Tóc tôi nuôi hai năm đã dài rồi, thi xong anh Thịnh dắt đi uốn, tôi còn đòi nhuộm thêm màu xanh dương ánh xám cho máu lửa.
Hơn một tháng hè này, tôi cùng tụi thằng Kiên vẽ tranh tường cho quán karaoke, kéo thêm cả nhóm An Bình cùng nhau trồng cây cảnh hoàn thiện những bước cuối cùng cho đến ngày khai trương.
Trước đó mọi người đã hứa đồng ý để tôi tự mình xông pha lên thành phố rồi nên không còn cuộc họp mặt gia đình nào nữa.
Nhưng lớp trưởng lại lên nhà tôi, "Mày đi chung với tao đi! Tao thuê xe chạy thẳng vào thành phố luôn chứ đi xe đò chi cho chật chội. Đằng nào cũng học chung trường."
"Sao lại chung trường? Mày rớt ngoài kia rồi à?" Tôi với nó đều thi kiến trúc, mấy tháng trước nó còn cùng tôi luyện vẽ chứ đâu, nhưng rõ ràng nó thi ngoài Hà Nội cơ mà?
Lớp trưởng nhìn tôi một chút, mỉm cười: "Ừ, rớt rồi. May mà có nộp nguyện vọng hai trong Sài Gòn."
Vậy thì vừa may. Tôi còn đang tính lấy băng keo quấn quanh hộp tiền của Tuấn Anh cột chặt vào bụng, sau đó ăn mặc phùng phình che khuất cho an tâm. Nghe mấy anh đến chơi bida kể nhiều chuyện cướp tài sản tinh vi nên tôi cũng hãi, nghe nói để dưới giày mang trong chân còn mất nữa là rạch balo dễ như trở bàn tay.
Nhưng mà nhà lớp trưởng giàu đột xuất lên từ khi nào thế? Mới hồi giữa năm 12 còn nghe đồn ầm lên nhà nó đổ nợ. Thì ra cái làng này toàn tin tào lao thất thiệt.
Chỗ tôi nếu ai chơi sang thì cùng lắm là lên phố đi máy bay thôi chứ chẳng thấy ai thuê ô tô chạy từ đây vào Thành phố Hồ Chí Minh cả. Dĩ nhiên phải chừa tụi anh Hùng ra vì các anh ấy đều giàu có, tự lập, thành đạt cả rồi. Mức sống trên thị trấn sẽ khác hoàn toàn với dân làm nông trong này như tụi tôi.
Tôi hỏi, "Nhà mày trúng xổ số độc đắc à?"
Lớp trưởng: "..."
Tôi thấy nó nghệt ra thì vội vàng che miệng, không ngờ nói chơi mà đúng thật.
Vậy là chạy tới gần, hạ giọng hỏi: "Trúng mấy tờ thế? Hôm nào xây nhà? Xe hơi cũng là mua luôn rồi đúng không? Nói cho tao biết đi, yên tâm, tao không kể cho ai biết đâu."
Duy Dương với Khánh đang nhặt rau trong sân nhà tôi, đồng loạt hô lên: "Đúng vậy! Tụi tao kín miệng cực kì, không kể cho ai biết đâu."
Lớp trưởng: "..."
An Bình chạy tới khoác vai lớp trưởng, "Hèn chi dạo này nhìn tướng đi của anh sang hẳn ra. Đích thị là anh trai ruột thất lạc của em bấy lâu!"
Tôi: "..."
Còn anh mày thì sao?
Lớp trưởng cười phá lên, "Trúng cục cứt ấy! Tao mong nhà mình trúng số còn hơn tụi mày đây mà có được đâu. Đây là có người tài trợ thôi."
"Ai mà dư tiền dữ vậy? Mày đâu có bị say xe?" Tôi hỏi.
Trong năm, nhà trường tổ chức cắm trại ở xa, tôi ói lên ói xuống còn nó vẫn ngồi hát nhởn nhơ.
Nhớ đợt đó các trường tổ chức đua thuyền, thuyền lớp tôi va chạm với thuyền khác, hai bên đều bị lật, tôi còn đang buồn đời thất tình nên tính nhắm mắt cho chìm luôn, nhưng biết bơi rồi thì cơ thể tự khắc nổi lềnh bềnh. Tôi cười tự giễu sau đó hừng hực khí thế cùng vài người cứu được mấy bạn bị đuối nước.
Lần ấy tôi được vinh danh từ nhà ra ngõ, từ thôn lên huyện, còn được các bác cán bộ đến tận nhà khen ngợi. Đều là nhờ công tận tình chỉ dạy của người yêu cũ cả.
Lớp trưởng liếc tôi giây lát, "Tao có một người anh họ..."
"Anh họ nào? Anh mày còn nhỏ mà giàu thế cơ à?" Tôi vô cùng tò mò.
Nhà nó gần nhà tôi, học chung chơi cùng bảy năm nên họ hàng trong nhà, tôi hầu như đều biết rõ hết. Tôi không nhớ được nó có người anh nào giàu có cả.
"Chú." Lớp trưởng hắng giọng, "Chú họ xa, sống ở Sài Gòn, mày không biết đâu. Nhưng chú ấy vẫn đang còn trẻ nên tao lỡ miệng, mày gọi là anh cũng được."
Tôi xua tay, "Thôi tao gọi là chú cho đúng vai vế. Ủa? Mà sao tao phải gọi? Tao phải gặp chú mày à? Chú mày về đưa mày đi học hả?"
