🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Lúc Bùi Khương quay về với thực tại, chàng xót xa nhìn bộ sách đang còn vấy máu. Máu của những người mà Bùi Khương vô cùng thương mến. Rồi không dằn nổi thắc mắc, Bùi Khương chăm chú nhìn Thiên Thủ thư sinh, tỏ ý muốn hỏi về cha con lão Tôn. Nhưng chàng cũng không biết phải diễn đạt cử chỉ như thế nào cho Thiên Thủ thư sinh hiểu rõ ý mình.
Trong lúc cả hai đang còn im lặng nhìn nhau, thì đột nhiên từ mé rừng phía hữu, cuốn ra một đạo kình phong thật bất ngờ khiến bộ “Hải Thiên bí lục” bị vuột khỏi tay Thiên Thủ thư sinh và bay đi ra xa. Riêng Bùi Khương thì bị đạo kình phong hất té nhào xuống ngựa. Cùng lúc đó, từ mé rừng phía hữu phóng ra một người, với một thân pháp nhanh như lằn chớp, xớt gọn bộ sách lướt đi.
Thiên Thủ thư sinh biết có biến, ông ta chẳng chậm trễ, vút mình đuổi theo kẻ lạ mặt đang biến dạng trong rừng cây.
Bùi Khương vừa té xuống đất, chàng vội đứng lên, nhưng chẳng còn thấy bóng dáng một ai. Chung quanh Bùi Khương là một rừng cây, chàng nhướng mình nhìn lại những dãy nhà phía xa, những dãy nhà tuy kiến trúc tinh vi, nhưng nhìn mãi Bùi Khương cũng chẳng trông thấy một bóng người nào cả.
Bao nhiêu thắc mắc như đè nặng trong lòng Bùi Khương, chàng thở dài chán nản, rồi nhảy lên mình ngựa và theo lối cũ trở ra ngoài.
Lúc đến một ngã ba đường, Bùi Khương định cho ngựa về bên phải để đi, nhưng bỗng nhiên con tuấn mã dường như biến chứng nên chẳng chịu nghe theo sự điều khiển của Bùi Khương mà lại rẽ về phía trái. Bùi Khương tức giận kéo mạnh dây cương để hướng dẫn ngựa đi theo ý mình. Nào ngờ vừa giật mạnh dây cương, con ngựa bỗng hí lên một tràng dài và tung cao vó trước lên và hất Bùi Khương xuống đất. Khi đã hất được Bùi Khương, con ngựa vội phóng đi như một cơn lốc. Bùi Khương vừa đau vừa tức, đã mất một con ngựa tốt, chàng hằn học nhặt một cục đá ném mạnh vào một thân cây, như tiết tháo sự uất ức trong lòng.
Bùi Khương chán nản đứng lên, chàng phủi sạch bụi trên quần áo rồi theo con đường rẽ về phía phải lầm lủi bước đi.
Đi mãi cho đến lúc trời tối, Bùi Khương cảm thấy chân mỏi nhừ, đi hết muốn nổi. Thêm vào đó, sự đói khát cả ngày làm chàng mệt gần hoa cả mắt.
Đi một đoạn dài nữa, thì Bùi Khương đã đi đến một thị thành, trên cổng thành khắc hai chữ “Trấn Giang” thật rõ. Bùi Khương thấy mình đã đi đến một thị trấn, thì lòng hăng hái hẳn lên. Chàng vội rảo bước nhanh vào thành. Trời tối, trấn Trấn Giang người đi lại cũng đã thưa dần, đèn đuốc đã được thắp sáng khắp nơi.
Tuy vắng người nhưng cũng không buồn đối với Bùi Khương, chàng cố bước nhanh hơn. Bùi Khương thấy phía trước mặt chàng có một hán tử đang bước đi một cách vội vã.
Chợt Bùi Khương thấy một bọc nhỏ từ trong người y bị rơi xuống đất, nhưng y vẫn không biết gì mà vẫn bước đi tới.
Bùi Khương vội đi nhanh lại nhặt lên. Nhưng khi nhặt bọc nhỏ lên tay, Bùi Khương mới biết đó là một túi tiền.
Thấy đại hán đi vội vã, Bùi Khương nhủ thầm :
- “Có lẽ trong nhà ông ta đang có chuyện cần kíp.”
Nghĩ thế, Bùi Khương vội vàng đuổi theo, chàng trao trả túi tiền cho đại hán.
