Từ lúc hồi Cung thì đã mấy ngày Chỉ Ni rất ít đi ra ngoài, cứ lâu lâu lại mang sợi dây tuyến và trang sức vàng kia ra ngắm nghía. Đối với nam nhân này cứ như vừa quen biết lại vừa xa lạ. Chẳng hiểu bản thân mình ra sao mà cứ nghĩ đến rời xa thì chẳng hề nỡ. Sợi dây tuyến nhè nhẹ đung đưa trong không trung. Chỉ Ni suy tư mãi mê ngắm nhìn nó rồi lại mường tượng gương mặt tuấn tú, dáng vẻ bất phàm của nam nhân kia, môi còn bất giác mỉm cười. Nhưng mà… Hình như nàng quên mất chuyện hỏi tên của hắn.
Chán nản nằm dài lên bàn, đôi má đào cũng phụng phịu. Đến tên của người ta còn không biết thì nói gì đến nhớ nhung chứ? Nàng đúng là ngốc hết chỗ chê mà.
[Dạ bẩm Lệnh cô, Lệnh bà vừa ban cho người một chén chè tổ yến hạt sen ạ.]
Bên ngoài vọng vào giọng của Bạch Hạc. Chỉ Ni vội vàng mang sợi dây tuyến cất đi và chừa lại trang sức vàng. Tốt nhất không nên để nàng ta thấy được thứ này thì hơn. Xong, nàng nói vọng ra:
- Vào đi!
Bạch Hạc đi vào trong, theo sau là một cung nữ bưng chiếc khay gỗ chứa chén chè. Cho cung nữ đặt nó lên bàn song Bạch Hạc nói:
- Lệnh cô đã thức bao đêm may y phục rồi, cũng nên ăn gì đó để bồi bổ. Hôm nay cũng nên chợp mắt sớm thì hơn.
Chỉ Ni lắc đầu đáp:
- Không được! Ngày thọ thần của Hoàng mẫu đã cận kề rồi, ta còn không nhanh tay sẽ không kịp nữa.
- Vậy người dùng một ít chè tổ yến này đi, nô tì sẽ ở đây cùng người.
Nàng gật đầu rồi ăn từng muỗng, tay vẫn giữ chặt trang sức vàng mãi không buông. Vừa nhìn ngắm vừa nghĩ ngợi. Chẳng biết nên đính kết ở đâu mới thuận mắt. Ăn thêm vài muỗng rồi đi đến bộ y phục treo trên giá, Chỉ Ni hết đặt trang sức ở chỗ này rồi đến chỗ kia và ngắm nhìn.
Bạch Hạc đi đến bên cạnh. Thấy nàng cứ suy tư nên hỏi:
- Lệnh cô gặp chuyện khó nghĩ sao?
Hai tay chống hông, nàng đáp:
- Ta không biết nên đính trang sức này ở đâu.
Nhìn tổng thể bộ y phục, Bạch Hạc chỉ tay ở giữa phần cổ áo:
- Hay là Lệnh cô tháo nút thắt này rồi đính trang sức này lên.
Lúc này Bạch Hạc mới nhìn trang sức trong tay của Chỉ Ni. Trang sức vàng kia được đúc hình một bông hoa xuyến chi và đó là loài hoa chỉ có ở Qui Nam kia mà? Từ khi nào ở Kinh thành lại xuất hiện loại hoa văn ấy kia chứ?
Hiếu kỳ nhìn nó rồi nhìn nàng, Bạch Hạc hỏi:
- Lệnh cô! Từ đâu người có thứ này?
Nghe nàng ta hỏi khiến Chỉ Ni có đôi chút chột dạ. Nàng cười trừ:
- Hôm đó ta ra ngoài cùng Xích Ảnh và mua được từ tiểu thương. Họ nói đây là trang sức ở Qui Nam nên Thành Vu không hề có.
Xem như cũng hợp lý, Bạch Hạc không nói gì nữa, lại tiếp tục cùng Chỉ Ni chỉnh trang bộ y phục.
