Chương trước
Chương sau
Buổi sáng ngày đầu tháng Âm lịch, sau khi ăn sáng xong thì tôi cũng mua thức ăn cho con Mực, nếu phải ăn sáng ở đầu làng và còn nhiều thời gian thì tôi hay chọn món cháo lòng, thứ cháo đặc sền sệt màu nâu. Tuy gọi là cháo lòng nhưng tôi lại chẳng bao giờ thấy có cái gì của lòng mà toàn thấy thịt băm, tôi dám khẳng định đó là món cháo ngon nhất tôi từng được ăn. Bà cụ chủ quán tôi nhớ tên là bà Tháo Mễ, bà cụ ấy khó tính, cẩn thận và vì thế nên lúc nào cũng sạch sẽ mặc dù ngồi ăn trong chính gian bếp của bà cụ, thật trùng hợp thì bà cụ này chính là người vợ đầu tiên ông tôi cưới khi khoảng 13 tuổi.
Thời ấy cô dâu và chú rể đều được cõng lúc đón dâu nhưng cưới xong có mấy ngày thì ai về nhà nấy, đám cưới ấy diễn ra khoảng năm 1930, mỗi lần tôi nhớ tới là lại buồn cười tưởng tượng ra cảnh ông mình nhong nhong trên lưng ai đó đi lấy vợ.
Tôi mang hai cái chai thuỷ tinh 65 đi… xin nước tiểu của bọn trẻ con trong xóm, dĩ nhiên chỉ xin của đám con trai thôi, thật may bọn nhỏ đứa nào cũng kê vừa miệng cái chai cả.
- Anh lấy nước giải làm gì thế?
- Về pha với nước lã tưới cây, mấy đứa mày không biết à?
- Em biết, ở nhà em vẫn đái vào cái xô để ngoài vườn cho bà em tưới cây chứ không đái vào chai như thế này...
- Thôi mày đái đi, chẳng nhẽ anh xách xô đi?!
- Thế anh quay mặt đi!
- Con trai với nhau mày ngại cái gì, mấy đứa kia nó vạch ra luôn kìa!
Tuy nói vậy nhưng tôi cũng quay lưng lại để thằng nhóc cầm chai tự xử, tôi cũng có nút lá chuối và cầm theo cả cái túi đựng, nước giải của chúng nó khai quá trời, nhất là mấy đứa ăn mặn, tôi phải chun mũi khi đóng nắp. Đến người còn chẳng chịu được mùi này thì quỷ thần cũng sẽ chạy mất dép mà thôi, tận hai chai 65 rượu là hơn một lít nước giải chứ không đùa.
Trong khi bao nhiêu người còn bận đi làm đồng, bận buôn bán và một số người rảnh rang đạp xe qua bên xã xem hội, thường là người lớn chứ đám trẻ con trong làng rất thờ ơ vì không phải hội làng tôi. Tôi đã dành thời gian chuẩn bị vài thứ mang theo phục vụ việc phá miếu bao gồm: Hai chai nước giải màu vàng không nhãn hiệu, một cái gộc chừng hơn nửa mét vì nhà tôi chẳng có cái gậy nào ra hồn, cái nào cũng nhỏ tí, một túi mắm tôm, một chai rượu nhỏ cùng một cái khăn đen của bà để bịt mũi. Tất cả những thứ ấy tôi cho vào một cái túi cước màu đỏ mới tinh của bà Già.
---
Bà Già có một cố tật là cứ tiếc đồ cũ mặc dù đồ mới đã có nhưng vẫn cố dùng, sau này tôi nhận ra mình cũng có cố tật này, cái gì mới cũng để dành chỉ dùng khi cần thiết, sau em gái với vợ tôi phàn nàn nhiều quá nên tôi cũng chịu khó thay đổi.
Bà Già có một cái chăn mỏng màu tối mà tôi không biết làm bằng vải gì, chỉ biết là mùa hè đắp cũng thấy mát, khi cái chăn đó có một vài miếng vá tôi đã mua một cái chăn con công màu đỏ cho bà nhưng bà bảo nóng:
- Chăn gì mà toàn sợi bi-lông (chắc ý là ni-lon) nóng bỏ cha ra sao mà đắp được!
