Ba ngày cuối cùng trôi nhanh như gió thoảng mây bay, cuối cùng, chúng tôi cũng bước vào năm học mới, bắt đầu với hai tuần đệm trước khai giảng. Gánh trên vai danh hiệu lớp phó học tập, cuộc sống của tôi ở những ngày đầu tiên này có hơi chật vật.
Vì giáo viên chưa nhớ tên các bạn trong lớp nên chỉ cần là cán sự lớp đều sẽ bị gọi trước tiên, từ lớp trưởng đến tổ trưởng các tổ, chẳng một ai có thể thoát. Và đặc biệt, trong nhóm ấy, tôi và lớp trưởng là hai đứa bị gọi nhiều nhất, gần như tiết nào bọn tôi cũng có mặt trong danh sách khảo bài, đọc bài và kiểm tra bài tập.
Ban đầu, trước mỗi tiết học, tôi còn cảm thấy bồn chồn, lo lắng vì sợ bị gọi đến. Nhưng sau đó, tôi cũng dần quen với nhịp sống ấy. Khi giáo viên bắt đầu nhớ tên của một số bạn trong lớp, mục tiêu bị gọi dần chuyển thành bọn họ, tôi xem như thoát khỏi "kiếp nạn" đầu tiên của mình.
Khó khăn của năm học mới không chỉ có vậy, tôi vẫn chưa hoàn toàn quen với chức vụ được giao, thường xuyên mắc lỗi, nào là ghi thiếu báo bài, quên lấy sổ đầu bài, không nhắc giáo viên ký tên dẫn đến lớp bị trừ điểm,... Chỉ trong hai tuần ngắn ngủi, tôi bị thầy chủ nhiệm nhắc nhở, phê bình đến tận sáu lần. Thầy ấy chẳng mắng tôi bằng thái độ gay gắt nhưng mấy lời phê bình thẳng thắn, cùng vẻ mặt lạnh tanh không thể đoán được cảm xúc của thầy ấy khiến tôi cảm thấy áp lực và căng thẳng.
Tôi chính là kiểu người sai một lần vẫn có thể sai lần thứ hai và thứ n với một lỗi y hệt như vậy. Tôi cũng cố gắng không để mắc lại sai lầm ấy nhưng tính tôi vốn lơ đễnh, lại hay quên, đặc biệt là những lúc quá phấn khích hoặc gấp rút. Tôi cứ liên tục mắc lỗi, làm ảnh hưởng đến mọi người. Những tưởng mình sẽ nhanh chóng bị thay thế bằng người khác, thế nhưng sau bao chuyện, thầy Nam vẫn quyết định giữ tôi lại, nhất quyết không buông tha tôi.
***
Một buổi sáng ẩm ướt, không khí còn vương chút lạnh của cơn mưa rạng sáng chỉ vừa dứt điểm vài phút trước, tôi bị đánh thức bởi tiếng báo thức của điện thoại. Khó chịu tắt đi, uể oải ngồi dậy, tôi dụi mắt nhìn bộ đồng phục treo ở chiếc tủ đối diện, ngẩn ngơ nghĩ về cuộc đời, chửi bậy mấy câu để chào ngày mới rồi xuống giường.
Ngay khi vừa mở cửa nhà, tôi lập tức bị cơn gió lạnh thốc vào người, ôm balo trước ngực, tôi khẽ giọng cảm thán:
"Lạnh dữ vậy trời!"
Mặc dù vậy nhưng tôi vẫn phải đi học, dắt chiếc xe đạp con con của mình ra ngoài, cẩn thận khoá cửa, tôi rệu rã đạp xe đến trường, băng qua mấy con hẻm ngoằn ngoèo, bon bon trên con đường lớn tấp nập.
