🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
‒ Hận này không nguôi! Thề chết không lui!

Một đoàn người gồm mười toán đông đến nửa vạn cùng hét lớn rồi cất bước lên đường trực chỉ Long Võ Trang.

Mới chập choạng tối trời bắt đầu đổ cơn mưa. Trời càng mưa càng nặng hạt, mưa như ai oán, mưa như thác đổ xuống nhân gian. Chẳng mấy chốc nước dâng đầy mặt đường làm cho lầy lội khó đi.

Sang đầu giờ Hợi mà cơn thác đổ của mây đen vẫn trút nước xuống không ngừng. Nhiều gia đình đã chui rút vào tổ rơm, cuộn tròn trong chăn ấm tự lúc nào để ngủ vùi. Họ như muốn tìm sự yên ổn cho chóng qua một đêm mưa tầm tã và đinh tai nhức óc.

Trong cảnh ướt át tối trời ấy không phải tất cả đều tìm nơi khô ráo để trú thân qua đêm. Ngược lại nếu kẻ nào manh tâm làm chuyện tày đình thì đây là một cơ hội rất tốt. Thường thì những chuyện xấu xa của thiên hạ đều lựa thời cơ mà hành động. Sự việc càng kinh khủng, mưu đồ càng thâm hiểm thì bóng tối càng là người bạn không thể thiếu.

Trên con đường ngoằn ngoèo lầy lội băng qua khu rừng rậm Yên Mỹ sâu ngút ngàn của lộ Trường Yên, một đoàn người dùng khinh công lướt đi vùn vụt không quản gì đến thời tiết. Toàn thân họ đều ướt sũng. Gió thổi gào hú lên từng hồi. Cành lá vẫy vùng theo từng cơn rú. Mưa vẫn nặng hạt đều rơi.

Đoàn người đều có những điểm tương đồng: Tất cả đều mặc quần áo dạ hành bó sát lấy thân. Mặt mũi lẫn đầu tóc đều được che kín mít, chỉ chừa những đôi mắt sáng long lanh. Mỗi lần ánh sét chớp lên lại thấy những đôi mắt sáng quắc đầy kiên định. Thân hình của mỗi người đều tương đối khá nhỏ. Trên lưng đeo trường kiếm và khiên làm bằng mây và gỗ. Hai bên hông của từng người treo lủng lẳng một cái túi mà chỉ họ biết đựng gì. Mưa mặc trời mưa. Đi họ vẫn cứ đi. Đoàn người có tổng cộng mười toán, mỗi toán năm trăm người. Toán này này cách toán kia khoảng một lằn tên.

Những người ấy muốn đi đâu, muốn làm gì trong đêm mưa gió bão bùng như thế này, chỉ có bản thân họ hiểu. Không một ai lên tiếng hoặc rời bỏ hàng ngũ hay thấy khó mà tự ý rút lui. Có chăng chỉ là tiếng gió lào xào lướt qua y phục đã ướt sũng, tiếng nước bập bõm dưới từng bước chân nhẹ nhàng và hơi thở đều đặn của mỗi người.

Sấm sét tiếp tục rung chuyển trời đất. Nước chảy róc rách hai bên đường tiếp tục sói lở đất cát tạo thành một phong cảnh rùng rợn và chết chóc vì sát khí đã lan toản khắp nơi nơi. Đoàn người lẳng lặng tiến về phía trước. Chân họ vẫn bước đều. Họ đã quyết tâm hoàn thành một sứ mệnh gian nan, bất chấp mọi trở ngại.

Toán đầu tiên đi gần hết khu rừng bỗng có tiếng binh khí phát ra từ phía trước. Canh khuya đêm vắng mà có tiếng binh khí khua vang là một sự bất tường. Tiếng binh khí vang lên một chốc ngắn ngủi rồi im bặt. Nhưng có lẽ cảm thấy không cần phải vội vàng, cũng có lẽ là do đã nằm trong dự tính từ trước mà toán người vẫn giữ một tốc độ bất di bất dịch. Sự bất tường của binh khí, trong lúc này, dội vào tai họ khác nào như tiếng trống thúc quân.

Khi toán đầu tiên vừa ra khỏi khu rừng, trước tầm mắt sáng rực đã có hai mươi người cùng một lối trang phục đã đứng chờ. Xung quanh đám người đứng có hơn ba mươi xác chết nằm la liệt. Già có, trẻ có, nam có, nữ có, nhưng đa số là đàn ông. Trong hơn ba mươi xác chết đó chỉ có hai kiểu và màu quần áo. Máu pha lẫn với nước mưa chảy lai láng trên mặt đường và dưới ruộng hai bên. Thây người đã ngã, sát khí đã thành, nền thái bình của võ lâm Nam Thiên đã chấm dứt.

Trời bắt đầu tạnh mưa nhưng gió vẫn thổi không ngừng.

Toán đầu tiên không hề chậm bước và cũng không hề nhanh hơn lướt qua số người đứng chờ. Cứ mỗi toán lướt qua là có thêm hai người nhập vào cho đến toán thứ mười thì không còn ai nữa.

Thêm nửa khắc trôi qua. Mười toán như một, tất cả đều dừng bước. Không ai phát ra hiệu lệnh nhưng toàn bộ có cùng một động tác. Rõ ràng họ được huấn luyện rất kỹ càng mới có một kỷ luật như vậy. Đem so với những đạo Thiên Tử Binh (1) tinh nhuệ nhất Đại Việt lúc bấy giờ thì số người này không kém bao nhiêu. Lúc dùng khinh công thì nhanh như gió thoảng, nhẹ nhàng hơn chiếc lá rơi. Nhưng lúc đứng lại thì vững tựa núi cao. “Tĩnh như sơn, động như thủy” dùng để diễn tả trường hợp này rất đúng.

Như đã ước tính từ trước và cũng do trải qua một quãng đường rất dài, sau khi đứng im tất cả đều vói tay xuống chiếc túi đeo bên hông phải của mình lấy lương khô ra ăn. Ăn cho có sức để còn hoàn thành sứ mệnh sắp tới.

Lại một khắc trôi qua, cả mười đoàn người tiếp tục lên đường. Điều kỳ lạ là bây giờ họ không còn dùng khinh công nữa mà chỉ đi bộ mặc dù nhịp bước khá nhanh. Khoảng cách giữa những toán với nhau không còn là một tầm tên nữa mà chỉ vỏn vẹn vài trượng. Đoàn người nhịp nhàng tiến bước khác nào những đội hùng binh bách chiến trên đường ra trận ngăn giặc thù.

Hai bên đường đây đó có thêm nhiều xác chết. Quần áo của các nạn nhân đều giống như số người bị giết ở bìa rừng chứng tỏ là cùng một nhóm người đối địch lại những kẻ mặc đồ đen. Bọn họ là ai, đi đâu và có mục đích gì? Ngoài họ ra không ai biết! Chỉ biết rằng thịt đã rơi, máu đã đổ thì ân ân oán oán của võ lâm Trời Nam từ nay lại nổi lên.

Mưa dù có lớn, có dai bao nhiêu cũng có lúc tạnh. Nhưng lòng thâm sâu đen tối của con người khác nào vực thẳm muôn trùng không bao giờ thấy đáy. Ruộng lúa hai bên đường ngập nước, sự hận thù trong tâm trí của đoàn người áo đen cũng dâng đầy. Tiếng ếch nhái inh ỏi kêu vang khác nào hồn ma của kẻ vừa mới chết oan đang vất vưởng than oán.

Cách đoàn người dạ hành về phía trước khoảng mười dặm đường chim bay là một ngôi làng rất lớn chắn ngang. Làng có bốn cổng chính ở vị trí bốn hướng: đông, tây, nam, bắc. Ngoài ra làng còn có thêm bốn cổng phụ nằm ở các hướng đông nam, tây nam, đông bắc và tây bắc dành cho dân làng dắt trâu ra ruộng, đem lúa về nhà. Sở dĩ gọi là cổng phụ mặc dù chúng không nhỏ hơn cổng chính và cũng có vọng canh là vì cổng chính nam bắc là con đường cái dẫn đến những phủ quận khác. Các cổng phụ chỉ là những con đường đất nhỏ chạy quanh co qua những thửa ruộng lúa của làng.

Như hàng vạn ngôi làng khác ở khắp miền hạ du và trung du Đại Việt, làng này cũng có một lũy tre dầy đặc bao bọc. Bên ngoài lũy tre còn có một con hào sâu khoảng một trượng, rộng hơn một trượng và quanh năm ngập nước. Đặc biệt ngôi làng này bên dưới lòng con hào có cắm chi chít những chông tre. Từ đường muốn vào đến cổng làng phải qua một cây cầu bắt qua hào.

Đối với dân làng chân chất, quanh năm đồng áng chẳng đi ra khỏi lũy tre bao xa, cây đổ nằm ngang cũng không biết nó tượng trưng cho chữ gì thì ngôi làng trên đúng là một ngôi làng thuần túy của Đại Việt. Không có một điểm nào có thể gọi là quái dị. Nhưng đối với các nhân sĩ trong giang hồ thì khác.

Đã nhiều năm nay “ngôi làng” đó không khác nào là một thánh địa của võ lâm Nam Thiên. Lý do rất đơn giản vì đó không phải là một ngôi làng mà nó là một gia trang, chỗ ở của một võ lâm danh gia, dòng dõi con nhà tướng. Làng vốn có tên là làng Xứ, nhưng hơn bốn mươi năm trước được đổi tên thành làng Long Đình, đặt theo chức tước do triều đình ban cho Long Đình Quốc Công Lý Minh Hiệp khi ông từ quan về trí sĩ vào năm Canh Thân (1080).

Lý Minh Hiệp vốn họ Đào chứ không phải họ Lý, xuất thân dòng dõi trung lương. Ông nội là Đào Minh Gia nguyên làm gia tướng cho Đào Cam Mộc. Đào Cam Mộc, Đàm Can, Thân Thiệu Anh và thiền sư Vạn Hạnh mưu sự phế lập sau khi vua Lê Ngọa Triều mất vào năm Kỷ Dậu (1009) để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Nghiễm nhiên bốn người họ đều trở thành những vị khai quốc công thần của triều Lý.

Lý Công Uẩn lên ngôi vào năm Canh Tuất (1010) và lấy đế hiệu là Thuận Thiên. Đào Cam Mộc được Thuận Thiên Hoàng Đế gả trưởng công chúa An Quốc và phong làm Trung Nghĩa Hầu. Nhờ chủ là Trung Nghĩa Hầu và công chúa cất nhắc; nhờ những năm đầu của triều Lý phải đánh dẹp liên miên, Đào Minh Gia lập nhiều chiến công và được phong tướng. Con Đào Minh Gia là Đào Minh Trung từ nhỏ đã theo cha đánh nam dẹp bắc cũng được triều đình trọng dụng.

Đến đời cháu là Đào Minh Hiệp theo ngài Đại tư mã Lý Thường Kiệt bình Chiêm, phạt Tống. Trong cuộc nam xâm của Tống triều vào năm Bính Thìn (1076) để trả thù việc Lưỡng Quảng bị tàn phá, Đào Minh Hiệp lập đại công. Đến năm Canh Thân (1080) thì Đào Minh Hiệp xin vua cho về vui với ruộng vườn. Vì ông cha dầy công với xã tắc, Đào Minh Hiệp được hoàng đế Anh Vũ Chiêu Thắng (2) và Linh Nhân Thái Hậu phong tặng chức tước như sau: Kiểm hiệu thái phó, Long Nhương thượng tướng quân, Long Đình quốc công, thực phong năm trăm mẫu ruộng, thực ấp là làng Xứ và ban cho quốc tính. Lý Minh Hiệp, tức Đào Minh Hiệp, cảm động không bút nào tả xiết. Lòng son của ông đối với xã tắc và triều đình càng tăng lên gấp nhiều lần.

Cũng năm đó, võ lâm Nam Thiên xảy ra nạn Thiên Ma Giáo muốn làm bá chủ võ lâm. Với một sự nghiệp hiển hách, chiến công còn mới, võ công vô địch ngay cả Đại tư mã Lý Thường Kiệt cũng phải nể vì, Lý Minh Hiệp được nhân sĩ trong chính phái tôn làm minh chủ. Do đó làng Xứ được người trong võ lâm gọi là làng Long Đình hay là Long Đình Gia Trang. Còn Lý Minh Hiệp được tặng cho hai mỹ tự “Uy Long.”

