🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Một tháng làm ở Thư Kỳ đủ để trả nợ và sống thảnh thơi với một công việc nhàn hạ khác thêm một thời gian. Sau khi nhận lương, tôi xin nghỉ và không quay lại nơi đó nữa. Tôi đổi nơi ở trọ, xin làm phục vụ ở Panorama cách xa trung tâm thành phố để không gặp lại tên điên đó nữa.
Tôi chủ động liên lạc với cảnh sát Lâm Đồng, xin được hợp tác với họ để phối hợp bắt trọn bọn cho vay nặng lãi. Muốn làm được điều đó, tôi phải chấp nhận hi sinh.
Ngày bọn chúng đến thu lãi suất, tôi không đóng. Nhiều ngày liên tục như vậy, bức tường xung quanh cửa phòng trọ nơi tôi ở bị tạt đầy đầy sơn đỏ. Bà chủ phòng trọ không hiểu chuyện gì xảy ra nên cằn nhằn, dọa đuổi tôi ra ngoài. Tôi mặc kệ. Đến nước này, không còn thứ gì đáng để sợ nữa. Tôi vẫn đi làm từ sáng sớm và tăng ca, làm thêm đến tận mười giờ đêm.
Một con nợ không bao giờ thoát khỏi sự truy sát của lũ người cho vay. Một buổi tối, khi vừa rời khỏi Panorama một đoạn, tôi bị bọn chúng ép xe vào đoạn đường vắng, đánh. Chút võ phòng thân chỉ đủ giúp tôi chống trả được một lúc rồi nhanh chóng thất thế. Năm, sáu tên đàn ông cao to cầm dao lao vào chém, chửi mắng. Thời gian đó, tôi không nhìn thấy gì ngoài những cái chân đạp lên người mình cùng những nhát chém tới tấp lên quần áo của mình.
Cảm giác đau rát của da thịt bị cắt đứt khiến tôi thét lên theo bản năng. Máu từ nơi bị chém chảy ướt khắp tay áo và váy đồng phục đi làm. Tôi gượng dậy, định liều với chúng thì lại bị đạp ngã dúi xuống đường. Mắt tôi hoa lên vì mất máu quá nhiều. Chút sức lực còn lại trong người nhanh chóng bị bào mòn. Những hình ảnh trước mắt dần nhòe đi. Trước lúc ý thức tạm thời mất đi, tôi nghe thấy tiếng còi xe cảnh sát.
Sau một giấc ngủ dài, tôi thức giấc ở một nơi ngập màu trắng và mùi thuốc sát trùng. Ngoài những vật dụng thường thấy ở bệnh viện cùng nữ y tá đứng bên ngoài, người đầu tiên mà tôi nhìn thấy là tên phiền phức từng bị chính tôi ruồng bỏ.
Anh ta vội lấy gối và chăn ở đầu giường xếp chồng lên thành điểm tựa, để tôi dựa lưng lên đó khi nhận ra tôi muốn ngồi dậy.
“Chắc em đau lắm.” Anh ta nhìn cánh tay phải bị quấn băng trắng xóa, nhận xét bằng giọng lo lắng rồi lại chuyển sang trách móc, “Tại sao em lại làm như vậy? Nếu cảnh sát không đến kịp, em sẽ chết đó!”
“Được vậy càng tốt.” Tôi điềm nhiên đáp lại.
“Bạn anh nói đã bắt được bọn tín dụng đen. Họ sẽ tiến hành thẩm tra vào ngày mai. Nếu em không khỏe, anh sẽ bảo họ dời việc lấy thông tin vào ngày khác.”
“Còn nói được là còn sống. Không cần anh lo.”
“Chuyện của tháng trước, em quên đi được không? Anh xin lỗi. Lúc đó, anh đã mất kiểm soát nên hành động không đúng. Đừng giận anh nữa.”
“Chỉ những tên đạo đức giả mới xin lỗi một con điếm. Anh là khách, muốn làm gì thì làm. Chỉ cần anh trả đủ tiền cho tôi là được.” Tôi châm chọc rồi nhếch môi cười.