Khi tôi phải xa bà và ít có cơ hội gặp lại, tôi đã lấy cái chăn đó xếp gọn và mang theo đến đầu kia của đất nước, một cái chăn đầy miếng vá và tôi hay dùng để gối đầu, thi thoảng đi công tác bằng xe máy tôi vẫn gấp cho vào ba-lô và rong ruổi khắp nơi. Gia đình tôi ai cũng biết cái chăn rách ấy tôi mang theo từ quê, đều biết đó là cái chăn bà Già đã đắp trong mấy chục năm, tôi dùng đến khi cái chăn ấy mủn ra không thể phục hồi được thì đành tiếc rẻ bỏ đi, tôi cũng nhắn bà Già là mua cho tôi một cái nữa nhưng có lẽ bây giờ người ta không còn bán nữa.
*** Câu chuyện được kể bởi Fb Nam Ngủ Yên
Thời tiết đẹp, trời nắng nhưng không gắt, tôi một mình đạp cái xe mini màu xanh đến cánh đồng Quán Dê, đi đến gần quán nước ven đường chỗ cây cầu thứ hai nơi tôi hay rẽ vào đi học thì tôi xuống và xì hơi bánh sau của xe, sau đó lững thững dắt bộ một đoạn tới quán và nhờ bơm xe. Tôi ngồi uống hết nửa chai nước rồi gửi xe đạp lại cuốc bộ một đoạn đến khi khuất hẳn quán nước rồi rẽ trái đi xéo xuống ruộng. Trên đầu tôi là cái nón mê mới của bà, tay trái là cái túi cước màu đỏ còn tay phải cầm gộc, quần xắn cao, đi dép tổ ong nghìn lỗ màu đỏ băng chéo cánh đồng tiến về địa điểm mà trước đó đã từng phát hiện ngôi miếu bằng đất. Đồng không mông quạnh chẳng có bóng cây nào to, thi thoảng có một cái gò đất lẫn mộ thì loáng thoáng vài cây phi lao còi cọc, tôi nhìn đồng hồ để canh giờ, thật sự là tôi cũng phải giả vờ, tôi muốn ai đó nhìn thấy tôi giống như một đứa đi chăn vịt nhưng cái nón và cái túi của bà nhìn mới quá, cũng may hôm nay cánh đồng vắng tanh vắng ngắt vì hầu như ai cũng ở nhà chuẩn bị lo cỗ bàn hoặc đi ăn cỗ. Tôi cũng đã nhận lời bạn bè nhưng cứ phải xong việc này đã rồi tính, tôi mà không phá được ngôi miếu này thì cái đám ma không phải ma, quỷ không phải quỷ kia chắc sẽ còn đến nhà tôi làm phiền nhiều nữa.
Tôi nhìn đồng hồ đã quá 11g trưa, tuy chị Ma không dặn dò nhưng tôi cứ căn cứ vào giờ Ngọ ba khắc mà tiến hành… phá miếu, tôi hi vọng giờ đó quỷ thần cũng kỵ và quan trọng là chắc mấy vị có chức sắc khuất mặt còn đang bận đi đánh chén ở đền Bình Ngô giờ đang tưng bừng chiêng trống.
Tôi bịt khăn màu đen của bà Già lên mặt, liên tục nhìn đồng hồ chờ đến khoảng 11g30 thì tôi bước phăm phăm về chỗ khoảnh đất nhỏ gần giống như hình vuông, tôi vừa bước đi vừa nhìn quanh lấm lét như kẻ trộm, làm việc này bây giờ không sợ ma quỷ mà sợ người lớn thấy thì dễ mềm xương.
11g40 trưa ngày 27 tháng 2 năm 1998 tức ngày 1 tháng 2 năm Mậu Dần.
Tôi đứng trước khoảnh đất nhỏ chừng 1,5m2 và nhìn ngó quanh rồi ngồi thụp xuống, tôi đã suy nghĩ rồi, lần trước tè vào chỗ này thì bị sưng hàng độc thì bây giờ dùng tay đổ nước giải liệu có sưng tay hay không? Bởi thế tôi có mang theo một cái dây vải xô trắng chuyên dùng để gói đậu hoặc làm khăn tang, tôi quấn quanh thân chai 65 mấy vòng để tay mình không chạm vào chai, cứ phải cẩn thận như vậy cho chắc, cái thứ giúp tôi trở thành cháu đích tôn bị sưng ám ảnh tôi rất nhiều, tôi muốn lớn lên mình có vợ và không tuyệt tự. Tôi đã từng bị âm khí từ khói bốc lên bám vào người và có thể nguy hiểm đến tính mạng nên tôi cũng cẩn thận rứt vài ngọn cỏ bên bờ ruộng và tung lên mấy lần để xem hướng gió thổi.