Uy Long Minh Chủ Lý Minh Hiệp nhận lãnh trọng trách được năm năm thì bị bạo bệnh qua đời. Con là Lý Minh Nghĩa võ công cũng như tài trí còn giỏi hơn cả cha được đưa lên làm người tiếp tục duy trì chính nghĩa võ lâm. Sau năm năm dưới sự thống lĩnh tài ba của Lý Minh Nghĩa, các cường hào thảo khấu trong ma đạo đều bị dẹp tan. Ngay cả Thiên Ma Giáo cũng bị san bằng, Thiên Ma Giáo Chủ bị bắt cầm tù để thị uy với những người trong hắc đạo.

Từ đó đến nay đã hơn ba mươi năm, Long Võ Minh Chủ Lý Minh Nghĩa ngự trị tiểu quốc của mình một cách bình an, êm thắm. Người thân kẻ sơ đều tặng cho ông hai mỹ tự “Long Võ” để tiếp nối theo mỹ tự “Uy Long” của thân phụ. Làng Long Đình được đổi thành làng Long Võ hay trang Long Võ. Long Võ Minh Chủ Lý Minh Nghĩa hiện đang ngon giấc cùng với vị phu nhân duy nhất của mình tại Long Đình Lâu trong Long Võ Trang.

Sự êm thắm đó đã bị mưa gió đêm nay làm cho khuấy động. Máu chảy chan hòa làm sẫm màu mặt nước. Thân người đổ xuống làm rung chuyển cỏ cây. Đoàn người dạ hành từng bước kiên định làm nghiêng ngửa sự yên tĩnh của võ lâm.

Trời đêm đến giữa giờ Tý khi toán người dạ hành đầu tiên thấy được ánh đèn le lói ở cổng nam của Long Võ Trang. Gió cũng không còn thổi mạnh, mây bắt đầu thưa dần, sát khí càng thêm dầy đặc. Đoàn người áo đen dừng bước lại. Hai bên đường đều có hào đầy nước chạy dọc theo. Mỗi con hào có hai mươi người thủ sẵn cỏ ống trong tay tự bao giờ lặn xuống dưới nước và bơi về phía ánh đèn.

Càng đến gần cổng trang ánh đèn càng sáng và sự vật càng rõ ràng. Cổng làng được xây theo lối cổng tam quan của chùa: Cổng chính, lớn, ở giữa và hai cổng nhỏ hai bên. Bên trên có tấm bảng sơn son thếp vàng đề ba chữ: Long Võ Trang. Ở bên dưới có thêm hai chữ sơn son nữa nhưng nhỏ hơn: Nam Môn. Hai bên cổng chính có đề một đôi câu đối viết theo lối chữ thảo trông chẳng khác nào rồng bay phượng múa:

Long đức uy thao bình Việt địa. (Đức lớn uy thao bình đất Việt.)
Võ tài dũng lược định Nam thiên. (Tài võ mạnh lược định trời Nam.)

Dù là minh chủ võ lâm đi chăng nữa, khẩu khí như trên quả thật không nhỏ. Nhưng giữ được khẩu khí đó hơn ba mươi năm trường không hề bị lay chuyển thật là chuyện thế gian hiếm có.

Hai bên cánh cổng là hai cột cờ lớn. Từ ngoài nhìn vào, lá cờ bên phải đề chữ: Phi Mã Đường ‒ Việt Thành Môn Phái. Bên trái cánh cổng thì đề những chữ: Luyện Võ Đường ‒ Hồng Lĩnh Môn Phái.

Lũy tre bao bọc Long Võ Trang mọc dầy hơn một trượng và cao hơn năm trượng. Phía ngoài cổng là một cái sân rất rộng. Hai bên sân có trồng hai cây đa cành lá rườm rà, chi chít những rễ phụ. Đàng sau hai bên cổng có hai vọng canh. Tuy thấp hơn ngọn tre nhưng lại cao hơn cổng độ nửa trượng, bốn mặt đều có thang leo lên.

Vọng canh khá lớn, mỗi bề dài một trượng. Ở giữa là một cái bàn gỗ với vài chiếc ghế tre. Trên mặt bàn có thức ăn, nước uống đầy đủ. Vách vọng canh chỉ cao đến bụng. Dọc theo hai vách có thêm hai hàng ghế, còn hai vách thì không. Bốn góc là bốn cây cột lớn dùng để chịu cái mái chòi lợp bằng cỏ tranh. Mỗi cây cột có treo đèn lớn, vòng tay một người ôm không hết. Nếu là người thường thì ánh đèn đó không đủ thấy hết cảnh vật bên dưới chòi canh nhưng đối với cao thủ võ lâm như thế là quá dư.

Bên trong mỗi chòi canh có tám người tổng cộng. Có kẻ đứng người ngồi. Do vì trời vừa mới mưa, đêm khuya, họ lại quá quen mặt nhau nên thỉnh thoảng chỉ có một vài câu nói bâng quơ rồi lại nhường cho tiếng ếch nhái kêu đêm. Buổi trực đêm không bao giờ là một điều vui thú vì trong cảnh thái bình rất hiếm khi có chuyện đáng nói xảy ra.

Bỗng nhiên có tiếng lạ ngoài cổng vang lên. Tiếng động không lớn lắm nhưng những người bên trong chòi canh vẫn nghe thấy. Nghe thì nghe vậy chứ đêm hôm khuya khoắt thiếu gì tiếng lạ do thú vật phát ra. Thế nhưng chốc chốc có tiếng xào xạc trong bụi rậm hai bên đường phía trước cổng lại phát ra. Từ hướng cổng nhìn ra ngoài, một người ở chòi canh phía bên trái lên tiếng vừa mắng vừa hỏi:

‒ Mẹ nó! Tiếng gì phát ra vậy Ngô huynh?

Người họ Ngô trả lời:

‒ Ai mà biết. Có lẽ do chó mèo gì rượt nhau chăng?

Người hỏi khi nãy không chịu:

‒ Mèo rất sợ nước. Trời mưa thế này chúng nó tìm chỗ ngủ vùi rồi, lý nào lại gây ra tiếng động trong bụi cỏ.

Người họ Ngô cứ nói cho lấy được:

‒ Mèo hoang thì sao? Mèo hoang đi săn chuột đồng không được à?

‒ Ý huynh nói, mèo hoang không biết tìm chỗ ẩn nấp? Trời mưa như vầy chắc cũng ít có chuột, mà ruộng ngập nước…

Vị họ Ngô vẫn giữ nguyên chủ ý:

‒ Không mèo thì chó, không chó thì chuột, không chuột thì rắn… tóm lại là có rất nhiều thứ gây ra tiếng động ban đêm, Lê đệ đừng có lo.

Vị họ Lê vẫn không chịu:

‒ Không biết Ngô huynh thì sao chứ tự nhiên mấy hôm nay trong lòng tiểu để cảm thấy có một cái gì đó đè nặng. Lúc nào tiểu đệ cũng cảm thấy sợ hãi bất an. Ăn cơm không ngon, tối ngủ không yên.

Có một tiếng người khác cười hề hề:

‒ Đúng là tên Lê Vũ nhát như cáy, ban đêm sợ ma. Sợ ma thì cứ nói mình sợ, việc gì phải quanh co?

Lê Vũ gân cổ lên cãi:

‒ Đặng huynh nói vậy mà nghe được chăng? Đệ cùng huynh canh gác như vầy bao năm rồi? Những lần đó không sao, nhưng lần này đệ cảm thấy có gì khác lạ. Huynh tin đệ đi, nhất định có chuyện xảy ra mà, nói không chừng là đêm hôm nay.

Vị họ Đặng cười khì khì:

‒ Thì biết rồi. Chẳng qua chọc lão đệ cho vui thôi và cho lão đệ bớt cảm thấy bất an trong lòng. Không có chuyện gì xảy ra đâu mà lo. Nếu có chuyện, không lẽ những người của mình phía trước không báo tin hay sao?

Lê Vũ không nói gì nữa nhưng trong dạ càng cảm thấy bấn loạn hơn. Hắn chợt nghĩ đến người vợ và đứa con trai ba tuổi ở nhà. Có lẽ giờ này hai mẹ con đang ôm nhau say giấc nồng. Nghĩ đến đứa con Lê Vũ không thể không hài lòng. Mới từng ấy tuổi đầu mà nó tỏ ra thông minh lạ, mặt mày sáng sủa. Từ sáng đến chiều nó cứ nói huyên thuyên. Đôi khi nó nói được những câu mà ngay cả người lớn không nghĩ đến và không ngờ một đứa bé lại nói được. Đối với những đứa trẻ cùng lứa thì con của hắn thông minh hơn nhiều. Bạn bè gần xa cũng như bà con lối xóm đều khen đứa bé sau này nhất định làm rạng rỡ tông môn. Vì lẽ đó mà cha mẹ của hắn có phần quý người con dâu hơn đứa con ruột. Lê Vũ không vì thế mà buồn phiền. Ngược lại hắn càng thương yêu người vợ tào khang của mình. Hơn nữa, hắn thêm hãnh diện với anh em đồng môn vì hắn cưới được một người vừa đẹp, vừa giỏi, vừa hiền làm vợ.

Tiếng động lại vang lên, lần này lớn hơn, những người trong chòi canh đều nghe rõ. Vị họ Đặng cũng cảm thấy có sự kỳ quái nói với người họ Ngô:

‒ Ngô huynh có nghe rõ tiếng động đó không?

Vị họ Ngô cũng nhận ra:

‒ Đặng đệ nói đúng!

Rồi quay ra đàng sau ra lệnh:

‒ Hoàng đệ, Trần đệ, Lý đệ và Tôn đệ bốn người nên đề cao cảnh giác. Phạm đệ báo cho vọng canh bên kia biết mình thấy có sự kỳ lạ. Báo cho họ cẩn thận đề phòng nhưng không cần phải xuống.

Hướng sang vị họ Đặng, vị họ Ngô nói thêm:

‒ Đặng đệ xuống dưới kia cùng huynh.

Vị họ Đặng nháy mắt với vị họ Ngô rồi nói bâng quơ:

‒ Ai sợ ma thì cứ đứng yên trên này. Xuống đó nói không chừng bị ma giả gái đẹp dắt đi mất. Lúc đó đừng trách tại sao không bảo trước.

Họ cùng cười khúc khích với nhau. Lê Vũ không muốn bị đàm tiếu nên bấm bụng nói cứng:

‒ Tiểu đệ sẽ cùng với Đặng huynh và Ngô huynh xuống xem con gì gây ra tiếng động.

Nói thì nói vậy, hắn cũng không quên nhắc nhở:

‒ Chúng ta làm như vầy là vi phạm nội quy. Đường Chủ sư bá mà biết thì chúng ta ốm đòn.

Người họ Ngô có tên là Ngô Bình lên tiếng đầy tự tin:

‒ Đây đâu phải là lần đầu tiên hay là lần duy nhất. Lê đệ có nhớ tháng trước chúng ta bắt được một con trăn, đem đi đánh chén với nhau bằng thích hay không?

Nói rồi không thèm để ý xem Lê Vũ có phản ứng ra sao, Ngô Bình lập tức từ chòi canh phóng mình nhảy ra ra ngoài. Thân pháp của hắn nhẹ nhàng mau lẹ. Chớp mắt họ Ngô đã đứng trên mặt đất. Từ trên cao mấy trượng mà đáp xuống đất không gây một tiếng động chứng tỏ Ngô Bình là người có thực tài. Họ Đặng nhìn Lê Vũ cười cười rồi làm y như Ngô Bình. Còn Lê Vũ không xuống theo ngay. Hắn còn đứng chần chừ không quyết. Sau cùng hắn với tay cầm một cây đuốc và mồi lửa đem xuống. Hắn thầm cầu khấn cho lần này cũng vô sự. Trong lòng biết rằng không nên nhưng hắn lại không muốn làm trái ý Ngô Bình. Đối với Ngô Bình bấy lâu nay Lê Vũ vẫn hằng kính nể.

Cả ba người đứng yên một nơi nghe ngóng động tĩnh. Lại có tiếng xào xạc từ hướng cây đa phía trái vọng về. Rõ ràng là có tiếng con gì đó đang vật lộn hoặc rượt đuổi. Ngô, Lê, Đặng đều thủ sẵn võ khí trong tay lăm lăm từng bước tiến về nơi phát ra tiếng động.

Bầu trời đêm bắt đầu trong. Một vài ngôi sao chiếu ánh sáng yếu ớt qua những nơi mây bị đứt quãng. Tuy trăng còn dấu mặt sau những đám mây dầy mỏng không đồng nhưng ánh sáng hắt hiu bủa xuống nhân gian. Nào để vừng thỏ ngọc chiếm hết sự chú ý của muôn loài, gió vẫn còn lồng lộn từng hồi và len lỏi qua mọi cành cây, hóc đá như báo hiệu chuyện trần ai đêm nay mới bắt đầu.

