Chương trước
Chương sau
Phương Bửu Ngọc khẩn cấp ra mặt :
- Các cô nương không dừng lại à? Tại hạ xin đi đây!
Thấy chàng cương quyết như thế, bọn cung nữ liền lùi lại. Phương Bửu Ngọc đắc ý đảo mắt nhìn một lượt, cười thật tươi :
- Tại hạ biết mà. Không phải chỉ có tại hạ muốn mau chóng gặp mặt Cung chủ, mà Cung chủ cũng đang nóng lòng gặp mặt tại hạ. Nếu bây giờ tại hạ mà quay mình trở lui tất các cô nương bị trách cứ ngay, phải vậy không?
Mấy nàng không nói gì, nhưng hiển nhiên là đúng thế, vì mấy nàng đã dừng lại đó thôi.
Biết là chàng sẽ không trở lui, nhưng biết đâu chàng lại liều thì sao. Lúc đó dù chàng thoát không lọt, chàng bị bắt trở lại thì thời gian hội kiến của chàng với Cung chủ cũng chậm lại phần nào, các nàng vẫn bị quở trách như thường, nói chi tới chuyện để chàng đi khỏi...
Phương Bửu Ngọc tiếp luôn :
- Bây giờ các cô nương mau tránh đường cho tại hạ vào bờ, nếu không tại hạ sẽ lập tức quay trở lại đó.
Chàng dợm mình bước tới. Các nàng dạt cả sang hai bên nhường lối cho chàng đi.
Chàng lội lên bờ, lên tới bậc thềm cao nhất mới dừng lại, đứng đó rũ nước cho ráo y phục, rồi tiến tới phía trước mặt. Chàng đi chưa khuất, thiếu nữ trước đó nói chuyện với chàng lại hét to :
- Đứng lại, ta còn hỏi!
Phương Bửu Ngọc dừng lại, nhưng không quay đầu :
- Cô nương muốn nói gì?
Nàng thấp giọng :
- Thiếu hiệp có biết Cung chủ ở đâu không?
Phương Bửu Ngọc cười :
- Đã đến Bạch Thủy cung, việc tìm gặp Cung chủ không phải là vấn đề lớn.
Nàng cười nhạt :
- Đường lối trong Bạch Thủy cung cực kỳ phức tạp, ngoài ra lại có cơ quan chuyển động không ngừng. Nếu không biết cách điều khiển cơ quan thì dù có đi suốt đời cũng chưa chắc đã tới nơi.
Nàng dừng một lúc rồi tiếp :
- Từ trước tới nay không biết bao nhiêu người đã lọt vào Bạch Thủy cung, nhưng nào có ai đã gặp mặt Cung chủ đâu? Tất cả đều bị ngăn chặn tại cơ quan “tin tức” này. Cơ quan này còn gọi là cơ quan “tiêu tức.” Sở dĩ có tên đó là vì ai vào tới nơi đó rồi thì trong cung đều biết liền. Một khi trong cung đã biết tin tức rồi thì người đó bị ngăn trở tại đó, tiêu tan tin tức với bên ngoài, vĩnh viễn không thể thoát ra được.
Nàng kết một câu :
- Thiếu hiệp đừng nên nghĩ vào tới cung rồi lại có thể dễ dàng gặp mặt nương nương của chúng ta.
Phương Bửu Ngọc cười nhẹ :
- Những người trước là những người trước, tại hạ là tại hạ. Tại hạ khác họ chứ.
Nàng lắc đầu :
- Quả thật thiếu hiệp có điểm khác với bọn người trước, nhưng vị tất...
Phương Bửu Ngọc cắt lời :
- Biết là khó nhưng tại hạ cũng thử xem sao.
Nàng đột nhiên bật cười :
- Nếu thiếu hiệp bằng lòng cởi y phục để mình trần truồng thì ta sẵn sàng đưa thiếu hiệp tới gặp nương nương. Đâu cần phải... Thiếu hiệp sao cứ muốn làm khổ mình một cách vô ích như thế.
Phương Bửu Ngọc chặn lời ngay :
- Chẳng sao đâu, cô nương.
Chàng đối đáp với nàng một lúc lâu, song thủy chung vẫn không quay đầu lại nhìn. Nói tới câu “chẳng sao đâu, cô nương”, chàng liền bước đi.
Thiếu nữ kia mím môi, dậm chân nói với theo :
- Thiếu hiệp quyết định như vậy sau này đừng có hối hận nhé.
Phương Bửu Ngọc không dừng lại, vừa đi vừa đáp :
- Thật ra cởi bỏ y phục nào phải việc khó khăn? Song thái độ của cô nương nôn nóng hấp tấp như thế, muốn dùng trăm phương ngàn kế buộc tại hạ tuân lời khiến tại hạ nghi ngờ quá chừng. Hẳn cô nương phải có toan tính âm mưu gì đó, cho nên...
Chàng đứng lại cười một tiếng rồi tiếp :
- Cho nên, tại hạ thà hối hận sau này, bây giờ nhất định không chịu cởi bỏ y phục đâu.
Nói xong chàng lại tiếp tục rảo bước. Thiếu nữ nhìn theo bóng chàng, sững sờ không nói được lời nào. Đến cả nụ cười vốn thường trực cũng không còn trên môi nữa.
Phương Bửu Ngọc tiếp tục đi tới. Càng đi, chàng càng thấy lòng động rộng lớn thêm lên. Đường đi tuy khúc khuỷu song nơi nào cũng được trang sức huy hoàng tráng lệ, rất ra dáng một khu cung điện cấm thành.
Ngoài những đồ trang trí do người sắp đặt còn có cả những nét tự nhiên thiên phú.
Người trang trí kiến trúc nơi này quả khéo sắp xếp, biết cách phối hợp tài tình giữa thiên nhiên và đồ nhân tạo vô cùng tinh vi. Trên vách đá nào cũng có gắn châu ngọc hoặc thành chữ, hoặc dưới dạng những bức họa.
Những chữ gì, hình thế nào, Phương Bửu Ngọc đều bỏ qua không dám nhìn lâu.
Cũng không hẳn chàng sợ những chữ, bức họa đó có ẩn giấu cơ quan nguy hiểm gì, chàng sợ những chữ, bức họa đó khêu gợi trong chàng một ý niệm gì làm chàng thiếu quyết tâm.
Hơn lúc nào hết, chàng muốn giữ vững ý chí, tuyệt đối không để tư tưởng phân tán.
Nơi đây ánh sáng châu ngọc bảy màu chiếu xuống đường đi, khiến cho lòng động như giát ngọc giăng gấm, rực rỡ đẹp mắt vô cùng.
Bất giác chàng quay đầu trở lại.
Sau lưng chàng không có một ai.
Suy nghĩ một lúc, chàng cao giọng :
- Bạch Thủy cung chủ ở đâu? Có Phương Bửu Ngọc đến xin được diện kiến.
Không một lời đáp lại.
Chỉ có tiếng của chính chàng dội lại từ những vách đá. Tiếng vọng âm vang, hồi lâu mới mất hẳn.
Chàng hiểu tuy không thấy cửa nhưng chắc chắn có cửa, cửa phải đặt theo quy tắc nào đó, mắt thường khó thấy, người ngoài không biết rõ quy luật thì không thể mở. Vì nếu không có quy tắc gì hết thì người trong cung cũng khó có thể đi lại thuận tiện được.
Nhưng quy luật đó là gì, những cơ quan đặt nơi đây như thế nào, đặt ở đâu?
Nhìn vào nơi nào cũng thấy ánh sáng châu ngọc sáng lòa, chàng nhãn lực linh mẫn cách mấy cũng khó lòng nhận ra.
Trong lòng chàng nóng nảy vô cùng, song chàng phải cố ghìm cho thật bình tĩnh thản nhiên.
Chàng nhẹ nhàng bước tới, đi quanh một vòng nữa. Chàng cố nhìn thật kỹ từng chi tiết nhỏ.
Và chàng cũng phát hiện ra, trong trăm ngàn nhũ đá trong động, có một cái khác hẳn những cái khác.
