Quả nhiên lớp trưởng ngây người thấy rõ khi nghe tôi giới thiệu bạn gái. Thậm chí khi Lưu Ly đi về còn hỏi đi hỏi lại rằng tôi thích con gái thật à.
Tất nhiên là thật rồi. Chẳng lẽ tôi lại thích nam? Tôi là trai thẳng mà.
Từ sau hôm ấy, lớp trưởng không những không giảm quan tâm tôi mà còn đính kèm thêm ánh mắt kì quái.
Là sao?
Tôi nói thẳng: "Tao không phải kiểu đó. Tao không thích đàn ông."
Lớp trưởng vẫn nhìn tôi với ánh mắt kì lạ mà tôi không tài nào hiểu nổi, giọng thờ ơ: "Biết rồi. Khỏi quảng cáo."
Khi tôi Đại học năm thứ ba cũng là lúc An Bình kết thúc khoá học Trung cấp nghề, lâu nay nó làm ở chỗ anh Thịnh, cộng thêm tiền tôi gửi về, tiết kiệm được ít vốn. Bình nói muốn lên thành phố cho biết đó biết đây.
Tôi mừng còn hơn trúng xổ số, lâu nay rủ mẹ và em lên trên này chơi mãi mà ai cũng từ chối, mẹ ngại ở ké nhà người ta vả lại công việc cũng lu bu, còn An Bình ghét thành thị khói bụi hầm hì. Không biết sao bữa nay nó lại đổi ý nữa.
Đêm đó tôi thao thức không ngủ được, 3 giờ sáng đã có mặt ở quốc lộ 13 đón em trai tại bến xe Miền Đông, thỉnh thoảng sốt ruột thì nhắn tin hỏi han, Bình đều nói sắp đến rồi. 7 giờ sáng bửng, xe mạn khu tôi đã ra cổng sau quay đầu đổ xăng dầu hết rồi mà vẫn không thấy nó điện.
Tôi gọi.
An Bình: "Đại bàng nghe!"
Tôi sốt suột: "Em sắp tới chưa?"
An Bình như là đang nhai nhồm nhoàm, đáp: "Em tới lâu rồi. Sao vậy?"
Sao thằng này trả lời tỉnh rụi vậy? "Tới lâu rồi sao không gọi cho anh?"
"Em gọi cho anh làm gì?"
Tôi lo lắng: "Chứ em có biết đường đâu." Nó càng lớn càng bạo dạn nhưng trên thành phố xô bồ khác hoàn toàn dưới quê, để đi ngơ ngơ rồi bị lừa nữa. Đợt này Bình muốn đi nhà vườn ven đô xem người ta trồng cây.
"Biết chứ sao không biết! Em có bạn trên này mà."
"Bạn nào?" Tôi hỏi.
"Bạn giang hồ của em sao mà anh biết được."
"Thế đang ở chỗ nào?" Hôm nay tôi chạy xe máy của chú chủ nhà để đi đón nó đây.
An Bình đáp: "Em đang bến xe."
"Anh cũng ở bến xe nè, em ở khu nào để anh qua rước?"
An Bình la lên: "Anh không ngủ mà ra bến xe làm gì? Trời ơi là trời! Ai mượn vậy?"
"..."
Thằng này là anh trai mà do mẹ tôi đẻ ngược chắc luôn! Có lòng đi đón nó mà làm cỡ đó!
Nhưng còn chưa để tôi nạt lại, nó tiếp tục rống qua: "Đi về đi học đi! Em đang ở bến xe Giáp Bát mà!"
Bến xe Giáp Bát là khu nào?
Giáp Bát?
Hà Nội?
"..."
Cái đệch!
Thằng oắt con này ra ngoài đấy làm gì???
Sau một hồi gà bay chó sủa chửi nhau vang dội cả góc đường thì đúng là tôi không nghe nhầm thật, nó đang ở tít ngoài Bắc. Còn cãi lại tôi là "em có nói mình lên Sài Gòn đâu" nữa chứ. Anh trai ruột nó đang ở đây mà, muốn tôi không hiểu sai ý cũng khó.
Nó ra ngoài đấy với bạn, học kỹ thuật trồng hoa đào để về ứng dụng trong miền Nam.
Tôi nói: "Trong này nắng nóng, coi chừng lỗ vốn."
An Bình đáp: "Bởi vậy em mới phải đi học chứ có tự dưng dở hơi cứ thế nhập hàng về đâu."
Tôi thở dài: "Mới làm thì tập tành chơi chơi thôi, đừng ôm đồm. Đợi đi, khoảng chừng tuần nữa anh gửi thêm tiền vào thẻ cho."
"Anh không cần gửi, em có tiền rồi." Bình từ chối.
Tôi biết là nó có tiền, nhưng chỉ với điều kiện chơi loanh quanh mấy cây cảnh quanh nhà, bây giờ đụng tới đào Nhật Tân, giá không phải rẻ, chưa biết nó mua cành hay gốc nhưng nếu nó lên cơn liều thì phải thuê cả xe tải chở từ Bắc vào Nam, số tiền cần đến chắc chắn không nhỏ.
Nhưng nó nói: "Em hùn vốn với bạn bè cùng nhau làm ăn, có phải mình em bỏ tiền ra đâu mà anh lo. Anh để dành tiền lo học hành ăn uống đi!"
"Bạn nào? Có đáng tin không? Coi chừng đang làm giữa đường đứt gánh thì mất tiền mất cả tình anh em."
Nó cười xoà: "Tình anh em không bao giờ mất được! Thế nhé! Cúp đây! Em mà giàu lên một cái thì em mua cho anh cái xe hơi luôn!"
Tôi cười, mang theo tâm trạng vui buồn lo lắng mà trở về. Trước đây An Bình muốn nghỉ học nhưng bị tôi ngăn cấm, bây giờ học xong thì như hổ thoát khỏi cũi, tiếp tục vùng vẫy theo đam mê vườn tược chim muông cây cối. Giá như tôi có điều kiện một chút, chắc chắn sẽ mạnh tay vung tiền để em trai mình bớt bôn ba. Lòng tôi hừng hực ý chí cố gắng, sau này nhất định sẽ mua cho Bình mảnh đất thật to. Còn bây giờ trước mắt cứ gửi cho nó một ít lo chuyện ngoài đấy đi đã. An Bình là một đứa trẻ ngoan nên tôi rất yên tâm về khoản chi tiêu tiền bạc.
Tôi theo học trường nghệ thuật nên mỗi lần có tiết thể dục đều nhàn nhã hơn cả cấp ba, vì vậy nên ngừng uống thuốc của Tuấn Anh lâu rồi mà cơ thể không hề hấn gì ngoài việc leo cầu thang quá lâu sẽ thở dốc, tôi tưởng mình đã khoẻ mạnh như người bình thường. Cho đến khi công việc làm thêm tăng ca đột xuất liên tục, cộng thêm năm thứ tư thức đêm làm đồ án triền miên. Tôi chính thức đổ gục.
Trước lúc thiếp đi, tôi vẫn nghĩ cơ thể cạn kiệt sức lực này sẽ hồi năng lượng lại vào sáng ngày mai như mọi lần thôi. Hôm sau là thứ bảy, tôi đi học buổi sáng, buổi chiều sẽ xin nghỉ làm để đi công trình thực tiễn, tối đến sau khi giao bia thì đi dạy kèm tại trung tâm, kết thúc công việc thu ngân tại quán bar là rạng sáng có thể về nhà làm bài tập rồi.
Cố lên An à...
Nhưng khi tôi tỉnh giấc đã là khuya thứ hai tuần sau.