Hít mấy hơi để lấy thêm dũng khí tôi bắt đầu mở nút lá chuối của chai nước giải đầu tiên và nghiêng chai đổ vào khoảng không trước mặt, quả nhiên khói bắt đầu bốc lên và mùi nước giải khá nồng nặc, dù đã bịt khăn nhưng tôi cũng phải nhăn mặt, chun mũi, nhịn thở được ít nào hay ít đó. Tôi có thể cảm nhận được có âm thanh xèo xèo như đổ nước xuống chảo mỡ đang nóng, khói bốc lên ban đầu là màu trắng sau đó một lúc là màu xám rồi chuyển sang màu đen và bị gió thổi tạt qua phía đối diện chỗ tôi đang đứng. Thấy mọi thứ thuận lợi nên tôi dốc ngược cái chai thuỷ tinh 65 lên để nước giải màu vàng có chút cặn trắng chảy ồng ộc, hết chai đầu tiên thì trước mắt tôi đã hiện ra ngôi miếu bằng đất được xây lẫn với gạch vồ đã ngả màu thời gian, không có xi-măng mà chỉ có bùn đất và rơm rạ. Tôi nhanh chóng quấn dây vải vào chai thứ hai thật nhanh tay vì cái khoảng trống trước mặt rộng bằng ba cuốn vở sau khi hết kêu xèo xèo thì có dấu hiệu co dần lại, tôi đang tưởng tượng ngôi miếu này giống như nằm trong một cái thúng vô hình vậy, thật kỳ lạ quá mức tưởng tượng.
Chai nước giải thứ hai tôi đổ thật khéo để cho cái khoảng trống lửng lơ giữa không trung ấy thêm rộng ra, mùi nước giải nồng nặc, khi gần hết chai thì tôi không đổ nữa mà bước một chân vào đặt cái chai không có nút lá chuối ngay cạnh bát hương để cho ai đó ngửi thứ nước làm tôi nhăn mặt từ nãy đến giờ, sau đó tôi để nốt cái vỏ chai kia vào luôn cùng túi mắm tôm nhỏ đã cởi bỏ dây chun. Tôi vừa làm vừa nghĩ ông chủ nhà nào đó ngụ ở đây thì tha hồ mà ngửi, toàn thứ nước thơm cực phẩm và bền mùi, rất bền mùi, chuẩn bị đến phần quan trọng nhất thì quả thật tôi có thấy hơi run tay và trong bụng cũng không vững dạ lắm nhưng đã đến nước này rồi thì lành làm gáo, vỡ làm muôi, phải làm cho nhanh.
Ngôi miếu đất này không lớn, chỉ cao khoảng 1m với mái ngói và tường gạch vồ cùng đất, cái gộc trên tay tôi là một gốc tre già đã khô nho nhỏ, tôi dùng hết sức bình sinh nện mạnh vào cái bát hương khá lớn của ngôi miếu, một tiếng “Bụp” vang lên khi cái gộc đập vào, bát hương vỡ làm đôi và tro bụi bay lên, chỉ có một chân hương duy nhất đã ngả màu bạc phếch trong bát hương đấy. Tiếp đến tôi dùng cái gộc đập mấy cái làm vỡ ngói nhưng không có lực vì khi tôi giơ gộc lên giống như chạm trần nhà vậy, do không có thế nên tôi không làm thủng được mái ngói, chỉ làm vỡ được vài viên ở rìa không đáng kể.