Không những hình dạng có sự khác biệt, nó còn bóng nhẵn, sáng hơn hẳn những cái khác. Hẳn là nó phải ẩn giấu bí mật gì đó.
Chàng tiến tới gần nhìn cho rõ hơn.
Quả nhiên trên nhũ đá này không có rong rêu bao phủ như những nhũ đá khác, đó là lý do trông nó có vẻ sáng bóng hơn. Hẳn là có người thường xuyên chạm tới nó.
Chàng đưa tay nắm lấy, lay, lắc, xoay một vòng. Một đường nứt rạn hiện ra ở một vách đá gần đó.
Từ trong đường nứt đó có tiếng cười vọng tới tai chàng. Một giọng nói trầm ấm tiếp theo tiếng cười :
- Khá lắm đó Phương Bửu Ngọc. Cuối cùng ngươi cũng tìm được khung cửa. Có điều tìm được cửa vào là một chuyện, dám bước qua cửa lại là chuyện khác. Ngươi dám hay không? Ngươi nên suy nghĩ cho kỹ. Phàm kẻ nào bước qua cánh cửa đó rồi, thì đều không thể sống sót mà trở ra đâu. Ta nói trước cho ngươi biết sau này khỏi hối hận.
Đường nứt lớn dần, cuối cùng hiện thành một khung cửa.
Giọng nói đó lúc đầu thì lớn, sau nhỏ dần. Tới khi khung cửa hiện ra hoàn toàn thì giọng nói tắt hẳn.
Dường như người nói đã đi xa khỏi chỗ đó tới mươi trăm trượng vậy.
Bên trong tối om, không thể thấy một cái gì. Không hiểu là mặt đất bằng hay là ăn thông xuống sâu. Có thể lại là hang động ăn sâu xuống, vì âm thanh vang lên nghe âm u như từ trong lòng đất.
Phương Bửu Ngọc mỉm cười, điềm nhiên bước qua khung cửa đó.
Phương Bửu Ngọc vừa bước qua, cánh cửa liền khép lại, nhanh chóng.
Một màu tối đen bao trùm, đặc quánh tới độ có thể cô đọng thành vật hữu thể. Phương Bửu Ngọc tưởng như mình vừa rơi từ thiên đường xuống địa ngục.
Cho dù là địa ngục chàng cũng phải bước tới.
Không đi tới cũng không được, vì chàng đã bị đoạn hậu rồi, và không lẽ lại đứng im tại chỗ mong cửa mở ra trở lại. Thật là nằm mơ giữa ban ngày.
Tuy mắt không thể nhìn thấy gì trong bóng tối như thế, chàng cũng biết là mình đang đi xuống chứ không phải đi ngang.
Chàng sờ soạng lần vách dò từng bước.
Thoạt đầu, chàng thấy lạnh. Đi một lúc, khí lạnh tan dần, hơi ấm thay đó lan tỏa. Rồi cuối cùng không khí trở nên nóng dần, nóng khó chịu, tới ngạt thở, bỏng rát. Chàng chạm tay vào đâu cũng thấy nóng.
Vách đá nóng như thép nung chảy. Chàng chạm tay vào vách đá thấy không khác gì chạm phải thép đang nóng chảy.
Chàng không dám sờ soạng gì nữa.
Nhưng tối như thế, chàng không khỏi va vào vách đá. Mảnh áo chưa khô nước hồ chạm phải vách đá làm phát ra một tiếng “xèo” ghê người, khoảnh khắc đã ra tro.
Phương Bửu Ngọc kinh hoàng, chàng không dám bước tới thêm nữa. Ngay cả cử động cũng không dám.
Chỉ e lại chạm phải vách đá. Nơi này như một cái lò bát quái vậy.
Chàng muốn cười một tiếng thật lớn, mượn tiếng cười trấn áp sự sợ hãi.
Song chàng còn bận dùng định lực cầm giữ cho mồ hôi bớt thoát khỏi cơ thể.
Mồ hôi ra nhiều khiến cơ thể dễ chịu hơn, nhưng chàng hiểu, nếu cứ thế thì chẳng mấy chàng thành cái xác khô.
Nhưng nếu không thì, da thịt chàng như bị nung, nóng bỏng, khô rát.
Nhiệt độ trong lòng động hẳn phải cao lắm rồi. Chàng có cảm giác mình là một cái bánh bị nướng trong lò.
Trong tình thế đó, ai có thể chịu nổi chăng?
Phương Bửu Ngọc đã thấy mắt hoa lên, tâm thần rối loạn.
Bỗng đâu một tiếng cười trong trẻo vang lên, một tiếng nữ nhân ở đâu đó nói :
- Nóng quá phải không Phương Bửu Ngọc, sao ngươi không bỏ bớt quần áo có phải là đỡ nóng hơn không?
Bóng tối bao phủ, Phương Bửu Ngọc không sao nhận định được tiếng cười, tiếng nói của nàng đó phát ra từ đâu. Chàng không sao xét đoán được.
Cái nóng kinh người vẫn bao phủ. Chàng nghiến răng, nín lặng không nói lời nào.
Nàng đó lại nói tiếp :
- Nơi đây bóng tối bao phủ, nào có ai nhìn thấy ngươi mà ngươi phải ngượng ngùng? Cởi bỏ quần áo ra, ta sẽ đưa ngươi thoát khỏi đây.
Ngươi nhìn lại mà xem, ta có nói dối ngươi đâu, tay đưa lên trước mặt cũng không thấy ngón, ngươi còn sợ ai trông thấy cơ chứ. Hãy cởi bỏ y phục ra nào...
Phương Bửu Ngọc đã định nín lặng luôn, song nàng cứ nói đi nói lại mãi. Chàng hét lớn :
- Cô nương muốn gì ở tại hạ, sao cứ nhất định muốn tại hạ chịu cởi bỏ y phục mới nghe? Cô nương háo hức thèm muốn được nhìn cái gì trên người tại hạ vậy?
Chừng như nàng ta cũng e thẹn hay sao đó, nên một lúc sau mới thấy nàng đáp trả :
- Ta chẳng muốn gì cả. Tại ngươi nhất định không chịu cởi bỏ y phục, ta nhất định muốn ngươi phải cởi bỏ y phục. Ta muốn ngươi phải khuất phục, nhượng bộ ta, có vậy thôi.
Phương Bửu Ngọc hỏi :
- Cô nương biết tại sao tại hạ nhất định không để thân trần hay không?
Nàng cười lớn :
- Chính ta đang muốn biết lý do tại sao ngươi ngoan cố như thế đây!
Phương Bửu Ngọc nói :
- Một nam nhân trần truồng đứng trước mặt những nữ nhân cũng không mảnh vải che thân, thử hỏi hắn còn có thể giữ được ý chí kiên cường chăng? Đương nhiên, hắn chẳng thể làm được việc gì ngoài chuyện mơ mơ tưởng tưởng... mơ tưởng tới toàn những chuyện dâm dật.
Hắn chẳng thể thực hiện được ý định ban đầu nữa. Bởi hắn đã bị những thèm muốn nhấn chìm rồi.
Phương Bửu Ngọc nhấn mạnh :
- Phải, hắn sẽ không còn ý chí để chống cự lại với cái cần phải chống đối. Cái hắn cần phải chống đối trên con đường hắn phải tới đây.
Không một tiếng nói đáp lại. Phương Bửu Ngọc nói tiếp :
- Các cô nương muốn lấy thân thể mỹ miều đánh tan ý chí của tại hạ, nhưng đáng tiếc. Kế sách đó áp dụng với nam nhân nào còn có thể được, chứ với Phương Bửu Ngọc tại hạ thì đừng mong mang lại kết quả.
Lâu lắm mới lại thấy tiếng cười từ nơi nào đó vang lên, giọng nói trong trẻo đó lại cất lời :
- Thông minh lắm, Phương Bửu Ngọc. Đáng khen lắm.
Một chuỗi cười vang lên kết thúc câu nói, tiếng cười nhỏ dần, nhỏ dần. Một lúc sau thì tắt hẳn.
Thiếu nữ đã đi xa lắm rồi.
Phương Bửu Ngọc nghĩ đứng đây mãi thì cũng chết. Chàng cởi chiếc áo ngoài, dùng chiếc áo quấn quanh bàn tay như một bao tay thật dày.