Khi ba người trang đinh làng Xứ đến gốc đa thì tiếng động nhỏ hơn và cách xa dần. Ngô Bình quan sát xung quanh gốc đa rồi lắng nghe âm thanh, miệng lầm bầm:

‒ Quái lạ. Hồi chúng ta trước cổng thì rõ ràng tiếng động ở gốc đa này. Khi đến đây thì dường như nó đã quá con hào, có lẽ đã ở bờ ruộng rồi cũng nên. Nhưng con hào lúc nào cũng có nước, sao mình lại không nghe tiếng nước bị khua động vậy kìa?

Lê Vũ cũng nhận ra sự bất thường:

‒ Hai huynh có thấy gì lạ không?

Người họ Đặng tên Đặng Tiến đề nghị:

‒ Chúng ta thử đến con hào xem sao. Mình nên cẩn thận một chút kẻo không có chuyện gì mà làm ầm ra thì bẽ mặt biết chừng nào.

Ngô Bình đồng ý:

‒ Đúng vậy. Bao nhiêu năm nay không một kẻ nào dám ngu si ngông cuồng đến nỗi dám vác xác đến đây gây chuyện. Vì vậy Lê đệ khỏi cần phải đốt đuốc. Chúng ta vẫn đủ sức nhìn thấy kia mà.

Lê Vũ đang loay hoay bật mồi lửa đốt đuốc, nghe Ngô Bình nói thế bèn cất mồi lửa đi. Tay trái hắn cầm bó đuốc. Hắn đeo thanh kiếm lủng lẳng ở một bên hông đi theo Ngô Bình và Đặng Tiến rời khỏi gốc đa tiến về phía bờ hào. Năm người còn lại trên chòi canh là Trần Gia Thiện, Hoàng Vân, Lý Ân, Tôn Khải và Phạm Bá cầm vũ khí trong tay lơ đễnh nhìn theo Ngô Bình, Đặng Tiến và Lê Vũ khuất sau cây đa. Họ chờ đợi tin tức mặc dù trong lòng chẳng chút âu lo.

Thời gian trôi qua không biết bao lâu. Tiếng động dường như im bặt tự bao giờ. Lúc này vầng minh nguyệt giữa hư không hết phải chịu luồn một đám mây. Ả nghễu nghệ phóng ánh sáng vằng vặc ra để giăng bủa khắp nơi, soi lối chỉ đường cho vạn vật. Nhưng chỉ phút chốc ngắn ngủi lại bị vầng mây khác chạy đến làm nhiệm vụ vây hãm, che trời phủ đất của mình. Đột nhiên mọi người trên chòi canh thấy Ngô Bình từ hướng cây đa chậm rãi bước về phía cổng. Đến trước cổng, Ngô Bình với giọng khàn khàn lên tiếng:

‒ Phạm đệ, Lý đệ, Tôn đệ, mau mau xuống đây giúp huynh và…

Phạm Bá cắt ngang:

‒ Ngô huynh là thủ lĩnh của bọn này lẽ nào lại không biết nội quy?

Ngô Bình phân trần:

‒ Huynh biết sao không biết, nhưng đây là trường hợp đặc biệt.

Phạm Bá cảm thấy lạ lùng:

‒ Trường hợp đặc biệt gì? Chúng ta không nên bỏ ngang phận sự của mình.

Lúc nãy Ngô Bình tự ý ra ngoài cổng Phạm Bá không ngăn. Bây giờ hắn lên tiếng trách móc vì hắn thấy có một cái gì đó quá khác lạ nhưng không rõ vì sao. Ngô Bình cố gắng giải thích:

‒ Huynh biết chứ sao không biết. Chỉ là Lê Vũ đệ tìm thấy được một con trăn rất lớn dài hơn một trượng đang cuốn lấy một con chó định ăn thịt. Lê đệ và Đặng đệ giết được con trăn đi rồi nhưng vì nó lớn quá khiêng không nổi hai con cùng một lúc đành phải nhờ các đệ giúp một tay.

Phạm Bá ngập ngừng:

‒ Chuyện này… chuyện này…

‒ Huynh có người bạn làm thịt trăn ngon tuyệt cú mèo, chẳng lẽ Phạm đệ quên rồi sao? Nếu không vì lâu lâu muốn thết tiệc các huynh đệ một bữa huynh nhất định không làm phiền đệ và phá lệ một lần.

Phạm Bá nghe cảm thấy bùi tai vì biết vị thủ lãnh Ngô Bình của mình bao giờ cũng rất hào phóng với các anh em. Nhưng vốn là người cẩn thận nên hắn còn đang do dự. Hắn cảm thấy trong này có cái gì đó trái ngược với lẽ thường tình. Ngược lại Ngô Bình không vợ không con nên thường hay chén thù chén tạc với huynh đệ đồng môn và bạn bè. Đây không phải lần đầu tiên Ngô Bình phạm nội quy. Nhưng vì hắn trọng tín nghĩa, đối đãi bạn bè như ruột thịt và luôn ra sức che chở cho những kẻ dưới quyền mỗi khi họ làm sai nên không ai nỡ lòng tố cáo Ngô Bình. Chuyện Ngô Bình giữa đêm bỏ nhiệm vụ và đi săn thú để thù tạc xảy ra mỗi tháng ít nhất đôi ba lần. Nhiều năm nay đã như thế chứ không phải ngày một ngày hai Ngô Bình làm gương sai cho đàn em. Do đó Phạm Bá nói cứng cho có lệ chứ hắn tuyệt đối tin tưởng Ngô Bình. Chợt hắn để ý từ nãy đến giờ nói chuyện Ngô Bình không ngước mặt lên một lần, giọng nói cũng có phần khác hơn. Hắn đâm ra nghi ngờ hơn hỏi:

‒ Ngô huynh, giọng nói của huynh có phần khác lạ hơn mọi lần, tại sao thế?

Ngô Bình vẫn không ngước lên trả lời:

‒ Có lẽ tại trời mưa, mũi rát từ chiều đến giờ. Ban nãy huynh nhảy mũi mấy cái nên giọng khác đi chăng? Phạm đệ không muốn giúp thì thôi vậy, để huynh kêu Lê đệ và Đặng đệ đẩy con trăn xuống hào.

Nói rồi quay lưng đi, Phạm Bá hốt hoảng vì không muốn làm phật lòng ý tốt của Ngô Bình:

‒ Khoan đã Ngô huynh, đệ xuống mở cổng đây!

Ngô Bình không quay lại, chỉ phất tay:

‒ Ấy chết. Phạm đệ muốn phạm vào nội quy hay sao? Để bọn huynh lôi con trăn đến trước cổng rồi hãy tìm cách đem vào. Cùng lắm đến lúc đó hé cổng rồi đóng lại. Mở bây giờ lỡ bề trên biết được thì tội không nhẹ.

Phạm Bá cảm thấy an tâm hơn rất nhiều vì mới vừa hỏi dò và Ngô Bình trả lời rất trôi chảy. Hắn ra dấu cùng với Lý Ân và Tôn Khải phóng mình ra ngoài, không để ý một chi tiết là thân hình của Ngô Bình nhỏ hơn thường ngày. Lúc bấy giờ Ngô Bình đã đến gần gốc đa và chớp mắt là mất dạng.

Màn đêm đã qua gần hết giờ Tý.

Ngô, Lê, Phạm, Tôn, Đặng và Lý cùng trở lại một lúc nhưng chẳng thấy con trăn hay con chó nào. Chỉ thấy Ngô, Phạm dìu Lê còn Tôn, Lý dìu Đặng. Đến bên cổng Ngô Bình gọi vọng lên nhưng không ngước mặt. Giọng hắn vẫn ồm ồm:

‒ Mau mau mở cổng, Lê đệ và Đặng đệ phá nhầm ổ rắn hổ mang, lại không cẩn thận nên đã bị cắn, tình trạng nguy ngập. Hoàng đệ và Trần đệ mau xuống giúp một tay để dìu vào Y Dược Đường.

Hoàng Vân và Trần Gia Thiện cùng nhảy xuống mở cổng. Thế là chòi canh có tám người đã xuống đất hết cả tám.

Cổng được mở, bọn Ngô Bình sáu người vào hết bên trong. Hoàng Vân và Trần Gia Thiện chỉ để ý đến Lê Vũ và Đặng Tiến Hy hai mắt nhắm nghiền được đặt nằm ngửa dưới đất. Họ không để ý đến bốn người đang đứng xung quanh tuy ai cũng cúi đầu nhìn xuống nhưng không cặp mắt nào dán lên mình hai kẻ đang nằm. Hoàng, Trần ngồi xuống xem xét tình trạng của Lê, Đặng thế nào. Mỗi người nắm tay và bắt mạch cho một người. Cả hai thất kinh vì mạch của Đặng, Lê không còn nhảy nữa. Hiển nhiên cả hai đã chết nhưng thân thể còn ấm.

Mới đó Lê Vũ, Đặng Tiến còn cười cười nói nói nhưng giờ trở thành hai cái xác không hồn. Trần Gia Thiện và Hoàng Vân cùng kinh hoảng. Họ cho rằng độc rắn quá mạnh khiến Đặng Tiến và Lê Vũ phải mạng vong. Hai người chưa kịp lên tiếng hay phản ứng thì trên lưng mỗi người có một lưỡi kiếm đâm từ sau lưng xuyên tim lòi ra khỏi lồng ngực hơn cả gang tay. Đó là lần cuối cùng trong đời cả hai cảm thấy đau đớn. Đến chết họ cũng không biết Tôn Khải và Lý Ân giả đò cúi xuối, dùng thân mình để che mắt người trên vọng canh phía bên phải trước khi ra tay ám toán. Ngô Bình hướng sang vọng canh đối diện lớn tiếng hỏi:

‒ Bên kia có vị huynh đệ nào có thuốc trị nọc rắn không?

Không để cho người bên chòi kia trả lời, Ngô Bình nói luôn:

‒ Để tiểu đệ lên đó lấy vậy.

Nói rồi đi về phía chòi canh bên trái, động tác khá nhanh. Bên trên có tiếng lạnh lùng vọng xuống:

‒ Ngô huynh! Huynh nên dừng bước. Trên này không ai có thuốc trị nọc rắn cả. Huynh nên đem hai vị huynh đệ kia vào trong Y Dược Đường mà chữa trị. Sự việc tối hôm nay hoàn toàn do huynh chịu trách nhiệm.

Ngô Bình làm như không nghe tiếng. Sau khi đến chân cầu thang thì hắn lập tức leo lên. Động tác nhanh nhẹn vô cùng. Phía bên trên vẫn người hồi nãy lên tiếng, lần này gay gắt hơn:

‒ Ngô huynh hãy dừng chân lại! Huynh lẽ nào không biết nội quy của Trang? Tiểu đệ cảnh cáo huynh vì còn nghĩ đến sự giao hảo của chúng ta bao năm nay. Huynh mà lên đến trên đây thì đừng trách thanh kiếm của tiểu đệ cắt đứt tình nghĩa!

Ngô Bình đã leo lên quá nửa cầu thang. Nghe người trên kia nói vậy liền dừng lại rồi leo xuống vài bậc thang. Ngô Bình nói vọng lên:

‒ Được rồi, huynh xuống ngay. Vì huynh nóng lòng cứu người nên đã xúc phạm đến lão đệ.

Tưởng là mọi chuyện đã qua, người bên trên thấy Ngô Bình làm vậy nên cảm thấy an tâm và mất đi sự cảnh giác. Ngô Bình leo xuống được hai bước rồi bất thình lình dùng khinh công thượng thừa từ dưới vọt lên như một mũi tên xé gió xung thiên. Người kia giật mình và cảm thấy xung quanh bao phủ một màn chết chóc. Cái lạnh lẽo u minh thấm vào đến xương tủy. Lúc này hắn đứng sát vách, ngay cạnh cầu thang, hơi ló người ra nhìn xuống. Ngô Bình vừa lên đến nơi liền phóng ra một chiêu kiếm. Người kia nào kịp phản ứng và cũng không ngờ Ngô Bình dùng sát chiêu. Hắn bị đâm sâu vào cổ. Ngô Bình khẽ rung tay, từ cổ nạn nhân xuống đến ngực bị chém nát. Máu lập tức tuôn trào ra. Một chiêu kiếm hiểm ác phi thường. Người kia chết tức tưởi mà không biết tại sao.

Ngô Bình lên đến nơi liền ra tay hạ sát một người. Hắn khẽ di động để cả hai đứng sát vào nhau. Nạn nhân quay lưng lại với tất cả những người trong chòi canh nên họ chỉ nhìn hắn cảm thấy lạ lạ không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng sự xuất hiện đột ngột của Ngô Bình làm họ có phản ứng. Một người ra lệnh:

‒ Chuẩn bị phóng tín hiệu!

Người khác lên tiếng:

‒ Ngô huynh, hôm nay huynh làm chuyện gì vậy?

Ngô Bình lập tức vận nội công quát:

‒ Tất cả dừng tay! Hãy xem bên dưới kìa, có chuyện lạ.

Toán người bên trên giật mình thoáng ngạc nhiên. Dù sao Ngô Bình cũng là thủ lĩnh của nhóm canh gác đối diện, hắn có chút quyền uy. Nghe Ngô Bình quát, tất cả đều dừng tay. Vài người đi đến vách chòi nhìn xuống, nhưng nào có thấy chuyện gì lạ xảy ra bên dưới. Họ còn chủ ý quan sát kỹ càng trước khi chất vấn hắn. Ngô Bình đưa tay trái vào ngực nạn nhân và nhả nội công. Thân hình đồ sộ của kẻ vừa bị giết bắn vào cái bàn giữa chòi, nơi có mấy người đang ngồi. Ngô Bình vận khinh công phóng theo, dùng thi thể của nạn nhân làm lá chắn. Dưới ánh đèn le lói, thanh kiếm trong tay Ngô Bình như một đóa hoa ngàn cánh nở ra và phủ lấy tất cả. Sát khí tầng tầng lớp lớp giăng đầy. Lập tức thêm hai người bị giết. Năm người còn lại kinh hoàng. Mắt họ nhìn thấy đồng bọn ngã gục, thân thể của Ngô Bình toàn máu với máu. Phản ứng đầu tiên của họ là sự ngạc nhiên vì không hiểu tại sao Ngô Bình làm loạn. Nhiều năm sống trong cảnh thái bình, thiếu kinh nghiệm ứng xử nên khi có chuyện tày trời xảy ra họ chỉ biết đứng nhìn và thắc mắc. Sau phút chốc ngỡ ngàng, một sự thật khủng khiếp len lỏi vào trí óc: Có người bạo gan đến gây chuyện. Năm món binh khí cùng xuất ra tấn công Ngô Bình. Thêm một người ngã gục. Trước khi chết hắn chỉ có thể tức tưởi nói được một câu:

‒ Ngươi… ngư**… **ông… **ải… Ngô… Ng… B… Bì..nh…

Chòi canh còn lại bốn người. Ngô Bình vẫn tiếp tục xuất chiêu. Trong số người còn lại chợt có một người động tâm cơ, đánh ra một hư chiêu rồi lập tức rút lui đến cạnh một cái đèn lồng ở góc chòi canh.

Xoẹt! Xoẹt! Thêm hai người nữa bị giết. Một người bị đâm lủng ngực còn người kia đầu lìa khỏi cổ. Người giả dạng Ngô Bình quả nhiên kiếm thuật thần thông và sắt máu. Mỗi chiêu kiếm là một mạng người. Xọet! Lại thêm một người ngã xuống. Giờ chỉ còn lại một người. Trong tay hắn có một vật lạ. Hắn vận sức phóng vật đó vào đèn lồng.

Lại một đường kiếm chớp lên. Ngô Bình dụng toàn sở học phóng mình đến góc chòi đưa kiếm chặt đứt cánh tay người cuối cùng trước khi giết hắn.

Nhưng đã trễ. Cái đèn bị đánh bay lên cao văng ra ngoài hơn hai trượng. Trong cái đèn có tiếng “xè xè” vang lên rồi một viên pháo lệnh bắn lên cao gần trăm trượng nổ ra thành một quả cầu màu đỏ sáng chói. Không lâu sau đó có tiếng trống ngũ liên “thùng thùng” từ giữa Long Võ Trang phát ra báo động xé nát màn đêm tịch mịch. Mặt đất bắt đầu rung chuyển. Không hề cảm thấy nao núng, người giả dạng Ngô Bình cầm lấy một cái đèn trên vọng canh hướng ra phía ngoài cổng phất qua phất lại làm ám hiệu.

Trong khi Ngô Bình ở vọng canh bên tả thì bên hữu cũng đã có người trèo lên. Thấy Ngô Bình ra ám hiệu thì bên kia cũng làm theo. Làm ám hiệu xong cây cờ đề chữ Phi Mã Đường ‒ Việt Thành Môn Phái bị chém gẫy. Tương tự, bên phải cánh cổng cây cờ đề chữ Luyện Võ Đường ‒ Hồng Lĩnh Môn Phái bị Ngô Bình giả chém đi. Xong đâu đó tất cả nhảy xuống đất và mở toang cổng tam quan ở Nam Môn.

Khi còn ở bên trên chòi canh nhảy xuống thì còn mặc đồ giả dạng Ngô Bình. Nhưng khi chân đụng đất thì bộ quần áo giả dạng đã được kiếm cắt rách nát bay phất phới trong làn gió nhẹ, hiện lại nguyên hình là người mặc đồ đen và mặt cũng đã được tấm khăn đen che hết chỉ chừa hai con mắt.

Tiếng trống báo động vẫn liên miên bất tuyệt. Tiếng tù và, tiếng người huyên náo, la hét chuyển động không gian. Long Võ Trang chìm đắm trong màn đêm yên tĩnh giờ đã bừng thức dậy. Nhà nhà đều đốt đèn, bao nhiêu ngọn đuốc đều được thắp sáng chẳng khác nào đất đế đô Long Thành trong ngày xuân. Nhưng đây không phải là ngày hội mà sự chuẩn bị cho một cuộc chiến sắp xảy ra.

Đột nhiên từ cổng đông, tây và bắc của Long Võ Trang đều có pháo lệnh bắn lên. Một cái, hai cái, ba cái, bốn cái, v.v. mỗi cổng bắn ra trên mười viên pháo lệnh, chứng tỏ vô cùng cấp bách. Pháo lệnh từ giữa Long Võ Trang nối đuôi nhau xé gió để chiếu sáng màn đêm. Lại có tiếng người la hét, tiếng võ khí chạm nhau rung cả góc trời. Những tiếng động lúc ban đầu hướng về phía cổng nam không còn nữa mà chuyển sang phía đông và tây.

Nhìn trời quan sát và nghe ngóng một lúc người áo đen giả dạng Ngô Bình đi ra ngoài cổng. Bên ngoài đã có sáu hàng người đứng dọc chờ tự bao giờ. Ngoài ra có thêm mười người nữa đứng riêng ra ngoài. Một người tiến lên đưa cho Ngô Bình giả một cái khiên rồi trở lại vị trí cũ. Hắn đeo khiên vào tay trái, tay phải cầm thanh kiếm dơ cao lên trời rồi lớn tiếng dõng dạc:

‒ Các ngươi hãy nhìn Long Võ Trang, kẻ ơn của các ngươi trong đấy.

‒ ĐÁNH!

‒ Các ngươi hãy nhìn Long Võ Trang, kẻ thù của các ngươi trong đấy.

‒ ĐÁNH!

‒ Các ngươi hãy nhìn Long Võ Trang, mối hận sẽ được trả và mối nhục sẽ được xóa.

‒ ĐÁNH! ĐÁNH! Hận này không nguôi! Thề chết không lui! ĐÁNH!

Ngô Bình giả chỉ thẳng mũi kiếm vào giữa cổng nam gằn giọng:

‒ Lý Minh Nghĩa không xứng làm minh chủ. Hắn chỉ là một tên cuồng đồ cao ngạo và đạo đức giả. Trong tay của hắn đã nhuốm máu không biết của bao nhiêu người. Sự suy tàn của Nam Thiện Đệ Nhất Trang từ đây bắt đầu. Cái gọi là chính nghĩa từ đây sẽ bị sang bằng. Cả gầm trời Nam này phải khiếp sợ trước chúng ta.

Qua giọng nói, Ngô Bình giả là một phụ nữ có tuổi nhưng nội lực vô cùng thâm sâu hùng mạnh. Âm thanh vang dội đến rung chuyển các cành cây, ngọn cỏ xung quanh. Ngô Bình giả chỉ kiếm lên trời rồi chém xuống một nhát rồi hét.

‒ TIẾN!

Sáu đoàn người bí mật cùng hô lên rồi dùng khinh công thượng thừa lướt nhanh vào cổng. Trong cổng đường đi được lát đá xanh, có phần sạch sẽ và rộng hơn ở ngoài. Hai bên đường cây cối được cắt xén cẩn thận. Nhà cửa hai bên đường san sát cạnh nhau thắp đèn sáng loáng nhưng không một bóng người. Tiếng la hét đánh nhau từ ba cổng kia vẫn vang lên không ngớt.

~oOo~

Hiện đã gần hết giờ Tý, hầu hết mọi nhà trong Long Võ Trang đều đã tắt đèn đi ngủ. Trong một gian nhà tranh tại thôn Thượng Tây trong làng Xứ vẫn còn hiu hắt ánh đèn.

Bên trong cũng như bên ngoài căn nhà tranh cách bài trí và vật dụng rất đơn sơ. Ở một góc nhà có treo một thanh đao cũ kỹ. Trên tường treo la liệt những thư pháp, những bài tứ tuyệt, nét chữ như phượng múa rồng bay. Tất cả những nét chữ đều giống y như nhau chứng tỏ là do cùng một người viết ra. Người chủ nhân mặc y phục theo lối nhà nông đang ngồi nhìn bếp than đỏ lửa. Đã từ lâu lắm rồi người chủ nhân mới hơn hơn bốn mươi tuổi ấy nhưng tóc đã hoa râm có sở thích thức khuya pha trà độc ẩm. Đôi mắt của ông sáng quắc nhưng hiền từ. Đôi môi hơi nở một nụ cười mỉm trên khuôn mặt tươi vui làm ông toát ra khí khái của một người ôn hậu và bình thản. Đang trong lúc nghe than hồng nổ tí tách để chờ nước sôi vị chủ nhân kia rút thanh đao treo ở tường xuống ngắm nghía:

‒ Hắc Minh Đao à Hắc Minh Đao. Mi đã theo ta trên hai mươi năm có dư. Trong hai mươi năm nay chưa lần nào mi làm ta thất vọng.

Nói xong người chủ nhân rút thanh đao ra rồi lấy một miếng lụa ra và cẩn thận, tỉ mỉ lau lưỡi đao phát ra ánh bạc sáng ngời. Ông chăm chú, nhẹ nhàng, từ tốn lau lưỡi đao như sợ nó bị đau hay bị sứt mẻ. Mỗi lần lau đến một nơi bị mẻ hay vết trầy trên lưỡi đao ánh mắt của ông lại mơ mộng xa vời như nhớ lại kỷ niệm còn in dấu. Mỗi một dấu là một chiến tích của trận đánh vô cùng cam go mà thanh Hắc Minh Đao và người chủ đều là kẻ thắng. Sau khi cẩn thận nâng niu lau lưỡi đao xong, người chủ chép miệng:

‒ Nước đã sôi, ta mời mi một chung trà sen.

Nói rồi ông cầm cầm siêu nước châm vào bình trà. Như để chờ trà ra cho đúng mùi vị, người đàn ông chuyển thanh đao sang tay phải, đứng bái tổ và múa lại một bài đao pháp. Trong gian nhà chật hẹp đó, ông múa bài đao rất chậm và hời hợt. Đã thế ông cứ luôn phải sửa lại tư thế cùng vị trí nên rất khó biết được bài đao ấy nông sâu thế nào.

Đang mải mê múa đao bỗng nhiên ông ta nghe một tiếng đùng. Khẽ cau mày, ông lắc nhẹ mình là nguyên cả thân hình khá to lớn của ông đã đứng ngoài sân trước. Từ nơi ông đứng nhìn chênh chếch về hướng nam có một quả cầu đang cháy đỏ rực. Vừa ngạc nhiên vừa lo sợ, ông đoán biết việc gì đã xảy ra. Mặc dù võ lâm ở trong thời kỳ thái bình đã ba mươi năm nay nhưng thầm kín bên trong ai cũng nơm nớp lo sợ cơn phong ba sẽ bùng dậy. Mặc dù ông xuất đạo mới trên hai mươi năm nhưng cơ nguy của võ lâm lẽ nào lại không nhận thức được. Cuối cùng thì nó cũng đến.

Tiếng trống báo động ở cổng bắc, đông và tây rúng động cả màn đêm hối thúc ông phải tức khắc tìm hiểu tình hình. Ông vội trở vào căn nhà tranh lấy nước dập tắt lò lửa, uống vội hai chén trà rồi trở ra ngoài. Thanh Hắc Minh Đao đã được đeo bên hông tự lúc nào.

