Chương trước
Chương sau
MỌI THỨ ĐỀU ỔN, tôi quả quyết ngày hôm sau. Vấn đề là không được điên lên vì số tiền ta đã vô tình tiêu ngày hôm qua. Nó như nước chảy qua cầu. Điều cốt lõi là hôm nay tôi sẽ bắt đầu cuộc sống chắt bóp mới của mình. Kể từ giờ trở đi, tôi sẽ không tiêu một đồng nào hết. David E.Barton nói rằng bạn nên đặt mục tiêu cắt giảm nửa số chi tiêu trong tuần đầu tiên, nhưng tôi cho rằng mình có thể làm tốt hơn thế nhiều. Ý tôi là, tôi không muốn thô lỗ nhưng mà những cuốn sách tự giúp mình này chỉ dành cho những kẻ không có chút tự chủ nào, đúng không? Và thế là tôi bỏ hút thuốc một cách dễ dàng. (Trừ những lúc xã giao, nhưng cái này không tính.)
Tôi cảm thấy rất phấn chấn khi tự làm cho mình một chiếc sandwich phomát và gói nó trong giấy bạc. Tôi đã tiết kiệm được vài bảng, chỉ nhờ làm như vậy! Tôi chưa có bình (chắc tôi sẽ đi mua vào cuối tuần),nên tôi không thể mang theo cà phê, nhưng có một chai nước đào ép trong tủ lạnh thế là tôi quyết định sẽ đem nó thay thế. Thứ này còn bổ dưỡng nữa chứ.
Thật đáng thắc mắc là tại sao mọi người lại đi mua sandwich ở cửa hàng. Hãy xem tự mình làm rẻ và dễ dàng thế nào. Và điều này đúng với cả món cà ri nữa. David E.Barton nói rằng thay vì ra ngoài mua đồ ăn sẵn, bạn nên học cách nấu cà ri và đồ chiên, với giá thấp hơn nhiều. Và đó là điều tôi sẽ làm cuối tuần này sau khi đã đến viện bảo tàng hay là đi dạo dọc bờ sông vãn cảnh.
Khi đi dọc ga tàu điện ngầm, tôi cảm thấy rất thoải mái, thư giãn. Hơi lạnh nữa là đằng khác nữa. Hãy nhìn tất cả mọi người trên phố xem, hớt hải đi lại, chẳng nghĩ được thứ gì khác ngoài tiền. Tiền, tiền, tiền, một nỗi ám ảnh. Nhưng khi bạn từ bỏ mọi thứ về tiền thì nó chẳng còn đáng là gì nữa. Tôi cảm thấy mình đã thay đổi suy nghĩ hoàn toàn. Giảm duy vật, tăng duy tâm. Thiên về tâm linh. Như David E.Barton nói, tất cả chúng ta đều không thể đánh giá được hết những gì mình đang sở hữu. Ánh sáng, không khí, sự tự do, tình bằng hữu... Ý tôi là, đấy mới là những thứ đáng quan tâm phải không?
Tôi gần như sợ hãi trước những sự biến đổi đã bắt đầu trong tôi. Ví dụ như khi tôi bước qua sạp báo ở ga điện ngầm, thờ ơ liếc nhìn không chút mong muốn mua bất cứ một quyển tạp chí nào. Những cuốn tạp chí không có chỗ trong cuộc sống mới của tôi. (Nói thêm là tôi đã đọc hầu hết chúng.)
Thế là tôi bước lên tàu, cảm thấy rất tao nhã và trầm tĩnh, như một nhà tu hành. Khi tôi xuống tàu ở ga cuối, tôi đi thẳng qua hàng bán giày giảm giá không thèm quay lại nhìn, rồi đi qua luôn cả hiệu Lucio’s. Không cappuccino. Không bánh xốp. Không tiêu gì hết - chỉ đi thẳng đến cơ quan.
Đây là thời điểm khá nhàn rỗi trong tháng cho các phóng viên tờ Successful Saving. Chúng tôi vừa hoàn thành xong chủ đề mới nhất để tạp chí ra đời, có nghĩa là chúng tôi có thể lười biếng chẳng làm gì hết trong vài ngày tới, trước khi cùng bắt tay vào chủ đề tiếp theo. Tất nhiên, đáng lẽ chúng tôi cũng phải nghiên cứu bài vở cho tháng tới. Thật ra, hôm nay tôi phải gọi điện cho một loạt người môi giới chứng khoán, hỏi họ về những mánh đầu tư trong 6 tháng tới. Nhưng tôi đã biết tỏng họ sẽ nói gì. Jon Burrrins sẽ tiếp tục về vấn đề cổ phiếu thương mại điện tử, George Steadman sẽ hăng hái với mấy công ty kỹ thuật sinh học tí hon, và Steve Fox sẽ nói với tôi rằng ông ta vẫn muốn từ bỏ trò cổ phiếu để bắt đầu một trại tạo giống đến mức nào.