Rồi lần lần theo vách đá, hướng theo phía tiếng cười của thiếu nữ vừa nãy mà bước.
Chàng bước đi từng bước, dè dặt.
Vừa rồi tay áo chàng chạm nhẹ vào vách đá có một chút mà đã khô cháy. Chàng sợ cái bao tay áo này cũng không chịu được bao lâu nên chỉ chạm thật khẽ và thật nhanh cho đỡ có cảm giác chơi vơi mà thôi.
Bàn tay qua bao nhiêu lớp vải mà vẫn thấy bỏng rát.
Phương Bửu Ngọc mặc kệ. Chàng mím môi bước tới.
Nếu là ai khác, trong hoàn cảnh này có khi đã bỏ cuộc từ lâu, không chừng lúc này còn ở bên ngoài khung cửa trần truồng đùa giỡn với mấy nàng bên bờ ao kia.
Còn Phương Bửu Ngọc bản tính bướng bỉnh gan lỳ, việc càng khó khăn chàng lại càng quyết muốn làm cho kỳ được. Chàng cứ đi tới.
Nhiệt độ trong lòng hang dần dịu lại, Phương Bửu Ngọc khấp khởi mừng thầm.
Bỗng nhiên, thiếu nữ trước đó lại xuất hiện đâu đây, vì chàng nghe thấy tiếng nàng cười rồi hỏi :
- Phương Bửu Ngọc, ngươi có muốn biết ngươi đã đi tới đâu chưa?
Đoạn nàng nói luôn :
- Cái tên Phương Bửu Ngọc có danh lắm. Ngươi đã đi được một quãng đường gian khổ, như thế mới xứng với cái tên đó. Ta thành thật khen ngươi đó.
Phương Bửu Ngọc cố lấy giọng tự nhiên, thực sự chàng đang rất mệt mỏi :
- Đa ta cô nương quá khen. Tại hạ đã đến trước mặt cô nương rồi.
Thiếu nữ cười lớn nói :
- Để ta cho ngươi thấy hiện tại ngươi đã đi tới đâu.
Nàng nói xong thì liền bật mồi lửa, lửa cháy sáng lên rồi tắt liền, song khoảng thời gian ngắn ngủi đủ cho Phương Bửu Ngọc nhận rõ khung cảnh nơi chàng đứng.
Trời!
Chàng đang đứng sát ngay bên khung cửa chàng đã bước qua lúc trước.
Chàng vất vả khổ sở đi tới, đi mãi, cuối cùng lại trở lại chỗ cũ.
Tuy là trở lại chỗ cũ, nhưng cánh cửa đã đóng rồi. Nó đóng từ lúc chàng vừa bước qua cửa.
Phương Bửu Ngọc sững sờ, chàng thấy mình không khác gì con dã tràng xe cát biển Đông.
Chàng còn chưa hết bàng hoàng, thiếu nữ đã lại cười vang :
- Ta đã nói trước với ngươi rồi mà! Nơi đây hang động biến hóa vô cùng. Giờ ngươi đã chịu tin ta chưa? Ngươi còn cứng đầu nữa hay thôi? Ta nghĩ ngươi nên ngoan ngoãn tự mình cởi bỏ y phục ra là hơn.
Phương Bửu Ngọc hét to :
- Không!
Thiếu nữ dịu dàng nói :
- Chỉ cần ngươi chịu để mình trần, ta sẽ dẫn ngươi tới gặp nương nương ta ngay lập tức. Ngươi sẽ thoát khỏi cái mê cung này, thoát khỏi cái nóng ghê người mà ngươi phải chịu đựng? Tại sao ngươi lại cứ phải ngoan cố như thế? Tại sao ngươi quá cương cường như thế? Thử hỏi ngươi ương ngạnh như thế chết đi có ai tạc bia ghi khắc những lời tán dương ngươi chăng? Ngươi thật quá ngốc nghếch, Phương Bửu Ngọc!
Phương Bửu Ngọc cười lạnh :
- Tại hạ sẽ không chết đâu, cô nương!
Thiếu nữ nín lặng hồi lâu, đoạn gằn giọng :
- Được rồi! Thử xem ngươi còn chịu đựng được bao lâu nữa.
Bất luận là ai sau khi trải qua trăm cay ngàn đắng, bao nhiêu nguy hiểm gian nan, cuối cùng lại không thu được kết quả nào, cũng cảm thấy tuyệt vọng, cũng sẽ phải cúi đầu chấp nhận số mệnh. Bất luận là ai cũng sẽ phải ngã gục cùng với sự đổ vỡ của của công trình xây đắp, ý chí tiêu tan, lòng kiên nhẫn không còn.
Nhưng Phương Bửu Ngọc không thế.
Chàng là con người phi thường, thay vì tuyệt vọng, chàng chấp nhận thất bại.
Như một ván cờ đã kết thúc, người ta sắp lại quân đánh ván khác vậy.
Chàng bình tĩnh sắp đặt phương sách khác.
Người ta đi trong bóng tối, mười người có tới tám chín người dùng tay quờ quạng thay mắt, trong số đó thì cả tám người dùng tay tả để sờ, họ để tay hữu phòng bất trắc.
Phương Bửu Ngọc vừa rồi cũng thế. Và cuối cùng chàng cũng đã quay lại đây.
Bây giờ, chàng tháo chiếc áo ra quấn sang tay hữu.
Tay tả bị chiếc áo bao chặt tới tê liệt, hiện không còn cảm giác gì nữa.
Tuy nhiên, nghị lực có thừa, kiên nhẫn có thừa mà khí lực thì lại chẳng phải vô tận.
Quanh quẩn một thời gian lâu như thế, sức lực chàng hẳn nhiên bị suy kiệt.
Bây giờ lại phải đi lại con đường đó, nhưng là theo phía hữu.
Chàng liệu đi được bao lâu trong cái nóng như nung ấy.
Một lúc sau, chàng cảm thấy chân nặng như đeo đá, mắt hoa lên như ngàn ánh sao trước mắt, tâm thần dần dần rồi loạn.
Nóng!
Cái nóng không chỉ bên ngoài. Còn nóng từ bên trong.
Bao nhiêu nước trong mình thoát ra thành mồ hôi. Mồ hôi vừa tạo thành gặp nóng bốc thành hơi tiêu tan mất.
Người chàng như phơi dưới ánh nắng cả trăm ngàn độ thiêu đốt.
Cứ dần cạn khô, cạn khô.
Thể xác con người bằng xương bằng thịt, chịu sao nổi cái nóng như thế.
Chàng cần nước. Nước uống vào trong, nước thấm bên ngoài.
Chàng tưởng mình có thể hét to lên. Cho chàng một chút nước, điều kiện gì chàng cũng chấp nhận hết.
Nhưng không, chàng không hét không gào không đòi hỏi gì cả.
Nếu bắt chàng cởi bỏ y phục thì đừng hòng. Chàng cắn răng lê bước.
Rồi trước mắt tự dưng tối sầm, chàng khuỵu chân, ngã xuống.
Phương Bửu Ngọc mê man...
... Trong cơn mơ, chàng thấy mình quay lại thời niên thiếu...
Khi chàng chỉ là đứa bé con vô tư lự, ngày ba bữa cơm, ăn xong thì đọc sách.
Thế giới của chàng vỏn vẹn trong khu vườn sau của ngoại, có cây tùng cổ soi bóng mát. Lúc không khí viêm nhiệt, chàng cởi áo nằm dài trên tảng đá. Chàng mong một cơn mưa.
Rồi mưa thật.
Mưa rơi trên những mái nhà, qua những tán lá dày.
Chàng ngửa mặt hứng từng giọt mưa mát lành, trong trẻo như những hạt châu.
Thật khoan khoái biết bao...
Bỗng nhiên có tiếng gọi chàng văng vẳng đâu đây :
- Phương Bửu Ngọc... Phương Bửu Ngọc...
Chàng chập chờn nửa tỉnh nửa mơ, chàng còn ngỡ tiếng gọi đó là tiếng ai đó trong nhà ngoại, hay của một trong tám người đệ tử của Thanh Bình kiếm khách.
