🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Tả Thiếu Dương cẩn thận xuống thang, lấy tay che một bên ánh sáng để cha mẹ không phát hiện ra, xem xét công cụ bào chế thuốc, rất đơn giản, cái này thì chắc hiệu thuốc nào cũng thế cả thôi. Tiếp đó rón rén đi xuống bếp, càng đơn giản, một cái bếp đắp bằng đất rất to, trên có hai cái nồi sắt một lớn một nhỏ, mở nắp ra, tất nhiên là trống không. Có hai cái lồng hấp trên trên tường, mở ra, trống rỗng nốt. Một cái sàng không trống, nhưng toàn là vỏ dâu mà y và Hồi Hương mang về, đã rửa sạch thái thành sợi rồi.

Chum nước lớn nhỏ, chậu to chậu bé bỏ qua, đi tìm cái chạn gỗ, thấp lắm, qua rốn y một chút thôi, ngồi xuống xem xét, có bao bố nhỏ, sờ sờ thử, mềm mềm, mở ra, bên trong là bột mì đen, chỉ có thế thôi, à còn, một ít củi ở góc tường nữa, không còn là bao đun vài bữa cơm là cùng.

Nâng đèn dầu tới trước một cái cửa nhỏ, rút then ra, từ từ hé cửa, gió lạnh ùa vào, phụt một cái đèn tắt ngúm, trong phòng tức thì đen xì xì không nhìn thấy ngón.

Gió lạnh làm Tả Thiếu Dương rùng mình, vội đóng ngay cửa lại, đợi chốc lát, chuẩn bị đầy đủ tinh thần mới mở ra thật chậm thật chậm, thò đầu nhìn ra ngoài, thấy cái ngõ nho nhỏ, trời tối nhìn không rõ, hai bên đều đen ngòm. Có điều mặt đường là tuyết trắng phau phau, ánh tuyết phản quang nên cũng mờ mờ nhìn thấy ở gần. Đối diện là bức tường gạch, cao tới hai trượng, không biết đằng sau là nhà ai, hẳn phải bề thế lắm.

Tả Thiếu Dương mở cửa thật khẽ khàng, nhưng cánh cửa gỗ vẫn phát ra tiếng kẽo kẹt ê răng, y vội dừng tay lại nghe ngóng, không thấy có động tĩnh gì trong nhà mới tiếp tục công việc, nhẹ hơn cả ăn trộm. Mở đủ cái khe lách qua, ra ngoài rồi, Tả Thiếu Dương chầm chậm đóng cửa lại.

Thấy mặt lạnh buốt, Tả Thiếu Dương đưa tay sờ má, là tuyết, tuyết vẫn cứ rơi lả tả. Lại rụt đầu cho tay vào ống tay áo, ngó quanh quất, quyết định đi về phía phải trước.

Tuyết đọng trên đường bị người đi lại dẫm thành băng, hơi trơn, y phải dùng một tay vịn vào tường, từ từ mà tiến.

Chẳng đi được bao lâu thì hết tường, biến thành vách gỗ, phòng ốc cũng cũng thấp hơn nhiều. Tiếp tục đi về phía trước, ở góc tụt vào xực một mùi khai thối, không biết là nhà xí hay là tên vô văn hóa nào dùng tạm làm nhà vệ sinh "công cộng", bịt mũi bước nhanh qua chỗ ô uế này, tới một cái ngã tư, bốn xung quanh tối om om không biết dẫn tới đâu, không dám đi bừa, gặp phải lính canh sẽ rất phiền. Tả Thiếu Dương quay đầu trở lại, qua cửa hiệu nhà mình, lần này là rẽ trái, dọc đường có nhà còn sáng đèn, loáng thoáng có tiếng trẻ khóc, tiếng dỗ dành, đâu đó còn mấy con chó tru dài vì không chịu nổi lạnh - Ấy là y đoán thế.

Lần này gặp một cái ngã ba, nhìn hai phía, chỉ thấy cái hố đen ngòm ngòm như miệng quái vật, đằng trước chẳng thấy dầu hiệu có người ở nào, gió thổi qua ngõ tạo ra âm thanh kỳ quái, lông tơ trên người dựng cả lên, y hơi sợ, lần mò tường về nhà.

Vào bên trong thấy ấm hơn chút ít, lỗ mũi ngứa ngáy, vội bịt ngay lấy miệng, hắt hơi liền mấy cái, âm thanh không thoát ra được, nhưng nước mắt nước mũi chảy ra cả đống. Hai tay ôm vai dậm chân tại chỗ một lúc cho ấm người, lại lần mò về cái gác xép nhỏ của mình.

Buổi tối thời xưa thật là vô vị, chả có hoạt động gì, muốn xem ít sách cũng không có điều kiện, đèn dầu phải tiết kiệm, ngoài ngủ ra chẳng biết làm gì, chẳng trách thời xưa đẻ nhiều.

Tả Thiếu Dương quỳ trên giường, cởi cái áo kép vừa cứng vừa nặng ra, biết làm thế là không nên nhưng không cởi áo thì y không thoải mái không ngủ được, bên trong chỉ còn một bộ áo lót sát người, y run run trải áo kép lên giường, một đầu giường là cửa sổ, có gió lạnh luồn vào qua khe hở, cho nên phải nằm ngược, để đầu không bị gió. Chui vào trong, cuộn trọn mình lại như con sâu, run lẩy bẩy trong chăn.

Cứ tưởng là nằm một lúc rồi cũng ấm thôi, nhưng mà tưởng chừng cả thế kỷ trôi qua rồi mà trong chăn vẫn cứ lạnh như như trong hố băng, mũi lại ngứa rồi, không đưa tay lên kịp, thế là hắt hơi mấy cái liên tiếp.