Lớp trưởng chửi đổng lên: "Mày nghỉ mẹ nó làm đi! Cũng biết mở mắt cơ à? Mày biết mày nằm bao lâu rồi không? Có ai ngất xỉu mà nằm ba bốn ngày trời như mày không? Đây là hôn mê! Mẹ kiếp! Tưởng mày đột quỵ chết bất đắc kì tử rồi đấy! Động nói tới là cho rằng tao xía vào chuyện riêng tư của mày. Mày làm như tao muốn lắm hả? Mày nhìn lại đi! Nếu tao không xía vào thì mày người không ra người, ngợm chẳng ra ngợm! Mày lao vào kiếm tiền để làm gì? Bộ lúc khác kiếm không được à? Cứ phải vào cuối năm nước sôi lửa bỏng rồi thức xuyên đêm suốt sáng, không ăn không uống, thời gian ngủ nghỉ còn chẳng có mà bày đặt đi nhận làm thuê đồ án cho người khác. Phòng mày có gương không? Mày nhìn lại xem trông mày có giống bộ xương khô chưa? Bộ bài luận của khoa mày còn ít hả? Thằng đéo nào năm cuối chạy deadline cũng nhìn vật vờ như ma, còn mày ôm đồm thêm đủ thứ vào người, bộ muốn thử một lần cảm giác bước từ quan tài ra hay sao? Mày có biết mày nằm ra đấy là kéo theo biết bao nhiêu hệ luỵ... Thôi tao đéo muốn nói nữa!"
Không phải không muốn nói nữa mà do bị hai nhân viên y tế kéo ra ngoài, trước khi đi còn ném lên giường tôi một xấp giấy tờ. Thiếu máu, suy nhược, thiếu chất, hồng cầu thấp, rối loạn nhịp tim tụt huyết áp, thiếu canxi... một đống thứ thiếu... thậm chí còn suy dinh dưỡng...
Hả?
Tôi bị suy dinh dưỡng?????
Lớp trưởng mắng rất đúng, tôi còn cảm ơn nó vì đã giấu mẹ giúp tôi.
Nó 'Hừ' mạnh, "Vâng! Không dám nhận! Lúc nào cũng giấu giấu giếm giếm rồi có biết giữ gìn sức khoẻ không? Đừng để một ngày tao phải gọi cho mẹ mày lên để hốt cốt!"
Lúc về nhà thấy khoá cửa đã được thay ổ khác, còn khoan gắn cả móc mới để tôi tiếp tục có thể khoá thêm ổ riêng bên trong, kính cửa sổ cũng là thay mới, tôi không hỏi nhưng cũng đoán được lớp trưởng là người đã phá cửa vào phòng.
Chỉ là... chỉ là giống như mỗi lần mỏi mệt thiếp đi khác, tôi lại thấy bóng dáng cậu ấy.
Tuấn Anh liên tục gọi tên tôi, ôm chặt tôi vào lòng, vuốt má tôi, sờ trán tôi, hôn lên tóc tôi...
Có lẽ lại do tôi tưởng tượng nên sinh ra hão huyền rồi.
Bệnh của tôi ngày càng trở nặng.
Mỗi lần nghĩ đến khi cạn kiệt sinh lực sẽ được cảm nhận Tuấn Anh chân thực hơn, tôi đã tự rạch tay mình.
Mỗi khi cho rằng bản thân cận kề cái chết thì Tuấn Anh sẽ đến cứu vớt, tôi tự dìm bản thân xuống bồn nước sâu.
Đồ ăn trong nhà được thay bằng tất cả những món hầm bổ dưỡng nhưng lòng tôi không khá hơn trước là bao.
Tôi nghỉ việc làm thêm lặt vặt, dồn tâm sức vào một công ty kiến trúc xây dựng do chú chủ nhà giới thiệu. Trải qua cũng dễ dàng, không phỏng vấn không thử việc, nếu nói là đi thực tập chi bằng nói rằng tôi đang được dạy bảo thực tiễn ở một môi trường chuyên nghiệp hơn.
Cuối năm, Diệu Hiền kéo tôi vào một nhóm, là lớp cấp hai, mọi người rủ nhau họp lớp. Họp trong Hồ Chí Minh, Hiền về nước làm ở Đại sứ quán ngoài Hà Nội nên không thể đi được, hỏi xem tôi có hứng thú hay không.
Tôi tìm trong danh sách cuối cùng cũng thấy tên Tuấn Anh.
Bàn tay tôi run lẩy bẩy, trái tim nổi trống dồn dập. Biết là không nên nhưng vẫn cố ý muốn xem cậu ấy sống thế nào.
Tuấn Anh không để hình đại diện và ảnh bìa, cũng không đăng gì thường xuyên, cả năm mới chia sẻ tin tức kinh tế, du thuyền, cổ phiếu... đôi ba lần. Có thể là cậu ấy có cuộc sống riêng nhưng người ngoài như tôi thậm chí còn chẳng được phép ở trong danh sách bạn bè của cậu ấy thì làm sao mà được thấy... Tôi kéo mãi lướt mãi, cuối cùng cũng tìm được khuôn mặt tuấn tú mà mình ngày nhớ đêm thương.
Tôi ngồi thụp xuống đất, khóc nấc lên, đã bao nhiêu năm rồi tôi chưa khóc nghẹn ngào đến mức này? Không nhớ rõ nữa. Đêm qua đúng không? Không đâu... mỗi đêm nước mắt đều âm ỉ chứ không thành tiếng nức nở như bây giờ...
Dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước, dù đã biết rõ tất cả mọi chuyện, nhưng tim tôi vẫn đau như ngàn vạn dao đâm.
Ảnh cưới của cậu ấy... trông đẹp đẽ vô cùng.
Tuấn Anh to cao điển trai đĩnh đạc, đã khác hình ảnh trong giấc mộng của tôi rất nhiều.
Tuấn Anh bây giờ không còn là Tuấn Anh bên tôi ngày xưa nữa.
Tôi cay đắng loạng choạng đứng dậy tìm cách chặn tài khoản của Tuấn Anh. Mắt không thấy, tim sẽ không đau.
Sờ lên lồng ngực nhức nhối hiện giờ, tôi thừa nhận lâu nay trong lòng tự mình gieo rắc một hạt giống tương tư. Biết chắc là cậu ấy không thể nào trở về nữa nhưng vẫn tự mình ôm nỗi hi vọng mỏng manh.
Mỏng tựa sương đêm, gió cuốn bụi trần.
Lời bài hát năm ấy lại nặng nề nện vào bên tai tôi từng đợt... hoá ra những ngọt ngào chóng vánh năm xưa chỉ là giấc mộng.
Vỡ tan chẳng một mảnh thật...
Đã đến lúc tôi nên tỉnh lại rồi...
Tám năm đằng đẵng trôi qua rồi, An ơi mày còn đợi chờ gì nữa?
Vậy mới biết tôi chưa từng quên cậu ấy mà chỉ cất gọn một góc trong lòng mà thôi.
Đau lòng, nghẹt thở...
Không ngờ sau bao nhiêu năm nhớ lại mà tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc như thế.
Bi ai? Thống khổ? Cõi lòng nát tan?
Chính tôi cũng không phân biệt được rõ cảm giác sầu thương nào đang giết chết dần chết mòn cơ thể gầy gò này nữa.
Tôi tháo kính xuống mà bưng lấy hai hốc mắt nhức nhối... nơi này lại nhạt nhoà đau buốt rồi...