Bức tường vô hình bắt đầu thu hẹp lại nên tôi nhanh chóng nhảy ra, lấy một cái chai 65 cuối cùng mà trong đó chứa một thứ nước trong veo, chai này thì có nắp đàng hoàng chứ không nút bằng lá chuối như hai chai trước đó. Tôi xé nhanh một dải khăn nhỏ từ dải khăn màu trắng khi nãy và dùng làm mồi lửa, không có gì lạ vì thứ đựng trong cái chai thuỷ tinh này chính là dầu hoả, sau khi dây vải bén lửa, tôi cầm trong giây lát để lửa bám vào miệng chai rồi ném mạnh xuống nền miếu ngay vị trí bát hương đã vỡ trước đó. Chai thuỷ tinh vỡ toang khi bị ném mạnh và lửa lan theo dầu hoả bốc rất nhanh, tôi vứt luôn cái gộc vào trong đó rồi với mảnh khăn trắng và cái túi cước đỏ co giò bỏ chạy không ngoái đầu lại, tôi có thể ngửi thấy mùi dầu hoả nồng nặc ngay khi bắt đầu chạy nên tôi tin rằng lửa sẽ rất đượm, chả biết có đốt được cái gì không nhưng tôi tuân thủ việc phóng hoả đốt nhà và nếu cái bát hương kia là vong hồn thì thậm chí tôi đã giết cả vong.
12h06!
Tôi nhìn đồng hồ khi đi bộ về đến gần quán nước ven đường kiêm luôn tiệm sửa xe đạp, tôi vừa đi vừa thở và cố gắng để người khác không nhận ra sự khác thường của mình nhưng hơi thừa vì đường xá vắng, quán nước cũng chẳng có ai ngoài cô chủ quán đang ngồi bế con, tôi nhanh chóng trả tiền nước và tiền bơm hơi xe đạp rồi quay xe đạp về, hôm nay tôi không có dự định sẽ đi ăn cỗ để đề phòng những trường hợp xấu sẽ xảy ra.
Khi tôi mới đạp về được một đoạn chừng hơn 100m thì thấy sau lưng mình có gió lạnh, điều này là không bình thường vì bây giờ là buổi trưa không thể có gió lạnh kiểu như giữa nửa đêm như vậy được, tôi quay đầu nhìn sang phải thì quả nhiên những vạt cỏ và cây dại ven đường không hề lung lay vì gió, đoán biết sự chẳng lành nên tôi gò lưng đạp cho mau. Phía trước tôi có một người đàn ông đi xe máy ngược chiều, một chiếc DD70 màu đỏ đèn vuông, đang đi ngược chiều tới bỗng nhiên tôi thấy người đó loạng choạng tay lái và đánh sang bên trái đường nhắm thẳng hướng tôi rồ ga đâm tới, tôi có thể nhìn rõ được vẻ mặt hoảng hốt của người đang lái xe.
Tôi là một thằng nhỏ bé, gầy gò nhưng bù lại là một đứa rất nhanh nhẹn, như tôi đã từng bông đùa khi lớn lên rằng vì tôi thấp nên đường truyền tín hiệu từ não xuống chân sẽ nhanh hơn so với người cao, bởi vậy ngay khi thấy trước mặt là hiểm nguy thì tôi nhanh chóng nhảy khỏi xe đạp mini của mình, xe lao về phía trước một đoạn rồi đổ xuống vệ cỏ ven đường, còn phần tôi ngay sau khi nhảy khỏi xe đạp thì cũng bỏ chạy xuống vệ cỏ thoai thoải và tôi dự tính sẽ thật nhanh chóng nhảy qua bờ ruộng bên kia, giữa vệ đường và bờ ruộng là một rãnh dẫn nước chỉ rộng khoảng 50cm. Lúc tôi đang nhảy qua bên bờ ruộng thì cũng đồng thời nghe tiếng “uỳnh”, khi đã đặt hai chân xuống đất tôi quay lại nhìn thì thấy cái xe máy đã đâm vào cột mốc nhỏ ven đường, bị vỡ một bên yếm nhựa của xe. Người đàn ông lái xe máy thì không bị làm sao nhưng mặt mày tái nhợt, chắc hẳn chú ấy cũng giống như tôi đang không hiểu có chuyện gì xảy ra... Phần tôi, vì trước đó cảm thấy gió lạnh thổi tới từ sau lưng nên ít nhiều đã có sự đề phòng chứ nếu không tôi hẳn đã bị xe máy đâm phải, chết thì có thể không nhưng rất khó tránh khỏi việc gãy chân hay gãy tay.
- Ch… cháu có… có làm sao không? – Chú lái xe máy kia hỏi tôi giọng vẫn chưa hết bàng hoàng.