Hai bên đường đuốc được thắp sáng, cờ xí bay rợp trời. Ông theo con đường chính đi về hướng bắc. Càng đến gần cổng tiếng võ khí va chạm càng rõ, âm thanh nghe đến rát da bỏng thịt. Một người từ phía xa chạy lại, tiếng nói mừng rỡ:

‒ Đường Chủ đã đến. Tả Phó Đường Chủ đang chống nhau với một nhóm người bí mật. Hữu Phó Đường Chủ đang điều động các huynh đệ trên dưới bảo vệ và quan sát các nơi trong Giảng Văn Đường. Hữu Phó Đường Chủ muốn gặp Đường Chủ.

Người đàn ông trung niên gật đầu:

‒ Mau dẫn ta đến gặp Tự Kinh.

Hai người dùng khinh công đến khoảng trống ở gần cổng. Bên ngoài vẫn ồ ạt tấn công vào, số người nhiều ít ra sao chưa rõ. Bên phải cánh cổng cắm lá cờ đề chữ Giảng Văn Đường ‒ Đông A Môn Phái. Bên trái cánh cổng là lá cờ Tế Tác Đường ‒ Giao Long Bang. Giảng Văn Đường do phái Đông A đảm trách ở thôn Thượng Đông và Tế Tác Đường do Giao Long Bang cai quản ở thôn Thượng Tây có nhiệm vụ canh giữ cổng bắc Long Võ Trang. Hai người đến khu tập trung của phái Đông A thì một thiếu niên tuổi mới mười bảy nhưng thân thể khôi vĩ đón tiếp. Hai mắt vị thiếu niên ấy sáng như sao trời. Trên mình mặc áo giáp, tay cầm thanh giáo, mặt đẹp ngọc, khí vũ hiên ngang ngạo nghễ. Thiếu niên quỳ xuống:

‒ Tả Phó Đường Chủ Trần Tự Kinh kính cẩn chào Đường Chủ Sư Thúc.

Người đàn ông đỡ vị thiếu niên đứng lên:

‒ Hiền điệt không cần đa lễ. Nhờ sư điệt tóm tắt tình hình.

Trần Tự Kinh đứng lên, mắt nhìn ra cổng:

‒ Đang đêm có một số người thần bí phóng lửa và tấn công vào. May là trời mới mưa nên hỏa công không hiệu nghiệm. Hiện tại cháu chưa biết đối phương là ai, tấn công vào đây có mục đích gì.

‒ Có thấy Trần Triệu Đường Chủ của Giao Long Bang không?

Ông vừa hỏi vừa nhìn qua phía Tế Tác Đường. Trần Tự Kinh lắc đầu:

‒ Từ chiều đến giờ sư điệt không thấy Trần Triệu Đường Chủ đâu cả. Chỉ thấy hai người phó đường chủ của họ là Triệu Hòa Vinh và Đinh Văn Tú chỉ huy thuộc hạ chống trả.

Đến lúc đó thuộc hạ chạy đến báo:

‒ Báo cáo Đường Chủ và Phó Đường Chủ rõ. Hữu Phó Đường Chủ chạm phải cao thủ, hai bên đang giao tranh ác liệt bên ngoài cổng.

Người đàn ông khẽ giật mình:

‒ Sự việc là sao?

‒ Dạ bẩm Hữu Phó Đường chủ điều động thuộc hạ chống trả thì nghe bên giặc có người chê bai võ công phái Đông A nhà ta không bằng một nửa của mèo quào chó gặm. Hữu Phó Đường Chủ tức giận xông vào tấn công và hai bên đã qua lại ít nhất phải trăm chiêu mà vẫn chưa phân hơn kém.

Hữu phó đường chủ của Giảng Văn Đường là một cao đồ của phái Đông A, nay gặp kình địch khiến Giảng Văn Đường Chủ cảm thấy lo ngại trong lòng. Trần Tự Kinh nghe thuộc hạ báo liền lớn tiếng ra lệnh:

‒ Trong này đã có Đường Chủ Sư Thúc chủ đạo. Đội 6, đội 7, đội 8 theo ta ra ngoài đuổi giặc.

Thuộc hạ Giảng Văn Đường dạ ran. Trần Tự Kinh cầm thanh giáo dài tám thước nhẹ nhàng phóng lên mình ngựa dẫn thuộc hạ xông ra ngoài cổng. Giảng Văn Đường Chủ nhìn theo bóng lưng của người cháu mà khẽ thở dài. Tuổi trẻ cương cường hiếu chiến, ông từng trải qua giai đoạn đó nên hiểu rõ và thông cảm. Một phần cũng là do ông biết rõ được tài sức của Trần Tự Kinh. Đời thứ ba của phái Đông A nhất định không thua kém với thế hệ cha, ông.

Trần Tự Kinh phi ngựa ra ngoài cổng bắc, dáo dác nhìn xung quanh để nhận định tình hình. Phía xa xa hữu phó đường chủ Trần Tự Khương đang dùng hết sức lực bình sinh để chống trả với kiếm pháp phi phàm của một người bịt mặt. Trần Tự Kinh chỉ huy thuộc hạ dàn trận thì có một tiếng nói lanh lảnh vang lên:

‒ Mi ỷ ngồi trên mình ngựa để chiếm lợi thế. Mi có dám xuống đất song đấu hay không?

Trần Tự Kinh quắc mắt nhìn một người bịt mặt vừa thách thức mình nhưng vẫn giữ đủ lễ nên cung tay:

‒ Trần Tự Kinh, cháu đích tôn đời thứ ba phái Đông A, không đánh nhau với kẻ vô danh, hơn nữa là đàn bà con gái. Ta muốn nói chuyện với chủ tướng của ngươi.

‒ Thì ra đây là Thần Giáo Trần Tự Kinh, con trai trưởng của chưởng môn phái Đông A Trần Tự Quang. Tài nghệ cao thấp so nhau là biết, cần gì biết đến tên họ, trai gái?

‒ Mi nói rất hay nhưng ta không muốn hơn kém với người vô danh vì có thắng cũng không vinh.

Người kia chỉ tay về phía Trần Tự Khương:

‒ Sớm muộn chú ngươi Trần Tự Khương sẽ bị phơi thây ở đó mà vinh với nhục.

‒ Nếu vậy mỗ sẽ tế sống các ngươi trước mộ của chú Út.

Từ trên mình ngựa Trần Tự Kinh phóng người tới đâm thẳng mũi giáo vào cổ đối phương. Tuy chiêu thức không cầu kỳ nhưng tốc độ nhanh không thể tưởng được. Trần Tự Kinh sử dụng môn giáo pháp lẫy lừng của phái Đông A tên là Đông A Di Giáo. Như tên gọi, giáo pháp lấy sự nhanh nhẹn và biến đổi làm căn bản. Chiêu thứ nhất Trần Tự Kinh có tên Tâm Khai Đốn Giáo, từ chiêu thức lẫn nội công đều có mục đích tấn công vào tâm đối phương để cho đối phương lâm vào cảnh rối trí. Tuy Trần Tự Kinh còn trẻ tuổi nhưng môn giáo pháp này hắn đã luyện đến nơi thâm ảo ít người bì kịp. Mới chiêu đầu tiên mà hắn đã làm cho đối phương phải sợ uy.

Người bịt mặt cũng phải ngạc nhiên và nhanh chân rút lui. Tay phải người ấy rung lên, một đóa hoa kiếm nở ra ngàn cánh bao trọn lấy mũi giáo của Trần Tự Kinh. Thấy chiêu kiếm vừa đẹp mắt vừa hung hiểm, Trần Tự Kinh không thể không thán phục đối phương. Hắn điểm chân xuống đất để trụ người lại rồi vung cả cây giáo lên. Khí lạnh từ mũi giáo lan tỏa một vùng rộng lớn. Chiêu thứ hai tên Tâm Chính Tiệm Giáo được phát huy.

Kiếm là loại binh khí ngắn nên có sở trường về sự hoa mỹ và linh hoạt. Giáo là vũ khí giao tranh trên mình ngựa nên dài và chủ về sức mạnh cùng độ sát thương rất cao. Những người nào có thể sử dụng giáo một cách nhẹ nhàng linh hoạt thì đó là một đối thủ rất đáng sợ vì sở đoản của giáo không còn. Người bịt mặt những tưởng chiêu kiếm của mình sẽ làm rối loạn giáo pháp của Trần Tự Kinh, nhưng không ngờ Trần Tự Kinh ngang nhiên chống trả.

‒ Giáo pháp tuyệt diệu. Con trai của chưởng môn, cháu đích tôn của dòng họ Đông A có khác.

‒ Kiếm pháp tuyệt diệu. Người nào dám đánh vào Long Võ Trang ngoài gan hùm mật gấu đã ăn, tài nghệ phải có chỗ hơn người.

Trần Tự Kinh quét ngọn giáo lên một vòng rồi quất mạnh xuống. Không những cỏ cây hoa lá mà cho đến những người gần đấy cũng bị khí lực của hắn đánh dạt ra xa. Người bịt mặt không dám trực diện đón đỡ mà phải né qua một bên rồi trả lại bằng một chiêu kiếm vô cùng lăng lệ. Nhiều đường kiếm tỏa ra để bao vây lấy Trần Tự Kinh vào trong. Nhưng cây giáo trong tay hắn vẫn kiên cường bất khuất. Một trận thư hùng diễn ra ngoài cổng bắc Long Võ Trang.

Trong lúc ấy, Giảng Văn Đường Chủ vừa đốc thúc thuộc hạ vừa quan sát Tế Tác Đường mà không khỏi thán phục. Thuộc hạ Giao Long Bang tiến thoái rất nhịp nhàng và có thứ tự, chứng tỏ họ được huấn luyện rất kỹ càng. Cũng như phái Đông A ban nãy, đường chủ Tế Tác Đường không có mặt nhưng thuộc hạ không hề nao núng dưới sự chỉ huy của hai người phó đường chủ. Họ công tấn công hay phòng thủ đều nghiêm ngặt và có quy củ. Chỉ là thuộc hạ Giao Long Bang luôn miệng mạ lỵ kẻ giặc bằng những lời lẽ nặng nề nhất không chút e dè. Họ không được lễ nghĩa văn vẻ như đệ tử phái Đông A. Một người thanh niên từ Long Đình Lâu đến báo:

‒ Trình Giảng Văn Đường Chủ, Long Võ Trang có biến.

‒ Cái đó bản tòa cũng nhận thấy ra.

Thấy cung cách trả lời của vị đường chủ, người thanh niên cảm thấy xấu hổ. Rõ ràng như thế không cần phải nói ai ai cũng biết. Người thanh niên tiếp:

‒ Tổng Đường Chủ sai tiểu nhân kính mời Đường Chủ đến Trung Đường hội họp khẩn cấp để giải quyết chuyện vừa mới xảy ra. Tổng Đường Chủ và các vị Đường Chủ khác đang chờ.

Trong lòng Giảng Văn Đường Chủ có chút phân vân. Ông đi rồi không ai điều động thuộc hạ phái Đông A. Nhưng lệnh của tổng đường chủ truyền đến ông không thể không thi hành. Ông ngẫm nghĩ một lát, phân phó vài việc quan trọng rồi trả lời:

‒ Được rồi, ngươi dẫn đường đi.

‒ Tiểu nhân xin tuân lệnh.

Cả hai cùng dùng khinh công tiến về phía Trung Đường đặt tại chính giữa Long Võ Trang. Nhưng mới đi được vài bước thì cổng đông, tây và bắc đều bắn lên thêm một loạt pháo lệnh. Tiếng đánh nhau, tiếng người la hét, tiếng ngựa hí cùng tiếng trống trận hòa tấu thành một giai điệu bi hùng rền vang mặt đất. Đường chủ Giảng Văn Đường e ngại dừng lại hỏi người thanh niên:

‒ Bản nhân có nhất định phải đến họp hay không? Tình trạng này bản nhân không nên vắng mặt tại cổng bắc.

Người thanh niên trình bầy:

‒ Mệnh lệnh của Tổng Đường Chủ rất cương quyết và rõ ràng, tiểu nhân không dám làm trái.

‒ Tổng Đường Chủ gọi hết tất cả các đường chủ hay sao? Có kêu gọi phó đường chủ hay không?

‒ Dạ, tiểu nhân chỉ nghe nói là mời tất cả các vị Đường Chủ. Chắc là các vị phó đường chủ phải ở lại, không được gọi đến.

Đường chủ Giảng Văn Đường khẽ cau mày, do dự một chút rồi gật đầu:

‒ Vậy cũng được! Bản nhân hy vọng các vị phó đường đủ sức đối trận. Xem ra đông, tây, nam, bắc đều có người lớn mật dám xâm lấn tất họ có chuẩn bị trước. Không khéo điều binh chỉ huy, ta rất có thể bị bại.

