Chị Ma có vẻ như không giỏi mấy chuyện liên quan đến tiền nong có thể vì chị ấy đang nắm giữ một số của cải lớn hoặc là do thời chị ấy còn sống thì tiền bạc không giống như bây giờ, tôi nghiêng về nhận định vế sau hơn. Hôm sau là đầu tuần, ngày 22 Tết, tôi đi học xong là phóng như bay về nhà vì đêm qua tôi chả dám bật điện để xem, tôi đoán trong đó chắc là đồng xu vì chị Ma cứ nhất nhất nói đến tiền, hồi xưa thì chỉ có tiền xu thôi, cô giáo tôi nói chỉ có ông Hồ Quý Ly sáng lập nhà Hồ là có in tiền giấy để thu hồi tiền xu về nhằm mục đích đúc súng đại bác để chống nhà Minh. Tôi lôi cái chum nhỏ giấu dưới tấm phản gỗ lim truyền thừa hàng trăm năm đã có biết bao nhiêu thế hệ trong gia đình đã ngủ nhưng chưa có ai lìa xa cõi nhân gian trên tấm phản vì bà tôi bảo rằng khi ốm đau nặng là hay cho nằm xuống giường để tiện chăm sóc và nếu có mất thì sẽ đốt luôn cái giường ấy. Từ hồi nhà tôi chuyển xuống mảnh đất này thì chỉ mới có hai người mất đi là ông nội tôi và bà nội Cả, bà nội Cả của tôi mang họ Đào, bà Trẻ cũng mang họ Đào, chỉ có bà Già là mang họ Phạm là người huyện khác về đây từ khoảng năm 1942, các cụ hồi trước chẳng có mấy khái niệm về thời gian nên nếu bà tôi kể chuyện thì tôi toàn phải căn cứ vào một vài sự kiện của năm đó để đối chiếu. Bà Già nói rằng ở quê lúc đó bà chưa lấy chồng và nhận lời đưa thư từ, tài liệu cho Việt Minh mới thành lập ở khu vực quê của bà, làm công việc ấy một thời gian thì có người bị bắt nên đến Tết có người đến làm mối lấy chồng thì bà hối cụ đồng ý ngay dù không muốn lấy chồng xa nhà, bà sợ ở nhà sẽ sớm bị bắt. Mà Việt Minh thì thành lập năm 1941 rồi Tết xong chắc chắn là năm 1942 rồi, tôi khẳng định như thế nhưng bà Già chẳng quan tâm lắm, lúc nào kể chuyện cũng bắt đầu “Hồi xưa” khiến tôi bị nhiễm từ này, mãi mấy năm trước tôi mới thay thế từ “Hồi xưa” bằng “Trước đây” cho phù hợp hơn khi ra ngoài làm ăn. Đêm hôm qua tôi chưa kịp rửa sạch cái chum nhỏ nên vẫn còn dính nhiều bùn đất, đặc biệt là ở phía trong, tôi dành thời gian ngắm nghía nhưng cũng chỉ nhìn thấy ở phía bên trong cái miệng chum nhỏ ấy là tiền xu nhưng nó đã dính hết lại với nhau. Tôi thò hai ngón tay vào để moi thử nhưng không thể moi ra được một đồng nào, ngồi thở dài ngao ngán một hồi tôi đã nghĩ đến việc đập vỡ cái chum để lấy tiền ra là xong nhưng sau tôi nghĩ lại, vì tiền dính cả cục như này thì chắc là bị gỉ rồi, có đập vỡ cái chum nhỏ này đi thì mang tiền xu đi bán ai sẽ mua. Cái chum nhỏ xíu này tuổi đời có thể cũng đã lâu, đêm hôm qua tôi quên khuấy đi mất, không hỏi chị Ma về niên đại của đống tiền xu này, tôi chỉ nhớ chị Ma nói là có người đã đào được một cái chum lớn chôn cùng thời điểm với chị ấy mà cái chum này nhỏ xíu thì chắc không cùng thời, hơn nữa có lần tôi nghe nói là cái ông Xã Thần cai quản làng này còn về sau cả chị Ma, mà người nói điều này với tôi là chị Lý Ngọc Khuê xinh đẹp. - Vậy là có thể nó nằm dưới đất sau thời chị Ma và trước