Chương trước
Chương sau
Thụy Khanh cho Vân Tú một số bài tập toán. Bé con đang học lớp một, sắp sửa thi giữa kỳ nên ba mẹ bé đang nhờ cô ôn ráo riết. Vân Tú ngoan ngoãn, chịu học và thích Thụy Khanh nên học rất chăm chỉ.

Giờ nhóc con đang ngồi cạnh cô giải đề toán. Bé đang mặc trên người chiếc đầm hồng, tóc chẻ đôi, thắt hai bím đều nhau, thả sang hai phía, xinh như một cô công chúa nhỏ. Vân Tú đôi lúc khiến cô nhớ lại hình ảnh ngày thơ của mình.

Thụy Khanh còn nhớ mình cũng được ba mẹ chăm chút vẻ bề ngoài như một nàng công chúa. Có điều cô công chúa này phải học làm người lớn, lúc nào cũng nghe điệp khúc nhường em, không được phân bì với em về bất kỳ chuyện gì.

Thụy Khanh thời đó dù còn ngây thơ nhưng vẫn biết buồn khi bị ba mẹ bỏ rơi. Đôi lúc cô nghĩ, ba mẹ sẽ không lo chuyện quần áo trang phục cho cô nếu dáng dấp và khuôn mặt của cô không giống Trúc Khanh.

Hai chị em sinh đôi nên khi ba mẹ mua quần áo cho Trúc Khanh, tiện thể mua luôn một đôi. Cô có đồ giống em nên chưa bao giờ nhận ra sự bất công. Khi cô lớn hơn, bắt đầu có ý thức, mới dần dần cảm nhận được sự thiếu công bằng của ba mẹ.

Giờ Vân Tú y hệt bản sao của cô ngày nhỏ. Chỉ khác một điều là bé vẫn còn giữ được bản chất ngây thơ đáng yêu vì may mắn được sinh ra trong gia đình có ba mẹ chăm lo và là đứa con độc nhất, chưa bị san sẻ tình cảm với ai, nên đôi lúc bé nhõng nhẽo và hơi bám người.

"Cô Khanh ơi, cho con ít bài toán thôi. Vân Tú mỏi tay quá trời."

"Không được bé con, sắp thi học kỳ rồi. Vân Tú có muốn được khen là học sinh giỏi không nè?"

"Dạ muốn, nhưng mà con mệt quá cô ơi." Con bé tựa cả người vào cô, hai tay nhỏ bé ôm eo cô làm nũng.

"Ráng làm hết mấy bài toán này, cô cho con đọc thêm một bài tiếng Việt nữa rồi nghỉ, chịu không nè?"

"Dạ chịu." Miệng đồng ý nhưng thái độ chẳng nhiệt tình cho lắm.

Nhìn mặt bé con buồn hiu, Thụy Khanh chịu không nổi. Tuy vậy cô phải ráng giả vờ cứng rắn quay mặt đi, để Vân Tú vào nếp. Bé ngồi thẳng lưng lại, tay cầm bút bắt đầu giải toán. Thật ra bé làm toán rất giỏi, dạy bé chẳng hề vất vả. Chỉ tại ba mẹ bé không có thời gian, nên giao khoán chuyện học của bé cho Thụy Khanh.

Lúc đầu Thụy Khanh chỉ dạy dương cầm cho Vân Tú. Sau này thân hơn, ba mẹ bé quý cô. Khi biết cô đang học sư phạm, thế là nhờ cô vừa dạy đàn, vừa kèm bé học văn hóa. Anh chị trả lương rất hào phóng, nếu mỗi tháng biết tiết kiệm thì Thụy Khanh có thể lo được học phí. Cho nên mỗi ngày, cô đều đến nhà kèm Vân Tú học.

Một tuần kèm sáu ngày, chỉ nghỉ ngày chủ nhật. Có được việc làm bán thời gian nhưng ổn định này, Thụy Khanh đỡ phải bôn ba tìm việc như một số bạn sinh viên cùng lớp. Thỉnh thoảng còn thời gian rảnh, cô sẽ theo Hải Băng kiếm thêm thu nhập bằng công việc tiếp thị, hoặc đạp xe ngoài đường theo đoàn, quảng cáo sản phẩm cho một công ty nào đó. Thụy Khanh rất bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình.

Mãi suy nghĩ đâu đâu Thụy Khanh không nhận ra Vân Tú đã làm toán xong. Cô bé níu tay Thụy Khanh báo động:

"Cô ơi còn làm toán xong rồi. Cô kiểm tra cho con đi ạ!"

