🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Sau khi đưa A Lủ lên khỏi bè, tôi nói mọi người tìm kiếm củi khô chung quanh mé sông, đốt một đống lửa lớn để sửa ấm và hong cho khô người. Xem đồng hồ đã hửng sáng, ánh mặt trời hắt vào trong cốc không quá chói chang mà chỉ đủ soi sáng mà thôi, cho nên khái niệm thời gian cũng khá mơ hồ đối với chúng tôi lúc này. Đói và mệt mỏi là cảm giác đang xâm chiếm trong cơ thể, tôi hỏi An:
- Cô còn đồ hộp mang theo không, phải ăn gì cho lại sức đã!
- Em còn đây, nhưng không nhiều, chỉ đủ dùng trong một hai ngày nữa thôi.
Tôi không để ý đến chuyện còn bao nhiêu, có là tốt rồi, no bụng rồi mới tính tiếp được. Trải qua biết bao nguy hiểm như thế còn giữ lại cái mạng nhỏ đã là may mắn lắm rồi. A Lủ cũng dần tỉnh táo lại, nó không khách khí ngồi nhét đồ ăn vào miệng với tốc độ như hổ đói vồ mồi. Chúng tôi đang cố gắng ăn uống cho lại sức, chợt một thanh âm lớn hùng hồn vang vọng khắp trong cốc khiến cả đoàn phải giật mình:
- Nam quốc sơn hà nam đế cư, tuyệt nhiên định phân tai thiên thư ư ư…
Ngừng lại mấy giây, từ một phía khác lại vang lên:
- Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, nhữ đẵng hành khan, thủ bại hư ư ư…
Lỗ tai chúng tôi lập tức trở nên lùng bùng, thanh âm nay không phải được phát ra từ một người, mà giống như cả ngàn người cùng đồng thanh hợp xướng vang vọng khắp cả núi rừng. Trước đây đã từng thấy qua loài chim quái dị đọc bài thơ thần này nên cũng không còn ngạc nhiên lắm, tuy nhiên khi ở trong cốc cùng lúc cả ngàn con chim từ đâu cùng cất tiếng, cảm giác này thật là khó tả. Hóa ra con chim chúng tôi gặp được bên ngoài có xuất xứ từ trong cốc, đây là địa bàn của chúng sinh sôi nảy nở suốt ngàn năm qua. Vì trí nhớ của loài chim không cao lắm, chúng chỉ nhớ được một hai câu thơ nên cổ nhân phải chia cả bài thơ ra làm hai, rồi huấn luyện hẳn hai tổ đội với những câu thơ khác nhau một cách có chủ đích, cách huấn luyện này cũng phải nói là quá kì công mới có thể khiến bầy chim tồn tại được và ghi nhớ những gì đã được học sau biết bao nhiêu thế hệ. Cứ đời này nối tiếp đời kia chỉ làm duy nhất một công việc là đọc bản tuyên ngôn độc lập này mà thôi. Chúng tôi chưa từng trải qua đời làm lính, nhưng thiết quân luật trong đồn đại có lẽ là thật và vô cùng nghiêm khắc đến mức loài chim cũng phải tuân theo và duy trì. Tôi nghĩ bụng nếu như không phải là đoàn chúng tôi mà là người Tống năm xưa vào trong cốc lúc này chắc sẽ có cảm giác vừa khiếp sợ rồi chuyển qua trạng thái tức giận run người, chỉ hận không thể bắt nướng hết bầy chim này mà thôi. Tôi hỏi giáo sư tiếp theo nên làm gì, ông trả lời:
- Thực tình tôi cũng không biết phải làm thế nào nữa, bây giờ chỉ có cách chầm chậm mà tìm kiếm trong cốc này thôi, với những manh mối chúng ta có mà đặt chân được tới đây đã là may mắn lắm rồi. Trước mắt cứ nghỉ ngơi thoải mái đi!
