Cuối tuần, Heian đi tàu cao tốc từ Tokyo đến nơi xa xôi hẻo lánh này thăm tôi. Cậu ấy là người sau cùng đến đền sau khi nhóm du khách cuối cùng rời đi. Trên tay phải Heian là một cái túi to đầy áo ấm, khăn choàng cùng một số loại thuốc chữa những loại bệnh thông thường. Còn túi ở tay trái là gạo và những thực phẩm tươi và một vài món ăn có thể dự trữ lâu dài. Heian đến thăm đền với gương mặt trầm tư và một đôi mắt chất chứa nỗi buồn. Dù rất muốn hỏi thăm nhưng vào những khoảnh khắc như vậy, khả năng giao tiếp bằng lời nói của tôi lại bị vô hiệu hóa. Heian vào bếp và cùng tôi nấu một vài món đơn giản và dọn ra gian nhà phụ đối diện bánh xe nước gần hồ Thanh Tẩy. Mỗi người một nỗi lo riêng, thế nên, sự im lặng vây chặt và chia cắt hai kẻ cô độc trong đền suốt một thời gian. Mãi cho đến khi ngồi vào bàn, tôi và cậu bạn ngoại quốc mới chợt nhận ra sự tồn tại của đối phương. “Mấy ngày nay, ở đây có xảy ra chuyện gì không?” Heian mở lời. Chuyện về hai mẹ con Hyuga và cái hộp ở nhà kho cùng sự xuất hiện của cục bông gòn chợt quay về. Nhưng không hiểu tại sao, tôi lại giấu nhẹm câu chuyện đầu tiên và cuối cùng. Sự nhạy cảm đến mức tiêu cực mách bảo hiện giờ không phải lúc để kể về những chuyện khó tin đó, vì vậy, tôi chọn nói về cái hộp trong kho một cách thành thật với hi vọng Heian sẽ tìm ra cách giải quyết đúng đắn. Nghe tôi kể, Heian cười vui vẻ như đang xem một vở hài đắt giá. Cậu ấy nói rằng chuyện đó vô cùng hoang đường, bởi bùa chú vốn dĩ chỉ là những mảnh giấy được vẽ thêm một vài hoa văn lạ. Ở thời đại công nghệ thông tin như bây giờ, nhất là khi sống tại một nơi hiện đại như Nhật Bản thì những chuyện tôi kể chỉ có trong tiểu thuyết. Cậu ấy cho rằng tôi quá mệt mỏi nên ngủ mơ và suy diễn lung tung. “Nhưng chuyện của cha mẹ Heian thì sao?” Tôi tức giận, cãi bướng, cố tìm lí lẽ để thuyết phục mà quên mất mình đang cố tình xát muối vào nỗi đau của Heian. “Chỉ là trùng hợp. Mình quên nói với An, sau tai nạn, người gây tai nạn đã đến tận nhà xin lỗi và bồi thường. Người ta do say rượu mà lái xe tông trúng xe của gia đình mình. Đó cũng là chuyện xui rủi. Đời người vô thường, đâu ai lường được chuyện sinh tử. Người gây tai nạn cũng trả giá rồi. Tuy mình vẫn chưa hài lòng với kết quả sau cùng của án phạt, nhưng đấu đá đến cùng thì cha mình cũng không sống lại. Đành chấp nhận như vậy thôi.” Heian hạ giọng, cố tỏ ra bình thường khi phải nhắc về chuyện cũ. Lòng tự trọng của một người con trai trưởng thành buộc cậu ấy không khóc trước mặt một đứa con gái như tôi. “Đúng rồi, trong cái hộp ở kho là gì? Heian có biết không?” Tôi vội hỏi sang chuyện khác để đánh lạc hướng cảm xúc của cậu bạn ngoại quốc. “Một cái mặt nạ cáo bằng gỗ thông. Linh mộc ngàn năm đủ mạnh để khắc chế loài yêu quỷ ngàn năm. Ông mình từng nói vậy.” Heian trả lời, nét mặt thoáng trầm ngâm. “Nhưng điều đó rất khó tin bởi hồ li tinh là sinh vật có khả năng điều khiển thực vật.” “Bên Việt cũng có khá nhiều sách viết như vậy. Nhưng như Heian từng nói, trong thế giới hiện đại này, những chuyện hoang đường rất khó xảy ra.” Tôi cố trấn an chính mình nhưng trong đầu bỗng dưng nghĩ về con cáo nhỏ. Ảo thính về