Khi tôi còn ở quê, vùng hiểu biết của tôi nói chung là khá hạn hẹp, tôi chỉ “tinh tướng” ở trong làng của mình mà thôi chứ đi ra khỏi làng thì thật sự tôi đúng là đứa vô hại, vô hại chứ không phải ăn hại. Tôi sống trong một môi trường mà xung quanh ai cũng thờ Phật, đàn ông trong làng hội họp ở đình còn đàn bà đi lên chùa lễ Phật cầu an. Những đứa bạn học cấp II của tôi thì đứa nào trong sổ liên lạc cũng ghi nghề nghiệp của bố mẹ là làm ruộng, phải hiếm hoi lắm mới có mấy đứa ghi những dòng đặc biệt như: Giáo viên, bác sĩ, bộ đội, công an, thật sự là rất hiếm. Sổ liên lạc của tôi thì rất oách, đấy là tôi nghĩ như thế, khi trong trong sổ tôi ghi nắn nót số điện thoại di động của bố mình vào đấy, ở phần nghề nghiệp của bố thì tôi ghi làm giám đốc còn phần nghề nghiệp của mẹ tôi, tôi ghi là tiểu thương, tôi cảm thấy rất hãnh diện và đoán rằng ai khi xem cuốn sổ liên lạc của tôi cũng sẽ gật gù tưởng tượng những nghề cao siêu ấy trông như thế nào. Khi tôi nhập học lớp 10, lần đầu tiên trong đời tôi thấy ở tờ kê khai lý lịch gia đình trích chéo của một người bạn ngồi bên cạnh có ghi ở phần tôn giáo là “có” nên tôi rất tò mò, sao lại không tò mò cho được khi cả lớp, cả những người tôi đã từng gặp thì đều ghi tôn giáo “không”. Tôi ngồi bên cạnh nhìn tờ giấy ấy mấy lần và bảo bạn tôi. - Chỗ này bạn viết sai rồi này. - Đâu? Chỗ nào? - Chỗ thành phần tôn giáo ấy, bạn phải ghi là “không” mới đúng. - Sao lại ghi là không? Phải là “có” chứ. - Sao lại “có”? Tớ chưa thấy ai ghi chỗ đó như vậy, cô giáo tớ vẫn dặn chỗ đó ghi là “không” mà. - À, đấy là vì ở xã bạn không có ai theo bên giáo đó thôi, chứ nếu theo bên giáo thì chỗ này sẽ ghi là “có” mới đúng còn bên lương thì đều ghi là “không”. Tôi ngẩn người ra nhìn người bạn bên cạnh mình, một tay cao hơn tôi, trắng hay cười nhưng một bên chân hơi chấm phẩy, khi nãy tôi thấy nó đi lấy giấy bị tập tễnh, dù nó cố tỏ ra bình thường nhưng không đời nào qua mắt được tôi. - Bên giáo là gì? tớ cũng không có theo bên lương nào cả. Người bạn đó cười khổ sở, tôi đoán là nó đang tìm cách giải thích với tôi hoặc cũng có thể chẳng muốn nói chuyện với tôi tiếp nên tôi vội đề nghị. - Này tớ bảo, tí nữa ra ngoài tớ mời bạn uống nước nhé, mấy thứ bạn nói tớ không hiểu, à, đúng hơn là tớ chưa nghe bao giờ, bạn có thể giải thích giúp tớ cho rõ. Người bạn đó nhìn tôi rất lạ giống như tôi là một thằng ngốc vậy. - Được mà, nhưng chuyện tớ khai tôn giáo là “có” thì nhờ bạn giữ kín giúp nhé Tôi không hiểu tại sao phải giấu như thế nhưng tôi gật đầu, nếu đó là bí mật của bạn ấy không muốn cho nhiều người biết thì mình cũng không nên bép xép, giờ nhớ lại tôi thi thoảng vẫn cười, quả thật là hơn hai mươi năm trước rất nhiều người hiểu biết mơ hồ về đạo Thiên Chúa giống như tôi. Sau buổi nhập học, tôi và người bạn mới quen ngồi uống nước gần cổng trường, tôi rất háo hức để nghe và tìm hiểu những điều lần đầu tiên mình được biết, tại quán nước đó lần đầu tôi biết về chúa Giê-su, biết rõ về Noel