Chút nhẫn nại cuối cùng bị phá vỡ. Anh ta tức giận, định tát vào mặt tôi nhưng lại cố kiềm chế, đứng lên rồi đi ra ngoài.
Tôi bật cười. Nếu bị đánh cũng đáng thôi. Những điều tôi nói vốn là sự thật hiển nhiên. Chỉ những kẻ ăn chơi thác loạn mới dám đặt chân vào Thư Kỳ, và tất cả những nữ PG trong bar đều bị xã hội này tặng cho cái danh “đào” hoặc “con điếm”. Không biết anh ta sẽ nhẫn nhịn đến khi nào, nhưng tôi biết, chọc giận anh ta là thú tiêu khiển duy nhất để giết thời gian khi phải nằm lại trong bệnh viện buồn chán này.
Kẻ đáng tội lại quay về phòng bệnh khi tâm trạng đã ổn định và chạy đến bên giường, dìu tôi đứng dậy.
“Em định đi đâu?”
“Đi vệ sinh.”
“Để anh cõng em.”
“Tôi không phải phế nhân! Cút đi!” Tôi gạt phăng ý tưởng điên rồ đầy chà đạp đó rồi tự đến nên mình muốn đến.
Tuy không thể đứng vững như một người bình thường vì vết chém ở chân nhưng tôi chưa tàn phế đến mức phải nhờ vả, dựa dẫm anh ta.
Cảnh sát đến. Họ là bốn người con trai khá trẻ, tuổi tác ngang bằng và lớn hơn tên phiền nhiễu đang trực ở phòng hồi sức một chút. Trước khi tôi xuất hiện, họ tỏ ra vui vẻ, thân thiết với tên công tử si tình như những người bạn lâu ngày gặp lại. Khi thấy bóng tôi thấp thoáng ở cửa, những nhân vật mặc cảnh phục tỏ ra nghiêm túc, vờ bắt tay anh ta thay lời cảm ơn đã nhiệt tình hợp tác rồi đợi tôi trở về vị trí để lấy thông tin.
Những chuyện đã trải qua, những việc liên quan đến nhóm cho vay nặng lãi được ghi chép theo lời kể của tôi, không sót một chút nào. Vào lúc nhiệm vụ hoàn thành, trước khi rời khỏi phòng, một viên cảnh sát trẻ nán lại, nói với tôi:
“Chúng tôi thành thật cảm ơn sự hợp tác của em. Còn em, em nên cảm ơn Minh Quân. Nếu không có nó, thương tích của em sẽ không nhẹ như bây giờ.”
“Lúc đó… Khi em ngất đi, đã xảy ra chuyện gì?” Tôi nhíu mày hỏi và cũng cố nhào nặn, kiểm tra những kí ức về khoảng thời gian kinh hoàng đó. Thế nhưng, trong cái đầu đau như búa bổ chẳng có gì ngoài một khoảng trắng mơ hồ đang ngự trị.
“Nó lao vào giữa đám côn đồ, chịu thay em một nhát chém ở lưng.” Viên cảnh sát trả lời. “Khi vào bệnh viện, nó bảo tình hình của em đáng lo hơn. Phần mình, nó chỉ xin kháng sinh và băng bó tạm thời. Suốt đêm qua, nó trực trong phòng này để quan sát tình hình của em.”
Tôi khẽ lắc đầu, cười nhẹ:
“Nếu không mang gương mặt giống người cũ của anh ta, chắc chắn, anh ta sẽ cư xử khác.”
“Đừng khẳng định như vậy. Nếu nó chỉ xem em là người thay thế, nó sẽ không quan tâm em như vậy.”
“Dù sao thì cũng cảm ơn tất cả mọi người đã giải thoát em khỏi đám người đó. Còn chuyện của anh Quân, em sẽ xử lý theo cách của riêng em.”
Thời gian không cho phép viên cảnh sát trẻ nán lại tranh luận, thuyết phục tôi. Con người theo đuổi công lí và chính nghĩa có điều kiện miễn cưỡng đi ra ngoài.
