Sự nhường nhịn đã trở thành bản năng của Thụy Khanh và rồi các năm học cuối cấp, em gái nổi trội hơn bé. Các thầy cô bắt đầu chú ý em, trong mắt các thầy cô thì em dù sức khỏe yếu nhưng rất chịu học. Các thầy cô thương xót và dành nhiều hảo cảm cho em. Sau đó có những bài tập về nhà, dù nét chữ giống nhau nhưng các thầy cô không truy cứu nữa. Một khi cảm tình đã có, thì sẽ một mắt nhắm một mắt mở.
Năm Thụy Khanh vào trung học sơ sở, lúc này đã lớn. Chuyện học không giống như tiểu học. Mỗi người phải tự thân vận động, phải dựa vào lực thực của chính mình. Cho nên không tránh khỏi những lúc Thụy Khanh bộc lộ sức học trội hơn em.
Thầy cô khó hiểu ở chỗ mỗi lần kiểm tra điểm số Thụy Khanh lại thấp hơn em gái. Nhưng nếu gọi lên bảng trả bài trực tiếp thì điểm lại rất cao. Giáo viên cho là Thụy Khanh có thể lo ra, hoặc không tập trung nên bài làm không được tốt lắm.
Còn em gái thì ngược lại, thường vắng mặt một vài buổi do sức khỏe không ổn, nhưng học lực giỏi nên bài kiểm tra rất tốt. Trong mắt các thầy cô thì em gái rất có nghị lực và chịu khó học tập.
Vì có cảm tình đặc biệt nên các thầy cô đã bỏ qua vấn đề chữ viết. Thụy Khanh luôn đề tên Trúc Khanh lên bài làm của mình và ngược lại. Mẹ đã nói phải nhường em trong mọi hoàn cảnh mà.
Có một chiều, Thụy Khanh vừa vào cửa đã nhào vào lòng mẹ khóc ngất nhưng bị mẹ đẩy ra. Rồi mẹ ôm em gái vào lòng, cất giọng quan tâm. Trong khi Thụy Khanh đang hoảng loạn vì lần đầu tiên có kinh nguyệt, lại nghĩ rằng mình sắp chết. Thụy Khanh mong được mẹ ôm, nhưng mẹ chỉ chú ý em gái. Thụy Khanh nhìn mẹ mếu máo:
"Mẹ ơi, con bị chảy máu nhiều lắm. Con sẽ chết phải không mẹ?"
Thay vì quan tâm, mẹ lại quát lên: "Nói bậy nói bạ. Đi lên phòng thay đồ đi. Chỉ là sinh lý bình thường. Đừng có đứng ở đây. Con chẳng có ý tứ gì cả."
Thụy Khanh rất hoang mang không hiểu mình bệnh gì, nhưng bắt gặp ánh mắt nghiêm khắc của mẹ, đành phải thất thểu lên lầu. Dần dần tự mình nhận ra máu chảy vài ngày rồi sẽ hết. Đây là chu kỳ của con gái, thế mà bé lại khóc lóc làm lớn chuyện nên bị mẹ mắng là đúng rồi.
Thế nhưng vài tháng sau đó, Thụy Khanh mới biết mình quá ngây thơ. Mẹ xem nhẹ chuyện của Thụy Khanh nhưng lại để ý chuyện của em gái. Em gái có kinh nguyệt, mẹ chăm sóc từng li từng tí. Mẹ sợ em bị viêm nhiễm, tự tay lót băng cho em, dặn dò em chú ý vệ sinh sạch sẽ chỗ kín.
Thời gian cứ thế trôi qua và Thụy Khanh cũng dần nhận ra sự đối xử khác biệt của mẹ dành cho hai chị em. Vốn dĩ sự bất công này đã hình thành từ ban đầu, nhưng còn quá nhỏ nên không cảm nhận được nhiều. Giờ lớn hơn một chút, bắt đầu có nhận thức và đã biết buồn khổ.