Người thanh niên dẫn đường nghe đường chủ Giảng Văn Đường nói vậy không khỏi sợ run lên, ra sức chạy nhanh về phía Trung Đường. Hai người đi thẳng từ cổng bắc Long Võ Trang đến cổng bắc của một tiểu thành. Tường thành cao khoảng hai trượng, dầy khoảng nửa trượng. Bên trên mặt thành đã có trang đinh đứng canh gác, vũ khí lăm lăm trong tay, khí thế rất hùng tráng. Người thanh niên dừng lại nói:

‒ Mời Đường Chủ vào trong Minh Chủ Thành, tiểu nhân còn trọng trách trên người, không thể đưa Đường Chủ đi tiếp.

‒ Được rồi, việc ở đây coi như xong, ngươi cứ lo cho nhiệm vụ của ngươi.

‒ Tiểu nhân xin tuân lệnh.

Trong khi hai người đang nói chuyện thì hữu phó đường chủ của Giao Long Bang là Đinh Văn Tú dáng người nho nhã cũng vừa đến. Đinh Văn Tú cung tay:

‒ Kính chào Giảng Văn Đường Chủ. Sự việc cấp bách quá tại hạ phải đích thân đến Minh Chủ Thành để xin gặp Tế Tác Đường Chủ. Chắc là Đường Chủ cũng vào Long Đình Lâu?

Giảng Văn Đường Chủ chỉ kịp gật đầu thì phía sau có tiếng kêu vọng lại:

‒ Xin Phó Đường Chủ dừng chân. Triệu Phó Đường Chủ kêu Phó Đường Chủ trở về vì sự việc cấp bách.

Đinh Văn Tú hết sức ngạc nhiên:

‒ Sự việc cấp bách gì? Ban nãy chính ta nói với Triệu đại ca là đến Long Đình Lâu gặp Bang Chủ để xin lệnh. Ta chưa gặp được Bang Chủ mà.

Người thuộc hạ ấp úng:

‒ Chính Triệu Phó Đường Chủ ra lệnh cho thuộc hạ gọi Phó Đường Chủ về và căn dặn rằng kế hoạch ban nãy gọi Khánh Thịnh về trợ chiến đã thay đổi.

‒ Thay đổi làm sao?

‒ Thuộc hạ không rõ vì Triệu Phó Đường Chủ không nói vì sự việc gấp quá.

Đinh Văn Tú còn đang phân vân lại nghe tiếng người réo gọi, lần này từ trong Minh Chủ Thành vọng ra:

‒ Có phải Hữu Phó Đường Chủ của Tế Tác Đường là Đinh Văn Tú đó không?

‒ Là ta đây.

Người kia đến gần trình quân lệnh từ Long Đình Lâu:

‒ Tổng Đường có lệnh. Tế Tác Đường chia quân ra làm hai. Hữu đạo ở lại giữ cổng bắc, tả đạo viện trợ cho cổng tây.

Người ấy nhìn thấy Giảng Văn Đường Chủ nên nói luôn:

‒ Lệnh cho Giảng Văn Đường cũng tương tự Tế Tác Đường. Hữu đạo ở lại giữ cổng bắc, tả đạo viện trợ cho cổng đông. Tiểu nhân trình cho Đường Chủ rõ thế thôi, bây giờ sẽ đem lệnh đến cổng bắc.

Đinh Văn Tú quay trở về Tế Tác Đường nhưng trong lòng hậm hực. Giảng Văn Đường Chủ thấy mọi chuyện hỗn loạn lên hết nên không nói gì, hướng Long Đình Lâu mà cất bước. Lúc đó lại có thêm một người thuộc hạ khác của Giao Long Bang đến báo:

‒ Thưa Đinh Phó Đường Chủ, Triệu Phó Đường Chủ nhận được tin Khánh Thịnh lẫn Khánh An đều có người đến tập kích. Hai bên đang giao tranh kịch liệt. Hiện thời chưa biết kẻ địch là ai.

Đinh Văn Tú rúng động trong lòng. Khánh Thịnh trên sông Vạc và Khánh An trên sông Đáy là hai bến đò vô cùng quan trọng của Giao Long Bang. Bây giờ Giao Long Bang bị tập kích ba nơi mà bang chủ không có mặt để điều động nhân sự. Hắn trở nên cương quyết:

‒ Trường hợp không có mặt Bang Chủ, Triệu đại ca có thể tạm thời thay thế.

Đinh Văn Tú cùng mấy người thuộc hạ quay trở lại cổng bắc Long Võ Trang. Sau khi nghe lệnh, Triệu Hòa Vinh hỏi:

‒ Tú đệ có kịp gặp Bang Chủ không?

Tú lắc đầu hậm hực:

‒ Hoàn toàn không kịp.

Triệu Hòa Vinh khẽ lắc đầu:

‒ Như thế không sao.

‒ Tiểu đệ lo cho Khánh Thịnh và Khánh An quá. Nhất là Khánh An vì ở đấy có mỗi Uyên Linh e rằng không đủ sức chống trả. Bác Trương Quân và Trương Nghị đều không biết võ công.

Triệu Hòa Vinh vỗ về:

‒ So với hai nơi ấy, Long Võ Trang quan trọng hơn. Ta đoán hai nơi đó chỉ là hư binh thôi. Nếu là hư binh, Trương Quân và Giang Linh đủ sức đối phó. Nhưng nếu lỡ có bề gì không giữ được ta đã ra lệnh cho hai nơi đó rút về đây để bảo toàn lực lượng và nhân mạng.

‒ Cứ theo ý của đại ca. Nếu là Bang Chủ, đệ nghĩ, Bang Chủ cũng sẽ quyết định như thế.

‒ Nhưng mà cái lão Tạ Đức Uy suy nghĩ sao rồi. Mệnh lệnh không rõ ràng, khi này khi khác rồi bây giờ bảo chúng ta chia quân ra làm hai để cứu viện phía tây là làm sao. Xem pháo lệnh phía tây cũng bị tấn công mạnh nhưng đâu có gặp nguy mà bảo cứu viện?

Đinh Văn Tú nhìn pháo lệnh:

‒ Họ không gặp nguy kịch hơn chúng ta, tiểu đệ nghĩ rằng Pháp Hình Đường và Hoằng Giáo Đường dư sức giữ cổng tây. Cổng tây bắc không bị tấn công, chúng ta phòng thủ như vậy là được. Tạm thời cứ phòng thủ đợi trời sáng sẽ phản công. Việc gì phải chạy đông chạy tây trong đêm tối khi ta không biết địch là ai và có mục đích gì.

‒ Thì đó. Ta muốn điên đầu với lão họ Tạ. Lão muốn dùng sức mạnh đánh lớn và thắng triệt để nhưng ta e lúc này không phải cách hay.

‒ Theo kiến giải của đại ca là…

‒ Ta đoán Tạ Tổng Đường muốn chúng ta tăng viện cổng tây để nhanh chóng đánh tan quân giặc rồi vòng lên đánh ép vào cổng bắc. Tú đệ ở lại đây, chỉ đánh cầm chừng là được. Ta đích thân dẫn tả đạo đi sang cổng tây.

Nói về Giảng Văn Đường Chủ gấp rút nên vượt nhanh qua cửa bắc vào Minh Chủ Thành trên con đường được lát bằng những tấm đá xanh. Những tấm đá vuông vức, bằng phẳng và khít khao như để bày tỏ chí khí của một vị đứng đầu cả võ lâm Trời Nam: luôn luôn ngay hàng thẳng lối, không chao đảo chênh vênh. Uy quyền, cứng rắn, chính đạo và quân tử.

Con đường dẫn đến một cái ao nước lớn tên Ao Long Quân thì rẽ làm hai lối đông tây. Sau cái ao là ngôi đình Kim Âu hùng vĩ gồm chín gian, hai chái, mái ngói âm dương hai tầng và có ba bậc đá đi lên. Giảng Văn Đường Chủ theo hướng đông rồi vòng xuống phía nam. Ở bên trái đường đi là Long Võ Đường có nhiều dẫy nhà nhiều tầng với tường bao bọc xung quanh.

Đi hết khu Long Võ Đường, đi ngang qua cổng đông Minh Chủ Thành rồi rẽ sang hướng tây để đến cổng chính và duy nhất của Long Đình Lâu nhìn về hướng nam. Hai bên đường đi của Minh Chủ Thành nhiều vườn hoa được trồng và chăm sóc rất cẩn thận.

Trước cổng tam quan của Long Đình Lâu là một cái hồ hình tròn với đường kính năm trượng. Giữa hồ một hòn non bộ có đáy vuông vức được đắp bằng những phiến đá vôi, đá xanh và đá hoa cương cao hơn một trượng ngạo nghễ soi bóng trong nước. Những ngôi nhà nho nhỏ dưới chân núi; những chiếc cầu xinh xinh bắt qua khe suối ngoằn ngoèo; những bậc thang cheo leo ôm vách đá thẳng tắp tạo cho hòn non bộ một khung cảnh vừa hùng vĩ vừa tiêu dao. Tô điểm cho cảnh thần tiên do người tạo ra ấy thêm sắc hương là nhiều loại hoa thảo danh tiếng khắp Đại Việt được trồng. Đỉnh hòn non bộ có khói nghi ngút bay ra giống như là mây bay là là trên đỉnh núi. Giang sơn của bậc tài trí trong thiên hạ dưới đêm trăng không khác gì cảnh tiên, đất Phật. Thanh tịnh, u nhã, thơ mộng. Mặt nước lăn tăn in hình muôn hoa phản chiếu ánh trăng tạo thành tấm ảnh vừa hư vừa thực, mộng ảo u huyền.

Trong cổng Long Đình Lâu là một cái sân rộng với ba dãy nhà với những mái ngói có đầu đao cong vút tuyệt đẹp. Dãy nhà bên phải có tên Uy Long Các. Dẫy nhà bên trái có tên Lạc Tiên Cư. Giảng Văn Đường Chủ đi thẳng vào dãy nhà ở giữa có tấm biển sơn son thếp vàng với ba chữ lớn và hoa lệ: Quang Minh Đường. Giảng Văn Đường Chủ còn cách cửa chính của Quang Minh Đường khá xa mà đã nghe tiếng quát tháo ầm ỹ bên trong vọng ra:

‒ Bọn đó là bọn nào mà dám cả gan xâm phạm cõi bờ của bậc chí tôn trong võ lâm? Bọn nó chán sống rồi chắc? Người đâu, mau truyền lệnh ba cổng đông, tây và bắc mỗi nơi hai đạo, mỗi đạo gồm tả hữu dốc toàn lực truy sát, không chừa một ai.

‒ Dạ

‒ Ngoài ra truyền tả hữu đạo Hạ Tây đừng tiến về cổng tây; tả hữu đạo Hạ Đông đừng tiến về cổng đông. Tất cả hai đạo đó sẽ về Minh Chủ Thành làm trừ bị, chuẩn bị tiếp ứng cho ba cổng kia.

‒ Tuân lệnh!

‒ Hãy tận lực thi hành, thẳng tay truy sát không chừa một ai. Đây sẽ là cái gương sáng cho những kẻ ăn gan hùm mật gấu dám đến quấy rối Long Võ Trang! Hừ!

‒ Tuân lệnh!

Có tiếng một cô gái thánh thót vang lên:

‒ Mẹ, đánh nhau kiểu này tôi đề nghị chúng ta nắm váy ôm nhau chết chùm…

Tiếng người ban nãy mắng lớn:

‒ Mi dám nói chuyện xấc mé khinh miệt bản tòa vô năng vậy hử Trần Triệu Quốc Nguyệt? Lão phu dụng binh cả đời lẽ nào tài không bằng một đứa con gái mới trên 20 tuổi như mi? Mi đừng có hỗn trước mặt người lớn. Mi hãy ngồi yên đó xem lão phu điều binh dẹp loạn.

‒ Váy tôi vẫn nắm, nãy giờ ngồi yên nghĩ cách làm sao chết cho đẹp mắt đây.

‒ Câm cái mõm thối tha của mi lại cho lão phu.

Một giọng nói khác nhẹ nhàng, trìu mến:

‒ Nam mô Phật. Bần ni xin Tế Tác Đường Chủ hãy bớt lời. Châm chích Tổng Đường Chủ trong lúc này thật sự không nên.

‒ Dạ, tôi xin nghe lời sư bà.

Ở bên ngoài nghe lệnh được ban ra cùng những lời đôi co giữa Tạ Tổng Đường và Tế Tác Đường Chủ mà Giảng Văn Đường Chủ cảm thấy thất kinh. Kịp lúc đó thấy hai người từ bên trong chạy ra, Giảng Văn Đường Chủ vội ra lệnh:

‒ Khoan đã!

