Chương trước
Chương sau
So với kỳ thi tốt nghiệp lần trước, kỳ thi đại học lần này lại càng khiến Bảo An cảm thấy áp lực hơn gấp trăm ngàn lần. An lo cho sĩ diện bản thân và lòng tự tôn của gia đình lắm nhé. Nghĩ mà xem, họ hàng hai bên nội ngoại và tất thảy làng xóm xung quanh nơi An sống, ai ai đều đỗ đạt đại học hết cả. Nói xui ra giờ An mà trượt thì thật mất mặt đến chết mất thôi, rồi còn xấu hổ lây sang cho cả ông bà và mẹ nữa cũng không biết chừng. Vả lại, mẹ An cũng đã lên kế hoạch cho con bé hết cả rồi. Nếu An để lỡ cơ hội bước vào đại học, con bé sẽ phải cầm ngay vé máy bay và cuốn gói sang ở cùng một người dì họ hàng bên Nhật, nhằm phục vụ cho chuyến du học tự túc mà mẹ đã thu xếp lúc trước. Được xuất ngoại cũng thích thật đó nhưng phải bó gối bên đấy tới mấy năm liền thì An chẳng chịu nổi đâu. Con bé cần anh em bạn bè thân thiết để hạnh họe bắt nạt, cần ông bà cô chú hai bên để được yêu thương cưng chiều, cần có mẹ Thục để tâm sự mỗi đêm và cần bên Hoài Phong để còn đơn phương cậu nữa chứ.

Nhắc tới Phong, An lại cảm nhận được ngay một nỗi lo nữa đang nặng gánh bên vai lúc này. Đứng trước cánh cổng đại học cao vời vợi thế kia, An sợ Phong sẽ bị bước hút lắm nhé. Suốt thời gian qua dù cả hai đều đã nỗ lực rất nhiều, song để có thể thi đậu đại học năm nay, với Phong quả thực rất khó. Huống hồ cậu chàng lại còn cả gan nộp mỗi một bộ hồ sơ vào Kinh tế Quốc dân mới càng thêm muôn phần đáng sợ. Mặc cho An ra sức khuyên can, Phong vẫn nhất quyết đòi thi vào ngôi trường danh tiếng đó với lý do “Chọn trường điểm cao để đến lúc trượt cũng đỡ nhục hơn.” Và nếu như thế thì An có đỗ đại học và được ở lại Việt Nam cũng vẫn sẽ phải tạm xa Phong dài dài.

Chẳng thể lừa An được như lần trước nữa, Phong chỉ còn biết trổ tài biến hóa thật nhiều đồ ăn thức uống cho An tẩm bổ mà thôi. Phong có lòng là thế nhưng An lại chẳng có “dạ” chút nào. Lần nào cũng vậy, hễ thấy Phong lệ khệ từ bếp chui ra với một đống đồ trên tay thì y như rằng An sẽ quạu mặt ngay tức khắc. Con bé không hề muốn để những việc nhỏ nhặt này chiếm hết thời gian học hành của cậu. Nói mãi Phong chẳng nghe theo, An đành phải giở chiêu trò dỗi hờn và quyết không đụng đến một món nào dù cho cái miệng háu ăn kia đang ứa đầy nước miếng thèm thuồng. Hoài Phong vốn định thi xong tốt nghiệp là dừng ngay công việc học hành lại cơ nhưng bây giờ thấy An thế này, cậu buộc lòng phải lôi sách vở ra và tiếp tục nghiền ngẫm. Có như thế mới mong giảm bớt được gánh nặng lo âu trên đôi vai An và cũng là để con bé có thể yên lòng mà ăn ngon uống cạn đống đồ cậu đã cất công chuẩn bị trước đó.