Đại hán chợt dừng chân nhìn Bùi Khương và nhìn bọc tiền. Ông cất túi tiền vào trong áo, rồi nhìn Bùi Khương mà nói những gì chàng không hiểu. Rồi rảo bước đi luôn.
Bùi Khương tuy không hiểu được đại hán muốn nói gì, nhưng chàng cũng cảm thấy vui vẻ và hài lòng vì đã giúp được kẻ khác, mặc dù trong túi của Bùi Khương không có tiền. Và bụng chàng đang đói cồn cào.
Bùi Khương cứ rảo bước đi mãi, chàng đã đi hết hai đoạn đường ở trong thị trấn, nhưng dù có đi mãi thì cũng chỉ thế thôi, chẳng làm sao no bụng được mà còn thêm mỏi chân. Nghĩ vậy, Bùi Khương liền tìm một góc tối để ngủ.
Sự mệt mỏi suốt quãng đường dài, khiến Bùi Khương vừa nằm xuống đã ngủ thiếp đi.
Mãi đến khi mặt trời đã lên cao, sự sinh hoạt trong thị trấn cũng đã tấp nập, tiếng người qua lại ồn ào nhưng vì Bùi Khương tai bị điếc nên không nghe được nên chàng vẫn ngủ. Đến khi thức dậy, Bùi Khương mới biết nơi chàng ngủ gần một cái chợ đông đúc.
Bùi Khương thấy đỡ ngượng vì ai cũng lo mua bán, không chú ý đến chàng.
Bùi Khương đưa mắt nhìn quanh chưa biết phải đi đâu, chợt chàng trông thấy một thiếu niên ngồi ở bên kia đường, thiếu niên cũng chỉ trạc tuổi với Bùi Khương, cách phục sức của thiếu niên cũng không đẹp đẽ gì hơn chàng. Thiếu niên kia tuy ăn vận cũ kỹ nhưng đôi mắt thì sáng và đẹp vô ngần, khuôn mặt chàng ta thật xinh tươi.
Bùi Khương thấy thiếu niên lấy trong hành lý ra hai cục gạch đỏ để làm bếp, thì chàng cũng tò mò đứng lại nhìn xem. Bên kia, thiếu niên vẫn thản nhiên làm việc, y không biết có người đang chăm chú nhìn y.
Bùi Khương thấy thiếu niên lấy trong túi vải ra, nào là củi khô, bùi nhùi và một cái nồi nhỏ bằng sắt. Sau khi chùi rửa xong, chàng ta bắt nồi nước lên bếp.
Bùi Khương chưa biết y định nấu gì vì chàng không thấy một thực phẩm nào để nấu cả, đột nhiên thiếu niên lấy trong túi vải ra một tấm lắc bằng đồng và bỏ vào nồi để nấu.
Không riêng gì Bùi Khương đứng nhìn thiếu niên, mà một vài người đi đường cũng đang tò mò đứng nhìn chàng ta. Một thiếu phụ không nén được tò mò, hỏi :
- Tiểu đệ nấu gì vậy?
Thiếu niên không nhìn lên, chàng đáp ngắn gọn :
- Nấu canh.
Mọi người cũng ngạc nhiên kêu lên :
- Nấu canh bằng cái lắc đồng ư?
Thiếu niên không trả lời mà chỉ gật đầu.
Bùi Khương đứng nhìn cũng lấy làm thắc mắc lắm, nhưng chàng không thể hiểu được thiếu niên kia và những kẻ hiếu kỳ nọ đã nói những gì, chàng chỉ biết đứng yên để theo dõi và tìm hiểu mà thôi.
Thiếu niên kia vẫn thản nhiên đun bếp, như chẳng thèm biết ai đang nhìn mình.
Đợi một lúc, nước đã sôi, thiếu niên trẻ tuổi lấy một cái muỗng quậy đều rồi múc một muỗng nếm thử, chàng gật gù nói một mình :
- Phải chi có một tý gừng và hành thì ngon hơn. Mà không có cũng chẳng sao.
Lời nói của chàng vừa dứt, chợt một cô gái đang xách giỏ đi chợ, vội lấy ra một mẫu gừng và hành trao cho thiếu niên.
Chàng lặng lẽ cầm lấy, gọt vỏ rồi cho vào nồi, cả hai không nói với nhau một câu nào cả.
