vậy, hai xác quỷ Thiên Linh, bà ta cũng chẳng có chút sức phản kháng nào trước ông ta cả, cứ thế bị lôi xềnh xệch ra cổng làng rồi đánh gần chết chỉ bằng một đòn. Nếu không phải “ông bác” còn muốn tra khảo đôi ba chuyện khác, thì ngay đòn đầu tiên ấy đã giết chết bà ta rồi. Bà ta bỗng cười khổ. Hiện tại, được nhìn “ông bác” và Điền Mục giao tiếp với nhau, rốt cuộc mụ cũng phát hiện được điểm yếu chết người của bí thuật nhà họ Điền. Nhưng... một kẻ đã trên bờ vực của cái chết, phát hiện ra được thì lại có ích gì? Một sự thật mỉa mai đến phũ phàng. Bà Mai nấc lên một cái, thều thào: “Cẩn... thận... Chuyện chưa... xong đâu...” Dứt câu thì nghẹn hơi, mất mạng. Điền Mục nhún vai, hỏi: “Bác này, bác đã biết rõ điểm yếu của mụ ta, còn bày vẽ lắm chuyện thế làm gì? Sau này chả cần hỏi Táo Quân, chẳng cần đi lấy đao làm gì, bác cứ xông thẳng vào tóm cổ bà ấy ra đây quật chết là xong có phải hơn không?” Vũ Thanh nhìn sang, phát hiện cậu chàng đang quay mặt vào... khoảng không, còn ông cụ thì đã lủi ngay sang bên trái Điền Mục. “Ông bác” cơ hồ gầm lên, quát: “Đồ của nợ! Tại sao mày không hỏi vì cớ gì tao đưa mày đến đây? Mày định làm con gà mờ cả đời à?? Có lúc nào mày suy luận được ra ngô ra khoai chưa?? Tao mà làm hết thì bao giờ mày lớn được hả con??? Ahhhhhhh!!” Ông cụ dậm chân bình bịch, thổi râu phì phì, sau đấy như đã hạ hỏa, mới ném một mảnh giấy vào mặt Điền Mục: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.” Từ những gì “ông bác” nói với bà Mai, Vũ Thanh đã lờ mờ đoán được đầu đuôi câu chuyện rồi. Té ra, từ đầu tới cuối, ngôi làng chết mà cô nàng thấy nguy hiểm trùng trùng này chẳng qua chỉ là một bài tập thực hành của Điền Mục mà thôi. Bất chợt, “ông bác” quay sang, nhìn chằm chằm Vũ Thanh. Ánh mắt dữ dội của ông ta khiến một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng cô nàng. Ông cụ nhếch mép, nói:
“Hóa ra nhóc đã nhìn thấy ta rồi à?” “Chuyện này... cháu cũng không rõ vì sao, nhưng...” Ông cụ phẩy tay, nói: “Chắc đấy là nguyên nhân mụ ta nhắm mày con ạ. Người tự mở được mắt Âm Dương trên đời không nhiều đâu.” Vũ Thanh lại hỏi nhỏ: “Ông này... cháu cứ thắc mắc... Mấy ngày nay cháu đã thấy những con ma hiện được hình cho người ta thấy, sao ông không hiện hình ra nói chuyện với Mục cho dễ mà phải dùng giấy, dùng điện thoại làm gì?” Ông cụ trầm giọng, nói: “Tò mò có ngày bỏ mạng đấy con ạ, đừng cái gì cũng hỏi.” Lời hăm dọa bất chợt của “ông bác” làm Vũ Thanh ngậm tăm luôn, không dám hó hé thêm một câu nào nữa. Nhắc tới Điền Mục, thì đúng lúc cậu chàng quay sang chỗ Vũ Thanh, vừa cười hềnh hệch vừa bảo: “Tạm thời bỏ qua những chuyện này đã, trước hết việc cần làm là đưa cậu về nhà cái đã.” “Ông bác” nằm vắt vẻo giữa lưng chừng gió, vừa quan sát hai người rời khỏi làng chết, vừa yên lặng suy ngẫm. Chính nhờ bài hát vang lên hồi hôm dẫn hai bác cháu Điền Mục vào làng mà ông suy ra được điểm yếu của bà Mai – bà ta chỉ có thể bị tiêu diệt ở ngoài làng Ngô. Sở dĩ, không lôi bà ta ra đầu làng sớm là bởi “ông bác” không muốn đặt tất cả hi vọng vào một khả năng xa vời và mơ hồ như nội dung bài hát đó. Ông cũng chưa rõ người hát là ai, có thể tin tưởng không, nên mới phải bày vẽ đủ trò. Song... bà