Lúc đầu, vì chỉ là giả bộ để vui lòng An nên Phong thấy chán ghét và mệt mỏi với công việc học hành lắm nhé. Nhưng càng về sau, cậu lại càng thấy hào hứng và quyến luyến với nó vô cùng. Và cho tới lúc cận kề ngày thi để chia ly sách vở, Phong lại ao ước được quay lại những giây phút ôn thi ban đầu. Cũng phải thôi, vì với Hoài Phong, quãng thời gian miệt mài đèn sách vừa qua có lẽ chính là những tháng ngày hạnh phúc nhất trong đời khi cậu được cả gia đình hết mực quan tâm.

Vốn dĩ Hoài Phong định tự mình đi tới điểm thi đại học cơ nhưng bà nội lại dứt khoát không đồng ý. Nhất định phải có bố cậu hộ tống đi cùng thì bà mới cảm thấy yên lòng. Chính thế nên mấy ngày gần đây, chiều nào tan sở xong, bố Phong cũng tranh thủ tạt qua bên trường cậu thi để tìm phòng trọ cho hai bố con nghỉ tạm buổi trưa hôm đầu. Có điều vì cho rằng bố làm thế tất cả cũng bởi nghe theo lời bà và bà thì vì muốn giữ đẹp hình ảnh gia đình trong mắt làng xóm xung quanh nên mới o ép bố như vậy, nên thực lòng Phong thấy mang nợ nhiều hơn là cảm nhận được tình thương mà họ đang dành cho cậu. Huống hồ từ trước tới nay, mối quan hệ giữa Phong với bà và bố vốn chẳng mấy mặn mà gì cho cam. Tuy luôn cố tỏ ra dưng dửng trước sự quan tâm đột ngột này từ bà và bố nhưng chiều tối hôm nay, thấy bố về nhà muộn hơn mọi hôm đến tận nửa giờ, trong lòng Phong bỗng thấy cồn cào, lo lắng không yên. Gọi điện mãi nhưng bố chẳng nghe máy, Phong nóng ruột quá mới định đi ra ngoài đường đứng đợi. Vừa chạy tới nơi đầu ngõ, Phong đã trông thấy bố đang đứng nói cười rôm rả với mấy bác gái hàng xóm quanh nhà. Tính bước tới và mời bố về dùng bữa cơm chiều, nhưng nghĩ thế nào Phong lại đứng nép sau vách tường gần đó để lén theo dõi bố từ phía đằng xa. Cậu thực lòng tò mò muốn biết, bố và mấy bác gái kia rốt cuộc đang nói gì mà vui vẻ đến vậy.”Bệnh trăng hoa tái phát?”

Ý nghĩ ấy vừa dứt, cũng là lúc Hoài Phong cảm thấy tự hổ ngay tức thì vì đã lỡ nghi oan cho bố. Không như những gì Phong tưởng, bố cậu chỉ đơn giản là đang hồ hởi chia sẻ cho mấy người hàng xóm ấy chút ít kinh nghiệm tìm phòng trọ cho ngày đi thi sắp tới mà thôi. Bằng trái tim của mình, Phong cảm nhận được trong từng lời bố kể có cả niềm hạnh phúc của một người cha có con đi thi đại học. Rồi chẳng cần họ phải hỏi, bố Phong cũng lại đem bảng điểm tốt nghiệp loại khá của con ra khoe đầy tự hào và vui sướng. Thậm chí, bố còn nhiệt tình giới thiệu về biệt tài dạy kèm của An cho bác ấy nghe nữa chứ. Đang tươi cười phớ lớ với những câu chuyện tưởng như không dứt, người đàn ông trung niên đó bỗng dưng thu dần cánh môi khi nhận ra cậu con trai đang đứng ngay sát phía bờ tường kia.

Trong khoảnh khắc mặt đối mặt với con thế này, người cha thường ngày vốn lạnh nhạt ấy bỗng dưng lại nở một nụ cười hiền hiếm hoi. Đầu óc ngập tràn những thức cảm xúc chẳng thể gọi tên, Hoài Phong quả đã bị nụ cười kia làm cho cứng đơ cả người mất rồi. Và cậu chẳng thể nào hiểu được rằng, đó – cũng chính là nụ cười mà bố cậu ngày đêm khao khát được trao đến cậu.