Lớp trưởng lắc đầu, "Không gặp. Mày tính ở trọ hay kí túc?"
"Chưa biết. Tao tính ở trọ." Thực ra ở kí túc xá sẽ rẻ hơn nhưng tôi còn mang theo tiền của Tuấn Anh để trả cho cậu ấy, sợ ở xô bồ lỡ xảy ra sơ suất. Chỗ tôi chưa có ngân hàng, nếu đi lên thị xã làm thẻ thì cũng được nhưng căn bản là tôi muốn giữ nguyên y nguyên trạng từng đồng từng cắc. Ít ra có thể làm kỉ niệm thêm một đoạn thời gian.
"Mày qua ở với tao đi! Chú ấy có cái nhà nhỏ bỏ không nên muốn tao lên ở rồi trông nhà giùm. Có cả phòng riêng, mày ở tự do, không phải chung đụng với ai hết."
Tôi nghe đến khúc sau cũng thấy hấp dẫn, bạn bè ở chung trọ là chuyện bình thường, nhưng mà, "Lỡ chú mày không thích tao vào ở thì sao?" Dù sao cũng là nhờ cháu người ta trông nhà, thêm người thì thêm phiền, sợ người lớn không vừa ý.
"Thích! Vô cùng thích!"
Nó nhấn mạnh làm tôi giật cả mình.
Thấy tôi ngạc nhiên, lớp trưởng hắng giọng, nói: "Tại tao có kể cho... chú ấy nghe về mày. Chú đó thích mấy đứa học giỏi lắm. Nghe nói mày dạy tao ôn vẽ còn được thủ khoa kiến trúc thì hài lòng ra mặt. Nhà to nên chú ấy chủ động bảo tao rủ mày, à, rủ tụi mày về ở chung. Mày cứ đến ở đi, có cả thằng Cường híp nữa mà. Mà cũng có phải ở miễn phí đâu mà phải ngại, mỗi tháng đóng một trăm nghìn tiền ăn ở đó."
Ồ... thì ra có cả thằng Cường, vậy thì cũng được, một xị là quá rẻ.
Nhưng "Sao mày mới nói là nhà nhỏ mà?"
Lớp trưởng cũng ngẩn ra, "Tao cũng đéo biết. Đã vào đấy bao giờ đâu."
"..."
"Nói chung là có phòng riêng tư hết."
Thôi mặc kệ đi, có chỗ ở là tốt rồi, to hay nhỏ miễn có phòng riêng thì cầu còn không được.
Tôi thi kiến trúc là vì nghe lời mối tình đầu đã xa của mình.
Ban đầu mẹ gợi ý tôi theo nghề giáo viên vì làm công chức tuy lương thấp nhưng an nhàn cả đời, thích có tiền thì đi dạy thêm, dù sao tôi cũng có kinh nghiệm. Nhưng cứ nghĩ đến phương pháp mà mình từng "dạy bảo" bạn học thì tôi lại thấy ê răng, phải từ chối, thực sự thấy mình không hợp với nghề gõ đầu trẻ. Sợ sau này gõ đúng nghĩa đen thật khiến trẻ khóc toáng lên mất thôi.
Vài người có con cái từng đi học xa quê nói, "Trong đó ngộ lắm! Học nghệ thuật là cái trường bóng quá trời! Cô cho con cô đi học coi chừng lây đó nghen!"
Mẹ hỏi: "Bóng là gì?"
"Là bê đê, là lệch lạc giới tính, là con trai mà đi yêu đương với con trai đó!"
"Con trai làm sao mà yêu con trai được?"
"Thì đó, vậy mới gọi là bệnh. Lây là xong luôn. Để ý nó đi học về mà nói chuyện éo éo là rồi rồi đó."
Mẹ nhíu mày: "Vớ vẩn! Thằng An nhà tôi sẽ không bao giờ bị lây đâu."
Chỉ là câu chuyện vu vơ của những người thiển cận không hiểu biết rõ về đồng tính luyến ái... nhưng nghe vào tai tôi chua chát, lòng đau thắt lại.
Con xin lỗi... Con cũng đâu có muốn mình mãi lệch khỏi quỹ đạo phát triển tự nhiên của xã hội.
Tôi từng nghe về cuộc sống ở trọ trên thành phố rồi, vừa khó tìm vừa chật chội, nếu muốn phòng to thì phải chịu chi nhiều tiền, đấy là chuyện hiển nhiên mà thằng khù khờ dưới quê mới lên như tôi cũng hiểu được. Nên lúc nằm trên xe, tôi mơ màng tưởng tượng với cái mức giá một trăm ngàn một tháng thì phòng mình thuê chắc chỉ tầm hai mươi mét vuông thôi nhỉ? Phòng riêng có khi nào là toilet riêng nhưng lớp trưởng nghe nhầm không? Chính nó cũng chưa đến nhà ông chú họ xa này bao giờ mà. Tôi cũng thắc mắc nhiều, nó nói rằng chú ấy không sống ở đấy nên tôi mới dám nhận lời ở để tiết kiệm đồng nào hay đồng đó.
Đến khi cái cổ của tôi muốn gãy rời vì ngẩng quá lâu thì hồn mới về lại thân xác. Tôi tự đỡ cái đầu cứng đơ của mình về đúng vị trí rồi cúi xuống nhặt cái mũ lưỡi trai vừa bị rớt do ngước ngược ra sau ngắm toà nhà to như cái khách sạn trước mặt mãi.