Mai vẫn không lộ ra chút sơ hở nào, buộc lòng ông phải tin theo bài hát kia. Trước khi Điền Mục đến quán ăn của ông Sơn, “ông bác” có hỏi thăm ông Táo về danh tính của người hát nghêu ngao bài “Bà tôi” ấy hôm trước. Chẳng ngờ, Táo Quân vừa nghe xong đã xua tay, bảo: “Em chẳng dám nói đâu.” Mới nãy, lúc tra hỏi bà Mai, thì mụ và đám tay chân hoàn toàn không thể nghe được giọng hát đêm hôm trước. Mãi đến lúc bị đánh cho gần chết, mụ vẫn không sao hiểu nổi vì duyên cớ gì hai bác cháu Điền Mục có thể vượt qua được mê trận để vào làng. Mụ có hỏi “ông bác”, như một nguyện vọng sau cùng của người tử tù, nhưng ông cụ đâu có trả lời được? Bởi chính “ông bác” cũng không biết ai là người đứng sau tất cả mọi chuyện. Song, có thể chắc chắn một điều, cuộc xung đột ở làng Ngô này chỉ là bề nổi của tảng băng mà thôi. “Ông bác” cau mày, dời ánh mắt về phía con đường men theo bờ ruộng. Xa xa, vọng lại tiếng chuyện trò của hai người, hòa trong tiếng chân con ngựa ma háo hức nhảy bên đường: “Này... tại sao... cậu phải cố đến thế để cứu tôi?” “Hả? À, vì trong mỗi chúng ta đều có một người anh hùng, chỉ cần đủ lòng dũng cảm... Eh, nhân tiện nhắc đến “lòng” thì...” Bỗng, Điền Mục lại lấy trong ba lô ra một viên thuốc xổ, dúi cho Vũ Thanh, nhăn mặt cười đầy háo hức: “Này này, đồ ăn của người chết mấy ngày nay vị nó ra làm sao? Có mùi giun dế, đất cát, thối rữa hay phân hủy gì không? Tôi cũng muốn nếm thử lắm mà chưa có dịp.” Nghe cậu chàng nói thế, chưa dùng thuốc mà Vũ Thanh đã thấy ruột quặn đau, muốn nôn mửa lắm rồi. Cô nàng nhìn lại đằng sau, chỉ thấy cổng vào ngôi làng ma quái đã biến mất, trên mặt ruộng chỉ có một cái hố sụt sâu độ hai mươi phân, to chỉ bằng cửa hang chuột, bên cạnh có cắm một tấm biển cảnh báo, cùng cái miếu con bằng gạch. Té ra hai người đang ở miếng đất hoang ở cách làng nửa cây, ngày xưa là chiến trường, do vẫn còn lắm bom đạn lưu cữu từ thế kỷ trước nên chẳng ai dám cày cấy tận dụng gì hết. Bấy giờ, từ miệng hố đang có cơ man không biết bao nhiêu lửa ma trơi màu lục bay vút ra, một số lởn vởn trên không rồi tan biến, một số thì lại lao vút về phía làng. Vũ Thanh đoán ấy là những linh hồn bị bắt về làng ma, nay được giải thoát, người thì đi đầu thai, kẻ thì về xác cũ. Từ bé, người làng đã cấm tiệt bọn trẻ con ra miếng đất hoang này vì chỗ này lắm người nhiều ma, mà lại là thứ ma chết đột ngột vì bom đạn, ai cũng sợ. Cái miếu kia dựng lên là để an ủi vong linh mong họ đừng quấy phá đó thôi. Song cấm thì cấm chứ ngăn thế nào được đám trẻ tinh nghịch lẻn ra đây chơi? Vừa thấy cái miếu gạch, là Vũ Thanh đã biết đường về làng rồi. Vũ Thanh bước nhanh vào nhà, cố gắng ngó lơ con ma đói phình bụng ngồi trước cửa. Kể từ sau chuyện ở làng ma, có vẻ như mắt Âm Dương của cô nàng đã mở, và dấu hiệu báo trước chuyện này chính là những cơn đau mắt, cay mắt âm ỉ mà cô nàng vẫn cho là do thiếu ngủ gây nên. Cứ như “ông bác” bảo thì tạm thời ông không có cách nào để đóng mắt Âm Dương Vũ Thanh lại mà không gây thương tổn nào cho cô nàng, thành ra Vũ Thanh sẽ phải sống với tình trạng này một thời gian. Sau khi về đến cổng làng Ngô của người sống, Điền Mục, ngựa ma và “ông bác” cùng vào làng, rồi chia tay Vũ Thanh ai đi đường