Chương trước
Chương sau
Từ cổng nghĩa trang đi vào mộ ông nội phải men theo đường mòn nhỏ cả cây số nữa, chỉ có thể đi bộ chứ xe hơi không chạy được. Ngoài hoa, bánh, trái, nhang, đèn thì chúng tôi còn đem theo xô, cuốc, xẻng để dọn dẹp. Vô cùng lỉnh kỉnh. Tôi cảm thấy việc chia nhau ra xách đồ vào là bình thường, kể cả tôi không phải đàn ông thì cầm bây nhiêu thứ cũng có sao đâu, nhưng Tuấn Anh luôn làm quá lên như thể sợ tôi xách đồ sẽ bị rụng mất sợi tóc hay gãy cái móng vậy. Cậu ấy đã vác nặng rồi nhưng cứ thấy tôi xách túi nào là tranh giành túi ấy. Thực sự người ngoài nhìn vào chắc chắn sẽ cảm thấy người đi bên cạnh cậu ấy đang mang thai sắp đẻ cũng nên.

Có vài người cũng dựng xe máy ở ngoài để đi vào trong nghĩa trang nên tôi không đôi co nhiều, chỉ nói "để em xách cho, em xách được mà" nhưng không được chấp thuận nên tôi cũng mặc kệ luôn. Mất công người ngoài đứng lại tò mò xem có chuyện gì rồi Tuấn Anh lại dở chứng nói mấy câu sến sẩm thì mắc cỡ lắm.

Đi được mấy mét, Tuấn Anh nói: "Xách mấy thứ này như là đồ trang trí trên người anh thôi, có nặng gì đâu, nên lần sau em đừng giành việc của anh. Anh to xác thế này, mỗi lần giằng co người ngoài nhìn vào lại hiểu lầm anh đánh em."

Vì đường nhỏ xíu lại đầy cây gai nên tôi đi phía trước, cậu ấy theo sát bước chân, nhìn xuống bóng dáng phía sau cao lớn, trải dài chồng lên bóng tôi quấn quýt, gần gũi, thấy trong lòng thoải mái, yên tâm vô cùng. Tôi đã có cảm giác một đời này dù yên bình hay chông chênh thì khi tôi ngoảnh đầu lại, vĩnh viễn có chỗ dựa vững chắc kề cận ngay sau lưng mình.

Tôi nhẹ nhàng vặn lại: "Làm gì có chuyện chia ra việc của anh hay việc của em như thế, em rảnh tay thì cùng nhau làm thôi, em cũng không thấy mệt."

"Chia chứ sao không chia! Việc nặng đều là của anh hết!"

Tôi quay lại, xoè tay ra, chất vấn: "Anh mới nói không nặng cơ mà, vậy thì đây là việc nhẹ. Đưa bọc trái cây cho đại ca!"

Tuấn Anh phì cười, tiến tới dùng lồng ngực khổng lồ dán sát vào người tôi, "Ghê nhỉ! Được chiều xíu đã cãi lại nhem nhẻm rồi. Nặng với em, nhẹ với anh, được chưa đại ca? Đi lẹ lên không nắng!"

Tôi thở dài, bước tiếp, nói: "Anh chiều em quá em lại tưởng bản thân bị tật nguyền."

"Bậy bạ! Nhiêu đây mà quá cái gì? Em cứ phải lăn tăn mấy chuyện cỏn con thế nhỉ? Anh thấy chúng ta không nên tranh luận vì vấn đề như cái mắt muỗi này đâu. Thời gian đó thì em cứ nói yêu anh, thương anh, mấy năm nay ở quê nhớ anh cồn cào thế nào có phải nghe vui tai hơn không?  Này, đừng có mà giận đấy nhé?"

Tới lối đi hẹp hơn, Tuấn Anh vươn cánh tay lên phía trước đỡ bên hông cho tôi khỏi ngã xuống ruộng.

"Em không giận đâu. Nhưng chuyện này là do anh mở đầu nói trước mà."

"Em chủ động nói trước, câu của anh nói ra để kết thúc vấn đề thôi. Ai ngờ em lại tiếp tục cãi nên mới dây dưa tới giờ."

"Anh hơn thua với em đấy à?" Tôi lại quay người.

Tuấn Anh làm bộ mặt sửng sốt, "Không hề! Rõ ràng anh nói anh là người bắt đầu trước mà, em nghe nhầm thành gì mà nổi cáu vậy?"

Tuấn Anh phải vươn cả hai cánh tay chặn lại, ôm hờ tôi trong lòng vì sợ tôi loạng quạng cắm đầu xuống dưới.

Tôi cười tủm tỉm, quay lại tiếp tục tiến về phía trước.

Người phía sau điềm đạm lên tiếng: "Em đừng nói câu giống người tật nguyền, nghe ớn quá! Nói là như chăm em bé đi, em là cục cưng bảo bối của anh mà. Được nuôi em an nhàn phú quý, cả đời chân không chạm đất đó mới là thoả mãn ước mơ của anh."

Tôi lại phải cấp tốc quay về, đưa ngón trỏ lên môi ra hiệu: "Suỵt! Nói nhỏ thôi!"

Trời ơi, thì ra có bồ còn phải mang cả cảm giác xấu hổ khi anh người yêu liên tục trao lời ngọt ngào ngoài đường xá nữa. Tôi phải viết thư lên Chính phủ kiến nghị Nhà nước ra lệnh cấm nói chuyện yêu đương ngoài trời mới được.

Cậu ấy lập tức mỉm cười, ánh mắt cong cong, khoé môi giương cao đến là rạng rỡ. Tôi nhìn mà còn thấy chói mắt hơn cả tia nắng mai vàng rực chiếu xuyên qua bờ vai vạm vỡ trước mặt.

Hầu kết tôi vô thức trượt một đường, nhanh chóng lảng tránh, xoay lưng đi tiếp, nói: "Tuấn Anh này, em biết anh thương em nhưng em cũng thương anh mà."

"Anh biết chứ! Nhưng anh không ở bên em biết bao nhiêu năm, ngần ấy năm em tủi thân thì anh cũng cảm thấy mình thiệt thòi đúng nhiêu đó năm mà. Nên em để anh được thoải mái làm việc mình thích được không? Anh muốn chăm lo, săn sóc em mà An. Đây gọi là ga lăng, danh dự danh giá của đàn ông đó, hiểu không em? Haizz~ Cái cảm giác này khó diễn tả lắm nhưng nhìn thấy em phải làm việc gì cũng khiến anh có cảm giác như em đang vất vả rồi ruột gan anh cứ nóng lên cồn cào, khó chịu vô cùng, sau đó đầu óc luôn bất an không tập trung được."

