Chương trước
Chương sau
Tôi ở ba đêm trong bệnh viện, đêm đầu tiên ở khoa Chăm sóc đặc biệt nơi tôi phải truyền một đống thuốc với nhiều dây dợ lằng ngoằng trong khi Milly nằm bên cạnh tôi trong cái nôi nhựa, với áo khoác và mũ trắng, chân tay nó vẫy như những bông hoa bạt phong. Trên cổ tay có đeo một cái thẻ nhỏ viết “Bé Temple”.
“Amelia Lucy Mary Temple,” tôi thì thầm khi ôm nó trong vòng tay mình. “Amelia và Lucy là tên bà ngoại và bà nội của mẹ, Mary là tên của mẹ mẹ, còn Temple là họ của mẹ. Vậy con là Cô Milly Temple.” Tôi hôn lên đỉnh đầu nó. “Chào mừng con đến với thế giới này.”
Những đêm ở bệnh viện thật là khủng khiếp, tiếng khóc của hơn hai mươi đứa trẻ sơ sinh làm tôi không thể ngủ được. Một vài đứa khóc như mèo con; một vài đứa khác kể cả Milly thì ré lên như chim công; có một đứa còn khóc như một chú voi nhỏ với tiếng kèn trômpét, đứa bé ở giường bên cạnh thì kêu be be suốt ngày như một chú bê nhỏ.
Tôi cảm thấy thật rầu rĩ khi ban ngày cứ phải chứng kiến những bà mẹ khác có chồng đến thăm, những nụ hôn chúc phúc và rồi được đưa về nhà với sự nâng niu dành cho những vị thần chiến thắng. Tôi cũng được ba tôi đến đón nhưng cảm giác chẳng giống chút nào. Đáng lẽ Xan phải làm điều đó, tôi nghĩ thế khi cùng ba tôi và Milly ngồi trong cái xe đẩy đi qua cánh cửa xoay.
Tôi email cho Xan ba tấm ảnh của Milly. Nét mặt của nó trông đã có vẻ giống anh ta, một bản sao nhỏ với đường nét nữ tính, đến mức tôi hy vọng anh ta sẽ mủi lòng nhưng Xan chẳng hề hồi âm. Và như là để đền bù cho sự lạnh lẽo từ Xan, tôi nhận được vô số quà và hoa từ gia đình và bạn bè. Cứ mỗi ngày lại có một gói quà được gửi đến, khi thì một chú gấu teddy hay một thứ đồ chơi, khi thì một cái váy hồng nhỏ xíu.
Nhưng món quà lớn nhất đến từ ba tôi. “Ba muốn con thuê một người chăm sóc bà đẻ - một vú em,” ba tôi nói, lúc đó vào đầu tháng Năm. Ông lên Luân Đôn và ghé xem tôi thế nào.
“Tại sao ba lại nghĩ thế?” tôi hỏi và ngước lên nhìn ông từ bàn vẽ.
“Cassie bảo thế - có vẻ như hội đan lát của nó có một cơ sở chuyên cung cấp dịch vụ vú em. Ba nghĩ đó là một ý kiến hay. ”
“Đúng thế. Nhưng tận bảy trăm bảng một tuần. Con không kham nổi.”
“Ba sẽ trả thay con.”
Tôi đặt cây cọ xuống. “Không, ba à, thực ra như thế là quá nhiều - và con tin là con sẽ xoay xở...”
“Nhưng con cần ai đó chăm sóc bản thân con. Anna, hãy để ba làm điều này giúp con. Đó không phải là sự hoang phí mà là sự cần thiết, vì con chẳng có ai bên cạnh cũng như chẳng có mẹ.”
“Không có, nhưng mà...”
“Nếu bà ấy vẫn còn sống, bà ấy sẽ ở đây và giúp con, chỉ cho con biết những gì phải làm, phải không nào?”
“Vâng, đúng thế ạ,” tôi buồn bã đáp.
“Vì vậy ba sẽ làm điều tốt nhất trong trường hợp này. Một vú em - trong sáu tuần.”
“Nhưng chừng ấy sẽ ngốn mất của ba gần bốn ngàn năm trăm bảng.”
“Con không nhớ là ba giúp Cassie suốt à. Ba luôn nuông chiều nó,” ba tôi nói và nhìn ra ngoài cửa sổ. “Như thế là bất công đối với con.” Ba tôi quay lại. “Nên ba muốn làm một điều gì đó giúp con. Con hãy xem đó là quà ba mừng cháu, Anna. Điều đó sẽ làm ba rất hạnh phúc.”
“Vâng, thế thì được ạ, con cám ơn ba.” Tôi nói khe khẽ.
Và thế là một ngày sau khi tôi xuất viện, Elaine đến.
Tôi đã gặp Elaine hai tuần trước khi bà ta đến phỏng vấn. Bà người Úc, tầm gần sáu mươi, dáng người gầy và gọn gàng, mái tóc màu vàng tro được búi cao với một cọng kính đồi mồi nhỏ treo trên cổ. Ở bà ta toát lên một vẻ điềm đạm khiến bạn không thể lớn tiếng được. Chỉ sau mười phút gặp gỡ, tôi thấy bà có vẻ ổn.
Bà ổn thật. Không thân quen nhưng rất thân thiện. Bà làm việc không một lời cằn nhằn, cho Milly ăn và ngủ vào giờ giấc quy củ. Bà đi lại trong ngồi nhà lặng lẽ như một con mèo.
Tôi nằm lì trên giường trong suốt ba ngày để phục hồi sau ca mổ. Nhưng ngay khi tôi bắt đầu đi lại Elaine đã chỉ cho tôi cách dùng thuốc sát trùng, cách cho bú tốt, cách nựng Milly và tắm cho bé - việc tắm cho cái cơ thể bé nhỏ này làm tôi luôn thấy sợ - rồi thì làm sao để dỗ dành Milly cho con bé không giật mình. Bà dạy tôi cách hát ru con ngủ và cách gập xe nôi. Elaine nấu nướng và giặt giũ cho mẹ con tôi; bà để tôi nghỉ ngơi và đi mua đồ trong khi Milly đang ngủ.
“Bà vú em có giúp gì được cho con không?” Ba tôi gọi điện hỏi thăm một tuần sau khi bà Elaine đến.
“Tuyệt vời,” tôi thốt lên. “Bà ấy như thiên thần Gabriel và y tá Florence Nightingale kết hợp làm một.”
Chúng tôi chuyện trò khi đã quen nhau. Elaine đến từ Melbourn nơi trước đó bà là một y tá. Bà đã ly thân với chồng được gần một năm.
“Tháng Tư năm ngoái tôi nhìn thấy một mẩu giấy Don để lại trên cái bàn trong bếp,” bà kể khi chúng tôi ngồi dưới bóng một cái ô đặt trong trong mảnh vườn nhỏ, vào một buổi sáng nắng đẹp cuối tháng Sáu. Milly nằm hiền lành trong vòng tay Elaine, được bọc trong một cái chăn mềm màu hồng, đôi mắt hơi nheo nheo trong giấc ngủ. “Mẩu giấy viết rằng ông ta sẽ không về ăn tối vì ông ta đã bỏ tôi để đi với Julie - một người bạn thân của tôi.” Ít nhất là Xan chỉ bỏ tôi vì công việc, tôi nghĩ thầm. Như thế đỡ xấu hổ hơn. “Ban đầu tôi chẳng tin,” Elaine nói, “vì cũng thật là trùng hợp hôm đấy là ngày Cá tháng Tư. Rồi tôi gọi điện cho ông ta và nhận ra đó là sự thật. Sau đó tôi mới hay rằng họ đã chung chạ sáu tháng nay. Tôi chẳng hay biết gì.”