Tôi giữ đúng lời hứa của mình, chưa từng quên đi cậu ấy. Trong bao năm qua, mỗi khi đi ngủ, việc tôi làm nhiều nhất là nghĩ về quá khứ rồi tự ru mình vào giấc gặp gỡ Tuấn Anh. Nghĩ về cậu ấy như nghĩ về chính tôi khi chưa cần trưởng thành, vô ưu vô lo, chỉ cần ngoảnh mặt lại sẽ thấy cậu ấy ở đó cười rạng rỡ với tôi, như nhìn thấy chính tôi cũng có lúc rực rỡ như hoa hướng dương luôn nhìn về ánh mặt trời kề cận. Sau này mệt mỏi thăng trầm, chỉ cần gặp lại thanh xuân trong giấc mộng, tôi sẽ được tiếp thêm sức mạnh vực dậy chiến đấu tiếp. Nơi ấy tôi không có áp lực, không có khổ đau, không có mất mát, không có thất bại cũng chưa từng bị ức hiếp. Nếu có cũng đều là Tuấn Anh che chắn cho tôi tất thảy, tôi chẳng cần phải gồng lên mạnh mẽ, thích khóc thì khóc, thích cười thì cười, chưa từng cần phải nhìn mặt mũi ai.
Tôi đã luôn sống trong hồi ức.
Bây giờ nhìn lại, không biết Tuấn Anh có thực sự tồn tại hay là do tôi ảo tưởng thêu dệt lên?
Tôi không biết đâu là thực đâu là mơ nên theo thói quen lại rạch xuống cánh tay một đường mảnh nhỏ.
Rực rỡ, chói lọi.
Giây lát, những vệt đỏ tươi hiện rõ thành giọt, trào ra tanh nồng, giọt thì tí tách rớt xuống nền gạch, giọt thì loang lổ quấn lên vô số vết sẹo trắng chằng chịt.
Chỉ có nỗi dằn vặt thể xác mới trấn áp được đau đớn âm ỉ kìm nén trong tim lúc này.
Sau hôm đó, mỗi lần hình ảnh Tuấn Anh đến gặp tôi đã tự động trưởng thành theo não bộ tôi miêu tả ra rồi.
Vợ Tuấn Anh có cậu ấy, tôi cũng có một "cậu ấy".
Đã đến lúc tôi thực sự buông bỏ rồi.
Kết thúc mấy năm Đại học, tôi nhận được suất học bổng toàn phần bên Đức. Khi đó tôi đã là nhân viên chính thức của công ty rồi nên vẫn phải thông báo với sếp một tiếng. Thông thường chỉ cần nộp đơn xin nghỉ việc là được nhưng thời gian qua được ưu ái trong đây, công ty đã như ngôi nhà ấm cúng của tôi rồi.
Sếp nói: "Chưa quyết định được, phải đợi sếp duyệt đã."
Lúc này tôi mới biết, lâu nay vị sếp mà chúng tôi cho là sếp vẫn không phải là sếp có quyền hạn cao nhất.
Hôm sau, sếp hỏi tôi, vấn đề ở đây là gì? Nếu là vì tiền thì công ty có thể xem xét tăng lương.
Sếp nói: "Gấp ba?"
Vấn đề ở đây không phải đơn thuần là vì mức lương mà còn là cơ hội cho tôi mở mang kiến thức.
Ít ra đến vùng đất mới thì tôi cũng có thể quên đi người kia.
Sau khi nghe tôi lịch sự giải thích dài dòng, sếp lại nói: "Gấp năm?"
"..."
Thôi được rồi. Vấn đề ở đây chính là tiền lương.
Tôi nhường cơ hội du học lại cho người khác.
Vừa làm trợ giảng trên trường vừa làm việc trong công ty.
Điều này công ty cũng đồng ý, còn động viên tôi nên dạy trong trường, không cần lên công ty thường xuyên, chỉ làm theo dự án. Tóm lại là chạy deadline chứ không cần điểm danh như nhân sự phòng ban khác. Sếp nói nhân viên thiết kế cần đầu óc thoải mái thì mới sáng tạo được. Tất cả phòng design đều được ưu ái như thế chứ không phải riêng tôi. Mọi người trong phòng R&D đều nói sếp làm vậy là để giảm thiểu tình trạng thiết kế bị sang chấn tâm lý mà múc khách hàng. Công ty còn mời kiến trúc sư người nước ngoài về đào tạo cho chúng tôi, dạy thêm cho tôi biết rất nhiều kiến thức về cả ngoại thất, kết cấu, xây dựng.
Nhưng ngồi vẽ những công trình hoài, tôi cảm thấy trong người luôn bứt rứt.
Thun cột những cọc tiền của Tuấn Anh đã mục nát, tự đứt cả rồi. Tôi đổ chúng lả tả ra giường sau đó nằm dài lên đống tiền.
Nuôi dưỡng ước mơ cho tôi ư?
Nói láo!
❌Đăng tải duy nhất tại wattpad C-S-T-T. Tất cả nền tảng reup lại đều là ăn cắp ăn cắp ăn cắppp!
Trước kia tôi liên tục biện minh cho việc Tuấn Anh lấy người khác là bị bắt ép chứ thực ra trong lòng cậu ấy vẫn luôn thương nhớ tôi. Nhưng tám năm qua đã chứng minh được, Tuấn Anh là kẻ bội bạc, cậu ấy lấy lý do gì để chưa từng tìm về gặp mặt tôi lấy một lần? Đều là người trưởng thành cả rồi, chẳng lẽ mang tư cách là bạn học cũ rồi về một lần theo lời hứa nam nhi khi xưa cũng không được sao? Trước đây câu cửa miệng của tôi là khen Tuấn Anh tốt, nhưng bây giờ nếu cậu ấy đứng trước mặt, việc đầu tiên tôi làm sẽ là đấm Tuấn Anh một cú cho hả dạ.
Tôi hận cậu ấy!
Không về lấy tiền thì thôi, ông đây mượn tạm!
Tôi đi học xăm hình.
Người ta trăn trở về việc tìm mẫu còn tôi có bạn bè ở quê, bạn bè của tụi anh Thịnh anh Hùng, bạn trên này và ngay cả bạn nữ của Lưu Ly cũng nhiều vô số kể. Mọi người tình nguyện cho tôi mượn da thịt luyện tập, còn khen được xăm nghệ thuật tinh tế miễn phí.
Lúc kết khoá, tôi nhờ thầy xăm cho mình một la bàn cách điệu ở dưới đốt sống cổ phía sau gáy, la bàn chỉ về phương Bắc, nơi có một người tôi hận thấu xương đang an ổn sinh sống.
Trước đó mấy ngày, tôi đã tự xăm cho mình rừng cây bạch đằng lên cánh tay trái, không phải màu xanh tươi tốt mà là màu đen khô cứng, những cành cây xơ xác không một phiến lá, che lấp đi những vết sẹo trắng chằng chịt đan xen.
Rừng cây gắn liền với mối tình thời non dại chớm nở, cũng giết chết rung động đầu đời của tôi.
Nhưng thầy không biết tôi từng xăm, nên nói: "Đừng bao giờ đi xăm nếu em đang buồn. Đặc biệt là hình xăm đầu tiên trong đời, em nên suy nghĩ thật kỹ, chọn một hình có ý nghĩa với bản thân, cũng lên hình nhỏ thôi, sau này trưởng thành có hối hận thì xoá xăm cũng dễ."
Hối hận ư? Bước sang năm thứ chín rồi, lòng tôi chưa từng nguôi ngoai.
Thầy ấy đâu có biết, đây không phải hình xăm đầu tiên của tôi.