"Thôi được rồi, em hiểu rồi. Từ giờ chừa phần xách đồ lại cho anh. Khi nào nhiều quá em phải phụ là em thu mười nghìn đồng một lượt đấy." Tôi chấp nhận xuống nước trước.

Tuấn Anh bật cười, chặn tôi lại rồi nhanh chóng hôn kêu một cái lên má, "Em cứ yên tâm, anh không để em cảm thấy bản thân vô dụng thừa thãi đâu mà so sánh với người tật nguyền. Anh cũng thích được cùng em làm mọi thứ mà, như tối qua rửa chén cùng nhau vậy đó. Nên tí nữa em lau nhà cho ông còn anh phát cỏ xung quanh nha?"

Tôi cười cười, trong lòng cảm kích vì lời nào Tuấn Anh nói ra cũng tôn trọng tôi, gọi nơi ông nằm xuống là nhà chứ không phải mộ.

"Anh có biết cuốc cỏ không? Hay đổi lại anh quét dọn đi, em làm xung quanh sân cho!"

"Biết. Anh coi trên YouTube rồi."

"..."

Chân tôi vẫn nhanh nhẹn bước nhưng miệng thì cười lên thành tiếng ha ha ha.

"Em khinh thường anh à?"

Tôi lắc đầu, nhẹ nhàng nói: "Không, em chỉ cười thôi mà."

"Em cười là chê anh rồi." Cậu ấy nói vậy nhưng giọng điệu hưng phấn, không có vẻ gì là buồn bã cả.

"Em không có."

"Em có cũng vô ích thôi. Vừa nãy em đã hứa bằng giá nào cũng sẽ ở bên anh trọn đời trọn kiếp."

Thì ra mút sưng hết cả đầu ti bắt thề non hẹn biển là để dùng vào những lúc nhảm nhí thế này?

Đến nơi, chúng tôi chỉ cùng nhau lau dọn sơ qua vì nhà của ông vô cùng sạch sẽ, gọn gàng. Cây cỏ xung quanh cũng phát quang thoáng đãng cả rồi, điều này tôi đều đoán được trước vì thường Tết đến bà nội sẽ nói cô chú lên dọn nhà mời ông về sum vầy.

Bày biện xong đĩa cúng, chúng tôi cùng nhau quỳ xuống nhẩm trong đầu những điều tốt đẹp cho ông nghe, sau khi thắp nhang xong thì chia nhau đi cắm cho những nhà xung quanh mỗi người một nén hương thơm.

Lúc quay lại, tôi nghĩ chúng tôi sẽ ngồi bên cạnh nhau nói những chuyện xàm xí đợi nhang tàn rồi đốt giấy tiền vàng bạc. Nhưng không phải, Tuấn Anh lại đến trước mộ ông, sống lưng thẳng tắp thành kính quỳ xuống lần nữa.

Tôi cũng lật đật bắt chước theo nhưng cánh tay cậu ấy vươn ra túm lấy tôi rồi ngăn lại, nhẹ nhàng nói: "Em ngồi bên cạnh chơi đi, anh nói chuyện với ông một lát."

À...

Tôi nghe lời, lui ra một chút, chỉ ra phía xa, hỏi: "Anh có cần em đi ra kia không?"

Tuấn Anh mỉm cười: "Ở yên đây, đi xa làm gì cho nắng."

Tôi ngồi xuống hàng gạch bao xung quanh sân, gợi ý: "Anh đứng dậy hoặc ngồi cũng được mà. Ông em dễ tính lắm, không trách anh đâu."

Có trách thì đã hiện về gõ đầu em cái tội ngày đêm nhung nhớ một thằng bạn thân rồi. Hức...

Nhưng Tuấn Anh lắc đầu, sau đó chậm rãi khom sống lưng xuống, liên tiếp lạy ông ba lạy.

Sau khi dáng người uy nghiêm ấy ngẩng lên đường hoàng mới bắt đầu điềm tĩnh nói: "Chào ông, cháu là Tuấn Anh đây. Cháu biết chắc chắn ông vẫn nhớ cháu là ai nên cháu không cần giới thiệu lại từ đầu đâu nhỉ? Cháu đến nơi này tổng cộng năm lần rồi. Lần thứ nhất là thời điểm ông bắt đầu không còn ở gần bên An nữa, lần thứ hai cháu đến đón An về hồi 49 ngày, lần thứ ba là hôm giỗ đầu còn lần thứ tư là ngày cháu mới về lại quê hương mấy hôm trước đây thôi. Nhiều năm nay, cháu không đến nhà thăm ông là cháu có nỗi khổ riêng, mong ông lượng thứ, nhưng tấm lòng của cháu thành kính thế nào chắc ông là người rõ ràng nhất."

Nói đến đây, cậu ấy lại chậm rãi lạy thêm một lạy.

"Suốt thuở ấu thơ, mỗi năm Tết đến, cháu chỉ mong ngóng được bố chở vào nhà ông chơi. Không phải cháu thích ông bà đâu mà do..."

"..."

Tôi hấp tấp chạy ra cắt lời cậu ấy: "Trời ơi anh nói cái gì vậy?"

Tuấn Anh vẫn bình tĩnh nhìn lên với ánh mắt ôn hoà: "Anh chỉ nói sự thật thôi. Anh không muốn nói dối. Không thích không đồng nghĩa với ghét bỏ. Em yên tâm nhé?"

Nhìn đôi mắt quá đỗi chân thành trước mặt, tôi vốn định khuyên một chút rồi lại thôi. Dù sao nói ra thành lời hay không thì ông cũng biết được suy nghĩ của cậu ấy thế nào mà.

Tuấn Anh tiếp tục nhìn vào di ảnh đối diện, đều đều lên tiếng: "Cháu chỉ thích vào đấy dụ dỗ ông kể chuyện về em bé An hồi nhỏ cho nghe thôi. Toàn là những điều thú vị mà cả đời này cháu cũng không thể nào quên được. Dễ thương lắm, ông có nhớ không, có lần ông khoe An nhà ông bé xíu mới mẫu giáo chứ nhiêu mà lùa cả đàn vịt hơn trăm hai con ra đồng ăn mãi đến tối mịt lại lùa về mà ngày nào cũng như ngày nấy chưa hề mất một con đâu. Ông còn nói hôm nào thấy thiếu chú vịt nào là em đều nhận ra cả, lại lật đật chạy đi tìm bằng được mới thôi. Lúc đó cháu nghe mà trầm trồ ngưỡng mộ, cảm thấy em bé bông hoa sao mà giỏi quá chừng. Trước kia cháu nuôi có mỗi một con chó mà phải cần tận mấy người chăm sóc mới xuể..."

