Như vậy… rốt cuộc là sao? –Tôi hơi hoảng, lay cánh tay Trân gặng hỏi.
-Thì… chuyện đó… -Con bé vẫn cau mày khó nhọc.
-Chuyện gì, cứ nói đi! –Tôi cố giữ bình tĩnh.
-Là chuyện… chuyện của…
-CỦA AI? NHƯ THẾ NÀO?
Con bé chừng như không nhịn nổi nữa, ngẩng lên nhăn nhó nói nhỏ mà như vả vào cái mặt đần thộn đứng trước mình:
-Chuyện của… con gái đó! Mỗi tháng một lần, trời ạ!
Ôi thôi chết toi con rồi cha mẹ thánh thần ơi. Tôi há hốc mồm, chết đứng như Từ Hải, chỉ thấy Trân lên xe ngoái chào, mặt mày bí xị chưa hết… ức chế:
-Em về đây! -Rồi quay đi lẩm bẩm -Người gì đâu không biết…!
Chiếc xe khuất xa dần. Tôi bần thần đi vào nhà, đầu óc hỗn mang, không biết nên vui hay nên… nhục. Mà nhục này phải gọi là ngàn thu thiên cổ, trúc Nam sơn không ghi hết tội, nước Đông Hải không rửa sạch mùi!
Buổi chào cờ đầu tiên của tháng 10. Giữa cái nắng sớm mới đầu mùa mà đã gay gắt muốn toát mồ hôi, tiếng thầy Hiệu trưởng vang vọng khắp bốn phía sân trường, từng câu từng chữ hiệu triệu ba quân ra sức học tập trong đợt thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Ở dưới hơn 4000 học sinh toàn trường cũng không hẹn mà cùng nhất tề chung một ý chí: THẦY ƠI NÓI NHANH CHO BỌN EM VÀO, NẮNG QUÁ!
Riêng tôi ngồi cạnh Tiểu Mai mà chẳng lọt tai được chữ nào, từ đầu đến giờ chỉ cúi mặt đếm kiến bò dưới chân. Lúc sáng qua nhà chở nàng đi học tôi đã chẳng dám nói gì nhiều, nhìn cũng không dám nhìn lâu, may là đầu óc rối mù nhưng cũng bịa ra được cái lí do khá là hợp lí, cơ mà cũng đâu hẳn là bịa, có… một phần sự thật đấy chứ.
-Hôm nay anh sao vậy, cứ ngơ ngẩn lầm lì sao í?
-Ờ… tại tối qua Trân nó tới nhờ anh bày bài, nên… anh phải thức khuya, sáng nay hơi mệt ấy mà!
Lên lớp cũng chả có tâm trạng mà đùa cợt với đám đầu trâu mặt ngựa kia. Nghĩ lại may mà tối qua chỉ có tôi với bé Trân, chứ nếu Tiểu Mai cũng có ở đó chắc tôi phải tự đào huyệt mà chui xuống giấu bộ mặt quê mấy cục. Gần mười tám tuổi đầu, ăn học đầy đủ mà lại không biết cái vấn đề rất chi cực kì là tế nhị đó, đã vậy còn hỏi đi hỏi lại làm như hay ho lắm ấy. Lúc đó mà phân thân được chắc tôi đã tự tổng sỉ vả mình một trận, bách nhục xuyên tâm.
-“Giời ơi, sao mày ngu quá vậy hả Nam, đầu mày chỉ để mọc tóc thôi đấy phỏng?”
-“Mày là con trai đấy, CON TRAI, MALE, HIỂU KHÔNG? Đã ngu thì chớ lại còn tọc mạch chuyện con gái nữa?!”
-“abcxyz!@#?....”
Nhưng thằng Nam thứ hai đang ngoác miệng rủa xả không thương tiếc thằng thứ nhất thì bỗng biến mất cái “phụp” bởi tiếng vỗ tay rào rào xung quanh, sau đó là tiếng nói cười bắt đầu rôm rả. Tôi ngơ ngác ngẩng mặt lên nhìn, bắt gặp Tiểu Mai cũng đang tươi cười như hoa, đôi mắt hấp háy nhìn tôi nói:
-Năm cuối rồi hai đứa mình phải tham gia hết đấy nhé!