Suốt mười mấy năm qua, ngày nào bố Phong cũng tự trách móc bản thân mình sao mà hèn nhát đến vậy. Thực lòng, chú rất thương vợ và con nhưng do e ngại làm “phiền mắt” mẹ nên lại không dám bộc lộ ra bên ngoài, dù chỉ là một chút ít thôi. Phải cưới vợ sinh con thế kia, bố Phong hiểu đã làm ảnh hưởng đến thanh danh của gia đình lắm. Chính thế nên, chú luôn cho rằng hẳn là bà nội không hề ưa và có cảm tình với mẹ Phong chút nào. Xích mích giữa mẹ chồng và nàng dâu vốn là câu chuyện muôn thuở xưa nay, bố Phong sợ càng đứng lên bênh vực và nói đỡ mẹ con Phong trước những mắng chửi của bà sẽ càng khiến bà thêm ghét họ hơn nên từ đó tới giờ chú ấy nào có dám. Có điều, nói tới nói lui thì trong chuyện này, lỗi của Hoài Phong cũng chẳng hề nhỏ chút nào đâu. Từ trước tới giờ, Phong chỉ biết trách bố quá lạnh nhạt và hừng hờ mà không hề biết chính bản thân cậu cũng vô tâm chẳng kém. Hàng tháng, Phong cứ vô tư chìa tay “nhận lương” từ mẹ và đôi khi là cả những khoản phát sinh thêm vô bờ bến nữa chứ. Nhưng chưa khi nào Phong tự hỏi, người nội trợ không có thu nhập như mẹ thì lấy đâu ra tiền để chiều chuộng những lần vui chơi của cậu cơ chứ? Qủa vậy, ngoài việc cố nai lưng ra kiếm và chu cấp tiền cho con thì bố Phong thực không biết làm sao để bày tỏ niềm thương yêu và sự bù đắp của mình cho cậu. Và chắc rằng, chú ấy sẽ chọn cách bảo vệ vợ con mình như thế này đến hết cuộc đời mất thôi nếu như buổi trưa hôm đó, chú không được nghe bà tâm sự đãi đằng. Giãi bày lòng mình cho đối phương nghe, cả bà nội và bố Phong mới đều cảm thấy ân hận vì cách thương con dạy cháu sai lầm kia biết mấy. Gánh nặng trong lòng được trút bỏ, bố Phong sẽ có thể thoải mái bộc lộ tình cảm của mình cho cậu con trai duy nhất kia rồi.

Kết thúc dòng hồi tưởng triền miên, bố Hoài Phong bèn nói lời chào tạm biệt những người hàng xóm cạnh nhà tiến tới gần bên cậu. Vỗ vỗ vai con trai, chú ấy hạ giọng trầm ấm và nói:

“Tìm được nhà trọ rồi. Về ăn cơm thôi.”