- Cháu không sao ạ, chú có bị làm sao không? – Tôi lúc này đã đi đến gần chú ấy để xem xét tình hình.
- Chú không sao, xe bị kẹt ga không có cách nào dừng lại được... – chú ấy dừng lại thở - May quá! Tí nữa thì…

- Xe chú bị vỡ yếm rồi này, may cần số không làm sao.
- Không sao, không sao! – chú ấy xua tay – Người không sao là được rồi!
Tôi hỏi han chú ấy thêm vài câu nữa rồi đi lại chỗ xe đạp bị đổ chỏng chơ phía trước khoảng 5m, dựng xe đạp lên thấy không có vấn đề gì, thật may vì hôm nay đi cái xe nhỏ này chứ cồng kềnh như cái Peugeot thì rất khó xoay sở. Tôi ngó nghiêng xung quanh rồi lên xe đạp tiếp, tôi định rẽ vào cầu Khoai để băng qua con đường nhỏ phía bên kia và về làng tránh xe máy hay ô tô điên muốn đâm vào tôi, con đường đất nhỏ ấy cạnh cánh đồng phía Tây của làng tôi thi thoảng vẫn hay đi và cũng một lần nửa đêm chạy bộ cùng R9 sau khi phá rối lão thầy phù thuỷ trong bãi tha ma. Ngay khi tôi vừa rẽ vào chuẩn bị đến đầu cầu tạm thì kỳ lạ thay xe tôi không đi tiếp được, giống như có ai đó kéo mạnh từ phía sau, tôi ngoái lạ hơi ngơ ngác nhìn một chút rồi xuống xe. Mồ hôi lạnh chảy dài xuống hai bên thái dương, tôi quệt một lượt rồi thử lắc cái xe lại thấy bình thường nhưng đã có sự lạ thì tôi từ bỏ ý định đi qua cầu Khoai, tôi nhớ ra mình kỵ nước và có thể người khuất mặt tốt bụng nào đó đã kéo tôi lại không muốn tôi đi ngang, có thể tôi sẽ bị một cơn gió mạnh nào đó thổi rơi xuống mương Khoai, tôi sẽ chết đuối là điều khó tránh, chả ai cứu được khi bốn bề không có bóng người.
Đạp xe đi ngang bãi tha ma Cầu Khoai bất giác tôi nhìn vào nghĩa địa, giữa trưa nắng chẳng có gì lạ nhưng tôi đoán một ai đó có hộ khẩu tại đây đã giúp tôi vì khu vực này đã thuộc đất của làng Bưởi Cuốc. Tôi vừa đạp xe vừa cảnh giác trước sau, vừa chú ý xem có gió lạnh thổi tới hay không, khi gần đến cây đa cổ thụ thì tôi nhìn thấy phía trước có một xe khách đang đi ngược lại nên đạp vội vào vệ đường, nấp sau thân cây đa cho yên tâm, chờ xe khách đi qua thì tôi đạp tiếp, chưa bao giờ tôi thấy đường về nhà xa đến vậy, tôi không hoảng hốt nhưng có vội vã, tim cứ đập thình thịch từng tiếng rõ to.
Tôi rót nước uống ừng ực khi đã yên vị ở trong nhà, cổ họng tôi khát khô, hình như khi căng thẳng người ta cảm thấy khát nước hơn nhiều so với bình thường một phần vì mồ hôi vã ra như tắm, tôi đoán như vậy. Sau khi đã định thần trở lại tôi mới có thời gian xâu chuỗi lại những sự việc vừa xảy ra với mình, tôi đồ rằng ai đó đã muốn trừng phạt tôi vì tội phá miếu đất, tôi nhớ là mình đã làm mọi thứ khá nhanh và cẩn thận, cũng đã chọn giờ âm khí kém nhất trong ngày nên tôi nghĩ mãi vẫn không biết mình đã sơ hở ở chỗ nào để bị truy đuổi, thậm chí bị truy sát.
- Bọn họ có lẽ muốn đuổi cùng giết tận mình, không biết tối nay có lại kéo đến hay không.