-Ơ… gì vậy? –Tôi trơ bộ mặt như mới ở dưới mười tấc đất chui lên.
-Thì văn nghệ 20-11 đó, nãy giờ anh không nghe à? -Tiểu Mai thoáng ngạc nhiên rồi lại nói –Hai năm trước… chẳng ra sao cả, còn có năm nay thôi, phải làm cho thật hay mới được!
Thì ra vừa rồi thầy bí thư Đoàn trường vừa lên thông báo kế hoạch hoạt động cho hai tháng sắp tới, và tất nhiên trong bản danh sách dài dằng dặc đó không thể thiếu buổi diễn văn nghệ - sự kiện văn hoá nghệ thuật có qui mô hoành tráng nhất, dàn dựng công phu nhất và cũng được mong đợi nhất trong năm. Cũng không lạ gì khi kế hoạch cho buổi diễn hứa hẹn sẽ là chủ đề được nhắc tới nhiều nhất kể từ giờ phút này.
Lớp tôi chẳng biết sao gì chiếu tướng mà năm nào cũng được giáo viên chủ nhiệm vừa hiền vừa tâm lí, cô Thanh năm nay cũng không phải ngoại lệ, biết bọn học trò cuối cấp chẳng còn bên nhau được mấy tháng nữa nên cô cũng “mở lượng khoan hồng” cho bọn tôi tự do quyết định vụ văn nghệ này. Cả lớp cứ như vừa nhận lệnh ân xá, hớn hở ra mặt, nhấp nhổm chờ đến giờ nghị sự. Chào cờ là tiết đầu tiên, đến tiết toán tiếp theo. Sau 45 phút đầy căng thẳng làm cái đầu muốn bốc khói thì tiếng trống báo hiệu 15 phút giải lao cũng vang lên. Giờ ra chơi hôm nay lớp tôi cũng như hầu hết các lớp khác đều yên vị tại chỗ chứ không ùa ra hành lang hay xuống sân trường, giáo viên vừa bước qua cửa lớp là hội nghị bàn tròn đã bắt đầu.
Khang mập cậy thế lớp trưởng tót ngay lên bục nhìn xuống, cất giọng bố đời:
-Theo các bô lão thì năm nay ta nên “đánh” hay “hoà”?
Ý nó “đánh” nghĩa là dốc sức tập văn nghệ thật nghiêm túc để kiếm giải, còn “hoà” là chỉ tập tà tà cho có, lấy vui là chính với cả để lớp không bị mất thi đua do không tham gia hoạt động của trường. Lớp 10, 11 thì chẳng bao giờ phải hỏi câu này, nhưng lớp 12 có cái khó là phải tập trung cho bài vở nhiều hơn, vậy mới cắc cớ. Nhưng nói gì thì học trò vẫn là học trò, ham vui không ai bằng, được dịp vẫy vùng thoả chí tang bồng thế này ngu gì “hoà”, thế nên câu trả lời cũng không nằm ngoài dự đoán.
-Đời người dễ có mấy khi, chơi luôn cho tới, sợ gì anh em! -Thằng Chiến xuất khẩu thành thơ… con cóc.
-Hỏi nhảm quá ông ơi! Không chơi cho đời nó phí à? Có mà đánh ông á! –Dãy bàn bên kia nhỏ Phương cũng máu lửa không kém.
-Đứa nào “hoà” bà đập chết! -Chị đại Yên ù chốt một câu như rồng trắng mắt xanh phun lửa.