*****

Sáng đầu tiên đi thi, Phong được bà và mẹ chiêu đãi một bữa điểm tâm với toàn những món làm từ đậu và đỗ. Bố Phong thậm chí còn cất công lọc cọc tìm đến tận anh sinh viên ưu tú nọ nhà mãi tận xóm bên đến đón cửa giúp Phong lấy hên thi đạt nữa cơ. Chính thế nên đứng trước kỳ thi trước giờ vốn chẳng hề quan trọng với mình kia, Hoài Phong bỗng dưng lại khao khát được đỗ đại học đến lạ. Càng cảm động trước sự quan tâm tận tình của gia đình bao nhiêu, cậu lại càng thấy tiếc nuối quãng thời gian học hành hời hợt và sự thiếu nghiêm túc trong lúc chọn trường thi bấy nhiêu. Gía mà Phong có thể quay trở về điểm xuất phát để làm lại từ đầu thì thật tốt biết mấy. Bấy giờ là hơn năm rưỡi sáng, ngồi đằng sau xe máy bố chạy rì rì, Hoài Phong bất giác lắc đầu cười phì đầy ngao ngản. Nếu để Phong tự tay cầm lái giống như ngày thường thì tốc độ này bố đi quả thực khiến cậu cảm thấy sốt ruột vô cùng. Nhờ vào mấy lời làng xóm đồn thổi nên lâu nay đối với Phong, bố cậu vẫn luôn là một người ăn chơi có tiếng trong vùng ngày đó. Phong cứ nghĩ bố chẳng những giỏi tài dẻo miệng trăng hoa mà khả năng cầm lái cũng phải đáng nể lắm cơ. Thật không ngờ hôm nay có dịp trải nghiệm, Phong mới gật gù sung sướng khi biết rằng “Thì ra, là con hơn cha mất rồi.”

Nhưng cũng nhờ như vậy, cậu mới có thêm nhiều thời gian để quan sát bố từ sau hơn nữa. Thì ra, bố có nhiều tóc trắng hơn Phong vẫn tưởng. Chẳng hiểu do tuổi tác đã đến lúc làm bạc mái đầu hay vì vất vả ngoài kia nên mới bố mới thành ra thế này nhưng bỗng dưng Phong thấy tình yêu dành cho bố trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Lại nhớ tới buổi tối hôm nọ nhìn lén bố từ phía đằng sau, nỗi khao khát được đỗ đại học trong Phong càng trở nên mãnh liệt hơn mấy phần. Bặm chặt môi quyết tâm, chốc nữa vào giờ, cậu nhất đính sẽ vận dụng hết khả năng của mình để quay bài đám bạn xung quanh cho kỳ được. Dù chỉ có một phần trăm hy vọng nhỏ nhoi, Phong cũng muốn đặt trọn vào đợt thi lần này.

Kết thúc môn thi đầu tiên, sau khi nộp bài và bước ra khỏi phòng thi, tất cả các thí sinh trong trường liền xôn xao tụ tập lại thành từng nhóm để so kết quả với nhau ngay lập tức. Nếu là đáp án trùng nhau thì y như rằng những sĩ tử đó sẽ ngay lập tức choàng vai bá cổ và reo hò inh oi đầy vui sướng, dù cho từ trước tới nay họ chưa hề hay tên biết mặt nhau bao giờ. Còn nếu lỡ có bài làm đi ngược với đám đông thì ngay lập tức cô, cậu học sinh đó sẽ xỉu mặt và lầm lùi quay lưng bỏ về, chẳng hề bận tâm xem rốt cuộc thì đáp án phải như nào mới đúng nữa cơ. Riêng Bảo An lại khác hoàn toàn. Vừa nộp bài xong xuôi một cái, An bèn nhằm hướng cổng trường mà bước nhanh chẳng hề nán lại. Mặc cho bao bạn lôi kéo nhập hội so đo, An cũng vẫn cương kết xua tay khước từ. Sở dĩ An làm vậy là bởi vì con bé đang tự tin với bài thi của mình khi nãy vô cùng. Lỡ giờ đối chiếu với hội bạn kia và phát hiện ra có sai sót gì thì An sẽ tuyệt vọng lắm đấy, ảnh hưởng lây cả đến tinh thần làm bài những môn sau cũng không biết chừng.

Trông thấy mẹ đang ngồi đợi trên chiếc xe máy từ phía đằng xa, Bảo An với lợi thế nhỏ người liền luồn lách giữa đám đông chật chội để chạy tới bên mẹ và leo tót lên xe. Rồi chẳng cần đợi mẹ phải mở lời hỏi han, An đã hào hứng khoe ngay về bài làm của mình khi nãy. Xoa xoa đầu An khen ngợi, cô Thục nở nụ cười mừng rỡ và nói:

“Giỏi lắm! An của mẹ chắc đói lắm rồi hả con?”