Chàng còn nhớ, trong số tám người đó có Hồ Bất Sầu là người quan tâm tới chàng nhiều nhất.
Là tiếng của Hồ Bất Sầu gọi chàng chăng?
Tiếng gọi vẫn vang lên mông lung :
- Phương Bửu Ngọc... Phương Bửu Ngọc...
Đó không phải là tiếng của Hồ Bất Sầu.
Chàng bắt đầu tỉnh hẳn.
Trong mơ, chàng khoan khoái biết bao nhiêu, thì khi tỉnh lại, chàng thấy khó chịu biết bao nhiêu.
Chàng giận dữ vô cùng, chàng muốn mơ tiếp. Cái nóng khó chịu chỉ chờ chàng tỉnh lại là chụp lấy chàng, ngạt thở. Nhưng đó bất quá cũng là những ấn tượng về cảnh gian khổ lúc trước lưu lại, chứ thật ra thì cũng có ít nhiều thay đổi.
Nước!
Trên mặt chàng quả có nước đọng lại. Sao lại như vậy, cơn mưa vừa rồi là mộng hay là thực đây?
Trên đầu chàng có tiếng gọi vọng xuống :
- Phương Bửu Ngọc! Ngươi đã tỉnh lại rồi chứ?
Phương Bửu Ngọc đưa mắt nhìn lên. Chẳng rõ từ khi nào, trên trần động vốn liền lạc hiện ra một lỗ hổng. Giữa lỗ hổng đó, một thiếu nữ thò đầu nhìn xuống. Gương mặt xinh xẻo của nàng án ngữ trọn lỗ hổng. Mớ tóc mềm như tơ buông lơi lơ lửng.
Nàng dịu dàng cười nói :
- Phương Bửu Ngọc, bây giờ ngươi đã nhận ra một điều rằng thân thể ngươi chẳng phải sắt đá rồi chăng? Ngươi đã gượng không nổi, ngươi đã ngã qụy, ngươi còn nhớ là ngươi đã ngã đó chứ? Ngươi có chịu khuất phục chưa anh chàng ương ngạnh?
Phương Bửu Ngọc không đáp trả, rên rỉ :
- Nước!....nước...
Nàng tiếp tục thỏ thẻ :
- Trong chén vàng này đựng một loại nước rất thơm, rất ngọt. Vừa rồi ta chỉ mới nhỏ trên mặt ngươi ba giọt mà đã có thể cứu ngươi tỉnh lại. Bây giờ nếu ngươi bằng lòng nói một câu ngươi chịu khuất phục, ta sẽ cho ngươi trọn chén.
Phương Bửu Ngọc thều thào :
- Nước thơm... nước ngọt...
Chàng có cái vẻ dật dờ của một người vừa thoát khỏi cơn mê, lại như sắp mê trở lại. Nàng vẫn dịu dàng kiên nhẫn tiếp :
- Đây này, ngươi nếm thử một giọt nữa xem công hiệu thứ nước này như thế nào!
Nàng lại nhỏ xuống vài giọt. Bỗng Phương Bửu Ngọc hét lên :
- Không! Ta không khuất phục! Ta không chịu phục!
Nàng lắc đầu thở dài :
- Tính khí ngươi thật lạ lùng. Ngươi không phải trâu, cớ sao lỳ hơn trâu? Ngươi thật ngoan cố như một con trâu ngốc nghếch vậy. Ngươi có phải chịu hành hạ lâu hơn thì cũng đừng oán trách ta.
Nàng hất chén nước vào vách đá.
Vách đã nóng bỏng. Nước chạm vách đá bốc thành hơi liền. Không còn dấu vết gì.
Vách đá khô bỏng như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Nàng đã bỏ đi, lỗ hổng đã được bít lại, bóng tối lại trở về, lần này còn như đen đặc hơn.
Phương Bửu Ngọc đột ngột tung mình vọt lên. Chàng tung mình nhanh, mạnh, chừng như cái vẻ dật dờ vừa rồi là giả bộ vậy, chứ không phải là do thứ nước thần diệu kia làm chàng tỉnh lại.
Lỗ hổng trên trần động mở ra trước đó để lọt ánh sáng vào, hướng theo ánh sáng, Phương Bửu Ngọc đã kịp nhận ra hình thế bên trong động chỗ đó. Bây giờ chàng cứ theo hình thế ghi nhớ mà tìm chỗ dựa bò lên.
Như thế thật chẳng phải dễ dàng gì.
Chàng vẫn phải mò mẫm, tay chân đau buốt.
Bỗng chàng trông thấy một đôi chân.
Là chân của nam nhân. Đôi chân xuất hiện trước mắt chàng, rất gần.
Dĩ nhiên là gần, vì nếu không chàng làm sao nhìn thấy trong bóng tối như thế.
Đôi chân này mang giày rất sang trọng. Đôi vớ bằng tơ mỏng.
Hẳn người này phải là người có thân phận cao quý. Hai chân đó bất thần nhích động, như định phóng ra một cước, chính xác hơn thì là song phi cước.
Nếu đôi chân đó mà đá trúng Phương Bửu Ngọc thì chàng rớt xuống đất liền. Bao công sức bò lên trên này sẽ lại tiêu tan. Chàng sẽ phải làm lại từ đầu nếu đủ ý chí, khả năng, sức lực làm lại.
Phương Bửu Ngọc sợ cứng người. Chàng đang ở thế rất cheo leo, không phương kháng cự. Đôi chân đó chỉ chạm nhẹ vào chàng thôi cũng đủ làm chàng rớt xuống rồi...
Nhưng đôi chân chỉ hơi nhúc nhích một chút rồi bất động. Nhìn thấy bất động như tư thế vẫn như chực phóng ra.
Phương Bửu Ngọc nép mình tại chỗ.
Nói là leo lên, không hẳn là chàng leo vách đá mà lên. Bất quá con đường rất dốc, lại có đá lởm chởm. Nếu không dè dặt chạm chân vào từng mô đá kẽ nứt thì không thể leo.
Mà leo lên được nhưng không cẩn thận là té nhào bươu đầu sứt trán như chơi.
Bây giờ chàng đang phải rất cẩn trọng. Chàng không dám ngẩng lên nhìn đôi chân đó nữa.
Nhưng chàng nghĩ người đó ít ra cũng không lõa thể, ngươi đó vẫn còn mặc y phục như chàng.
Vào tới Bạch Thủy cung này mà còn có thể mặc y phục trên người không phải là điều lạ lùng sao?
Bất kỳ nam nhân nào vào đây cũng buộc phải thoát y. Hắn cũng là một nam nhân, sao lại có thể ngoại lệ?
Chàng còn đang cảm thấy khó hiểu, thì một giọng nói trầm vang lên :
- Ngươi đã vào được tới đây rồi, chẳng phải là chưa trải qua muôn ngàn khó khăn. Để ta nói cho ngươi biết, từ đây vào trung khu của Bạch Thủy cung đoạn đường chẳng phải còn xa lắm đâu. Nhưng đoạn đường này lại nguy hiểm khó khăn gấp trăm ngàn đoạn đường ngươi đã trải qua. Ngươi phải thật cẩn thận mới được.
Phương Bửu Ngọc càng lấy làm kỳ quái hơn nữa. Ai vừa nói với chàng vậy?
Đã là người của Bạch Thủy cung sao lại nói với chàng không chút ác ý. Còn tỏ vẻ như lo lắng cho chàng nữa, giống lời của sư phụ nói với đệ tử, người cha nói với con trai...
Người đó là ai, tại sao lại quan tâm tới chàng?
Phương Bửu Ngọc muốn hỏi lắm, nhưng chàng nghĩ lại thì thấy không nên hỏi, đúng ra là chàng không dám hỏi. Bởi chàng sợ nếu chàng hỏi người đó lại không đáp.
Người đó nói tiếp :
- Tuổi ngươi còn nhỏ song nghị lực phi thường, khiến cho ai ai cũng phải khâm phục. Nếu ngươi giữ vững được ý chí tới cùng, thì dù ngươi có gian khổ, song ngươi cuối cùng cũng sẽ được hưởng phước lộc.