"Vân Tú giỏi quá đi. Để cô xem nè."

Thụy Khanh nhìn từ trên xuống, bài nào cũng đúng nhưng nhóc con này có vẻ bắt đầu lười biếng nên chữ viết có chút xiêu vẹo.

"Vân Tú giỏi, con làm đúng hết rồi. Nhưng sao lại viết dối thế này, Vân Tú mỏi tay rồi phải không?"

Con bé nhìn cô giả vờ xụ mặt: "Mỏi tay lắm rồi. Hông vượt qua được bản thân. Học nữa là con chết. Cô cho con nghỉ nha cô."

Lém lỉnh vô cùng, chưa thấy ai học mà chết. Mỗi lần bé con này bắt đầu làm biếng sẽ giở trò. Dù sao cô cũng đã có hai năm kinh nghiệm đối phó. Lúc nào rắn được sẽ không buông. Thụy Khanh vờ nghiêm mặt yêu cầu Vân Tú phải viết chính tả một bài tiếng Việt rồi mới cho cô bé nghỉ. Vân Tú vô cùng không tình nguyện nhưng phải chấp nhận vì biết chẳng thể nào thỏa hiệp được nữa.

Vất vả đọc xong bài tiếng Việt cũng mất nửa tiếng vì con bé viết một từ lại nhìn trời. Sau đó lại mè nheo mỏi tay, miệng bé con không ngừng kêu ca học hoài chắc con chết. Và rồi như bao đứa trẻ khác, bé tiếp tục lầm bầm cô ác, cô hông thương con. Thụy Khanh giả chết không nghe. Nhóc con phụng phịu vừa viết, vừa giả vờ gây tiếng động nhưng vẫn không đánh động được lòng cô Khanh. Tay xiêu vẹo một lúc cũng hoàn thành bài tiếng Việt.

Dạy trẻ nít ngoài nắm vững kiến thức còn phải thật kiên nhẫn. Nếu không dạy bằng cái tâm, dễ nỗi giận, trẻ sẽ sinh tâm lý bài xích và sau đó sợ hãi chuyện học. Vì mỗi lần làm sai sẽ nghe quát tháo, và cho dù có làm đúng cũng sẽ thiếu tự tin. Dạy con nhà giàu lại càng khổ hơn. May mắn Vân Tú cũng không ương bướng. Đôi lúc hơi lười biếng, nhưng Thụy Khanh dỗ ngọt một hồi cô bé sẽ vào quy củ.

Thụy Khanh xếp sách lại đứng lên ra về, thì Vân Tú bám theo cô đi xuống lầu. Bé con không muốn học nhưng muốn cô chơi cùng. Mỗi lần đến giờ cô về bé con luôn mè nheo, ôm chặt cô, bày đủ trò để cô ở lại chơi với bé thêm chút nữa. Giờ bé đang đu chân Thụy Khanh xuống lầu. Anh Toàn và chị Vân ngồi ở ghế salon, nhìn cô trò như hai mẹ con Kangaroo cũng buồn cười.

"Con làm gì nữa vậy Vân Tú, bám cô Khanh như bạch tuộc vậy sao cô đi?" Chị Vân rầy con.

"Cô không được về, ở lại chơi với con thêm chút nữa đi mà." Vân Tú dài giọng năn nỉ.



"Ở lại học thì được, ở lại chơi làm gì?" Anh Toàn ghẹo con gái.

"Con học xong rồi." Con bé ngước ánh mắt ngây thơ nhìn Thụy Khanh "Đúng hông cô? Con học toán và môn tiếng Việt xong hết rồi mà."

"Bé Tú học xong hết rồi anh chị." Thụy Khanh nhỏ nhẹ.

"Cám ơn em nhiều nha Khanh. Em cực khổ với con bé quá." Chị Vân nhìn cô trìu mến.

"Dạ có gì đâu chị, bổn phận của em mà." Cô thấy ngại.

Hai anh chị này quá lịch sự, tháng nào cũng trả cho cô thêm lương mà còn cám ơn nhiệt tình. Đành rằng họ khoán hết chuyện học của bé Tú cho cô và được cô chuẩn bị bài vở chu đáo, vào lớp Vân Tú trội hơn các bạn, nhưng mà gia đình này cũng quá hào phóng với cô rồi.

Vân Tú lại kéo tay Thụy Khanh nhõng nhẽo, đòi cô ở lại lên phòng vẽ công chúa cho bé. Anh Toàn thấy con gái bám cô quá nên đề nghị cô ở lại dùng cơm tối với gia đình, rồi hai cô trò chơi một chút hẳn về. Nhưng đường từ nhà này đến nhà cô rất xa, đạp xe về tối Thụy Khanh cũng hơi sợ nên từ chối.