* * *
Thụy Khanh thích vẽ, thầy cô đã phát hiện ra thiên phú của em, nên đăng ký cho em vào cuộc thi vẽ tranh cấp thành phố. Em gái cũng muốn đu theo, tiếc rằng lần thi này không phải chuyện đùa, không có chỗ hoán đổi bài dự cho nhau. Em gái khóc lóc nhưng mẹ cũng lực bất tòng tâm.
Cuối cùng đó là lần đầu tiên Thụy Khanh tự mình chứng minh thực lực của bản thân. Không phụ sự kỳ vọng của thầy cô, Thụy Khanh đã giành giải nhất cho bức tranh có hồn của mình. Giải thưởng là chiếc xe đạp Trung Quốc và nhờ trời nó đã theo cô xuyên suốt những năm về sau.
Năm Thụy Khanh lên trung học phổ thông. Lúc này trong nhà đã hình thành nếp. Nếu là kiểm tra trong lớp, đương nhiên hai chị em đều ghi tên của đối phương vào bài của mình vô cùng ăn ý. Có những kỳ thi nếu có thể đổi tên cho nhau, Trúc Khanh sẽ nháy mắt với chị, yêu cầu chị ghi xuống tên mình. Thầy cô sẽ không bao giờ ngờ được có sự gian lận kiểu này.
Cho nên ba năm cuối cấp có thể thấy sức học của em gái nổi trội hơn Thụy Khanh. Vì học giỏi nên có thể làm lu mờ mọi điều bất thường. Thầy cô chỉ thấy tội Trúc Khanh mang bệnh tật nhưng luôn cố gắng theo kịp chương trình. Nhờ học lực giỏi, nên các bài kiểm tra của Trúc Khanh đều được điểm tối đa. Trong khi Thụy Khanh đi học đều đặn lại không chăm chỉ như em gái, bài kiểm tra nào cũng tệ. Dần dần thầy cô chỉ chú ý em gái và mặc định sức học của Thụy Khanh không được tốt lắm.
Trưởng thành rồi, Thụy Khanh biết suy nghĩ, biết buồn, cũng muốn được thầy cô, bạn bè chú ý. Nhưng mẹ nói không được phân bì, phải hy sinh vì cô mắc nợ em. Mỗi lần ghi tên em xuống bài thi của mình, Thụy Khanh rất buồn. Cô thầm hỏi liệu Trúc Khanh có đang làm tốt bài thi của cô không? Song song đó cô còn sợ thầy cô phát hiện ra sự gian lận của hai chị em. May mắn chẳng ai đọ chữ viết nên chưa bao giờ phát hiện ra sự khuất tất này.
Trúc Khanh trong mắt các thầy cô, bạn bè đều là người ham học, còn ai tưởng tượng được có sự hoán đổi bất thường giữa hai chị em. Thụy Khanh rất buồn khi sức học của mình không được đánh giá đúng, nhưng nếp nhà đã hình thành, cô không thể thay đổi được gì.
Năm Thụy Khanh học lớp mười một, được bạn nam cùng lớp gửi thư tỏ tình. Thụy Khanh lần đầu rơi vào trường hợp này nên hoảng sợ, vội vàng chạy về nói với mẹ, bị mẹ thiếu kiên nhẫn la cho một trận. Mẹ mặc định rằng Thụy Khanh đã làm sao để bạn đó chú ý đến, nên mới bày trò đưa thư. Mẹ mắng cô còn nhỏ mà ham yêu đương sớm.
Thụy Khanh cảm thấy oan uổng, rõ ràng cô suốt ngày chỉ đi bên cạnh em, ở lớp cũng ít giao thiệp với ai, hết giờ học mẹ lại đón về, cô chẳng hiểu sao nhận được thư tỏ tình này. Bị oan nhưng Thụy Khanh không biết cách nào để biện minh.
Sau khi mẹ lên giọng với Thụy Khanh xong, lại quay sang nói nhẹ nhàng với em, dịu dàng khuyên em không cần quen bạn trai. Mẹ còn nói đã tìm cho em người chồng hứa hôn rất giỏi và xứng đôi vừa lứa rồi.
"Con không chịu lấy chồng đâu." Em gái mắc cỡ dụi đầu vào lòng mẹ.