“Thật là kinh khủng.”
“Trong suốt hai tháng trời, tôi chỉ ăn và ngủ. Tôi không ra khỏi nhà vì không thể gặp người quen. Tôi yêu Don - chúng tôi cưới nhau được ba mươi mốt năm. Và rồi một ngày tôi thức dậy và nói, “Chấm dứt nỗi khổ sở này đi.” Tôi chỉ mới năm mươi sáu tuổi và còn sống mấy chục năm nữa - Đó là ý Chúa rồi.” - bà gõ gõ lên cái bàn - “và tôi chấp nhận thực tế để tiếp tục sống. Hai đứa con trai tôi đã khôn lớn nên tôi quyết định sang đây.”
“Bác có quen ai không?”
“Một người bạn học cũ sống ở thành phố Bath và cháu trai tôi, Jamie. Nó đã ở đây được ba năm.”
Tôi ngắm nhìn mấy con ong đang vo ve quanh cây oải hương. “Bác thật dũng cảm khi đến đây.”
“Cũng có thể như thế - mặc dù cô có thể nói tôi đang chạy trốn. Nhưng tôi biết phải thay đổi hoàn toàn môi trường sống thì tôi mới sống được.” Bà vuốt ve bàn tay duỗi ra của Milly. “Nhưng mà tôi hợp với nghề làm vú em. Tôi yêu quý những đứa trẻ sơ sinh - tôi không phiền khi phải thức đêm vì tôi ngủ rất ít - Nghề này làm cho tôi được đi nhiều nơi và gặp nhiều người tốt. Tất nhiên là tôi nhớ Don nhưng mà ít ra thì bây giờ tôi đang chọn cho mình một cuộc sống không đến nỗi nào.”
“Bác quả là một người lạc quan,” tôi nói. “Cháu phải cố thành người như bác và không cảm thấy hối hận về những gì mình đã làm nữa.”
“Vậy... còn về chồng cô?” Bà hỏi. Tất cả những gì tôi đã kể với bà là tôi và Xan đã chia tay. “Đáng lẽ tôi không nên xía vào,” bà nói thêm, “cô bỏ qua cho tôi đã hỏi thẳng và không cần phải trả lời đâu.”
Tôi cười. “Không sao đâu ạ. Thực ra thì cháu muốn kể cho bác nghe...”
“Giờ cô cảm thấy thế nào về anh ta?” bà ta hỏi khẽ khi tôi nói xong.
“À... nhìn chung là cháu cảm thấy tiếc cho anh ấy. Sự thật là anh ấy quen cháu chưa đủ lâu. Với lại đáng lẽ cháu phải cẩn thận hơn để không có thai - cháu biết là cháu đã rất phiêu lưu đêm đó. Nhưng có một điều gì đó... rất lạ xâm chiếm lấy cháu và cháu không còn là chính mình nữa.”
“Những người bị mất người thân thường như thế,” Elaine nói.
“Cháu không trách việc Xan cảm thấy tức giận. Thế nhưng lúc đó anh ta đã ba mươi bảy rồi chứ còn trẻ nữa đâu, và anh ta cũng chẳng nghèo khó gì, vì thế cháu nghĩ anh ta phải cư xử người lớn hơn nhiều chứ. Giờ đây Milly đã được ba tuần tuổi mà anh ta vẫn chưa thừa nhận sự tồn tại của nó. Như thế có vẻ thật nhẫn tâm.” Tôi nói trong thất vọng.
“Có lẽ anh ta sợ,” bà nói.
“Milly có thể khiến ai sợ được chứ?” tôi thốt lên, xoa đầu con bé. Nó mềm như lông vũ.
“Anh ta sợ thứ mà nó mang lại. Bởi vì khi anh ta thừa nhận sự tồn tại của nó anh ta cũng đồng thời phải thừa nhận thực tế anh ta là một người cha và sự tự do của anh ta sẽ chấm dứt. Thêm nữa có thể anh ta muốn trừng phạt cô.”
“Có lẽ đúng. Anh ta nói sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho cháu.”
“Nhưng anh ta sẽ cảm thấy khác đi. Mọi thứ sẽ thay đổi. Luôn như vậy.”
Có thể những lời này không hẳn là của riêng Elaine nhưng cách suy nghĩ của bà luôn chính xác. Và bà có một biệt tài về sự đồng cảm - khả năng hiểu và chia sẻ tình cảm của người khác một cách sâu sắc và sáng tạo.
Một tuần bà làm việc sáu ngày, còn ngày Chủ nhật nghỉ. Vào những ngày đó bà đón tàu sớm lên Bath và ở chơi với bạn rồi quay về hai mươi tư giờ sau đó. Hai ngày Chủ nhật đầu tiên, ba tôi lên thăm tôi. Ngày Chủ nhật tiếp theo, Cassie đến với một đống đồ đan lát. “Em xin lỗi vì chúng có vẻ luộm thuộm.” Nó giải thích. Chúng có rất nhiều chỗ đan bị lỗi. “Tại vì bọn em buôn dưa lê với nhau suốt ở câu lạc bộ nên em không để ý đến chúng. Đến khi phát hiện ra thì đã muộn và em ghét phải tháo ra đan lại.”
“Không sao cả,” tôi nói. “Chúng rất... xinh xắn.” Tôi ước gì Cassie có thể dệt cuộc đời của mình thành một thứ gì đó có ý nghĩa hơn.
“Còn cái này là của chị.” Tôi mở một túi quà nhỏ. Bên trong là một lọ kem chăm sóc da Crème de la Mer.
“Hay thế, cám ơn em, Cassie!”
“À, em nghĩ là chị sẽ cần một ít mỹ phẩm sau khi sinh em bé. Dù sao thì” - nó chìa một ngón tay ra cho Milly nắm - “Cháu thật dễ thương. Phải không nào, cháu yêu? Đúng quá đi, cháu thật đáng yêu. Nó giống mẹ, chị nhỉ?” nó nói nhỏ. Điều này khiến tôi ngạc nhiên vì rất ít khi Cassie nhắc đến mẹ - giống như kiểu nó không thể chịu nổi việc đó.
“Cũng hơi giống. Cái miệng và cái cằm.”
“Nó khỏe chứ chị?”
“Rất khỏe.”
“Thế còn chị?”
“Hơi đau ở đầu ngực.”
“Anh ta có liên lạc không ạ?” Cassie hỏi thẳng thừng theo đúng kiểu của nó.
“Không. Anh ta chẳng hề liên lạc và quả thực là chị chẳng muốn nhắc đến anh ta.” Tôi lẩm bẩm.
Cassie buông mình xuống một cái ghế. “Em nghĩ là em biết vì sao hai người không đi đến đâu cả.”
“Làm sao em có thể biết?” Tôi hỏi với giọng uể oải. “Em mới chỉ gặp anh ta có năm phút.”
“Đúng thế - nhưng em có thể nói rằng anh ta... không ở yên một chỗ được. Có vẻ như anh ta sinh ra chỉ để bay.”
“Chị chẳng rõ vì sao em biết điều đó khi ngay cả chị cũng không.” Tôi phản đối. “Cái chính là chị chưa kể cho em nghe bất cứ điều gì về anh ấy.”
“Là bởi vì đôi giày anh ta di,” Cassie đáp.
“Cái gì cơ?”