Tôi mím môi bồi hồi nhớ lại một thoáng tuổi thơ vô tư vui vẻ bên ông bà mà trái tim thổn thức khôn nguôi. Thực ra tôi có giỏi giang gì đâu, bất kì em bé nào sinh ra trong gia đình làm nghề nông đều sẽ bươn chải được hết. Với lại vịt còn đi thành đàn nên gọi là chăm sóc như cậu ấy chi bằng nói tôi đi chơi lang bạt cùng đám vịt ngoài đồng cả ngày thì đúng hơn.

"...Hôm đó cháu về nhà cứ lâng lâng xúc động, tự hào vì ở thôn mình cũng có siêu nhân giống hệt trong tivi, từ đó đem lòng yêu thích muốn kết bạn, tập tành tự làm mọi việc giống y hệt thần tượng của mình. Ông đã cho cháu biết trên đời này thật sự có tồn tại một em nhỏ tốt bụng, chăm chỉ, ngoan ngoãn, hiểu chuyện, đáng yêu, tự lập, siêng năng, trưởng thành hơn tuổi nhiều đến như vậy."

"Cháu không nói rõ được tình cảm trong cháu đã thay đổi từ khi nào. Chắc hẳn ông đã từng giận lắm khi thấy cháu nhìn về An với cảm xúc dần dần vặn vẹo, biến chất như vậy. Đã có lúc cháu cũng sợ. Không phải sợ bản thân hèn nhát chùn bước mà sợ cục cưng của cháu bị gia đình phát hiện rồi đánh em ấy đau. Tuổi thơ em cực khổ nhiều rồi, cháu không muốn bản thân trở thành một phần tội lỗi gây ra gánh nặng đè ép, tổn thương chồng chất lên đôi vai bé nhỏ ấy. Cháu muốn trở thành người xoa dịu chữa lành những vết thương sâu ấy cho em."

Khoang mũi tôi cứ thế chua xót, khoé mắt cay xè nóng bỏng rưng rưng.

Tuấn Anh nhìn lên, nhẹ nhàng ngoắc tay, tôi lập tức chạy tới, cậu ấy kéo tôi ngồi xuống bên cạnh, dịu dàng lau nước mắt, ôm tôi dựa vào lòng.

Bàn tay ấm áp rộng lớn xoa nắn vai tôi, đầu ngẩng cao chính trực, lại tiếp tục điềm tĩnh nói: "Ngày An mất tích, có một chuyện cháu chưa kể ra với em ấy, chuyện mà chỉ có hai ông cháu mình biết với nhau thôi, ông có còn nhớ không? Lúc em biến mất, cháu hoảng loạn rối rắm vô cùng, tuổi lại đang độ mới lớn bất cần nên trái tim ngông cuồng cũng biết sợ hãi mà đập mạnh dữ dội, tâm trí khủng hoảng gần như phát điên. Cháu còn nghĩ cả đến cảnh tượng nếu em thực sự không về nữa thì chính cháu cũng sẵn sàng bỏ nhà đi bụi tìm đến chừng nào ra người mới thôi. Hôm ấy, từ hành động đến suy nghĩ cháu đã thể hiện ra là thằng con bất hiếu, cháu biết sai nhưng cháu vẫn làm vì lúc đó cháu rất sợ em bé Châu báu của mình bị bắt cóc mất rồi. Sau đó may mắn biết bao nhiêu khi cháu gặp được ông, vào giây phút cháu quỳ xuống cầu xin, thực ra cháu đã nói ra lời mà em An luôn mong đợi nhiều năm trời."

Tuấn Anh thấm khoé mắt cho tôi, dịu dàng lên tiếng: "Nhiều năm về trước anh đã nói ra thành tiếng yêu em rồi An à, chỉ là không có can đảm đối diện mở lời với em thôi chứ năm 15 tuổi anh đã thẳng thắn nói với ông nội của em rằng yêu em tha thiết rồi. Anh xin ông cho anh tìm thấy em bình an trở về, anh sẽ không hối hận, không sợ hãi, không lùi bước, toàn tâm toàn ý yêu thương em cả đời."

Nói xong câu này, Tuấn Anh lại nhìn thẳng phía trước, lạy thêm một lạy, giọng vẫn rõ ràng kiên định: "Từ 'cả đời' được thốt ra từ miệng thằng nhóc con choai choai chắc khi ấy ông đã cảm thấy nực cười lắm nhỉ? Nhưng cháu tin chắc ông đã bao dung, ông cũng tin tưởng nên giữa hàng chục người họ hàng máu mủ của An cũng sốt ruột tìm kiếm ngoài kia thì ông lại chọn đúng duy nhất một mình cháu để dẫn lối chỉ đường. Cháu tự tin nói thẳng với ông rằng cháu biết là do ông nhìn thấu tấm lòng cháu năm ấy sắt son."

"..."

Sao nghe như... như trinh nữ vậy trời?

Tuy nhiên tôi không dám nói suy nghĩ này thành lời để làm tụt cảm xúc của Tuấn Anh. Dù sao tình cảm cậu ấy dành cho tôi đúng là so với biển trời cũng chưa chắc đong đếm được bên nào nhiều hơn.

"Hôm nọ cháu đã cùng ông tâm sự những điều này rồi nhưng hôm nay cháu vẫn nói lại từ đầu vì cố ý muốn cho em nghe thấy. Để em an tâm ở bên người trân trọng em nhất đời, để ông yên lòng vì tương lai cháu trai bé nhỏ nhà mình gửi gắm đúng người rồi."

"Cháu ở bên An đến giờ này và cho đến muôn đời sau không phải vì thực hiện lời hứa với ông đâu, lúc đó cháu hứa cho ông vui thôi..."

"..."

Tôi đang chảy nước mắt cũng phải phì cười, nhéo tay Tuấn Anh một cái.