Đêm trong bệnh viện khá yên tĩnh. Tôi dán mắt vào quyển tạp chí do tên si tình mang vào, đọc đến trang cuối cùng thì rời mắt, liếc nhìn kẻ bị người tình ruồng bỏ đang ngủ gà ngủ gật bên giường. Dáng vẻ mệt mỏi đáng thương của anh ta làm tôi tự hỏi, liệu người nhà của tên công tử này có biết anh ta đang ở đây, sáng chiều hai buổi chỉ biết nuốt cơm của bệnh viện để sống hay không? Một tên con trai nhà giàu, ăn chơi sa đọa lại vì một người như tôi mà chịu đau đớn thể xác, chấp nhận sống cuộc sống bình dân chỉ để nuôi mộng “bắt đầu lại”. Chuyện này nực cười và hoang đường nhiều hơn là cảm động.
Mười giờ đêm. Mắt tôi đã mỏi đến nỗi không thể nhìn rõ thứ gì. Tôi nhắm mắt một lúc nhưng không ngủ. Bên ngoài có tiếng bước chân. Có lẽ là của y tá nào đó trực đêm đang đến gần. Tiếng cửa mở. Tôi gượng mở mắt nhìn người vừa bước vào phòng.
“Thuốc giảm đau và kháng sinh đây ạ. Em xin phép…” Nữ y tá vừa đi vào đặt hai túi thuốc lên bàn, nói và đi ra phía cửa.
Tôi ‘vâng’ một tiếng đáp lễ rồi tựa người lên đống gối chăn sau lưng, liếc mắt nhìn túi nhựa trong suốt đựng thuốc đặt cạnh túi thuốc cũ của tên công tử bột đang ngủ. Một túi được buộc vụng về theo kiểu của nhà thuốc tư nhân nằm cạnh một túi zip có in logo cùng tên bệnh viện, bên trong là thuốc kèm tờ giấy hướng dẫn liều lượng sử dụng do chính bác sĩ viết. Tuy cách đóng gói có chút khác nhau nhưng chúng vẫn là thuốc. Vẫn là tiền mà phía bác sĩ quyết tâm lấy đi từ tay người bệnh.
Hai mi mắt của tôi đã nặng đến nỗi khi thể thức được nữa. Cơn buồn ngủ ập đến nhưng giấc ngủ ngắn ngủi bị kết thúc bởi tiếng kêu do con vật nào đó vừa lướt qua. Âm thanh khá cao, kéo dài và tuyệt nhiên không kéo theo một chút tạp âm. Có lẽ là tiếng kêu của mèo ăn đêm.
Khung cảnh trong phòng dần rõ nét khi tôi mở mắt ra một lần nữa. Rèm cửa vẫn chưa được kéo lại. Bên ngoài là khoảng không gian sáng tối xen lẫn do ánh trăng tạo nên. Thoáng nhìn qua, kiệt tác nghệ thuật của thiên nhiên khiến người ta rùng mình bởi nó hệt như dáng ngồi của một người con trai, cả gương mặt bị bóng tối giam giữ chỉ để lộ đôi mắt được ánh trăng viền sáng nhìn chằm chằm vào tôi.
Sự hiếu kì buộc tôi xuống giường, đến gần cửa sổ để ngắm kĩ bức tranh quái dị trước mắt mình. Một sinh vật nào đó phóng vụt qua. Ảo giác cũng theo đó tan đi. Trước mắt tôi là một bụi cây to với những tán lá thấp cao xen kẽ phía sau ô cửa kính được ánh trăng bao phủ. Cửa sổ đã bị khóa chặt, không thể mở ra nên ý chí khám phá của tôi cũng không còn.
Cửa lại mở. Nói chính xác hơn, nữ y tá đã từng vào phòng chỉ chọn cách khép hờ, vì một lí do nào đó. Không một động thái báo trước, người vừa đến xông vào phòng, tấn công tôi bằng dao phẫu thuật. Tôi chụp lấy cánh tay cầm dao, vặn mạnh xuống rồi tung một cú đá mạnh vào nơi phải đá. Nhân lúc hắn ta khụy xuống, tôi chạy nhanh ra phía cửa chính.