Cả hai đang bận bịu thì đột nhiên hai bên thái dương cứ đau nhức nhói cả lên. Chỉ Ni đưa tay xoa xoa rồi ngồi xuống nghỉ một chút. Mấy ngày nay lâu lâu lại đau đầu một lần, có lẽ nàng nên truyền Ngự y đến để xem sao.
…
Sau buổi Thiết triều buổi sáng thì các quan viên vẫn phải nán lại đợi sứ giả vào điện diện thánh. Đây là công vụ quan trọng liên quan đến thông thương giữa hai nước nên cũng cần có ý kiến của các quan viên.
Lê Dực Định đi vào Chung Quang điện, theo sau là Dương Hựu mang một chiếc khay được phủ một tấm lụa vàng. Một bên văn giai, một bên võ giai, hắn hiên ngang đi ở giữa với phong thái nho nhã cùng với vẻ bề ngoài đạo mạo vô cùng tươm tất.
Dừng chân trước Hoàng đế, cả hai đều quỳ xuống hành lễ:
- Khiêm Hòa Đại vương Lê Dực Định bái kiến Bệ hạ.
- Miễn lễ!
- Đa tạ Bệ hạ!
Nhìn Lê Dực Định sơ qua cũng nhận ra là bậc hiền tài mà nhân gian khắp nơi vẫn luôn ca tụng. Bốn năm trước đánh chiếm được Tế Linh nên danh tiếng đã được đồn đi xa không ít. Hoàng đế cong nhẹ khoé môi, dường như có ý mỉm cười.
- Nghe danh đã lâu không ngờ hôm nay cũng gặp được Khiêm Hòa Đại vương. Nhưng chẳng phải trong thư Thạc Hoà đế đã hồi là sẽ cử Hoàn Văn vương Lê Đông Hoạt đến ư?
Hắn vòng tay ra phía trước, tâu:
- Hồi bẩm Bệ hạ, Hoàn Văn vương không may bị thương trong lúc luyện kiếm thuật nên không thể đi đường xa. Phụ hoàng đã phái thần lập tức lên đường đi thay để không chậm trễ chính sự, người cũng gửi cho Bệ hạ một lá thư và một vật phẩm để tạ lỗi về sự thay đổi đột ngột này.
Lê Dực Định vừa phất tay thì Dương Hựu đã gỡ mảnh lụa vàng phủ trên khay. Trên khay là một bức tượng “Hùm gầm vách núi” được tạc từ khúc gỗ quý hiếm ngàn năm ở phương Bắc. Màu sắc cánh gián đẹp mắt cùng các vân gỗ nổi lên khiến ai nấy đều mê mẩn, lập tức xôn xao bàn tán. Không những được tạc từ loại gỗ quý mà bức tượng này còn do chính tay nghệ nhân nổi tiếng nhất Qui Nam tự tay điêu khắc nên nhìn con hổ sống động như thật.
Lòng mang đầy tự hào, hắn dõng dạc nói:
- Đây là bức tượng “Hùm gầm vách núi” được điêu khắc từ gỗ hương ngàn năm tuổi đứng sừng sững giữa núi đồi vùng Man-pa và tích tụ không ít sinh khí đất trời, cũng là vật phẩm vô cùng quý báu. Nay phụ hoàng muốn thần dâng lên cho Bệ hạ để tô đậm thêm mối quan hệ khắng khít giữa hai quốc gia.
Hoàng đế mỉm cười hài lòng:
- Vật phẩm đã đến cửa thì trẫm cũng không thể tay không nhận quà. Hốt Tu!
- Dạ có nô tài!
- Cho người chuẩn bị bộ ấm trà Kỳ Hoa Tử để Khiêm Hòa Đại vương mang về tặng Thạc Hoà đế.
- Dạ!
Hốt Tu nhận lấy khay vật phẩm từ Dương Hựu rồi lui vào bên trong.
Lê Dực Định vòng tay ra phía trước.
- Đa tạ Bệ hạ!