“Em nhận thấy là anh ấy đi giày vải. Chúng thường bị mòn vì người ta phải đi nhiều quá.”
Tôi chằm chằm nhìn Cassie. “Thêm nữa tên của hai người hoàn toàn chẳng hợp nhau tý nào. Làm sao mà chị có thể đi cùng một người tên là Xan trong khi tên chị là Anna?” Nó nói tiếp. “Xan và Anna” nghe chẳng lọt tai, chị thấy đúng không? Ngược lại cũng thế - mặc dù em cứ cho là hai người có thể gọi bằng một cái tên chung là “Xanna”. Nó buộc mái tóc dài lại thành một búi và ghim nó vào bằng một cây bút chì trong khi hỏi tôi điều đó.
“Chuyến đi nghỉ mát ở suối nước nóng bên Áo của em thế nào?” Tôi hỏi lại nó nhằm thay đổi chủ đề.
“Cũng vui chị ạ,” giọng nó không hào hứng lắm, “nếu như đồ ăn không tệ thế. Tất cả những gì bọn em được ăn là vài khẩu phần ít ỏi bao gồm sữa chua trắng và bánh mì chua, thứ mà phải nhai đi nhai lại mãi mới nuốt trôi được.”
“Thế tất cả chi phí cho chuyến du hí này là bao nhiêu?”
“Trọn gói là hai ngàn.”
“Chỉ cho một ngày cuối tuần? Ôi Chúa ơi. Thế chắc công việc của em đang tiến triển tốt lắm. Em đang làm gì thế?”
“Chắc chị chẳng nghe nổi đâu,” nó vui vẻ trả lời.
“Vẫn tạm thời thôi à?”
“À thì... cơ quan chẳng có nhiều việc lắm vào lúc này nên em tranh thủ kiếm việc làm thêm ban đêm.”
“Việc gì?” Tôi hơi nghi hoặc.
“À, chỉ là trò chuyện qua điện thoại thôi mà...”
“Với ai?”
“Phái mạnh,” nó trả lời. Nó rút cây bút chì cài đầu ra và mái tóc xõa xuống với một tiếng động nhỏ... “Đàn ông.”
“Em nói chuyện với đàn ông qua điện thoại? Về chuyện gì? Có giống như là nghiên cứu thị trường hay đại loại vậy không?”
“Không phải.” Nó thở dài. “Chỉ vì họ khá cô đơn và hơi... buồn một chút, thật ra là...”
Tôi lăn đùng ngã ngửa ra. “Ôi Chúa ơi - em chat sex. Làm ơn đừng nói với chị là em đang chat sex qua điện thoại,” tôi nói và tự dằn vặt mình như mọi lần với câu hỏi vì sao tôi và Cassie cùng chung máu mủ mà lại khác nhau thế. Khác nhau một trời một vực - trong bất cứ chuyện gì tôi luôn nghĩ rằng như thế vẫn chưa đủ để miêu tả sự khác biệt giữa chị em tôi. Không, tôi và Cassie đối lập nhau như nước với lửa mới đúng.
“Ừm... em thích gọi nó là “dịch vụ giải trí người lớn qua điện thoại”.”
“Em có thể gọi bằng gì em thích nhưng nó vẫn thật là... dơ dáy, Cassie à.”
“Không hẳn như thế,” nó nói với giọng nhã nhặn. “Tất cả những gì em làm chỉ là nói chuyện với đàn ông thôi mà - Em tự gọi mình là “Jade”- và cũng chẳng mất nhiều thời gian. Trung bình mỗi cuộc gọi chỉ khoảng sáu phút, chị biết không em có thể vừa đan áo khi đang nói chuyện - mặc dù có một vài người muốn nói những chuyện rất là bất bình thường và...”
“Thôi đừng kể thêm nữa. Chị chẳng hiểu sao em có thể làm công việc đó!” tôi cắt ngang lời nó.
“À,” Cassie vẫn tiếp tục - Nó ít khi nổi nóng - “Em có thể vì em chẳng tỏ ra đoan trang, và vì em có trí tưởng tượng phong phú: đối với em, nó là một phần của cuộc sống vốn đa dạng và phong phú,” nó ung dung nói. “Quan trọng nhất là em có thể kiếm được một trăm năm mươi bảng một giờ.”
***
Một ngày cuối tháng Sáu, Jenny gọi điện và mời tôi sang nhà uống trà vào Chủ nhật. Bé gái của chị đã sinh được mười ngày- muộn hai tuần - vì thế đây là dịp đầu tiên chúng tôi gặp nhau với những đứa con của mình.
Tôi cho Milly ăn rồi đặt nó vào cái địu trước ngực với cái mũ che nắng màu hồng rồi đi bộ dọc vỉa hè của đường Goldhawk để đến Công viên Hesketh. Chỉ sau vài phút nhịp chân đều đều của tôi đã khiến Milly thiu thiu ngủ và cái đầu nó rủ về phía trước như bông hồng héo dưới ánh mặt trời. Sợ con không thở được, tôi cố nâng đầu nó về phía sau nhưng nó lại chúi về phía trước như cũ, vậy là tôi nhẹ nhàng đặt đầu nó gối lên tay trái của mình. Giải Wimbledon đang diễn ra nên khi đi ngang qua tôi nghe thấy tiếng những quả bóng tennis bay qua những ô cửa sổ đang mở, rồi tiếng vỗ tay lộp độp như tiếng mưa bất chợt.
Jenny có một căn hộ ở tầng trệt của tòa nhà cuối phố. Tôi đặt chân lên những bậc cửa bằng sắt. Một cái đèn chuông báo động đang nhấp nháy, những ô cửa sổ được cài thêm những thanh chắn ngang và trên cửa có dán tờ giấy cảnh báo để xua những người bán hàng rong và phát tờ rơi quảng cáo. Ngoài ra còn có một cái logo của hội “Neighbourhood Watch.”
Tôi bấm chuông và sau một lúc có tiếng then cài cửa được rút ra, rồi tiếng ổ khoá lách cách và cuối cùng là tiếng một sợi xích được tháo ra.
“An ninh chặt thế,” tôi nói khi Jenny mở cánh cửa. “Trông như pháo đài Knox ở đây vậy!”
“À... khu vực này cũng hơi phức tạp. Với lại chị ở một mình với cháu, ngay tầng trệt nên...”
“Tất nhiên rồi - cẩn thận không thừa mà.”
“Đúng thế thật,” chị cười. “Vào đi. Cho chị xem cháu nào...” Tôi cởi chiếc mũ của Milly ra. “Bé dễ thương quá.”
“Cám ơn chị,” tôi dâng trào niềm tự hào của người mẹ.
Tôi đi theo Jenny dọc hành lang hẹp vào một phòng khách nhỏ, ở đó có một chiếc giỏ nôi đang được đặt giữa cái ghế sôfa. Tôi nhìn vào bên trong. Em bé của Jenny đang nằm ngửa, hai tay giơ lên như là tù binh đầu hàng. Nó có mái tóc lơ thơ màu vàng nhạt; đôi môi tròn trịa như một cánh cung; đôi mắt to với hàng mi rậm đang hấp háy mơ màng. Đôi gò má ửng hồng như quả đào.
“Cháu bé xinh thật,” tôi nói. “Nó có khuôn mặt của một thiên thần.”
“Khuôn mặt của một thiên thần,” Jenny lặp lại, không giấu được vẻ buồn bã, tôi nghĩ vậy. Trông một thoáng im lặng sau đó tôi băn khoăn không biết có phải chị ấy đang nghĩ về cha đứa bé và có phải chị ấy đang ngóng anh ta không, như tôi vẫn đang ngóng trông Xan vậy.