Cả buổi sáng trôi qua mà tôi chẳng làm được việc gì, chỉ đổi được màn hình chờ máy tính của mình thành 3 con cá vàng và một con bạch tuộc, và viết được một bản đề nghị công tác phí. Thành thực mà nói, tôi không thể tập trung vào công việc được. Tôi nghĩ là tôi quá hồ hởi về con người hoàn toàn mới của mình. Tôi cứ cố gắng ngồi đếm xem đến cuối tháng tôi sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền và mua được thứ gì ở tiệm Jigsaw.
Đến giờ ăn trưa, tôi lôi cái bánh sandwich bọc bạc ra – và lần đầu tiên trong ngày hôm đó, tôi cảm thấy hơi chán nản. Cái bánh đã ướt sũng, một ít nước sốt đã thấm ra cả giấy gói, trông nó thực sự chẳng ngon miệng chút nào. Thứ tôi ao ước bây giờ là một ổ bánh mì óc chó Pret à Manger và một thanh sôcôla hạnh nhân.
Không được nghĩ đến nó, tôi kiên quyết tự điều chỉnh. Hãy nghĩ đến việc mình đang tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Và thế là bằng cách nào đó, tôi đã ép mình ăn cái bánh tự làm ướt sũng, và uống một ít nước đào. Ăn xong, tôi quẳng giấy gói đi, vặn chặt nắp chai nước đào ép và tống nó vào cái tủ lạnh nhỏ xíu của phòng tôi. Và thế là đã hết... 5 phút trong thời gian nghỉ trưa.
Thế bây giờ mình sẽ làm gì nữa nhỉ? Đi đâu bây giờ?
Tôi khổ sở ngồi ở bàn. Chúa ơi, cái sự tằn tiện thật khó thực hiện. Tôi đọc lướt qua vài tập tài liệu... rồi nghển cổ lên, ngóng qua cửa sổ, nơi những người mua sắm bận rộn trên phố Oxford đang túm chặt vào những túi đồ. Tôi muốn ra ngoài đó kinh khủng, tôi thực sự đang trườn người ra phía trước, như là cái cây vươn ra đón nắng. Tôi đang mơ về những ánh đèn rực rỡ và không khí ấm áp, về dãy dãy hàng hoá, thậm chí cả tiếng bíp của máy tính tiền nữa. Nhưng tôi không thể đi. Sáng nay tôi đã tự nhủ rằng cả ngày mình sẽ không bén mảng đến các cửa hiệu. Tôi đã hứa với bản thân mình – và tôi không thể thất hứa với chính mình được.
Rồi tôi bật ra một ý tưởng tuyệt vời. Tôi cần mua công thức món cà ri để tự nấu ở nhà, đúng không? David E.Barton nói những quyển sách nấu ăn đều rất phí tiền. Ông nói bạn nên dùng những công thức in ở trên bao bì đồ ăn, hoặc là mượn sách của thư viện. Nhưng tôi có một ý tưởng còn tuyệt vời hơn. Tôi sẽ đến hiệu sách Smiths để copy ra một công thức để nấu món cà ri cho tối thứ Bảy. Bằng cách đó, tôi có thể vào cửa hiệu mà chẳng tiêu đồng nào. Tôi nhanh nhẹn đứng dậy, vớ lấy áo khoác. Cửa hiệu, ta đến đây!
Khi bước vào hiệu Smiths tôi cảm thấy cả thân thể mình thư giản thoải mái. Có một ma lực thôi thúc bạn đi vào những cửa hiệu - bất kỳ cửa hiệu nào – mà bạn khó có thể cưỡng lại được. Một phần là do sự háo hức, một phần là do không khí náo nhiệt gọi mời, một phần đơn giản chỉ là do sự mới mẻ đáng yêu của mọi món đồ. Những quyển tạp chí mới tinh, những cây bút chì mới tinh, những cây thước đo góc mới tinh. Tôi đã không còn cần thước đo góc từ năm mười một tuổi – nhưng không phải chúng xinh xắn, sạch tinh, và thật ngăn nắp trong hộp sao? Có cả một lô đồ văn phòng phẩm mới hiệu nhãn con báo mà tôi chưa thấy bao giờ, và trong vài giây tôi suýt bị cám dỗ nán lại. Tuy nhiên tôi đã bắt mình sải bước qua, thẳng xuống cuối cửa hiệu, nơi có hàng đống sách.