Thấy lớp trưởng cũng đang há hốc mồm, tôi nhẹ nhàng hỏi nó: "Sao trông mày còn... kinh ngạc hơn cả tao thế?"
Lớp trưởng vẫn không khép miệng, đờ đẫn quay sang nhìn tôi chằm chằm, phải mấy giây sau mới ngậm lại, nuốt nước miếng tận ba bốn lần, chậm rì rì nói: "Tao... tao nói ở nhà rồi còn gì. Đây là... cũng là lần đầu tiên tao đến mà."
Tôi gật gật đầu, ừ nhỉ, nó chưa đến lần nào, "Nhưng chả lẽ chú mày giàu cỡ nào mà mày không biết à?"
Lớp trưởng thở dài, giọng như người mất hồn: "Biết... biết sơ sơ."
Tôi liếc sang nó, hỏi: "Mày say xe à?" Sao nhìn như chuẩn bị nằm ngang theo trục hoành tới nơi vậy?
Lớp trưởng tằng hắng một tiếng, phút chốc quay lại vẻ tươi tỉnh: "Không. Tao chỉ..." nói dở dang thì liếc lên toà biệt thự, "...chỉ hơi ngoài ý muốn tí thôi. Tưởng là ngôi nhà giống dưới quê, ai ngờ quất hẳn căn villa."
Tôi nhắc nó xem kỹ địa chỉ hoặc gọi điện hỏi lại cho chắc, "Hay là nhầm nhà?"
Nó lắc đầu dứt khoát, "Giờ cũng không gọi được."
Anh tài xế xách đồ vào trong một lượt rồi đi ra, nghe được thì bật cười, giao cho chúng tôi một đống chìa khoá, thẻ từ các thứ, "Không nhầm đâu. Hai đứa vào nhà không nắng."
Đây mà là nhà á? Đây là biệt thự sân vườn cả ngàn mét vuông giữa lòng Sài Gòn tráng lệ đó!!!
Ngàn mét thì cũng hơi quá...
Thực ra là rất quá...
Vừa rồi tôi hơi sốc. Vốn dĩ chỉ nghĩ mình lên ở căn phòng trọ ọp ẹp như cái chuồng heo thôi vì giá thuê vô cùng bọt bèo nên đã tự ý phóng đại diện tích nhà người ta lên gấp đôi cho nó kích thích.
Nhưng nói đi phải nói lại, đất ở trên này vô cùng đắt đỏ, cái nhà có mặt tiền đường lớn rộng khoảng bốn đến năm mét thì giá trị cũng gấp cả chục lần ở quê tôi với diện tích tương đương. Nhà đất chặt góc trong hẻm xe máy khoảng ba chục mét vuông thì cũng phải mấy tỷ mới mua nổi. Đương nhiên tất cả những điều này toàn là mấy anh trong quán bida nói cho tôi biết để sau này lên thành phố đỡ bỡ ngỡ. Vậy căn nhà đồ sộ có cả cổng, cả sân, cao to sừng sững này thì bao nhiêu tiền mới mua nổi chứ???
Tôi nuốt nước miếng mấy lần, giờ đã hiểu cảm giác bỡ ngỡ là gì rồi.
Nhìn mặt lớp trưởng còn ngu hơn cả tôi nhưng vẫn phải hỏi: "Chú mày làm nghề gì mà giàu dữ vậy? Buôn ma toé à?"
Lớp trưởng: "..."
Anh đi bên cạnh bật cười ha ha ha ha.
Cũng đâu phải tự nhiên tôi nảy ra ý nghĩ kinh dị đó. Tại khi tôi hỏi "tại sao không ở mà không cho thuê hoặc bán đi?" thì lớp trưởng quảng cáo chú nó có nhiều nhà lắm nên nơi này để không không trưng chơi vậy thôi. Nhưng đó là khi tôi tưởng nhà nhỏ thì mới thuyết phục, chứ nhà to thế này mà cũng có người ngu tới mức cho tụi tôi ở với giá một xị một tháng á? Có khi nào là dùng tiền bẩn mua nên không tiện rao bán không?
Nghĩ tào lao một hồi, tôi được đưa đến phòng mình. Không. Phải gọi là tầng mình mới đúng. Rộng nguyên một tầng. Bây giờ tôi đi ở trọ mà còn được ở trong căn phòng rộng gấp mấy lần cả căn nhà của tôi ở vùng quê nghèo hẻo lánh. Trong phòng ngủ ốp sàn gỗ đầy đủ tiện nghi cứ như tôi vừa lạc vào chung cư cao cấp mà chương trình Nhà Đẹp trên tivi hay quay vậy. Mọi thứ mới tinh tình tình, từ chăn ga gối nệm đến ghế sofa, bàn học, tủ quần áo... Nói không ngoa đâu, ngay cả máy vi tính cũng có, máy sấy cũng có, tủ lạnh trong phòng ngủ cũng có, thậm chí có cả máy giặt, bồn nước nóng lạnh, nhà bếp thì xịn xò như trên phim...
Tôi ngồi 'phịch' xuống giường, nhìn ra ban công tràn ngập hoa hồng leo mà ngây ngẩn cả người.
Cuộc đời mình bây giờ sao lại may mắn thế không biết nữa?????
Có khi nào... có khi nào... có khi nào là Tuấn Anh không?
Tôi vẫn nhớ như in bóng dáng cậu ấy đứng giữa một giàn hoa hồng leo, cười rạng rỡ vẫy tay xuống với tôi.