và có nhiều người không đi chùa mà họ đi nhà thờ vào mỗi sớm Chúa Nhật. Người bạn đó nói với tôi rằng để hòa nhập với mọi người nên bạn ấy không muốn ai biết về tôn giáo của mình, tôi tán đồng ý kiến này vì quả thật tôi có đôi lần nghe loáng thoáng bà Già tôi kể những nơi khác có nhà thờ và những nơi ấy là theo Tây rất nhiều cũng như họ đã rời bỏ làng mạc của cha ông tổ tiên để đi vào Nam. Tôi chân thành thừa nhận rằng khi nghe bà tôi kể như vậy thì tôi không có thiện cảm lắm với những người ấy, mặc dù tôi chẳng biết họ nhưng tôi không đồng tình việc bỏ lại mồ mả cha ông, tôi cũng không đồng tình việc họ theo Tây vì Tây như lịch sử tôi học dĩ nhiên là kẻ thù. Tôi học lịch sử, đọc sách lịch sử cũng có thấy ghi về đạo Thiên Chúa nhưng tôi không quan tâm lắm, hay lướt qua, tôi quan tâm đến những trận đánh nhau trên sách nhiều hơn, sau này tôi mới nhận ra rằng hiểu biết của mình nông cạn và tôi thấy vui khi bản thân mình hiểu biết thêm những điều mới lạ, trước đó tôi cứ nghĩ mình cái gì cũng biết cơ đấy. Nhưng cũng phải nói rằng nhờ vào việc tôi đọc nhiều sách vở khi rảnh rỗi nên tôi có cái nhìn khác với một số bạn bè của tôi về đạo Thiên Chúa, sau cùng tôi nhận ra đó là quyền tự do lựa chọn của mỗi người và mình phải tôn trọng họ, tôn trọng tín ngưỡng của họ, rất nhiều cuộc chiến tranh trong quá khứ và hiện tại đã nổ ra chỉ vì khác nhau tín ngưỡng, giá như ai cũng có thể hiểu và tôn trọng lẫn nhau thì tốt biết mấy. Khi hiểu biết cũng như nhận thức của bản thân được nâng cao hơn tôi mới thấy Bác Hồ và các bậc lãnh đạo nhiều năm trước thật giỏi, một đất nước có nhiều tín ngưỡng và nhiều dân tộc mà có thể đoàn kết được thật không phải là điều dễ dàng gì. Sau khi hiểu biết sơ sơ về đạo Thiên Chúa từ người bạn học mới quen thì sau này khi gặp gỡ và nói chuyện những người lạ tôi thường hay hỏi. - Em/Anh có theo đạo Thiên Chúa không? Anh/Em/Mình rất thích Noel nhưng không hiểu nhiều về Noel. Tôi hỏi rất hồ hởi với nét mặt tràn đầy niềm vui, 100% những người khi tôi hỏi như thế thì đều tỏ ra rất ngạc nhiên, có người còn tưởng nghe nhầm nhưng sự thật là 100% những người theo đạo Thiên Chúa đều có thiện cảm với tôi ngay sau khi tôi hỏi câu đấy, cũng có thể coi đây là một bí quyết trong giao tiếp của tôi. Những người tôi hỏi nếu họ theo đạo Thiên Chúa thì thường dành vài phút để giải thích cho tôi về Noel một cách đơn giản và kể về việc họ đã đón Noel với người thân như thế nào. Từ đó tôi mới biết được rằng Noel không phải là ngày 24/12, ngày 24/12 cũng giống như ngày 30 Tết mà thôi. Nhiều lần tôi nói chuyện với những người lần đầu tôi gặp một cách say sưa đến hàng giờ liền và sau đó chào từ biệt, khi tôi đứng dậy ra về thì thường họ sẽ hỏi: - Ơ, thế hàng hóa thì sao? - Thì khi nào cần mua thì bán chứ sao? – Tôi cười tươi. - Thế lấy cho mình khoảng Mười triệu. - Ok! Nhưng lần sau gặp nhớ kể thêm về Noel với những thứ khác nhé? Hầu như tôi không phải mời ai mua hàng, những người tôi gặp mà kể chuyện cho tôi