Và cuộc giơ tay biểu quyết sau đó thì khỏi nói cũng biết phần thắng nghiêng về bên nào, vì mấy đứa manh nha tư tưởng thủ hoà đã bị câu quân lệnh như sơn kia doạ cho chết khiếp. Nghĩ đi nghĩ lại thì Yên ù đúng là người “có trọng lượng” nhất nhì lớp tôi, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Thế là Khang mập cũng đành lui xuống hàng ghế khán giả để nhường sân khấu cho lớp phó văn thể Trúc Mai lên bàn nội dung tiết mục.
-Theo Mai thì năm nay lớp mình sẽ hát và… đóng hoạt cảnh phụ hoạ, mọi người thấy sao?
-Đúng đó Mai, làm cái khác đi! –Luân khùng bồi thêm -Hay là đốt đống lửa rồi… múa thổ dân, đông vui mà không đụng hàng!
Thằng Luân vừa phun ra cái “tối kiến” thì gặp phải ánh mắt bá khí áp đảo của Yên ù, liền xuôi xị ngay:
-À… tui giỡn ấy mà, mọi người cứ tiếp tục đi! Hì hì!
-Hay nhảy hiphop đê –Khang mập đề xuất –Sôi động, trẻ trung, mà ít người biết nữa!
Tôi nãy giờ im lặng cũng phải tròn mắt:
-Ái cha, mày học nhảy hồi nào vậy mập?
-Ờ… chắc tuần sau!
-Đệch, làm bố tưởng…
Tiểu Mai lắng nghe mớ tư tưởng chống phá chính quyền xong, vừa tủm tỉm vừa khẽ nhíu mày nhỏ nhẹ:
-Mình chưa nói xong mà! Năm lớp 10 tụi mình làm chủ đề về quê hương, lao động, năm nay vẫn thể loại đó nhưng đổi chủ đề đi, chắc chắn sẽ hay hơn nhiều!
-Chủ đề gì Mai? -Cả đám đồng thanh.
-Thì bây giờ tụi mình mới chọn nè! -Tiểu Mai mỉm cười nhã nhặn.
-Trường lớp được không mọi người?
-Hay là hướng đến tương lai, vì một ngày mai tươi sáng?
-Đệch, sến như con hến mày ơi! Làm cái gì gần gũi chút đi!
Nhỏ Huyền im lặng từ nãy bỗng ngoi lên:
-Tình bạn, tình yêu tuổi học trò, ai thích giơ tay lên!
Lời nó vừa tuôn ra đến mấy chữ “tình…” là cả lớp đã không hẹn mà cùng nhất loạt hưởng ứng:
-Woaaa! Hay tuyệt cú mèo bây ơi!
-Quá chuẩn, đúng là ý tưởng của năm, ôkê con gà đen!
-Hơơơ… thiệt là lãng mợn quá đi ờ…! -Thằng Quý mắt mơ màng làm bộ õng ẹo.
Đúng là cho dù xã hội phát triển cỡ nào, con người có làm tới thủ tướng hay tổng thống mà cuộc sống thiếu tình yêu thì cũng vô vị khô cằn chán chết đi được, huống hồ gì chúng tôi toàn là… nam thanh nữ tú đang độ tuổi xuân hừng hực sức sống, vừa nhắc đến cái đề tài muôn thuở này là ai nấy mắt sáng rỡ, mồm mép tía lia.
-Vậy coi như lớp mình thống nhất vấn đề này nhé! –Tiểu Mai cười mím chi nãy giờ, vẻ như từ đầu nàng cũng ngấm ngầm ý tưởng này rồi -Ừm… bài hát và hoạt cảnh thì đến lúc tập sẽ bàn, bây giờ tụi mình chọn người trước đã!
Ngay lập tức một cuộc tranh luận mới bắt đầu:
-Vy hát luôn đi Vy ơi, chọn làm gì!
-Bậy mày, để tao song ca với chứ! -Tuấn rách nói mà không biết ngượng.
-Hát là chuyện nhỏ thôi, hoạt cảnh mới gọi là ấn tượng khó phai! –Khang mập lên mặt dạy đời -Không biết tốc độ ánh sáng nhanh hơn âm thanh bao nhiêu lần à?