nấy. Cô nàng lấy làm lạ tại sao Điền Mục chưa trở về nhà luôn mà còn tới đây làm gì, thì cậu ta bảo: “Tôi nói trên xe rồi mà, tôi đến tìm người, bà con thì là nói dối thôi.” Cô nàng cúi thấp đầu, không dám nhìn về phía ngôi nhà của bà Mai đối diện nhà mình, vừa đưa tay bấm chuông cửa. Có thể mường tượng bố mẹ Vũ Thanh phản ứng ra sao khi cô con gái “mất tích” gần ba ngày rốt cuộc cũng trở về nhà. Ông Hưng – cha của Vũ Thanh, nghiêm giọng hỏi: “Đi đâu mà bây giờ mới về, lại còn không liên lạc được hả?” Mẹ cô nàng – cô Hoa, thì bảo: “Con nó về là may rồi. Anh đừng nóng mà con nó sợ, để từ từ nó giải thích.” Vũ Thanh nuốt nước bọt, thầm cảm ơn mẹ mình đã xoa dịu giúp cơn nóng giận của bố. Cô nàng bịa rằng mình bị hỏng điện thoại, con bạn thân ở đại học lại muốn cả hai hoàn thành bài tập Tết rồi hẵng về quê cho thoải mái, vừa để sửa điện thoại luôn. Vũ Thanh lấy cớ không thuộc số điện thoại của bố mẹ nên không gọi được về nhà, có viết thư gửi bưu điện, nhưng chắc do Tết nhất nên bị chậm. Ông Hưng nghe thế bèn nghiêm mặt: “Lần sau phải học thuộc số của bố mẹ, có gì còn báo có nghe chưa? Thôi lên nhà rửa ráy tắm giặt gì đi chứ con gái con đứa mà bẩn như ma lem.” Bà Hoa cười, nói nhỏ:
“Bố mẹ chờ hết hôm hai mươi không thấy con, bố con đoán chắc là không có chuyện con lỡ xe, nên lo sốt vó lên, đùng đùng đi báo cảnh sát. Họ đã dò hỏi tài xế của từng chuyến xe, nhưng chẳng ai lái ngày hai mươi ấy nhận ra được mặt con cả. Bố con hai hôm nay không chợp mắt được tí nào, nay mà không về nữa là ông ấy đánh xe lên thành phố báo công an rồi đấy.” Vũ Thanh bèn nghe mẹ, về phòng tắm giặt. Hôm ấy, là chiều tối ngày hai ba tháng chạp... Bác Hưng cúng ông Công ông Táo xong xuôi đâu đấy thì ngoài cửa có bóng ông Sơn – chủ nhà hàng - cầm chai rượu bước vào sân, nói: “Hôm nay đến ăn cơm với gia đình đây.” Chẳng là ông Sơn thường hay lấy hàng từ chỗ bố mẹ Vũ Thanh để dùng cho quán, lại là chỗ xóm giềng tắt đèn tối lửa nên hai gia đình đi lại cũng thân thiết. Vũ Thanh từ sau cửa ngó ra, trong ký ức của cô nàng ông Sơn là người khỏe mạnh minh mẫn, ma lanh mà rất biết làm ăn. Ấy thế mà hiện giờ ông chú trung niên ấy đã gầy sọp đi một vòng, quầng mắt thâm đen như lấy mực tàu vẽ, có vẻ tiều tụy lắm. Đến bữa cơm. ông Hưng ngồi cùng ông hàng xóm ngoài sân nhắm rượu, còn hai mẹ con Thanh ăn ở trong bếp. Bố Vũ Thanh không giấu được vẻ muộn phiền khi nhìn người hàng xóm, nói: “Chuyện cô Linh đâu phải lỗi tại anh, anh cứ tự trách mấy tháng nay làm gì?” Ông Sơn hình như trước khi đến nhà Vũ Thanh đã uống một chặp rồi, nên chưa vào bàn đã ngà ngà say, bèn nói: “Tôi nói anh nghe, từ ngày bà Mai hàng nước mất, cái làng này đến lắm chuyện xảy ra.” Bà Hoa nhìn con gái, nói nhỏ: “Bà Mai mất rồi con ạ, ba tháng trước. Bố mẹ sợ con buồn không học hành được nên mới chờ đến lúc con về ăn Tết, mà chưa tìm được dịp thích hợp.” Vũ Thanh gật đầu, cố tỏ ra ngạc nhiên, rồi lại hỏi: “Còn cô Linh thì sao hả mẹ?” “Cô cũng mới mất độ gần hai tháng nay con ạ. Lúc bà Mai mới mất, thằng con cô ấy vào nhà ông Sơn nhặt quả bóng, bị con chó trắng già cắn phải, rủi thế nào con ấy lại phát bệnh dại. Thằng bé mất, ông Sơn đây chôn chó rồi sang xin lỗi mấy lần mà cô Linh