Tôi không gửi xe ở trường mà chạy đến con hẻm nhỏ cạnh đó, gửi xe ở nhà cô Liếng, một chỗ giữ xe đạp bên ngoài trường mà tôi thường gửi. Hôm nay, tôi đột nhiên muốn ăn sáng ngoài trường. Một khi đã gửi xe trong trường, tôi sẽ không thể ra khỏi cổng và không muốn chen chúc mua đồ ăn với chiếc xe đạp cồng kềnh của mình, cho nên đây là cách tiện nhất.
Ở nhà cô Lý, tôi vô tình gặp được hai người bạn chơi khá thân với mình là Quốc Khánh và Khánh Nhi. Khánh là "chị em" tốt với tôi, Nhi là bạn giao lưu tranh vẽ của Ngọc nên đám bọn tôi thường chơi chung với nhau. Cả ba đứa tôi cứ thế sáp lại, cùng đi mua đồ ăn.
Không ngoài dự tính, chỗ bán đồ ăn nào cũng đông như kiến. Khi bọn tôi đi đến trước cổng trường, tiếng trống đầu tiên vẫn chưa điểm.
Mỗi đầu buổi học sáng và chiều, trường tôi luôn bắt đầu bằng ba lần đánh trống. Lần thứ nhất đánh vào lúc 6 giờ 45 phút sáng, 12 giờ 45 trưa để học sinh chú ý và bắt đầu xếp hàng để chuẩn bị lên lớp. Lần thứ hai đánh cách lần đầu khoảng 5 phút, khi nghe tiếng trống này, các bạn sao đỏ ở cổng trường sẽ bắt đầu ghi tên và lớp của học sinh đi trễ. Lần thứ ba đánh cách lần đầu khoảng 15 phút, rơi vào khoảng 7 giờ ở buổi học sáng và 13 giờ ở buổi học chiều, báo hiệu bắt đầu vào tiết học thứ nhất.
Vậy nên, chỉ cần chưa nghe thấy tiếng trống thứ nhất, chúng tôi - đám học sinh cuối cấp chẳng sợ trời hay sợ đất này vẫn có thể ung dung lướt qua cổng trường, mua đồ ăn sáng. Đôi lúc ở mấy chỗ bán đồ ăn sáng, tôi còn có thể vô tình gặp được mấy đứa bạn cùng lớp, cùng bọn nó nói chuyện để giết thời gian trong lúc chờ đồ ăn. Chỉ cần chúng tôi vào trước lần đánh trống thứ hai thì sẽ "bình an vô sự". Nếu vào trễ hơn một chút cũng chẳng sao, lớp tôi còn có Gia Bảo - thành viên chủ lực lâu năm của đội sao đỏ "bảo kê" thì còn gì phải sợ chứ?
Mãi khi chúng tôi đã gọi xong món, tiếng trống thứ nhất mới được vang lên. Chỗ hôm nay được ba đứa bọn tôi "chọn mặt gửi vàng" là một tiệm ăn mới mở ở phía bên kia đường, vừa có thể đứng quan sát cổng trường, lại còn vắng khách, không phải chờ lâu. Tuy nói vắng khách nhưng cũng có ba người đang vây lấy xe đồ ăn này, vả lại còn toàn là mấy cậu trai to cao.
Nếu cả ba chúng tôi cùng đứng gọi món, giữa không khí ồn ào này, thế nào cô chủ cũng chỉ "nghe câu được câu mất", làm tốn thời gian của cả đôi bên nên cứ gom hết ba đơn để một người đại diện vào gọi món không phải sẽ nhanh hơn sao?
Nghĩ vậy, tôi nói ngay với mọi người và nhanh chóng nhận được sự đồng tình của đám bạn. Khánh đứng ra nhận nhiệm vụ mua đồ ăn giúp hai đứa con gái bọn tôi. Trước khi vào trong, nó còn cẩn thận hỏi bọn tôi có bỏ thêm tương ớt hay sốt gì không.