Người đó không chỉ ân cần lo lắng, còn khuyến khích chàng.
Phương Bửu Ngọc không dám tin. Chàng hoài nghi. Nhưng chàng không nói gì, chỉ đáp gọn :
- Đa tạ.
Người đó im lặng một lát rồi lại tiếp :
- Ngươi còn đứng lên nổi chăng?
Phương Bửu Ngọc nói :
- Nổi!
Người đó lại hỏi :
- Nếu thế sao ngươi không đứng lên và đi tới?
Phương Bửu Ngọc đáp :
- Phải. Tại hạ đứng lên. Tại hạ đi tới.
Chàng đứng lên. Người đó đã bước đi rồi. Y bước rất chậm, dường như chân bị cột với vật chi nặng lắm. Hai tay y ôm lấy mặt.
Phương Bửu Ngọc hỏi :
- Sao các hạ không cho tại hạ được diện kiến tôn nhan?
Người đó đáp :
- Ngươi bất tất phải thấy mặt ta. Ngươi thấy thanh kiếm của ta là đủ.
Câu nói vừa dứt, y nhúc nhích bờ vai.
Một bờ vai nhích động chẳng phải là một động tác quá lộ liễu, mấy ai để ý.
Nhưng Phương Bửu Ngọc là người tinh tế, trong bóng tối mờ mờ cũng có thể nhận thấy cái nhích vai của y.
Nhích vai thì có gì đặc biệt? Y nhích vai để chuẩn bị xuất thủ, hay đã để lộ một chuôi kiếm mà y che giấu? Chỉ thấy Phương Bửu Ngọc giật mình buột miệng kêu khẽ :
- Sửu Chuyển Càn Khôn Sát Thủ Kiếm.
Đồng thời với câu chàng nói, một ánh chớp lóe lên.
Ánh chớp lóe đó tưởng như làn kiếm quang của Tưởng Tiếu Dân ngày nào khi thi triển một chiêu thức của Hải Nam kiếm phái.
Sửu Chuyển Càn Khôn Sát Thủ Kiếm!
Nhưng ánh chớp hiện tại có phần nhanh hơn kiếm quang của Tưởng Tiếu Dân ngày trước nhiều.
Chiêu thức cũng thuần mỹ kín đáo trầm tĩnh già dặn hơn nhiều.
Nếu như ngày trước chàng không thấy qua đường tuyệt kiếm tuyệt kỹ đó, thì hiện tại đâu còn có thể né tránh kịp ánh kiếm quét ngang người, và như thế thì còn mong gì vào tới trung khu Bạch Thủy cung?
Ánh kiếm lóe lên nơi đầu vai, nhưng làn kiếm quang lại từ dưới nách y đi ngược lên.
Do phản ứng từ bản năng tự vệ hơn là thực tài, Phương Bửu Ngọc nhảy dạt qua một bên xa tới hơn hai thước tránh né ánh kiếm.
Chàng nhảy qua rồi, ánh kiếm lại chuyển hướng theo chàng liền.
Chàng đã nghĩ trong khoảng cách đó, nếu ánh kiếm có quét tới cũng chỉ làm rách áo chàng là cùng, chứ chưa thể chạm nổi tới da thịt chàng.
Nhưng mũi kiếm còn cách ngực chàng độ non nửa thước thì dừng lại.
Dừng kiếm một cách cấp kỳ như thế, người sử kiếm hẳn không phải tay vừa. Tài nghệ của y trội hơn Tưởng Tiếu Dân là cái chắc.
Một nhát kiếm có lưu tình.
Phương Bửu Ngọc thở ra thốt lên :
- Đa tạ!
Kiếm đưa ngang rồi từ từ hạ xuống, một giọng nói hững hờ vang lên :
- Ngươi có thấy đường kiếm này rồi?
Phương Bửu Ngọc thành thật đáp :
- Có thấy một lần.
Người đó khẽ gật đầu :
- Ngươi thật may mắn. Nếu chưa từng thấy lần nào chắc chắn ngươi phải thọ thương.
Người đó lại trầm giọng tiếp :
- Vừa rồi ta dùng một chiêu kiếm sát thủ toan giết ngươi, sao ngươi còn cảm tạ ta?
Phương Bửu Ngọc cười khổ :
- Tại hạ không phải quá ngu dốt, không nhận ra đường kiếm lưu tình hay sao?
Người đó lạnh lùng :
- Tuy có lưu tình, song cũng đủ lấy mạng ngươi.
Phương Bửu Ngọc lại cười :
- Đành vậy. Nhưng Phương Bửu Ngọc vẫn còn sống đây.
Người đó im lặng một lúc lâu. Bất thình lình, y há miệng cười ha hả :
- Phải, hiện tại ngươi còn sống. Gặp đường kiếm đó hai lần mà không mất mạng, nghĩ lại trên thế gian này chỉ sợ không có kiếm pháp nào làm ngươi thương tổn cho nổi. Chẳng có một chiêu.
Trên Thái Sơn, Phương Bửu Ngọc đã thấy Tưởng Tiếu Dân thi triển. Sau đó, chàng bị Tưởng Tiếu Dân dùng chiêu kiếm đó toan sát hại chàng bên rừng già, gần thị trấn mà chàng và Ngưu Thiết Oa, Tiểu công chúa dừng chân ăn mì, trạm đầu tiên từ Vạn Trúc sơn trang trên con đường đến nơi ước hẹn cùng Hỏa Ma Thần. Bây giờ, chàng lại thấy người này sử chiêu đó.
Phương Bửu Ngọc cau mày :
- Chẳng có, có thể không nhiều, nhưng vẫn phải có chứ?
Người đó không cười nữa. Giọng y lại trở nên lạnh lùng :
- Phải, vẫn có. Ít nhất là ba.
Phương Bửu Ngọc điềm nhiên :
- Tại hạ chưa được lĩnh giáo.
Chưa được lĩnh giáo?
Người biết chiêu đó không phải là kẻ đối diện thì câu đó là thừa.
Nếu chính người đối diện biết sử chiêu đó thì lại là một câu thách thức.
Cho dù Phương Bửu Ngọc có thành thực tới đâu, câu nói đó cũng hàm ý thách thức hơn là học hỏi mất rồi.
Không biết y nghĩ gì, chỉ thấy y nói :
- Ngươi gấp gì cần lĩnh giáo?
Người kia nãy giờ vẫn đưa lưng về phía Phương Bửu Ngọc không hề quay mặt lại, mặc dù y đang đối thoại với chàng.
Nói tới đây, đột nhiên, y quăng kiếm ngược lại phía Phương Bửu Ngọc.
Phương Bửu Ngọc đưa tay đón bắt lấy thanh kiếm về tay.
Lúc chàng nhìn lên, người đó đã mất dạng.
Con đường phía trước ngoằn ngoèo khúc khuỷu, bí hiểm vô cùng.
Bạch Thủy cung, theo như nhận xét của Phương Bửu Ngọc, là một cứ địa kiến tạo trong lòng núi, như thế, quanh năm suốt tháng chẳng có ánh thái dương chiếu tới. Nơi đây chỉ dùng minh châu làm đèn.
Minh châu tuy sáng nhưng ánh sáng lạnh lùng.
Không hiểu có phải do ảnh hưởng của ánh sáng đó hay không mà con người nơi đây tính khí cũng quái dị như thế.
Phương Bửu Ngọc có nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ có người nào trên thế gian lại thích chui vào lòng núi lạnh mà kiến tạo cơ đồ, sống biệt lập với đồng loại như vậy.
Sống cuộc sống biệt lập đã là một sự lạ, lại tạo nên một khu đại điện quy mô, đó lại càng lạ lùng hơn.
Phương Bửu Ngọc cứ suy nghĩ mãi, cuối cùng trên môi nở một nụ cười lẩm bẩm một mình :
- Người vừa rồi hẳn nhiên là người của Bạch Thủy cung rồi.