Thụy Khanh quay sang dỗ dành Vân Tú: "Để tối nay ở nhà học bài xong, cô vẽ cho Vân Tú công chúa thật đẹp, mai gặp cô rồi đưa. Giờ nếu cô không về, không chuẩn bị bài vở đàng hoàng, cô giáo của cô sẽ mắng cô. Vân Tú ngoan nha."

Con nhóc buồn hiu nhưng đồng ý thả Thụy Khanh, không quên bảo cô hứa hẹn mai phải mang hình công chúa sang cho bé. Hai cô trò bịn rịn tiễn đưa, cứ như lần cuối cùng gặp nhau. Anh Toàn và chị Vân không biết phải nói gì, chỉ buồn cười nhìn hai cô trò chân thấp chân cao tiễn nhau ra cửa.

* * *

Thụy Khanh về đến nhà. Vừa bước vào cửa, cô đã cảm nhận được không khí u ám tràn vào màng phổi. Ba mẹ và Trúc Khanh đang ngồi ở phòng khách thảnh thơi nhưng trông mặt ai cũng âm u. Cô cả ngày bôn ba, giờ về nhà đã hơn 8 giờ tối, mệt mỏi vô cùng.

Còn chưa có hột cơm nào trong bụng nhưng nhìn ba khuôn mặt chẳng có tí mùa xuân, Thụy Khanh liền vơi cảm giác đói. Trong bụng cô biết chắc có chuyện nữa rồi. Quả nhiên không đợi cô thở, mẹ đã đốt pháo trước tiên:

"Bây giờ mới trở về sao? Dạo này đã đủ lông đủ cánh, bắt đầu học thói hư tật xấu của bọn trẻ ranh ngoài đường, đi sớm về muộn."

Thụy Khanh chẳng hiểu mẹ. Vì cô cãi lời không vào nhạc viện, mẹ giận cũng đúng, nhưng sao mẹ lại thù ghét cô? Mẹ khiến cô cảm thấy như mình chỉ là con ghẻ, hoặc việc sinh cô ra là một sai lầm. Đôi lúc mẹ khiến cô có cảm tưởng, nếu bỏ cô đổi lại một Trúc Khanh khỏe mạnh, mẹ sẽ vui vẻ chấp thuận.

"Sao mẹ lại nói con như vậy, con lại làm gì sai nữa sao?" Giọng Thụy Khanh ẩn nhẫn.

Giọng mẹ giận dữ: "Nhà bên đó hôm nay gọi qua muốn biết ý định của con về chuyện liên hôn. Mẹ rất tò mò con đã làm gì khiến Minh Hoàng say mê, nếu không phải con thì cậu ấy không cưới."

Thụy Khanh giận run: "Con không có. Anh ta bị thần kinh."

"Là chị bị thần kinh mới đúng. Sao chị lại làm vậy? Chị thừa biết em bằng lòng với người ba mẹ đã chọn. Sao chị không tránh đi mà còn tiếp cận anh ấy?" Trúc Khanh nhìn cô trách móc.

Em gái thật biết cách ràng buộc. Em ấy bằng lòng chắc gì người ta bằng lòng. Bằng chứng là gã đó đâu có ưng cuộc liên hôn. Thụy Khanh oán gã ta, nhưng cũng giận ông nội đã khuất, sao lại bày trò hôn ước này, để bây giờ mấy đứa cháu đều khổ. Giọng cô chán nản:

"Chị không tiếp cận anh ta. Chị chẳng ưa gì anh ta. Em thích một người tính cách chẳng ra làm sao đó là quyền của em, chị không chạm, nhưng em và anh ta đừng lôi chị vào cuộc chiến này nữa."

"Con nói giống như con thật sự không quan tâm." Giọng ba ong ong bên tai "Con nói một đằng làm một nẻo. Con bảo không tiếp cận Minh Hoàng, vậy sao con chạy đến công ty người ta? Mục đích của con là gì vậy?"

"Sao ba biết con đã đến chỗ đó?"

Thụy Khanh giận đến run rẩy. Gã đó đã nói gì với ba? Gã vừa ăn cướp vừa la làng sao? Còn dám tố với ba rằng cô xuất hiện ở công ty để quyến rũ gã sao? Thật quá đáng!

Ba còn chưa trả lời Trúc Khanh đã ré lên: "Hóa ra chị đến công ty của anh Hoàng. Chị làm chị như vậy mà coi được sao?"