Cậu ấy mỉm cười, nói tiếp: "Cháu quyết tâm tìm về bằng được cũng không phải chỉ để trở thành người biết giữ chữ tín với em ấy mà do cháu yêu em không xa không rời nổi. Đời này nếu không phải Bình An nhà mình thì cháu nhất định không bao giờ lấy làm bạn đời, mà nếu có người phản đối thì cháu cũng kiên quyết phải rước em về theo đúng phong tục lễ nghi truyền thống bằng được mới thôi. Cháu không muốn em bên cháu mà phải chịu thiệt thòi!"

"Nói ít chắc ông hiểu nhiều, mà dù không hiểu thì cũng ráng hiểu giùm cháu. Cháu cảm ơn."

"..."

"Nay cháu đến đây thực ra là có ba chuyện muốn nhờ, chúng ta nói chuyện thẳng thắn như hai người đàn ông nhé? Thứ nhất là chính thức xin phép ông cho cháu được đường hoàng chăm sóc em An với tư cách bạn đời, mong ông tác thành cho chúng cháu nên duyên vợ chồng. Nếu ông im lặng tức là đồng ý."

"..."

Tuấn Anh thực sự nghiêm túc quỳ thẳng sống lưng, phong thái đĩnh đạc đợi hẳn 5 giây sau đó lạy tiếp một lạy: "Cháu cảm ơn ông đã yên tâm giao phó, cháu sẽ lo lắng, bảo bọc cho em đến cuối cuộc đời này. Nếu ông đã đồng ý rồi thì mong ông trên trời có linh thiêng cho cháu nhờ việc thứ hai là phù hộ cho An của cháu luôn được mạnh khoẻ ạ. Việc thứ ba là nếu có ai phản đối thì phiền ông chui vào giấc mơ gõ đầu từng người một giùm cháu nhé? Tiện thể khuyến mãi báo mộng quảng cáo rằng hai tụi cháu là định mệnh trời sinh, nếu chia cắt sẽ làm ăn lụi bại, tán gia bại sản luôn thì càng tốt."

"..."

Đợi Tuấn Anh nghiêm chỉnh lạy xong tôi mới kéo cậu ấy ra một góc đánh cho mấy cái. Tầm này phản đối được cậu ấy thì chỉ có ông bà, cha mẹ, chú bác thôi. Với bậc trưởng bối đương nhiên cậu ấy không dám làm gì nhưng cũng không ngờ được lại lôi kéo ông tôi đi làm việc không đúng chừng mực như thế.

Sau khi uy hiếp người cứ nhăn răng ra cười kia, bắt ép đứng xa xa ra để đến lượt tôi nói chuyện thì tôi mới yên tâm chạy tuột về, không quỳ mà ngồi xổm bên cạnh mộ, ghé sát vào thì thầm gấp gáp: "Chuyện cháu có bạn trai ông biết từ lâu rồi nhỉ? Chắc ông thật sự không phản đối nên mới chưa từng la mắng cháu đúng không? Cháu và Tuấn Anh cảm ơn ông nha. Nhưng mà ông đừng để ý mấy lời bậy bạ của cậu ấy nói nha ông, đầu óc bạn trai cháu hơi bị chập mạch một tí tì ti, mong ông thông cảm đừng để bụng nhé."

Đang nói chuyện thì đầu tôi bị cốc một cái, "Em nói ai bị chập mạch?"

Tôi lườm lên, tét cái bắp chân Tuấn Anh một cú, "Ai cho anh nghe lén em nói chuyện?"

Cậu ấy khoanh tay, hất hàm nói: "Anh không nghe lén, anh nghe công khai."

"..."

Tôi 'hừ' một tiếng, không thèm chấp người điên, vội vàng quay lại nói nốt: "Nếu ông giận thì cứ tìm cháu chứ đừng tìm cậu ấy làm gì, cẩn thận coi chừng lại tức thêm. Và nếu ông định đánh cháu thì nhớ là chỉ một, à không không, chỉ quất ba roi thôi nhé? Cháu không chịu được nhiều hơn nữa đâu."

Tuấn Anh bật cười, lôi kéo tôi dậy đi đốt giấy tiền.

Không quên cợt nhả thả lại một câu: "Ông mà đánh bé An là không xong với cháu đâu đấy!"

Tôi lập tức đấm lên cái bắp tay rắn chắc bên cạnh một cú.

Tuấn Anh cười cười, nhéo nhẹ má tôi, cất giọng nuông chiều: "Được được, là anh ăn nói hàm hồ. Cục cưng yên tâm đi, ông có tìm em thì anh đây chui vào giấc mơ chịu đòn thay em."

Tuấn Anh chuẩn bị cả một đống vàng mã, đừng có nói tiền Việt, tiền Đô, vàng thỏi, trang sức hột xoàn mà ngay cả vải vóc, quần áo, nhà lầu, xe máy, xe hơi cậu ấy cũng mua.

Cậu ấy nói: "Ông mình chắc chắn đã thành đại gia bất động sản ở dưới rồi. Năm nào đến giỗ anh cũng gửi cho nguyên một bao tiền, biệt thự, đất đai, xe cộ không thiếu thứ gì."

Tôi dở khóc dở cười nói: "Vô ích thôi. Ông em đến xe máy còn không biết chạy nữa là xe hơi."

Tuấn Anh xoa đầu tôi, mỉm cười nói: "Yên tâm đi! Anh đốt cả tài xế luôn rồi."

"..."

"Thấy anh chu đáo không? Ông chúng ta chắc chắn đang nằm rung chân hút thuốc lào như phú hộ mà sung sướng tự hào vì thằng cháu rể xịn đét này."

Tôi bĩu môi: "Xì~ Ông em chẳng bao giờ nằm như thế. Giờ này là chăm chỉ ra đồng đi làm kia."

Tuấn Anh nhướng mày, "Ông không phải động tay động chân gì đâu, nhiều năm nay anh gửi cả trăm người giúp việc có lẻ xuống đó rồi."

"..."

Trời ơi! Là ai, ai đã nghĩ ra cách đốt hình nhân kì quái này?

Nhưng nói qua nói lại một hồi, chính tôi cũng mê tín dị đoan mà xin xỏ cho bà ngoại mình một suất, dĩ nhiên là bạn trai tốt bụng vui vẻ đáp ứng.

Trước đó Tuấn Anh đi thăm nội ngoại của tôi thì đều đã tặng nhiều đồ bổ dưỡng cao cấp rồi, hiện tại chỉ cần chuẩn bị cho tôi xách vào cho bà ít yến, đông trùng hạ thảo và thực phẩm chức năng bồi bổ tim mạch, xương khớp thôi. Tôi thấy bao nhiêu túi xách thượng hạng này quá là nhiều so với mọi năm tôi về rồi, bà mà biết giá trị thực sự có khi còn tưởng tôi trúng số độc đắc.