Hình xăm đầu tiên là hai người que nhỏ xíu với trái tim đỏ rực được tôi xăm trên lồng ngực. Hình xăm thứ hai là dây hoa hồng nhí lá xanh bông đỏ rực rỡ quấn một vòng quanh đùi trái. Hình thứ ba là ở cánh tay. Trên người tôi có bốn vết mực rồi."
Sau nửa năm rèn luyện, tôi thuê mặt bằng mở một tiệm xăm hình kết hợp xỏ khuyên. Học và làm trong môi trường kiến trúc nên cũng quen biết kha khá, nên từ ý tưởng đến thực tế, setup, decor đều diễn ra nhanh chóng thuận lợi.
Tiền tiết kiệm của tôi không phải không thể mở tiệm. Nhưng tôi không muốn đi từng bước nhỏ, tôi muốn sải một đoạn dài. Vì thế nên tiền của Tuấn Anh cũng bị tôi trưng dụng đầu tư hết vào đứa con tinh thần của mình.
Thời gian đầu tôi ít đến công ty, sếp nói có thể cho tôi mượn tiền đầu tư và nghỉ ngơi giai đoạn đầu để chú trọng vào tiệm. Nhưng tôi không chậm trễ, vẫn nhận thiết kế vào mỗi tối.
Chú chủ nhà cho phép tôi cải tạo lại căn nhà đang ở, mặc sức trang hoàng thành tiệm xăm nhưng tôi từ chối. Cuối cùng sau bao ngày vất vả thì nghe theo giới thiệu của chú ấy thuê được mặt bằng giá rẻ.
Lời ngỏ ý cho mượn tiền của chú ấy và sếp, tôi đều từ chối. Nhưng tôi đồng ý dùng tiền của Lưu Ly mở cơ sở xỏ khuyên và kinh doanh phụ kiện thứ hai. Tôi không đơn giản là kiếm miếng ăn mà muốn phát triển theo hướng xây dựng thương hiệu cá nhân, có nhận đào tạo học viên và thiết kế mẫu thi trong giới Tattoo Artist nên tên tiệm sẽ thống nhất, còn dòng tiền lời của chi nhánh này sẽ thuộc về Lưu Ly.
Trời thương, vỏn vẹn nửa năm sau tôi cùng Ái Nghi mở cơ sở chuyên xăm thứ hai, tổng cộng là ba chi nhánh. Nơi này có Ái Nghi rót tiền vào nên hoành tráng hơn vì ngoài đào tạo học viên, tôi còn tuyển thêm chuyên viên hợp tác. Cơ sở một thì thằng Kiên đã cứng tay rồi nên để cho nó đứng tiệm dạy thợ cũng được. Tự chúng tôi trong nghề gọi nhau như vậy, nhưng đối với người ngoài, chúng tôi chỉ là những gã "thợ xăm giang hồ" chứ không phải nghệ sĩ hay hoạ sĩ, kể cả hình xăm cũng bị khá nhiều người kì thị, cho rằng bẩn thỉu, xấu xa.
Ở quê còn cổ hủ nên tôi dặn thằng Kiên khoan hãy kể lại chuyện tôi kinh doanh xăm hình, tiệm vừa mới mở, là do tôi ôm ấp ý tưởng lớn mật chứ thực ra chưa được gọi là thành công. Thời gian đầu còn là chi nhánh 1 gánh tiền mặt bằng cho chi nhánh 2. Tôi không muốn lỡ mình đổ bể thì mẹ mình mang tiếng xấu rồi bị dè bỉu.
Khi kinh tế tạm ổn định, tôi lôi những bản thiết kế mà mình ấp ủ ra nhìn ngắm, đã đến lúc tôi xây cho mẹ và em Bình một ngôi nhà mới khang trang rồi. Tôi muốn mẹ nở mày nở mặt, nếu ai đó tấm tắc khen thì cũng có thể ngẩng cao đầu, nói rằng "ngôi nhà đẹp như vậy là do con trai của tôi thiết kế đó."
Tôi nhắm mắt, gục đầu xuống bàn, hốc mắt lại nóng lên, không hiểu sao một năm trở lại đây tôi rất mau nước mắt. Có lẽ là vì cái ngày tò mò kia, tự mình hại bản thân mình. Cứ dặn lòng cố quên đi người đó, nhưng bóng dáng quẩn quanh, sao quên chẳng đành.
Mẹ ơi... Con xin lỗi... Con chậm trễ chỉ vì cố gắng muốn cho mẹ và em một chỗ che mưa chắn nắng vững chãi hơn mà thôi.
Gần hai năm nay, mẹ con tôi đã không có nhà để ở nữa rồi.
Tranh thủ đợt này về chung với Diệu Hiền, tôi cho mẹ tham khảo mẫu nhà trước, sau đó mới cùng nhau quyết định.
Diệu Hiền đi theo đoàn Đại sứ vào trong Nam công tác, sau đó được nghỉ Đông khoảng hơn một tháng nên cùng tôi về quê.
Tôi vui vẻ nhắn tin cho chú chủ nhà để xin cho Diệu Hiền ở tá túc ít bữa.
Sáu năm không biết mặt, chưa từng nghe giọng nói, cũng chẳng biết tên nhưng tôi có cảm giác thân thiết vô cùng, coi chú ấy như bậc trưởng bối trong nhà vậy. Thỉnh thoảng chú ấy quan tâm, tôi có cảm giác thân thuộc như đang nói chuyện với ông nội mình.
Năm đầu tiên, chúng tôi chỉ nhắn cho nhau bằng số điện thoại, sau đó thân hơn, tôi lôi kéo chú ấy nhắn bằng cả Ola cho đỡ tốn tiền, chú đồng ý, nói "An thích thì chiều."
Sau khi Ola khai tử thì chúng tôi chat Zalo cùng nhau, chú ấy nói chuyện khá... teen, dạo gần đây cũng không cứng nhắc đúng 10 giờ tối mới hồi âm nữa. Có lần tôi mạnh dạn hỏi thử xem có phải chú cài tin nhắn tự động nhiều năm qua không? Chú ấy đáp "Không, là cố ý nhắn cho An."
Không biết tự bao giờ, tôi ngầm thừa nhận có sự quan tâm lặng thầm này trong cuộc sống của mình, tôi luôn tìm lý do, bao biện rằng mình thiếu tình thương của cha nên mới sinh ra tham lam chờ đợi tin nhắn mỗi tối như một thói quen.
Nhưng không một ai biết, mỗi đêm, tôi đã áp điện thoại lên tim mình và ước, ước gì những tin nhắn này được gởi tới từ một người... một người khác. Nếu là người đó thì tốt rồi.
Đêm đến, cuộc sống của tôi mê man, hư hư thực thực, những năm tháng chất chồng khổ đau, nhiều khi tôi nỗ lực tự ru mình vào cơn mụ mị.
Tôi mỉm cười, nằm trên giường, nhắm mắt, ngủ giấc thật ngon, vì tôi đã nhận được tin nhắn của Tuấn Anh rồi.
Tôi cứ tự ảo tưởng như thế.
Sáu năm qua, chú ấy vô hình đã chống đỡ cho tôi qua cơn kiệt quệ.
Nếu nói mưa cũng như nắng, chú ấy chưa từng thiếu một tin chúc ngủ ngon nào thì không phải. Ngày mà tôi hôn mê, báo nhà chú ấy bị hư hại làm lại khoá, trong hai tháng liên tục đó, chú đã biệt tăm biệt tích.
Lúc đầu tôi tưởng chú ấy giận.