Thiếu phụ lên tiếng hỏi ban đầu thấy vậy vội nói :
- Tôi nghĩ là nên cho thêm một ít cải xanh, thì tuyệt hơn.
Vừa nói là thiếu phụ lại giếng nước gần đấy, rửa một ít cải bà ta đã mua để biếu cho chàng.
Thiếu niên vẻ mặt không thấy vui, nhưng trước lòng tốt của thiếu phụ, chàng phải nhận lấy và bỏ luôn vào nồi.
Những người hiếu kỳ xung quanh thấy vậy vội lấy nào thịt, nào trứng, nào đậu, mỗi thứ một ít để cho thiếu niên.
Thiếu niên mặc dầu không từ chối, nhưng chàng đón nhận tặng phẩm với vẻ miễn cưỡng và bỏ hết vào nồi.
Chẳng bao lâu, nồi canh chợt sôi đều lên, mùi thơm của hành, cải, gừng...
bốc lên thơm ngát. Mọi người hiếu kỳ mới bỏ đi, thiếu phụ mỉm cười hài lòng, nói vọng lại :
- Nồi canh nấu bằng lắc đồng, ngon thật.
Bùi Khương đứng theo dõi sự việc từ nãy giờ, chàng mỉm cười khi thấy mọi người hiếu kỳ đã bỏ đi, rồi nhủ thầm :
- “Ở đời có nhiều thứ, nếu cần kiếm xin xỏ thì lại không ai cho. Nhưng nếu làm ra vẻ không cần hay muốn từ chối thì người ta lại sốt sắng đem lại, mà không đòi hỏi một tiếng cám ơn.”
Qua cái cười mỉm của Bùi Khương, thiếu niên kia cũng như đọc được ý nghĩ của chàng, y mỉm cười và vẩy :
- Lại đây thưởng thức món canh của tôi. Ngon lắm.
Bùi Khương lắc đầu chỉ vào tai và miệng của mình, ra dấu là chàng không nghe được thiếu niên nói gì. Và cũng không nói chuyện được.
Thiếu niên nhìn Bùi Khương ngạc nhiên. Không ngờ một thiếu niên đẹp trai như Bùi Khương mà lại mang tật câm và điếc. Chàng cảm thấy thương cảm cho Bùi Khương vô cùng, nên vội đứng lên chạy lại nắm tay Bùi Khương, vẻ mặt thiếu niên ân cần mời mọc chỉ vào nồi canh ra dấu, Bùi Khương với chàng ta ăn chung.
Bùi Khương xúc động không ít trước tấm tình của chàng thiếu niên. Tuy mới gặp lần đầu, nhưng thiếu niên kia đã đối xử với chàng y như là một người bạn thân.
Bùi Khương suốt cả một ngày và một đêm nhịn đói, nên khi mời ăn, chàng không từ chối, mà lại vui vẻ gật đầu.
Thấy Bùi Khương chấp thuận ăn chung, vẻ mặt thiếu niên có vẻ hân hoan, chàng kéo Bùi Khương ngồi xuống, nhưng Bùi Khương lại lắc đầu chỉ vào đám đông trong chợ.
Nhìn dáng điệu của Bùi Khương, thiếu niên chợt hiểu ý chàng, liền nói :
- Anh không muốn ăn ở chỗ đông người...
Chưa nói hết câu, thiếu niên vội im bặt vì nghĩ lại Bùi Khương đã bị câm và điếc, mắt chàng lại nhìn Bùi Khương chỉ sợ sự sơ ý của mình sẽ làm buồn lòng Bùi Khương.
Thấy vẻ mặt của thiếu niên, Bùi Khương cảm động vì sự e ngại của chàng ta đối với mình. Bùi Khương vội tiếp tay thu dọn đồ đạc giúp thiếu niên buộc gọn vào túi vải. Còn nồi canh chưa biết tính sao, vì nó còn nóng bỏng bốc hơi.
Thiếu niên nhìn Bùi Khương mỉm cười, một tay chàng xách túi vải và tay kia chàng ta kẹp nồi canh rồi ra dấu cho Bùi Khương theo mình.
Thiếu niên chỉ kẹp nồi canh bằng ba đầu ngón tay, lại nữa nồi canh nóng bỏng, khiến mọi người trong chợ đều trố mắt ngạc nhiên nhìn theo chàng.