“Bé trông giống chị đấy chứ,” tôi nói tiếp.
“Em nghĩ thế à?” Jenny sung sướng hỏi lại, như thế tôi vừa thốt lên điều gì đó hơn cả sự mong đợi.
“Em nghĩ thế. Và Grace là một cái tên đẹp.” Tôi cởi cái dây địu ngực ra. “Có phải chị đặt tên đó vì nó được sinh vào ngày thứ Ba?”
Jenny lắc đầu. “Chi quyết định lấy tên đó rất lâu trước khi nó ra đời - ngay khi biết mình mang thai bé gái.”
“Làm sao chị biết? Chẳng thấy chị nói gì bao giờ.”
“Chị chẳng nói với ai – chị muốn giữ điều đó cho riêng mình.”
“Điều đó cũng dễ hiểu mà - nhưng mà sao chị lại muốn biết?”
“Bởi vì... Chị nghĩ điều đó sẽ giúp chị gắn bó với con hơn. Chị muốn điều đó xảy ra càng sớm càng tốt.”
“Thế chị thích con trai hay con gái hơn?”
“Không,” Jenny trả lời một cách thận trọng. “Nhưng khi bác sĩ siêu âm bảo là con gái thì chị cảm thấy dễ chịu.”
“Em cũng cảm thấy thế,” tôi đồng ý với chị khi bế Milly đặt lên vai mình. “Nhưng chỉ vì em nghĩ việc không có cha đối với con gái không nặng nề bằng con trai.”
Jenny gật đầu. Rồi chúng tôi cùng lướt qua những cái tên mà những bà mẹ khác trong lớp học đặt cho con của họ. Chúng tôi nhận được một số email thông báo những đứa bé chào đời với những cái tên như Louis, Jacob, Amelie, Lucas...
“Cả tên Lilac (Tử Đinh Hương) nữa này,” Jenny trợn mắt kinh ngạc.
“Ít ra cũng không phải là Daffodil (Thủy tiên),” tôi nhận xét.
“Hoặc là Mesembryanthemum!” Chị hóm hỉnh. “Cặp sinh đôi của chị Katie tên là Jonah và George.”
“Tiếp theo tất nhiên là Erasmus,” tôi khịt mũi. “Ai ngoài bà Citronella có thể sẵn sàng đặt tên con là Erasmus Pratt – Barker - Joné?”
“Tội nghiệp thằng nhóc,” Jenny nói. “Và cả đoạn miêu tả ca sinh nở nữa - em đọc chưa?”
Tôi trợn tròn mắt. “Không sót một chi tiết nào - giống như thể là bản thân tất cả chúng ta chưa ai trải qua việc đó vậy!”
“Thôi thì ít ra mình sẽ không phải gặp lại chị ta nữa,” Jenny buông một câu nhẹ nhõm khi bước vào bếp. “Mình vào uống trà đi.”
“Em có thể giúp gì không?”
“Có đấy - ngồi nghỉ đi.”
Khi Jenny đang đổ đầy nước vào ấm, tôi đến bên cạnh mấy cái cửa sổ kiểu Pháp đang mở và nhìn ra mảnh vườn trong sân nhà. Nó hầu như chẳng có gì ngoài một vài cây phong lữ trắng nằm rải rác, mấy cây nữ lang màu hồng đậm và một cây ngọc giá to bự trồng trong một cái chậu men.
“Chị biết là mảnh vườn trông lộn xộn lắm,” Jenny phân trần.
“Em không nghĩ thế. Chỉ cần thêm một vài thứ nữa là được,” tôi ngước mắt lên trời. “Nhưng nó hướng về phía tây, như vậy là được.”
“Chị cũng muốn tô điểm cho nó nhưng ngặt một nỗi là chị chẳng biết gì về vườn tược.”
“Em có thể cho chị một vài loài cây.”
“Thật chứ?”
Tôi chuyển sang nhìn quanh căn phòng. Giá sách trên tường xếp đầy những quyển tiểu thuyết kinh điển, và những quyển sách dày cộp về giáo dục và tâm lý học: Lý thuyết Phái Yếu và Việc trao quyền cho Phụ nữ; Chuyện về các nam sinh; Các vấn đề về nam giới ở trường học; Nữ quyền trong thế giới ảo; Vấn đề giới trong tranh luận. Phía trên lò sưởi treo một bức tranh lụa sặc sỡ, trên một bức tường khác treo một bức tranh khỏa thân màu tùng lam, nhưng tuyệt nhiên không có một tấm ảnh gia đình nào, chỉ có một hay hai tấm thiệp chúc mừng ca sinh nở như thể Jenny chẳng thông báo cho ai về chuyện đó. Cũng chẳng có một dấu hiệu nào về người đàn ông là cha của bé Grace cả.
Cho đến nay, tôi quen Jenny đã được ba tháng. Tôi biết một chút về tuổi thơ của chị ở Bắc Ailen; tôi biết chị có một chị em sinh đôi giờ đã lập gia đình và sống ở Pháp; tôi biết ngôi trường nơi Jenny từng dạy và cả những hành vi khá bạo lực mà chị ấy phải chịu từ một vài đứa học sinh hư hỏng nhất. Riêng về đời sống riêng của mình thì chị chẳng hé nửa lời.
“Em cảm thấy việc làm mẹ thế nào?” chị bê ấm trà vào.
Tôi vuốt ve lưng Milly trong khi nó cọ mũi vào gáy tôi với tiếng rúc rích như chuột kêu. “Được làm mẹ thật là tuyệt - nhưng cũng vất vả không kém.”
“Chị thấy sợ,” Jenny để cái khay xuống. “khi cứ nghĩ rằng sự an toàn, sức khỏe và sự phát triển của một con người phụ thuộc hoàn toàn vào đôi tay thiếu kinh nghiệm của mình.” Chị mở nắp ấm trà, khuấy nó lên và nhìn tôi dò hỏi. Tôi nghĩ rằng chị sẽ hỏi tôi uống trà với sữa hay đường. “Em có hối tiếc gì không?” Đột nhiên chị hỏi tôi.
“Hối tiếc gì?”
“Ý chị là... sinh con một mình. Điều đó không dễ dàng, phải không nào - về mặt cảm xúc - nhiều lúc sẽ rất khó khăn... và cô đơn... sẽ có nhiều điều lo lắng...” chị nói từng từ một.
Tôi có hối tiếc gì không? Tôi nhớ có lần mẹ tôi nói - Mẹ không nghĩ sinh con là một sai lầm...- và bây giờ chính tôi cũng có thể nói điều đó. “Không, em chẳng hối tiếc gì,” tôi trả lời. “Chị thì sao?”
“Chị e là có,” chị nói nhỏ khi rót trà ra mấy cái tách. “Điều chị từng lo lắng nhất là chị sẽ không yêu quý con bé. Chị cần phải yêu nó,” chị tiếp tục với một chút căng thẳng khó hiểu như thỉnh thoảng vẫn để lộ ra.
“Nhưng chị yêu con bé mà?”
“Ồ vâng.” Chị đặt bàn tay lên ngực với vẻ khoan khoái. “Chị yêu nó nhiều hơn mình từng nghĩ - Càng ngày, chị càng yêu nó hơn.” Chị ngắm nhìn bé Grace. “Nó là một phép màu.”
“Thật vậy.” Tôi sờ má Milly. “Mặc dù em chẳng bao giờ hối tiếc về việc đã sinh ra nó, em vẫn thấy... buồn.”