tuyệt nhiên chẳng bao giờ hỏi đến khuyến mãi, chẳng bao giờ hỏi giá thành sản phẩm, thậm chí tôi bán hàng nhiều năm cũng rất ít khi có hóa đơn trừ khi công ty bên đó yêu cầu, tôi nói số tiền và họ chuyển, có thể mọi người không tin nhưng sự thật là nếu có thiện cảm rồi phát triển thành lòng tin thì những thứ giấy tờ cũng không còn quá quan trọng, tôi nghĩ như vậy, chưa ai phàn nàn với tôi về việc bán hàng không gửi hóa đơn cả. Cái gì cũng có những rủi ro, tôi cũng gặp nhiều rủi ro nhưng nhưng so với may mắn thì không đáng tính làm gì. Một lần tôi ngồi cafe gần giáo xứ Bắc Hải chờ một người bạn cũ lâu năm không gặp, nó là người ở Phú Thọ và theo đạo Công Giáo nên tôi hẹn luôn ở khu vực này cho tiện, Tôi nhớ là bạn tôi xuất hiện với cái áo sơ-mi sáng màu, có đeo một cái nơ trên cổ, khi nó bước vào bỗng nhiên bao nhiêu người trong quán từ già trẻ, lớn bé đều đứng dậy chào nó, điều này làm tôi rất ngạc nhiên. - Bạn quen những người ấy à? – Tôi thắc mắc. - Không! Tôi không quen họ. - Vậy sao bạn vào mà ai cũng chào thế? Vip vậy? - Bây giờ tôi đã là Cha rồi. - Hả? Làm Cha rồi? Bao giờ? - Mới năm ngoái đây thôi. - Vậy là 9 năm qua bạn lặn một hơi đi học? – Tôi hỏi mà không tin lắm. - Đúng rồi, 9 năm, bạn biết quá nhiều rồi đấy. Tôi biết để được làm Cha không phải dễ dàng gì, khó hơn thi đại học xịn gấp trăm lần, lần gặp ấy tôi bắt nó phải kể hành trình 9 năm đầy gian nan, không đủ nên tôi hẹn lại và bảo nó. - Lần sau gặp đừng để người ta biết bạn làm Cha, chứ ngồi nói chuyện mấy câu lại có người đến chào. Bạn tôi đồng ý, quả nhiên lần sau gặp ở quán cafe khác gần đó, chị chủ quán là một con chiên ngoan đạo thấy hai bọn tôi ngồi nói chuyện về đạo Thiên Chúa có vẻ rất hiểu biết nên thi thoảng lắng tai nghe và gọi bạn tôi là em để hỏi thêm mấy điều, tôi ngồi đối diện cười ngặt nghẽo và bảo bạn mình. - Tôi nói rồi, người theo đạo Phật có câu “Chiếc áo làm nên thầy tu” là như vậy đấy, giờ bạn không tin bạn thử nói với chị chủ quán rằng bạn là Cha Xứ để xem người ta có tin bạn không, cẩn thận bị người ta vác gậy rượt cho đấy. Bạn tôi cũng thử giới thiệu như vậy, dĩ nhiên chị chủ quán cafe nhỏ ở khu Bắc Hải chả tin, chị ấy nghĩ nó nổ, sau đận đó bạn tôi bảo rằng lần tới gặp thì sẽ mặc đồ đàng hoàng chứ không lôm côm giống như tôi nữa, lần nào ngồi nói chuyện cũng vui, giờ bạn tôi đi tu nghiệp ở Ý rồi, hẳn là khi về sẽ lên chức gì đó nữa mà tôi không biết nhưng chắc chắn tôi sẽ hỏi để nghe thêm những chuyện mới đầy thú vị. .....
Tôi có một quan niệm rằng, mọi sự tồn tại của bất kỳ tôn giáo nào, vị thần linh nào, kể cả ma quỷ cũng đều có chung một mục đích là hướng con người đến cái thiện, tránh xa cái ác. Tôi từng được đọc một đoạn trong kinh nhân quả 3 đời đại khái như sau: Muốn biết nhân đời trước Theo sự hưởng đời này, Muốn biết quả đời sau Việc kiếp này sẽ biết. Chỉ với bốn câu này thôi, tôi có thể lý giải đơn giản được bằng chính quá khứ - hiện tại – tương lai của bản thân mình chứ không cần phải nói đến kiếp