-Uầy, gì chứ vụ này dễ òm! Còn ai xứng hơn thánh Nam và Trúc... –Luân khùng ở đâu bay vào.
Tôi giật thót cả người, vội quay sang trừng mắt với thằng điên kia. Nó cũng nhận ra mình vừa vạ miệng nguy hiểm chết người nên ngậm mồm, rụt đầu nhìn tôi đầy tội lỗi. Cái mạ tộ... thằng chết bầm! Trước mặt Vy mà đem chuyện tôi với Tiểu Mai ra nói có khác gì giẫm đạp giày xéo vết thương lòng của người ta. Chưa kể chuyện tay ba này cả lớp đều biết hết, nếu là tôi đứng trên kia chắc cũng… bỗng dưng muốn khóc, đằng này Vy còn là con gái, và là người chịu thiệt trong chuyện này…
Nhưng trái với suy nghĩ của tôi, trước những ánh mắt đầy ái ngại và cảm thông của cả lớp, Vy vẫn bình tĩnh, đôi mắt to tròn dễ thương chỉ thoáng buồn đúng một giây rồi lại nhoẻn miệng cười, giọng nói ngọt ngào không hề thay đổi:
-Hát thì Vy sẵn lòng, nhưng mình nghĩ năm nay là lần cuối bọn mình được diễn rồi, nên nếu được thì… cả lớp cùng đứng lên sân khấu sẽ vui hơn!
Nhận được những cái nhìn đồng tình nhưng đầy thắc mắc của mọi người, Vy nói tiếp, chẳng gì cũng là bí thư nên không thể đứng ngoài vụ văn nghệ văn gừng này được:
-Tất nhiên sẽ có vai chính, vai phụ, kiểu như một câu chuyện ấy, lớp mình thấy sao?
Tôi nghe tiếng thì thầm xung quanh:
-Một, hai, ba…
Và ngay sau đó là…
-ĐỒNG ÝÝÝ!!!
Không biết “Hội bàn tròn” vì thấy kế hoạch quá tuyệt hay muốn an ủi Vy sau vụ thằng Luân vạ miệng mà tụi nó rủ thêm mấy đứa con gái nữa đồng thanh hô to “khẩu quyết” khiến phần còn lại của lớp giật cả mình, nhưng đúng là… vui thật! Cũng đúng lúc kế hoạch sơ bộ được thông qua thì trống đánh vào lớp, nhưng dư âm của nó vẫn còn đeo bám dai dẳng suốt mấy tiết còn lại làm các thầy cô ngạc nhiên trong vui sướng vì không khí lớp học hôm nay sôi nổi thấy rõ.
Cũng may nhờ chuyện văn nghệ choán hết tâm trí nên ra về tôi đã lại nói cười với Tiểu Mai bình thường như chưa hề có vụ… kia.
-Ăn chắc hai đứa mình đóng chính rồi, hề hề! Chờ mãi mới tới dịp! –Tôi ngoái lại nói với Tiểu Mai đang ngồi yên sau.
-Anh sướng nhé, lại sắp có thêm nhiều cô để mắt tới rồi đấy! –Nàng nói nhỏ nhẹ mà tôi nghe như… gió lạnh đầu mùa.
-Èo… anh chẳng thèm! –Tôi tranh thủ lái sang hướng khác ngay –Mà đúng là hai năm trước… xui thật!