Có khi nào Tuấn Anh đến gây bất ngờ cho tôi không? Tuấn Anh biết tôi thích hoa hồng, có khi nào đây không phải trùng hợp mà là cậu ấy cố ý chuẩn bị?
Lời hẹn ước ba năm... ba năm đã qua rồi...
'KÍNH COONG!!!'
Tiếng chuông. Tôi đứng bật dậy.
Là tiếng chuông nhà Tuấn Anh.
Tôi vội vàng mở bật cánh cửa, lao như tên bắn xuống dưới lầu.
Ảo tưởng...
Thất vọng...
Tuấn Anh không có... cậu ấy không đến...
Là thằng Cường.
Ba năm hoá gai hồng quấn lấy trái tim tôi nứt toác... âm ỉ rỉ máu...
Tôi không kìm nổi mình, quỳ gục xuống, ôm khuôn mặt, khóc nức nở.
"AN À! AN! Mày làm sao thế này?" Lớp trưởng nhào tới, sốt sắng hỏi.
"AN ƠI! Mày sao vậy? Làm sao mà khóc? Ngã cầu thang à?" Cường quăng balo, cấp tốc lao tới.
Tôi vẫn luôn mong có một phần trăm nhỏ nhoi nào đó, Tuấn Anh sẽ trở lại... trở lại với tư cách là bạn bè cũng được. Như thế, tôi sẽ có cơ hội nhìn thấy cậu ấy, nghe giọng cậu ấy... tôi biết mình không thể chạm vào Tuấn Anh được nữa rồi nên không tham lam.
Cậu ấy... không phải là người của tôi nữa.
Nhưng tôi vẫn hi vọng cậu ấy trở lại bên tôi một lần... chỉ một lần thôi... tôi lấy cớ trả vật chất cho cậu ấy chỉ để đổi lại dù chỉ một lần được nhìn thấy khuôn mặt mà mình khắc ghi sâu trong lòng.
Làm sao Tuấn Anh trở lại nữa? Tôi đã quên mất. Tuấn Anh rất tốt bụng. Nếu cậu ấy nghĩ rằng mình làm tổn thương tôi thì sẽ không quay về để cho tôi thêm đau lòng đâu.
Tuấn Anh à...
Tuấn Anh à...
Đến khi bình tĩnh lại, vì mất mặt nên tôi phải nói dối rằng mình nhớ mẹ nên mới khóc, may mà ngoài hai thằng bạn thì không có ai nhìn thấy. Anh lái xe đã rời khỏi lâu rồi, dặn chúng tôi chỉ cần lo học hành, hằng ngày sẽ có người đến nấu ăn dọn dẹp. Nhưng tôi cũng bị tụi bạn chọc quê một hồi.
"Anh An lớn ngần này mà cũng khóc nhè cơ đấy."
"Thằng này lì đòn lắm mà. Hồi xưa từ mẫu giáo đến tiểu học bị đánh có thấy khóc bao giờ đâu."
"Trùm trường cũng biết tủi thân khóc thầm chứ mày."
"Đây là lần đầu tiên tao thấy đại ca An khóc đó."
"Có khi trên lớp oai vậy thôi chứ về nhà còn chưa cai sữa."
Tôi nện cho mỗi thằng một cú, tụi nó cũng đánh lại, nhẹ hều, chúng tôi lăn ra sàn nhà mà cười nắc nẻ.
Nằm khóc ở nhà giàu cảm giác rất khác biệt.
Tôi nung nấu học nội thất nhờ tình cờ xem được bản thiết kế quán karaoke của tụi anh Hùng nên đã dành ra ba năm tìm hiểu về ngành này. Vì vậy nên biết chỗ này ốp đá granite đắt đỏ chứ không phải lát gạch nền như ở quê. Tôi miết lên giọt nước mắt tròn xoe đọng trên sàn nhà mát lạnh mà nghĩ, thời tiết trong này nóng nực vô cùng, sàn mà lát đá tự nhiên thì quanh năm sẽ mát mẻ.
"Nếu nhớ thì gọi điện về đi." Lớp trưởng nói.
Mẹ còn chưa kịp cùng tôi đi mua điện thoại thì tôi đã được các anh kết nghĩa tặng cho chiếc Nokia 5300 đỏ trắng vô cùng thời thượng. Lúc đó không tiện từ chối vì các anh nói đó là mỗi người bỏ ra một ít cùng góp vào tặng quà chúc mừng tôi đậu Đại học. Còn liên tục nhấn mạnh hãy dùng nói để gọi cho người mà mình muốn liên lạc nhất. Chắc các anh ấy cũng đoán trước được tôi đi học xa sẽ nhớ nhà đây mà.
Nhưng người mà tôi muốn nghe giọng nhất bây giờ chắc chắn không muốn hay tin từ tôi nhất.
Tôi lê bước ra sân vườn, gọi về báo tin bình an cho mẹ yên tâm. Nhà tôi đã có điện thoại bàn rồi.
Mẹ bảo tôi rủ bạn ra đường xá xem bưu điện chỗ nào, "Đặng mẹ gởi tiền lên hàng tháng. Cái ngân hàng chỗ mình sắp xây xong rồi, có khi sang năm là gửi được."
Trước đó, mẹ nói tôi đi làm thẻ để mỗi tháng sẽ chạy xe lên thị xã tiếp tiền lên cho thằng con trai nhỏ nhưng tôi không đồng ý.