Tôi dặn dò Tuấn Anh không nên nói gì với bà vội, sợ bà lớn tuổi không chịu sốc nổi sẽ lên cơn đau tim. Vì cậu ấy và bà quen biết nhau, lại mới vào thăm cách đây mấy ngày nên chuyện trò vô cùng thoải mái, tự nhiên, vui vẻ.

Sau khi ra thăm mộ bà ngoại thì tôi ghé vào nhà ông ngoại trước, tiện thể đón mẹ luôn nhưng mẹ về trước rồi. Tuấn Anh tặng cho ông ngoại cũng gần như y hệt phần của bà nội nhưng tôi giữ lại mỗi thứ phân nửa, nói rằng để đó cho mẹ trong năm thăm ông dần dần rồi đưa sau.

Tuấn Anh không hỏi lý do nhưng tôi vẫn chia sẻ: "Tính em nhỏ mọn vậy đấy, ông không thích em nên em cũng chẳng mặn mà gì. Mấy năm nay em làm ăn được, hay biếu quà nhiều nên ông nhìn mẹ con em khác hơn xưa xíu chứ hồi nhỏ ông ghét em ra mặt, khinh mẹ em chẳng ra cái gì, suốt ngày cằn nhằn con gái lấy chồng như bát nước đổ đi mà nhà xảy ra chuyện gì cũng toàn mẹ em đứng ra lo đấy thôi. Ông chê em xấu, chỉ thích An Bình thôi, mà gọi là thích cũng chẳng đúng, so với anh chị em họ khác con bác trai thì chẳng tính là gì, chỉ nhìn thuận mắt hơn nhìn em thôi nên Bình nó cũng làm biếng thăm hỏi thường xuyên lắm."

Nhưng tôi bỏ ra bao nhiêu, Tuấn Anh xếp lại vào đúng bấy nhiêu, sau đó ôm tôi vào lòng mà nói: "Em bé xinh đẹp của anh, những điều này hồi nhỏ em thường chia sẻ sao mà anh không nhớ được. Khi nào em vào nội ở là lên lớp ánh mắt lấp lánh kể bao nhiêu là chuyện thú vị trên trời dưới đất, còn hôm nào ghé ngang nhà ngoại một chút thì thứ Hai đều thấy em ủ rũ lầm lì, phải dỗ dành đút kẹo mãi mới chịu vừa ấm ức khóc nghẹn vừa tủi thân nức nở đến là xót xa. Ai đối xử tệ bạc với cục cưng của anh, anh đều ghi nhớ trong lòng cả. Nếu nói ai nhỏ mọn thì không ai nhỏ nhen, để bụng qua anh được đâu, chứ em đây rốt cuộc vẫn là cho ông dần dần thì tính là gì, đúng không? Em muốn ác nhưng ác không tới, không đúng kiểu. Em không hợp làm người ác đâu, cứ để anh ác thay em."

Tôi mỉm cười, thật tốt khi có người bao dung cả khi tôi ích kỷ.

"Nếu những thứ này là do anh đánh đổi bằng xương máu mới vất vả có được thì ngay cả mẹ em hay An Bình, anh cũng không biếu tặng mà chỉ để dành riêng cho một mình em dùng thôi. Nhưng em cũng thừa biết đấy, nhiêu đây với anh phẩy tay một cái là ra gấp năm, gấp mười. Việc gì phải so đo cho mệt mỏi. Em biết anh từng nhấn mạnh điều gì trong thư tình để lại cho em không? Những gì khiến em phải bận lòng suy nghĩ thì cứ dùng tiền mà giải quyết. Ông xã của em không phải có rất nhiều tiền sao, em phải tận dụng triệt để vì mục đích phục vụ cuộc sống cá nhân, giúp bản thân thoải mái hơn chứ. Nhất là đời sống tinh thần của em đấy, thay vì ngồi đây tỉ mỉ tính toán thì cứ để cho anh giải quyết. Không phải tốt hơn sao? Có chồng để làm gì?"

"Em có muốn nghe mưu hèn kế bẩn của anh không?"

Tôi mỉm cười, vòng cánh tay ôm lấy cậu ấy, sau đó không phải nói muốn nghe hay không mà lập tức đáp: "Đều nghe anh."

"Ngoan quá!" Tuấn Anh cúi xuống thơm má tôi, sau đó thở dài một chút.

"Xác định ở bên nhau lâu dài thì trước sau gì em cũng sẽ biết chồng mình bỉ ổi thế nào, nhưng cũng hết cách, em đã hứa không bỏ anh rồi nên không thể nuốt lời đâu."

Tôi phì cười, ôm cậu ấy còn chắc hơn.

"Ở quê mình người lớn tuổi hay có kiểu khoe khoang như con tôi về mua thứ này, làm thứ kia... một dạng tự hào về con mình với họ hàng, xóm giềng. Có người thật sự mừng thay nhưng chuyện gì cũng có hai mặt, song song với người chia vui thì vô hình chung sẽ khơi gợi tính ghen ghét, đố kị từ những người khác nữa. Em thừa hiểu ông ngoại em là kiểu người nào đúng chứ?"

Tôi lặng lẽ gật đầu.

"Tết nhất, sui gia sẽ đến thăm hỏi nhà nhau, chuyện để nói ngoài hỏi thăm sức khoẻ, vườn tược, chăn nuôi trong nhà thì còn chủ đề gì để nói với nhau nữa? Một chủ đề chung của hai bên không phải là con cái và cháu chắt sao?"

Ba mẹ tôi đã ly hôn nhưng đúng là ở quê hai bên gia đình vẫn thường xuyên lui tới như trước chứ không phải cạch mặt luôn như trên phim. Dù không phải là thông gia nhưng cũng từng là, huống hồ còn là bạn bè quen biết vài chục năm trời chứ ít ỏi gì.

Tuấn Anh xoa đầu tôi, dịu dàng nói: "An à, nếu ông em so bì cảm thấy mình thua kém thì sẽ hằn học em."

Tôi phụng phịu, lắc đầu: "Mặc kệ! Em không quan tâm! Tính em không thích lấy lòng ai! Huống chi ông ghét em từ xưa tới giờ rồi!"