Nhưng y có thân phận thế nào trong cung? Qua giọng nói của y xem ra rất quan tâm tới ta, chẳng khác một bằng hữu tha thiết tới sự an toàn của tri kỷ vậy. Đã có thái độ đó, sao lại tự dưng rút kiếm muốn hạ sát mình? Rồi bất thình lình lại bỏ ý định đó? Đã nương tình với ta sao lại không theo cho trọn rồi trong giây phút bất ngờ nào đó xuất luôn ba đường kiếm tuyệt diệu hãm hại ta luôn? Như y đã nói, có ít nhất ba đường kiếm pháp có thể làm thương tổn tới ta kia mà? Kỳ quái lắm, định dành ba đường kiếm đó cho ta sao lại còn tặng cho ta thanh kiếm làm vũ khí phòng thân làm gì?
Thanh kiếm người kia tặng cho Phương Bửu Ngọc là một thanh trường kiếm, thân mỏng nên dĩ nhiên rất nhẹ. Thanh kiếm này sắc bén vô cùng, được chế luyện từ một chất thép thuần túy hoàn toàn không chút tỳ vết dù là rất nhỏ.
Cầm thanh kiếm trong tay, Phương Bửu Ngọc thấy tinh thần lên cao trở lại, khoan khoái vô tưởng. Cơ hồ đã quên tất cả gian lao vất vả khổ sở hiểm nguy đã trải qua, quên cả đói khát từ lúc tới chân núi.
Mà thời gian đã qua lâu lắm rồi, nào phải là một sớm một chiều.
Từ lúc tới chân núi, chàng sống từng phút từng giây đều kinh hoàng thử thách, tinh thần lúc nào cũng căng thẳng cực độ.
Trong hoàn cảnh đó, chàng có thể giữ được thần trí như bình thường thì cũng đáng phục lắm.
Cái cảm giác đó thật ra rất thông thường, ai ai cũng có thể có được.
Giống như thư sinh gặp một quyển sách quý, hay được bằng hữu tặng cho một quản bút đẹp. Giống như một người nghiện rượu bỗng nhiên vớ được rượu quý trong hầm...
Con nhà võ, có gì xem trọng bằng vũ khí, nhất là với Phương Bửu Ngọc, vũ khí đến tay đúng lúc quá. Người học võ có thanh kiếm trong tay là có một vật hộ thân, là tăng thêm phần sống sót. Cho nên, Phương Bửu Ngọc khoan khoái vô cùng.
Trước mắt chàng đã chớm hiện lên một viễn ảnh sáng lạn. Dù chưa có dịp giao đấu, nhưng có kiếm trong tay, chàng thấy vững tâm lắm.
Phương Bửu Ngọc bèn đứng tại chỗ, vận dụng tâm ý hợp nhất với kiếm. Chuẩn bị tinh thần xong xuôi, chàng mới yên tâm bước tới.
Chàng cứ từ từ mà bước.
Bây giờ, lòng chàng phơi phới. Những cảnh tượng ngụy dị xung quanh, chàng cũng không buồn nhìn tới, có nhìn cũng chẳng lấy làm lạ lùng như trước nữa.
Bởi tâm ý chàng chỉ tập trung nơi thân kiếm.
Tính mạng chàng trông cậy cả nơi thanh kiếm đó.
Bây giờ thì tâm ý và kiếm đã hợp nhất.
Kiếm là người, người là kiếm.
Vạn nhất có chuyện gì xảy ra, chàng phản ứng gì thì cũng là chính mũi kiếm phản ứng thay chàng.
Ánh sáng trong lòng động vụt tắt.
ung quanh chàng bây giờ bóng tối phủ trùm càng tối hơn nữa.
Nơi nào có bóng tối nơi đó lại chẳng lạnh lùng? Trừ phi nằm trong lò kín xung quanh có lửa cháy thì mới không lạnh mà thôi.
Phương Bửu Ngọc có cảm giác chàng đang lạc bước chốn mộ địa.
Nhưng chàng vẫn bước tới, chậm song đều. Bây giờ chàng không chạm tay lên vách đá để dò đường như trước. Tâm kiếm hợp nhất, chàng di chuyển bằng tâm linh, mũi kiếm dẫn đường. Mũi kiếm như có mắt và tai, còn tinh diệu hơn mắt và tai của chàng.
ung quanh chàng hoàn toàn im lặng. Khung cảnh đen tối chết chóc. cái im lặng hãi hùng ghê rợn. Cái im lặng đầy sát khí bao trùm, ẩn giấu cạm bẫy.
Tự nhiên, chàng thấy rùng mình. Tóc dựng ngược lên, da nổi hột.
Lâu lắm mà không hề có một biến hoá nào trong khung cảnh đó.
Chỉ có sát khí ngày một dày hơn. Sát khí từ mọi phía, cuồn cuộn đổ đến như sóng trào bao trùm lấy chàng, rợn người. Áp lực theo đó tăng lên đè chàng muốn ngạt thở.
Chàng nghe hơi thở mình nặng dần.
Nhưng chàng vẫn bước tới, tuy bước chân có chậm hơn trước. Bước chân chậm và ngắn. Chàng nhích từng bước, từng tấc.
Trong bóng tối đột nhiên có ánh thép sáng lòe, rồi tắt liền.
Phương Bửu Ngọc thấy ánh thép sáng lóe lên, song tuyệt nhiên không thấy người cầm kiếm. Thấy kiếm mà không thấy người cầm kiếm.
Tại sao lại thế.
Là ma sử kiếm, hay kiếm được người ta treo lơ lửng?
Nhưng có một điều chắc chắn là đã có ánh théo lóe sáng, thanh kiếm không có người cầm, đã có một ma lực nào đó điều khiển kiếm nhích động ngăn chặn bước tiến của chàng.
Muốn tiến tới, chàng chỉ có một cách, là phải đánh bại thanh kiếm đó. Nói thế chẳng qua là một cách nói để mô tả tư thế thanh kiếm, chứ kiếm không người sử thì làm sao mà thành chiêu cho được.
Nhưng rõ ràng, đây là một chiêu kiếm bừng bừng sát khí đang chờ chàng.
Chiếu kiếm này hẳn là một chiêu kinh thiên động địa, là một trong ba đường kiếm người lạ mặt đã nói với chàng, ba đường kiếm có thể làm thương tổn tới chàng.
Phương Bửu Ngọc dừng chân.
Mũi kiếm cũng bất động. Trong bóng tối, không thể trông thấy một vật gì, ngoại trừ thanh kiếm, chính xác hơn là ánh kiếm. Ánh kiếm ngời sát khí.
Là sát khí lóe sáng, chứ không phải là kiếm khí chớp sáng.
Đã từng vào sinh ra tử trong bao cuộc quyết đấu hãi hùng, nhưng Phương Bửu Ngọc chưa bao giờ thấy loại sát khí nào kỳ dị như loại sát khí này.
Thường thường, sát khí bốc lên do người cầm kiếm. Sát khí từ người truyền qua kiếm mà tỏa rộng, bao phủ cả người cầm kiếm. Nhưng ở đây thì sát khí chỉ bao quanh thân kiếm, không hề lan rộng ra ngoài xa thân kiếm một tấc một ly nào.
Không có phần lan rộng của sát khí, Phương Bửu Ngọc không tài nào nhận ra vị trí của người cầm kiếm.
Nhưng không có người cầm kiếm thì lấy đâu ra sát khí trên kiếm.
Tự thanh kiếm sao có thể phát ra sát khí được?
Cho dù là vật nổ, gây sát thương chết chóc nhưng đã là vật thì không thể tự dưng phát sinh sát khí được. Chỉ khi nào nằm trong tay người, dưới sự điều khiển của con người nó mới có thể phát sinh sát khí được mà thôi.
Trời!
Quả thật chuyện này ngoài sức tưởng tượng của Phương Bửu Ngọc.
Người cầm kiếm và sát khí trên kiếm tách làm hai.
Thân kiếm hợp nhất mới có kiếm khí và sát khí. Thân và kiếm phân thành hai thể riêng biệt thì sao kiếm lại có sát khí? Trên thế gian này lại có tay kiếm khách nào có thể làm được điều đó hay sao?
Phương Bửu Ngọc không sao tưởng tượng nổi.
Nhưng giờ đây chàng có muốn không tin cũng không được, vì nó hiển hiện trước mắt chàng.