Có cả một chuỗi dài những cuốn sách dạy nấu món ăn Ấn Độ, và tôi nhặt ngẫu nhiên một quyển, lướt qua mấy trang để xem mình cần loại công thức nào. Trước đây tôi không biết món Ấn lại cầu kỳ đến thế. Có lẽ tôi nên chép ra vài công thức, để cho chắc chắn.
Tôi cảnh giác nhìn quanh rồi lôi sổ và bút ra. Tôi khá thận trọng vì tôi biết hiệu Smiths không thích khách hàng copy thông tin trong sách của họ. Lý do tôi biết điều này là vì Suze đã một lần bị mời ra khỏi hiệu Smiths ở Victoria. Cô ấy đang copy trang bản đồ chỉ đường, vì cô ấy quên mất, và họ bảo cô ấy rằng hoặc mua quyển sách hoặc ra ngoài. (Điều đó thệt chẳng công bằng chút nào, trong khi họ cho bạn đọc tạp chí miễn phí, đúng không?)
Cuối cùng thì khi đã chắc không có ai nhìn mình, tôi bắt đầu chép công thức món “Tôm hùm Biriani”. Tôi mới chép được nửa số gia vị thì một cô gái trong bộ đồng phục của WHSmiths lại gần, thế là tôi vội vàng đóng cuốn sách vào, bước vài bước giả vờ như đang tìm kiếm. Khi nghĩ mình đã an toàn, tôi lại mở quyển sách ra – nhưng trước khi tôi viết thêm được chữ nào, một bà cụ mặc chiếc áo choàng màu xanh biển nói to, “Có gì hay không, cô bé?”
“Gì cơ ạ?”, tôi nói.
“Cuốn sách ấy!” bà cụ lấy cái ô chỉ về hướng cuốn sách. “Bác muốn có một món quà cho cô con dâu, nó là người Ấn Độ, nên bác nghĩ sẽ chọn một cuốn sách dạy nấu món Ấn thật hay. Cuốn đó có được không cưng?”
“Cháu e là cháu không rõ ạ” tôi nói “Cháu đã đọc đâu”
“Ồ” bà cụ nói và bắt đầu đi khỏi. Tôi cần phải ngậm miệng và chú tâm vào công việc của mình – nhưng mà tôi không thể làm thế được, thế là tôi cất giọng “XIn lỗi bác – nhưng chị ấy chắc phải biết nhiều công thức nấu món Ấn rồi chứ ạ?”
“Ai cơ cưng?” bà cụ quay lại nói.
“Con dâu bác ạ!” Tôi đã bắt đầu hối hận chuyện này. “Nếu chị ấy là người Ấn Độ thì chắc chị ấy biết nấu món Ấn chứ ạ?”
“Ồ” bà cụ nói, bà cụ trông rất bối rối “Thế thì theo cháu bác nên mua gì?”
Ôi Chúa ơi!
“Cháu không biết nữa.” tôi nói. “Hay là một cuốn sách... về cái gì khác chẳng hạn?”
“Ý kiến hay đấy” bà cụ hoan hỉ và tiến lại gần tôi. “Chỉ cho bác với nào, cưng”
“Vâng” tôi nói, nhìn xuống mấy cái giá sách một cách vô vọng. “Thế chị ấy quan tâm đến điều gì ạ? Chị ấy... có sở thích gì đặc biệt nào không ạ?”
“Nó thích không khí trong lành” bà cụ trầm ngâm. “Đi dạo ở vùng thôn quê”
“Tuyệt” tôi thở phào nhẹ nhõm. “Thế thì sao bác không ghé qua khu sách du lịch và chọn một quyển sách về đi dạo?”
Tôi chỉ cho bà cụ khu sách đó rồi vội vã quay lại tiếp tục việc copy của mình. Tôi đến khu bán băng đĩa, nơi lúc nào cũng vắng vẻ, và núp sau giá để những cuốn băng chương trình Teletubbies. Tôi nhìn quanh xem có ai không, rồi lại mở cuốn sách ra. Được rồi, trang 214, “Tôm hùm Biriani”... tôi tiếp tục chép, và khi tôi mới chép gần hết các gia vị thì một giọng nói nghiêm nghị vang lên sát cạnh tai tôi, “Xin lỗi cô”
Tôi hoảng quá, giật mạnh cái bút ra khỏi cuốn sổ, và khốn khổ thay, quệt một vệt dài màu xanh lên tấm ảnh món cơm basmati. Tôi vội lấy tay che vết mực và quay đi một cách hồn nhiên. một người đàn ông mặc sơ mi trắng có đeo thẻ tên đang nhìn tôi không bằng lòng.