Cậu ấy bật cười, bóp má tôi cho mặt giãn cơ ra, "Đáng yêu quá! Anh thấy tụi mình đúng thật là một cặp trời sinh mà. Tính cách bù trừ cho nhau như bánh răng cưa, khớp vào đến lạ. Anh thâm sâu khó lường bao nhiêu thì ruột em cứ bày hết ngoài da bấy nhiêu."

"Ai nói em phải lấy lòng? Cục cưng của anh luôn sống ngẩng cao đầu, đời này không phải lấy lòng bất kì một ai hết!" Cậu ấy gằn giọng.

"Nhưng..." Tuấn Anh cười gian xảo, nắm cằm tôi nâng lên, giọng vô cùng nham hiểm mà nói: "Em có nghĩ đến cảnh chính ông em phải lấy lòng em không? Cách cả ba thế hệ đấy. Em có tin người làm ông phải đi lấy lòng cháu mình không? Nịnh nọt lại chính đứa bé năm xưa mình ghét ra mặt ấy."

Tôi vô cùng hoảng hốt vì giọng điệu của cậu ấy nhưng ngẫm kỹ lại câu hỏi thì lại thấy buồn cười, tôi cười thật, và lắc đầu: "Không bao giờ có chuyện đấy đâu. Chắc Trời sập quá..."

Tuấn Anh vẫn nhìn chăm chú vào mắt tôi, hỏi rõ ràng từng câu từng chữ: "Nếu em là Trời thì sao? Nếu em là ông Trời nhỏ mà ông em nhìn thấy phải niềm nở săn đón thì sao? Nếu mỗi lần em bước sang nhà ngoại ông cũng đều ra tận cổng rước vào thì sao? Nếu bọn họ nhận sai vì những việc trong quá khứ với em thì sao? Nếu em, mẹ và An Bình thực sự được tôn trọng trong cả dòng họ bên ngoại thì sao?"

Cái tôi của ông lớn đến mức nào, tôi là người rõ ràng hơn ai hết. Vậy mà không hiểu sao khi nhìn vào dáng vẻ uy nghiêm sát phạt của cậu ấy lại khiến tôi vô thức tin tưởng tuyệt đối vào việc thực sự có thể thay đổi số phận.

Tuấn Anh mỉm cười, hôn phớt xuống đôi môi mấp máy của tôi, nhẹ nhàng nói: "Em yêu đúng người rồi An. Em không có chỗ đứng, từ nay anh cho em chỗ đứng. Để những ai từng coi thường em phải nhìn cho rõ đâu mới là mặt trời của họ, anh sẽ cho họ biết nếu khiến em không vui tức là báo hiệu bóng tối mịt mờ đã tới rồi, ngày tàn không còn xa đâu."

Ngón tay tôi run rẩy, chăm chú đối diện với cậu ấy hồi lâu, hầu kết trượt lên xuống mấy lần, cuối cùng lắp bắp hỏi: "Anh... anh định định làm gì?"

Tuấn Anh nhếch nhẹ khoé môi, "Anh nịnh ông em."

Tôi há miệng nửa ngày, không hiểu gì hết, nhíu mày hỏi: "Đây là cách ư?"

Kì cục vậy? Muốn ông nịnh mình bằng cách thả chồng mình đi nịnh ông ư? Nghe kiểu gì cũng thấy hơi... ngu ngu?

Tuấn Anh ôm khuôn mặt tôi, day day trán cho giãn ra rồi nhẹ nhàng hôn xuống.

"Không. Đây không phải là cách mà là bước đầu tiên trong kế hoạch. Anh phải cho ông em biết em là người có thể dựa vào trước đã. Khoan, cứ bình tĩnh nghe anh nói, có phải em định bảo ông có nhà cửa cơ ngơi đầy đủ, con cái nhiều như vậy thì làm gì đến lượt dựa em, đúng chứ? Thế thì có anh ở đây để làm gì? Nghĩ đơn giản như em thì còn gọi gì là kế hoạch nữa. Anh đã nói rồi, không phải riêng ông mà toàn bộ họ ngoại dĩ nhiên là trừ cậu ra sẽ phải nhìn gia đình mình với một con mắt khác. Ông em, bà dì em, bác em, bác dâu em... tất cả đều phải trả giá."

"Anh nói chuyện sao giống trả thù quá vậy? Thực ra không đến nỗi căng thẳng vậy đâu. Dù sao mọi chuyện cũng qua cả rồi."

Tuấn Anh ôm tôi vào lòng: "Bởi vậy mới nói em không hợp đóng vai ác đấy. Mọi chuyện qua rồi nhưng tổn thương không phải vẫn tồn tại mãi sao? Kể cả đến tận khi anh xử lý xong thì vết thương trong em cũng không biến mất đâu An à. Có chăng là khi bất chợt nghĩ lại, em sẽ không cảm thấy tủi thân nhiều hay khổ sở đeo đẳng dai dẳng nữa vì đã có anh lấy lại công bằng cho em rồi. An à, em đồng ý thì anh ngang nhiên thực hiện mà em ngăn cản thì anh âm thầm làm trong góc khuất. Phải cỡ như anh mới gọi là để bụng, thù dai, nhỏ mọn. Hiểu không cục cưng?"

"Em nghe cho kỹ nhé! Chúng ta chưa kết hôn, chúng ta chưa hoàn toàn công khai, dù em muốn hay không thì trước sau gì dòng họ cũng biết, cho đến lúc đó thì anh phải tạo dựng cho em một nền móng vững chắc, để khi người ta nhìn vào dù kì thị hay ghét bỏ cũng phải nhẫn nhịn giấu kín vào trong lòng, không dám tỏ thái độ trước mặt em. Em biết anh đã phấn đấu thành người thế nào để không một ai dám đứng trước mặt chỉ trích anh không?"

Cậu ấy nói nãy giờ không phải ám chỉ tôi nên dùng tiền giải quyết vấn đề sao, nên đáp: "Giàu có?"

Tuấn Anh lắc đầu, "Quyền thế! Nhiều tiền chưa chắc đã có quyền nhưng một khi đã nắm quyền sinh sát trong tay thì chắc chắn sẽ bằng cách này cách khác thâu tóm thật nhiều tiền. Có một chuyện mà đến cả An Bình cũng không biết, tưởng ba em đến hạn ra tù rồi nhưng thực chất là chuyển trại giam giữ thêm vài năm nữa, rồi lại tiếp tục vài năm nữa. Tội gì nhỉ? Ví dụ như ăn cắp này, phá hoại tài sản này, cướp của này, tổ chức cá độ cờ bạc trái phép này, hoặc chống người thi hành công vụ, hay là cố ý gây thương tích, hoặc ngộ sát, hay mưu sát nghe cũng hay ho nhỉ? Tại sao anh lại biết à? Vì anh nhúng tay đấy. Anh không muốn em yêu đang ăn Tết vui vẻ lại bị làm phiền đâu."