Riêng Bùi Khương thì giật mình và vô cùng nể phục, vì chàng biết thiếu niên không phải là thần thánh gì, mà là một người có võ công thâm hậu nên mới làm được việc đó. Lại nữa, thiếu niên chỉ bằng hoặc kém Bùi Khương một vài tuổi mà thôi. Bùi Khương cũng đã từng thấy có nhiều nhân vật võ lâm đã dùng nội công bản thân, để làm cho chung rượu trên tay bốc khói như được đun sôi, và họ có thể làm cho đóng thành băng ngay sau đó, nên chỉ nhìn thiếu niên với vẻ nể phục rồi lặng lẽ bước theo.
Thiếu niên một tay xách bọc hành lý, một tay kẹp nồi canh nóng hổi, nhưng chàng ta vẫn bước đi một cách nhẹ nhàng và nhanh chóng, khiến Bùi Khương đi không mà cũng phải vất vả lắm mới theo kịp, thế mà thiếu niên vẫn không để cho đổ một giọt canh nào ra ngoài.
Hai người đi mãi thì đến một ngọn đồi ở ngoài thành Trấn Giang, thấy nơi đây đã thưa thớt người qua lại, thiếu niên vội tìm một bóng cây để đặt nồi canh xuống đất. Chàng lại lấy ra hai cái bát, trao cho Bùi Khương một cái và ngồi xuống đối diện nhau.
Canh đã được múc ra bát, Bùi Khương thì đói quá rồi nên chẳng cần mời mọc, vội bưng ăn ngay. Món canh tuy đạm bạc nhưng Bùi Khương cảm thấy từ trước cho đến bây giờ, chàng chưa được ăn món nào ngon như món này.
Ăn được một bát, thiếu niên lại lấy trong túi vải ra một bầu rượu uống trước, rồi trao cho Bùi Khương. Tuy chưa lần nào uống rượu, Bùi Khương cũng vội đón lấy, uống một hơi. Chàng cảm thấy rượu thơm và ngon, nhưng lại không cay mấy nên vừa mới uống vào bụng đã thấy một luồng hơi ấm áp làm toàn thân dễ chịu vô cùng. Bùi Khương không biết phân biệt được rượu này thuộc loại ngon hay dở, nhưng chàng cũng thầm nghĩ :
- “Rượu này thơm như vậy, chắc là rượu ngon. Không biết thiếu niên này lấy ở đâu ra?”
Vừa ăn, vừa uống rượu, chẳng bao lâu, bầu rượu đã sạch trơn không còn một giọt.
Bùi Khương lần đầu tiên uống rượu, vì thấy rượu không cay mà lại ngọt nên chàng uống thật nhiều, bây giờ cảm thấy đầu óc quay cuồng, thân hình nhẹ bổng lâng lâng nhưng tâm trí thì vẫn còn sáng suốt lắm.
Thiếu niên thì ngồi nhìn trời, rồi cầm thìa mà gõ vào thành nồi, miệng thì mấp máy liên hồi.
Bùi Khương tuy không nghe được nhưng chàng cũng biết là y đang hát.
Hát một lúc, Bùi Khương ngạc nhiên khi thấy thiếu niên kia đang khóc, giọt lệ chảy dài lên má, mắt chàng ta thì u buồn xa vắng, khiến Bùi Khương bỗng chạnh lòng nghĩ đến số phận long đong của mình và rồi chàng cũng tủi thân tức tưởi khóc. Đang khóc, thiếu niên thấy Bùi Khương cũng khóc theo, y liền ngạc nhiên dùng cây viết xuống đất hỏi :
- Tại sao huynh lại khóc thế?
Tuy hai người quen nhau, ăn uống cùng nhau nhưng mãi đến bây giờ cả hai cũng chưa biết tên nhau.
Thấy thiếu niên hỏi, Bùi Khương vội dùng cây viết kể hết những biến cố đã xảy ra cho chàng từ trước đến giờ. Viết rồi xóa, Bùi Khương viết mãi cho đến khi mỏi tay mới ngừng lại.
Biết qua câu chuyện của Bùi Khương, thiếu niên siết chặt tay chàng, như chia sẻ sự buồn khổ rồi cả hai cùng rưng rưng...
Cả hai ngồi bên nhau, mãi cho đến lúc mặt trời đã ngã dần về phương tây, Bùi Khương nhặt viên đá cạnh chân liệng ra xa, lòng chàng cảm thấy sung sướng và ấm dịu lại, chàng đã kể niềm tâm sự cho thiếu niên nghe, nên lòng cảm thấy nhẹ nhàng, không còn u uất nữa. Chàng cũng không còn ưu tư như trước kia.