Áp sát mặt vào lưng và ôm chặt lấy vòng eo mẹ, An lên giọng nũng nịu vòi ăn:

“Vâng, bụng con sôi từ lúc giữa giờ cơ mẹ.”

Không để An phải cồn cào dạ dày hơn nữa, cô Thục mới chun mặt chọc con gái yêu một cái rồi nhanh chóng phóng xe rời đi. Vì là cháu gái độc nhất của dòng họ hai bên nên ngày hôm nay An được nhiều người hộ tống lắm nha. Chẳng những có mẹ tận tình đưa đón và đứng đợi trước cổng trường thi, An còn có cả ông bà nội ngoại ngồi chờ trong phòng riêng khách sạn đã đặt trước đó nữa cơ. Vốn dĩ cả An và mẹ chẳng muốn để ông bà phải lọc cọc đường xá xa xôi đến đây thế này đâu nhưng có khuyên ngăn cách mấy cũng không thắng nổi lý do to to của ông bà hai bên. Đằng nội thì nói thương cháu sớm đã mất cha, phải chịu không ít thiệt thòi tình cảm nên ông bà muốn bù đắp cho An. Họ ngoại cũng dứt khoát muốn đưa cháu đi thi vì theo lời ông bà thì đây chính là cơ hội duy nhất để họ biết được cảm giác chờ sĩ tử là như thế nào. Thuyết phục mãi chẳng được, An và mẹ buộc phải thuận lòng chiều theo ý ông ý bà trong niềm hạnh phúc khôn nguôi khó tả.Chạy vội lên phòng để tránh cái nóng buổi trưa bên ngoài, An muốn được sà vào lòng để được ông bà vuốt ve lắm rồi. Cánh cửa còn chưa hé mở, con bé đã vội to mồm để cho lời chào đi trước lọt vào bên trong:

“Con chào ông bà. Con về rồi đây ạ.”

Khoảnh khắc Bảo An đặt chân bước vào nơi giữa phòng, cũng chính là lúc những vị bô lão trong nhà đang ngồi trên chiếc giường êm vội vàng kéo con bé xuống và vội vàng hỏi thăm. Nắm chặt tay trái của An như thế đang muốn động viên truyền thêm sức lực, ông ngoại sốt sắng hỏi:

“Thi tốt chứ con?”

Trong khi An vẫn còn đang típ mặt vui sướng, gật đầu lễ phép và chưa kịp nói tiếng nào để đáp lại lời ngoại, thì ông nội ngồi cạnh bên đã nhanh chóng nói vào:

“Chắc chắn là trên cả tốt rồi.”

“Dạ!”

Mải tiếp chuyện hai ông, An vui đến độ quên luôn cả cơn đói còn đang cồn cào trong bụng nãy giờ. Cũng may là có hai bà cùng mẹ nhắc nhở con bé. Giống như bữa sáng nay và nhiều ngày trước đó, hiện tại An vẫn lại được chiêu đãi một mâm toàn những món làm từ đỗ xanh và đậu đỏ mà thôi. Nếu là ngày thường thì với người thích thay đổi khẩu vị như An chắc hẳn sẽ ngán đến độ chẳng thể nuốt trôi được rồi. Nhưng đây lại là tấm lòng và tình thương cả nhà trao tặng, An dù ăn nhiều cách mấy vẫn thấy ngon miệng vô cùng. Dùng xong bữa trưa thịnh soạn, trong khi cả nhà đều nghỉ ngơi ngoài phòng mát rượi, An lại lén chui tọt vào nhà vệ sinh để trách thầm bạn Phong. Ai bảo suốt từ nãy tới giờ, cậu chẳng thèm gọi điện hay nhắn tin hỏi thăm An lấy một lần cơ chứ. Hứ!