trước, kiếp sau gì cho quá xa xôi. 107. Một buổi sáng trong tháng đầu tiên của năm Mậu Dần, có lẽ là ngày Chủ Nhật vì tôi ngủ nướng bỗng nhiên tôi giật mình tỉnh giấc vì nghe thấy tiếng lợn rống éc, écccc rất thảm thiết, nửa tỉnh nửa mê mở mắt ngồi dậy, tuy máu chưa bơm kịp lên não nhưng tôi cũng nhớ rằng xung quanh nhà mình mấy nhà đều không có nuôi lợn mà tại sao lại có tiếng lợn kêu to như vậy. Tôi bước vội xuống khỏi tấm phản truyền thừa hàng trăm năm mang nhiều giá trị tinh thần, xỏ đôi dép loẹt xoẹt mắt nhắm mắt mở chạy ra sân xem lợn ở đâu kêu. - Éc, éc, éc, éc ...! Tôi đứng giữa sân lắng nghe và quay đầu nhìn xung quanh, tôi đi cả ra vườn, ngó cả ra sau nhà nhưng chẳng có con lợn nào trong khi tiếng lợn vẫn kêu từng hồi lúc này đã chuyển sang hướng Tây Bắc. Tôi đứng lặng im, nhắm mắt lại để định hình lại nơi phát ra tiếng kêu nhưng tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao lợn lại kêu lên theo nhịp, tôi nhớ rằng mình đã đếm được khoảng 9 tiếng, cứ sau 9 tiếng kêu liên hồi thì lại ngắt một lúc sau đó lại kêu. Tôi cảm thấy như phía sau mình đang có người đang nhẹ nhàng bước đến gần, tôi quay lại nhìn thì thoáng ngạc nhiên vì thấy thằng L. đang bước lom khom, chân nó đi đất nên hầu như không có tiếng động nào phát ra, trên tay nó là một cái súng cao su, nó sợ tôi lên tiếng nên đã đưa tay lên miệng ra hiệu im lặng, tôi không hiểu lắm nên đứng ngây người ra. - Mày đừng có gây ra tiếng động, đứng im! Thằng L. ghé sát vào tai tôi thì thầm rồi nó nhẹ nhàng bước qua tôi, nhón chân đi vào sau vườn, tôi thấy vậy cũng bước theo, mặc dù chưa hiểu việc nó đang làm nhưng với dàn ná thun nó cầm trên tay thì tôi đoán nó sẽ bắn chim. Chừng hơn mươi bước chân thì thằng L. ngồi xuống gốc cây bưởi nhỏ phía sau nhà, tôi cũng ngồi theo và hướng ánh mắt nhìn theo nó. Quả nhiên trên cây xoan cao cao nằm bên bờ ao ngăn cách ao của nhà ông Thân với cái ao tôi sau nhà tôi mà tôi không biết của ai, có một con chim khá lớn gần giống con gà nhỡ nhỡ mà bà Già nuôi. Con chim ấy đang đậu trên cành và hướng mỏ về phía nóc nhà tôi, nó vẫn đang kêu những tiếng éc, éc hơi chói tai và rợn rợn người. Tôi không phân biệt nổi sự khác biệt giữa các con chim, loại chim, thậm chí đối diện nhà tôi bây giờ người ta bán chim cảnh và tôi cũng có quen biết thì tôi cũng chẳng bao giờ tìm hiểu, nhưng ở gần nhà bán chim cảnh cũng vui lắm, mỗi sớm thức dậy thấy chim hót líu lo đến là vui tai. Thằng L. giơ súng ná cao su lên nhắm bắn cẩn thận và “Pạch!” viên sỏi lao vút đi, nhiều lá xoan rơi rụng lả tả nhưng con chim lại bay thoát, thằng L. bực dọc văng tục. - Đ.M nó chứ, chỉ một tẹo nữa là ông bắn trúng. - Chim gì thế anh, nhìn cũng to nhỉ? Thằng L. đứng dậy bước quay ngược lại hướng nó đã đi vào, tôi vội vã chạy theo. - Con chim lợn, mày không nghe thấy nó kêu khi nãy à? - Em có nhưng em tưởng tiếng lợn? - Lợn đâu, chim lợn đấy, tao đang ở nhà nghe thấy nó kêu một hồi rồi, chỉ một tẹo nữa thôi là trưa nay có món chim lợn nướng – Thằng L. tỏ ra tiếc rẻ - Mày chưa nghe tiếng chim lợn kêu bao giờ à? - Chưa, - Tôi lắc đầu – sao chim lại kêu tiếng gì như lợn thế? - Vậy người ta mới gọi là chim lợn, mày .. – L. lắc đầu – mang tiếng ở quê mà như thằng ba ngơ thành phố ấy. Tôi gãi đầu ngại ngùng, quả thật tôi chưa bao giờ nghe tiếng chim lợn kêu, tôi còn chưa nhìn được rõ con chim đó hình dáng ra sao nữa cơ mà. - Sao em ở quê mấy năm mà chưa thấy con chim này bao giờ nhỉ, cũng không thấy ai nói đến. - Lúc tao còn bé thì thấy nhiều chứ giờ chắc sắp tiệt giống rồi, tao bắn rụng cũng khơ khớ, con chim lợn này hôm nay số đỏ. - Em không thích giết chóc nhưng con chim này kêu tiếng nghe ghê quá, tí nữa nó có quay lại không nhỉ? - Sao mà biết được, nhưng nó đã đậu trên cây xoan đấy kêu thì kiểu gì nó cũng sẽ còn bay quay lại khu này, chỉ nay mai thôi, tao sẽ rình bằng được. Nói rồi thằng L. chạy biến đi luôn, L. là thằng lầm lì ít nói nhưng lại rất hay bắt chuyện với tôi và cười đùa, tôi thì miệng gọi nó là anh nhưng bụng thì không nhận, nó là một thằng tốt tính, có mỗi nhược điểm là ít chữ nghĩa thôi. - Bà ơi, bà có biết con chim lợn không? Tôi nằm trên võng đọc truyện, thấy bà Già bước vào nhà là tôi hỏi luôn. - Chim lợn hả? lâu rồi tao không thấy. - Nó kêu như con lợn bị chọc tiết phải không bà? - Cũng gần giống như thế, mà cái giống chim đấy thì không quý báu gì, nó đậu ở đầu hồi chõ mỏ vào nhà ai kêu thì nhà đó hoặc hướng đó có người sắp chết. Bà Già vừa dứt lời thì tôi đánh rơi cuốn truyện tranh trên tay, chợt cảm thấy trong giây lát người mình như đông cứng, nãy đúng là tôi có thấy con chim đấy chõ mỏ vào hướng mái nhà của nhà tôi kêu, nó đậu trên cành xoan hướng Tây Bắc, gần như ở góc khu đất nhà tôi. - Bà ... bà có biết gì thêm về chim lợn không? - Thường trước đây thi thoảng tao thấy chim lợn kêu vào buổi tối – Bà già ngồi phệt xuống nền nhà bên cạnh tích nước vối, kê cái quạt nan thay cho ghế - con chim ấy thì nó kêu ít chả sao nhưng kêu dài thì có điềm không lành. - Là như nào hả bà? Tôi rời khỏi võng và đến ngồi xổm bên cạnh bà. - Con chim ấy kêu ở đâu là ở khu đấy hay có người chết, nam thì nó kêu 7 tiếng còn nữ mà chết thì nó kêu 9 tiếng. Xưa các cụ bảo là nó kêu như vậy dựa vào vía của nam nữ ấy mà, nam 7 vía nó kêu 7 tiếng, sao tự nhiên mày hỏi thế? - Tại thằng L. nó bảo là đi bắn chim lợn mà cháu thì không biết con chim ấy, cháu tưởng là con chim ấy giống con lợn. – Tôi nói dối rất nhanh. – Vậy là con chim ấy nó kêu như tiếng lợn hay sao ạ? - Nó thì cũng như chim bình thường thôi nhưng mà kêu eng éc ghê bỏ bố ra, nhưng nếu nó chỉ kêu một, hai tiếng thì không sao đâu. - Thế chim lợn có hay kêu vào ban ngày không ạ?