Bùi Khương đã uống rượu và đã khóc, khóc được và đã trút ra hết sự phiền muộn, lòng chàng thoải mái và yên vui hơn bao giờ hết.
Tuy không nghe được tiếng động từ lâu, nhưng Bùi Khương mơ hồ cảm thấy cảnh vật đang reo vui cạnh hai người.
Mặt trời đã lặn mất từ lâu, cả hai mới nắm tay nhau xuống đồi. Đi trong bóng đêm nhưng Bùi Khương không còn cảm thấy cô đơn như trước nữa. Bên chàng đã có một tình bạn, một tình thương mới. Tuy chàng chưa biết tên người bạn mới là gì.
Cả hai dìu nhau đi, bước chân còn chếch choáng vì chưa tỉnh hơi men, nhưng họ vẫn bước mau và chẳng cần định hướng.
Họ đi mãi cho đến một cánh đồng hoang, nơi đây chỉ có một tòa nhà duy nhất, nhưng lại xây cất thật đẹp và rộng rãi, ánh sáng trong căn nhà lờ mờ chiếu ra ngoài.
Bùi Khương và thiếu niên đi lại hướng căn nhà này, có ý xin tạm trú qua đêm. Khi cả hai lại gần, thì thấy cửa lớn mở ngỏ, cả hai cũng chẳng cần tìm hiểu nguyên do, liền bước vào nhà. Tuy căn nhà không thắp đèn sáng, nhưng trong ánh sáng lờ mờ, Bùi Khương cũng nhận ra là căn nhà rất rộng.
Vì còn chếch choáng hơi men, nên thiếu niên không nghĩ là nhà của người ta, phải xin phép chủ nhân mới được vào nhà, chàng thản nhiên đi lại cạnh cái bàn tròn và đặt mạnh túi hành lý lên bàn.
Túi hành lý vừa đặt lên, đột nhiên cái bàn sập rầm xuống đất. Bùi Khương buồn cười nghĩ thầm :
- “Túi gì mà nặng quá thế, đựng cả trăm thứ vặt vãnh làm sập cả bàn của người ta”.
Vừa nghĩ vậy, Bùi Khương vừa đặt mình ngồi xuống một cái ghế bên cạnh.
Bất ngờ cái ghế gãy sụp xuống làm Bùi Khương mất thăng bằng té bịch xuống đất.
Thiếu niên vừa định cười lớn bước lại đỡ Bùi Khương, bất ngờ chân chàng bước nhằm một lỗ trủng ở dưới đất suýt té. Thiếu niên giật mình cúi xuống quan sát, nhờ ánh sáng lờ mờ, thiếu niên nhận ra rằng những lỗ trủng đó là những dấu chân người, mà lại có đến bảy tám dấu chân, trũng sâu xuống đất gần ba tấc.
Bùi Khương té đau mà không thấy bạn đỡ dậy, mà hắn thì lại nhìn chăm chú dưới đất nên vội bò lại xem. Vừa thấy dấu chân, Bùi Khương không khỏi ngạc nhiên.
Nền nhà tuy không phải bằng đất, mà lại bằng gạch kiên cố, thì những người tạo ra những dấu chân này, phải là những người thuộc giới cao thủ võ lâm.
Thiếu niên quan sát một hồi, rồi chàng đứng lên chạy lại nhặt một mẫu ghế gãy lên quan sát. Vừa cầm miếng gỗ trong tay, thiếu niên bóp nhẹ thì mẫu gỗ đã rả vụn ra. Thiếu niên lại đưa mắt quan sát dưới đất, cạnh chiếc ghế, chàng phát giác ra có hai dấu chân cũng lún sâu xuống đất. Hai dấu chân này, đầu mũi lại đối điện với những dấu chân bên kia.
Chàng nhủ thầm :
- “Đây là những dấu vết của những tay cao thủ, đấu nội lực với nhau. Mà một người đấu lại với nhiều người.”
Trong lúc đó, thiếu niên thấy Bùi Khương vừa đếm dấu chân, vừa chỉ trỏ có vẻ khác lạ, chàng chạy lại và quẹt bùi nhùi lên cho sáng để quan sát.