Hơi giận dỗi một chút nhưng rồi An cũng lấy máy ra và chủ động liên lạc trước với cậu bạn vốn nổi tiếng vô tâm Hoài Phong. Đầu dây bên kia vừa bắt máy, An chưa kịp hỏi han gì đã nghe thấy tiếng Phong tuôn cả tràng dài sốt sắng:

“Thi tốt đúng không? Đoán được bao nhiêu điểm? Có bỏ câu nào không thế? Nãy giờ bà với mẹ ở nhà gọi hỏi thăm nhiều quá, thành ra chưa gọi cho mày được. Xin lỗi nhớ.”

Gật gù theo từng lời nói của Phong, giờ thì An mới hiểu ra sự tình. Từ nhỏ tới giờ, Phong đã phải chịu nhiều thiệt thòi và thiếu thốn về mặt tình cảm rồi. Nay cậu được cả nhà quan tâm bù đắp, Bảo An đương nhiên là cảm thấy vui lấy với bạn rồi. Quên hết cả đống giận hờn mới chớm vừa rồi, Bảo An liền hào hứng khoe ngay với Phong buổi thi mỹ mãn của mình. Nghe xong Phong nức nở khen chán chê, An mới mở lời hỏi tình hình bên cậu và nín thở chờ đợi kết quả:

“Sao hả? Cậu làm bài được không? Toàn những dạng tớ cho cậu ôn rồi đấy.”

An đã hy vọng nhiều lắm đó nhưng thật không ngờ câu trả lời Phong sắp mang tới đây thật khiến con bé giận đến điên lên được. Bằng chất giọng bình thản, Phong đáp:

“Cả buổi thi tao nằm mơ thấy mình đỗ đại học mày ạ. Chẳng biết có được không nữa.”

Vượt ngoài những gì Phong tưởng tượng, Bảo An nghe xong chẳng hề la hét như bản tính vốn có ngày thưởng. Không muốn đôi co có ý đợi lời giải thích, An cứ thế phũ phàng cúp máy cái rụp ngay tức thì. Bỏ lại đầu dây bên kia, Hoài Phong còn đang mải cười vì đã trêu được An hờn dỗi.”Tồ lắm An ạ.”

Sau giấc ngủ say sưa trong phòng khách sạn, cuối cùng An cũng phải thức dậy và đối mặt với môn thi Lý buổi chiều. Thay vì liên tục gửi tới An những lời chúc tốt đẹp như ôn bà nội ngoại hai bên đã và đang làm, cô Thục lại chọn một cách riêng để thể hiện tình cảm và độ tâm lý của một người mẹ. Hiểu rõ con gái chẳng có tẹo teo kiến thức Vật Lý nào trong đầu, cũng không hề quá trông mong được đỗ khối A1 lần này nên mẹ đã đưa cho An một đống đồ lặt vặt được mang theo cùng lời nhắn: “Khoanh xong bài thì ngồi nghịch tạm cho đỡ chán, đợi hết giờ rồi ra con ạ.” Qủa đúng như lời mẹ nói, ngay sau khi được phát phiếu điền kết quả thi, Bảo An cứ thế khoanh lia lịa theo những gì linh tính mách bảo. Chưa đầy nửa giờ sau thì con bé hoàn thành bài thi trắc nghiệm của mình. Ngồi nghịch chai đá đang tan chảy, An lấy tay nhúng vào mấy giọt nước nhỏ đọng trên mặt bàn và vẽ nguệch ngoạc lung tung trong lúc ung dung ngồi đợi nghe tiếng trống đánh tùng. Chính thế nên sau khi hết giờ, Bảo An vinh dự trở thành thí sinh ra khỏi phòng thi sớm nhất trong buổi chiều nay. Vừa trông thấy có cô học sinh bước ra phía ngoài, mấy vị phụ huynh ngồi đợi con ở vỉa hè đối diện trường thi liền chạy tới bên con bé và sốt ruột hỏi han về độ khó của đề thi vừa rồi. Giả bộ “trúng tủ”, Bảo An cười toe sung sướng và đáp:

“Dạ, với sức học của cháu thì cháu thấy đề thi năm nay dễ lắm ạ.”