thời chị Lý Ngọc Khuê đến làng. Thật ra chẳng có cơ sở nào để chứng minh nhận định của tôi là đúng nhưng dù sao có một chút nhận định có thể sai vẫn tốt hơn là không biết gì, nếu ai đó nói cho mình biết mình sai thì chả phải mình sẽ biết làm thế nào là đúng sao. Tôi ngồi vừa ăn cơm với ruốc trong bát lớn và gật gù với nhận định của mình, bây giờ vấn đề là phải tìm cách bán nó cho ai đó, mà ở làng này thì không ai mua rồi, muốn bán chắc phải lên thị trấn Hồ tìm một cửa hàng vàng, chỉ có họ mới có tiền và hiểu biết mấy thứ này mà thôi, bằng không thì phải mang ra tận Hà Nội mà tôi còn nhỏ thế này, có khi nào họ nghĩ tôi ăn trộm không? Họ có thể không nghĩ tôi ăn trộm nhưng sẽ “bịp” tôi là chắc chắn. Ăn xong bát cơm thì tôi rửa thật kỹ cái chum rồi lau khô, phía bên trong không thể rửa được nên cũng chỉ còn cách úp ngược xuống cho nước bẩn chảy ra, tôi quấn cái chum nhỏ vào một miếng vải nhung màu đỏ còn mới của bà Già còn mắm tôm thì tô múc trong cái âu đựng mắm của bà rồi cho vào cặp, nhìn cái cặp hơi phồng nên sau đó tôi chuyển qua cho vào cái túi cước màu xanh rồi xách trên tay đạp xe xuống nhà R9. Trước khi đi tôi cũng vay của bà Già tiền, vay hẳn Năm trăm nghìn đồng toàn tiền mới, được 10 tờ. - Đi chơi mày? - Mới đi học về mà, mày tính đi đâu? - Lên Hồ có tí việc ấy mà, tính rủ mày đi cùng. - Để tao đèo mày à? – R9 hỏi với giọng nghi ngờ. - Đèo tao thì sao chứ, thế Tết này mày muốn có tiền không? - Tiền thì lúc nào chả cần, đâu cứ là Tết mới cần. - Mày đi với tao, làm theo lời tao thì mày sẽ có tiền. - Lại trò gì? Mày lúc nào cũng mang tiền ra dụ thế nhờ? - Mày không đi thì thôi, đi đảm bảo không ân hận, bèo nhất tao cho mày Một trăm nghìn, mua được kha khá thứ đấy nhá! - Thế chờ tao mặc áo cái đã, - R9 làu bàu - Mới vừa cởi ra xong. R9 chở tôi đi bằng con Mini cũ của nó vì nó không thích xe Peugeot do cái thế ngồi mỏi lưng, tôi thì miễn được chở là tốt rồi, không có ý kiến gì. Hai thằng đi qua đoạn Cầu Khoai thì tôi bảo R9 dừng lại rồi khoe với nó thứ đang dựng trong cái túi cước màu xanh. - Tao bảo này, hôm qua tao đào được một hũ tiền xu cổ. - Hả? ngon vậy, mày tìm thấy ở đâu? - Ngoài đồng ấy, đang đứng tè thì tự nhiên thấy cái chum nhỏ này. Tôi mở cái túi cước màu xanh cho R9 xem, nó nhìn ngắm một lúc rồi hỏi lại. - Cái này có bán được không? - Tao nghĩ là bán được, đồ cổ mà. - Cổ gì, làng mình tao nghe nói thi thoảng cũng có người cuốc phải chum, vại ở ngoài ruộng khi cày cuốc đấy! - Sao mà biết được, cái này là đổ cổ, chắc cổ hơn những thứ người làng mình đã tìm thấy, tao đang nghi cái chum này còn giá cả triệu đấy! - Thật không đấy? – R9 bĩu môi – Tao thấy không ham lắm, cái này thì có gì mà bán được cả triệu?! - Mày đi cùng tao chỉ cần mày im là được, mày là đứa ít nói thì cứ im thôi. Không bán được thì tao sẽ mua tặng mày một cuốn truyện và ăn cái gì đấy là được chứ gì? - Thì đi! R9 miễn cưỡng, thằng này chả nhạy bén gì, bán được hay không bán được