tiếng kêu buồn thê thảm trong đêm mưa hôm qua chợt quay về. Tôi chợt tự hỏi là không biết con cáo đang làm gì, ở đâu. Rồi một hơi thở dài được ép ra ngoài khi nhận ra bản thân không thể tự tìm được câu trả lời chính xác. Hơn nữa, dù có biết rõ thì cũng không có lợi ích gì. Duyên giữa tôi và cục bông gòn rất ngắn, bởi thời gian tôi ở đây càng ngày càng ít đi. “Sao lại thở dài?” Heian hỏi tôi. “An đang buồn hay gặp phải khó khăn gì?” “Mười ngày nữa mình phải về. Heian đừng mang thêm quần áo hay thứ gì cho mình nữa.” Tôi thành thật. Khoảnh khắc nhìn vào mắt cậu bạn ngoại quốc để nói những điều đó, tôi thấy được nỗi buồn lẫn sự hụt hẫng cùng cực của cậu ấy. “Xin gia hạn visa được không?” “Điều đó còn tùy… Mình đã nói dối mẹ để đến đây. Nếu bà đột ngột lên Đà Lạt mà không thấy mình, chắc chắn bà sẽ lo lắng đến phát hoảng.” Tôi lắc đầu, cảm giác tội lỗi và ray rứt tràn ngập trong lòng. “Không sao. Mình sẽ giúp An nói dối. An xin gia hạn visa đi. Mình còn rất nhiều nơi muốn đưa An đến. Đừng về sớm, được không?” Cậu bạn ngoại quốc nài nỉ. “Đừng làm khó mình.” Heian gật đầu, giả vờ vui vẻ. Trong đôi mắt tri thức là tia hi vọng trong mắt chưa từng tắt đi. Nhìn thái độ kì lạ của cậu ấy, linh cảm xấu trong tôi lại trỗi dậy mạnh mẽ. Một bi kịch sắp xảy đến trong tương lai gần. Sự tổn thương là điều khó tránh. Rất có thể, trong câu chuyện tối tăm đó, tôi sẽ đóng vai kẻ phản bội. Bữa ăn đơn giản kết thúc, Heian đóng cửa đền và đưa tôi xuống núi. Đi bên cạnh cậu ấy nhưng tôi lại bận tâm về cục bông gòn đang bị nhốt trong phòng. Thỉnh thoảng, tiếng kêu của cục bông gòn lại loáng thoáng bên tai. Dù đã thầm trấn an đó là ảo thính, nhưng cảm giác bất an vẫn bám chặt lấy trái tim tôi. Bất chợt, tôi dừng bước khi nhìn thấy bóng của cục bông gòn phóng vụt qua. “Có chuyện gì à?” Heian hỏi tôi. “Hay An không khỏe?” “Mình vừa thấy cái gì đó…” Tôi ngập ngừng trả lời rồi im lặng. Tốt hơn hết, tôi không nên cho Heian biết về sự tồn tại của cục bông gòn. Bởi với tính cách của Heian, chắc chắc, cậu ấy sẽ tìm mọi cách gửi nó về trạm bảo vệ động vật hoang dã. Làm như vậy, cục bông gòn sẽ được người khác chăm sóc và nghiên cứu cẩn thận. Còn tôi sẽ lại cô đơn. “Chắc là chó hoang hoặc con gì thôi. Nơi này là rừng nguyên sinh, nghe chim kêu sói hú thường xuyên nên bị ám ảnh một chút cũng là chuyện thường mà.” Cậu bạn người Nhật cười tinh quái rồi nói thêm. “Nhiều năm trước, khi cùng anh cả canh giữ đền, mình còn thấy hai khối sáng màu xanh lơ lửng trong bụi cây như mắt sói. Ở ngay khu rừng bên trái đền. Phía ngoài cửa sổ phòng An ngủ hiện giờ đấy.” “Giờ thì mình hiểu tại sao không có mấy người tình nguyện đi giữ đền.” Tôi bóp trán cười khổ. “Không. Mình từng kể với An rồi. Nơi này là đền gia truyền. Chỉ những người trong dòng họ mới được quyền trông nom.” Heian phản bác nhẹ nhàng. Cậu bạn ngoại quốc quay sang nhìn tôi, cười vui vẻ. “An là ngoại lệ duy nhất đấy.” “Ý gì đây?” Tôi bắt đầu thực sự cảnh giác vì sợ hãi trước lòng tốt hơn người của cậu ấy. “Luật có quy định: Người ngoại quốc muốn thành công dân Nhật thì phải kết hôn với người Nhật và sống ở Nhật ít nhất một năm…” Không để Heian có đủ thời