Đèn ở hành lang bệnh viện đã tắt, chỉ có chút ánh sáng mờ do mặt trăng hắt vào, nhờ lớp gạch men trắng phản chiếu lên trần. Và bên ngoài đã có hai nhân viên y tế khác trực sẵn. Họ đến để giúp tên kia giết tôi. Hai con dao phẫu thuật sượt qua mặt và xuyên qua lớp vải áo trên tay, đâm vào lớp băng gạc đang che chắn cho vết chém trước đó khi tôi giơ tay đỡ. Nhưng bây giờ không phải lúc để quan tâm thân thể lãnh thêm bao nhiêu vết trầy. Nghĩ cách thoát thân vẫn thiết thực hơn.
Khi tôi vẫn đang loay hoay trong vòng vây kìm kẹp của hai tên giang hồ giả dạng y tá, ai đó trong phòng lao ra, nắm vai hai tên côn đồ, giật ra. Người vừa giải cứu cho tôi lãnh một nhát dao. Anh ta cũng như tôi, phớt lờ thương tích và tiếp tục đánh.
Sự giúp đỡ kịp thời của anh ta giúp tôi dễ dàng đối phó với bọn chúng hơn. Sự chênh lệch về kinh nghiệm giao tranh bằng võ thuật giúp anh ta nhanh chóng khống chế đối thủ. Không lâu sau đó, tôi bắt giữ tên còn lại bằng chiêu hiểm bản thân thường sử dụng.
Có tiến bước chân rầm rập chạy đến, đèn hành lang được bật sáng. Một vài nữ y tá trẻ cùng nhân viên bảo vệ đứng chết sững trong giây lát vì bất ngờ bởi cảnh tượng trước mắt.
“Phiền cô y tá gọi thêm nhân viên y tế và cảnh sát đến đây.” Anh ta điềm nhiên yêu cầu.
Nữ y tá vội vã làm theo.
Tôi liếc sang tên bại tướng trong chuyện tình cảm, hỏi:
“Áo của anh đâu? Cởi trần khoe xương à?”
“Lấy trói tên kia rồi.” Anh ta hất cằm về phía phòng hồi sức. “Nó rên đủ lớn để đánh thức tôi. Cô mạnh tay quá. Lỡ nó chưa cưới vợ thì sao?”
“Lũ người như nó không nên đẻ trứng.” Tôi đáp lại bằng giọng nửa thật nửa đùa. “Đánh nó xong tự nhiên hối hận. Không biết mình có bị bắt vì tội hành hung người khác không?”
“Có tiền là qua hết!” Anh ta bật cười.
“Nói nghe thật nhẹ nhàng.”
“Nhà không có gì ngoài tiền.”
Anh ta bật cười, còn tôi thì không cười nổi.
Cảnh sát đến. Vẫn là những con người chuyên tâm, cần mẫn mà tôi từng gặp. Họ bắt giữ những tên hành hung người lúc nửa đêm trừ tôi. Anh ta đứng dậy, đi theo nhân viên y tế qua phòng phẫu thuật và bảo tôi về phòng hồi sức.
Theo suy đoán từ phía cảnh sát, ba tên vừa bị bắt có thể là đồng bọn của bọn cho vay nặng lãi. Suy luận này sẽ trở thành sự thật sau khi thẩm ra lấy lời khai.
Ngồi một mình giữa bốn bức tường trắng lạnh lẽo, tôi lại hướng mắt ra phía cửa sổ. Ảo giác trước vụ tấn công không lặp lại. Nếu không nhờ hình ảnh đó, tôi đã ép mình vào đường cùng theo bản năng thoát thân bằng đường cửa sổ.
Vào lúc vừa quay mặt về phía cửa chính, bóng một sinh vật giống mèo lại phóng vụt qua cửa sổ. Lần này, thứ ấn tượng lưu lại trong đầu tôi là một vài cái đuôi khá dài cùng tập trung vào một xuất phát điểm khi sinh vật đó lướt qua góc nhìn hẹp của mắt.