là do người mua quyết định chứ có phải do mình đâu, quan trọng là phải tìm được đúng người, tiền kiếm mà dễ thì sao đến lượt mình được chứ. Tôi ngồi phía sau, suốt chặng đường gần 7km tôi dành để suy nghĩ thêm về việc sẽ nói như nào và bán ra sao, chẳng dễ dàng gì khi tự mình phải đóng một lúc hai vai là người mua và người bán để tưởng tượng ra những câu hỏi và trả lời và quan trọng nhất làm sao có thể giữ được nét mặt ngây thơ vô số tội, sau cùng tôi tự động viên mình là không bán được thì cũng chẳng mất gì và kiểu gì chị Ma cũng sẽ giúp tôi bằng cách nào đó, tôi nhớ là chị ấy hai hay ba lần nhắc đến việc mang số tiền xu này ra khỏi làng, cứ thử xem sao rồi tính sau. Thị trấn Hồ cũng có mấy cửa hàng mua bán vàng nhưng tôi bảo R9 đạp thật chậm đi qua một lượt để tôi quan sát qua một lượt, tôi muốn tìm một người chủ trông có vẻ lớn tuổi đứng bán thì cơ hội sẽ cao hơn mấy người tầm tuổi bố tôi, đặc biệt nếu thấy phụ nữ thì tôi nhất định sẽ không vào vì phụ nữ tôi nghĩ họ chả biết gì về đồ cổ, ở làng tôi thì phụ nữ lo làm ruộng, nuôi lợn còn mấy cái thú vui tao nhã tôi chỉ thấy các ông tham gia mà thôi. Lượn mấy vòng thì hai thằng quyết định rẽ vào một cửa hàng có người chủ khoảng hơn 50 tuổi đang ngồi đọc báo ngay ở cửa và một người thanh niên đang ngồi chơi trên chiếc Dream màu mận chín. - Cháu chào ông ạ! Tôi xuống xe đạp, tay cầm túi màu xanh và chào người đàn ông đang đeo kính đọc báo, nghe tiếng tôi chào ông ấy ngẩng đầu nhìn tôi và gập tờ báo lại. - Chào cháu, có chuyện gì không cháu?
- Ông cho cháu hỏi ở đây mình có mua đồ cổ không ông? Người đàn ông đứng dậy, để tờ báo ngay trên cái ghế vừa rồi. - Cháu có gì để bán hay sao? - Ông cháu nhờ cháu! - Vậy ta vào trong nhà nhé, đứng đây không tiện... Tôi và R9 bước theo người đàn ông vào cửa hàng, người thanh niên vẫn ngồi trên xe Dream và chẳng quan tâm đến việc của chúng tôi, có lẽ anh ta là con cháu của chủ cửa hàng và có nhiệm vụ đứng bảo vệ, hai thằng oắt con chúng tôi quả thật anh ta chẳng để vào mắt vì chúng tôi vô hại, thật sự là như thế. - Hai cháu có cái gì? Cái tủ kính trưng bày cơ man là vàng cao đúng đến hai mắt của tôi nhưng tôi không nhìn, không phải tôi không thích vàng mà những thứ mình chẳng mua thì tốt nhất không nên quan sát nhiều làm gì, đặc biệt trong lúc này thì chỉ nên tập trung vào công việc của mình mà thôi. Tôi lấy cái chum nhỏ từ túi cước ra và nhẹ nhàng đặt lên mặt tủ kính. - Cháu muốn bán cái chum đựng tiền xu thời nhà Hồ. Tôi nói như để khẳng định, tôi không chắc là mình nói sẽ đúng nhưng tôi có thấy được vài chữ Tàu còn in nổi ở những đồng xu đã bị hoen gỉ ám màu xanh trắng. - Cái này cháu lấy ở đâu ra? Ông chủ cửa hàng vàng nhẹ nhàng cầm cái chum nhỏ lên vừa nhìn vừa hỏi tôi, ông ấy nhìn thẳng vào mắt tôi, tôi đã đoán đúng, nhất định ông ấy muốn biết nguồn gốc có phải đồ đi “thó” ở đâu đó hay không. - Gần Tết rồi ạ, ông nội cháu nhờ cháu đi bán cái này, ở nhà còn nhiều cái lớn hơn