****
Nói về Quốc Khánh, tôi và cậu ấy cũng khá có duyên với nhau. Hồi mẫu giáo, tôi và Khánh học chung một lớp. Hồi ấy, tôi rất thích Khánh, còn giật tóc một bạn gái cùng lớp vì nhỏ đó dám bắt nạt cậu ấy.
Nhà bọn tôi khi đó cũng chỉ cách nhau một con hẻm, đi bộ vài phút là tới, vậy nên chúng tôi thường đến nhà nhau chơi, cùng chơi thay đồ búp bê và nấu ăn với nhau. Khi đó, tôi cứ nghĩ rằng vì để có thể chơi chung với mình nên cậu ấy mới chấp nhận chơi mấy trò mà người ta mặc định là chỉ dành cho con gái ấy. Sau này ngẫm lại mới thấy, ánh mắt lấp lánh của cậu ấy không phải dành cho tôi mà là những con búp bê xinh đẹp với váy áo lộng lẫy kia, là tôi nghĩ nhiều rồi.
Sau, bố mẹ Khánh ly hôn, cậu ấy ở với mẹ nên theo học ở một trường tiểu học ở một quận khác, bọn tôi mất liên lạc từ đó. Mãi đến khi vào cấp 2, Khánh về ở với ba, bọn tôi mới gặp lại khi cả hai học cùng một lớp.
Từ bé đến lớn, Khánh trong mắt tôi vẫn luôn là một chàng trai ấm áp, tốt bụng và lịch thiệp. Khi bé, cậu ấy là người trong mộng của tôi. Lớn lên, cậu ấy là người bạn tốt được lưu giữ trong tim.
****
Nhi vẫn luôn quan sát tình hình ở cổng trường, mọi người vẫn qua lại tấp nập, tiếng trống thứ hai vẫn chưa được đánh lên. Tôi cũng nhìn cổng trường nhưng lại không để ý lắm, suy nghĩ vẩn vơ.
Được một lúc, tôi vô tình nhìn thấy Gia Bảo bước ra từ tiệm bánh bên cạnh. Vừa nhìn thấy bọn tôi, cậu ta liền chuyển hướng đến chỗ này, thản nhiên khoác vai, chào hỏi:
"Mua đồ ăn sáng hả hai cô bạn xấu xí của tôi?"
Tôi giở giọng chán ghét, đáp nó:
"Không, mua chuối về dằn bụng mày đó."
Mặc cho hai đứa "trẻ con" bọn tôi thô lỗ giỡn với nhau ở bên này, Nhi chỉ đứng yên ở bên cạnh, vạch rõ khoảng cách với bọn tôi. Được một lúc, khi chúng tôi đã "chiến nhau" xong xuôi, Nhi mới chầm chậm lại gần, bắt chuyện hỏi Gia Bảo:
"Nay không làm lính gác cổng hả?"
"Mai mới tới tao trực."
Nói rồi, nó đột nhiên quay sang tôi, thản nhiên véo nhẹ một bên má tôi nói:
"Nay tao không có trực, bọn mày giờ này còn ở đây, lát bị ghi tên thì ráng chịu nha. Tao đi trước à."
Tôi vội giữ cặp của Gia Bảo, không cho nó đi. Xong, tôi chạy ngay đến trước mặt nó, vịn tay lên vai nó khẽ lắc lư qua lại, nói bằng cái giọng nài nỉ:
"Chị em có phước cùng hưởng, có họa cùng chia, ở lại làm 'kim bài miễn tử' cho bọn tao nha? Thương thương..."
Sở dĩ tôi và Gia Bảo cư xử thoải mái với nhau như vậy một phần là vì bọn tôi có mối quan hệ khá thân thiết, chơi chung một nhóm từ tận lớp 7 và còn một phần là vì trong mắt tôi, nó chính là một đứa "con gái chính hiệu", là "chị em bạn dì" của mình nên đôi lúc tôi với nó lại quên mất việc bên ngoài nó vẫn là con trai và chúng tôi cần phải làm đúng theo câu "nam nữ thọ thọ bất tương thân" của các cụ để tránh gây hiểu nhầm.