Nhưng đồ ăn mà bảo mẫu chuẩn bị sẵn rõ ràng toàn là những thứ bổ dưỡng dành cho người suy nhược cơ thể, trái cây ngoại nhập, sữa cũng là sữa bột ngoại pha nóng, còn có thuốc bổ, cuối tuần đều có bác sĩ tư đến khám tại nhà, thậm chí còn có anh tài xế vài năm trước đưa chúng tôi lên thành phố ngồi nhìn tôi chằm chằm, nếu tôi không ăn uống đúng cữ thì anh ấy sẽ bị trừ lương... Nên tôi vô cùng thắc mắc. Chú ấy bị làm sao? Đã đi đâu? Tại sao không nhắn tin cho tôi nữa? Chú ấy sợ tôi chết trong nhà nên mới phải gửi cả người đến trông chừng ư?
Trong hai tháng đó, tôi loạng choạng với đêm đen, chới với không chốn dung thân, tinh thần mỏi mệt nhưng chẳng thể ngã gục.
Tôi thấy cô đơn vì... Tuấn Anh không nhắn cho mình. Nếu chú chủ nhà không nhắn thì tức là cậu ấy không nhắn. Não tôi đã luôn tự động quy ước hai chữ "ngủ ngon" kia là từ cậu ấy rồi, dù sao chú cũng không biết.
Bóng dáng cậu ấy luôn luẩn quẩn quanh đây, tôi oán trách, tôi chửi rủa, tôi bật cười, tôi khóc lóc... Nhưng chỉ có không gian tĩnh lặng đáng sợ bủa vây.
Lớp trưởng nói rằng tôi nên quan tâm đến sức khoẻ của mình là tốt rồi, chú ấy chỉ là tạm thời bận rộn thôi, còn nói rằng chú coi tôi như con trai mà cưng, làm sao mà nỡ giận. Khi đó tinh thần tôi không ổn định, chẳng nghe ra chỗ nào không đúng. Mà nếu đủ tỉnh táo minh mẫn thì tôi cũng không thấy sai ở đâu, có lẽ chú ấy luôn coi tôi giống con trai nhỏ thật, còn tặng cho tôi nguyên một bộ truyện Doraemon cơ mà, ngày tháng năm đều đặn, cứ khi nào ra tập mới là trước cửa phòng tôi sẽ có đầy đủ, truyện chì cũng như truyện màu. Chú nhắn: "Em bé nhà bên có thì An cũng có."
Rồi cứ Iphone đời mới ra là gửi cho tôi một cái, tuy nhiên thứ này quá giá trị, tôi chỉ nhận một lần duy nhất năm mình tốt nghiệp mà thôi, chú ấy để trong bưu kiện hoa hồng đường kính to phải cả mét, lớp trưởng thì đi công trình suốt, muốn gặp mặt để trả chú cũng không đồng ý, nói "chỉ là món quà nhỏ mừng bé An trưởng thành, đừng chê."
Tôi không nỡ từ chối nữa. Tính ra, tôi chưa từng tự bỏ tiền ra mua điện thoại di động lần nào, nhu cầu của tôi cũng không cao nên chỉ cần còn nghe gọi được thì sẽ giữ lại xài hoài. Nhưng thú thật, bó hoa rất đẹp!
Nếu Tuấn Anh cũng... Thôi bỏ đi... Cái thằng cha khốn nạn đấy... thôi đừng nhắc tới!
Tôi lắc não để thảy cái tên bội tình bạc nghĩa hèn nhát kia bay ra khỏi đầu.
Tôi biết chú ấy thích hoa vì ban công và sân vườn trong nhà nhiều nhất là hoa hồng, vừa hay trùng hợp sở thích với tôi. Đấy chỉ là một trong ti tỉ chuyện chú ấy ở một nơi nào đó gửi gắm quan tâm tới tôi. Tôi không biết đối với chú ấy đây chỉ là tiện tay ban phát như nhà giàu làm phước hay không, nhưng đối với tôi, thời gian chông chênh khi sống ở miền đất lạ, tôi đã được cứu rỗi vô vàn lần.
Tôi từng chủ động hẹn gặp mời cơm nhưng chưa khi nào chú ấy nhận lời. Tôi hiểu rằng khi người ta đã từ chối thì mình nên biết điều lại, nhưng những thứ tôi mặt dày nhận được không thể đong đếm nổi bằng giá trị hiện kim, nên cứ cách một vài tháng lại ngỏ ý mời, nhưng luôn nhận về một câu khéo léo quen thuộc: "Chú bận. Để dịp khác nhé."
Từ chối vậy đấy, nhưng vẫn ra sức quan tâm. Tất nhiên những điều này là do tôi tự ảo tưởng rằng đó là sự săn sóc đặc biệt. Cũng có thể bao nhiêu đồ bổ dưỡng như đông trùng hạ thảo, nhuỵ hoa nghệ tây, yến huyết, bào ngư, vi cá rồi sâm rồi nấm... trăm ngàn thứ đắt đỏ kia là nhà chú ấy được biếu tặng quá nhiều, dư thừa ra nên mới thảy sang bên đây thì sao?
Không biết nữa. Nhưng đôi khi, tôi tưởng mình có cha nuôi vô danh thật.
Điện thoại rung lên, hôm nay chú ấy trả lời chậm ghê, tôi sửa soạn mãi, chuẩn bị ra khỏi nhà rồi mới nhận được tin.
"Là ai?"
Tôi mỉm cười, gõ lia lịa, nhiều năm trôi qua, tôi coi chú ấy như một người bạn già rồi, không câu nệ nữa.
"Nãy giờ chú bận à?
Suýt nữa thì con chạy xe không nhắn lại được rồi
Là bạn con đó
Bạn gái
À lộn
Haha
Bạn là con gái
Chơi thân cực
Là người mà con nói chơi với nhau từ bé, hiện giờ đang làm phiên dịch viên ở Đại sứ quán ngoài Bắc ấy"
Chú ấy thoải mái, cũng không hỏi vì sao Diệu Hiền vào trong Nam mà "Ok" liền luôn.
Phong cách nhắn tin cũng giống giới trẻ nữa, chắc đang hồi xuân.
Tôi quen với kiểu chú ấy thường xuyên nhắn cục mịch rồi nên tưởng đã xong câu chuyện, bèn cất điện thoại vào túi quần jean, vừa đội nón bảo hiểm lên thì lại thấy rung liền mấy hồi.
Xem giờ thấy còn sớm nên tôi kéo kính nón lên, tiếp tục ngồi trên con xe Cafe Racer cũ kỹ đọc thêm xem hôm nay chú ấy muốn tôi chú ý điều gì.
Thoạt nhìn dễ tính vậy thôi chứ chú ấy cũng vẫn còn mang tư tưởng cổ hủ của bậc trưởng bối.
Nhớ đợt tôi xin phép dẫn Lưu Ly về, ngày nào chú ấy cũng nhắn "Ngủ ngon. Quen bạn nhưng không được hôn môi, sẽ bị lây bệnh răng miệng."
Ban đầu tôi cũng sững sờ, nhưng nhận tin cảnh báo suốt ba tháng trời y hệt nhau như copy-paste thì lại thấy có hơi... buồn cười.
Vậy là muối mặt nhắn lại, "Vâng, con vẫn chưa... đâu." Cho chú ấy yên tâm.
Quả nhiên chú ấy yên tâm thật.
Không nhắn câu đó nữa mà chuyển sang dặn dò: "Không được phép quan hệ tình dục trước hôn nhân!!!"
"..."
Lần đầu tiên đọc được, mặt tôi nóng rần lên.
Thậm chí còn gõ hẳn ba dấu chấm than là đủ biết chú ấy nghiêm nghị cỡ nào.
Khi tôi nhắm mắt bỏ qua ngại ngùng vâng dạ cho chú ấy an tâm thì chú mới dễ chịu hơn, khoảng cuối tuần mới dặn "nhớ không được quan hệ nam nữ" một lần.
Tôi cũng không thấy phiền, ngược lại còn cảm thấy ấm áp nữa là khác, đây đều là những lời quan tâm mà con trẻ nên nhận được từ bậc cha mẹ của mình.
Nếu mẹ biết tôi có bạn... trai, chắc cũng muốn dặn dò như thế.
Nếu tôi có ba giống như nhà người ta, chắc ba tôi cũng sẽ lo lắng tỉ mỉ như chú ấy bây giờ.
"Để An chờ lâu sao?
Nãy giờ chú bận nên không nhắn lại được.
Bé An đã ăn sáng chưa?
Nhớ đừng bỏ bữa kẻo đau bao tử nhé!
Bé đi rồi hả?
Sao không gọi taxi đi cho khỏi nắng?"
Chú ấy gọi tôi là bé cả hai năm nay rồi, ban đầu tôi cũng ngượng vì dù gì mình cũng lớn tồng ngồng chứ có phải em bé lên ba đâu, mà cản mãi thì chú ấy cứ nói "so với chú thì An bé cỏn con".
Đương nhiên rồi.
Chú ấy nằm trong hội người già đã lập gia đình còn tôi vẫn là thanh niên chưa bồ phơi phới mà. Vậy nên tôi cũng mặc kệ luôn.
Dần dà, thấy xưng hô như thế này cũng dễ thương, tuổi đời thực tế mỗi ngày càng cao nhưng ít ra khi nhắn tin với chú ấy thì tôi luôn sung sướng quên tiệt đi chuyện mình năm nay đã hai tư rồi.
"Con chưa có đi
Mới chuẩn bị thôi à
Vẫn đang còn sớm
Con chưa ăn sáng, làm biếng quá
Tính gặp bạn cafe rồi tới tiệm ăn luôn"
Từ khi đi làm thì tôi không còn ăn ở đây nữa mà chuyển sang dùng bữa trên công ty cho tiện, công ty đãi ngộ vô cùng tốt nên tôi cũng cống hiến tăng ca trong khả năng của mình, sau này mở tiệm xăm thì tần suất dùng bữa tối bên ngoài lại càng nhiều vậy nên năn nỉ mãi chú ấy cũng đồng ý cho bảo mẫu nghỉ. Ban đầu vẫn còn người dọn nhà hai ngày đến một lần như trước nhưng tôi phải kì kèo, còn ỉ vào thân quen mà than rằng không thích người lạ đến nhà để tự mình dọn dẹp. Lớp trường làm kĩ sư nên đi công trình suốt, lâu lâu mới về. Căn nhà này bây giờ gần như là có một mình tôi còn lưu lại, thuê người giúp việc cũng là lo cho cháu người ta, tôi chỉ là phận ở ké nên phải biết điều. Một năm trước lúc bắt đầu mở tiệm, tôi có ý định chuyển ra ngoài nhưng chú ấy giữ lại, thậm chí còn nói rằng sẽ trả tiền công mỗi tháng để tôi trông nhà hộ, chú ấy sợ nhà bị bỏ hoang lạnh lẽo vậy nên tôi đành mặt dày ở ké tiếp đến tận nay, dĩ nhiên là không thể nhận tiền của chú ấy rồi.
"Sao không bắt taxi?" Chú ấy lặp lại.
Tôi âm thầm bĩu môi, làm như ai cũng giàu có, bước chân xuống đường là có xe đón đưa như chú ấy vậy, tôi còn phải tiết kiệm tiền xây nhà cho mẹ. Ngay cả con xe moto này cũng là chắt chiu mua cũ lại giá rẻ của anh khoá trên trong hội SCDC* để đi lại cho tiện. Xe đạp của Tuấn Anh muốn về vườn dưỡng lão rồi, bệnh suốt, với lại đi xa cũng không được. Trước đây tôi chỉ loanh quanh trong nội ô, bây giờ ra trường rồi, đợi chuyện ở quê ổn định đâu vào đấy, tôi sẽ thử xách xe máy đi phượt một lần xem sao.
*SCDC: Viết tắt của Saigon CD Club: Câu lạc bộ hội những người chơi xe CD nói riêng và xe moto/xe cổ nói chung tại Thành phố Hồ Chí Minh.
"Con chạy xe máy cho thoáng, tiệm cafe cũng gần mà, đi taxi kẹt xe lâu lắm." Tôi tính chọc ghẹo, nói rằng "chú kêu con đi taxi mà tiền đâu để đi thì chú không nói." May mà kiềm lại được.
Tôi còn đi ké xe của chú ít quá sao? Mấy năm nay về quê hay lên lại toàn là xe chú ấy đưa đón. Dịp Tết hoặc nghỉ hè thì có thể châm chước nói rằng tôi đi quá giang cháu chú, nhưng tất cả những lần tôi về đột xuất hay lên thành phố đi làm thêm dịp Hè thì sao, chú ấy luôn nói rằng "cũng cần về nhà thằng Đức lấy đồ", vậy là tôi vẫn tiếp tục mặt dày dùng ké xe hơi.
Nhớ có lần đi phụ đám cưới dưới tỉnh, xe bị hỏng giữa đường, rất có thể đêm phải nán lại trên xe ngủ cùng mọi người. Khuya chú hỏi tại sao giờ này chưa về, tôi tiện tay buồn bã than thở, sợ ngày mai không kịp buổi thuyết trình, ngay lập tức tài xế quen thuộc lại phóng đêm hơn trăm kilomet xuống rước, còn đưa cho tôi hộp bào ngư gà ác thuốc bắc của cửa hàng nổi tiếng trong phố, nói rằng chú chuẩn bị cho tôi ăn đêm. Thêm một tin nhắn chỉ vỏn vẹn bốn chữ "thi tốt, ngủ ngon", lòng tôi ấm áp lên biết bao nhiêu.
Không phải tôi sống không biết điều, chỉ biết nhận mà chưa từng cho đi bao giờ, tôi từng gửi tặng quà cho chú ấy vô số lần nhưng anh tài xế không chịu cầm về, nói rằng chú ấy cấm.
Cấm?
Tôi vội vàng nhắn tin hỏi, chú ấy trả lời: "Đúng vậy. An còn nhỏ, chưa làm ra tiền, tuổi này lo học đi, chừng nào ra trường thì tính sau."
"..."
Tôi làm ra tiền rồi mà, chỉ là hơi ít thôi.
Sau rất nhiều rất nhiều lần chú ấy nhấn mạnh không được mua quà, nên tôi chuyển sang tỉ mỉ làm gì đó tặng bằng cả tấm lòng.
Tôi nấu ăn muốn gửi sang, chú ấy bận đi công tác, "An tự ăn hộ phần chú đi."
Hoa ban công nở rộ, tôi đến khoa gốm đắp nặn xoay nung ra một cái bình đầu tay, cắm một đoá hồng thật đẹp, cuối cùng vẫn phải tự trưng trong phòng mình. Chú nhắn "hiện tại không có ở Sài Gòn, muốn ngắm lắm nhưng cũng đành chịu."
Đợt khởi nghiệp bán áo quần vẽ tay thành công, tôi ngỏ ý mời chú đi ăn ở nhà hàng mà sinh viên nghèo như tôi chưa từng lui tới. Chú lại từ chối khéo: "An nên tiết kiệm tiền để làm đồ án tốt nghiệp, khi đó vừa vất vả vừa tốn kém."