“Chưa ngủ à?” Tên thất tình từ bên ngoài đi vào, hỏi.
“Anh nên ngủ sớm. Tôi có một số chuyện muốn hỏi anh vào ngày mai.” Tôi trả lời.
“Người ta đuổi thì mình đi.” Sự thất vọng vì bị xua đuổi khiến anh ta ra ngoài đầy gượng ép.
Không còn ai trong phòng hồi sức nữa, tôi xuống giường, cẩn thận đóng cửa lại rồi quay về giường ngủ, lục túi xách, lấy điện thoại ra, mở tài khoản mạng xã hội của mình ra xem. Có một tin nhắn từ một trang chuyên viết về bộ truyện tranh tôi từng thích do người nước ngoài lập gửi đến. Trong lịch sử nhắn tin, tôi và quản trị viên của trang này từng trò chuyện với nhau suốt một thời gian dài trước khi hai bên cùng im lặng.
Tin nhắn mới nhất là một chuỗi kí tự tiếng Nhật với đại ý là lâu rồi không gặp.
Tôi mỉm cười. Đúng là rất lâu. Gần sáu năm kể từ ngày tôi vào lớp Mười. Ba năm Phổ thông khiến tôi quên mất mọi thứ, sau đó lại là một năm ôn luyện để thi lại và theo đuổi ngành học mà tôi yêu thích, cuối cùng là khoảng thời gian tăm tối này. Mọi chuyện dồn dập xảy đến, vùi lấp mất thời gian dành cho người bạn tri kỉ phương xa chưa một lần gặp mặt.
Một tin nhắn khác gửi đến. Người nhắn hỏi thăm tình hình sức khỏe của tôi và trình bày về những khó khăn đang gặp phải rồi yêu cầu được giúp đỡ. Cha của cậu bạn ấy vừa mất, mẹ của cậu ấy bị sốc tâm lý sau khi chứng kiến sự ra đi đột ngột của chồng. Gia đình cậu ấy phải chuyển về Tokyo để chăm sóc mẹ. Và ngôi đền của gia đình cậu ấy sắp rơi tình trạng bị bỏ hoang do không có ai trông giữ.
Sự hoài nghi buộc tôi nhắn tin, hỏi về những người khác như anh chị, cô dì trong họ hàng của cậu ấy. Lẽ nào cả một dòng họ không có lấy một người rảnh rỗi?
Và Heian trả lời là không một ai có thời gian. Họ đều có công việc riêng. Heian tuy không phải con trai duy nhất trong nhà, nhưng lại là người được giao nhiệm vụ tiếp quản đền; còn về mẹ của Heian, sau tai nạn, bà xem Heian là chỗ dựa tinh thần duy nhất và sợ mất cậu ấy hơn bao giờ hết. Heian không thể chọn chăm sóc mẹ và ngôi đền bởi vì vùng quê ngôi đền đang tọa lạc khá hẻo lánh, nếu muốn đưa mẹ đưa tái khám định kì cho một liệu trình điều trị lâu dài sẽ rất khó khăn.
Chút lí lẽ đó tạm thời thuyết phục được tôi.
Cậu ấy nói thời gian của chuyến bay do tôi quyết định. Càng sớm càng tốt. Cậu ấy sẽ lo cho tôi một nửa tiền vé máy bay cùng thủ tục nhập cảnh. Tôi muốn ở lại Nhật bao lâu cũng được, bởi ở đó sẽ có rất nhiều việc cần tôi làm.
Tin nhắn sau cùng là một tấm ảnh do chính cậu ấy hóa trang thành nhân vật trong bộ phim hoạt hình tôi rất thích. Một cậu con trai với mái tóc dài màu đỏ tươi. Cậu ấy dặn, khi xuống sân bay, hãy tìm một tên nào đó ngông ngông điên điên ăn mặc dị hợm như trong hình, tuyệt đối không được đi theo người khác.
Tôi cố nhịn cười.