Hiện tại cũng vậy, tôi nói mình sẽ đi làm thêm rồi tự xoay sở chi tiêu chứ mẹ không cần gửi lên. "Chừng nào kẹt thì con sẽ gọi về xin sau." Tôi phải nói như vậy cho mẹ yên tâm. Tôi được một suất miễn học phí toàn phần nên bớt được ít nhiều, nhưng ngành tôi theo đuổi sẽ tốn tiền mua nguyên vật liệu lẫn dụng cụ học tập xịn nên cũng có tốn kém, cần phải gấp rút kiếm tiền mới được. Tiền làm thêm mấy năm nay tôi cũng có tiết kiệm được một ít nhưng không làm mà ăn mãi thì núi vàng núi bạc cũng sẽ lở.
Lúc vào nhà, tôi nghe Cường chửi um sùm, mắng tụi tôi là lũ khốn nạn, chó đẻ.
"..."
Tôi lén đạp vào sau khuỷu chân một cú cho nó chới với, "Ăn nói mất dạy!"
Cường chỉ vào mặt tôi, hét lên: "Nuôi ong tay áo, nuôi báo trong nhà! Tao với mày chơi thân thế mà mày hùa với nó lừa tao!"
Tôi hoang mang không hiểu chuyện gì, nghe cãi qua mắng lại một hồi mới biết tôi và lớp trưởng bỏ đi một xe hơi riêng còn để mặc thằng Cường tự bắt xe đò đi một mình.
"..."
Ồ~ Tôi thật là khốn nạn!
Sao tôi lại không nghĩ ra mà hỏi nhỉ? Chỉ thấy lớp trưởng không chịu ngồi sau nên tôi lại tự nhiên như ruồi trải gối đắp mền ngủ say sưa tới tận thành phố.
Quên mất luôn người anh em sống chết mặc bay không hề có trên xe.
Căn bản là lớp trưởng không hề nhắc đến nên tôi tưởng thằng Cường đi trước với người quen rồi. Họ hàng của nó trên này nhiều lắm, vì thế nên nhà nó mới có mối đánh xe tải chở rau sạch đổ buôn tận trên đây. Bởi vậy mới thuộc diện khá giả, lên cấp ba còn xây nhà lầu tận bốn tầng, mua mấy công đất thuê người canh tác. Nếu không thì dù có đi buôn trên chợ đầu mối cũng chẳng có dư mấy.
Tôi chột dạ nên đứng cúi mặt im như thóc nghe mắng, không dám hó hé bật lại câu nào.
Lớp trưởng nói: "Tao tưởng mày bảo tao với An đi trước đi."
"Lỗ tai mày là lỗ tai trâu à? Tao không hiểu câu 'đợi tao đi chung với' thì nghe giống câu 'bọn mày đi trước đi' chỗ nào mà có thể nghe nhầm được!"
Tôi gật gù. Đúng là lỗ tai trâu thật. Nhưng nhờ lớp trưởng nghe nhầm mà tôi có chỗ rộng thoải mái nằm bò ra nên mới không bị say xe.
Cường còn đang hăng máu mắng té tát thì có chuông điện thoại, cả tiếng còi xe máy 'bim bim' tít bên ngoài cổng nhà nữa. Sau đó tôi mới biết, Cường ở cùng người quen chứ không ở đây với tụi tôi.
"Tiếc thật! Nhà của chú mày đẹp quá! Cuối tuần tao sẽ sang chơi."
Lớp trưởng gật đầu.
"Mà chú mày có sống ở đây không? Ổng có khó tính không? Có cho tụ tập không?" Cường hỏi dồn dập.
Lớp trưởng lắc đầu, "Khó hay không thì không biết nhưng với tụi mình thì không khó đâu."
"Chú mày chiều mày nhỉ?"
Lớp trưởng liếc sang tôi, không trả lời.
Tôi đang tính hỏi "mày nhìn tao làm gì?" thì anh họ thằng Cường gào rú giục nó ra ngoài.
Đợi nó phắn rồi thì tôi quên bẵng đi chuyện vừa định hỏi, thấy lớp trưởng thẫn thờ ngồi xuống ghế sofa thở dài thườn thượt nên tôi khó hiểu.
"Sao vậy? Mày cũng nhớ mẹ à?" Tôi quan tâm cháu của chủ nhà.
Nó lại liếc lên tôi, mãi sau mới nói một câu với giọng chậm rì rì.
"Số mày sướng thật An ạ!"
Tôi ngẩn ra, đang định cãi lại nhưng nghĩ tới chặng đường mấy năm qua mình thuận lợi một đường y như Tuấn Anh tiên đoán trước mà trưởng thành đến tận ngày hôm nay còn sung sướng được ở ké ngôi nhà cao sang như chốn thần tiên thì không phủ định nữa.
Đúng là số tôi sướng thật!
Lớp trưởng ở nhà chú nó là chuyện thuận tự nhiên, còn tôi chỉ nằm yên nhàn nhã mà may mắn cứ thế rớt lộp bộp xuống đầu.
Tôi cũng không muốn rời khỏi đây, ngại ngùng gì tầm này nữa, nếu không phải mình thì lớp trưởng cũng rủ bạn bè đến ở cho đỡ sợ ma mà.
Nhưng mà... "Lớp trưởng, hình như anh hồi nãy dẫn tao vào nhầm phòng rồi. Trên đó đầy đủ tiện nghi, hình như là phòng chủ."