Phương Bửu Ngọc kinh ngạc trước kiếm thuật của người này, nhưng cũng vì thế mà chàng bớt lo. Người đó không tỏa ra sát khí, chứng tỏ người đó cũng không có ác ý với chàng.
Bất quá y đưa ra một chiêu độc để xem tài dụng kiếm của chàng như thế nào mà thôi.
Y không hợp nhất thân kiếm bởi y không thực sự muốn hại chết chàng.
Phương Bửu Ngọc đã luyện kiếm thành tựu tới mức độ nhất định mới có thể ý thức được điều đó. Chỉ chàng mới nhận ra trong sát khí từ thanh kiếm chỉ hiển lộ phần rất nhỏ nhân khí. Người đó không muốn cùng chàng sinh tử.
Phương Bửu Ngọc cảm thấy khâm phục kiếm thuật người này vô cùng. Kiểm soát nhân khí trong sát khí của thanh kiếm, không mấy ai dám nghĩ có thể đạt tới.
Phương Bửu Ngọc nhìn thanh kiếm một lúc, chợt nhớ tới nhát kiếm của Thiết Kim Đao.
Ngày đó, Thiết Kim Đao cũng thử một đường đao đầy sát khí, song trong vòng sát khí lại ẩn giấu nhân khí.
Sát khí dù mạnh mà nhân khí kém, thì cái sát ý tiêu diệt đối phương không hiển hiện, bất quá chỉ là do đường đao, kiếm quá lợi hại mà phát sinh chứ chủ ý người sử đao kiếm không hẳn muốn như thế.
Chiêu kiếm tóm lại rất độc, một chiêu kiếm không nương tình, nhưng người sử kiếm thì lại nương tình.
Như vậy tức là sao? Nguyên nhân là thế nào?
Tịch mịch.
Không gian quanh Phương Bửu Ngọc là sự tịch mịch, cô đọng đặc quánh.
Đột nhiên chàng nghe như có một điệu nhạc rất êm song rất lạnh vang lên đâu đó. Điệu nhạc này rất khẽ, tựa như cánh muỗi vo ve bên tai.
Cùng với điệu nhạc, mũi kiếm nhích động vẽ một vòng tròn. Một vòng tròn lạnh người nhưng đẹp phi thường, cái đẹp chỉ có những con mắt võ thuật mới cảm thấy được.
Nhạc ngân run run, mũi kiếm run run, ánh sáng nơi mũi kiếm điểm một điểm sáng nhỏ li ti hơn cả hạt cát, vờn vờn tạo thành một vòng chuỗi hạt sáng kỳ ảo.
Cái đẹp đó, chỉ một nhãn lực tinh vi mới nhận ra kịp.
Phương Bửu Ngọc giật mình.
Thân kiếm có nhích động, giống như đường đao của người áo trắng nhích động. Mũi kiếm xoay vòng nhanh hơn, chuỗi hạt sáng lan nhanh hơn, biến thành một màn trắng, bức màn đó như bị gió đùa, xô nhanh tới Phương Bửu Ngọc.
Kiếm tạo gió rít lên, tiếng rít tuy nhỏ song không gian vắng lặng quá, tiếng rít tựa như tiếng dã thú kêu gào.
Hẳn nhiên Phương Bửu Ngọc phải có phản ứng.
Chàng chưa chạm kiếm của đối phương. Kiếm của đối phương chuyển động thay đổi tư thế, chàng cũng biến đổi tư thế của thanh kiếm nơi tay, cả hai bên đều đồng thay đổi vị trí.
Hai bên không còn đứng nguyên tại chỗ nữa.
Tuy rằng hai thanh kiếm không chạm nhau, nhưng kiếm khí thì đã chạm nhau rồi. Công lực hai bên tương đương, nên chưa bên nào bị đối phương gây chấn động.
Trong bóng tối, có tiếng thở dài khe khẽ.
Tiếng thở dài đó, trong hoàn cảnh này có tác động mạnh mẽ. Bởi hai người đang đứng trên đường ranh giới giữa sống và chết.
Cuộc đấu này không giống cuộc đấu nào trên giang hồ. Nó không mãnh liệt, không có tiếng động chan chát coong coong hay đinh đinh đang đang gì cả, nhưng tính chất nguy hiểm thì lại có thừa.
Trong cuộc đấu này, bại đồng nghĩa với cái chết, và nếu bại thì cũng chỉ bại với một nhát kiếm mà thôi, xuất thủ một lần duy nhất.
Một cuộc chiến phân thắng bại bằng một chiêu kiếm, thì chiêu kiếm đó phải là kết tinh sở học của cả một đời người.
Hai người lại yên lặng trở lại. Như hai bức tượng gỗ. Chỉ khác Phương Bửu Ngọc lộ hình, còn người kia ẩn hình.
Hai người đứng lặng như thế dường như đã lâu lắm. Bỗng một giọng già vang lên :
- Chiêu kiếm này, ngươi đã thấy qua?
Giọng nói hàm ẩn sự kinh dị.
Người đó, kinh dị không phải do thấy Phương Bửu Ngọc tránh né được chiêu kiếm, mà là vì y nhận thấy rằng Phương Bửu Ngọc hình như đã thấy chiêu kiếm đó rồi.
Chiêu kiếm đó có thể y cho là độc đáo, độc nhất trên giang hồ chưa ai từng trông thấy, và y kinh dị vì không hiểu làm sao Phương Bửu Ngọc lại biết được.
Phương Bửu Ngọc nghe hỏi, điềm nhiên đáp :
- Phải!
Người đó lại hỏi :
- Ai đã thi triển chiêu thức đó cho ngươi thấy?
Phương Bửu Ngọc đáp :
- Thiết Kim Đao!
Người đó có vẻ hãi hùng :
- Thiết Kim Đao? Ỵ..
Phương Bửu Ngọc chặn lời :
- Tuy là y thi triển chiêu đao, nhưng chiêu đao chừng như không phải của y.
Người đó lấy làm lạ :
- Vậy là sao?
Phương Bửu Ngọc nói :
- Bởi Thiết Kim Đao vâng lệnh mà thi triển chiêu đao đó.
Người kia kêu lên một tiếng :
- Bạch Y Nhân?
Phương Bửu Ngọc gật đầu :
- Chính là Bạch Y Nhân!
Người đó nghe nói trầm lặng một lúc lâu :
- Chiêu đao của Thiết Kim Đao có giống chiêu kiếm của ta chăng?
Phương Bửu Ngọc đáp :
- Mười phần giống chín. Có một điểm khác biệt. Điểm khác đó rất lớn.
Người kia hỏi :
- Thế nghĩa là gì?
Phương Bửu Ngọc giải thích :
- Chiêu đao của y sát khí phát không đồng đều, chỗ dày chỗ mỏng nên có sơ hở. Nhân khí của y rất ấm, nhân khí thoát ra chỗ dày không lọt, thoát qua chỗ mỏng. Tại hạ có thể nhận thấy được điều đó, nhằm chỗ nhân khí lọt ra mà công vào sẽ đả bại được y.
Người trong bóng tối lại trầm ngâm một lúc. Sau cùng y thở dài nói :
- Tốt!
Phương Bửu Ngọc lại nói :
- Đối với các hạ thì khác. Trước khi xuất thủ các hạ không dồn khí lực quá nhiều trong chiêu thức, các hạ không khẩn trương xuất chiêu, nên nhiệt độ trong người bình hòa không nóng hơn cũng không lạnh hơn. Do đó, tại hạ biết rằng tuy kiếm bừng bừng sát khí nhưng các hạ không nuôi sát khí. Sát khí là do chiêu tuyệt độc chứ chẳng phải do người mà có.
Người đó nghe Phương Bửu Ngọc phân tích thì a lên một tiếng :
- A!