-Ừ… năm ngoái kẹt Minh Huy, còn năm lớp 10 thì tụi mình…
Nàng không nói hết câu nhưng hai đứa đều hiểu “năm lớp 10 thì tụi mình… chưa quen nhau, nên có được giải nhất cũng chẳng ý nghĩa gì”. Hồi đó tôi lại còn đang cặp với Vy nữa, dù trong lòng vẫn luôn hướng về Tiểu Mai và không ít lần cảm giác nàng cũng đang dõi theo chờ đợi, nhưng thằng Nam ngày đó vì quá ngộ nhận và hèn nhát nên không dám chủ động buông tay để nắm lấy một bàn tay khác. Bó hoa hồng phớt tôi dành tặng hai người con gái đêm đó là kỉ vật của một thời non dại, tặng Khả Vy để thể hiện tình cảm đầu đời dẫu ngô nghê nhưng tha thiết, và cũng có thể nói là… chân thật. Còn bó hoa dành cho Tiểu Mai chỉ để gieo trong tâm hồn thánh thiện của nàng biết bao hi vọng, nhưng rồi tất cả sau đó chỉ là nỗi thất vọng, buồn thương do một kẻ vô tình…
Tiểu Mai khẽ níu lưng áo tôi thỏ thẻ:
-Lần này diễn xong chắc không ai tặng hoa cho em nhỉ! Buồn quá…
Tôi biết nàng đùa nên cũng trêu lại luôn:
-Ừa, tội nghiệp hén! Hoa dạo này mắc lắm em ơi!
Nhưng trong lòng thầm nhủ:
-“Không đâu Tiểu Mai à! Dù hoa có mắc cỡ nào, dù lúc em bước xuống không một tiếng vỗ tay thì vẫn luôn có một bó hoa tươi thắm nhất dành tặng em!”
-“….Và lần này không còn hồng phớt nữa, mà chắc chắn sẽ là… hồng nhung!”
Mười lăm phút đầu giờ sáng hôm sau tiếp tục là thời lượng dành cho cuộc họp chiến thuật, hiển nhiên những tiết mục như truy bài hay lên bảng sửa bài vẫn được diễn ra nhưng với tốc độ nhanh đến chóng mặt và đầy… hình thức.
-Lịch học của lớp mình chỉ còn trống chiều thứ ba và chiều chủ nhật -Lớp phó văn thể Tiểu Mai tua qua cái thời khoá biểu tăng tiết dày đặc một hồi rồi nói -Chiều thứ năm các thầy cô họp hội đồng nên cũng rảnh, vậy tóm lại bọn mình sẽ tập vào ba buổi đó! Có ai kẹt gì không?
Cái này trong văn học gọi là câu hỏi tu từ thì phải, hỏi cho đúng phép lịch sự chứ nàng cũng thừa biết chẳng ai dám ý kiến ý cò hết ráo. Giờ này có ông mãnh nào kẹt cụa gì cũng phải tự mà gỡ ra, không thì ngứa mồm bô lên kiểu gì cũng ăn phải “hàng long… tứ thập chưởng”, mãn kiếp bất siêu sinh. Được cái tinh thần ngự lâm quân một người vì mọi người của lớp tôi cũng cao phết, nên cuối cùng kế hoạch này cũng được thông qua vô điều kiện, cơ mà…
-Vậy là chiều nay tập luôn hả? –Khang mập lên tiếng làm tôi sực nhớ ra hôm nay là thứ ba.
Tiểu Mai gật đầu cái “rụp”, ngay lập tức có tiếng xì xào:
-Ớ, thứ năm kiểm tra một tiết toán Mai ơi!
Tiểu Mai chưa kịp trả lời thì Vy đã đỡ cho như lường trước chuyện này rồi:
-Mọi người đừng lo, tụi mình tập nghiêm túc thì xong sớm thôi, mỗi bữa tập một ít, còn gần hai tháng lận mà! Coi như tập để giải trí, thư thả đầu óc có khi học tốt hơn nữa đó!
Tôi thì vốn dốt đặc mấy khoản ca hát múa may này nên từ đầu tới cuối chỉ biết câm nín nghe đám bạn bàn luận, vào tiết rồi thi thoảng liếc sang phía Tiểu Mai thì thấy nàng có vẻ cũng vui hơn mọi khi, cứ quay qua nói chuyện cười đùa với mấy đứa con gái suốt. Cũng nhờ không khí lớp học rộn ràng lên mà tiết toán hôm nay bỗng… tràn ngập tiếng cười.