Tuy là khối đăng ký thêm để trải nghiệm trước cảm giác ngồi trong phòng thi nhưng đối với những môn học được như Toán với Anh thì Bảo An lại dốc hết sức mình và vô cùng nghiêm túc. Chẳng thế mà hôm nay thi Anh, An nào có được vinh danh ra sớm nhất phòng. Vì An còn phải đắn đo suy nghĩ nữa mà, đâu có thể làm tằng nhằng cho xong như bài Lý hôm qua.

*****

Sau một thời gian dài đếm ngược, cuối cùng thi giây phút mà Hoài Phong mong đợi lâu nay cũng đến. Vì chỉ đăng ký thi một khối A1 vừa qua nên giờ đây Phong đang rảnh rỗi vô cùng. Tuy đã thoát được kiếp nợ học hành và quẳng được gánh nợ trên vai lâu nay nhưng tâm trạng Phong lại chẳng hề thảnh thơi thoải mái như cậu vẫn tưởng lúc trước. Âu cũng bởi Phong đang bị An cấm gặp mặt cho tới khi An thi xong trường chính khối D của mình đó mà.

Chính vì tâm trạng đang chất chứa toàn đá với sỏi nên dù góp mặt vào vô vàn những cuộc vui cùng bạn bè lớp cũ và anh em đồng đội hội “Lượn” sớm hôm thì Hoài Phong vẫn không sao cất được gương mặt cau có và bí xì xị ở nhà. Rõ là tụ tập để được giải khuây sau thi cử, ấy thế mà phải chứng kiến bộ dạng cấm cảu của Phong thì ai nấy đều cảm thấy căng thẳng hơn gấp trăm ngàn lần. Không thể chịu đựng áp lực được hơn nữa, Trí mới nói một câu nửa đùa nửa thật thế này:

“Không cười được thì cút về hộ cái.”

Giữa lúc tinh thần đang cực kỳ xuống dốc vì thiếu vắng bạn An, Hoài Phong bỗng dưng lại nhạy cảm tới lạ. Chẳng để cho đám bạn xung quanh có cơ hội hùa vào cùng Trí trêu theo, chàng ta đã nhanh nhảu đứng lên và quát một chữ “Ờ” rõ to. Trước khi bỏ đi mất dạng, Phong còn tiện chân đạp bay cái ghế nhựa một phát cho hả hê cơn tức giận. Phũ phàng quay lưng, Hoài Phong cứ thế bước thẳng và chẳng thèm ngoảnh lại nhìn lướt đám bạn đang ngây người há hốc được một cái nào.

Khi Phong đặt chân bước vào nhà cũng vừa khít với giờ cơm tối sắp được dọn ra. Như thường ngày là tầm này bố đã về và đang ngồi theo dõi thời sự trong gian bếp nhỏ rồi cơ. Nhưng hôm nay, Phong lại chẳng trông thấy bóng dáng bố đâu hết cả, nhà cửa cũng vắng tanh. Đứng giữa nhà chào và gọi ý ới mấy câu, một lúc sau Phong mới thấy Hoài An từ trên tầng lao vội xuống dưới. Vừa chạy, An vừa nhanh miệng thông báo luôn cho anh trai rõ sự tình lúc này:

“Bố bị ngộ độc thức ăn, phải đưa vào viện anh ạ. Mẹ với bà đang ở trong đấy rồi anh.”

Rồi nhảy tới đứng trước mặt anh, Hoài An tiếp tục trình bày:

“Mẹ vừa gọi điện nói bố ổn rồi. Cơm em mới dọn xong, mẹ bảo hai anh em ở nhà cứ ăn trước đợi tiếp nước xong thì bố về.”