Khỏi phải nói, A Lủ là người đồng ý đầu tiên với quyết định này, hiện tại trong cốc chia ra làm hai ngăn cách bởi dòng sông nhỏ. Diện tích cốc khá lớn, nếu như có đường thuận lợi dự tính cũng phải đi bộ cả tháng trời mới hết được các ngõ ngách, mọi thứ rậm rạp làm việc xác định khu vực chôn cất kho tàng là điều không thể, thôi thì cứ hạ trại lại đây vậy, tôi rủ An đi xem tình hình chung quanh, tiện kiếm ít củi khô hay coi có thể săn bắt được gì không, chứ nếu với số lương thực còn lại thì lúc này kể cả quay về cũng sẽ rất khó khăn. Nơi chúng tôi chọn dừng chân lúc này là nửa bên tay trái của dòng sông, cảnh vật nơi đây trông có hơi khác so với phía ngoài cốc, mà bản thân tôi trong lúc này cũng không thể phát hiện ra điểm khác biệt ấy, chỉ có cảm giác mang máng mà thôi. Tôi vốn không phải thợ săn cho nên chuyện săn bắn trong tưởng tượng thì thấy dễ hơn nhiều, tự thân mình đi làm thử mới thấy khó biết bao. Nôi việc tìm con mồi đối với tôi cũng là một thử thách lớn rồi, dụng cụ săn bắn cũng chẳng có gì, không lẽ cầm khẩu Pạc Họoc đi bắn chim rừng, mà giống chim đọc thơ thần cũng tinh quái lắm, không dễ dàng đến gần chúng chút nào, hơn nữa nếu như bắt được thì mỗi người phải nướng vài ba con mới đủ gọi là no bụng, chúng quá nhỏ bé so với cơn đói cồn cào trong mỗi người chúng tôi lúc này. Đang phân vân không biết nên làm thế nào, thì tôi thấy phía bờ sông có động tĩnh trong các lùm cây cỏ phát ra tiếng sột soạt. Sợ có loài động vật săn mồi hay ăn thì nào đó, tôi ra hiệu cho An cùng chầm chậm tiến đến một cách hết sức cẩn thận, khi đến sát bờ sông, ngay trong lùm cây lòi ra một cánh tay người đang cố gắng bám lấy bụi cỏ, không khó khăn mấy để có thể nhận ra đó chính là người dẫn đường của đoàn chúng tôi, A Lang. Cả hai chúng tôi vui mừng hết sức, chạy lại kéo A Lang lên khỏi bờ sông về phía trống trải hơn để anh ấy nằm nghỉ. Tôi muốn hỏi A Lang nhiều lắm, nhưng sợ trong tình cảnh lúc này có lẽ anh không thể trả lời tôi được. Không biết đã xảy ra chuyện gì, nhưng A Lang lúc này khá tiều tụy, cả người ướt sũng và tím tái, môi khô nứt nẻ không thể mở miệng ra nói được dù ánh mắt có vẻ vẫn còn nhận biết được chúng tôi. Trong đôi mắt đó lộ lên vẻ hân hoan rồi chầm chậm nhắm lại vẻ buông xuôi và phó mặc. Thấy tình hình không ổn, tôi nói An xốc A Lang lên, để tôi dùng hết sức cõng anh về khu đất hạ trại, trong lúc đó chúng tôi không hay biết phía dưới lòng sông có một cặp mắt đang nhìn chúng tôi đầy hằn học. Thật may khi về đến, A Lủ đã nhóm được đống lửa, tôi đặt A Lang xuống cảnh đó rồi nói sơ qua tình hình hoàn cảnh gặp được A Lang. Giáo sư Minh đến gần xem qua, tìm trong ba lô một số loại thuốc kháng sinh cơ bản rồi cho A Lang uống, xong đâu đấy ông mới nói:
- Lao lực quá độ nên bị ngất thôi, đồng thời cũng bị cảm lạnh khá nặng, chắc cậu ấy ngâm mình trong nước lâu rồi. Cũng may là còn có thể toàn mạng, thật không nghĩ cuối cùng còn có thể gặp lại nhau ở đây.
Mỗi người chúng tôi đều muốn nói rất nhiều những suy nghĩ trong lòng, tuy nhiên nhất thời lại không thể nào mở miệng ra nói, đành mỗi người mỗi tay chất thêm củi để sưởi ấm cho A Lang rồi lặng lẽ đứng nhìn. Để tránh nhàm chán, tôi lại rũ A Lủ tiếp tục đi vòng vòng chung quanh khu trại, bây giờ mới có thời gian để ý khung cảnh chung quanh một cách kĩ càng hơn. Thực vật trong cốc cũng có nhiều điểm khác biệt hơn so với bên ngoài, chúng tôi không phải nhà sinh vật học, nên cũng chẳng thể nào biết tên được của các loài cây cối, chỉ thấy lạ ở chỗ ánh sáng trong cốc thì hơi thiếu, nhưng vẫn có nhiều loài cây cỏ màu sắc sặc sỡ, trông lòe loẹt và nhức mắt vô cùng. Hai thằng tôi tính cách vốn xuề xòa, nhức mắt thì khỏi nhìn nữa vậy, tìm đại mấy đoạn cây tre nứa nhỏ nhỏ, buộc cước và lưỡi câu trong ba lô mang theo ra mé bờ sông ngồi vừa câu cá vừa hút thuốc. Mồi câu thì dùng ít giun đào được ngay đó, cá nhỏ nhỏ tầm hai ba ngón tay liên tục cắn câu, hai đứa vừa thả vừa giựt cần, cá bắt được thì xâu từ miệng qua mang bằng những cọng cỏ dài cho tiện xách về, chủ yếu câu được là loài cá rô phi bé, chúng háu ăn vô cùng. Xem ra ở trong này cũng không lo đói nữa rồi, lúc này A Lủ bảo tôi:
- Mày có thấy con con cá to nào không? Chứ toàn cái loại be bé thế này thì bao giờ mới đủ.
- Câu cá là phải kiên nhẫn, bao lâu rồi mày không ngồi câu cá thế? Ăn sẵn nó quen thân đi rồi. - Tôi đáp.