Hai người kia tuổi trên dưới hai mươi lập tức đứng lại, vô cùng ngạc nhiên. Giảng Văn Đường Chủ nói tiếp:

‒ Hai ngươi theo bản nhân trở vào trong nhận lệnh mới.

Hai người kia đành phải nhận lệnh mặc dù trên nét mặt lộ ra vẻ vô cùng miễn cưỡng. Bên trong Quang Minh Đường lại có tiếng hỏi lớn:

‒ Trần Triệu Quốc Nguyệt nghe lão phu hỏi! Thân mi là đường chủ Tế Tác Đường, có trách nhiệm theo dõi tất cả những diễn biến của võ lâm. Vậy chứ cái bọn bán trời không văn tự kia là ai mi có biết chăng?

‒ Tin tức mọi nơi vẫn gởi về đều đặn, tuy nhiên không hề thấy có báo cáo nào nhắc đến hoặc nói tới việc có người muốn đột nhập Long Võ Trang.

Chát! Tiếng đập tay xuống bàn kèm theo tiếng quát tháo:

‒ Tầm bậy! Tế Tác Đường làm việc như vậy à? Hôm xưa để mi lên chưởng quản Tế Tác Đường lão phu đã cảm thấy không ổn. Nay mới biết biết là mình đoán không sai. Làm việc như ngươi, không chừng có ngày cả Long Võ Trang bị đốt thành tro cũng không biết tại sao. Mi có bao nhiêu váy cứ việc nắm.

Lại nghe Trần Triệu Quốc Nguyệt lạnh lùng đáp:

‒ Tôi tuy lãnh trọng trách Tế Tác Đường nhưng không hề có quyền hạn ở các phân đàn của Long Võ Trang, lại càng không thể điều khiển các bang phái khác. Chính ông là người giới hạn việc đó vì sợ Tế Tác Đường có quá nhiều quyền lực.

Nàng ngừng lại một chút rồi tiếp:

‒ Giới hạn cũng không sao. Tôi chỉ việc ngồi ở Long Võ Trang nhận tin, phân tích, viết bản phúc trình lên cho ông và Minh Chủ suy xét. Còn bên ngoài làm việc ra sao tôi đâu thể gánh trách nhiệm thay cho những người không phải là người trực thuộc.

‒ Nói vậy là mi vô tội và lão phu đổ oan?

‒ Vậy tôi mang tội gì?

‒ Làm việc bất cẩn, không đủ sức cáng đáng Tế Tác Đường!

‒ Ông… ông nói vậy mà nghe được à?

Giảng Văn Đường Chủ vội đi vào Quang Minh Đường. Quang Minh Đường chia ra làm tiền viện và hậu viện. Tổng thể tiền viện là bảy gian, hai chái, vừa rộng vừa sâu. Trên các bức vách nhiều bức họa cùng thư pháp được treo lên. Gian chính giữa có bàn thờ, có hương án khói nhang nghi ngút. Trước hương án là mười một cái bàn. Một cái bàn đặt giữa hướng ra ngoài cửa chính, dọc hai bên mỗi bên năm cái bàn nhìn đối nhau. Phía bên trong thêm một chút có một bàn rất lớn làm bằng gỗ sưa kết hợp với đá hoa cương nên trông càng cao quý. Hai bên có hai cái bàn nhỏ hơn và được kê thấp hơn. Hiện ba cái bàn này không có người ngồi. Ngoài ra còn có nhiều hàng ghế kê sau hai dãy bàn.

Giảng Văn Đường Chủ khẽ cau mày như không đồng ý một điểm gì đó nhưng rồi lại thôi. Hiện thời ở mười một cái bàn chính đều có người ngồi ngoại trừ ghế của Giảng Văn Đường. Trước hết ngồi bàn giữa là Tổng Đường Chủ Tạ Đức Uy. Râu tóc của Tạ Đức Uy đều hung đỏ. Đôi mắt của ông sáng như phát quang. Mặt đỏ như gấc chín. Thần thái của lão nhân rất hiên ngang và tráng kiện. Nhìn qua nét mặt Giảng Văn Đường Chủ cũng biết lão nhân đang tức giận trong lòng.

Dẫy bàn phía tay trái của Giảng Văn Đường Chủ, ở trong cùng là bàn của Bảo Trang Đường Chủ Phạm Hoàng Sơn tuổi khoảng 54 thuộc phái Tản Viên. Khác với Tạ Đức Uy, Phạm Hoàng Sơn rất an nhàn thư thái. Ông khẽ nhấp nhấp chén trà dường như không màng đến chuyện lớn đang xảy ra.

Sau đó đến bàn của Tế Tác Đường Chủ Trần Triệu Quốc Nguyệt mới 22 tuổi thuộc Giao Long Bang. Tế Tác Đường Chủ là người trẻ tuổi duy nhất có mặt. Nàng nhìn chăm chăm vào Tạ Đức Uy, đôi môi hơi hé một nụ cười hàm ý chế nhạo. Nàng hoàn toàn không xem một người đáng tuổi ông mình ra gì. Trên người nàng vận một bộ y phục màu đen tuyền. Mái tóc đen nhánh của nàng được búi cao giữa đỉnh. Đầu nàng đội một chiếc mão như mào chim công với ba cộng lông dài hơn gang tay được làm bằng đồng đen. Đôi hàng lông mày lưỡi kiếm thanh tú dài quá đôi mắt sáng rực và đoan chính nói lên đây là một cô gái ngay thẳng, nghĩa khí và trí tuệ. Kèm theo nước bánh mật làm nàng thêm nổi bật giữa những người đáng tuổi cha ông vì không những nàng rất xinh đẹp, sang trọng mà còn tỏa ra một cái uy quyền hiếm có.

Kế đến Pháp Hình Đường Chủ là sư bà Mẫn Diệu 68 tuổi thuộc phái Mê Linh. Sư bà cùng với sư ông Huệ Giác 70 tuổi thuộc phái Tiêu Sơn, đường chủ Hoằng Giáo Đường, ngồi nhắm mắt đọc kinh thầm trong miệng, dường như không hề để ý đến những việc xảy ra xung quanh. Ngồi ở bàn ngoài cùng là Luyện Võ Đường Chủ Hồng Sơn Nam 65 tuổi thuộc phái Hồng Lĩnh.

Ở dẫy bàn bên phải, cũng tương tự từ trong cùng tính ra là bàn của Long Võ Đường Chủ Lê Kính Văn 50 tuổi. Ông vận y phục như một ông đồ, dáng người mảnh khảnh và nho nhã. Tay ông luôn phe phẩy chiếc quạt làm bằng mo cau mặc dù vào giữa đêm trời khá lạnh. Ông cau mày lại hết nhìn Tạ Đức Uy rồi nhìn Trần Triệu Quốc Nguyệt vì lúc này hai người đang kình nhau. Bàn kế là của Giảng Văn Đường Chủ hiện đang còn trống. Sau đó đến bàn của Y Dược Đường Chủ Ngô Diệp Thảo 50 tuổi thuộc phái Sài Sơn. Bà là một vị thầy thuốc lừng danh lộ Trường Yên và có đôi bàn tay đẹp mà nhiều cô gái tuổi đôi mươi cũng phải ghen tỵ. Kế nữa là Thần Nông Đường Chủ Nùng Đức Nghĩa 58 tuổi thuộc phái Tây Vu. Khác với sự tươi trẻ và khoan hòa của Y Dược Đường Chủ, khuôn mặt của Nùng Đức Nghĩa khó đăm đăm cứ như khắp thiên hạ không ai đủ tài đức để làm ông vừa lòng. Ở ngoài cùng là Phi Mã Đường Chủ Mai Nhật Sinh 67 tuổi thuộc phái Việt Thành. Hiện tại Mai Nhật Sinh lơ đãng nhìn xung quanh gian phòng, thái độ hết sức dửng dưng. Giảng Văn Đường Chủ đến trước bàn giữa cung tay:

‒ Xin lỗi cho Trần Hải Chí này đến trễ vì mãi lo việc ở cổng bắc. Tại hạ mong Tổng Đường Chủ bỏ qua cho.

Ông nhìn quanh để chào một vòng:

‒ Tại hạ đã làm phiền các vị Đường Chủ phải chờ lâu.

Tổng Đường Chủ Tạ Đức Uy phất tay và trả lời với một giọng nói có phần gay gắt:

‒ Không sao, mời Đường Chủ ngồi.

‒ Đa tạ Tổng Đường Chủ.

Tạ Đức Uy nhìn ra ngoài, thấy hai gã nhận lệnh hồi nãy đã trở lại liền mắng:

‒ Hai tên khốn kia. Cứu binh như cứu lửa, hai ngươi còn chần chờ gì nữa mà không mau cút?

Giảng Văn Đường Chủ chưa kịp ngồi xuống vội lên tiếng can:

‒ Đó là do tại hạ kêu họ trở lại vì…

Lão nhân đập tay xuống bàn, quát tháo:

‒ Cái gì? Giảng Văn Đường Chủ làm tổng đường chủ hồi nào mà dám kháng lệnh của bản tòa? Hai tên kia, mau cút!

Giảng Văn Đường Chủ với bộ quần áo màu đen đã bạc màu điềm đạm thốt:

‒ Địch nhiều hay ít, địch mạnh hay yếu chúng ta đều không biết. Hiện địch trong tối, ta ở ngoài sáng, mặc dù là đất nhà nhưng ta đã mất đi phần địa lợi. Địch lợi dụng đêm mưa gió tấn công; chúng ta vẫn chưa biết rõ mục đích, rõ ràng ta đã mất luôn yếu tố thiên thuận. Bị bất thần công kích giữa đêm khuya, người của ta tuy được huấn luyện kỹ nhưng lâm…

Tổng đường chủ cắt ngang:

‒ Mi nói cái gì? Ý của mi là bản tòa tài trí không bằng mi, không thể liệu địch tất thắng hử?

Hiện giờ hai mắt của tổng đường chủ đã lộ hung quang. Khuôn mặt của lão đỏ hơn gấc chín lại càng đỏ thêm mấy phần. Cứ mỗi chữ lão đập tay lên bàn một lần. Cũng may đó là bàn làm bằng đá hoa cương rất dày, rất cứng. Nếu làm bằng gỗ thì không biết bao nhiêu cái bàn đã bị đánh vỡ nát. Biết vị thượng cấp của mình tính nóng như lửa lại cương trực nên đường chủ Giảng Văn Đường phải đấu dịu:

‒ Ý tại hạ không phải thế.

‒ Vậy ý nhà ngươi sao?

‒ Ý của tại hạ là chúng ta khoan vội điều binh. Địch đã đến tấn công sao ta không dụ bọn chúng xuất hiện hết rồi một lưới bắt trọn? Bây giờ tìm chúng đuổi giết chắc gì đã thành công mà chúng ta phí sức không ít.

Nghe lời nói hữu lý, sắc mặt tổng đường chủ hòa hoãn lại rất nhiều. Sư bà Mẫn Diệu từ từ mở đôi mắt ra và thốt:

‒ Lời nói của Giảng Văn Đường Chủ không phải không có lý, bần ni mong Tổng Đường Chủ để tâm.

Quay sang Giảng Văn Đường Chủ, sư bà nói thêm:

‒ Xin Giảng Văn Đường Chủ nói rõ hơn.

Giảng Văn Đường Chủ cung tay:

‒ Cám ơn sư bà, tại hạ không dám. Theo ý kiến của tại hạ là địch chọn đêm khuya tấn công tất nhiên muốn ẩn mình trong bóng tối cố ý gây hoang mang cho chúng ta. Theo binh pháp một người giữ thành năm người khó đánh. Chúng ta cứ giữ vững các cổng trang đợi trời sáng thì dù muốn dù không địch cũng phải lộ diện. Nhưng tại hạ e là đã quá muộn.

Sư bà ngạc nhiên:

‒ Tại sao Đường Chủ lại nói như vậy?

‒ Tại hạ cứ nơm nớp lo sợ cho cổng nam. Tại sao ba cổng kia đều có pháo lệnh liên hồi còn cổng nam chỉ có một cái rồi thôi?

Tạ Đức Uy khoát tay tỏ ý tự tin:

‒ Đó là hư kế dụ địch của giặc. Ba cổng kia mới thực.

Giảng Văn Đường Chủ lắc đầu:

‒ Tại hạ cho là rất có thể ngược lại.

‒ Sao Đường Chủ lại nói vậy?

‒ Phóng mắt nhìn khắp thiên hạ, muốn tấn công ba hay bốn mặt vào Long Võ Trang cùng một lúc, không một bang phái nào đủ sức làm chuyện đó. Chỉ có Thiên Tử Binh (1) của triều đình mới đủ quân. Nhưng họ Lý xuất thân từ phái Tiêu Sơn, dùng võ lâm làm căn bản để trị dân. Thiên Phù Duệ Võ Hoàng Đế (2) là một vị minh quân, Ngài chẳng có lý do gì càn quét võ lâm. Trong khi đó Minh Chủ lại là hậu duệ của khai quốc công thần.