“Tại sao vậy?” Jenny hỏi khẽ.
“Bởi vì Milly là một phần máu thịt của người đàn ông mà em yêu và mong được ở bên nhưng lại không yêu em hay muốn sống cùng em.” Cổ họng tôi khô khốc. “Dù rằng em đã sinh con cho anh ta.” Một dòng nước mắt lăn dài xuống má tôi và chảy vào khoé miệng với một vị mằn mặn.
Jenny đến ngồi cạnh tôi. “Chị có thể hiểu được điều đó,” chị dịu dàng nói rồi đưa cho tôi một cái khăn giấy. “Nhưng có thể khi tình cảm mẹ con giữa em và Milly vun đầy lên thì em sẽ thấy hạnh phúc và bao nhiêu nỗi niềm về việc không được ở bên người cha của nó sẽ tan đi.”
“Em cũng đang hy vọng như vậy,” tôi hít một hơi dài. “Nhưng chúng có thể tồi tệ hơn - khi con bé càng ngày càng giống ba nó, hay là hỏi em về ba nó khi nó lớn lên. Điều đó thật không dễ dàng.”
Khuôn mặt chị trở nên u ám. “Không.” Chị thở dài. “Điều đó sẽ không xảy ra.” Chị đưa tôi tách trà. Trên cái tách có dòng in dòng chữ “Đằng Sau Thành Công Của Một Người Phụ Nữ Chính Là Cô Ta!!” với những chữ cái to màu hồng. “Thế em có tin tức gì từ anh ta không?”
Tôi lắc đầu. “Nhưng nếu anh ta liên lạc với em, em quyết định là sẽ để anh ta gặp Milly - dù có đau đớn thế nào đi nữa. Em không thể ngăn cấm cha con họ gặp nhau.”
Jenny vặn người uể oải và quay lại ghế của mình. “À... trong trường hợp của em như thế có lẽ đúng.”
Đột nhiên tôi bạo dạn hỏi Jenny một câu hỏi riêng tư. “Chị có nghĩ là sẽ gặp lại cha của Grace không?” Có thể chị ấy sẽ dễ dãi hơn kể từ sau khi sinh đứa con.
“Không,” chị trả lời cương quyết và thở sâu như để trấn tĩnh. “Như chị từng nói, anh ta không xuất hiện...”
“Nhưng anh ta có thể giúp đỡ chị về mặt tài chính?”
“Ồ không.” Chị rùng mình với vẻ ghê tởm. “Và chị cũng không muốn như vậy ngay cả khi -” chị nhìn ra ngoài cửa sổ - “khi mọi việc... trở nên khác đi.” Jenny nhấp một ngụm trà. Cái tách của chị có in câu “Tôi Biết Suy Nghĩ, Vì Thế Tôi Vẫn Cô Đơn.” “Thế còn bà vú em của em thì sao?” chị hỏi tôi như muốn chuyển chủ đề.
“Bà ấy thật tuyệt.” Tôi cọ vạt áo lên miệng Milly. “Em ước gì bà ấy có thể ở hẳn với em.”
“Rồi em sẽ tự xoay xở được mà.” Jenny xua một con ruồi khỏi cái giỏ nôi. “Trẻ con ngủ nhiều nên em có thể làm được khối việc. Chị đã làm được một số thứ kể từ khi sinh Grace - hôm qua thậm chí chị đã viết được nửa bài luận văn của khóa học.”
Tôi để tách trà xuống. “Nhưng em đoán là chị cũng có ai giúp mà. Mẹ chị à?”
Jenny cười hiu hắt. “Ước gì...”
“Ồ, em cứ nghĩ là chị đang có mẹ giúp.”
“À, bình thường chắc là vậy, nhưng mà bà ấy và ba chị chưa đến thăm hai mẹ con.” Grace bắt đầu ngọ nguậy, Jenny nâng nó dậy và cởi cúc áo.
“Thế chắc họ ở xa?” Tôi hỏi chị, chưa bao giờ dạn dĩ đến vậy. Có thể họ vẫn đang ở Belfast.
“Không phải,” Jenny vừa nói vừa cho Grace ăn. “Họ ở ngay trên phố kia, ở Acton. Và Grace là đứa cháu đầu tiên nên em có thể nghĩ là họ mong mỏi lắm, phải không nào?” Chị hỏi tôi với giọng cay đắng. Jenny nâng Grace thẳng dậy và nựng nựng hai má con để kích thích sự thèm bú, ở lớp người ta dạy chúng tôi như thế.
“Thế, chị vẫn chưa... làm lành với ba mẹ à?” Tôi gặng hỏi, biết mình sắp đi quá đà.
“Chị đã thử,” chị lại thở dài. “Nhưng hai ông bà vẫn... không chấp nhận, để yên mọi việc.”
“Có phải vì... chị không sống cùng cha của Grace?” Tôi nghĩ mình đã vượt qua giới hạn cho phép.
“Đại loại như thế.” Jenny vẫn không giấu nổi tiếng thở dài. “Nhưng thật ra thì phức tạp hơn một chút.”
Như thế nào? Tôi vẫn muốn hỏi. Phức tạp như thế nào? Chị kể đi.
“Ba mẹ chị rất sùng đạo,” chị nói, như từng ấy có thể giải thích tất cả. Sau đó chị nói sang chuyện khác và tôi thầm nhủ sẽ không làm phiền chị bằng sự tò mò hơn nữa.
Khi đang đi bộ về nhà, tôi tự bảo mình rằng có thể Jenny yêu một người đã có gia đình. Nếu không tại sao ba mẹ chị ấy lại khắt khe đến thế? Có thể chị ấy dan díu với một người đàn ông đã có vợ và vợ anh ta phát hiện ra. Tôi tưởng tượng ra cảnh bà vợ lồng lộn bên ngoài nhà Jenny vào buổi sáng sớm, đập phá cửa và gọi chị bằng tất cả những cái tên thô bỉ nhất. Rồi những người hàng xóm thò đầu ra khỏi cửa sổ vì tiếng ồn ào còn ông chồng thì trốn khỏi nhà để khỏi phải ly dị. Tôi nghĩ tiếp đến cảnh ba mẹ chị Jenny, lửa giận bốc ngùn ngụt và kinh hoảng với việc con gái có thai theo cách đó, đến mức họ từ chị - có cháu ngoại hay không cũng mặc.
Tôi mở cửa và nghĩ mẹ tôi chắc sẽ chẳng bao giờ cư xử như vậy. Chẳng có gì ngăn được bà đến với các cháu của mình, dù chúng có được sinh ra thế nào đi nữa. Và giả sử anh Mark có ở với chị Carol và có con với chị ấy, mẹ tôi cũng sẽ chấp nhận và làm một bà nội tuyệt vời. Tôi thấy nhói đau trong lòng khi nghĩ đến những mất mát mà mẹ tôi và Milly phải chịu khi hai bà cháu không được gặp nhau. Nhưng sao lại thế nhỉ, tôi chợt thắc mắc khi cởi cái địu ngực, bạn trai của Jenny có đồng ý không có bất kỳ liên hệ nào với con của anh ta không? Có thể đó là cái giá mà anh ta phải trả để không phải ly dị vợ - hoặc cũng có thể anh ta sung sướng khi không phải có trách nhiệm gì. Cũng có thể anh ta vẫn không biết Jenny có con với anh ta. Nhiều khả năng là như vậy.