- Tao cũng ít thấy, thường nó kêu vào ban đêm mà mỗi khung giờ thì sẽ báo hiệu những điềm dữ khác nhau. Xưa nó kêu mới ghê chứ giờ chắc là bị bọn trẻ con chúng mày bắn chết hết rồi lấy đâu ra chim với cò nữa. - Mà sao con chim lợn lại biết được ở đâu có người sắp chết mà đứng kêu bà nhỉ? - Các cụ ngày xưa bảo con chim ấy là sứ giả của Diêm Vương, Diêm Vương sai nó đi báo trước cho chủ nhà để chuẩn bị hậu sự hay có thời gian dặn dò con cháu trước - Tao nhớ lúc còn nhỏ hàng xóm có người ốm đau mà sáng sớm gà chưa gáy nghe tiếng chim lợn kêu thì sợ mất cả hồn, dặn vội con cháu mà y như rằng đêm hôm ấy trở bệnh nặng thì mất, tao cũng chỉ biết có thế. Nói đến đó thì bà Già ngồi loay hoay têm trầu để nhai, tôi vẫn ngồi xổm bên cạnh bà và ngoái đầu nhìn xa xăm ra ngoài cửa. - “Sứ giả của Diêm Vương?” Tôi tự hỏi chính mình, những lời kể của bà làm tôi bị ám ảnh hồi lâu, tôi bần thần ra ngồi ngoài hiên nhà nhìn nắng bắt đầu lên cao, tôi băn khoăn về con chim lợn vì tiếng kêu chói tai và có phần thê thảm của nó. Bình thường chắc tôi chẳng để tâm đến chim cò làm gì, tôi không có hứng thú, nhiều lần tôi thấy nhà bà ngoại phơi thóc lúa hay bà Già phơi cơm nguội ngoài sân mà chim sà xuống mổ thì tôi cũng chỉ đuổi cho nó bay đi chứ tôi cũng không có ác ý gì cả. Còn con chim lợn này nó cứ kêu những tiếng dài thảng thốt và quan trọng là nó đứng quay đầu về phía nhà tôi mà kêu thì chắc không phải điềm gì lành, bà Già tôi nhiều tuổi cũng chỉ biết được vài điều truyền miệng trong dân gian mà thôi, mà nếu con chim ấy đậu ở đầu hồi nhà tôi kêu thì liệu có phải nó đang báo cho tôi biết điều gì đó không hay có thể xảy đến với gia đình tôi hay không? Người già thì ai cũng sẽ chết, đấy là quy luật tự nhiên nhưng tôi nhớ rằng mình đã từng ước khi thấy sao băng, tôi muốn bà Già sống thật lâu, sống lâu nhất làng này. Bà già đã nói nó kêu ở đâu thì ở đó có người sắp chết, điều này làm tôi cảm thấy sợ, chẳng có gì đáng sợ bằng việc ai đó nói rằng người thân mình sắp chết cả, mà bà tôi còn khỏe, sao lại chết nhanh thế được. Tôi không biết chính xác bà Già sinh năm bao nhiêu, sự thật là như vậy, trên cái Chứng minh thư nhân dân đã hết hạn từ đời tám hoánh nào rồi thì ghi bà sinh năm 1923 còn căn cứ theo lời kể của bà “Tao kém ông mày gần chục tuổi” thì lại không đúng lắm, nếu 1923 thì chỉ kém ông tôi có 6 tuổi, thói quen của người già không bao giờ nói 6 thành gần chục cả, tôi biết điều đấy. Một thời gian tôi lại căn cứ theo lời kể vào khoảng thời gian bà lấy ông tôi năm 1942 thì chưa tròn mười tám tuổi, như vậy thì bà sinh năm 1923 là không hợp lý, mãi đến hồi bố tôi dành thời gian đi tìm lại những người bạn đã hoạt động cùng với bà thời kỳ tiền khởi nghĩa 1945 thì được các cụ ấy cho biết bà sinh năm 1925, giấy tờ sau này đều thống nhất ghi như vậy còn đối với tôi, tôi thích bà tôi sinh năm 1923 hơn vì như thế cho ... nhiều tuổi, tôi luôn thương bà mình theo cách riêng rất buồn cười như vậy. Năm nay là năm 1998 nếu tự nhiên bà tôi chết thì bà mới chỉ được có 75 tuổi, như thế là còn kém rất xa so với người nào đó đã tạ thế ở tuổi 98, tôi cảm thấy không cam tâm, tôi muốn bà mình là người sống lâu nhất làng Bưởi Cuốc. Tôi đứng ở phía sau vườn ngẩng đầu nhìn cây xoan lúc ban sáng con chim lợn đã đậu, tôi đứng đó một hồi rồi lại