gian diễn đạt hết ý tưởng điên rồ, tôi tặng cậu ấy một đấm lên đầu cùng lời nhận xét: “Ế quá hóa điên.” “Dữ như con thú hoang.” Heian đưa tay xoa xoa chỗ vừa bị đánh, nhăn nhó và lại cười như trẻ con. “Nhưng mình thích.” “Heian nghĩ sao nếu được mình đá lăn từ con dốc này xuống chân núi?” Tôi hậm hực trước trò đùa vô vị của cậu bạn ngoại quốc. Đoán được tôi đang không vui, Heian giả vờ van nài bằng giọng đáng thương: “Đừng làm vậy. Ở nhà mình vẫn còn mẹ già và đứa cháu nhỏ.” “Vậy thì Heian nên triệt sản.” Tôi dừng bước, chuẩn bị dùng lại hiểm chiêu của mình. “Như vậy sẽ tiết kiệm được một khoản tiền lớn. Lúc đó, mẹ già và cháu nhỏ sẽ có thêm chút cơm chút cháo ăn tạm qua ngày.” “Đợi mình kiếm đứa con đã.” Gương mặt Heian trở nên nghiêm túc và cũng thoáng chút đáng thương thật sự. “Mình mặc kệ!” Tôi dứt khoát đáp lời và lên gối, định cho cậu bạn ngoại quốc nằm đo đất. Nhưng quyền cước chưa kịp thi triển đã bị nửa trước bàn chân của Heian chặn lại. Và chính tôi mới là người chật vật tránh đòn quyền cước đáp trả từ phía Heian. Hóa ra, trước kia, Heian luôn chọn cách nhường nhịn để thỏa mãn tính hiếu thắng của tôi. Nếu có một ngày giữa tôi và cậu bạn ngoại quốc xảy ra mâu thuẫn đến mức phải đánh nhau, chắc chắn tôi sẽ là kẻ thua trận; thương tật trên người ít nhiều, nặng nhẹ còn tùy thuộc vào tâm trạng của vị thần chủ khó đoán. Sau trận đấu giao hữu chóng vánh, tiếng cười lại xua đi tất cả. Đoạn đường dốc núi quanh co gần như ngắn lại khi có thêm những lời bông đùa. Đích đến là bãi biển cách chân núi hơn ba trăm mét đã hiện ra. Buổi chiều, sóng rì rào rất êm và gió thổi mát rượi. Mặt biển và nền trời cùng chung một màu đỏ rực. Tôi ngồi trên một thân cây to nằm ngang trên bãi cát, ngắm hoàng hôn. Sắc máu của bầu trời vừa ám ảnh lại vừa mang một ma lực hấp dẫn lạ thường. Những dải mây mỏng được ánh sáng trong thời kì rực rỡ nhất của ngày tàn nhuộm màu, lơ lửng chậm chạp bay trên cao. Cảnh tượng này gợi nhắc về những kí ức đơn giản của hai năm trước. Khi còn ở Đà Lạt, tôi vẫn luôn tranh thủ từng buổi chiều tan học, nán lại dãy nhà A19 hoặc ban công của Thư viện để ngắm hoàng hôn. Ngày tàn mang đến chút cảm giác thanh thản, nhẹ nhàng ngay cả khi biết vẫn còn rất nhiều việc cần phải hoàn thành trong đêm. Đà Lạt vào những buổi chiều khá lạnh, cái lạnh se sắt do gió mang đến khá giống với hơi lạnh của biển, chỉ có một điểm khác duy nhất là gió ở biển luôn mang một hơi thở đặc trưng. Còn cái lạnh của mảnh đất cao nguyên chỉ là hơi sương lẫn trong gió. Giờ này, chắc những người kia đã rời lớp học để tất bật chuẩn bị cho những bài thuyết trình hoặc kịch bản nào đó. Chỉ riêng tôi ở đây, sống trong những ngày mông lung và trống rỗng, ngay cả khi biết Heian ở bên cạnh, tôi vẫn thấy cô độc và tủi thân. “An lạnh à?” Heian kéo tôi ngồi sát vào người cậu ấy khi thấy hai vai tôi khẽ run lên. Hành động của cậu ấy làm tôi nhớ đến người nào đó đã từng thử thách tôi bằng nửa lòng tin. Nhưng họ là họ, Heian là Heian. Tôi không đời nào vì một chút cảm giác chung chung mơ hồ của quá khứ mà đẩy cậu ấy ra. Tôi không muốn làm tổn thương Heian bằng những cảm xúc tiêu cực ích kỉ của trước