“Ờ, xuống thôi.”

Vỗ vỗ vai em mấy cái, Phong cứ thế quay lưng bước đi mà chẳng hề hỏi thăm thêm bất cứ thông tin gì. Có điều, tuy miệng kiệm lời là thế nhưng thực ra trong thâm tâm Phong đang rối bời bởi những suy nghĩ và lo âu đây. Vì cho rằng bố bị ngộ độc là do thức ăn bên ngoài hàng quán không được đảm bảo vệ sinh nên sau một hồi phân tích ngẫm ngợi, Phong quyết định từ mai sẽ dậy thật sớm để chuẩn bị bữa trưa cho bố mang đến cơ quan làm việc. Dù sao thì mấy lần trước nấu nướng phục vụ cho An, mọi người trong nhà ăn xong cũng khen nức nở lắm mà. Quyết tâm được đẩy lên cao, Phong đưa hay bàn tay bẻ khục răng rắc và hào hứng nói:

“Cứ vậy đi.”

Bỗng dưng thấy anh trai đột nhiên cất tiếng, Hoài An đang cặm cụi ăn cơm lấy làm giật mình lắm, liền ngước lên hỏi lại:

“Dạ?”

Và miếng cơm vào mồm, Hoài Phong cười tít mắt và lúng búng trả lời em bằng một lời đề nghị chẳng hề liên quan:

“Chốc nữa đi siêu thị cùng anh nhé!”

Vì ở nhà mẹ Phong đi chợ thường chỉ mua đồ đủ cho một ngày đủ dùng, thành thử ra nếu mai muốn nấu thì bây giờ cậu chỉ còn cách tự lết xác đến siêu thị và chuẩn bị mà thôi. Hơi bất ngờ trước lời đề nghị đường đột của anh trai một chút nhưng An cũng gật đầu nhận lời ngay. Dù sao thì em cũng vẫn đang trong thời gian nghỉ hè mà. Vả lại lâu lâu đi chơi thế này càng có dịp để cho tình cảm anh em đi lên chứ sao, An ưng lắm luôn.

Nhữngngày đầu tiên thấy Phong dậy sớm để thổi cơm xếp đồ, bố và cả nhà ai nấy đều lấylàm ngạc nhiên ra mặt. Riêng với Phong – một người hiếm khi và cực kỳ kém cỏitrong việc bày tỏ tình cảm – thì thấy ngại đến đỏ ửng khắp cả chân tay mặt mày.Nhưng dần dần sau đấy thì việc đó cũng trở thành thói quen mỗi ngày của Phongvà mọi người trong gia đình nhỏ. Vì để thay đổi khẩu vị và bổ sung thêm thậtnhiều dinh dưỡng cho bữa trưa bố dùng nên toàn bộ thời gian rảnh cả ngày, Phongđều dành ra để nghiên cứu và tập tành nấu những món ăn mới mẻ. Nhờ có Phongtranh chỗ đứng bếp suốt từ sớm đến chiều nên mẹ và Hoài An bỗng dưng lại trởnên “thất nghiệp” thảnh thơi mất rồi. Bận rộn cả buổi như thế, Phong cơ nhiên lạithấy ngày dài trôi nhanh hơn hẳn mấy phần. Chẳng mấy chốc đã đến ngày Phong đượcgặp An. Chỉ tiếc rằng, chưa vui vẻ và dính nhau được bao lâu thì cả hai lại nhậnđược một tin đáng buồn rằng, Hoài Phong chính thức trượt đại học mất rồi. 

______________________________________________________________________

Xin chào, lại là tớ, Còi đây!

Đây là quà 20-10 cho tất cả các nữ độc giả xinh đẹp của tớ, chúc mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với các nàng. Các bạn đọc là nam cũng cứ đọc thoải mái đi nhé, tớ mời nhiệt tình.:))

   
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.