Hay Jenny là người đồng tính, tôi phân vân khi đang cho Milly ăn - không phải lần đầu tiên tôi nghĩ vậy - việc chị ấy không bao giờ trang điểm và để tóc ngắn không phải là bằng chứng sao. Có lẽ bạn trai của Jenny là cha của một trong những học sinh của chị ấy, tôi vừa đoán vừa đặt Milly ngồi dậy và nựng nó. Điều này giải thích vì sao Jenny phải bỏ dở việc dạy học của mình - có thể chị ấy bị đưa ra hội đồng kỷ luật và bị sa thải. Dù là giả thuyết nào đi nữa thì Jenny cũng sẽ không nói. Dần dần chị ấy sẽ để lộ ra thôi, chắc vậy.
Tối hôm đó tôi nhận được một email từ Xan: Nhìn những tấm ảnh em gửi, anh nghĩ thử ADN là không cần thiết. Tuy nhiên, anh muốn gửi cho em ít tiền. Em hãy đưa cho anh số tài khoản để anh có thể gửi thẳng vào đó. X.
Tôi nhìn chằm chằm vào chữ “X”: khi tôi ở bên Xan, chữ X tượng trưng cho một nụ hôn - giờ đây nó đơn giản là dấu gạch chéo lên quan hệ của chúng tôi.
Cám ơn anh nhưng tôi không cần. Tôi trả lời.
Cảm giác dễ chịu của tôi khi bà Elaine quay lại vào sáng hôm sau sớm bị thay thế bởi nỗi lo lắng khi nghĩ rằng bà ấy sẽ ra đi chỉ sau chưa đầy hai tuần nữa. Sự có mặt quý báu của bà đã khiến tôi rơi vào một tình trạng an nhàn đến mức tôi gần như quên mất là mình sẽ phải sớm quay lại làm việc. Vậy nên tôi mang đi in đống giấy tờ văn phòng và hoàn thiện trang web. Tôi đăng quảng cáo trên hai tạp chí ở Tây Luân Đôn. Với sự trợ giúp của Elaine, tôi sắp xếp xong phòng làm việc trên gác xép - nơi mà trước đây tôi chỉ dành để đồ cũ. Tôi đã sơn sửa lại những chỗ nứt và bây giờ trên những bức tường còn nguyên mùi sơn là những cái giá đựng đầy sách về nghề làm vườn, hầu hết là của mẹ tôi. Lúc nào có thời gian, tôi sẽ đánh số chúng cho dễ tìm, tôi vừa nghĩ vừa lau những cái gáy bị nhăn bằng một miếng vải.
Tôi mua một cái tủ gỗ nhiều ngăn để đựng các bản vẽ của mình và một vài cái hộc gỗ để đựng các thông tin liên quan đến những người bán vật liệu xây dựng, những người bán cá giống, những người chuyên về đá hay những người cung cấp đồ ngành nước, chiếu sáng và thép trang trí. Ở cuối căn phòng là nơi để giá vẽ và máy tính của tôi cùng một chồng tạp chí về nghề làm vườn. Gắn trên những bức tường là một số mẫu gạch, đá cuội trang trí và đá vôi.
“Vậy là cô có thể bắt đầu được rồi,” Elaine nói khi đang cùng tôi xem xét căn phòng.
“Chưa hẳn thế ạ. Cháu sẽ cần hai thứ nữa - Đơn đặt hàng đầu tiên và một nhà thầu khoán.”
“Sao lại cần một nhà thầu khoán?”
“Bởi vì một người thiết kế như cháu không thể tự xây tường, kê đá hay là lát gạch được. Cháu sẽ phải thuê người khác làm tất cả những việc đó - nhưng mà với những gì đã xảy ra thì cháu vẫn chưa có thời gian tìm được ai cả. Cháu sẽ phải tra danh bạ và gọi vài người.”
“Tôi có thể giúp cô chuyện đó,” Elaine nói.
“Không sao đâu ạ - không mất nhiều thời gian đâu.”
“Không, ý tôi là tôi biết một người có thể làm được.”
“Thật ạ? Ai vậy bác?”
“Cháu tôi, Jamie - đứa mà tôi đã kể cho cô nghe đấy. Nó là một nhà xây dựng - rất đáng tin cậy và nó chỉ sống cách đây có năm phút đi bộ. Biết đâu đấy”- bà nhún vai- “cô sẽ thích nó cho mà xem. Cô có muốn gặp nó không?”
“Thế thì cám ơn bác. Cháu nghĩ là cháu sẽ gặp cậu ấy.”
Rồi một vài ngày sau chúng tôi đi bộ đến đường Blythe. Elaine địu Milly trước ngực để tôi có thể nói chuyện với Jamie mà không đánh thức con bé. Bà ấn chuông và cậu ta ra mở cửa.
“Ôi cô!” Cậu cười rạng rỡ. “Cô vào đi, cô Elaine. Này, cháu bé xinh quá,” cậu ta nói và nhìn Milly. “Chào chị,” cậu ta đưa tay ra. “Tôi đoán chị là Anna.”
Jamie khoảng hai mươi lăm tuổi, cao hơn tôi khoảng một gang tay nhưng to béo với khuôn mặt tươi tắn, múi tóc màu vàng xộm và đôi mắt màu nâu ấm áp bị híp lại mỗi khi cậu ta cười. Cậu ta mặc một chiếc áo phông trắng in chéo một dòng chữ màu xanh “Công ty xây dựng Olympian Landscapes”. Chiếc quần jeans đang mặc bạc phếch vì giặt nhiều còn hai đầu gối thì sờn hẳn đi.
Chúng tôi đi dọc hành lang theo cậu ta. Trên chiếc bàn ở bên cạnh tôi thoáng thấy vài tấm ảnh của một phụ nữ xinh đẹp trạc tuổi Jamie.
“Đó là Thea, vợ của Jamie,” Elaine giải thích.
“Cô ta xinh thật,” tôi nói, hơi ngạc nhiên cả vì nhan sắc lộng lẫy của cô vợ lẫn việc Jamie đã lập gia đình khi tuổi còn khá trẻ.
“Ồ, Thea dễ thương lắm,” Elaine nói. “Chúng nó cưới nhau mùa hè năm ngoái. Đám cưới rõ là hoành tráng, cháu nhỉ?” bà nói thêm khi Jamie mở cánh cửa phòng làm việc của cậu ta.
“Đó là vì công việc thôi, cô Alaine à.”
“Chúng nó mời khách trên một cái thuyền, ở giữa sông Thames.”
“Tuyệt quá,” tôi cảm thấy hơi ghen tỵ.
“Chúng ta đã uống kha khá, phải không hả cháu?”
“Vâng, đúng thế ạ. Giờ thì... xin lỗi cô và chị vì cái đống lộn xộn này...”
Trên tấm thảm lót sàn la liệt giấy tờ và hóa đơn được đè lên bởi một cái cúp bằng bạc để chúng không bay tứ tung trước những cơn gió thổi vào từ bên ngoài cánh cửa sổ đang mở.
“Xin lỗi,” cậu ta càu nhàu và quẳng cái cúp lên ghế bành rồi dọn dẹp sàn nhà. “Vì tôi đang quyết toán thuế VAT.” Cậu ta ngồi xuống phía sau cái bàn nhỏ bên trên chất đầy những hộp đựng giấy tờ ghi “Hóa đơn mua”. “Hóa đơn bán” và “Ngân hàng”. Tôi để ý thấy một cây gậy crikê dựng ở góc phòng. “Chị Anna,” cậu ta nói khi tiếng chuông điện thoại di động kêu. “Chị đang tìm người làm những công việc bùn đất cho chị à?”