Năm nay dạy toán lớp tôi là thầy Giang, cũng trẻ, tầm hơn ba mươi là cùng. Nghe nói hồi đi học thầy Giang còn được giải quốc gia môn toán, được tuyển thẳng đại học, mà công nhận dạy cũng hay phết, lại hiền nữa. Đặc biệt là… đá bóng cực siêu, nhìn mập mạp tròn trĩnh thế thôi chứ ra sân cứ gọi là chân sút chủ lực của đội giáo viên trường. Thật đáng khâm phục, trước giờ tôi nể nhất là những người như vậy, biết nhiều thứ mà thứ gì cũng giỏi chứ không phải suốt ngày cắm đầu học ngày học đêm.
Hôm nay học bài “Mặt tròn xoay”, đúng ra bài này khỏi học cũng được vì chỉ là giới thiệu qua mấy cái khối cong cong tròn tròn họ hàng với mặt cầu, mà mấy cái đấy có trăm năm nữa cũng chả bao giờ ra thi, cá gì tôi cũng cá. Thành ra tiết này coi như để… thư giãn.
Thầy Giang vừa vẽ xong cái đường cong gần giống chữ S nhưng thẳng hơn, nằm hẳn một bên của một đường dọc đứt nét biểu thị trục quay.
-Bạn nào liên tưởng hình trên bảng khi quay quanh trục sẽ tạo ra giống cái gì không?
Bên dưới có vài cánh tay giơ lên, thằng Luân được gọi.
-Dạ giống cái chậu cây á thầy!
-Được! Còn gì nữa? –Nói rồi thầy chỉ Khang mập, cu cậu có vẻ sốt sắng lắm.
-Dạ giống cái chén ăn cơm thầy!
-Há há, chén nhà mày cỡ đó không hả mập? -Thằng Quý ngồi dưới thọt lên.
-Hèn chi cái tướng mày như con tượng, hé hé! -Thằng nào đó lại đía đểu thêm, khiến thầy Giang phải ra tay cứu giúp chiến sĩ Khang đang chết đứng giữa trận tiền.
-Rồi, cũng được, ngồi xuống đi em!... Thầy còn thấy giống một cái khác nữa, ai biết không?
Ngay lập tức Dũng xoắn giơ thẳng tay khiến dù nó không cao nhưng cả lớp phải… cúi xuống nhìn.
Cả thầy Giang đứng trên bục giảng cũng phải bật cười nghiêng ngả theo lớp, để mặc nhân vật chính đứng như trời trồng, gãi đầu bứt tóc, cơ mà “xoắn” ta cũng cười khì như thể vừa đóng góp cho lớp một tiết mục tấu hài giải trí vậy. Coi như ai nấy đã có tinh thần cho buổi tập chiều nay, buổi tập đầu tiên của lần diễn cuối cùng trên sân khấu của trường.
Vì trường tôi học hai ca sáng chiều nên không thể dùng phòng học để tập được, hơn nữa cũng phải kiếm chỗ nào kín đáo để khỏi bị lớp khác ăn cắp ý tưởng nên cuối cùng “thánh địa” được chọn là…
-Nhà Huyền đi! Rộng rãi thoáng mát, sân vườn cây cỏ thế mới có cảm hứng mà sáng tác nghệ thuật chứ!
Khang mập vừa nói ra cả bọn đã đồng tình hưởng ứng. Được cái nhỏ Huyền cũng nhiệt tình xởi lởi, lại thêm đích thân “đức lang quân” giới thiệu, thế là “địa lợi” đã xong. Hai giờ chiều hôm đó tôi chở Tiểu Mai từ nhà đi hết con đường Tuyên Quang lúc này đã vắng vẻ đi nhiều vì giờ ăn trưa đã qua, ra đến cung đường Nguyễn Tất Thành thẳng tiến hướng biển. Con đường này rộng thì rộng thật, đẹp cũng đẹp thật, cây cối um tùm một bên vỉa hè, bên kia lưa thưa vài nhà dân lụp xụp vì đất đai còn đang được quy hoạch chưa xây dựng gì. Một làn đường ở giữa dùng làm thảm cỏ xen với hàng cây phi lao và cây bụi thấp lè tè thay cho mấy con lươn bê tông nhìn phát chán đi được, chiều chiều mà ra đây thả bộ thì cứ gọi là cảm hứng tuôn trào, văn thơ lai láng. Nhưng bây giờ là đầu giờ chiều và cây cối hoa cỏ chẳng đời nào mọc ở làn đường cho xe chạy cả, nên tôi đang phải guồng chân phi hết tốc lực tránh cho Tiểu Mai khỏi cái nắng như thiêu đốt.