Lớp trưởng đờ đẫn lắc đầu, "Không nhầm đâu, phòng của mày đấy. Tao đã nói rồi mà, chú tao rất thích mấy thằng học giỏi nên đầu tư sẵn như thế." Ngưng một chút lại bổ sung: "Nếu không phải mày thì chú ấy cũng cho thằng nào học giỏi vào ở."
Thấy chưa? Tôi đoán có sai đâu. Không ngờ người giàu lại sống tình cảm như thế. Cơ hội ngon cơm này, tôi không thể để tuột khỏi tầm tay được!
Dĩ nhiên cháu của người ta thì sẽ được ưu ái có đủ thứ tiện nghi hơn, nhưng tôi vẫn tò mò muốn xem, nếu lỡ thấy nó có ít đồ hơn hoặc phòng nhỏ hơn thì sẽ đề nghị đổi. Lỡ đâu nhầm phòng thật thì sao vì phòng của tôi vô cùng vô cùng vô cùng đầy đủ đồ đạc sang trọng y như cái tầng trên đó là căn chung cư cao cấp trong phim vậy.
Nên nói: "Cho tao xem phòng của mày đi?"
"Không."
"..."
Mày từ chối một cách văn vở không được à?
Lớp trưởng nhảy bật dậy, "Tao không thích ai xem phòng của mình. Đi! Cho tao xem phòng mày coi thế nào!"
"..."
Tôi cũng muốn đáp "không" nhưng tình hình chắc là không thể đâu nhỉ? Dù sao cũng là nhà của chú người ta.
Lên tới phòng rồi, lớp trưởng chạy khắp nơi sờ soạng đủ món rồi liên tục khoa trương 'wow, hú u, aaaaa, đù, đệch, má, ù... xịn vãi, chất thế, ôi ôi ôi đỉnh...'
"..."
Tôi hiểu được cảm giác ngạc nhiên của nó vì hồi nãy tôi còn sốc không nói lên lời kia, nhưng mà thái độ cảm thán của nó kì dị lắm. Cứ thấy không hợp lý chỗ nào?
Nên đề nghị: "Chúng ta đổi phòng đi!"
"Được." Lớp trưởng vừa nói xong thì tự giật nảy mình, "Ha ha ha... Mày tưởng tao sẽ đồng ý ngay lập tức như thế chứ gì? Mơ đi!"
Tôi không hiểu, "Tại tao thấy mày thích mọi thứ trong này mà?" Nhất là bộ game playstation đồ sộ và dàn PC siêu khủng kia, nhìn miệng nó cứ như sắp nhiễu nước miếng tới nơi, tay thì sờ sờ miết miết muốn mòn đến nơi rồi.
Lớp trưởng thu tay về, nói: "Bên phòng tao còn xịn hơn nhiều. Khen chơi cho mày vui thôi."
Ồ... Vui thì cũng vui, nhưng mà: "Tao không xài đồ của chú mày đâu." Dù cho phép thế nào thì vẫn có cảm giác mình xâm phạm đồ đạc cá nhân của người khác. "Được ở cái nhà to đùng thế này đã sướng như nằm mơ rồi."
Lớp trưởng gật gù, "Nhà chú ấy khá giả sẵn rồi nhưng tao không ngờ lại giàu đến mức này. Không biết mấy năm nay nó làm những gì?"
"Nó?" Câu sau lớp trưởng lẩm bẩm nên tôi không biết mình có nghe nhầm hay không?
"Hả?"
"Mày vừa gọi chú mày là nó." Tôi nhắc đại. truyện kiếm hiệp hay
Không ngờ nó cười ha hả, rất tự nhiên mà gật đầu, "Thì tao đã nói chú ấy còn trẻ mà, hơn có nhiêu tuổi đâu. Bọn tao đôi lúc còn xưng là tao mày."
"..."
Giống An Bình thế nhỉ? Gặp ai cũng xưng tao gọi mày.
Thế mà chú ấy cũng chịu? Người giàu thật dễ dãi!
"Hay mày gọi là anh đi!" Lớp trưởng đề nghị.
"Không. Phải xưng hô đúng vai vế chứ." Tôi lắc đầu.
"Mấy đồ này mày cứ lấy phục vụ cho việc học đi, nghe nói thiết kế phải dùng máy khủng mới chạy nổi."
"Không, tao sẽ mua máy khác. Tự nhiên sử dụng đồ của người ta, kì lắm."
"Có gì đâu mà kì? Bên tao cũng toàn đồ mới cả. Có người hỗ trợ thì cứ dùng đi, càng đỡ tốn tiền chứ sao."
Tôi vẫn nghiêm túc lắc đầu, nó nói tiếp: "Không dùng thì không được ở đây đâu."
"..."
"Thấy ở đây đầy đủ tiện nghi như thế này thì cũng chẳng muốn mày ra ngoài ở. Không phải tao đe doạ nhưng tao nói thật, bây giờ ra ngoài thuê phòng khó khăn, chật chội. Kiếm phòng gần trường thì mắc, mà xa trường thì phải ra khỏi trung tâm. Mày tính thức dậy từ ba giờ sáng đạp chiếc xe cọc cạch kia đi học à? Ở đây ít ra còn có xe máy, ăn ở cũng có người nấu tận răng, phòng ngủ thì rộng rãi riêng biệt. Mày chuyển đi rồi, lỡ chú ấy đưa một thằng lạ hoắc lạ huơ vào đây trông nhà phụ thì tao cũng bất tiện nữa."