Tim tôi chấn động, thì ra chuyện cha tôi đốt nhà đã bị cậu ấy biết rõ mười mươi, còn thuận tiện gán thêm vài tội danh cho Xuân này khỏi về luôn.

"Có giận anh không?"

Tôi mỉm cười, lắc đầu. Tôi còn mong ông ta cứ đi lâu lâu vào cho chừa thói nữa kia. Nếu năm xưa anh Vương không phát hiện kịp thời thì không biết mẹ và em trai tôi sẽ trải qua chuyện đáng sợ kinh khủng gì nữa. Tôi không dám nghĩ tới. Tuấn Anh nhéo nhẹ đầu mũi tôi, tiếp tục đều đều lên tiếng: "Dù sao ông ngoại cũng là cha ruột của mẹ, tốt thì không tốt nhưng nói thực sự làm ra chuyện kinh thiên động địa gì thì cũng chưa, nên dùng từ trả thù nghe có vẻ em sẽ sợ đúng không?"

Tôi đáp: "Em biết anh sẽ không làm gì quá đáng rồi, chỉ là em nghĩ không cần bận tâm đến chuyện trong quá khứ nữa. Họ hàng thì nhà ai sống phần nhà nấy, lâu lâu xã giao, thỉnh thoảng mẹ vẫn tới lui thăm hỏi, biếu ông quà cáp cũng là báo hiếu rồi."

Tuấn Anh lại nâng mặt tôi lên, "Nhưng em có thực sự không bận tâm nữa hay không? Chẳng phải vừa rồi em mới buồn bã soạn bớt đồ bỏ ra ngoài đấy sao? An à, hình ảnh em ấm ức khóc thút thít luôn hằn sâu trong tâm trí anh. Em bỏ qua được chứ anh thì không đâu, anh vẫn nhớ rõ bác dâu luôn chê bai rồi còn cào xước bông hoa trên mặt em, lén lút cấu tay em, xô em ngã, đánh em đau... Chuyện từ tận cấp một nhưng anh không bao giờ quên. Em mếu máo không hiểu tại sao bản thân lại bị ghét bỏ rồi luôn buồn bã sợ mình làm sai nên lúc nào cũng nhút nhát, sợ sệt. Nhưng em không sai An à! Là họ sai khi nhồi nhét vào đầu em tư tưởng xấu xa, ép buộc em phải tự ám thị bản thân thấp kém. Vậy ngược lại ai mới là kẻ xấu kẻ ác đây? Em mới là nạn nhân của bạo lực, miệt thị mà! Chúng ta không nên để cho kẻ hãm hại mình được sống yên ổn. Ai ghét mình một thì mình ghét lại mười, như thế mới thú vị."

Tôi phì cười, "Vậy anh dự định sẽ làm gì?"

"Phải là chúng ta sẽ làm gì, anh sẽ cho em chỗ dựa vững chắc, em có tiền còn anh có quyền. So với những người có địa vị ngoài kia thì anh chẳng tính là gì nhưng anh đảm bảo vị thế của anh hiện giờ dư sức loè nhà ông em xanh mặt rồi. Nhưng chúng ta đâu có phải con cháu hỗn hào mà doạ nạt ông, đúng không? Ông thích hư thì chúng ta chiều cho ông hư, chiều đến khi không còn chỗ dựa mà làm mình làm mẩy được nữa thì thôi. Em biết khi người có tiền giao tiếp với nhà ông nếu khôn ngoan thì sẽ khiêm tốn càng nhiều càng tốt không. Người giàu thường sợ người nghèo mượn tiền. Nhưng chúng ta thì khác, khi gặp ông em cứ mặc sức khoe khoang đi. Anh muốn em giả làm người ngu. À, riêng khoản ngu ngơ này thì em chuyên nghiệp rồi nhỉ? Cần gì phải giả vờ nữa, đúng không?"

Tôi há miệng sốc mất một hồi mới đấm xuống đùi cậu ấy một cú.

Cậu ấy cười ha ha rồi ôm má tôi hôn xuống 'chóc chóc'

Tôi chùi má lia lịa khiến cậu ấy cười còn sảng khoái hơn.

"Thôi mà, thương thương. Thấy em căng thẳng nên anh giỡn chút xíu. Cục cưng của anh là ngốc nghếch đáng yêu ha?"

"Em có ngốc đâu?"

"Ừ đấy, anh nhầm, toàn ăn nói linh tinh thôi. Cục cưng thông minh nhất trên đời. Thua mỗi anh thôi."

Tôi bị ghẹo mà cười khúc khích, "Ông em nói giàu thì không giàu nhưng cũng đâu có nghèo, đủ sống mà. Già rồi có làm ăn gì đâu mà phải mượn tiền người ta. Với lại kẹt thì cũng lặt vặt xin bác hoặc mẹ rồi."

"Tương lai sẽ nghèo." Tuấn Anh nhướng mày, hỏi: "Ông em xin tiền để làm gì?"

"Đánh tổ tôm."

Tuấn Anh búng tay 'tách' một tiếng, "Điểm yếu mấu chốt này là chìa khoá cho kế hoạch của anh đấy. Ông em có máu cờ bạc từ trẻ đến giờ già rồi thành thú vui không thể bỏ được, anh chỉ thuận nước đẩy thuyền dùng vài mánh khoé khiến ông liên tục ăn được mười chỉ mất đi một, cứ thế đánh vào lòng tham cho ông thấm đẫm cảm giác làm người giàu không khó trong vài tháng, để đến một ngày ngay cả căn nhà cũng phải đem ra mà gỡ gạc. Mặt khác mấy bà dì kia đều có con riêng hết, tuổi cũng lớn nhưng đứa thì chưa gả đi, đứa lại lập gia đình rồi không tu chí làm ăn. Tụi nó luôn nhăm nhe vào miếng đất béo bở mà thời trẻ bà ngoại em làm lụng vất vả mới có được. Mẹ luôn buồn vì bà ngoại mất sớm không được hưởng phước, mộ phần chưa xanh cỏ mà ông đã rước người khác về ăn nằm rồi, em có tức thay không? Miếng đất này mà không vào tay anh thì trước sau gì cũng bị tụi sâu mọt kia tính kế chia năm xẻ bảy, lúc đó muốn đòi về còn khó hơn."