kia. Quá khứ đáng trân trọng nhưng hiện tại cũng rất đắt giá. Cậu bạn ngoại quốc khẽ nhắc lại câu hỏi khi thấy tôi gần như quên bẵng việc trả lời. Nếu để Heian biết điều làm tôi buồn chỉ là một quyết định trong phút nhất thời nông cạn, cậu ấy sẽ cười nhạo, khinh thường hay có cách cư xử nào khác? Bởi trước đây, chính tôi là người luôn khuyên cậu ấy phải mạnh mẽ, không được từ bỏ dù có phải sống trong bất kì hoàn cảnh nào… Vậy mà, cuối cùng, người luôn khuyên nhủ lại là là người hèn nhát chạy trốn mọi thứ, kể cả người bạn tri kỉ ở bên kia màn hình, nếu như cậu ấy không đường đột trở về. “Heian… Nếu như… Mình chỉ giả sử nếu vì một lí do nào đó mà mình làm ngôi đền thành một mớ hỗn độn, Heian có giận mình không?” Tôi cố lảng tránh chuyện mình đang khiến mình bận tâm nhưng không nhận ra mình đã vô tình nhắc về chuyện đang cần phải giấu. “Ai buộc nút thì phải gỡ nút. Nhưng mình sẽ không để An tự xoay sở một mình.” Heian trả lời và nói thêm. “Cảm giác phải tự mình chịu đựng tất cả vào thời điểm tối tăm nhất cuộc đời rất khủng khiếp. Người từng nếm trải không bao giờ mong những người mình yêu thương rơi vào hoàn cảnh như vậy.” “Hiểu biết và miệng lưỡi. Tố chất thường thấy của một người đàn ông nguy hiểm.” Tôi trêu chọc. “Ngôn ngữ được trau chuốt để xoa dịu, hạn chế tổn thương và giúp người ta hiểu nhau hơn.” Cậu bạn ngoại quốc vội bào chữa. “Được rồi. Tòa tuyên án: Bị cáo Karui Heian được trắng án.” “Đội ơn quý tòa.” Heian nói đùa rồi chợt hỏi tôi. “Nghỉ như thế này có ảnh hưởng đến công việc của An ở bên Việt không?” “Hoàn toàn không. Một đứa con gái làm việc ở chốn vũ trường bar nhảy luôn là những kẻ tự do.” “Làm ở đó được nhiều tiền, đúng không?” Heian ôm chặt tôi hơn. “Và cũng nguy hiểm hơn những nơi khác. An thích mạo hiểm hay thích đày đọa bản thân vào những nơi phức tạp như vậy?” “Cả hai. Đứng trong vũ trường, nhìn người ta uống rượu, hít cần, bay lắc thích lắm. Cảm giác như mình là con người đang đứng giữa một bầy tinh tinh.” Và tôi gỡ tay cậu bạn ngoại quốc ra, giọng hằn học. “Nóng quá, đừng lợi dụng giở trò nữa!” Heian bật cười và không bình luận thêm điều gì. Sự tĩnh lặng quay về, bao bọc lấy tôi và cậu ấy. Rất lâu sau, tôi gục đầu lên vai cậu bạn ngoại quốc, ngủ một giấc rất sâu. Khi thức dậy, tôi cảm nhận được sự nhấp nhô của con dốc dẫn lên ngôi đền cổ. Heian cõng tôi đi một đoạn dài, không một lời ca thán và cũng không muốn đánh thức tôi để giảm bớt gánh nặng. Và cũng như lần trước, Heian dừng chân khi còn cách cổng đền một bậc thang. Cậu ấy để tôi xuống và đưa chìa khóa của ngôi đền cho tôi. “Vài ngày nữa mình sẽ quay lại. Buổi tối vui vẻ.” Heian dặn dò và rời đi. Cửa đền vừa mở ra, điều đầu tiên tôi nhìn thấy là cục bông gòn ngồi trong sảnh điện, cả người hướng về cổng chính, hai tai cụp sang hai hướng, đôi mắt long lanh buồn thảm hại. Thấy tôi trở về, con vật nhỏ đứng lên, chạy đến, phóng lên vai, cắn tóc tôi, giật giật như muốn trách người chủ vô tâm. “Đói rồi à?” Tôi khẽ hỏi. Thấy cục bông gòn gật đầu, tôi trách. “Sao không tự vào rừng săn mồi?” Không hiểu con cáo ngốc đã hiểu lời tôi theo hướng nào, nó dùng đôi mắt buồn thê lương nhìn tôi rồi cụp