Cuối cùng, sau một hồi níu kéo, nó cũng chịu ở lại để làm "kim bài miễn tử" của bọn tôi với tiền công là hai bịch bánh tráng "xì ke".
****
Nói về Gia Bảo, ngoài làm sao đỏ, cậu ta còn là thành viên của đội bóng chuyền của trường. Thường xuyên tập thể thao nên cậu ta có cơ thể khá cân đối và một chiều cao vượt trội. Nhưng, khác với Quân Phương, Gia Bảo lại có làn da trắng mịn. Khi mới tiếp xúc lần đầu, dường như ai cũng sẽ cho rằng Gia Bảo là một mẫu bạn trai lý tưởng vì sự ga lăng, quan tâm đối với người khác giới của cậu ta hơn hẳn một số bạn trai "thẳng" khác.
Trong mắt các cô gái xa lạ, Bảo là hoàng tử nhưng trong thâm tâm nó và những người quen biết nó, Bảo đích thị là một nàng công chúa. Gia Bảo có thể ngồi hàng giờ đồng hồ để tám chuyện với bọn con gái chúng tôi về những anh đẹp trai với cơ bụng sáu múi, cùng cơ liên sườn nóng bỏng. Cậu ấy còn có thể tư vấn cho bọn tôi về màu son, nước hoa hay những bộ váy áo hợp với mình như một chuyên gia thực thụ. Và hơn thế nữa, Gia Bảo cũng sẵn sàng trở thành quân sư tình yêu, người có thể ở bên tâm sự cho bọn con gái chúng tôi bất cứ lúc nào vì không chỉ hiểu con gái, nó còn hiểu tâm lý và suy nghĩ của bọn con trai, điều mà bọn con gái bọn tôi chẳng hiểu nổi.
****
Khánh cuối cùng cũng đã mua xong đồ ăn và ra ngoài, bọn tôi nhanh chóng vào trường để kịp giờ học. Tôi không biết băng qua đường, Nhi lại vì sợ trễ mà vội vội vàng vàng chạy lên phía trước từ lúc nào, tôi chỉ có thể níu lấy cánh tay của Gia Bảo, người gần tôi nhất, theo cậu ta cùng qua đường.
Khi chúng tôi vừa đặt chân đến phía đường đối diện thì đã thấy Nhi đứng đó, cô bạn vẫn chưa vào trường, có lẽ là còn đợi bọn tôi. Nhưng sao cô ấy lại đứng cùng thầy Nam nhỉ?
Chỉ đợi khi cả đám bọn tôi đã sang hết bên đây đường, thầy Nam với vẻ mặt không vui lập tức đưa bốn đứa bọn tôi vào trường, đến thẳng phòng giám thị.
Mang theo một bụng lo lắng, bất an cùng với sự khó hiểu vây kín đầu óc, cả bọn yên lặng đi theo sau thầy chủ nhiệm. Bọn tôi đi lướt qua mấy cậu bạn sao đỏ đứng sẵn ở cổng trường chờ đến thời gian làm nhiệm vụ. Trông thấy Gia Bảo và vẻ mặt có phần hơi đáng sợ của thầy Nam, bọn họ tròn mắt nhìn theo, rồi xì xầm gì đó. Có cậu lớn mật dùng khẩu hình hỏi Gia Bảo: "Sao vậy?" nhưng đáp lại chỉ có cái lắc đầu nguầy nguậy của Gia Bảo.
Lúc này, tiếng trống thứ hai được đánh lên từng hồi giòn giã, có vài bạn học sinh đã bị đội sao đỏ giữ lại để ghi tên vào sổ, công việc của sao đỏ chính thức bắt đầu.