Bùi nhùi vừa sáng, thiếu niên nhìn thấy dưới đất có bảy dấu chân và một lỗ tròn ở bên phải. Những dấu chân làm thiếu niên băn khoăn không ít. Chàng lấy mẫu nến trong túi ra thắp sáng lên, rồi cầm đèn rọi khắp nơi như đang tìm kiếm một vật gì. Bất ngờ thiếu niên kêu lên một tiếng kinh ngạc, rồi chạy đến một góc tường phía sau cái ghế.
Bùi Khương cũng tò mò bước lại nhìn, chàng thấy có bảy cái chân thép gắn trên tường theo hình sao bắc đẩu.
Thiếu niên thì có vẻ lo lắng ra mặt, y nhìn ám hiệu sao bắc đẩu trên tường rồi cau mày suy nghĩ.
Bùi Khương cũng lấy làm lạ vì dấu vết mấy chân người và ám hiệu sao bắc đẩu trên tường. Nhưng thấy không liên quan đến mình, nên chàng chẳng thèm để tâm suy nghĩ làm gì.
Đứng không, Bùi Khương lại đưa mắt nhìn quanh, chàng chợt thấy một bức tranh treo trên tường ở khách sảnh, nên động tính hiếu kỳ bước lại xem, bỏ mặc thiếu niên đang đứng trầm ngâm suy nghĩ.
Mặc dầu ánh đèn không được sáng mấy, nhưng Bùi Khương cũng thấy rõ những nét vẽ trong tranh.
Bức tranh vẽ một vách núi thật cao. Dưới hang núi là một hang sâu thăm thẳm. Trên đỉnh sườn núi, có một lão nhân mù tay cầm gậy và một văn sĩ đang tựa người vào thân cây say sưa thổi tiêu. Cứ như bức tranh này, thì ý tác giả muốn diễn tả lão nhân này đang mê mải say sưa theo tiếng tiêu của văn sĩ, quên cả chống gậy đo đường, và chân lão đang bước tới như sắp sụp vào khoảng không và sẽ rơi xuống vực sâu, không tài nào gượng được.
Bức tranh vẽ hết sức tỉ mỉ và thật đẹp. Nét mặt của lão nhân mù như bị lạc hồn và mơ theo một việc gì xa xăm.
Bùi Khương tuy thích màu sắc và nét vẽ của người sáng tác ra bức tranh, nhưng chàng lại cảm thấy không vui. Và càng nhìn chàng càng cảm thấy khó chịu, chàng cũng bực thầm nghĩ rằng :
- “Tại sao tác giả lại nghĩ ra một bức tranh có vẻ tàn nhẫn như thế này? Tại sao lại đặt một người mù vào một cái chỗ bất ngờ và thê thảm như thế?”
Nghĩ vậy, Bùi Khương lại muốn níu kéo lão nhân mù trong tranh thoát khỏi cái chết, chàng quay đầu lại tìm kiếm, chỉ thấy trên bàn nhỏ trong phòng có một nghiêng mực và một cây bút lông. Bùi Khương mừng rỡ tiến lại lấy bút mực để vẽ lên bức tranh một thiếu niên đứng sau lão nhân mù để kéo ông lại.
Thiếu niên bạn của Bùi Khương đang đứng suy nghĩ, chàng buột miệng thốt :
- Kim Tinh Bắc Đẩu! Kim Tinh Bắc Đẩu.
Rồi chàng lại nói tiếp :
- Không lẽ Bắc Đẩu thất sát đã đến đây? Thế còn nhân vật đơn độc là ai?
Lẩm nhẩm vậy, thiếu niên chợt nhìn thấy Bùi Khương đàng kia đang viết loay hoay vẽ lên một bức tranh, chàng liền bước lại để coi, thì thấy Bùi Khương đang vẽ hình một thiếu niên, đưa tay nắm lấy vai lão nhân mù.
Bùi Khương mặc dầu không phải là một họa sĩ, nhưng chàng rất có hoa tay nên nét vẽ cũng tinh xảo lắm. Lại nữa, thiếu niên chàng vẽ trong tranh, lại hao hao giống người bạn mới quen của chàng. Bùi Khương còn vẽ một thanh kiếm đeo lủng lẳng bên người của thiếu niên, xong rồi mới thở một hơi hài nhẹ nhõm, buông giá bút xuống.
Giữa lúc đó trên nóc nhà đột nhiên nổi lên những tiêu kỳ lạ. Thiếu niên giật mình nhìn lên trần nhà, nhưng chẳng thấy bóng dáng một ai, mà chỉ thấy những lưới nhện giăng đầy.