Sau khi đã sắp xếp ổn thỏa vật phẩm thì Hốt Tu mới quay lại điện. Lúc này Hoàng đế mới nói:
- Trẫm đã xem được thư của Thạc Hoà đế dạo trước, mở cửa Nam Tây Nam để giao thoa văn hóa Thành - Nam rất có lợi cho đôi bên nhưng mở cửa Nam Tây Nam lúc này vẫn chưa thích hợp cho lắm. Từ trước đến nay Thành Vu không hiếu chiến và luôn đối ngoại rất ôn hòa. Để bắt tay với Qui Nam thì trẫm vẫn cần suy nghĩ nhiều hơn nữa. Khiêm Hòa Đại vương là người xông pha chiến trận chắc cũng nắm được không ít tình hình nên trẫm nói đến đây có lẽ cũng đã hiểu được phần nào.
Hắn mỉm cười, đáp:
- Thần biết ý của Bệ hạ nên không dám xin điều chi chắc chắn, chỉ là mở cửa Nam Tây Nam thì bách tánh ở biên cương cũng cải thiện được rất nhiều mọi thứ trong đời sống, Thành Vu và Qui Nam có được hoà bình trong thời gian dài nên sẽ được lợi nhiều hơn là hại.
- Trẫm sẽ suy nghĩ thêm về việc này và trả lời ngươi sớm nhất.
Lê Dực Định ở lại Chung Quang điện khá lâu rồi mới cùng Dương Hựu quay về điện Tư An, nơi được cho phép lưu trú ở trong Hoàng thành. Vừa đi vừa suy nghĩ. Hắn biết rõ lí do vì sao mà Hoàng đế Thành Vu lại do dự như vậy. Thành Vu và Tế Linh có giao hảo nhiều năm mà hơn bốn năm trước chính Lê Dực Định đã dẫn binh đánh chiếm Tế Linh lấy đi ba thành trì. Thành Vu biết cuộc chiến đó do Tế Linh châm ngòi đầu tiên nên mới không tiện cử quân viện trợ. Bấy giờ bắt tay với Qui Nam chẳng khác nào trở mặt với Tế Linh. Chuyện này không thể nào cứng rắn mà bắt buộc phải mềm dẻo để vẹn cả đôi đường. Thành Vu bấy giờ cũng chỉ đang đứng ở cửa giữa và vô cùng khó xử.
Dương Hựu đi bên cạnh hắn, hỏi:
- Đại vương, nếu chuyện này không thành thì phải làm sao?
Trầm tư đôi chút, Lê Dực Định phẩy quạt chậm rãi. Dẫu sao thì hắn vẫn có cảm giác chuyện này sẽ được giải quyết trong ổn thỏa.
Hắn gấp quạt lại, ôn tồn đáp:
- Thánh thượng có thể hơi do dự nhưng đã là minh quân thì bách tánh lê dân vẫn là trên hết. Vả lại Thành Vu không tiện giao chiến vào lúc này vì nội chiến vừa kết thúc không lâu, vẫn cần thời gian dài để hồi phục quân lương và binh lực. Không bắt tay với ta, một ngày nào đó ta sẽ dẫn binh khiêu chiến, nhưng bắt tay với ta rồi thì Tế Linh có trở mặt gây hấn vẫn còn ta viện trợ. Qui Nam bây chừ hùng mạnh ra sao thì ai nấy cũng đều tỏ. Ta nghĩ bài toán này đối với thánh thượng sẽ không hề khó.
Ở thiên hạ này làm gì có ai xưng Đế mà không muốn mở rộng bờ cõi. Vì vậy nên chiến tranh mới xảy ra liên miên hết nơi này lại đến nơi khác. Qui Nam trước đó cũng trải qua bao nhiêu triều đại không ngừng chinh chiến khắp nơi, lãnh thổ thay đổi không ít. Và nếu Thành Vu muốn sống trong hòa bình thì phải cân nhắc thật kỹ lưỡng đâu mới thực sự có nhiều tài nguyên tốt cho mình. Nội chiến trải qua gần hai mươi năm nên điểm yếu nhất của họ chính là quân chủng, binh lực, không suy tính vẹn toàn chắc chắn sẽ lại kích động chiến tranh. Cứ đánh vào điểm yếu thì này thì muôn sự ắt thành.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]