Thụy Khanh ngồi bên cạnh cũng muốn được mẹ ôm ấp như vậy, nhưng tiếc rằng trong mắt mẹ chỉ có em gái.
Ba mỗi lần đi làm về cũng vậy, dù Thụy Khanh có chạy ra chào hỏi trước, mong được ba xoa đầu nhưng ba chỉ tập trung hỏi thăm sức khỏe của em gái thế nào. Thụy Khanh buồn bực chỉ có thể chôn trong lòng.
Hai chị em còn chưa học xong trung học, ba mẹ đã chọn trước cho em người thanh niên tài ba. Em vừa rồi còn mắc cỡ, sau khi ba mẹ nói về sự tài hoa của người chồng tương lai, tâm hồn thiếu nữ của em đã bắt đầu mơ mộng.
"Vậy là ông nội hứa hôn với ông nội anh Hoàng cho con rồi sao mẹ?" Em gái đỏ mặt hỏi lại mẹ.
"Ừ, ông nội đã chọn cho con người thanh niên ưu tú này. Sau này hai đứa sẽ kết hôn với nhau." Mẹ ôm em, cằm tựa trên đỉnh đầu em yêu thương.
Thụy Khanh ngồi một bên rất buồn. Không phải buồn vì ông nội không hứa hôn cho mình, mà buồn là ngay cả ông nội cũng chỉ dành điều tốt đẹp cho em gái.
"Mẹ ơi anh ấy bây giờ đang du học hả mẹ?" Em gái tò mò, muốn hiểu thêm về người chồng tương lai của mình.
"Minh Hoàng đã học xong nhưng anh chưa chịu về nước. Anh muốn ở đó rèn luyện thêm thời gian nữa, rồi về gánh vác công ty gia đình."
Mẹ đã vô tình gieo vào tư tưởng của em gái hình ảnh người thanh niên ưu tú nho nhã, học hành giỏi giang, lại có trách nhiệm với gia đình. Chỉ là mẹ không biết người thanh niên này thật ra đang trốn chạy cuộc hôn ước, nên mới ở lại nước ngoài.
Năm Thụy Khanh học cuối cấp, không chịu gánh vác chuyện học của em gái nữa bởi vì cô còn trách nhiệm với tương lai của mình. Cô muốn có được kết quả cao để cánh cửa vào đại học được rộng mở. Thế nên năm học cuối cấp này cô đã nhiều lần cãi lời ba mẹ, không gồng mình làm hộ bài cho em.
Ba mẹ nhiều lần lên án Thụy Khanh không biết hy sinh. Thụy Khanh lúc này đã lớn, có thể nhận ra sự thiếu công bằng. Ba mẹ chỉ thương em, bỏ qua cô. Càng về sau, cô càng quen với sự bất công này và không còn trông chờ vào tình thương của ba mẹ dành cho nữa.
Năm cuối cấp là năm trong đại, mọi người phải tự lực cánh sinh, cho nên sức học của em gái đã lộ rõ sự yếu kém. Năng lực học tập và sức khỏe đều không cho phép em thi vào những trường có sức chọi cao. Em không có khả năng vào các khối tự nhiên, chỉ có thể dùng sở trường của mình thi vào nhạc viện.
Mẹ buộc Thụy Khanh theo em học nhạc viện, nhưng lúc này cô muốn thoát khỏi sự kiềm kẹp của gia đình, muốn sống cuộc đời riêng của mình, thay vì làm chiếc bóng bên em. Thụy Khanh từ chối thi vào nhạc viện và mâu thuẫn gia đình bắt đầu nảy sinh từ đó.
Thật lòng mà nói, từ nhỏ trong lòng Thụy Khanh đã hình thành sự phản kháng nho nhỏ. Tiếc rằng cô thuộc kiểu người hay hy sinh cho gia đình nên không cãi ba mẹ, chấp nhận hết mọi sự sắp đặt. Giờ đã lớn khôn, muốn tự mình quyết định tương lai. Ba mẹ quen thấy cô ngoan ngoãn nên lần đầu tiên thấy sự phản đối của cô, hai người mới không thể chấp nhận.