Tiếng tiêu vẫn dìu dặt dài trong đêm, thiếu niên đặt túi vải lên bàn, định ra ngoài nhà nhảy lên nóc xem ai đã thổi tiêu.
Tiếng tiêu chỉ một mình thiếu niên nghe thấy nên Bùi Khương cũng chẳng biết gì.
Khi thiếu niên định chạy ra ngoài nhà thì chợt nghe tiếng cười dài và ở trước cửa đã xuất hiện một người mập mạp, mặc áo màu xanh, tay cầm một cái quạt, còn một tay đang vuốt chòm râu đang ung dung tiến vào. Đôi mắt lão nhân như hai luồng điện chiếu quanh một vòng.
Mới nhìn qua, thiếu niên nhủ thầm :
- “Thân pháp lẹ thật, vừa nghe tiếng cười đã xuất hiện ngay.”
Lão nhân tiến vào phòng trong lúc Bùi Khương đang mải mê nhìn vào bức tranh nên chàng chẳng biết gì. Trong lúc đó lão nhân lên tiếng :
- Lão phu tên là Chiến Phi. Xin được biết cao danh của hai vị?
Thiếu niên giật mình thầm nhủ :
- “Thì ra y là Thần Thủ Chiến Phi”.
Trong lúc đó lão nhân Chiến Phi đi lại cạnh Bùi Khương và reo lên :
- Hay quá! Hay quá! Thì ra là các hạ đây.
Vừa nói đôi mắt ông ta vừa nhìn vào bức tranh và gật đầu lia lịa.
Thiếu niên định nhảy qua đứng trước mặt Bùi Khương nhưng vô tình tay áo chàng làm tắt cây đèn cầy nên phải đốt lại cho sáng.
Lúc đốt đèn sáng lên thì chàng giật mình vì trước cửa phòng khách lại xuất hiện thêm bốn người.
Lúc bấy giờ Bùi Khương cũng đã quay lại. Chàng thấy lão Chiến Phi đang đứng sau lưng mình và cửa phòng đang tiến vào bốn người. Một người rất cao, mặt ốm và mũi như một con ó già. Sau lưng đeo một thanh kiếm, một người khác thì mặt mũi cũng giống như tên gầy, nhưng tác độ trẻ hơn. Người thứ hai này không đeo vũ khí. Người thứ ba là một người què tay chống nạng sắt nhưng bước đi rất nhẹ nhàng và vững chãi. Vừa thấy bốn nhân vật này xuất hiện, Bùi Khương chợt nhớ lại các dấu chân ở trong phòng và chàng thầm đoán có lẽ là bốn dấu chân của bốn người này.
Trong lúc Bùi Khương đang suy nghĩ, thì bốn đôi mắt đang chiếu vào Bùi Khương không chớp. Và bên cạnh chàng, lão già Chiến Phi cũng đang chăm chăm nhìn mình.
Bùi Khương ngạc nhiên không hiểu tại sao mấy người này lại nhìn mình chăm chăm như vậy.
Và rồi bốn người kia cùng đến trước mặt Bùi Khương để nhìn bức tranh trên tường.
Bùi Khương tuy không nhận ra ai, nhưng thiếu niên bạn của chàng lại nhận ra hai người trong nhóm. Chàng vội bước lên đứng chắn trước Bùi Khương rồi nhìn hai người cười nói :
- Hân hạnh được gặp nhị vị ở đây.
Hai người cao cao, có vẻ mặt giống nhau, khẽ cau mày khi gặp lại thiếu niên.
Nhưng vẫn gượng cười nói :
- Thì ra là Ngô thiếu hiệp. Không ngờ thiếu hiệp cũng đi đến Giang Nam.
Tên lùn gầy ốm cũng vội lên tiếng :
- Vị này có lẽ là Thất Khảo Đồng Tử Ngô Thế Minh! Kẻ hèn này được nghe danh thiếu hiệp từ lâu, giờ mới hân hạnh được gặp tại đây.
Miệng y thì nói chuyện với Ngô Thế Minh, nhưng hai con mắt thì lại liếc nhìn Bùi Khương.
Thiếu niên kia tên thật là Ngô Thế Minh, lúc còn niên thiếu chàng đã nổi danh ở chốn giang hồ. Mười hai tuổi cho đến lúc mười lăm, thì chàng đã có một chỗ đứng trong võ lâm.