***
Trong phòng giám thị, thầy Nam ngồi ở chiếc bàn trống giáo viên thường dùng để tiếp chuyện với phụ huynh, còn chúng tôi đứng vây xung quanh. Thầy Nam nghiêm mặt, gõ tay xuống bàn, đanh giọng hỏi tụi tôi:
"Các em biết tại sao mình lại vào đây không?"
Chuyển điểm nhìn từ khuôn mặt đến bàn tay đang đặt trên bàn của thầy Nam, tôi vô thức nhíu mày, thật thà lắc đầu. Song, tôi vô tình nhìn sang ba đứa bạn ở bên cạnh. Bọn nó vẫn đứng yên, không có phản ứng. Thế là, tôi có "diễm phúc" được lãnh trọn ánh mắt sắt như dao của thầy Nam.
"Em không biết à?"
Thầy ấy vẫn dùng cái giọng trầm trầm hằng ngày để chất vấn tôi nhưng tôi đột nhiên lại cảm thấy hơi lạnh người.
Tôi không đáp, chỉ đứng yên lặng, nhìn mặt bàn trước mặt.
"Vậy thì để tôi nói cho em biết."
"Các em không những cố tình đi trễ, còn ở trước cổng trường đùa giỡn, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của học sinh trường mình..."
Cố tình đi trễ? Bọn tôi đã trễ đâu? Khi bọn tôi vào đến phòng giám thị, trống mới được đánh mà, mấy đứa vào trường cùng lúc với bọn tôi còn chẳng bị sao đỏ ghi tên. Làm ảnh hưởng hình ảnh của học sinh trường mình là sao nữa? Bọn tôi đã làm gì chứ?
Tôi buộc miệng : "Dạ?"
Thầy Nam nhìn tôi chòng chọc , hỏi:
"Em còn có thắc mắc gì nữa à?"
Tôi run run hỏi lại:
"Làm... ảnh hưởng... hình ảnh của học sinh trường mình... là sao ạ?"
Thầy Nam chầm chậm kể ra đống tội trạng "tày đình" của bọn tôi.
Tội thứ nhất, chúng tôi nhởn nhơ mua đồ ăn bên ngoài mặc cho gần đây nhà trường vừa có luật không cho phép mang đồ ăn bên ngoài vào khuôn viên trường, đặc biệt tôi và Gia Bảo còn là người có chức vụ, cần phải làm gương.
Tội thứ hai, ngay cả khi tiếng trống thứ nhất đã vang lên một lúc, bọn tôi vẫn không chịu vào trường mà còn ở bên ngoài, dẫn đến việc có thể bị ghi tên đi trễ, ảnh hưởng đến điểm thi đua của lớp.
Tội thứ ba, cả đám sai một đứa con trai khác vào mua đồ ăn cho cả bọn ở đây "đàn đúm".
Tội thứ tư - tội nặng nhất, đứng bên đường đùa giỡn, va phải phụ huynh đang dừng xe bên đường, vả lại còn ôm ấp ở ngoài đường. Một đứa con trai hai tay khoác vai hai bạn nữ đứng ở bên đường, còn véo má, cười đùa trông chẳng khác nào một thằng "lưu manh" cùng mấy cô ả "lẳng lơ". Theo lời thấy ấy nói, hình ảnh đó đã làm mất đi danh dự của trường, lớp và cá nhân bọn tôi.
Tôi là đứa bị mắng nhiều nhất với lý do là lớp phó học tập lại không làm gương, còn cùng các bạn phạm lỗi. Thầy Nam ở bên cạnh không ngừng dùng mấy lời nói sắc tựa dao ấy làm tổn thương đám học sinh bọn tôi. Tôi học theo Khánh Nhi cúi đầu, ánh mắt cố định ở một góc bàn, dáng vẻ trông hệt như một chú cún con đang hối lỗi.