Tôi nghiêm túc gật đầu, "Em hiểu ý anh rồi. Tức là em ngoài sáng anh trong tối, em tỏ ra hào phóng bao nhiêu thì ở sau lưng anh nắm thóp ông em bấy nhiêu?"

"Ừ. Em bỏ ra chừng nào, anh thu hồi về cho em gấp đôi phần ấy. Mà anh nói lãng mạn hoá dỗ em nghe vui tai thôi chứ thực tế đều là anh đưa tiền bày cho em cách dùng cả. Em cũng không thiệt. Tiền bạc không đáng bao nhiêu đâu mà thái độ giả tạo mới quan trọng kìa. Em phải tập diễn kịch, tỏ ra là thằng cháu giàu có xông xênh thì ông mới chuyển hướng sang mượn tiền em, sau đó lại biết cháu trai tốt bụng nhà mình có bạn làm Công an vô cùng oai phong lẫy lừng, phẩy tay nhấc chân một cái thì chuyện to đến mấy cũng hoá hư không, như vậy thì khi gặp nạn mới cầu cứu em. Sau khi người của anh với danh nghĩa xã hội đen tịch thu nhà thì ông chắc chắn sẽ tìm thằng cháu mà thương ông nhất, chịu chi nhất để nhờ vả. Ông sống riêng tư tự do sung sướng quen rồi, chắc chắn thời gian ở nhà con trai lánh nạn sẽ rất chật vật. Lại nói vợ con nheo nhóc thì đi đến đâu cũng phiền phức vô cùng, dù sao cũng không phải con ruột của mình, lục đục cãi vã rồi đuổi đi là chuyện có thể đoán trước được. Khi ông đã xuống nước với em rồi thì em cứ thảy qua cho anh, người của anh sẽ dây dưa năm này qua tháng nọ, chừng nào em cảm thấy ổn thoả, hả dạ thì chúng ta đưa ông về lại căn nhà cũ. Nhưng trong thời gian đó thì nhà đã được sang tên cho mẹ xong xuôi rồi, dĩ nhiên chuyện này ông hoàn toàn không biết, anh sẽ lấy danh nghĩa đất đai bị Nhà nước phong toả không có quyền trao đổi mua bán nhưng vẫn để cho ông an dưỡng tuổi già. Sau này ông mất, mẹ muốn chia cho ai thì do mẹ quyết định cả. Chắc chắn mẹ cũng không muốn công sức cả đời tảo tần của bà ngoại bị lọt vào tay người ngoài đâu, chưa kể sợ ông sẽ gán nợ lần nữa nên hiển nhiên mẹ không phản đối. Tiếp đến là những bác trai không coi mẹ em ra gì và bác dâu suốt ngày khinh thường em đều là dân buôn cả. Làm việc Nhà nước thì anh còn cần dùng tới đầu óc chứ đã là dân chợ búa thì dễ như trở bàn tay. Thứ mà con buôn cần nhất chính là vốn làm ăn. Dân buôn không sợ làm liều mà chỉ sợ không có tiền mà đâm vào liều mạng thôi. Thật trùng hợp, tạo cơ hội cho người bình thường trở thành con nợ và xoay con nợ như chong chóng là nghề của anh Hai. Sang năm, nhà nào cũng làm ăn lụi bại mà nhà em lại xây lớn khang trang, nhớ lại năm nay còn chơi lớn mừng tuổi cho ông hẳn năm cây vàng, nghĩ bằng đầu gối cũng biết chỗ nào có thể bám víu nhờ cậy. Khi ấy em có thể thoải mái lấy tiền của họ chia cho họ mà còn được mang tiếng cháu trai ngoan có hiếu. Như vậy số tiền bỏ ra ban đầu đi một vòng vẫn về tay chúng ta. Bác dâu của em khinh thường đằng nhà chồng, ngày em nhỏ bả từng tát mẹ em và xúi giục chồng đánh mẹ em, trong nhà bác trai luôn không có tiếng nói, con cái xấc xược không coi họ hàng bên nội ra gì, riêng gia đình đó vì từng tổn thương em nên những năm này anh đã luôn động tay động chân để bà ta làm miệt mài cũng không khá lên được. Kể cả việc dám bán đất đi để chạy cho con vào Lục quân, thằng đó mất tiền cũng không được nhận là do anh nhờ vả. Bà ta cũng thuộc dạng có đầu óc nhưng làm ăn không phất lên nổi là do anh Hai thỉnh thoảng nhúng tay. Hơn năm trước phải cầm nhà trong Ngân hàng bỏ lên thành phố làm ăn có chung chạ với một người đàn ông, đương nhiên người này là do bên anh sắp xếp, lo liệu nên không cần mất công thu thập cũng có bằng chứng sống động, sắc nét. Nên phương án A thất bại thì vẫn còn kế hoạch B, C, D cho em thoải mái lựa chọn. Chỉ cần một cái gật đầu từ em thôi anh cũng có thể khiến kẻ thương tổn em phải tán gia bại sản, người đời sỉ vả thoá mạ, nhục nhã không ngóc đầu lên nổi. Trước đây, không có sự cho phép của em nên anh chỉ dám thỉnh thoảng buồn chán chọt vào một chút chứ chưa thực sự quậy cho đục nước, bây giờ em đã biết rồi thì toàn quyền do em quyết định. Thực ra đây không phải phong cách trả thù của anh, một khi anh đã ghim ai thì ác liệt hơn nhiều, phải giẫm xuống đáy vực sâu, đay nghiến, giày vò hằng ngày, hằng giờ anh mới thoải mái, hả dạ. Nhưng mà anh phải chừa đường lui cho bọn họ. Thứ nhất người ta đều là họ hàng của em, thứ hai là anh dọn đường trước cho ngày chúng ta công khai. Anh phải đặt được quyền sinh sát vào trong tay em, em chắc chắn phải nắm chuôi đao, đừng sơ hở để ai chĩa mũi nhọn về phía mình. Sau này chúng ta bên nhau, dù là dùng thủ đoạn anh cũng phải cho em nghe được bên tai toàn là những lời chúc phúc. Em thấy thế nào?"

Tôi há hốc mồm lắng nghe cả buổi, còn có thể thế nào được nữa, nên thẫn thờ nói: "Anh thu học phí bao nhiêu vậy? Em muốn đăng kí lớp học mưu hèn kế bẩn!"

Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.