Ngô Thế Minh thật là thông minh không ai bằng, chỉ có Bùi Khương là chưa biết về chàng mà thôi. Thiếu niên vội đáp lời tên lùn :
- Vâng! Chính tại hạ là Ngô Thế Minh. Thế còn cao danh của các hạ?
Lão ốm cao, nghe Ngô Thế Minh hỏi vội đáp thay :
- Vị này là Thất Sát Truy Hồn Mã Phi Hồng.
Trong lúc mọi người đang đàm luận, thì Thần Thủ Chiến Phi vẫn chăm chú nhìn Bùi Khương. Giờ lão mới lên tiếng nói với hán tử cao :
- Lời hứa hôm trước chắc các hạ còn nhớ chứ?
Hán tử cao nhìn sang Mã Phi Hồng, Mã Phi Hồng lại nhìn hán tử một chân, rồi khẽ gật đầu đi lại trước Bùi Khương cung kính vái chào một cái.
Thần Thủ Chiến Phi cũng làm theo và nói :
- Tại hạ là Chiến Phi.
Quay sang hai lão nhân cao gầy, Chiến Phi tiếp :
- Còn nhị vị đây là anh em họ Mạc trong Bắc Đẩu thất tinh.
Chỉ lão lùn và lão một chân, Chiến Phi nói tiếp :
- Vị này là Thất Sát Truy Hồn và Kim Kê Hướng Nhất Minh. Xin được biết cao danh các hạ?
Ngô Thế Minh là một người thông minh, nhưng khi thấy bọn người này có vẻ lễ phép với Bùi Khương thì cũng lấy làm lạ vô cùng.
Thần Thủ Chiến Phi lập lại câu hỏi đến hai lần nhưng vẫn không nghe Bùi Khương đáp lời.
Ngô Thế Minh lúc bấy giờ mới lên tiếng nói :
- Vị nhân huynh của tại hạ tên là Bùi Khương. Chiến lão hiệp có gì muốn nói, xin cứ nói với tại hạ. Tại hạ sẽ chuyển lời cho y.
Vừa dứt lời, Mã Phi Hồng tức giận quát lên. Tiếng quát của y làm đinh tai nhức óc Ngô Thế Minh, rồi y cười nhạt nói :
- Thì ra y là một thằng điếc. Lời hứa của chúng tôi hôm trước xem như hủy bỏ.
Nói xong, y mỉm cười có vẻ khoái chí lắm.
Thần Thủ Chiến Phi nổi giận quát :
- Ai bảo hủy bỏ?
Lời nói của lão vang như sấm, khiến mọi người phải giật mình, chỉ có Bùi Khương là vẫn điềm nhiên như không có gì xảy ra.
Mã Phi Hồng cười lạnh nói :
- Lão huynh có tức giận cũng chẳng giải quyết được việc gì. Không lẽ lão huynh còn giữ ý định đưa người điếc này làm công việc quan trọng đó sao?
Hán tử cao ốm, tức là Nhị sát Mạc Nam vội nói :
- Chiến lão huynh, đừng nên nóng nảy mà làm mất đi hòa khí giữa chúng ta. Việc đó chúng mình nên bàn lại thì hơn.
Bùi Khương quay sang Ngô Thế Minh ra hiệu :
- Chúng mình nên rời khỏi nơi đây đi.
Ngô Thế Minh nhận hiểu ý bạn, vội đi lấy túi vải đến bên Bùi Khương và mỉm cười nói với mọi người :
- Quý vị có việc phải bàn tính, chúng tôi xin kiếu từ vậy.
Nói đoạn y ra dấu bảo Bùi Khương theo mình.
Nhưng nhanh như chớp, Chiến Phi đã đón chận ngay lối đi, tay lão vẫn phe phẩy cây quạt, cản lối không cho Bùi Khương và Ngô Thế Minh ra ngoài.
Thấy vậy, Bùi Khương lại thở dài nhủ thầm :
- “Cuộc đời tàn tật của mình sao cứ mãi gặp những điều rắc rối xảy đến không thôi.”
Chàng chán nản thầm trách cho số kiếp sinh ra ở đời để chịu đựng những điều rắc rối khổ tâm.
Biết ngày nào Bùi Khương mới được trở lại con người bình thường. Và không còn sợ ai đàn áp hăm dọa nữa. Nhìn về tương lai mờ mịt xa xôi, Bùi Khương không biết còn những rắc rối gì xảy ra nữa.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.