Nó nói rất nhiều, nghe mà mủi lòng. Nếu tôi rời đi vì sĩ diện thì chỉ mình tôi mới biết, sâu trong lòng thực sự luyến tiếc một nơi tốt như vậy. Chú ấy còn để lại cho chúng tôi một chiếc xe Sh Ý mới cứng, cũng màu đỏ y như xe của nhà Tuấn Anh hồi xưa, nếu không phải biển số khác nhau thì tôi lại phải tưởng bở vì nghĩ tất cả là Tuấn Anh lo lắng cho mình.
Nhưng làm sao có thể chứ!
Cậu ấy chỉ giàu so với tụi con nít trong quê thôi. Làm sao mà so sánh với người già thành đạt trên thành phố được.
Hai năm nay, lớp trưởng còn không hề nhắc đến Tuấn Anh một lời nào.
Nghĩ đến đây, tôi lại tự giễu về khả năng ảo tưởng của bản thân. Thời hạn ba năm đã điểm, tốt nghiệp cấp ba xong chẳng có ai đến tìm tôi cả. Tuấn Anh có người trong lòng rồi, dù có dư tiền cũng chẳng việc gì lên cơn thần kinh mà lo lắng cho tôi tới mức này.
Tôi nói: "Mày cho tao số điện thoại của chú mày đi."
"HẢ???"
Nó la dựng ngược lên làm tôi giật cả mình.
"Sao vậy? Không được à?"
Lông mày lớp trưởng nhíu lại, "Không phải không được. Nhưng mày lấy số chú ấy làm gì?"
"Tao chỉ muốn cảm ơn thôi mà." Không hiểu sao mặt lớp trưởng lại trầm trọng dữ vậy, nên tôi cũng hơi ngại, "Nếu không được thì thôi. Tại mày nói chú ấy sẽ không đến đây nên tao mới phải cảm ơn qua điện thoại."
Nếu mà chú nó cho tôi cái bánh cái kẹo thì còn có thể nhờ chuyển lời cảm ơn. Đằng này người ta cho mình ở nhờ một biệt thự sang trọng để đi học thì quả là quý nhân trên trời giáng xuống phù trợ rồi.
Lớp trưởng chạy như ma đuổi ra ngoài, hét lại: "Đã bảo không phải không được mà. Đợi tao một tí."
Một tí của nó đến tận ngày hôm sau.
Lớp trưởng đưa cho tôi một mảnh giấy, "Nhưng mày chỉ được nhắn tin thôi. Chú rất bận, không nghe máy được." Thấy tôi "ò ò" thì nó lại nhấn mạnh: "Nhất định không được gọi đâu! Lỡ chú ấy đang họp mà mày gọi đến làm lỡ mất hợp đồng cả tỏi là chết cả lũ đấy!"
Tôi nghe mà giật thót cả người, nghiêm túc thề, hứa, đảm bảo.
Còn một chuyện quan trọng, "Chú mày tên gì để tiện xưng hô?"
Còn phải là đợi tôi nhắc nhở mới xua tay, nói: "Mày cứ gọi chú là được rồi. Chứ thường ngày mày gọi cô mày là cô Huyền Chi ơi, chú Đăng Khoa à chắc? Nghe sến muốn chết!"
"..."
Thấy cũng đúng. Nhưng ý tôi không phải thế. Chỉ là muốn biết tên theo phép lịch sự thôi, dù gì chú ấy cũng biết về tôi qua lời giới thiệu của cái thằng dở hơi vừa chạy mất tích mà. Chắc lớp trưởng sợ tôi nịnh nọt gì đó, tranh thủ tình cảm của chú nó.
Tôi chạy ra cầu thang gỗ, hét với theo: "Yên tâm đi! Tao chỉ nhắn đúng một tin cảm ơn thôi!"
Lớp trưởng không ngoái đầu, gào lên: "Mày nhắn cả ngàn tin thì tao mới yên tâm!"
"..."
Tôi cho rằng nó móc mỉa nên không thèm để ý nữa, đi vào phòng soạn tin nhắn.
"Chau chao chu a. Chau ten la An, la..."
Tôi vội vàng xoá đi. Người lớn nhìn tin nhắn không dấu chắc khó chịu lắm? Tuy gõ có dấu đầy đủ kí tự sẽ tốn tiền hơn hẳn nhưng tôi phải tỏ ra mình là người lễ phép và chân thành muốn cảm ơn lòng tốt của người ta.
"Cháu chào chú ạ. Cháu tên là..."
Đang gõ dở dang thì tôi lại phải xoá đi vì sực nhớ ra một chuyện, nghe nói trong Sài Gòn người ta sẽ xưng là con chứ không phải cháu, nên lụi cụi bấm lại.
"Con chào chú ạ. Con tên là An, là bạn của..."
Tôi ngồi đờ ra...
Đệch nữa! Thằng bạn mình tên là gì ấy nhỉ?
Tôi chạy ra, ló đầu ngoài cầu thang, gào xuống: "LỚP TRƯỞNG!!! Mày tên là gì?"
Bên dưới không thấy hình dạng nhưng âm thanh vọng lên: "Mày nói xem tên tao là gì? Nên nhớ năm 11 tao với đàn em của mày còn đánh nhau một trận vì nó dám gọi tao là Đớp Cức đấy! Đệt con mẹ! Nhắc lại vẫn còn cay!"
"..."