Ngày trước cô chưa bao giờ dám trái ý ba mẹ, nay lại bướng bỉnh làm theo ý mình. Thật lòng ba mẹ giận cô vào học sư phạm thì ít, mà giận vì mất mặt mũi nhiều hơn. Cho nên hai người tuyên bố trong bốn năm đại học sẽ không hỗ trợ. Nếu cô tự tin có thể tự lo học phí cho mình, cô nghĩ mình có khả năng vậy thì cứ làm điều cô thích.
Thụy Khanh quật cường gật đầu ưng thuận. Dù cô không đoán được tương lai thế nào, nhưng vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ. Cho nên mới có chuyện đứa con gái nhà giàu như cô phải bôn ba làm tất cả các công việc bán thời gian, để dành tiền trang trải học phí.
Bà Hưng vẫn đang kể lại chuyện xưa trong nỗi hối hận ăn năn. Bà cũng không tưởng tượng được mình đã cư xư vô trách nhiệm với Thụy Khanh như vậy. Ông Hưng cũng cảm thấy mình là người cha chẳng ra gì. Từ nhỏ đến lớn quen nếp nhà, hai người đã vô tình đến mức không nhận ra mình đã tổn thương con gái lớn một cách trầm trọng.
Minh Hoàng và ông nội nghe xong câu chuyện khóe mắt đỏ ửng. Ông nội nhìn hai vị ba mẹ trước mặt mà không thể tin. Ông nội xót cho Thụy Khanh nhưng không tiện nói gì, chỉ phê phán trong lòng. Minh Hoàng lại không kiểm soát được cảm xúc như ông nội, người anh yêu phải chịu nhiều khổ sở như vậy, tâm anh hiện tại rất đau.
Cuộc đời của cô đúng là có thể viết lên một quyển tiểu thuyết bi thảm. Nếu anh là cô có lẽ anh đã nổi loạn, và phát triển theo chiều hướng xấu. Vậy mà Thụy Khanh của anh đã tự mình vượt qua hai mươi mấy năm sống trong sự bất công của gia đình. Nghĩ đến những gì cô đã trải qua, ngực anh đau đến không thở nổi. Anh không kiềm chế được như ông nội nên thể hiện sự nóng giận ra mặt:
"Sao cô chú có thể đối xử như vậy với Thụy Khanh? Cô chú thật là tàn nhẫn." Minh Hoàng nhìn ông bà Hưng đầy bất mãn.
Ông nội kéo áo anh: "Minh Hoàng không được nói bậy."
Đây là chuyện gia đình con cái người ta, ông nội và Minh Hoàng chẳng có tư cách phê phán họ. Nếu có bất nhẫn chỉ nên để trong lòng. Ông nội muốn ngăn cơn giận của cháu trai. Chỉ sợ lời nói trong lúc nóng giận có thể khiến hai bên bất hòa, sau này còn khó nhìn mặt nhau hơn.
"Minh Hoàng nói đúng rồi bác Minh ạ." Giọng ông Hưng buồn bã: "Tụi con đã cư xử không ra gì với con gái mình."
Bà Hưng khóc lớn: "Tất cả là lỗi của tôi, là tôi cư xử tệ với con gái của mình. Tôi không xứng đáng làm mẹ. Tôi dành quá nhiều tình thương cho Trúc Khanh, dần dần quên mất mình còn một đứa con gái nữa. Thụy Khanh thật ra rất ngoan, chỉ tại lòng tôi lạnh, lương tâm tôi bị quỷ ám nên mới ghét bỏ nó. Đứa con gái hiểu chuyện và biết hy sinh như vậy, tôi lại đẩy con ra, coi rẻ tình cảm của nó, còn làm tổn thương nó. Bỏ mặc suy nghĩ của nó. Rõ ràng nó tài hoa hơn Trúc Khanh, vậy mà tôi cố tình ép uổng nó, bắt nó phải nhường nhịn Trúc Khanh."
Bà Hưng khóc mùi mẫn. Trong khi Minh Hoàng nghe mấy lời của bà, tay anh cuộn lại thành một nắm đấm, cơn giận trong lòng sắp sửa lấn át hết mọi lý trí. Anh muốn đập phá một cái gì đó để giải tỏa nỗi đau đang đè nặng trong tim. Cảm giác thương xót người con gái mình trân quý, đã chịu nhiều bất công mà anh không bảo vệ được.