Hồi bé thì tôi với nó thường xuyên câu cá ở các ao rau muống, dần dần lớn lên thì nó chán, chỉ còn tôi thi thoảng vẫn ngồi câu giết thời gian hoặc để làm cơm ở nhà, vừa câu cá vừa suy tư miên man cũng là cái thú. A Lủ câu mãi toàn được mấy con cá nhỏ, nó dần mất kiên nhẫn, bực mình móc hẳn con giun lớn như ngón tay đang còn ngoe nguẩy vào lưỡi câu ném xuống, định bụng hốt cú chót. Tôi nhìn nó cười đểu, ý rằng chỉ phí công mà thôi, nào ngờ đâu nó vừa ném cần xuống đã thấy dây câu căng đét, tôi còn chưa hết ngạc nhiên thì nhìn cần câu của nó có gì đó không đúng, cây tre nhỏ bị oằn cong đi, rồi không chịu nổi sức kéo mà gãy ra làm đôi. Tay A Lủ rung lên bần bật, nhìn đó thì biết lực kéo của con cá lớn cỡ nào. Bất chợt lực kéo đó lại tăng lên nhiều lần, đột ngột kéo vút một cái làm cần câu của A Lủ bị tuột khỏi tay, lao vút xuống sông rồi chìm nghỉm xuống đáy nước. Mặt nó ngơ ngác hẳn ra, nó bảo tôi:
- Con cá này phải to lắm mày ơi, tao mà không buông tay kịp nó lôi tao xuống sông luôn rồi, khéo tao câu phải ông Long Vương rồi, thôi về, về đi.
Thấy câu cũng được khá nhiều cá nhỏ, sợ ở lại lâu có chuyện nên tôi cũng thu cần, nhặt mấy xâu cá rồi cùng nó đi về, hai thằng vừa quay lưng đi được mấy bước, thì nghe tiếng ùm ùm phía dưới sông, quay lại nhìn thì chỉ thấy những xoáy nước nhỏ nổi lên trên dòng sông đục ngầu. Chẳng ai bảo ai, hai thằng cắm đầu chạy nhanh về trại...
Đến nơi tôi lấy dao nhỏ, chỉ cho An rồi cùng làm sơ qua mấy con cá, xiên vào những que nhỏ rồi nướng trên đống lửa. Chẳng mấy chốc cá đã chín, bụng đói ngửi mùi cá nướng làm cả đoàn cồn cào, chúng tôi vừa ăn vừa kể chuyện suýt nữa thì câu được Long Vương, làm An và giáo sư cứ cười mãi. A Lang vẫn đang nằm hôn mê, chắc là mệt quá nên ngủ sâu. Tôi mới chọn mấy con cá to, lọc bớt xương ra rồi dằm nát, trộn vào bột lúa mạch đem theo nấu lên cho anh ấy uống, coi như là có tí cháo cá bỏ vào bụng cho nhanh lại sức. An đang đổ cháo cho A Lang thì anh ấy tỉnh lại, tôi nói:
- Anh cố gắng ăn một chút đi cho lại sức, mọi chuyển ổn rồi.
Anh ấy lúc này có lẽ còn rất mệt, chỉ dùng mắt ra vẻ đồng ý rồi húp cháo cá lỏng, húp hết thì lại nhắm mắt ngủ tiếp. Chúng tôi no bụng thì bắt đầu tính chuyện tiếp tục đi sâu hơn vào trong cốc nhằm tìm cho bằng được kho tàng. Lúc này A Lang chưa tự di chuyển được nên cả đoàn phải tạm đóng lại đây, tuy nhiên có thể tranh thủ thời gian dò tìm chung quanh khu vực một đoạn ngắn xem có thông tin hay dấu hiệu gì không. Đang cùng nhau suy tính thì ở các bác cỏ chung quanh chung tôi kêu lên soạt soạt, các cây cỏ dường như đang đổ rạp xuống theo một vòng tròn quanh trại, không lơ lai, chúng tôi đứng dậy quay lưng vào nhau, trên tay cầm chắc vũ khí sẵn sàng trước mọi tình huống có thể xảy ra. Mặc kệ chúng tôi căng thẳng thế nào, các đám cỏ vẫn cứ tiếp tục đổ rạp vòng vòng dần sát vào phía trại, nhưng khi gần đến bãi đất trống thì lại im bặt. Đợi một lúc lâu vẫn không có gì xảy ra, tôi mới cùng An tiến lên, chầm chậm đi đến đám cỏ tìm hiểu xem chuyện gì vừa diễn ra. Khi vạch được đám cỏ để đi vào, thì trước mặt tôi là một đường cỏ đổ rạp và ướt sũng đúng một vòng tròn chạy quanh trại, lẫn trong đám có đổ rạp, tôi nhận thấy cái cần câu bị gãy của A Lủ, đầu lưỡi câu còn dính lại một miếng thịt nhỏ đỏ tươi trên đó. Tôi nhặt lấy cần câu, đem về trại ném cho A Lủ xem rồi nói với nó:
- Ông Long Vương lên bờ kiếm mày rồi đây.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.