-Từ từ thôi anh, coi chừng… -Nàng ái ngại níu lưng áo ướt đẫm của tôi.
-Nắng thế này mà từ từ cho thành cá khô à? –Tôi chỉnh lại cái nón suýt nữa bị gió tốc mất –Lúc nãy anh không bắt em đội nón thì giờ này say nắng rồi đấy cô nương ạ!
Tiểu Mai phì cười, chiếc nón nàng đội đã xoay ngược vành ra sau vì chúng tôi đang hướng ra biển, mà giờ này đã sang chiều nên mặt trời đã ở sau lưng rồi. Đi nắng mà để chiếu thẳng vào gáy là nguy hiểm lắm, hồi nhỏ cởi trần đá banh tôi đã bị mẹ dợt cho mấy lần cái tội này.
Hết đường Nguyễn Tất Thành tôi quẹo phải theo con đường nhỏ ôm sát bờ biển, đạp xe mà cứ ngoái đầu nhìn ra mặt nước lấp loá bên kia ước gì được nhảy ùm xuống cho mát mẻ thoải mái. May là vào đến khu xóm Đạo thì nhà cửa che bớt cộng thêm gió biển mát rượi nên vừa lúc dừng xe trước cửa nhà nhỏ Huyền là mồ hôi cũng ráo hoảnh. Tôi dắt xe vào, cạnh bên là Tiểu Mai đang nhìn quanh quất:
-Chà, nhà Huyền cũng đẹp quá! Sân vườn mát mẻ thế này cũng đỡ anh nhỉ!
-Ừ! –Tôi chỉ mới đến đây vài lần với thằng Khang hồi còn cặp với Vy, lâu lắm rồi cũng chưa ghé lại –Mà sao không thấy ai hết vậy cà? Huyền ơi!
Tiếng chân trần từ trong nhà đi ra, nhỏ Huyền thấy tôi cũng… ngạc nhiên không kém:
-Ủa? Ông với Mai đến sớm vậy?
-Sớm gì má, hồi sáng hẹn hai giờ còn gì? –Tôi hỏi lại, bắt đầu thấy nghi nghi.
-Thôi vô nhà ngồi chơi chút đi, chờ lát tới đông đủ rồi tập!
Tôi đành cười trừ với Tiểu Mai, giải thích cho nàng về cái “phong tục” giờ cao su này. Thực ra nếu không phải lúc nãy nàng hối quá thì tôi cũng thong thả đến hai rưỡi mới xuất hành, gì chứ mấy chuyện tụ tập đàn đúm này thì phải trừ hao vậy mới vừa, tôi lạ gì nữa. Chỉ có Tiểu Mai trước giờ quen khuôn khổ, lại thừa hưởng tính đúng giờ đặc trưng của văn hoá Nhật nên không biết, hồi lớp 10 tập ở nhà cô dạy múa nên đố thằng nào dám trễ, còn mấy lần làm trại thì con gái cũng được đặc cách đến sau, thành ra đây là lần đầu tiên nàng được “thưởng thức” hương vị của đợi chờ. Cơ mà tâm trạng đang háo hức cùng với li nước mát lạnh nhỏ Huyền vừa rót cũng xua tan đi được phần nào nỗi ức chế của hai đứa.
-Nhà Huyền đẹp ha! Mình cũng thích cây cỏ như vầy lắm! -Tiểu Mai cười tươi rói với nhỏ Huyền, để mặc món tóc bay bay trước cây quạt đứng vừa được bật lên.