không tja thứ được, cứ hung hăng cầm dao lên như người phát rồ.” Bà ngừng một chốc, liếc ông hàng xóm một cái để chắc chắn ông ấy không nghe thấy, rồi tiếp: “Được chục ngày thì trái gió trở trời sao mà cô Linh đột quỵ rồi mất, bác sĩ khám nghiệm bảo xảy cái thai ba tháng trong bụng luôn, đến tội. Từ bấy ông Sơn tự trách ghê lắm, lại nằm mộng nằm mị, lúc thì thấy tiếng trẻ con khóc văng vẳng, khi lại nhìn rõ cảnh cô Linh cháy trong đám lửa, ông kể thật như mắt thấy tai nghe vậy.” Vũ Thanh nghe mà giật mình. Cô Linh có thai?? Ai cũng biết từ lúc chồng cô trốn nợ, cô vẫn ở vậy nuôi con. Thế thì cha đứa trẻ là ai?? Liệu hắn có dây mơ rễ má gì với bà Mai hay không?? Phải biết rằng tuy bà Mai có thể câu hồn kẻ khác về làng ma, nhưng cái xác của cô Linh trong cây chuối thì sao?? Cô Linh chết ở làng Ngô của người sống, đâu thể nào đi nhầm đến làng ma như Vũ Thanh được?? Tức là ắt phải có kẻ khác nhúng tay, đưa xác cô về làng của người chết để bà Mai bỏ vào thân chuối luyện Quỷ Thiên Linh. Và nếu như quỷ Thiên Linh không được chọn ngẫu nhiên, thì kẻ đáng ngờ nhất chính là người đàn ông bí mật qua lại với cô Linh bấy lâu nay. Đúng lúc này, ông Sơn lại nói to: “Mới hôm qua, tôi còn mơ thấy cô Linh biến thành ác quỷ gọi con. Người gầy nhẳng, mắt lồi tóc dài, móng tay dài ngoằng, trông sợ lắm.” Ông Hưng thở dài, rồi bỗng như sực nhớ ra chuyện gì, bèn lấy trong ví ra một lá bùa, đưa cho ông hàng xóm, bảo: “Hồi hôm em lên huyện gặp được ông bạn học ngày xưa, được cho mượn hai lá bùa, cũng có dặn bao giờ anh ấy lo xong chuyện sẽ quay lại đòi. Em thấy bác cứ mộng mị ghê quá, nên thôi em cho bác mượn lại một tấm cầm đỡ cho yên tâm, hai vợ chồng em dùng chung cái của vợ em cũng được.” Ông Sơn ngó lá bùa bé tí, rồi cười: “Chữ của các cụ ngày xưa thì tớ có biết một ít. Đây chỉ là tấm giấy vàng ghi mỗi chữ Điền, chứ có thờ thần cúng Phật nào đâu mà đuổi được tà ma quỷ quái? Không khéo ông bạn chú bị ai lừa thỉnh bùa giả về rồi.” Ông Hưng đáp: “Nếu chữ đấy là chữ Điền thì chắc là họ của ông bạn em đấy thôi.” “Họ lạ nhỉ?” Ông Sơn dốc một chén nữa, lầm bầm. Cuộc nói chuyện này của hai người Vũ Thanh nghe không sót một chữ nào. Điền? Lẽ nào có liên quan đến Điền Mục?? Cô nàng nghĩ thầm, dù sao ở Việt Nam người có họ này cũng không nhiều. Mà nếu người đưa cho bố mẹ cô nàng hai lá bùa phòng thân đúng thật là người nhà của Điền Mục, thì có thể lí giải tại sao bà Mai không câu hồn ông Hưng, bà Hoa về làng ma. Vũ Thanh lắc đầu, thở dài. Có lẽ cô nàng nghĩ nhiều rồi chăng?? Sau những chuyện ở làng ma, Vũ Thanh chỉ muốn từ giờ đến hết đời cũng không bao giờ bị cuốn vào mớ bòng bong ma quỷ siêu nhiên này nữa. Nghĩ thế, cô nàng lại có phần mong chờ, hi vọng “ông bác” mau chóng tìm ra cách đóng mắt Âm Dương giúp mình, để từ nay khỏi phải nhìn thấy những thứ không thuộc về cõi người nữa. Bỗng, chuông cửa lại reo lên một lần nữa. Vũ Thanh ngó ra ngoài, bấy giờ đã tối, sân lại không mở đèn, thành ra không nhìn thấy ai đang đứng ngoài cổng. “Nhà bác Hưng phải không ạ? Bố cháu bảo đến xin lại thứ lần trước cho nhà mình mượn.” Sau đó, giọng nói quen thuộc của một cậu thanh niên lập dị vang lên.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]