Ông nội sợ anh quá xúc động, bèn đè tay anh xuống. Chính ông nội cũng phải vất vả kìm nén mới không làm ra hành động sai lầm. Quả thật là không thể chịu nổi hai người được tự xưng là cha mẹ trước mặt. Tuy nhiên đó là con cái của người ta, người ta có làm gì cũng đâu đến phiên hai ông cháu nói ra nói vào.
Bà Hưng vẫn chìm đắm trong sự dằn vặt, giọng bà không thôi thổn thức: "Thụy Khanh rất hận tôi, con bé sẽ không trở về. Sao tôi có thể ác độc vậy hu hu.."
Bà nhìn ông Hưng cất giọng bi thương: "Hôm đó con bị bỏng nặng lắm phải không ông? Tôi đúng là bị quỷ ám, đành đoạn hắt chén súp nóng vào con. Thụy Khanh của mẹ.." Bà khóc nấc lên.
Minh Hoàng lúc này không còn bình tĩnh được nữa. Cơn giận khiến mặt anh đỏ ửng: "Sao cô có thể tàn nhẫn như vậy? Cô không xứng đáng là mẹ của Thụy Khanh."
Minh Hoàng gần như đã mất kiểm soát, anh sợ nếu tiếp tục ngồi lại đây sẽ xé rách mặt nhau. Anh thất thểu đứng dậy: "Con sẽ tìm Thụy Khanh trở về. Cho dù có lục tung cả thành phố này, con sẽ quyết tâm tìm được em ấy."
Ông bà Hưng cũng đăng thông tin trên tất cả các phương tiện truyền thông, nhưng bao nhiêu ngày trôi qua chẳng hề có một tia phản hồi nào. Ông bà đau một, Minh Hoàng đau gấp mười. Anh hối hận không còn ngôn từ nào tả nổi. Chỉ vì ngày đó giận cô đành đoạn chia tay, anh đã buông lời xúc phạm cô.
Cô hy sinh cho em gái, năn nỉ anh đồng ý kết hôn, anh vì sự oán hận của mình rồi buông lời thiếu suy nghĩ, còn thể hiện sự căm ghét cô. Khi cô không chịu tiếp thu ý kiến của anh, vẫn nhất quyết hiến thận cho em, anh lại nói nặng lời với cô. Có lẽ trước giờ anh không quen bị người ta trái ý, nên không thèm cảm nhận nỗi đau, sự chịu đựng của cô. Thụy Khanh của anh có lẽ đã rất tuyệt vọng.
Thật ra Thụy Khanh không làm gì sai. Ở cương vị của cô không thể làm gì khác ngoài chuyện cầu xin anh đồng ý kết hôn với em gái mình. Bản thân anh cũng hiểu Trúc Khanh không sống được bao lâu, nếu Thụy Khanh không yêu cầu, anh cũng sẽ giả vờ kết hôn cho Trúc Khanh vui vẻ.
Khi Trúc Khanh mất đi, anh cứ nghĩ cho hai đứa thêm thời gian để bình tâm lại, đợi sự việc lắng xuống anh sẽ tìm cô. Anh sẽ xin lỗi vì đã nặng lời với cô trong lúc nóng giận, và nói cho cô biết rằng anh chỉ nhất thời giận lẫy, nhưng đời này không bao giờ buông tay cô. Tiếc rằng cô đã không đợi anh. Anh còn chưa nói được lời xin lỗi, cô đã vội ra đi.
Thụy Khanh của anh chắc phải tuyệt vọng đến mức nào mới lựa chọn con đường trốn chạy này. Có lẽ anh khiến cô nghĩ rằng anh hận cô xem nhẹ tình cảm của hai đứa, trong lòng cô chắc đang cho là anh không còn yêu cô nữa, cộng thêm sự thờ ơ ghẻ lạnh của gia đình, nên cô mới rời đi. Nghĩ đến cô một mình ở nơi xa lạ nào đó, ngực anh lập tức lại nhói đau.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]