Tôi bắt chước các anh chị khoá trên rang gạo làm tranh bán, sau nhiều tuần, tay nghề đã lên cao, tôi hỏi chú theo đạo Phật hay đạo Thiên Chúa, tôi sẽ làm một bức tranh gạo to thiệt là to hình Đức Phật hoặc Đức Mẹ để chú treo cho sang nhà. Tôi nghĩ chú sẽ thích vì hiện tại đang là mốt, rất nhiều gia đình khá giả đều tìm đến nhóm tụi tôi đặt hàng.
Nhưng chú ấy đáp: "Chú theo đạo tặc."
"..."
Thôi dẹp luôn đi!
Không muốn nhận cũng không đến mức từ chối phũ phàng kiểu này chứ?
Nếu không phải chú ấy là một người vô cùng vô cùng vô cùng tốt thì còn lâu tôi mới chịu mất mặt mà ngỏ ý suốt như thế này.
Tôi vui vẻ, tháo nón bảo hiểm rồi rũ tóc, vuốt gọn, sau đó đưa điện thoại lên 'tách tách' mấy tấm, lựa một góc nghiêng đẹp nhìn rõ khuyên đá trên cánh mũi rồi gửi sang khoe.
"Có đẹp không chú?"
Thỉnh thoảng tôi hay gửi hình cho chú ấy thẩm định nên quen rồi. Cũng không phải tôi chủ động mà do mỗi lần nói chuyện có gì mới mẻ là chú ấy thường nhắn "gửi sang cho chú xem nào", nói qua nói lại riết thành thói quen, chú ấy giúp tôi tự tin hơn rất nhiều.
Bởi vì toàn khen là khen, hiện tại cũng thế.
"Đẹp. Bé An làm gì cũng đẹp.
An có đau không?
Bấm khi nào vậy?"
Tôi nhanh chóng nhắn lại:
"Này gọi là lỗ nostril
Con xỏ chắc cũng hơn tháng rồi đó
Nhẹ hều à
Không đau xí nào"
Nhiêu đây có nhằm nhò gì.
Tôi nghiện cảm giác đau đớn trên thân xác rồi, chỉ có như thế mới lấn át được bao nhiêu nhức nhối ngột ngạt trong tim.
Dự định của tôi là xỏ thêm khuyên môi, nhưng đợi về quê xong đã rồi mới tính tiếp.
Xỏ nhiều quá mẹ la.
Lớn ngần này nhưng vẫn sợ mẹ mắng, sợ mẹ nhưng vẫn còn lì lợm như trâu.
Trừ tai trái có hai lỗ, thì vành tai phải của tôi có tới tận bảy lỗ xỏ khuyên rồi.
Mỗi lần kiệt quệ, tôi lại dùng kim tự đâm xuyên bản thân mình.
Hỏi có đau không ư? Tôi đã ước mình không biết đau, ước trái tim này ngừng nhung nhớ một người, ước mình mất đi toàn bộ kí ức.
Bảy lỗ...
Chín năm...
Chuyện mới như ngày hôm qua mà chớp mắt một cái đã chín năm trôi qua rồi...
Những hồi ức đẹp về người kia, tôi vẫn còn luôn ghi nhớ rõ.
Điện thoại rung lên, gọi tôi về từ quá khứ nghiệt ngã: "Đau chứ sao lại không, bé nhớ vệ sinh kỹ không nhiễm trùng."
"Dạ ố kề.
Thôi con đi đâyyyy
Bái baiiii"
Diệu Hiền đang hận đàn ông vì chia tay bạn trai Tây liên miên, tôi mà tới trễ chắc sẽ sạc cho trận, bài ca "đàn ông thằng nào cũng như nhau" tôi nghe đến độ tai ù cả đi luôn rồi, dĩ nhiên lần nào mắng xong Hiền cũng cười hề hề nói rằng đã chừa tôi ra, nhưng tôi cũng là đàn ông mà nên tự thấy nhột.
"Ừ, đi chậm thôi, nhớ cẩn thận xe cộ. Nay mặt trời lên sớm, mặc áo khoác vào không nắng."
Nhà chú ấy có hẳn gara để xe riêng dưới hầm, tôi đứng trong này nên không biết bên ngoài kia đã nắng lên chưa, lúc ở trên phòng thấy trời râm mát còn hơi se lạnh nên quên béng đi mất. May nhờ chú nhắc nhở nên tôi vội vàng chạy lên lầu lấy thêm cái áo khoác jean mỏng.
Mặc dù chẳng ai ngắm mình nữa, cũng không mang tư tưởng mặc định da ngăm là xấu nhưng tôi luôn có nỗi ám ảnh sâu sắc khi làn da bị đen đi. Việc chăm sóc và muốn có làn da trắng sáng đã thành thói quen rồi, nhất là chơi chung được với Lưu Ly và Diệu Hiền, hai bạn ấy giúp tôi rất nhiều trong việc bảo dưỡng.
Diệu Hiền vẫn chưa biết tôi là gay.
Từ ngày cắt đứt với tên bạc bẽo, tôi chưa từng bước chân vào một mối quan hệ mới, càng không bao giờ chấp nhận bản thân mập mờ với bất kì một ai nữa.
Tôi với Hiền, kẻ ở quê, người xa xứ, đến khi về nước, Hiền cũng công tác ngoài miền Bắc xa xôi, có rất nhiều chuyện không tiện nói cũng chưa cần thiết nói, nên tôi cứ chọn cách im lặng hoài.
Diệu Hiền hẹn ở tiệm cafe khá sang trọng, tôi thường đi qua nên biết chứ chưa từng bước vào lần nào, vì thế nên cứ ngồi ngẩn một góc ngắm trời xanh mãi, đến khi nhìn cách bài trí thiết kế xung quanh mới để ý thấy tốp năm tốp ba mở cửa đi thẳng đến quầy order. Lúc này tôi mới chợt nhận ra, nãy giờ không có ai đem trà đá đến, cũng không có ai hỏi tôi muốn uống gì như mấy tiệm nhỏ. Mang tiếng sống ở thành phố sáu năm trời nhưng tôi không tụ tập đi chơi nhiều nơi nên vẫn còn nông cạn. Vậy là xấu hổ, vội vội vàng vàng đứng dậy bắt chước mọi người xếp hàng chờ đến lượt gọi món.
Trong lúc chờ đợi tôi vẫn luôn quan sát cách sắp đặt quầy bar nên không quan tâm đến vài tiếng xôn xao xung quanh.
Chỉ là...
Có một mùi hương thơm quá!
Không phải cái ngọt của thức uống cũng không phải vị béo từ tủ bánh bay ra.
Tôi hít vào một hơi thật sâu, cảm nhận được rồi thì lại thấy lồng ngực nhẹ nhàng nhói lên từng hồi.
Đây là mùi gỗ xen lẫn hương cỏ cây man mát tắm mình trong sương sớm.
Trong thoáng chốc, tôi có cảm giác như mình trở lại thời bé thơ ngồi dưới gốc cây bạch đằng, có một cậu bé lúc nào cũng mang trên người hương cỏ cây thư thái chạm tay lên mặt tôi.
Cười rạng rỡ, nói rằng, "Trên mặt An có bông hoa."
Mùi hương này hoàn toàn không giống lúc trước, sang trọng hơn, lịch lãm hơn, chỉ là trong vài tầng lưu hương thoang thoảng đó ẩn chứa mùi thân gỗ tuyết tùng phảng phất kết hợp với không khí lạnh trong phòng điều hoà, chính nó đã đưa tôi về một thời thanh xuân khờ dại dây dưa với một người.