-Ừa, ba mình thích sân rộng, còn mẹ thích trồng rau với hoa nên mỗi năm lại thêm vài chậu, giờ vậy đó! –Cô bạn này cũng nhiệt tình đáp -Trúc Mai muốn xem thì để mình giới thiệu cho!
Tiểu Mai tươi tỉnh hẳn, gật đầu rồi hai cô nàng dắt nhau ra “đi loanh quanh trong sân”. Tôi ngồi tại chỗ nhưng cũng xoay ghế hướng ra ngoài. Ngoài mặt tiền sát đường là hai cây cau cảnh cao chót vót trái chín đỏ rơi đầy dưới gốc, đâm thẳng lên khỏi giàn cây dây leo gì đấy mà có cả đống tua rua rủ xuống nhìn rất… thơ mộng. Dưới bóng mát đó Tiểu Mai đang thích thú chỉ trỏ mấy chậu cây:
-Hoa này tên gì vậy Huyền? Nhìn dáng cây cũng đẹp nữa!
-Hoa sứ đó, nhà mình chỉ có loại đỏ à, còn loại trắng cũng đẹp! Giống này tưới nhiều nước là dễ úng lắm!
-Có cả hoa hồng nữa nè, đẹp quá!
-Hì, Tết nào mẹ mình cũng mua hai chậu bày trước hè, chơi xong cắt tỉa bớt rồi chăm cho nó ra hoa tiếp vậy đó!
-Mấy chậu rau lên tốt ghê đó Huyền!
-Ừa, một tay mẹ với mình chăm đó, cải ngọt, cải đắng, cải rổ, mùng tơi, bồ ngót… Bên kia có mấy chậu hành với rau thơm nữa, cũng đỡ được vài bữa đi chợ, hì!
-Ôi, thích thế! Mình mỗi lần đi chợ là thấy mệt, bây giờ lại còn thuốc sâu nhiều nữa chứ!
……
Tôi lặng yên nhìn Tiểu Mai dạo bước bên những luống cây, bất chợt một cảm giác yên bình tràn ngập tâm hồn tựa như làn gió biển mát rượi xua tan cái nóng đầu mùa. Cô tiểu thư kiêu kì băng giá vốn bị đóng khung trong cuộc sống khuôn phép giờ đang thoả sức khám phá khu vườn toàn những loại cây với bọn chúng tôi là bình dân giản dị nhưng với nàng là cả một kho tàng kì hoa dị thảo lần đầu tiên được chiêm ngưỡng. Ánh mắt nàng rạng rỡ, những ngón tay thon mềm mân mê cành lá từng loại cây, đôi môi căng mọng ánh lên không ngớt mỉm cười, đôi bàn chân nhỏ nhắn vô tình giẫm lên vài đốm nắng tinh nghịch len lỏi qua giàn dây leo xuống sân, bất giác khiến tôi liên tưởng đến một thiên thần đang dạo chơi giữa vườn địa đàng. Nếu vườn nhà Tiểu Mai mang một vẻ đẹp sang trọng quí phái thì khu vườn nàng đang dạo bước đây lại là chốn yên bình bất cứ ai cũng mong trở về giữa cuộc sống xô bồ tấp nập. Đơn giản chỉ vài luống rau, vài chậu hoa chính tay vun trồng, cảm giác chờ đợi một đọt lá xanh mởn lấp ló hay một nụ hoa chúm chím nhô lên tôi nghĩ đã quá đủ để tưới mát những lo toan thường nhật. Nghĩ lại ở những thành phố lớn nhà xe tấp nập biết có bao giờ được đắm mình trong một không gian thế này, công việc bù đầu chẳng có thời gian mà nghỉ ngơi.
Mới hay hai từ “hạnh phúc” mà bao người lao tâm khổ tứ suốt đời tìm kiếm hoá ra cũng chỉ giản đơn vậy mà thôi!
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]