“À, tôi không định nói thế đâu nhé.”
Cậu ta liếc nhìn số gọi đến rồi để chế độ hộp thư thoại. “Tôi đùa thôi.” Cậu ta cười. “Chị đang cần một nhà thầu khoán, đúng không?”
Tôi gật đầu xác nhận. “Việc của tôi là thiết kế những khu vườn và tôi cần ai đó xây dựng chúng. Thật là lý tưởng nếu có ai đó có thể làm việc với tôi một cách thường xuyên để có thể tạo dựng một sự hợp tác cùng có lợi.”
“À, hiện giờ thì tôi khá là bận...” Di động lại đổ chuông. Cậu ta nhìn màn hình nhưng không trả lời.
“Vậy anh xây những thứ gì?”
“Chị xem đây.” Cậu ta đưa tôi xem quyển danh mục công trình. Chuông điện thoại lại kêu và lần này cậu ta nghe máy trong khi tôi xem tập bìa lớn màu đen. Nó gồm một số tấm ảnh chụp gara và phần phụ mới xây, sảnh trước và nhà kính. “Thế thì hay quá,” tiếng cậu ta nói. “Chỉ cần cát thô thôi - không phải lo - mai tớ sang lấy nhé... Thế ông bạn nhé.”
“Anh làm nghề này bao lâu rồi?” Tôi hỏi khi cậu ta gập cái điện thoại lại. Tôi xem các bức ảnh chụp chi tiết công trình của anh ta.
“Hơn hai năm rồi. Tôi thuê thêm sáu người nữa.”
“Thế anh có qua đào tạo không?”
“Tôi đã học xong một khóa ba năm về ngành xây dựng hồi còn ở Úc.”
“Thế anh đã xây nhiều vườn chưa?”
“Nói thật với chị là chưa cái nào.”
“Có đấy,” tiếng bà Elaine xen vào. “Cháu chẳng xây vườn của mình là gì.”
Jamie tỏ vẻ hơi ngạc nhiên. “Cháu quên mất.”
“Cháu nên cho chị Anna xem qua.”
Cậu ta dẫn chúng tôi đi qua gian bếp, mở cánh cửa hậu và bước vào một khu vườn rộng.
Sân vườn với những viên gạch cũ màu đỏ được lát theo hình tròn, bao quanh bởi một vòng đá sa thạch Ấn Độ cắt theo hình tam giác tạo cảm giác khu vườn như rộng hơn ra. Một bên của khu vườn là một bồn hoa treo với những đường viền hơi uốn cong, bên trong trồng phi yến, mẫu đơn, lupin, hồng leo và một đám hoa cải tím lòa xòa thõng xuống .
“Anh làm cái này à?” tôi hỏi và nhìn vào chỗ đặt bàn ăn ngoài trời được che chắn khá trang nhã bằng những thân cây trăn gió bện lại với nhau.
“Vừa thiết kế vừa xây,” Elaine nói.
“Cháu chỉ vẽ vời một chút thôi,” cậu ta phản đối. “Nhưng khi chúng cháu dọn về ở cách đây sáu tháng, chỗ này lộn xộn lắm - phải không cô?”
“Trông rất ngứa mắt, toàn cỏ dại,” Elaine phụ họa.
“Anh đã làm một việc tuyệt vời,” tôi nói. “Rất biết tận dụng khoảng không, biết chọn đá và tôi rất thích cách anh bố trí cây cối. Thế còn chỗ này?” Tôi chỉ vào một khoảng trống của mảnh vườn.
“Tôi định để làm một cái hố cát nhỏ hay đặt một cái xích đu.”
“Anh có cháu chưa?”
“Chúng tôi đang chuẩn bị.” Cậu ta cười. Điện thoại lại kêu. “Chào em yêu - Anh vừa nhắc tới em... trời ơi... bốn mươi ba độ cơ à? Chà, em phải nhớ đừng ra nắng đấy nhé, em yêu... à em này, mười phút nữa anh gọi lại cho em nhé?” Tôi cảm thấy ghen với Thea - cô ta có một người đàn ông yêu chiều với những lời nói thật ngọt ngào.
“Thea lại đi xa à?” Elaine hỏi cậu ta khi chúng tôi quay vào bên trong. “Nó làm PR trong lĩnh vực thể thao.” Bà giải thích cho tôi. “Nên phải đi công tác rất nhiều.”
“Cô ấy đã ở Dubai năm ngày,” Jamie trả lời. “Một trong những khách hàng của cô ấy đang tài trợ cho một cuộc đua thuyền buồm ở đó.”
“Ừ” Elaine nói.
Tôi đã biết những gì tôi muốn biết. Tôi bảo với Jamie rằng tôi muốn hợp tác với cậu ta, khi tôi có đơn đặt hàng đầu tiên.
“Được chị ạ,” cậu ta nói, “rồi sau đó sẽ xem chúng ta có hợp cạ nhau không.”
“Chính xác. Trước tiên tôi cần số điện thoại của anh.” Cậu ta chỉ ngón tay vào cái áo phông đang mặc. “Ồ...” Tôi cảm giác hơi lúng túng khi nhìn chằm chằm vào ngực áo cậu ta và lưu số điện thoại vào máy mình.
Cậu ta đưa tay ra. “Rất vui được gặp chị.”
“À... vâng,” tôi nói. “Tôi cũng vậy.”
“Cô về nhé, cô Elaine, tạm biệt cháu, cô công chúa nhỏ,” cậu ta thì thầm vào tai Milly giờ đang ngủ với cái mũ trùm trên đầu. Cậu ta nắm lấy đôi chân bé xíu của Milly bằng đôi bàn tay to và rộng của mình. “Cháu dễ thương quá, rất dễ thương... Để cháu tiễn mọi người về.”
“Tạm biệt, Jamie.” Tôi nói khi đang đứng ở bậc cửa. “Tôi sẽ gọi anh sau.” Tôi nhìn thấy một chiếc Bentley Continental GT màu xanh đang đỗ bên ngoài nhà cậu ta. “Của anh đấy à?”, tôi gật gù nhìn chiếc xe và hỏi.
“Giá mà thế,” cậu ta cười. “Nó là của nhà hàng xóm - cả hai vợ chồng đều làm ngân hàng - kiếm tiền rất dễ - của tôi kia kìa.” Cậu ta chỉ chiếc xe bán tải màu xanh đậu bên kia đường. “Thế thôi, hẹn gặp lại các quý cô nhé, chúc một ngày tốt lành!”
“Cháu thích cậu ta,” tôi nói với Elaine trên đường đi bộ về nhà.
“Thế à, Jamie là một anh chàng đàng hoàng. Tôi có thể tự tin nói thế vì tôi đã biết nó suốt hai mươi tám năm nay.” Vậy ra cậu ta trông trẻ hơn tuổi của mình.
“Khu vườn của cậu ấy rất xinh - cháu thật sự ấn tượng. Tay nghề xây dựng của cậu ấy có vẻ ổn.”
“Nó cũng có khiếu thể thao đấy.”
“Thế ạ?”
“Nó là một tay chơi crikê chuyên nghiệp.”
“Thật thế chứ? Có phải chiếc cúp là do cậu ấy giành được không?”
“Đúng rồi - nó được nhiều cúp lắm.”
“Cậu ta chơi cho đội nào vậy?”
“New South Wales. Nó là một tay ném bóng rất cừ.”
“Thế sao cậu ta lại sang đây?”