Phương Bửu Ngọc lại nói tiếp :
- Thiết Kim Đao có sát ý, tại hạ thì không. Chính cái sát khí sẽ chỉ rõ chỗ sơ hở trong vầng đao khí khi nó lọt ra ngoài. Nhưng các hạ thì không có sát ý, nên tại hạ không thể tìm thấy chút sơ hở. Phàm người học kiếm thuật, có thành tựu đến mức nào cũng không thể từ nhãn lực trần tục mà nhìn thấy được sát khí, chỉ có thể dựa vào cảm giác mà thôi. Nhưng nếu đối phương không có sát ý thì vô phương. Các hạ có thể luyện được thân kiếm hợp nhất, song khi phối hợp rồi mà các hạ lại có thể tách ra được tùy ý, quả thật là chỗ tuyệt diệu của các hạ vậy. Nhưng tiếc là tạo hoá đố toàn. Các hạ tách được sát khí với nhân khí thì sát khí lại mất đi cái uy lực của nó, vì không được sự hỗ trợ của nhân khí nữa.
Phương Bửu Ngọc kết luận :
- Chiêu kiếm dù độc, nhưng kiếm vẫn là vật thể chết. Các hạ không cho nó một cái hồn, ngược lại lại đoạt của nó phần nhân khí thì làm sao nó có thể có một sức mạnh mãnh liệt cho nổi?
Chàng thở dài :
- Chiêu đao của Thiết Kim Đao có sự hỗ trợ của nhân khí, do đó có ánh máu. Máu là điểm sát phạt, bắt buộc tại hạ phải giữ tính mạng mà phản công không còn con đường nào khác. Còn chiêu kiếm của tại hạ không có nhân khí, đương nhiên huyết quang cũng không có, tại hạ căn cứ vào đâu mà phản công? Chưa bị dồn vào cuối đường, tại hạ chưa thể thi triển một chiêu sát thủ được.
Người kia thở dài :
- Đúng thế. Kiếm chiêu tuy độc mà không có sát ý thì chẳng khi nào khích động sát cơ nơi đối phương. Đó cũng là đạo lý tối thượng của kiếm đạo vậy.
Phương Bửu Ngọc trầm giọng :
- Nhưng tại sao các hạ lại phải xuất một chiêu độc trong khi các hạ không có ý sát hại tại hạ? Làm như thế không phải là mâu thuẫn lắm sao? Thật tình, tại hạ không sao hiểu nổi dụng tâm của các hạ.
Người kia lạnh lùng :
- Thà không biết hay hơn.
Phương Bửu Ngọc lại hỏi :
- Còn một điều nữa. Chiêu đó là chiêu của Bạch Y Nhân, không hề truyền cho bất kỳ ai trên giang hồ. Tại sao tại hạ lại học được? Các hạ có thể nói cho tại hạ biết được chăng?
Người kia lảng đi :
- Từ từ rồi ngươi sẽ hiểu, cần chi phải hỏi. Cũng không lâu nữa đâu.
Phương Bửu Ngọc cau mày :
- Không lâu ư?
Người kia bối rối đáp :
- Phải, phải, không lâu lắm đâu.
Câu nói chỉ có mấy tiếng. Tiếng đầu vang lên nghe rất gần, mà tiếng cuối nghe xa ngoài mấy trượng. Thuật khinh công của người đó kể ra cũng cao siêu vô cùng. Di chuyển trong bóng tối nhanh như thế, người đó hẳn phải là nhân vật có danh tiếng trong võ lâm.
Nhưng, y là ai?
Người đàn ông lúc trước có nói :
có ba chiêu kiếm có thể gây tổn thương được chàng. Đã xong một chiêu rồi, còn hai chiêu nữa. Nếu chàng hóa giải được hai chiêu đó nữa thì trên thế gian này không ai có thể hạ chàng nổi.
Phương Bửu Ngọc đang hết sức nghi hoặc. Đã hai lần chàng thoát chết qua hai đường kiếm rồi. Mà cả hai lần vừa rồi, người thi triển đều không hề có ác ý với chàng. Tại sao?
Đương nhiên đây là chuyện kỳ quái, càng nghĩ càng thấy khó hiểu.
Chàng vốn nổi danh là tay đệ nhất thông minh trong thiên hạ, tới độ Tiểu công chúa vốn tự phụ mình là kẻ trí tuệ bậc nhất mà cũng phải ghen tỵ, thế mà giờ cũng không hiểu nổi nguyên nhân.
Hai đường kiếm chàng vừa gặp đều có thể cho là có hai người xuất chiêu, chứ không phải là một. Thế thì hai người trước kia có liên quan gì tới hai người vừa rồi?
Có thể đặt giả thiết Vô Tình công tử Tưởng Tiếu Dân có liên quan tới Bạch Thủy cung, do đó người trong cung có thể đã học kiếm pháp của hắn. Nhưng đường kiếm thứ hai của Bạch Y Nhân thì làm sao người trong Bạch Thủy cung học được?
Có ai lại sang tận Đông Doanh Tam Đảo chăng?
Dù là có người sang tới đó, vị tất Bạch Y Nhân đã chịu truyền thụ.
Huống chi, chàng vẫn nghĩ là giữa Bạch Y Nhân với Bạch Thủy cung không thể có chút xíu liên quan được. Nhưng như thế thì tại sao trong Bạch Thủy cung lại có người biết chiêu kiếm đó?
Chàng cứ nghĩ đi nghĩ lại, đặt ra giả thuyết này khác rồi lại bác bỏ, rốt cục vẫn không tìm ra lời giải đáp dù là gượng gạo.
Còn hai chiêu sát thủ nữa. Hai chiêu, hẳn lại do hai người xuất chiêu, hai người đó đang chờ chàng phía trước.
Hai người trước chưa xuất hiện, nhưng hai người sau thì hẳn là đã chặn đường rút lui của chàng rồi.
Trước hai người, sau hai người, giữa là chàng với bóng tối dày đặc.
Cả bốn người đều có những chiêu sát thủ ghê gớm. Một điều khác nữa khiến chàng lo ngại là công lực chàng đã suy giảm nhiều quá. Bởi đói, khát, vất vả, lo sợ.
Không nói tới chuyện rút lui, hai chiêu kiếm sát thủ kia chàng đã có thể vượt qua, nhưng hai người phía trước, chàng chưa biết sẽ thế nào.
Họ sẽ xuất chiêu gì? Chàng có thể hóa giải hay không?
Chàng mải nghĩ, tới nỗi quên mất thực tại. Chân cứ bước mà không biét ánh sáng đã tràn ngập lòng động từ bao giờ. Ánh sáng từ một trái châu lớn trên nóc động, chiếu xuống soi rõ bóng chàng trên đất.
Chàng thấy trên mặt đường có dấu chân.
Dấu chân rải rác, không biết từ đâu tới, cũng không biết đi tới đâu. Dấu chân đó một phần hẳn do người đối thoại với chàng vừa rồi lưu lại.
Dấu chân đó biết đâu từ trung tâm Bạch Thủy cung đi ra đến đây.
Có thể người đó đến từ trung khu Bạch Thủy cung, và y cố tình lưu lại dấu chân để chỉ đường cho chàng.
Vô tình, hay cố ý?
Không thể là vô tình được! Dấu chân rất sâu, nhất là với người luyện võ, đâu thể là không dụng tâm?
Phương Bửu Ngọc suy nghĩ hồi lâu rồi quyết định đi theo dấu chân đó.
Đường đi tới quanh co biến hoá phi thường, đúng như thiếu nữ nơi bờ ao đã cảnh báo trước với chàng. Với những ngả rẽ bất thường, quả thật, nếu không có dấu chân thì Phương Bửu Ngọc không biết sẽ phải chọn lối kiểu gì.
Chàng đã định sẽ không quan tâm tới những vật trên đường đi, song chàng vẫn nhìn thấy những hàng chữ kỳ quái.
Những hàng chữ khắc trên một mặt tảng đá lớn, rong rêu bám đầy gần như bị che khuất hết cả.
Có tám chữ cả thảy.
Phương Bửu Ngọc đọc được tám chữ đó là :
“Nhiễm Hồng sơn trang. Tinh Linh tiểu lâu”
Phương Bửu Ngọc giật mình.
Đây không phải là nơi Tưởng Tiếu Dân đã ghi trên phong bì thư mà hắn đã nhờ chàng mang hộ tới nơi khi hắn chặn đường chàng bên khu rừng, khi chàng cùng Tiểu công chúa và Ngưu Thiết Oa đi tìm Hỏa Ma Thần hay sao?
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.