Từ Văn là một người bán hàng rong dựa vào việc bày quán để kiếm tiền, buổi sáng hắn đẩy xe hàng đi bán bánh trứng và trứng luộc nước trà, buổi chiều thì xem thời tiết trời mà lên phố, mùa hè bán áo phông mười đồng một chiếc, mùa đông bán áo lông thú nhân tạo* mười lăm khối một chiếc, buổi tối thì ra công viên bày bán các loại đồ chơi rẻ tiền -- ở đây hôm nào cũng có vài đứa nhóc tì dãy đành đạch ăn vạ đòi mua đồ chơi bằng được mới chịu về nhà. Trình độ văn hóa của hắn mới chỉ tốt nghiệp cấp hai, cũng chẳng phải do hắn học ngu mà là do nhà hắn không có tiền, trên đời này khoảng cách giữa người nghèo và người giàu là cả vạn dặm, vô số người nói sau năm 90 cuộc sống tốt đẹp cỡ nào, Từ Văn này cũng sinh sau năm 90 đấy nhưng lại không thể không sớm vác trên vai gánh nặng gia đình. Hắn sống ở một trấn nhỏ thuộc vùng nông thôn ngoại thành, thứ mà đại bộ phận dân quê quan tâm nhất chính là nhà cửa, cha mẹ hắn ăn mặc cần kiệm, đến khi hắn tám tuổi thì cuối cùng cũng đủ tiền xây nhà, cố tình nhà vừa xây xong thì ba hắn lại bất cẩn ngã từ trên nhà xuống dẫn tới bị liệt. Mẹ hắn vừa phải chăm sóc ba hắn vừa phải quan tâm việc đồng áng thì tất nhiên không thể đi làm, mà quanh năm suốt tháng chỉ làm việc nhà nông thì kiếm được bao tiền chứ? Thực ra trong thôn cũng cho trợ cấp đấy nhưng cũng chỉ có hai trăm đồng mỗi tháng thôi, còn không đủ tiền để mua thuốc giảm đau cho ba hắn nữa ấy. Cứ sống chắp vá như vậy được vài năm, đến năm hắn mười một tuổi, khi mà thân thích vì họ vay tiền nhiều quá mà chỉ cần nhác thấy bóng họ liền lủi đi trốn, ba hắn liền nhân lúc ở nhà một mình liền lén uống thuốc trừ sâu tự vẫn. Hắn tận mắt chứng kiến ba hắn chết đi, người ba vẫn luôn bị liệt của hắn tính tình cũng chẳng tốt mấy, bình thường vừa thấy bóng hắn liền bắt đầu trách cứ. Hôm đấy hắn vừa về nhà đã thấy ba hắn bò lê dưới đất, ông rót đầy nước từ chiếc vòi nước giếng ngoài trời vào miệng, sau khi thấy hắn về trong mắt ông tràn đầy thương tâm áy náy, miệng gắng há to hết cỡ nhưng lại chỉ phát ra thanh âm bén nhọn mà nghẹn ngào, chẳng bao lâu sau liền ôm bụng tắt thở. Từ Văn lúc ấy ngã quỵ xuống, đầu đập thẳng xuống đất, từ đó liền xuất hiện chứng đau đầu, bình thường chỉ cần không bình tĩnh đầu hắn liền xuất hiện từng cơn đau nhức. Cái chết của ba lại tạo thêm áp lực cho gia đình bởi mẹ hắn không thể vay tiền làm tang sự, còn bà nội hắn thì đứng trước cửa vừa khóc vừa mắng mẹ hắn là sao chổi, là tai tinh. Hắn tự giam mình trong phòng không ra khỏi cửa, khóc hai ngày, cũng đói bụng hai ngày, mẹ hắn chẳng để tâm tới hắn, người khác cũng không để ý hắn...... Cũng bởi hắn từ nhỏ đã biết tự kiếm đồ ăn, kể từ khi ba hắn gặp chuyện, mẹ hắn cơ bản không còn quản hắn nữa, một đứa nhóc vứt đâu cũng sống được như vậy thì ai còn để ý nữa? Tới khi ba hắn được khiêng lên xe để tới lò hỏa táng, hắn mới nghiêng ngả lảo đảo chạy ra ngoài, chen vào trong đám người, lập tức có người thấy hắn, mặc cho hắn chiếc áo may từ túi thức ăn gia súc màu trắng, một bên trách hắn vào lúc này còn chạy đâu mất dạng, một bên đẩy hắn tới bên người bà đang bận khóc thút thít...... Đã không có ba lại thêm khoản nợ hơn mười vạn phải trả, cho dù mẹ hắn có thức khuya dậy sớm quần quật làm lụng thì cũng chẳng thấm vào đâu. Cho nên Từ Văn chưa tốt nghiệp cấp 2 đã bắt đầu tìm cách kiếm tiền rồi, khi đó hắn còn chưa được mười sáu tuổi, người thường không ai dám thuê hắn cả, hắn liền trông sạp đồ uống lạnh cho người ta, mỗi ngày làm từ 5 giờ chiều cho tới quá nửa đêm, một tháng cũng kiếm được trên dưới 500 khối, hoặc bán đồ hộ người ta để ăn phần trăm. Cứ học như vậy cho tới khi hắn lấy được tấm bằng tốt nghiệp cấp 2 gần như vô dụng kia, sau khi từ chối lên cấp 3 học, hắn bắt đầu hành trình bày sạp của mình. Hắn có nguồn thu khiến cho sinh hoạt tốt lên một ít, đáng lẽ mẹ hắn đã có thể thả lỏng đôi chút, cố tình những ngày tháng một bên làm lụng một bên chăm chồng đã bào mòn thân thể bà, con người khắc khổ như bà cho dù có bệnh cũng không muốn đi khám, ai mà ngờ được chứng đau bao tử của bà thực ra là ung thư dạ dày chứ? Khi Từ Văn vừa được 18, mẹ hắn cũng qua đời. Người phụ nữ cả đời không được hưởng phúc này vào ngày cuối cùng của sinh mệnh đã gầy chẳng khác gì que củi khô. Từ Văn vẫn phải trực tiếp chứng kiến cái chết của bà, mấy ngày cuối đời này bà đau tới mức lăn lộn trên giường, nhưng thần trí vẫn còn thanh tỉnh, bà kêu hắn đưa bà xuống căn phòng trống dưới nhà, một bên kêu tên của hắn một bên khóc...... Bà biết rằng bà muốn chết, bà kiên trì không đi bệnh viện, kiên trì không cho Từ Văn tiêu nhiều tiền để lên tỉnh mua Pethidine*, thậm chí bà còn không muốn chết trong phòng mình, bà muốn để lại căn phòng sáng sủa đó cho Từ Văn sau khi lấy vợ thì vào ở. *Thuốc Pethidin hay còn có tên gọi khác là Pethidin hydroclorid là thuốc giảm đau trung ương tổng hợp nhóm nhóm opioid ( có gây nghiện). Thuốc Pethidin được chỉ định dùng giảm đau cho các trường hợp đau vừa và đau nặng. Thuốc này có tính chất gây nghiện giống morphin, tuy nhiên so với morphin, thuốc Pethidin có tác dụng nhanh hơn nhưng thời gian tác dụng lại ngắn hơn. Thuốc ngoài dùng theo đường uống còn được dùng theo đường tiêm để hỗ trợ gây mê trước phẫu thuật và giảm đau sau phẫu thuật. Người đàn bà này chưa từng ôm hôn đứa con của mình, chưa từng ôn tồn tâm sự với con mình, bà vẫn luôn bận bận rộn rộn kiếm tiền nuôi dưỡng gia đình...... Nhưng mà Từ Văn vẫn còn nhớ rõ, trước khi xây nhà, khi bà còn làm việc ở xưởng dệt, trên khuôn mặt bà luôn treo lên nụ cười tươi đẹp đẽ, trong nhà có treo vài bức ảnh thời trẻ của bà, một người phụ nữ vô cùng xinh đẹp với mái tóc xoăn thịnh hành của thập niên chín mươi. Mà bà giờ đây đã cả tháng chưa ăn gì rồi, chỉ dựa vào chút canh linh chi hầm để cầm hơi, người ngợm bà giờ cực kỳ gầy mà bụng lại lồi hẳn ra...... Mà hắn cho dù có bồi bên cạnh bà cả ngày, ôm bà trong ngực mình thì cũng không cách nào giúp bà giảm bớt thống khổ cả. Khi mẹ hắn qua đời hắn vẫn phải tận mắt chứng kiến, cuối cùng, đầu hắn đau muốn nứt ra, đau tới ngất đi bên người mẹ hắn. Năm đó mình hắn xử lý tang sự cho mẹ mình, từ lò hỏa táng trở về, hắn đem tro cốt của mẹ đặt chung mộ với ba. Từ nay về sau hắn chỉ còn lại một thân một mình. Cho tới bây giờ, Từ Văn đã 24 rồi, suốt 6 năm bày quán này, người dân từ giàu sang tới nghèo nàn trong cái trấn nhỏ này hơn phân nửa đều biết tới hắn. Chiều đông tuy rằng sắc trời vẫn sáng đấy nhưng gió lạnh lại dư sức thổi bay mấy người tính đi dạo phố về lại nhà, Từ Văn cũng không đi dọn quán luôn, thay vào đó hắn lôi con xe điện ba bánh của mình đi nhập hàng. Bột mì, trứng gà, gia vị, và vài món đồ chơi bán sỉ ra ngoài, Từ Văn khởi động con xe ba bánh chứa một đống đồ thượng vàng hạ cám của mình đi về nhà. Từ nhà Từ Văn tới trấn trên không đến một giờ, nhưng khi hắn khởi động xe ba bánh đi về được một đoạn thì thấy trên