Họa vô đơn chí, hắt hơi làm bụng đau, chắc là vừa rồi đi dạo một vòng, bụng bị nhiễm lạnh, cảm giác rất không thoải mái, nằm một lúc cố ngủ mà không được, bụng càng lúc càng đau, phải đi nhà xí thôi, đành bò dậy, vất vả mặc cái áo cứng đờ vào, chuẩn bị đi nhà xí. Rút kinh nghiệm lần trước, Tả Thiếu Dương cầm lấy cuốn sách y học của Tả Quý, dù y là người yêu sách, nhưng nghĩ tới dùng gậy chùi đít là muốn nôn rồi, trong nhà xí đó có một cái gậy, không biết người ta có tái chế dùng không nữa? Tự an ủi là thứ mình biết còn nhiều hơn trong sách này hàng trăm lần, giữ vô ích, mà lại bằng giấy tuyên chỉ rất mềm, phù hợp, sách ơi mày hi sinh vinh quang vậy. Có điều chuyện này phải giữ kín, cha y mà biết thì người hi sinh là y, hơn nữa không vinh quang gì.

Cẩn thận xé vài trang ở giữa, vò thành một năm, lại mò cầu thang xuống, qua nhà bếp, mở cửa sau, tới cái nhà xí phát hiện ra lúc nãy. Nín thở mở cửa bước vào, đối phó được với cái mùi thối tới lợm giọng thì tiếp tục chiến đấu với khó khăn thứ hai, mặc trường bào vào nhà vệ sinh quá phiền toái, thế mới hiểu vì sao người xưa gọi đi vệ sinh là thay quần áo, hết quần dài lại áo dài, quá phiền phức.

Gió lạnh rít gào, giữa đêm mùa đông đi vệ sinh trong cái nhà xí bốn phía lọt gió này quá đi đầy.

Ỉa xong được một bãi chạy vội ra ngoài, đầu óc váng vất vì thiếu dưỡng khí. Vừa rồi phơi mông đón gió, người càng khó chịu hơn, lại hắt xỉ như pháo liên thanh, trong đêm khuya rất vang vọng, phải cắn răng bịt miệng về nhà, cởi áo, chui vào chăn, cuộn tròn, răng và vào nhau liên hồi kỳ trận, nước mắt nước mũi tèm nhem, hắt hơi không biết mệt.

Toàn thân cứ run lên từng chập, mũi thì không thông nữa rồi, há mồm ra thở như cá mắc cạn, được một lúc thì bắt đầu có triệu chứng cảm sốt, muốn dậy tìm thuốc uống, nhưng thuốc thời này đều phải sắc lên mới uống được, mà y sắp không động đậy được nữa rồi. Chả lẽ lại chết thế này? Tuy cảm sốt thế này chưa dễ chết được, nhưng nội tâm Tả Thiếu Dương lúc này rất u ám, vì không chỉ đêm nay, còn đêm mai, đêm kia, mà có trời mới biết đây đã phải là đợt lạnh nhất chưa, còn sống sao nổi nữa chứ?

Y thấy đủ rồi, không chịu nổi cái thời đại quỷ quái này nữa, có khi chết quách đi cũng tốt, biết đâu lại quay về được thì sao?

Đang lúc tinh thần sa sút tới mức thấp nhất, cái lạnh tê tái làm mơ hồ thì Tả Thiếu Dương nghe thấy cửa phòng bên dưới bị đẩy két một cái mở ra, Lương thị cầm cái đèn dầu đi lên: - Trung Nhi, con làm sao? Bị lạnh à? Chắc vừa rồi lại ra ngoài đi lang thang trong tuyết hả?

Tả Thiếu Dương rên hừ hừ như mèo bệnh: - Con, con... Hắt xì... Không nói nổi ra lời cứ mở mồm hắt hơi là làm luôn một tràng.

Lương thị lấy khăn tay đưa cho con: - Đây, lấy cái này lau.

Tả Thiếu Dương bò dậy, đưa tay ra lấy khăn lau mũi.

Lương thị thất kinh kêu lên: - A, sao con cởi áo ra, chẳng trách bị lạnh, mặc áo vào mau, mẹ đi nấu cho ít canh gừng. Gấp rút xuống thang.

Tả Thiếu Dương đâu có biết thời Đường chưa có bông, nhà bình thường không có tiền mua chăn tơ, không cách nào giữ ấm mùa đông, nên mặc cả áo kép, đắp thêm chăn vào ngủ, y theo thói quen cởi hết áo ngoài cho thoải mái để ngủ, chịu sao thấu. Lúc này mới vội vội vàng vàng mặc cái áo dày cui nặng trịch kia vào, tuy vẫn còn lạnh, nhưng khá hơn rồi, cảm giác hơi ấm trong người tỏa ra được giữ lại, không bay hết đi như trước.

Lại nghe thấy Tả Quý hỏi: - Nó có bị nghiêm trọng không, lạnh quá rồi thì gừng không ăn thua, dùng canh ma hoàng đi.

Tả Thiếu Dương thấy cả cha cũng dậy rồi, không cần cố chịu nữa, nói to: - Con bị tắc mũi, cho thêm một ít nhĩ tử và tân di.

- Con biết cái gì? Tả Quý quát: - Đắp chăn ngủ đi.

Lương thị hỏi: - Vậy có thêm vào nhĩ tử với tân di không?

Tả Quý nói nhỏ: - Thêm vào đi. Hài lòng vuốt râu: - Xem ra lão phu dạy dỗ có chút thành tựu rồi, không tệ.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.