nhưng ông cháu không bán. Tôi trả lời, tôi nghĩ vẻ mặt tôi lúc ấy rất ngây thơ, tôi đang kể cho ông chủ cửa hàng một câu chuyện do tôi tự bịa ra. - Nhà cháu ở đâu nhỉ? - Cháu học ở trường An Bình ạ! Tôi hay trả lời khác điều người ta muốn nghe, dù sao tôi cũng là học sinh và trả lời đang học ở đâu sẽ đáng tin hơn nhiều so với việc nhà ở đâu, tôi đã có kinh nghiệm một lần đi bán vàng rồi mà, kinh nghiệm là thứ rất quý giá. - Ông cháu muốn bán cái này bao nhiêu? - Ông cứ xem kỹ đi ạ, ông xem kỹ rồi hãy trả giá để đỡ mua phải hàng giả, ông nội cháu dặn thế! Ông chủ cửa hàng đi vào trong lấy ra một cái kính lúp và thêm một cái đèn pin nhỏ để xem xét kỹ món đồ tôi đưa, ông ấy cũng nhìn một hồi lâu những thứ ở trong cái chum nhỏ ấy, tôi kéo R9 ngồi xuống cái ghế sát tường để kệ ông ấy xem. - Xong ở đây tao với mày qua chỗ nhà Tụ Sâm nhá! - Tết rồi chả có truyện gì để mà mua đâu, chắc tao mua mấy đôi dép cho em tao. - Ừ, xong đây rồi đi. Ông chủ cửa hàng sau một hồi xem xét kỹ rồi vẫy tay tôi ra hiệu lại gần, ông ấy đưa lại cho tôi cái chum và lắc đầu. - Cái này không phải đồ cổ đâu cháu ơi, thứ này mới chôn tầm trăm năm thôi, không phải đồ cổ. - Cháu cảm ơn ạ! Tôi nhận lại cái chum nhỏ của mình rồi cho lại vào túi cước và ra hiệu cho R9 đi, ông chủ cửa hàng lại nói. - Đằng nào cũng cất công tới đây rồi, cái này tuy không phải đồ cổ nhưng là đồ cũ, cháu bán thì ta trả Hai trăm nghìn nhé? Tôi để nhẹ cái túi xuống đất rồi thò tay ra túi quần sau lấy tiền ra, ngoài 10 tờ tiền mới của bà Già thì cũng còn những tờ khác giá trị ít hơn cũng cũng gần Hai trăm nghìn. Tôi rút 4 tờ tiền Năm mươi nghìn đưa cho R9. - Đây tao cho mày, công chở tao lên đây. R9 do đã được dặn lên cầm tiền mà không nói gì, đút tiền vào túi rất nhanh. - Hai trăm nghìn cháu không bán được đâu ông ạ, cái bình này ông cháu biết chữ nho, ông cháu bảo từ thời nhà Hồ, tính ra cũng đến 600 năm rồi chứ có ít đâu ạ?! - Biết chữ nho thì ta cũng biết đấy chứ, nhưng mà phải biết cả lịch sử nữa, tiền xu này không phải thời nhà Hồ đâu, nhà Hồ chỉ có tiền xu Thánh Nguyên thông bảo còn đây là của Tàu, ít hơn cả hàng trăm năm, chắc ông cháu nhầm rồi...
- Vậy thì cũng 500 năm sao lại bán được có 200 nghìn ạ? Chả lẽ mỗi năm trôi qua còn không nổi Một nghìn ạ? - Thế ông cháu dặn bán bao nhiêu? - Ông cháu có nói cái này phải xứng đáng cả cây vàng! - Làm sao mà được một cây?! – ông chủ cửa hàng tỏ ra bực mình – Lấy đâu ra một cây? - Thế một cây vàng là bao hả ông? - Một cây bây giờ gần Ba triệu tám, cái này không thể có giá như vậy được. Ông cháu tên là gì? - Ông cháu tên là H. ạ! - Sao ta chưa nghe cái tên này ở An Bình bao giờ nhỉ? - Ông cháu có buôn bán gì đâu mà ông biết được, những thứ này ông cháu trong khi cày ruộng thì thấy nên đào lên mang về, ở nhà còn rất nhiều nhưng toàn chum kiểu lớn cháu không chở được. Mà ông cháu không cần nhiều tiền như thế, ông bảo là chỉ cần bán cái này là cả cây vàng rồi, tiền bán được