“Nó từng chơi cho đội Surrey hai mùa giải khi sang đây nghỉ hè và thích ở đây.”
“Nhưng sao giờ cậu ta không chơi crikê nữa?” tôi hỏi khi chúng tôi đi dọc Brook Green. “Cậu ấy vẫn còn trẻ mà.”
“Nó bị tai nạn ôtô sáu năm trước và bị gãy chân.”
“Thật đáng tiếc.”
“Đúng vậy - càng tiếc hơn khi nó đang có cơ hội chơi cho đội tuyển Úc. Nhưng cũng vì thế mà nó học làm kỹ sư xây dựng. Nó vẫn còn chơi bóng nhưng chỉ để giải trí thôi, với một hội nữa nhằm quyên góp tiền chữa bệnh cho trẻ em - do vậy mà gặp được Thea. Thea đang làm PR cho một trong những hội từ thiện tham gia dịp đó và nó...chà, có thể ví von là bắt được quả bóng tên là Thea. Nhưng nếu cô muốn cộng tác với Jamie, nó sẽ không bao giờ để cô phải thất vọng.” Bà nói thêm.
Tôi gọi cho cậu ta ngay tuần sau đó. Đơn hàng đầu tiên đến từ trên web và mặc dù là nhỏ, nó cũng đủ khiến tôi sung sướng bắt đầu công việc mới của mình. Khách hàng bảo với tôi rằng họ không có đủ tiền để xây hẳn một khu vườn mới cho ngôi nhà ở Chiswick, họ chỉ có thể sửa sang cái hiện có thôi.
Khi đến gặp khách hàng, điều đầu tiên tôi hỏi là họ muốn cái vườn trông thế nào. Khách hàng bảo tôi lấp cái ao vì họ đang có con nhỏ; rồi họ muốn trồng lại thảm cỏ; nhưng sẽ lắng nghe bất kỳ đề nghị nào của tôi. Tôi bảo họ nên dẹp bỏ mấy cái chậu hoa vì chúng to đến mức không cần thiết và chiếm nhiều không gian khu vườn.
“Cái này thì sao?” Tôi hỏi và chỉ vào cây keo vốn đã bị cắt trụi ngọn qua nhiều năm giờ chỉ trơ lại gốc.
“Chúng tôi muốn đốn nó đi,” người chồng phân trần, “nhất là khi nó chiếm hết chỗ của thảm cỏ, nhưng vì có Lệnh Bảo Tồn Cây nên chúng tôi không thể.”
“Thế thì ông bà có thể cải tạo nó thành một vật trang trí bằng cách trồng một số loại cây leo lên,” tôi nói. “Cứ coi như nó là một cái giàn rất lớn. Một bên ông bà có thể trồng một cây ông lão - hiện mới có một loài mới tên là Băng Xanh, ra hoa từ tháng Năm đến tháng Mười - còn phía bên kia có thể trồng một giống hồng leo, như là Felicite Perpetue- một giống hồng không rụng cánh, có màu trắng và rất thơm. Ông bà cũng có thể treo một cái xích đu ở cái nhánh thấp kia cho an toàn, thêm một cái ghế băng hình tròn ở bên dưới gốc cây nữa. Trông sẽ đẹp đấy.”
“Ngoài ra cần làm gì nữa?” Người vợ hỏi tôi.
Tôi ngắm nghía phía sau của ngôi nhà, nó nhằm hướng nam và trơ trọi chẳng có gì, rồi xem xét cái hiên được lát bằng những miếng bêtông đơn giản.
“Cần phải cậy mấy viên đá này lên, đánh bóng rồi lát lại, sau đó có thể xây một cái tán cho giây leo trùm quanh sân, nó có thể tạo bóng râm để ăn uống bên ngoài hay là cho trẻ con chơi đùa. Sẽ không tốn kém lắm đâu. Ở phía trên chúng ta có thể trồng một cây nhài hạ hay một cây kim ngân - có một giống với hoa đỏ rất đẹp là Dropmore - Tôi có mang theo một vài quyển catalô về các loài cây - tôi sẽ chỉ cho ông bà xem.”
Chúng tôi đạt được thỏa thuận về khoản tiền chi cho khu vườn là ba ngàn bảng. Jamie sẽ phụ trách phần bố trí mặt bằng và chỉ trong ba ngày, cậu ta đã bắt tay vào việc. Khi quay trở lại ngôi nhà để kiểm tra tiến độ, tôi thấy cậu ta quỳ bên cái ao vừa được tát cạn.
“Chúng mày có thể nhảy lò cò nhưng không thể trốn,” tôi nghe tiếng cậu ta lẩm bẩm gì đó khi đang xem xét đám bùn. “Đây rồi!”
“Jamie, and đang làm gì đấy?”
Cậu ta nhìn lên. “Ồ, chào chị Anna. Tôi đang bắt mấy con ếch, phải lôi hết chúng ra không thì lúc họ xới đám cỏ lên, chúng chết hết mất. Mày đây rồi, con nhái bén...” Cậu ta bụm hai bàn tay vào rồi thả một cái gì đó vào một cái giỏ màu vàng. “Tôi nghĩ chắc là hết rồi.”
Tôi ngó vào bên trong cái giỏ: hơn chục chú ếch da nâu đang nhảy loạn xạ. Tôi ngắm chúng một lúc.
“Chị thích ếch nhái à?” Jamie hỏi tôi.
“Không hẳn - tôi đang chọn con nào để hôn thôi.”
Cậu ta cười to. “Có cần làm thế không?”
“Đôi khi tôi nghĩ vậy.” Tôi mỉm cười. “Thế anh sẽ làm gì với chúng?”
Cậu ta xếp mấy viên gạch cũ vào một cái xe cút kít. “Tôi đã kiếm cho chúng một chỗ ở đằng kia. Ở đó chúng có thể nhảy nhót thoải mái.” Cậu ta đứng lên và nói, “nhưng tôi không vẫn không yên tâm lắm. Ngoài ra chúng cũng đang đẻ con,” cậu nói, hất hàm về một cái giỏ khác đựng đầy nước và cỏ dại.
Tôi thấy cảm động trước sự bao dung của Jamie - Cậu ta không nỡ đốn cây mận vì ở trên có một cái tổ với mấy con chim non - còn chuyên môn của Jamie thì thuộc hạng nhất. Cậu ta và hai người thợ nữa mất một ngày để phá mấy cái bồn hoa, một ngày nữa để xới và trồng lại đám cỏ, hai ngày để xây cái tán và đặt một cái ghế quanh cây keo. Rồi đến lượt tôi với những cái cây. Trong chưa đầy một tuần khu vườn đã được cải tạo. Sau đó những khách hàng này đã giới thiệu tôi cho một người bạn của họ - một luật sư trẻ muốn bố trí lại toàn bộ mảnh vườn của mình. Mọi việc đã bắt đầu vào guồng.
Trong khoảng thời gian đó Elaine chia tay chúng tôi - bà được thuê sang Norfolk trông một đứa bé sơ sinh khác - nhưng bà hứa là sẽ đến thăm chúng tôi khi quay trở lại Luân Đôn. Tôi khóc suốt hai giờ sau khi bà đi khỏi - không chỉ vì sự giúp đỡ quá hữu ích bà dành cho tôi mà còn vì sự gắn bó giữa chúng tôi nữa. Thế nhưng tôi phải chấp nhận thực tế là thời kỳ “nghỉ đẻ” của tôi giờ đã qua và cuộc sống mới mà tôi đang hướng đến giờ đã bắt đầu.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.