‒ Ý của Đường Chủ là…

‒ Ý của tại hạ là cổng nam mới là chủ lực của địch, ba cổng kia chỉ là hư binh, dùng kế phân tán lực lượng của ta để tiện bề đột nhập vào một nơi.

Tạ Đức Uy tay đập mạnh xuống bàn:

‒ Chết rồi! Cổng nam bỏ ngõ, nói không chừng đó là mũi dùi chính của địch.

Trần Triệu Quốc Nguyệt hừ nhẹ, cười nửa miệng và nói kháy:

‒ Thì chết chứ sống sao được, tôi đã bảo…

Tạ Đức Uy nổi giận:

‒ Mi… Mi… sao mi cứ muốn chọc tức chết lão phu mới được vậy hử? Mi câm cái mõm thối của mi giùm cho lão phu. Trời ơi tức ơi là tức! Giận ơi là giận!

Tất cả những người xung quanh đều thở dài ngao ngán. Tạ Đức Uy thở phò phò một lúc rồi ra lệnh:

‒ Người đâu, mau ra lệnh cho tả hữu của hai đạo Hạ Đông và Hạ Tây trở về trấn cổng nam.

Giảng Văn Đường Chủ can:

‒ Phép dụng binh mệnh lệnh phải rõ rệt thì tướng soái trận tiền mới biết đường hành xử. Kỵ nhất là tiền hậu bất nhất. Theo tại hạ nghĩ, nếu đó là mục đích của địch thì ta tương kế tựu kế.

Tạ Đức Uy vỗ bàn khen ầm:

‒ Hay, hay quá. Ta cứ bỏ trống cổng nam cho địch lọt vào, sau đó sẽ dùng hai đạo kia chận cổng nam lại rồi bao vây. Địch sẽ bị tiêu diệt tại Minh Chủ Thành.

Trần Triệu Quốc Nguyệt gật đầu tán thành:

‒ Kế này tạm hay.

‒ Lại nữa… lại nữa…

Giảng Văn Đường Chủ Trần Hải Chí nói thêm:

‒ Tại hạ cũng có…

Nói đến đó thì bên ngoài có trống trận thúc đùng đùng, tiếng quân reo, tiếng la ó vang dội. Có người vào báo:

‒ Trình Tổng Đường Chủ và các vị Đường Chủ rõ: bên ngoài có một đám người mình mặc toàn đồ đen, che mặt cũng màu đen từ phía nam đánh vào Minh Chủ Thành.

Người ấy báo xong chưa kịp lui ra thì có thêm một người vào báo:

‒ Trình Tổng Đường Chủ và các vị Đường Chủ rõ: đám người lạ mặt tấn công vào cửa nam rất gắt. Hai vị phó đường chủ của Bảo Trang Đường và hai vị phó đường chủ của Long Võ Đường đang ra sức chống giữ.

Lại có người vô báo:

‒ Trình Tổng Đường Chủ và các vị Đường Chủ rõ: hai vị phó đường chủ của Bảo Trang Đường đã bị trọng thương. Tả hữu hai đạo của Bảo Trang Đường đang được hai vị phó đường chủ của Long Võ Đường tòng quyền tạm thời chỉ huy. Hai vị ấy gởi lời xin tạ tội đến Tổng Đường Chủ và Bảo Trang Đường Chủ.

Tạ Đức Uy trả lời:

‒ Được rồi, các ngươi cứ lui ra.

Sư ông Huệ Giác lên tiếng than:

‒ Nam mô Bụt Thích Ca Mâu Ni. Không ngờ hôm nay võ lâm lại nổi lên một trận sát nghiệp, gió tanh mưa máu. Nghe báo cáo xem ra lực lượng của những người này thật không nhỏ. Không lẽ họ đến đây là vì người đó? Nam mô Bụt Thích Ca Mâu Ni.

Vị sư có hàm râu dài đến ngực trắng như vôi và nét mặt hiền từ hòa ái. Ông khẽ nhắm mắt lại như là không muốn nhìn thấy những chuyện đau khổ của chúng sinh. Tuy vị sư già không nói “người đó” là người nào nhưng tất cả những người hiện diện đều ngầm hiểu là ai và chuyện gì sắp sửa xảy ra. Tất cả ngầm kêu khổ. Tạ Đức Uy ra lệnh:

‒ Báo cho tả hữu Phi Mã Đường và Luyện Võ Đường bằng mọi giá phải làm chủ cổng nam sau đó tiến về Minh Chủ Thành. Ba cổng kia phải về Minh Chủ Thành ngay để đối địch.

Ba người báo cáo tình hình khi nãy nhận mệnh lệnh đi ra. Tạ Đức Uy nói thêm:

‒ Ở đây không được nữa rồi. Chúng ta phải ra hậu viện để tiện bề bàn định kế sách bày binh bố trận.

Lão vừa nói đến đó thì có tiếng hô:

‒ Long Võ Minh Chủ đến!

Tất cả mười một người hiện có mặt đều đứng lên cung tay:

‒ Xin tham kiến Minh Chủ.

Một người mày rậm mắt sáng, tuổi khoảng sáu mươi nhưng râu tóc chưa bạc, khí vũ hiên ngang bước vào. Trên người ông mặc một bộ giáp trụ màu bạc với những đường vân thếp vàng sáng ngời. Sau lưng choàng một miếng lụa màu vàng nhạt. Bên hông đeo một thanh bảo kiếm, cả bao kiếm lẫn chuôi kiếm đều nạm vàng. Hàng mi dài và rậm trên khuôn mặt chữ điền càng toát ra vẻ khoa hòa bệ vệ của kẻ uy quyền. Cử chỉ của Long Võ Minh Chủ Lý Minh Nghĩa nhẹ nhàng và khoan thai. Sự điềm tĩnh của nội tâm hiện ra ở hơi thở nhẹ và đều. Ông không giận nhưng lúc nào cũng toát ra nét uy nghiêm khiến người nhìn vào phải tuân phục.

Đi theo Long Võ Minh Chủ có thêm hai người nữa. Hai người là anh em với nhau, cả hai tuổi đã quá cổ lai hy (trên 70 tuổi) râu tóc bạc phơ. Nhưng bạc phơ làm sao cũng không trắng bằng da mặt nên hai anh em trông có phần quái lạ. Hai người đều có mắt hơi lồi, lúc nào cũng lóng lánh thần quang nên vẫn còn quắc thước, tráng kiện. Người anh tên là Nguyễn Tử Tây, ngoại hiệu là Thiết Trùy vì chuyên xử dụng một cây trùy nặng trên trăm cân. Em tên là Nguyễn Tử Bạch, ngoại hiệu là Đại Kim Đao. Cả hai vốn là gia tướng của Uy Long Minh Chủ Lý Minh Hiệp. Lý Minh Hiệp chết thì hai anh em lại tiếp tục phò tá con. Long Võ Minh Chủ Lý Minh Nghĩa gật đầu đáp lễ với mọi người rồi hỏi Tổng Đường Chủ với một giọng nói trầm hùng:

‒ Tạ Tổng Đường Chủ một phen cực nhọc. Không biết các vị bàn luận kế sách đến đâu rồi?

Tạ Đức Uy nguyên là gia tướng, cung cung kính kính cảm động trả lời:

‒ Đa tạ Minh Chủ có ý quan hoài, thuộc hạ chỉ ráng hoàn thành trách nhiệm được giao phó mà thôi. Thuộc hạ có bàn sơ sách lược với Giảng Văn Đường Chủ Trần Hải Chí là dụ cho địch vào Minh Chủ Thành rồi mới dùng bát đạo bao vây và tiêu diệt.

Long Võ Minh Chủ gật đầu:

‒ Như vậy cũng được.

Nói rồi ông quay sang nhìn Long Võ Đường Chủ Lê Kính Văn, ngoại hiệu là Khoái Phiến Lang Quân. Dáng người Lê Kính Văn mảnh khảnh nhìn không giống một người luyện võ. Cũng vì thế mà hầu như tất cả người thân kẻ sơ đều gọi ông ta là thầy đồ Văn. Long Võ Minh Chủ ngỏ lời:

‒ Bản tòa xin làm phiền đô quản gia một chút. Bản tòa muốn tạm thời đặt đô quản gia và cả Long Võ Đường dưới sự chỉ huy của Tạ Tổng Đường Chủ.

Lê Kính Văn cung tay:

‒ Thuộc hạ xin tuân lệnh.

Tạ Đức Uy nói:

‒ Xin mời Minh Chủ, Tả Hữu Hộ Trang, Lê Đô Quản Gia và chín vị Đường Chủ ra sau hậu viện để phân bố nhân thủ và kế sách.

Long Võ Minh Chủ khoát tay:

‒ Cái đó không cần. Bản tòa và hai vị hộ trang sẽ đứng trên vọng canh của Long Đình Lâu để quan sát.

Nói rồi ông cởi thanh bảo kiếm đeo bên hông đưa cho Tạ tổng đường chủ và nói tiếp:

‒ Bản tòa trao cho Tổng Đường Chủ thanh kiếm lệnh. Với thanh kiếm này Tạ Tổng Đường chủ có quyền điều động tất cả nhân sự trong Long Võ Trang cũng như các đại môn phái của Đại Việt hoặc chịu ảnh hưởng của Đại Việt. Nếu thấy cần thiết, Tạ huynh cứ cho người đến báo tin sai phái bản tòa, bản tòa sẽ theo quân lệnh mà làm.

Long Võ Minh Chủ tuyệt đối tin tưởng Tạ Đức Uy sẽ kỳ khai đắc thắng, quét sạch bọn người dám ăn gan hùm mật gấu đang đêm tập kích Nam Thiên Đệ Nhất Trang. Tổng Đường Chủ cảm động vô cùng, rơm rớm nước mắt:

‒ Thuộc hạ xin đa tạ Minh Chủ đặt trọn niềm tin. Thuộc hạ quyết không phụ lòng gởi gấm và sự tin tưởng của Minh Chủ:

Long Võ Minh Chủ gật đầu mỉm cười:

‒ Bản tòa tin chắc Tạ huynh sẽ làm được.

Nói rồi Long Võ Minh Chủ cùng với hai anh em họ Nguyễn Tử đi ra ngoài. Nhịp bước của ba người nhẹ nhàng ổn định và sắc mặt không lộ ra vẻ gì lo lắng trong khi đó bên ngoài tiếng la ó, tiếng binh khí va chạm nhau ngày một lớn hơn.

Cách bài trí của hậu viện so với tiền viện không khác bao nhiêu mặc dù hậu viện lớn hơn, bàn ghế cũng nhiều hơn và được chia ra đến mười khu riêng biệt. Trên một vách tường có treo tấm bản đồ Long Võ Trang cùng với một vùng hai mươi dặm xung quanh. Trong bản đồ nào là nhà cửa, sông lạch, ruộng vườn đều ghi rõ chi chít. Ở vách tường đối diện có treo một tấm bản đồ tương tự nhưng đó là bản đồ núi rừng của lộ Trường Yên. Trên vách tường thứ ba là bản đồ của cả Đại Việt. Khắp Đại Việt, ngoài Khu Mật Viện của triều đình ra chỉ Long Võ Trang mới có ba tấm bản đồ quý giá như thế này. Tạ Đức Uy và mười đường chủ cùng xem tấm bản đồ Long Võ Trang.

————————

Ghi chú:

(1) Binh pháp triều Lý, quân đội chính của triều đình, được huấn luyện tinh nhuệ nhất, gọi là Thiên Tử Binh. Thiên Tử Binh do Lý Thái Tổ cải tổ lại từ binh pháp triều Đinh và Lê. Khi ngài mới lên làm vua thì Đại Việt có năm đạo. Đến đời vua Lý Thánh Tông thì thêm bảy đạo nữa thành mười hai đạo. Mỗi đạo tổng cộng hai vạn, chia làm tả hữu, tương đương với một sư đoàn bộ binh của hầu hết các quốc gia trên thế giới ngày nay.

(2) Anh Vũ Chiêu Thắng là niên hiệu của vua Lý Nhân Tông năm 1076‒1084

(3) Linh Nhân Thái Hậu là có tên Lê Thị Yến Loan, mẹ của vua Lý Nhân Tông. Bà chính là cô gái hái dâu được vua Lý Thánh Tông đem vào cung và phong làm Ỷ Lan Phu Nhân.

(4) Thiên Phù Duệ Võ là niên hiệu của vua Lý Nhân Tông năm 1120‒1126.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.