tai sang hai bên, khẽ lắc đầu. “Có gì ăn đó nhé. Chị đây không biết nuôi cáo, cũng không giỏi nấu ăn…” Tôi thành thật khai báo. Đáp lại sự thành khẩn là mấy cái gật đầu mừng rỡ từ phía con thú đáng thương. Tôi nựng nịu con cáo nhỏ một lúc rồi đưa nó xuống nhà bếp, lấy một dĩa đậu phụ chiên cùng vài món đơn giản khác cho nó. Cục bông gòn vốn là con vật dễ nuôi. Nó ăn hết những gì tôi cho rồi nằm ngửa ra, đưa bốn chân lười biếng ôm cái bụng tròn, lăn lăn, lật lật trên sàn. “Nhóc cứ như vậy thì sao chị nỡ thả nhóc về rừng?” Tôi bế con cáo nhỏ lên, thì thầm. Cục bông gòn hiểu những điều tôi nói. Nó vội nhảy lên, cắn lấy khăn choàng cổ của tôi và dùng hết sức giữ chặt. Khi thấy cái khăn sắp bị tụt xuống, con cáo nhỏ vội cắn giữ thêm một góc cổ áo. Phải giữ cùng lúc hai vật là một nỗ lực rất lớn. Điệu bộ lẫn ánh mắt của nó vừa buồn cười vừa tội nghiệp. Có lẽ, nó không muốn rời xa tôi. Chỉ đến khi nhận được cái vuốt ve thật nhẹ, cục bông gòn mới an tâm nhả những món đồ đã bị cắn ướt đẫm ra. Đúng là con vật hư hỏng thích phá hoại. Đêm, tranh thủ thời gian rảnh rỗi khi chờ nước thuốc cô đặc lại, tôi đưa con cáo nhỏ ra sân. Trên nền trời, trăng chưa tròn đầy nhưng vẫn to và rất sáng. Những hoa văn được tạo nên từ những vùng tối gần như hiện rõ trong tầm mắt. Nguyệt quang phủ lên mặt sân, rọi xuống mặt hồ Thanh Tẩy và phản chiếu một phần lên mái ngói của ngôi đền. Con cáo trắng ngồi trong sân ngắm trăng cùng tôi. Nó dán mắt lên vật thể đầy ánh sáng trên nền trời, khẽ đong đưa những chiếc đuôi dài. Còn tôi lại nhìn bộ lông trắng xốp của cục bông gòn khi được ánh trăng bao phủ. Con vật này bình thường đã đủ đáng yêu, giờ lại được ánh trăng tô điểm nên càng thêm huyền bí và đầy mê hoặc. Nếu như nó có thể ngồi trên cành cây cây anh đào trong sân, xòe tròn chín cái đuôi dài, ngẩng cao đầu đầy kiêu hãnh nhìn về phía mặt trăng, e rằng, tôi sẽ nghĩ nó là hiện thân của thần Inari. “Bông gòn của chị, đến mai trăng sẽ tròn. Truyền thuyết kể vào những đêm như vậy, sức mạnh của mặt trăng và yêu lực của loài hồ li sẽ đạt cực đại. Nếu bông gòn là hồ li tinh thật, đến lúc đó, đừng biến thành ai để hù dọa chị nhé.” Tôi xoa đầu con vật nhỏ, dặn dò rồi ôm nó, thì thầm. “Giá như cục bông gòn biết nói thì hay quá. Chị muốn có người trò chuyện. Sống một mình ở đây, sự yên tĩnh đôi lúc khiến chị phải sợ hãi.” Rồi tôi tự cười mình và nói tiếp. “Chị thật sự là kẻ khó chiều. Trước đây, khi đi làm ở quán bar, phải chạy qua chạy lại giữa đám đông ồn ào, chị vẫn thấy lạc lõng. Nhưng khi về phòng trọ, ngồi giữa bốn bức tường, cảm giác cô đơn khiến chị mệt mỏi và thèm được nghe tiếng người. Nhiều lúc, chị không hiểu nổi mình. Chị rắc rối quá, đúng không, cục cưng?” Dù không nhận được hồi đáp từ phía con vật nhỏ, nhưng tôi lại thấy lòng nhẹ đi đôi chút. Nụ cười chợt trở về một cách kín đáo, nhẹ nhàng và chỉ mình tôi cảm nhận được. Hóa ra, chia sẻ cũng mang đến chút niềm vui mơ hồ tựa như nhìn thấy một tia sáng mỏng khi đã lạc bước quá lâu giữa màn sương dày. Khi ước lượng thời gian nấu thuốc đã đủ, tôi để cục bông gòn ngồi trong sân, còn mình thì bắt đầu công việc chăm sóc bệnh nhân. Hơn một ngày kể từ khi đến đây, tình hình của Hyuga đã có chút khởi sắc. Hơi thở của anh ta bắt đầu mạnh mẽ, đều đặn và đi vào quỹ đạo ổn định. Sắc mặt cũng hồng hào và nhiều sinh khí. Anh ta hiện giờ giống với một người ngủ say nhiều hơn là đang hôn mê sâu. Thuốc bổ được rót ra chén. Ba chén nước cô đặc chỉ còn một, mùi rất nồng và vị rất đắng. Nhưng những mùi vị này chắc chỉ có tôi biết. Bởi kẻ ngủ say vẫn ngồi yên mà không phản ứng khi muỗng nước đắng đó được đưa vào miệng. Hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân, tôi vào phòng tắm và không quên mang theo cục bông gòn. Con vật nhỏ quẫy đạp phản kháng, khắp người nó nóng ran lên khi bị kéo vào bồn nước ấm. Nó dùng mọi cách để thoát khỏi tay tôi và phóng ào xuống sàn. Tôi rướn người, nhanh tay tóm lấy mấy cái đuôi dài, xách ngược con vật bướng bỉnh lên rồi vội vàng đặt nó lên bàn đựng mĩ phẩm treo gần đó. Lần này, mặt tôi cũng nóng không thua gì thân nhiệt của nó. Cục bông gòn là con đực. Một con cáo đực có cảm xúc, nhận thức và suy nghĩ như một người trưởng thành. Nói chính xác, thú cưng của tôi đích thị là hồ li tinh. Con vật đáng thương dùng đôi mắt đầy căm giận nhìn tôi rồi nhảy khỏi vị trí, mang bộ lông nửa ướt nửa khô lủi thủi đi ra ngoài. Mấy cái đuôi dài ướt sũng trải trên mặt sàn, bị kéo lê để lại những vệt nước dài từ bồn tắm ra đến tận cửa. Nghệ thuật trách móc của con cáo còn cao hơn con người như tôi. Đúng là cáo tinh. Tôi hít một hơi thật sâu, lặn hẳn xuống bồn nước, tự hỏi, những hành động vừa rồi của mình có bị xem là sàm sỡ, là biến thái hay không? Khi đã mặc quần áo thật nghiêm chỉnh, tôi đi ra ngoài, tìm xem con thú nhỏ đang ở đâu. Tôi đi quanh đền, gọi đủ to để cục bông gòn có thể nghe thấy. Ở nơi rừng sâu hoang vắng này, dù có bị cọp vồ cũng không ai hay nói chi đến việc giả tiếng cáo tru, hú xuyên màn đêm. Thế nhưng, mọi nỗ lực kêu gọi của tôi đều vô ích. Con vật nhỏ đã giận đến mức không muốn nhìn thấy tôi. Bất lực và mỏi mệt, tôi mang áo ấm vào trong bếp lót thành chỗ tạm rồi ngủ một giấc. Âm thanh ồn ào hỗn tạp đánh thức tôi. Dù là chưa thật sự tỉnh táo nhưng tôi vẫn nhận ra nơi này là lớp học. Tôi ngồi giữa một tập thể gồm những người bạn thời Trung học Phổ Thông và những người bạn Đại học. Bên cạnh tôi là Hoài Thu và Thu Hương, phía trước tôi là bọn nữ nhân tên Quỳnh điệu đà thích phấn son. Mỗi nhóm tụ lại bàn một việc rất vui vẻ. Cho đến khi giảng viên đi vào lớp, bắt đầu bài giảng điện tử thường nhật, trật tự trở về và những cô cậu sinh viên khoác lên mình vẻ ngoài ngoan hiền, chăm chỉ rất lạ. “Học xong, cả lớp ra sân chụp hình lưu niệm với thầy.” Thầy đề nghị. Tiếng ngòi bút ghi chép sột soạt chợt dừng lại. Lớp trưởng Tuyết Quỳnh đứng lên, mau miệng yêu cầu: “Bây giờ lớp hiện diện đầy đủ, lớp mình chụp hình lưu niệm ở đây luôn đi thầy. Em có nhờ mấy anh nhíp ảnh nghiệp dư bên Nhịp Sống Trẻ hỗ trợ. Thầy gật đầu cho cả lớp triển khai luôn nha thầy.” Thầy gật đầu. Nhóm hỗ trợ trang phục bên cửa hàng in tư liệu Nhịp Sống Trẻ mang lễ phục tốt nghiệp vào, phát cho mỗi người một bộ nhưng họ lướt qua tôi như thể không nhìn thấy. Tôi đứng dậy, định đuổi theo hỏi chuyện trang phục nhưng hai