Sáng sớm mùa Đông lạnh lẽo ở miền quê nhỏ, người ấy đã ấn tôi lên thân cây trong rừng mà hôn môi cuồng nhiệt.
Người ấy nói, "An là của cải châu báu quý giá nhất trên đời mà Tuấn Anh có được."
"Anh dùng gì ạ?"
Tiếng nói nhỏ nhẹ của nhân viên đã mạnh mẽ kéo tôi về thực tại.
Vì mải nhìn ngó rồi nghĩ ngợi đến tên khốn kiếp kia nên tôi vẫn chưa chọn được món, tôi gọi đại: "A, lấy cho mình một... cà phê."
"Cà phê gì ạ?"
Lúc này tôi mới phát hiện có rất nhiều danh mục cà phê khác nhau, vậy là tiếp tục kêu đại khái: "Cà phê... sữa."
Tôi vừa nói vừa sờ soạng bên hông, lúc này mới phát hiện ra một chuyện động trời.
Tôi không mang ví tiền!!!
Tôi không có thói quen bỏ bóp tiền trong túi quần mà lúc nào cũng nhét trong túi đeo chéo. Nhưng vừa nãy chạy lại lên phòng, tôi bỏ túi xách ra để mặc áo khoác, sau đó cứ thế chạy vèo đi luôn.
Bây giờ tiền của tôi đang nằm ngủ ngon lành ở nhà. Phải làm sao đây?
Một buổi sáng mà tự mình làm mình mất mặt tới hai lần rồi.
Tôi cười trừ, hấp tấp nói: "Mình... mình không order nữa, à không phải, mình đợi đợi bạn, chút nữa mình gọi sau nhé! Cảm ơn, cảm ơn nhiều!"
Sau đó lập tức quay lưng muốn chuồn ra cửa, dự định sẽ gọi hỏi xem Diệu Hiền sắp đến chưa, nếu sắp rồi thì cho Hiền trả một bữa đỡ phải đợi lâu, mà chưa thì tôi sẽ chạy xe về nhà lấy tiền.
Nhưng lại va phải vị khách đứng sau lưng.
Tôi đang ngại nên có hơi vội nhưng cũng chưa đến nỗi không chịu nhìn trước ngó sau. Rõ ràng tôi mới chỉ vừa quay đầu, còn chưa nhúc nhích được một chút nào mà đã đâm sầm vào người ta rồi. Trong lòng tôi oán trách người này xếp hàng quá gần, mà tôi còn không hề nghe tiếng bước chân, cứ lù lù như ma quỷ vậy. Nhưng ngoài mặt vẫn ôm mũi, nói "xin lỗi xin lỗi" lia lịa.
Đôi giày tây bóng loáng ấy không chịu tránh đường, dáng dấp người này cao lớn, tôi chưa ngước lên nhưng vẫn cảm giác được sự áp bách lan toả.
Bồn chồn khó tả.
Linh cảm của tôi không sai.
Người ấy không phải không chịu tránh đường mà cố ý chặn đường ra của tôi.
Không phải đứng quá gần mà là chậm rãi tiến đến, ép sát.
Cơ thể người này thơm quá!
Nhưng chân tôi cứng như đá, nặng như chì, không rảo bước nổi không phải là do mùi hương quyến rũ.
Tôi là gay nhưng tuyệt đối không phải kẻ vừa gặp đã mê luyến một người đến mức bị vây trong lòng họ mà quên cả vùng vẫy thoát ra.
Tôi không quên.
Chỉ là...
Chỉ là...
Giọng nói này...
Chất giọng trầm ấm trưởng thành phía trên đỉnh đầu đang đều đều nói với nhân viên.
"Một phin đen đá, một Freeze trà xanh, một Tiramisu. Tôi thanh toán cho em ấy."
Nhân viên đáp: "À, bạn anh mới vừa order phê sữa đấy ạ, anh có lấy nữa không?"
"Không." Hầu kết góc cạnh trước mắt tôi trượt một đường, chậm rãi nói: "Đổi thành freeze, em ấy uống cà phê nhiều không tốt."
Đối diện tầm mắt, giữa hai đầu xương quai xanh trong lớp áo sơ mi lụa trắng tinh tươm có một nốt ruồi nhỏ.
Hồi đó, mỗi khi người ấy ôm tôi vào lòng, trán tôi sẽ ân ái quyến luyến chạm lên chấm đen nhỏ xíu này.
Còn nhớ rất lâu về trước, người ấy bị sốt cao hừng hực nhưng vẫn đi đá bóng cho lớp, sau đó bị thua, người ấy đã khóc trên vai tôi. Những giọt nước mắt lặng lẽ không thành tiếng, chỉ có mảnh áo ướt đẫm minh chứng cho nỗi buồn.
Lúc đó, tôi tưởng lớp thất bại nên người đó chán nản. Nhưng không phải, là do hôm ấy người tưởng tôi không đến.
Người nhớ thương tôi.
Đó là lần đầu tiên tôi có xúc động muốn chạm lên nốt ruồi gợi cảm ngay trước mặt.
Nhưng khi đó tôi dám.
Hiện tại, tôi vẫn không có cam đảm.
Tôi không nhận nhầm người nhưng cũng không dám ngẩng đầu lên xác nhận.
Giọng nói ấy qua nhiều năm tháng đã trưởng thành hơn rất nhiều, bây giờ nghe vào tai chẳng còn chút trẻ con non nớt nào nữa, thay vào đó là vẻ trầm ấm, điềm tĩnh như người từng trải bao thăng trầm sóng gió. Là giọng của người trai Hà thành ngọt ngào, sâu lắng.
Một tiếng "em ấy" ngọt lịm lọt vào lỗ tai lùng bùng vì run rẩy, trong phút chốc tôi đã ảo tưởng người này vẫn còn... thuộc về mình.
Khi người ấy đưa thẻ cho nhân viên, không biết vô tình hay cố ý mà tiếp tục tiến đến gần sát, mùi hương cơ thể quyến rũ lần nữa bủa vây, đầu mũi tôi suýt nữa thì chạm phải chấm đen nhỏ xíu trước mặt.
Vậy là sợ hãi, vội vàng lùi về sau...
Nhưng không còn đường lui nữa, tôi bị chặn lại rồi...
Trái tim nảy nhịp ngày càng nhanh dồn dập như gõ trống, toàn thân tê dại, bàn tay nắm chặt, sống lưng phải dựa vào quầy bar phía sau mà liên tục chống đỡ thân thể bủn rủn.
Có lẽ sợ tôi đứng tim, người ấy nhẹ nhàng lùi về một khoảng nhỏ.
Tôi cố gắng điều chỉnh nhịp thở, mãi đến khi người trước mặt nhận đồ uống, tôi mới dám từ từ ngước mặt lên.
Khỏi cần so cũng biết, cậu ấy cao hơn tôi rất nhiều, rất nhiều, cảm giác tôi còn phải ngước cổ hơn cả khi xưa.
Tướng mạo tuấn mỹ, dáng người đĩnh đạc, mày kiếm mắt sắc, đường hàm góc cạnh toả ra khí chất nghiêm nghị.
Người ấy điềm tĩnh nhìn xuống thẳng vào mắt tôi, tuy khoé môi không cười nhưng trong ánh mắt dường như... chất chứa ngàn vạn dịu dàng.
Tuấn Anh khẽ nghiêng khuôn mặt, đầu hơi cúi xuống, nhẹ nhàng chậm rãi nói rõ từng từ: "Đã lâu không gặp."
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]