Tính đến thời điểm hiện tại, cậu ấy chỉ lớn hơn tôi một tuổi. Trong mắt người khác, tôi và Heian đều là người trưởng thành. Những kẻ trưởng thành về thể chất nhưng suy nghĩ vẫn có chút trẻ con, giống hệt như sáu năm trước.
Sự lựa chọn vẫn nằm ở tôi. Viện cớ cần chút thời gian để thu xếp công việc ở Việt Nam là một cách kéo dài thời gian không tồi. Sớm muộn gì cũng phải rời khỏi mảnh đất đáng sợ này. Thế nhưng, mục đích sau cùng vẫn chưa hoàn thành nên tôi chưa thể đi.
Có lẽ cậu ấy biết không thể ép buộc nên đồng ý bằng tin nhắn hi vọng sẽ nhận được hồi âm của tôi trong thời gian sớm nhất.
Sáng sớm, tôi cùng tên thất tình ra khỏi bệnh viện. Sau chuyện đêm qua, phía cảnh sát cử người đi theo bảo vệ. Không khó để nhận ra nam cảnh sát trẻ mặc thường phục đi phía sau cách tôi và anh ta vài mét. Giống hệt với cảnh thám tử lén lút rình rập những đối tượng nằm trong diện bị tình nghi.
Suy nghĩ kì quặc tạo ra một điệu cười nửa miệng đầy tinh quái. Hình ảnh đó không qua được mắt của tên thất tình. Anh ta gợi ý:
“Nếu em thấy khó chịu, anh sẽ bảo cảnh sát đi qua nơi khác.”
“Không có gì. Dù sao thì chuyện tôi định hỏi cũng chẳng quan trọng.” Tôi lấy lại vẻ mặt lạnh lẽo thường ngày, giữ ngữ điệu bình thản hỏi, “Anh nghĩ sao về vụ tấn công đêm qua?”
“Cũng như em. Tôi suýt chết nếu không kịp thức dậy.”
“Chúng ta đều là nhân chứng lẫn nạn nhân của cả hai vụ hành hung. Lần đầu bị đánh là do tôi cố tình quỵt nợ, còn anh bị đánh là do thích làm anh hùng. Lần thứ hai bị đánh là do chúng muốn trả thù hoặc giết người bịt miệng. Anh cũng như tôi. Tại sao chúng lại chọn tôi làm mục tiêu đầu tiên?” Tôi giả vờ suy luận rồi tự hỏi, “Tới số chết rồi chăng?”
“Đừng suy nghĩ như vậy. Giống như em từng nói, chúng muốn thủ tiêu nhân chứng nên nhắm vào em. Còn về phía tôi…”
“Anh chỉ là một người nào đó không đáng để chúng bận tâm. Đúng không?” Tôi ngắt lời anh ta.
“Ý em là gì?”
“Chỉ là tôi thấy nực cười. Thứ nhất, ngay từ đầu, chúng đã cẩn thận tính toán bằng cách cho người giả dạng y tá mang thuốc vào thăm dò tình hình trong phòng hồi sức. Thứ hai, ngay cả khi biết trong phòng có hai người, đều là những kẻ có liên quan, nhưng chúng chỉ nhắm vào tôi. Cuối cùng, anh luôn là người có dư thời gian để trói tên tấn công tôi, và cũng là người có mặt kịp thời ở hành lang để giúp đỡ con nhỏ này.” Tuy không thể hình dung ra vẻ mặt của mình lúc đưa ra những suy luận đó, nhưng tôi nhìn thấy sắc mặt người nghe tái đi đôi chút. Biểu hiện của lo sợ nhiều hơn là tức giận vì bị nghi oan. Tôi nói tiếp, “Cứ cho rằng anh là con nhà giàu, có điều kiện học mọi thứ kĩ năng ứng biến, phòng vệ lẫn sinh tồn thì anh cũng không thể nào có đủ thời gian để cởi một cái áo sơ mi làm dây trói kẻ đang nằm quằn quại trên sàn.” Và tôi dừng lại để kéo ống quần dài rộng lên, cho anh ta xem các vết thương nằm rải rác ở chân rồi nói tiếp, “Chân tôi đang đau, không cử động mạnh được nên cú đá cũng không đủ lực làm tên giả y tá nằm quằn quại một thời gian dài như vậy.”