chân lại dính chặt trên mặt đất, không cử động được. Bọn con gái trong lớp ồn ào ra vào phòng vệ sinh, thay trang phục, chải tóc, tô son. Những tấm hình lưu niệm của một tập thể không có sự hiện hữu của tôi lần lượt ra đời. Những gương mặt rạng ngời, vui vẻ cùng tranh nhau xem và bình luận về các bức hình. Thầy đứng giữa tập thể những cô cậu quậy phá, trong mắt thoáng chút xúc động khi được cả lớp vây lấy, xin chữ kí và xin được chụp riêng với thầy. Hai đứa bạn thân ngồi chung bàn cũng bỏ mặc tôi. Họ rủ thêm những thành viên còn lại trong nhóm chụp hình riêng. Huyền Trâm, sau mấy phút chen chân, bị Thu Hương nắm tay, kéo ra ngoài, tụ họp với cả nhóm ở ban công của dãy nhà A8. Còn tôi, vất vả lắm mới có thể ra ngoài cùng họ nhưng chỉ nhận được sự phớt lờ lạnh nhạt. Tôi như kẻ vô hình giữa một đám đông náo nhiệt. Hòa cầm điện thoại riêng, xếp đội hình cho cả nhóm rồi nhanh chóng vào vị trí. Trước khi bấm máy, Hòa chợt nói, giọng hơi tiếc nuối: “Phải mà Quỳnh Anh còn ở đây…” “Nó nghỉ rồi, bỏ qua đi.” Hảo gạt ngang. “Nó nghỉ học đi làm, có phải tự tử đâu. Má cứ diễn sâu hệt như đi đưa đám.” Thu Hương gắt. “Có khi nào tụi nó rủ nhau nghỉ để lén cưới không?” Khải vò cằm, ra vẻ đăm chiêu. “Tụi nó? Còn ai nữa ông tướng?” Hoài Thu thắc mắc. “Quảng Trường đó. Thằng bạn ở nhà thờ, chuyên đóng kịch, múa hát cho nhà thờ vào lễ Giáng Sinh đó, nhớ không? Nó nghỉ từ hồi đầu năm hai rồi.” Khải trả lời rồi cằn nhằn. “Thu quên rồi hả? Bạn bè gì mà hời hợt quá vậy?” Hoài Thu chưa kịp thanh minh thì đã bị Hòa chen ngang, giọng nửa đùa nửa thật: “Bà Thu chỉ quan tâm ăn gì không ú, uống gì không tăng cân. Mấy thứ đó mới là mối quan tâm hàng đầu của vựa mỡ trong nhóm mình đó, ông tướng.” Và những tiếng cười rộ lên. Tôi đứng lặng trước khung cảnh đang diễn ra một lúc lâu rồi tự cười mình và bước từng bước nặng nề xuống lầu. Tôi nhìn thấy tất cả nhưng không ai thấy tôi. Bởi tôi đã tự tách khỏi cộng đồng và tương lai lẽ ra tôi phải có. Tôi đánh mất những điều tôi từng khát khao, trân trọng nhất vì cái gì? Thời gian qua, tôi đã làm được những gì? Không hiểu tại sao một kẻ vô cảm như tôi lại khóc và khóc rất nhiều nhưng không tài nào tự đưa tay lau đi được. Nước mắt cứ chảy xuống. Hai tay cố gắng nhấc lên, cố gắng thoát khỏi ngoại lực nặng nề và vô hình đang khống chế. Mọi nỗ lực trở thành vô nghĩa. Tôi không thể làm được gì cho chính mình, dù chỉ một chút. Từng bậc cầu thang sau lưng tôi chìm dần vào bóng tối. Trường Đại học bỗng nhiên tĩnh lặng đến nao lòng. Mọi thứ xung quanh như bị đông cứng rồi vỡ nát trong câm lặng. Trước mắt tôi là tấm ảnh của kẻ đã gián tiếp khiến tôi nghỉ học. Không chút do dự, tôi giật lấy, xé vụn và ném xuống khoảng tối dưới chân. Khoảnh khắc đó, cổ họng tôi nghẹn đắng, lồng ngực bị chèn ép, khó chịu như sắp nổ tung mà không thể hét lên. Rồi chính tôi cũng bị hút vào vực thẳm dưới chân. Cảm giác bị rơi tự do khiến tôi giật mình thức giấc. Tôi vẫn nằm trên chiếc giường gỗ trải đầy áo ấm ở nhà bếp. Thoát khỏi giấc mơ buồn, nhịp tim bỗng đập rất nhanh, cảm giác nghèn nghẹn ở cổ họng vẫn còn nguyên vẹn, và nước mắt là thứ không hẹn mà tuôn rơi. Ở lối ra vào, tiếng