"Nếu trợ lý cậu ta không nói, ba cũng không biết mình có đứa con gái giỏi như vậy. Một mình có thể tìm đến đúng địa chỉ của em rể để lôi kéo. Còn tự xưng là vợ tương lai của người ta."

Thụy Khanh đúng là có miệng mà không thể biện minh. Vì muốn vượt qua cửa ải của tiếp tân nên cô mới dùng chiêu thức đó. Không ngờ gã trợ lý kia tính tình cũng ti tiện giống sếp anh ta. Giờ thì cô hiểu nồi nào nắp vung đấy, anh ta làm việc dưới quyền một người tư cách chẳng ra gì, thì bị tha hóa là điều hiển nhiên.



Thật ra trợ lý bị oan. Hôm kia ba cô đến công ty Minh Hoàng bàn chuyện làm ăn, trợ lý vô tình gặp rồi khen con gái ông xinh đẹp, xứng là vợ tương lai của Tổng giám đốc nhà anh. Tất cả chỉ là lời nói xã giao lấy lệ, giờ lại gây rắc rối cho Thụy Khanh.

"Con gặp anh ta không phải mục đích như ba và Trúc Khanh đang nghĩ. Con chỉ muốn anh ta ngừng ngay trò đùa này, đừng kéo con vào cuộc. Thật ra anh ta không muốn duy trì cuộc hôn nhân này. Anh ta chỉ mượn con để hủy hôn." Thụy Khanh cố gắng giải thích.

Mẹ không giữ nổi bình tĩnh: "Con nghĩ mình cao giá lắm sao? Phải thông qua con mới có thể hủy hôn? Nếu muốn hủy hôn thì Minh Hoàng có thể tự mình lên tiếng. Con tưởng cả nhà là con nít sao Thụy Khanh?"

Thụy Khanh tự bảo bao nhiêu lần là sẽ không khóc trước mặt những người trong gia đình cô nữa, vậy mà lại không ngăn được giọt nước mắt tủi hờn rơi đầy trên khuôn mặt uất ức.

"Con nói thật, ba mẹ không tin con cũng đành chịu. Anh ta không yêu ai trong hai chị em con. Anh ta sợ ông nội mình mắng, nên không dám đơn phương hủy hôn. Anh ta biết con cũng không mặn mà với cuộc hôn nhân này, nên giả vờ muốn cưới con, để con lên tiếng phản đối, cho anh ta có cớ hủy hôn. Chính anh ta đã mở miệng nói rõ với con. Ba mẹ không tin có thể hỏi thẳng anh ta. Trong đời con chưa xem thường ai như anh ta."

Thụy Khanh cố ngăn giọng mình đừng nấc nghẹn để nói tròn câu rồi thất thểu đi lên phòng. Cô bỏ luôn bữa tối vì cảm giác đau trong lòng đã lấn át cơn đói khát của cô. Cô để cặp lên bàn học, nặng nệ ngồi xuống chiếc ghế trước bàn, trong đầu cuồn cuộn phẫn nộ với những suy nghĩ không cam lòng.

Đời cô vốn không may mắn, lỡ sinh ra trước Trúc Khanh, để rồi chịu sự ghẻ lạnh của ba mẹ. Giờ đây trời lại thách thức cô, cho cô xui xẻo gặp người đàn ông tệ hại đó. Vì muốn hủy hôn mà không có can đảm, bèn lôi cô vào cuộc chiến không cân sức. Cuộc đời cô đã đủ thảm, giờ vướng thêm rắc rối này. Còn chuyện gì nữa tới một lúc luôn đi, để cô khỏi phải lo lắng đề phòng. Thụy Khanh khóc mờ mịt, tủi thân và uất ức.

Ở dưới lầu Trúc Khanh cũng đang tựa vào lòng bà Hưng khóc lóc. Cô không cam tâm, rõ ràng cô đẹp hơn Thụy Khanh, mọi thứ của cô đều trội hơn chị, sao anh Hoàng có thể chú ý đến chị được chứ?

Ông bà Hưng nhìn con gái cưng khóc cũng đau lòng. Sợ bệnh tim của cô tái phát nếu cô xúc động quá mức, hai người vội vàng an ủi. Bà vuốt ngực con gái và ông cất giọng dỗ dành:

"Con gái đừng khóc. Ba sẽ tìm người chồng tốt hơn cho con gái. Quên Minh Hoàng đi con."

"Không chịu! Con chỉ thích anh Hoàng." Trúc Khanh khóc lớn.