Ngoài mặt như thế nhưng trong lòng tôi lại cảm thấy vô cùng bất mãn. Tôi vẫn không nghĩ mình có lỗi, nếu có cũng chỉ dừng lại ở việc bọn tôi cố ý đi trễ mà thôi.
Chuyện bọn tôi va trúng người dừng xe ở bên đường là vì tôi bị người mua đồ ăn vô tình va trúng, vấp chân vào nắp cống nên mới ngã trúng đầu xe người ta. Tôi hoảng, người va trúng tôi cũng hoảng và cả người bị tôi va phải cũng không khỏi giật mình. Nhưng, ngay khi tôi bình tĩnh trở lại, tôi đã lập tức xin lỗi người ta và người ấy cũng hoan hỷ cho qua, còn hỏi thăm tôi. Trong câu chuyện này, tôi cũng là nạn nhân, bọn tôi không vô ý đến mức giỡn hớt quá khích rồi gây họa cho người khác. Có lẽ vì nhìn thấy cảnh Gia Bảo cười vào mặt tôi khi tôi bị ngã nên thầy Nam mới hiểu nhầm.
Còn về những vấn đề khác, tôi chẳng thể "bao biện" cho những lời chỉ trích thậm tệ mà thầy Nam dành cho mình. Trường tôi theo học vốn chẳng phải là trường ngoan, trường giỏi gì cho cam, trong những năm tôi học ở đây, tôi đã không ít lần nghe thấy những câu chuyện kéo băng, kéo phái đánh nhau của các khối. Vả lại, giáo viên dạy bọn tôi ai mà chẳng biết nó không thích con gái. Thầy ấy là chủ nhiệm, thầy ấy còn không rõ Gia Bảo với đám con gái bọn tôi có thể phát sinh chuyện yêu đương nam nữ hay không sao?
Phụ huynh bận bịu như thế, chẳng hơi đâu mà để ý đến đám trẻ vị thành niên đứng ở ngoài đường đùa giỡn như bọn tôi. Hơn nữa, bọn tôi đâu có làm hành động gì quá đáng đâu chứ? Khi ấy, Gia Bảo nào có khoác vai Nhi, cậu ấy chỉ vịn mỗi bàn tay lên cặp của cô bạn. Bọn họ còn chả thân nhau.
Trong lòng có dậy sóng thế nào, tôi vẫn chọn cách im lặng để đối diện với lời phê bình của thầy chủ nhiệm. Tôi còn có thể làm gì khác sao?
Người lớn mà, cho dù tôi có thể chứng minh mình đúng, kết quả nhận lại cuối cùng cũng chỉ là sự tức giận của họ cùng với cái mác "hỗn" gắn lên người thôi. Vậy thì cố giải thích để làm gì?
Tôi nhát gan nên chỉ có thể nắm chặt tay, để móng tay cắm chặt vào da thịt khiến cơn đau phân tán sự chú ý khỏi nỗi khó chịu ở trong lòng.
***
Có những ngày, khi bạn bất chợt gặp một chuyện xui xẻo nào đấy, những chuyện không vui khác sẽ theo đó kéo đến và vây chặt lấy bạn.
Tôi vốn đang cực kì khó chịu với mấy câu nói mang tính sát thương của thầy Nam, thầy giám thị già ở bên cạnh lại không ngừng "đổ thêm dầu vào lửa":
"Vậy là không được rồi. Mấy đứa này là phải viết kiểm điểm, mời phụ huynh lên nói chuyện mới chừa."
"Tên gì? Tôi tra số rồi gọi phụ huynh lên làm việc. Mới bây lớn mà như vậy thì mai mốt phải làm sao?"
"Phải gọi phụ huynh lên trao đổi, dạy dỗ lại mới được."
Cả phòng giám thị trường tôi ai cũng thích hóng hớt, đặc biệt là vị giám thị lớn tuổi tên Liêm này. Thầy ấy rất thích "đốt nhà" người khác, đặc biệt thích mời phụ huynh khi học sinh phạm sai. Hơn nữa, tôi còn nghe nói thầy ấy còn có một góc tủ để cất giữ bản kiểm điểm của học sinh và xem đó là thành tích của mình.