kêu rất nhỏ của con cáo nhỏ khẽ len qua đêm đen tĩnh lặng. Hai đốm sáng xanh màu ngọc lục bảo lơ lửng tiến đến gần và bay vụt lên, hạ cánh đúng chiếc áo khoác dài đang đắp trên người tôi. Mùi hương quen thuộc lan tỏa chậm rãi trong không gian. Là cục bông gòn ương ngạnh. Nó biết tôi đang buồn nên cố tình quay về, xoa dịu cảm xúc tiêu cực do giấc mơ vừa qua tạo ra bằng hương thơm kì lạ bẩm sinh khác biệt với giống loài. Con vật này luôn gợi nhắc về người con trai từng xuất hiện trong giấc mơ khi tôi còn tạm trú trong khách sạn tại Kansai. Mùi hương của nó hệt như mùi thơm tôi từng ngửi thấy. Nhưng từ ngày cục bông gòn xuất hiện, cơn ác mộng đó không quấy rầy tôi nữa. Tôi ôm chặt con cáo ngốc trong tay, cắn môi im lặng, để cho nước mắt tự chảy, tự khô đi rồi nằm xuống, đặt nó nằm cạnh, kéo chiếc chăn tạm che cho chắn cho tôi lẫn nó và cố dỗ mình vào giấc ngủ. Đêm đã tàn nhưng bên ngoài vẫn chưa có nắng. Sau bữa điểm tâm vội vàng, tôi dọn dẹp và mở cửa đền. Sương mù cùng hơi lạnh vây kín không gian. Gió khẽ rít qua kẽ lá. Âm thanh xào xạc giống hệt sinh vật bò sát chậm rãi trườn qua cành cây, vô tình tác động tạo ra chuỗi tiếng động của những chiếc lá. Rùng rợn và đáng sợ. Hôm nay, đền vắng khách viếng thăm. Tranh thủ chút thời gian rảnh rỗi hiếm hoi, tôi vào kiểm tra tình hình sức khỏe của Hyuga. Sau một thời gian được chăm sóc đặc biệt bằng thảo dược đậm đặc, thần sắc, hơi thở và thân nhiệt của người bệnh đã được cải thiện đáng kể. Chắc chắn, khát khao thoát khỏi chế độ chăm sóc đáng sợ đã thôi thúc Hyuga phải khỏe lại để trở về thế giới con người. Tôi nghĩ vậy. Bát thuốc dưới bếp là bát thuốc cuối cùng cho Hyuga. Theo hướng dẫn trong quyển sách tôi từng tìm được dưới hộp phong ấn, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân quyết định đến nồng độ của thuốc. Sức khỏe càng tốt thì liều lượng thảo dược trong thuốc càng cao. Mùi thuốc hôm nay nồng đến nỗi cục bông gòn phải nấp ngoài cửa bếp, dùng đôi mắt đầy vẻ van xin nhìn tôi. Còn tôi, khi bắt gặp ánh mắt của con cáo nhỏ, tôi có cảm giác mình là mụ phù thủy độc ác đang chuẩn bị giết người bằng món độc dược đang nấu trên bếp. Tôi cầm bát thuốc vào nơi Hyuga đang nằm, còn cục bông gòn thì nỗ lực giữ chân tôi bằng cách cắn chặt ống quần, kéo giật lại. Nhưng đến cuối cùng, tôi kéo luôn con thú cưng vào phòng và bắt đầu trách nhiệm của một thầy thuốc với người bệnh. Tiếng rên đáng thương của con cáo nhỏ khiến tôi dừng tay. Con cáo nhỏ nhìn tôi, lắc đầu liên tục. “Tên này không cần uống thuốc nữa? Ý cưng là vậy?” Tôi hỏi. Không hiểu sao, trong thời khắc này, tôi tin vào linh tính của cục bông gòn nhiều hơn là tin vào chính mình. Cục bông gòn gật đầu. Trong đôi mắt con cáo là sự khẳng định trong im lặng nhưng vô cùng chắc chắn. Tôi nhìn Hyuga và bật ra một yêu cầu ngớ ngẩn: “Nếu không muốn uống thuốc, anh cử động một ngón tay ra hiệu cho tôi.” Và trong sự bất ngờ của tôi, ngón tay trỏ ở bàn tay trái của Hyuga khẽ cử động. Tôi liếc sang bát thuốc và tuôn ra một chuỗi tiếng cười độc ác, nhận xét: “May cho anh đấy. Xuống giường được nhớ cảm ơn thần Inari.”
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]