“Giờ lại muốn làm thám tử, nghi ngờ người từng giúp đỡ mình à?” Anh ta nhếch môi cười, hỏi sau khi sắc mặt đã trở lại bình thường.
Tôi buông nhúm vải quần đang giữ ra rồi nhắc lại câu nói quen thuộc của Tào Tháo:
“Ta thà phụ người trong thiên hạ, nhất định không để người trong thiên hạ phụ ta.”
“Kể cả khi biết làm vậy sẽ đánh mất một người rất yêu em?”
“Đối với tôi, anh không là gì cả.”
Và tôi trở về bệnh viện, một mình. Rời khỏi anh ta, viên cảnh sát kia cũng không bám theo nữa. Vì ngay từ đầu, người thuê cảnh sát bảo vệ chính mình không ai khác ngoài tên rỗi hơi thích dàn dựng.
Mượn cớ cần phải xuất viện gấp để đi làm, tôi nhanh chóng nhận được sự chấp thuận từ phía các y bác sĩ. Sau khi kí một loạt giấy tờ cam kết tự chịu trách nhiệm về những chuyển biến sức khỏe, tôi ra dãy ghế gần nơi làm thủ tục ngồi đợi nhân viên trực hoàn thành những công đoạn cuối cùng của công việc đầy rắc rối này.
Những việc cần làm đã làm xong, đã đến lúc phải rời đất Đà Lạt. Bởi lẽ, nếu cứ quẩn quanh, la cà từ nơi này sang nơi khác thì cũng có ngày bị tên công tử phiền nhiễu tìm ra và đeo bám. Tồi tệ hơn nữa, tôi có thể trở thành một con rối hoặc vât thế mạng trong một trò chơi quá đáng nào đó do tên công tử thần kinh bày vẽ.
Điện thoại trong túi quần rung nhẹ. Là cuộc gọi từ một người bạn học trong lớp. Tôi mang điện thoại ra ngoài kiểm tra. Người gọi đến là Trâm An. Cô tiểu thư thích học gọi cho tôi để nói về chuyện làm bài tập nhóm được giáo viên dạy môn Thông dịch Sơ cấp giao. An nói bài tập có sáu phần, các thành viên trong nhóm đã chọn và phân công cho tôi làm phần cuối. Trong lúc làm bài tập, nếu có khó khăn thì gọi cho An.
Đáp lại sự giúp đỡ chân thành đó là câu nói tôi đã chuẩn bị từ hơn một tháng trước:
“Mình làm đơn xin bảo lưu rồi. An gạch tên mình ra khỏi nhóm đi.”
“Giỡn hả?”
“Gần hai tháng rồi mà các thầy chưa nói gì hả An?” Tôi chợt hỏi rồi tự cười thầm trước sự vô tâm của các giảng viên trong trường.
“Cả tháng nay, giảng viên khoa mình rủ nhau đi công tác luân phiên. Cứ học một ngày lại nghỉ hai ngày. Các thầy sợ tụi mình mất kiến thức nên giao bài tập để lớp chia thành nhóm thực hành, đợi ngày thầy về thì thuyết trình. Mấy tuần nay, An còn tưởng Quỳnh Anh đi qua các khoa khác học thay mấy đứa bên đó. Tuần sau nhóm mình thuyết trình đầu tiên. Quỳnh Anh đang ở đâu?” Ngữ điệu trong giọng nói Trâm An trở nên khẩn trương và sốt sắng.
“Ở bệnh viện. Mình xin nghỉ lâu lắm rồi, có đi học cũng không theo kịp mọi người. Phiền An bỏ mình ra khỏi danh sách nhóm, rồi nhắn với lớp trưởng gạch tên mình luôn. Nếu không thì mở thêm cái ngoặc đơn sau tên, ghi thêm chữ “tạm nghỉ” là được. Vậy thôi. Chào An.”
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.