Ồ~ Thì ra tên nó là Đức. Năm đó mấy thằng muốn đi theo sau tôi thường thấy lớp trưởng kè kè bên cạnh, nó đơn giản là muốn trao đổi bài học nhưng mấy thằng kia lại nghĩ lớp trưởng cũng là kẻ kiếm cớ xu nịnh, vậy là tự ý đặt biệt danh cho nó là Đức Cớp.
Tôi nhịn cười, nói: "Tao không có đàn em." Rồi chạy biến vào phòng.
"Con chào chú ạ. Con tên An, là bạn của Đức. Con nhắn tin này để cảm ơn chú đã cho con ở nhờ ngôi nhà khang trang này ạ."
Tuy cũng phải trả một tháng một xị nhưng số tiền này chắc chắn còn không đủ để trải cái chiếu ngủ nhờ tít ngoài sân kia nữa là. Tôi cũng rất ngại khi nhắn một tin thảo mai như vậy, nhưng dù gì mình cũng được sung sướng ở ké trong hẳn cái biệt thự to đùng nên là cứ tranh thủ nhét lời khen vào trong câu chào, một công đôi ba việc.
Nghĩ vậy, tôi tiếp tục nhắn một đoạn dài y như văn mẫu Tiểu học: "Con hứa sẽ giữ gìn vệ sinh và bảo quản đồ đạc của chú thật cẩn thận. Nếu có thứ gì hư hại, con nhất định sẽ bồi thường đầy đủ giá trị tương đương theo thị trường hiện tại. Một lần nữa, con xin chân thành cảm ơn ạ."
Tôi nói vậy thôi chứ mấy đồ như laptop, máy tính bàn, đầu đĩa, máy chơi game... nói chung tất cả mọi thứ riêng tư tôi sẽ không sử dụng. Nhưng tôi không thể khách sáo qua lại vì sợ bị nghĩ là con người ưa làm bộ, thích còn bày đặt, túm lại là sợ bị đuổi đi. Chẳng việc gì đang yên đang lành tôi phải sĩ diện cao bỏ ra ngoài cực khổ tìm thuê căn phòng trọ ọp ẹp lại không an toàn cả, như vậy thì chỉ có mình là kẻ vừa ngu vừa thiệt còn thằng khác vào ở lại là người trúng mánh. Chú ấy rất nhiệt tình, còn in ra hướng dẫn sử dụng của tất cả mọi máy móc dán lên khắp nơi cho tôi hiểu nữa. Từ máy sấy tóc đơn giản cho đến lò vi sóng, máy giặt đều có hướng dẫn chi tiết cả.
Nhưng tin gửi đi không có một tí tì ti hồi âm nào.
"..."
Người cao tuổi thật lạnh lùng.
Tôi đi hỏi thăm con đường nào chuyên bán decal sau đó đạp xe đi mua decal trong về, tỉ mỉ dán kín cái xe mới tinh cho chú ấy.
Tối đó, đúng 10 giờ, tôi nhận được tin nhắn từ chú chủ nhà: "Không cần giữ gìn."
"..."
Là sao? Cả ngày trời mới nhắn lại chỉ để nói tôi không cần giữ gìn đồ đạc cẩn thận thôi à? Thà chú ấy cứ nói "ừ" một tiếng có khi tôi còn dễ hiểu hơn.
Đang định đi tắm thì nhận được tin tiếp theo.
"Hôm nay đi đâu mà về trễ?"
Tôi chợt nhớ ra ở trước cửa ra vào có một cái camera, do thói quen anh Thịnh bắt xoay một vòng trước cam mỗi khi đến quán để điểm danh giờ làm nên bữa giờ tôi đi hay về đều khoanh tay cúi đầu bên dưới cam một lần, coi như chào hỏi lễ phép với chú. Không ngờ chú ấy để ý nên hôm nay mới biết tôi về muộn.
Tôi vui vẻ nhắn lại, "Dạ con mua được ít decal nên ra ngã tư ngồi dán điện thoại." Kiếm được kha khá tiền.
Mấy giây sau, "Ở nhà mới có thích không?"
Nhà vừa to vừa rộng như thế này thì ai mà chả thích, chú ấy hỏi cứ như đây là nhà tôi vậy, nhưng chắc hàm ý của người ta là muốn hỏi xem nhà họ có đẹp không ấy mà.
"Dạ thích. Nhà chú là ngôi nhà đẹp nhất mà con thấy từ khi lên thành phố đến giờ."
Thực ra còn đầy nhà thoạt nhìn bên ngoài còn đẹp hơn nhưng ở đâu thì phải khen chỗ đó, cái này gọi là nghệ thuật sống, tục xưng thảo mai.
Mà tôi cũng nói sự thật, nhà chú nhìn y như căn biệt thự của tài phiệt trong phim vậy, bên trong còn đầy đủ tiện nghi, có cả người làm.
Tôi còn định nhắn là "đẹp nhất mà con từng nhìn thấy" nhưng cứ nghĩ đến ngôi nhà khang trang lộng lẫy của gia đình Tuấn Anh ở quê thì lại phải đổi câu trả lời.
Một giây sau, "Ngủ ngon."
"..."
Thấy chú hỏi tận hai câu, tôi còn tưởng chú ấy chủ động bắt đầu một câu chuyện, không ngờ lại là người giết chết những câu chuyện.
Thôi thông cảm đi. Người ta già mà. Người lớn tuổi không thích nhắn tin qua lại đâu. Vì nghĩ như vậy nên tôi không cố nhắn thêm một tin chúc ngủ ngon qua nữa.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]