Cô khiến ông bà bối rối, sao chỉ gặp một lần rồi thích? Hay tại hai người ngày ngày gieo vào lòng con gái về tài năng và phẩm hạnh của Minh Hoàng, nên cô công chúa nhà họ mơ mộng và mặc định anh là chồng tương lai. Thế nên chỉ một lần gặp gỡ, cô đã bị đổ gục.

Trúc Khanh tiếp tục khóc dai dẳng. Nếu là Thụy Khanh, ông bà có thể lớn tiếng trách móc nhưng với con gái bảo bối, hai người chỉ có thể dỗ dành:

"Con gái cưng đừng khóc nữa tổn hại sức khỏe. Cậu Hoàng không muốn cuộc hôn nhân này thì thôi. Bên ngoài còn nhiều người đàn ông khác tài giỏi hơn, để ba chọn cho con gái nhé?"

"Con không chịu. Con chỉ muốn anh Hoàng." Trúc Khanh khóc lớn hơn. Trước giờ cô chưa từng bị trái ý.

Nhìn con gái khóc thương tâm, hai ông bà liếc mắt nhìn nhau, trong lòng bối rối chưa biết cách gì để dỗ con. Làm thế nào loại Minh Hoàng ra khỏi suy nghĩ của con bây giờ?

"Anh Hoàng từ chối chỉ vì anh ấy và con chưa tiếp xúc nhiều. Ba tạo cơ hội cho con và anh ấy gặp nhau nhiều hơn đi ba. Con chắc chắn sẽ khiến anh Hoàng yêu con." Trúc Khanh vẫn không cam tâm.

Từ nhỏ cô đã trội hơn Thụy Khanh nhiều mặt. Chẳng phải lúc ra đường ai cũng chú ý cô nhiều hơn sao? Nếu anh Hoàng và cô gặp nhau thường hơn, cô không nghĩ anh ấy có thể dửng dưng. Trúc Khanh vô cùng tự tin với bản thân.

Ông bà Hưng nghe con gái nói lại không lạc quan cho lắm. Ông bà hiểu Minh Hoàng bản lĩnh thế nào. Nếu cậu ta dễ dàng bị con gái dắt mũi thì đâu phải là cậu ta. Người thanh niên này tuổi đời còn trẻ nhưng đã thay ông cụ điều hành công ty, thậm chí phát triển hơn thời ông cụ, đủ hiểu cậu ta tài giỏi thế nào.

Ông bà cũng nhìn Minh Hoàng lớn lên, biết anh không tệ, nhưng không thích bị dắt mũi. Đâu phải ông bà không đoán được anh bài xích với mối liên hôn. Người lớn hai nhà đã sai khi bày ra trò này. Nếu để tự bọn nhỏ gặp nhau, có khi anh thấy được cái hay của Trúc Khanh và đã không chán ghét cuộc hôn nhân. Tiếc rằng anh đã có ác cảm ngay từ đầu, giờ có nói gì cũng không lay động được lòng anh.

Có điều nhìn con gái cưng đau khổ, ông bà lại không đành lòng. Trúc Khanh là tất cả đối với ông bà. Hai người phủng cô trong lòng bàn tay, nưng như trứng, hứng như hoa. Giữ cô như bảo vật, sợ nắng, sợ sương, sợ cả gió có thể làm hại đến cô. Giờ cô lại vướng vào chữ tình, chẳng biết con tim yếu ớt của cô có chịu được hỉ nộ ái ố của tình yêu mang lại hay không. Tự nhiên ông bà thấy bất an.

"Vậy ba sẽ không vội trả lời bên kia dù Thụy Khanh đã từ chối. Ba cứ giữ im lặng và sẽ mời Minh Hoàng đến nhà nhiều hơn, cho con và cậu ấy có cơ hội tìm hiểu nhau nhé con gái." Ông Hưng đành xuôi theo ý con.

"Dạ con cám ơn ba!"

Trúc Khanh nép vào lòng bà Hưng cười hạnh phúc trong khi hai người già lại không lạc quan. Bác sĩ bảo sức khỏe của cô gần đây yếu hơn lúc trước. Một số cơ quan nội tạng đã có dấu hiệu suy. Bác sĩ khuyên phải luôn giữ cho tâm trạng cô vui vẻ, hy vọng cô có thể sống lâu hơn, nếu không thì rất khó nói.

Giờ Trúc Khanh mặc định mình thích Minh Hoàng, dù ông bà không lạc quan cũng chẳng còn cách nào khác. Ông bà phải làm tất cả vì con gái yêu. Trong đầu ông Hưng nhanh chóng nghĩ cách mời Minh Hoàng đến nhà.

(Còn tiếp)
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.