ngồi chờ xem con chim lợn có quay lại hay không, giá như nó biết nói thì tốt nhỉ, tôi đã có suy nghĩ ngốc nghếch như thế trong lúc ngồi ở khu vườn sau nhà. ..... Căn nhà của hai bà cháu tôi lại chìm vào bóng đêm yên tĩnh, chỉ còn heo hắt ánh đèn dầu để ở trong tủ kính, điện tắt rồi nhưng tôi trằn trọc mãi không ngủ được, đến khi bắt đầu chợp mắt được thì giật mình bừng tỉnh vì tôi lại nghe tiếng lợn kêu éc éc giống như lúc sáng, lại ở hướng đầu hồi nhà. - Con chim lợn chết tiệt, mày ... mày muốn nói gì đây ? Tôi nghĩ trong đầu như vậy rồi vội vàng bật dậy đi ra đầu giường của bà và hỏi nhỏ như kiểu thì thầm. - Tiếng chim lợn kêu bà ơi, đúng không bà? - Ừ, tiếng chim lợn đấy, mày đếm xem nó kêu mấy tiếng một lượt? – Bà Già cũng đã ngồi dậy. Hai bà cháu im lặng một hồi, tôi vểnh tai lên để nghe và đếm cho kỹ. - Cháu nghe như nó kêu một tràng là 9 tiếng bà ạ. - Nó kêu rõ mồn một nhỉ. - Hình như ở đầu hồi nhà mình bà ạ. - Vậy có khi nó đang báo cho tao rồi, thế là tao sắp chết. - Bà lại nói linh tinh. - Mày thì biết gì, mai mày gọi cho bố mày hỏi thăm mọi người ngoài đấy ra sao, mà mấy giờ rồi? - Gần 12h đêm bà ạ. - Sắp qua ngày mới à, thế mày phải cẩn thận. - Cháu làm sao? - Nửa đêm nó kêu thì phải trông chừng trẻ con, nhà này chỉ mỗi mày là trẻ con thôi chứ ai. - Nhưng cháu là con trai mà. - Thế mày lắng nghe kĩ xem nào. - Đúng là 9 tiếng thật mà – Tôi khẳng định. - Thế có khi là tao sắp chết. – Bà Già ngồi thở dài trên giường ngủ, tôi thì đứng bên ngoài màn. – Tao mới để dành được có năm chỉ, giờ cho mày thì chả được bao nhiêu. - Bà lại nói linh tinh, chắc con chim này nó kêu bậy bạ, để cháu ra ném đá cho nó bay đi. Bên ngoài bóng đêm vẫn có tiếng chim lợn kêu thảm thiết từng hồi, bà Già ngồi vấn khăn sau đó rời giường đi vào trong buồng, bà Già bước chân đi trong bóng tối chỉ có chút ánh sáng mờ mờ của đèn dầu có khi còn nhanh hơn tôi, kinh nghiệm hơn bảy mươi năm đi bộ quả nhiên là có ích, một loáng sau bà quay lại và đưa cho tôi một cái túi vải nhỏ xíu được may vá thủ công, tuy không đẹp nhưng có vẻ rất chắc chắn và một đầu có sợi dây rút. - Cái gì đây bà? - Vàng của tao, tao cho mày, chứ nếu đêm nay tao ngủ không dậy được nữa thì chả ai biết chỗ tao giấu thế là mất toi. Thấy bà nói thế, tôi để cái túi lên trên nóc tủ kính kiêm ban thờ gia tiên, tôi bật đèn lên rồi đi ra sau nhà nhặt mấy viên ngói sát chân tường rồi ném, đuổi con chim lợn chết tiệt kia đi, đêm khuya thanh vắng mà nó kêu não nề, muốn dựng tóc gáy, tiếng kêu như con lợn bị chọc tiết khiến tôi khó chịu. - Cút đi, cút đi! Mỗi tiếng “cút đi” là một viên gạch ném lên cây xoan, tôi đoán là chẳng trúng được con chim đâu nhưng tôi vẫn ném đến cả chục viên cho bõ tức. Đêm ấy, tôi không ngủ trên tấm phản gỗ lim mà nằm ngủ cạnh bà Già, thi thoảng nửa đêm tôi tỉnh giấc nhẹ nhàng để một ngón tay lên mũi xem bà tôi còn thở hay không, bà còn thở thì tôi lại ngủ tiếp, đêm ấy là một đêm rất dài.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]