Nghe thấy mấy chữ "mời phụ huynh", cả bọn ai cũng sợ hãi, gấp gáp cầu xin:
"Đừng mời phụ huynh mà thầy. Em biết sai rồi ạ."
"Làm bản kiểm điểm thôi được không thầy? Mẹ em đang đi làm, bị gọi lên như thế này thì về sẽ đánh chết em mất."
"Em xin lỗi ạ. Mai mốt em không tái phạm nữa đâu thầy, thầy tha cho bọn em đi thầy."
Ba đứa học sinh không ngừng nài nỉ, căn phòng giám thị thoáng chốc trở thành một cái chợ nhỏ ồn ào.
Mặc cho bọn họ bát nháo bên cạnh, tôi vẫn chỉ im lặng cúi đầu, chìm trong suy tư của riêng mình. Tôi cũng rất sợ bị gọi phụ huynh, vì tôi rất sợ mẹ, không muốn làm mẹ phiền lòng nhưng vẫn là lòng tự tôn của tôi cao hơn. Cho đến khi tôi nhận ra mình đã thật sự sai chuyện gì, tôi sẽ không nhận lỗi. Tôi không đủ dũng cảm giành lại sự công bằng cho mình nhưng tôi vẫn đủ dũng cảm duy trì sự im lặng của mình.
Thật ra, hôm nay tôi có phần hơi khác so với ngày thường, cứng đầu và lì lợm hơn. Ở trường, tôi rất ít khi bị mắng, được thầy cô đánh giá là "con ngoan, trò giỏi". Khi tôi làm sai, bị mọi người la mắng hay phê bình, tôi đều hoan hỷ lắng nghe, nhận lỗi và tiếp thu với điều kiện tôi cảm thấy bản thân thật sự đã sai. Với trường hợp tôi cảm thấy bản thân không sai, cho dù có nói gì, thái độ ra sao, tôi cũng chẳng tiếp thu nổi, xem nó như gió thoảng qua tai, để nó trôi tuột ra khỏi đầu. Tuy vậy, tôi vẫn sẽ tỏ ra thật ngoan ngoãn, vờ như đã nhận ra lỗi lầm và hối lỗi để mọi chuyện trôi qua một cách êm đẹp.
Nhưng hôm nay, tôi lại chẳng như vậy.
Thầy Nam bị đám học sinh vây lấy, bọn họ ồn đến cả tôi cũng cảm thấy phiền. Tôi len lén ngẩng đầu, liếc nhìn sắc mặt của thầy Nam. Đối với chuyện lần này, thái độ của thầy khá cứng rắn, vẻ mặt trông cực kì nghiêm túc. Nếu đã như vậy, tôi càng chẳng cần phải cố gắng nói thêm gì cho phí công, tốt nhất vẫn nên suy nghĩ xem nên giải thích với mẹ như thế nào.
Đột nhiên, có người gọi đến khiến tôi giật thót:
"Vân Anh, em đang khóc đấy à?"
Là giọng của thầy Nam. Tôi ngẩng đầu, ngơ ngác nhìn thầy ấy. Ban nãy, khi bị mắng và dọa mời phụ huynh, tôi suýt khóc thật nhưng khi nhìn thấy thầy Nam bị ba người bạn của tôi vây lấy, phiền đến chân mày càng ngày càng nhíu chặt, tâm trạng tôi cũng đỡ hơn nhiều.
Tôi không đáp, chỉ khẽ lắc đầu phủ nhận.
Thầy Nam dời ánh mắt đến chỗ ba người bạn cạnh tôi, thở dài rồi nói:
"Thôi các em lên lớp đi. Lát nữa đến tiết, tôi sẽ phạt sau."
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]