con đường cái đổ nhựa vây kín một vòng người. Một đám người tự dưng lại tụ lại trên đường cái không có gì bất ngờ cả, hơn phân nửa là có tai nạn xe cộ xảy ra. Người Trung Quốc từ xưa tới nay đều thích hóng biến, người khác mà gặp chuyện xui thì chắc chắn phải thò đầu vào hóng hớt góp vui mới chịu. Từ Văn lại không thích như vậy, hắn còn nhớ rõ khi ba hắn không may ngã từ tầng hai xuống đống gạch trước nhà, mặc dù người xung quanh có gọi 120 giúp thật, nhưng cái hành vi đi loan "tin dữ" dẫn tới càng nhiều người tới hóng hớt hơn vẫn khiến hắn cảm thấy khó chịu...... Từ đó trở đi, người ba hôm trước còn phô trương nâng hắn bay cao cao tiện thể còn trông hắn ngủ, người ba ngày trước từng đèo hắn trên con xe đạp cà tàng đi hóng gió sau mỗi bữa cơm chiều, trong chớp mắt đã thay đổi hoàn toàn, cho dù hắn có làm gì hay không ông cũng sẽ mắng nhiếc, chửi bới hắn và mẹ bằng ngữ điệu ác liệt...... Người ta đã xui lắm rồi sao còn phải xát muối lên miệng vết thương của họ làm gì nữa? Từ Văn căn bản sẽ không đi hóng chuyện như vậy, nhưng hắn lại bị người quen gọi giật lại, một bà thím tầm 50, 60 tuổi kia vừa thấy hắn liền nhiệt tình chào hỏi: "Từ Văn mới từ trấn trên về hở?" "Vừa có chuyện gì xảy ra vậy thím?" Từ Văn ngừng lại, cười với đối phương. Sau khi ba mẹ mất hắn vẫn luôn sống một mình, chưa từng quá thân thiết với ai cả, có điều hắn vẫn nguyện ý có quan hệ tốt với mọi người, bởi vậy người quen biết hắn không ít. "Ở đây xuất hiện một đứa ngốc." Bà thím lập tức mở miệng, mà bà vừa dứt lời thì một bóng người quần áo rách tả tơi bỗng vọt ra từ trong đám người, chạy nhanh tới bên người Từ Văn, sau đó ôm chặt cái đùi Từ Văn đang ngồi trên xe đạp điện. Y một bên phát ra vài thanh âm kỳ quái, một bên ôm chặt chân Từ Văn, chỉ để lại cho người ta một quả đầu tóc dài lộn xộn xám trắng giao nhau. Chắc đây là một ông lão vô gia cư nhỉ? Từ Văn thả lỏng cái chân thiếu chút tung cước của mình: "Ông, ông à......" Hắn duỗi tay vỗ vỗ ông lão này, nhạy bén phát giác thân nhiệt của đối phương cao tới bất thường, hơn nữa không nói tới việc đối phương ăn mặc phong phanh, trên quần áo có rất nhiều chỗ bị cắt xé, mà ở dưới lớp vải mỏng manh này có rất nhiều vết thương đã thối rữa mưng mủ, những vết thương này có mới có cũ, gần như che phủ toàn bộ cơ thể đối phương. Trong lòng Từ Vân không nhịn được dâng lên một luồng cảm giác tức giận, một ông lão si ngốc lưu lạc ngoài đường không lạ, thế nhưng lại có người còn ra tay đánh ông ấy! Không đúng, hắn cảm thấy cơ thể người trước mặt này rất cường tráng...... "Từ Văn, cái tên ngốc này vẫn luôn ngơ ngác ngồi một mình sao vừa thấy cháu liền thành như vậy? Trên người cháu có đồ ăn à?" Bà thím bắt chuyện với Từ Văn nãy giờ không nhịn nổi mà mở miệng hỏi. "Cháu có mang đâu." Từ Văn mở miệng, lấy từ chiếc túi treo bên cạnh ra một nắm cơm gạo nếp, nắm cơm này là bữa sáng của đại thẩm sạp bên đem đổi lấy bánh trứng với hắn sáng nay, sau đó hắn vẫn chưa kịp ăn. "Ông à, ông có muốn ăn chút gì không?" Từ Văn duỗi tay chạm vào người đang ôm mình, hỏi. Người nọ cuối cùng cũng chịu ngẩng đầu lên, dưới mái đầu đầy tóc bạc này thế mà là một khuôn mặt trẻ măng, nếu bỏ qua những vết dơ bẩn này thì chắc trông cũng không tồi. Chỉ là, đôi mắt đối phương dại ra, biểu tình thì mê mang, sau đó y bỗng nở một nụ cười ngây ngô tươi rói, vừa thấy đã biết đây chính là một tên ngốc rồi.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]