Tôi mang nồi cơm đang vùi trong tro bếp lên nhà, trong đó có một bát trứng hấp và một quả trứng gà, những người lười biếng thường thông minh vì họ sẽ tìm cách hoàn thành việc gì đó nhanh nhất để được lười biếng, tôi đã từng lo cơm bị nhão nhưng quả trứng và bát trứng hấp đã hút rất nhiều nước nên cơm ăn cũng vừa miệng, tuy không ngon bằng bà Già nấu nhưng đối với tôi lúc này cũng là cao lương mỹ vị rồi. Con Mực ngồi chờ ăn bên cạnh, tôi cũng nhanh chóng chia đôi mọi thứ mình có cho nó rồi chủ tớ cùng ăn, tôi không xem nó là bạn, tôi xem nó là đầy tớ của tôi nhưng hơi ngược đời là tôi lại phải phục vụ nó. Đến bữa tối thì không phải nấu cơm vì buổi trưa vẫn còn nên tôi lọ mọ ra vườn hái rau muống, rau muống trong vườn nhà tôi nhìn khá còi cọc nhưng được cái sạch vì nước tưới rau chỉ là nước lã hoặc đôi khi có chút ít bổ dưỡng từ nước giải của tôi, chắc vì ít có dưỡng chất nên không xanh tốt lắm. Rau muống và ruốc là bữa tối, con Mực cũng được ăn như vậy.
Đúng như tôi dự đoán, vừa bắt đầu giờ Hợi lập tức chị Ma xuất hiện với bộ dáng y hệt như tối hôm qua nhưng tuyệt nhiên không thấy thanh kiếm đâu, tôi đã ngồi chờ sẵn bên tích nước vối mới đun hồi tối, tôi tuy lười nhưng cũng cố gắng giữ một vài thói quen thường nhật.
- Hôm nay em làm tốt lắm! – Chị Ma lên tiếng khen ngợi tôi.
- Nhưng em đã suýt chết mấy lần, có lẽ họ đã truy đuổi em trên đường về...
- Làm việc tốt tự khắc có người giúp, em lo cái gì chứ?!
- Em không biết phá miếu có phải là việc tốt hay không nữa, thật sự là em không muốn làm như thế!
- Đốt đền, phá miếu tính ra là tội nặng nhưng phải nhận được mặt, thêm nữa, kể cả em có bị nhận mặt thì cũng làm sao chứ, chỉ một chút nữa thôi là sẽ có người đến!
- Lại đến ạ? Có khi nào đông hơn cả hôm qua chị?
- Điều đó phải chờ xem như nào...
Ngoài cổng gió lại thổi mạnh nhưng không giật tung cánh cửa, những tàu lá chuối ở khu vườn trước nhà phát ra tiếng kêu “Phạch, phạch” vì gió lướt qua.
- Quả nhiên là đúng giờ! – Chị Ma lúc này đang đứng giữa sân nhà, hai tay chắp sau lưng đi đi lại lại, tuyệt nhiên không thấy chút nào sốt ruột.
- Họ đã đến hay sao? - Tôi đứng dậy nhìn ra cổng nhà, đầu tháng trăng chưa mọc, ánh sáng khi mờ khi tỏ.
- Để xem ông Thổ Địa nhà mình làm gì, cứ kệ ông ấy!
Tôi không biết có chuyện gì diễn ra ở ngoài cổng, chỉ thấy gió thổi rì rào theo chiều từ trái sang phải làm tán cây bưởi sinh đôi hay cây ổi đều rung rinh, một lúc sau chị Ma nói với tôi.
- Chúng ta ra ngoài cổng, em đừng sợ!
Dĩ nhiên tôi không sợ nhưng có hồi hộp bởi vì chưa nắm rõ tình hình nhưng đây dù sao cũng là đất nhà mình, ngoài chị Ma thì còn có bà cô Tổ và sau cùng còn cả những người khác nữa nếu tình huống xấu, những suy nghĩ này làm tôi vững tin hơn rất nhiều. Khi còn cách cổng nhà khoảng 5m thì chị Ma dùng tay ra hiệu cho tôi đứng lại còn chị ấy bước thêm vài bước về phía trước.
- Xin hỏi các ngài là đến có việc gì? Có thể lộ diện nếu muốn!
- Ta là Bách Hộ võ quan! – một bóng người đã hiện ra phía trên cổng nhà tôi, lẫn trong nền trời màu xanh nhạt phía sau, tôi không nhìn rõ nên chỉ thấy một hình bóng giống như mặc giáp trụ, trên đầu cũng có một mũ Đâu Mâu – Nhận được lược bày rằng đứa bé nhà này giờ Ngọ trưa nay đã phá miếu Xã Thần ở ngoài cánh đồng Quán Dê.