để mừng tuổi cho bọn cháu mà! - Cái này không được một cây đâu, ta chắc chắn như vậy! - Thế cái này ông trả được bao nhiêu ạ? Để cháu về nói với ông cháu. - Hai triệu, ta có thể trả tối đa Hai triệu, cái này ta mua cũng để bán chứ ta không có sưu tầm cháu hiểu không? - Mua bán thì phải có lời cháu hiểu mà, nhưng ông xem, cháu còn phải nhờ thằng này chở cháu đi và phải trả công cho nó, ông trả thêm được Một trăm nghìn nữa thì cháu bán. Cháu cũng sẽ nói với ông cháu là cái chữ trên đồng tiền là không phải thời nhà Hồ, mà ông cũng cho cháu số điện thoại đi, nếu ông cháu bán những chỗ còn lại thì cháu gọi điện cho ông xuống mua chứ cứ mỗi lần lên đây cháu lại phải nhờ người đưa đi bất tiện lắm ạ! - Số điện thoại ngay ngoài biển hiệu đấy! - ông chủ cửa hàng chỉ tay ra phía ngoài – Thôi nhá, ta đồng ý trả Hai triệu mốt, ta cho cháu thêm Năm chục nữa là Hai triệu mốt năm chục. Nếu ông nội cháu mà muốn bán chỗ còn lại thì cứ gọi ta, ta sẽ xuống! Tôi giơ cái túi cước màu xanh lên nhìn nhìn một hồi sau đó lại nhìn ông chủ cửa hàng, nhìn R9 rồi thở dài. - Vâng, thế cháu bán cho ông, trước lạ sau quen ạ! Tôi ngồi trên ghế chờ, lưng dựa vào tường tỏ vẻ rất thản nhiên ngồi chờ đợi lấy tiền, tôi không biết cái chum ấy rồi ông chủ cửa hàng sẽ kiếm được bao nhiêu tiền lời nhưng đấy là việc của ông ấy, họ buôn bán mà. Số tiền Hai triệu hơn này chắc đủ để mua một số thứ cúng kiếng ngoài bãi tha ma Cầu Khoai, thế là được rồi, cũng chẳng phải của mình. Tôi để riêng Hai triệu vào một chỗ còn đưa cho R9 Một trăm năm mươi nghìn, số tiền Hai trăm tôi đưa trước đó cho nó thì nó đưa lại để tôi còn về trả cho bà Già, tiền nào ra tiền đó để đỡ phiền phức không đáng có, cứ phải cẩn thận cho yên tâm. - Bán cái đấy có bị hớ không mày? – R9 hỏi tôi. - Tao cũng không biết, mà được việc của tao là được rồi, có phải của mình đâu mà tính làm gì?! - Kinh thật, mỗi cái hũ con con ấy mà những Hai triệu, mày còn hũ to hơn à? - Làm gì có, thấy mỗi cái đấy! - Hay ra tìm thêm, biết đâu còn? - Thôi, mấy thứ này tao nghĩ chả tốt đẹp gì đâu, mày không sợ ma nó ám cho à, cái này kiểu gì chẳng đã từng là của ai đấy họ cất đi rồi quên, mày nghe đấy, cả năm trăm năm rồi chứ ít gì mà lại của người Tàu. - Thế mày tính làm gì với số tiền ấy? - Tao với mày vào mua sách truyện gì thì mua xong rồi đến chỗ người ta làm vàng mã tao mua một ít vàng với quần áo giấy. - Đốt à? Trả công người ta hay sao? - Đợt tao với mày phá cái lão phù thủy nào đấy ở Cầu Khoai lúc đêm hôm, tao nghĩ sắp Tết rồi mình cũng nên mua cúng cái gì đó ở đấy chứ nghịch phá có khi lại bị quở thì chết. - Thế cũng được! Tôi mua cả một thùng vàng mã đủ thứ linh tinh từ quần áo, hài, vàng, mũ mão rồi thuê luôn người chủ ở đấy chở về vì hai chúng tôi đi xe đạp, tiền công chở chỉ phải trả thêm Hai mươi nghìn, trước khi lên xe để người ta chở về tôi dặn R9. - Mày về thì lên nhà tao luôn nhá? - Ừ! .....
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]