- Lời của kẻ bợm bãi nào đã nói với ngài như vậy? Ta tên là Ngọc Hoa.
- Nhà cô là bà cô Tổ của đứa bé hay sao?
- Thật tiếc là không phải như vậy nhưng quan Bách Hộ cứ xem như vậy cũng không sao.
- Nếu cô đã là bà cô Tổ của nhà này thì ắt hẳn đã biết phép tắc, tội đến đâu phạt đến đấy, bây giờ tôi phải bắt hồn thằng bé này đưa về huyện phủ để tra xét.
- Xin hỏi ngài Bách Hộ võ quan, ngài có chúng chứng hay không?
- Ta có chúng chứng thằng bé đã chùng vụn đốt miếu!
- Xin hỏi ngài có thể nói tên người đó hay không?
- Điều đó không thể!

- Vậy giấy của ngài đâu? Bắt hồn hẳn phải có giấy của tri huyện và thêm giấy của Xã Thần để đi vào đây, ngài có chứ?
- Ta đi vội nên chưa kịp mang theo nhưng nếu cần sẽ rất nhanh để có!
- Vậy ngài cứ đem đầy đủ giấy tờ văn thư đến, nó là đứa bé không biết gì, bắt nó thì dễ nhưng thả nó ra rất khó, e là mũ trên đầu của ngài cũng khó mà đội ngay ngắn.
- Nhà cô doạ nạt ta hay sao?
- Tôi nào dám, phận nữ nhi như tôi có biết gì mà doạ nạt ngài, thưa quan Bách Hộ.
- Ta đã có lời với ông Thổ Địa nhà này nhưng ông ta không đồng ý. Ta trăm công nghìn việc không có thời gian để ý mấy thứ giấy tờ, ta đã cất công đến đây thì nhất định thằng bé này phải có tội.
- Từ bao giờ mà quan binh lại làm càn như thế? Có phải ngài đã nhận của đút lót của thằng tướng bại trận nhà Minh hay không?
- Nhà cô không được nói càn, ta đã nhẹ nhàng nhưng cô không nghe thì ta đành dùng vũ lực để thực hiện việc công.
- Ngài muốn dùng vũ lực thì ta cũng sẽ dùng vũ lực, xin hỏi võ quan ngài mang theo bao nhiêu binh lính?
- Đủ dùng, nhà cô hỏi làm gì?
- Để ta tính thử xem, nhiều quá mà xông vào cùng một lúc thì ta cũng phải gọi thêm.
Đáp lời chị Ma là một tràng cười như có ý khinh miệt của Bách Hộ võ quan.
- Bà cô Tổ mà cũng gọi được người sao, cô không phải người mạnh nhất ở nơi này hay sao? Hay cô tính gọi Cửu Huyền, Thất Tổ nhà cô?
- Ta chưa bao giờ nói ta là bà cô Tổ của thằng bé, ngài nhận tiền của người ta làm càn, ép người cô thế, người ngài giao thiệp là một tên bợm bãi, nó không nói với ngài ta là ai hay sao?
- Vậy nhà cô nói ta nghe, có khi ta sợ và bỏ đi thì sao?!
- Xưa nay ta đánh giá không sai, rất nhiều người võ biền... Nói như nào nhỉ, ngài có nghe nói đến hệ thần kinh vận động hay không? Ta đang nghiên cứu đề tài ấy!
- Là cái gì?
- Là não chỉ dùng để đánh đấm chứ không cần suy nghĩ ấy mà!
- Ra là cô có ý khinh miệt ta, ta không chấp loại đàn bà mồm miệng! – Bách Hộ võ quan quát lớn ra lệnh – Hai đứa bay vào câu hồn thằng bé kia, còn cô này nếu ngăn cản thì bắt đi luôn!
Ngay lập tức phía sau Bách Hộ võ quan có hai bóng đen nhào với phía tôi nhưng tôi cũng chỉ kịp thấy một ánh sáng loé lên hình vòng tròn rồi không thấy gì nữa, hai bóng đen cũng như làn khói bay mất, tôi lại ngửi thấy mùi tanh hôi nồng nặc, vậy là đã có quan binh bị đánh tan hồn vía.
- Thì ra có tay nghề nhưng tại sao bà cô Tổ nhà này lại có những thứ binh khí đoạt mạng?
- Rất tiếc ta không phải là bà cô Tổ, nếu ngài muốn thì vào đây ta với ngài đánh tay đôi, biết đâu ngài sẽ thắng, ta không ngại phải đánh với võ quan.
- Khẩu khí khá lắm! Nhưng ta không rảnh, bách quân của ta đi theo đầy đủ, nếu cô có thể đánh tan được hết thì ta sẽ có nhã hứng!
- Một kẻ yếu, vậy ra ngươi mang đủ quân của mình chỉ để bắt một đứa bé, e rằng hôm nay toàn bộ các ngươi không thể ra khỏi đất của làng này được rồi! – chị Ma nghiêng đầu nói với tôi – Hãy gọi giúp đỡ ngay bây giờ!
Tôi lắng nghe câu chuyện từ đầu nên ngay khi chị Ma vừa dứt lời là tôi lập tức đọc khẩu quyết, tôi đã thuộc lòng rồi, nó quá ngắn! Ngay khi tôi vừa dứt lời thì gió từ bốn phương tám hướng nổi lên, lại tiếng luỹ tre kêu răng rắc còn những cây chuối bên vườn tôi nghĩ là phải bỏ đi rồi, xem chừng đã bật hết gốc, gió rất mạnh, mấy lần trước tôi không thấy mạnh như vậy. Tôi ngoảnh lại phía sau mình nhưng không thấy ai nhưng ở trên cao, có một bóng người to lớn, xem chừng cũng giống như ông Hổ Quân, một người làm sao chống lại được bên kia có vẻ rất đông?!...Nhưng ngay khi vừa xuất hiện thì bóng người cao lớn đang đứng giữa không trung ấy đã lao thẳng tới Bách Hộ võ quan, liền sau đó là những tiếng vang do binh khí va chạm, không có bất kỳ lời nói nào phát ra mà tôi nghe thấy, tuy gió thổi mạnh nhưng tôi lại không bị ù tai, thật kỳ lạ. Chị Ma lúc này bộ dáng rất điềm tĩnh, người ta đánh nhau trước mặt còn chị ấy lại chống kiếm xuống đất đứng nhìn như đang xem diễn trò. Một lát sau tiếng binh khí im bặt, gió không còn thổi mạnh nữa nhưng tôi không hề ngửi thấy mùi máu tanh nồng như mọi lần.
- Xin đại nhân thứ tội, tôi không biết đã mạo phạm điều gì khiến đại nhân phải ra tay, liệu có nhầm lẫn gì hay không ạ? – Giọng nói của Bách Hộ võ quan văng vẳng đâu đây, hình như là phía ngoài cổng.
- Không nói nhiều! Các ngươi đang làm bậy. Ngươi và binh lính của ngươi hãy đứng im tại chỗ! Kẻ nào nhúc nhích lãnh hậu quả, ai muốn con cháu quên ngày giỗ của mình thì bước lên một bước!
Một giọng nói vang như chuông, tôi nghe mà cứ tưởng như đang nói bên tai mình vậy, tôi đoán là giọng của người tôi mới vừa gọi đến cứu giúp.
Một khoảng im lặng kéo dài, chị Ma quay lại nói với tôi.
- Em vào nhà đi, nhiều quan binh đang kéo tới, âm khí sẽ rất nặng không tốt cho em, đưa cả con Mực vào nhà đóng cửa thắp hương trên ban thờ gia tiên và không được ra ngoài cho đến khi chị ra hiệu, chị sẽ không gọi mà ra hiệu.
Tôi gật đầu và chạy tót vào bậc thềm nhà không ngoái lại, con Mực đang nằm rét run ở ngoài hiên nên ngay khi tôi ra hiệu là nó vùng dậy chạy theo tôi vào nhà, tôi chả biết những gì diễn ra sau đó ở ngoài cổng nhà mình nhưng sau khi thắp hương trên ban thờ gia tiên xong xuôi thì tôi cứ đứng im trong bóng tối hướng tai ra ngoài xem có nghe được gì không nhưng chỉ có tiếng gió ù ù thổi qua những chấn song cửa.
---
***
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.