“Đây không phải là thư viện công cộng, cô biết đấy” ông ta nói.
“Tôi chỉ đang lựa sách thôi mà” tôi lấp liếm và nhanh tay đóng quyển sách lại nhưng ngón tay của người đàn ông từ đâu mọc ra đã chẹn vào trang sách trước khi tôi kịp đóng. Ông ta từ từ mở cuốn sách ra và cả hai chúng tôi cùng nhìn chằm chằm vào vệt mực Biro xanh.
“Lựa sách là một chuyện” ông ta nói một cách nghiêm nghị “phá hoại cửa hàng lại là chuyện khác”
“Đấy chỉ là một tai nạn thôi!” tôi nói. “Anh đã làm tôi giật mình!”
“Hừm” ông ta nói, và lườm tôi. “Thực sự thì cô có ý định mua cuốn sách này không? Hay một cuốn sách nào khác?”
Im lặng một lúc - rồi, thật xấu hổ, tôi đáp “Không”
“Tôi hiểu rồi” ông ta nói, mím chặt môi “Được rồi, tôi e là chuyện này phải được trao đổi với bà quản lý. Hiển nhiên. giờ chúng tôi không thể bán cuốn sách này nữa, đó là tổn thất cho chúng tôi. Mời cô đi với tôi và thuật lại cho bà ấy một cách chính xác cô đã làm gì khi tai nạn xảy ra...”
Ông ta không đùa đấy chứ? Đáng lẽ ông ta phải tử tế nói rằng chẳng vấn đề gì đâu và rằng tôi có muốn một thẻ khách hàng trung thành không chứ. Tim tôi bắt đầu đập thình thịch hoảng loạn. Tôi phải làm gì bây giờ? Hiển nhiên, tôi không thể mua quyển sách, dưới chế độ tiết kiệm của tôi. Nhưng tôi cũng không hề muốn gặp bà quản lý chút nào.
“Lynn?” người đàn ông gọi cô gái ở quầy bán bút. “Cô làm ơn gọi bà Glenys cho tôi nhé!”
Ông ta không đùa chút nào. Ông ta trông rất hả hê với bản thân, như thể là vừa mới bắt quả tang được một tên trộm vặt. Họ có thể khởi tố tôi vì đã vẽ vào sách hay không? Có thể đó là tội cố ý phá hoại tài sản. Tôi sẽ có tiền án, tôi sẽ không bao giờ được sang Mỹ nữa.
“Thôi được rồi, tôi sẽ mua cuốn sách, được chưa?” tôi tức tưởi nói. “Tôi sẽ mua quyển sách chết tiệt này” Tôi giật quyển sách khỏi tay người đàn ông rồi chạy ra quầy tính tiền trước khi ông ta kịp nói gì.
Đứng cạnh tôi ở quầy tính tiền là bà cụ mặc áo khoác xanh lúc nãy, bà cụ hoan hỉ nói to, “Bác đã nghe lời cháu! Bác đã chọn cho con dâu một cuốn sách về du lịch. Bác nghĩ nó sẽ rất thích!”
“Ồ hay quá!” tôi đáp, đưa cuốn sách để quét mã vạch.
“Tựa đề cuốn sách là đường tới Ấn Độ” bà cụ nói, giơ quyển sách dày cộm màu xanh lên. “Cháu đã nghe lần nào chưa?”
“Ồ” tôi nói. “Dạ, rồi, nhưng mà...”
“£24,99 của chị” cô thu ngân cắt ngang.
Cái gì cơ? Tôi hoảng hốt nhìn cô ta. 25 bảng, chỉ cho mấy cái công thức? Tại sao tôi lại không vớ một quyển nào rẻ hơn nhỉ? Chết tiệt. Chết tiệt. Hết sức miễn cưỡng, tôi lấy thẻ tín dụng đưa cho cô ta. Đi mua sắm là một chuyện, bị ép mua thứ mình không muốn lại là chuyện khác. Ý tôi là tôi thậm chí có thể mua một bộ đồ lót xinh xắn với 25 bảng đó.
Đổi lại, tôi ngẫm nghĩ tên đường về, mình sẽ có thêm nhiều điểm thưởng mới trên thẻ hội viên. Giá trị tương đương với... 50 xu! Và bây giờ tôi có thể làm cả đống cà ri ngon tuyệt và tiết kiệm lại được số tiền đã phí phạm đó. Thật ra, tôi sẽ coi cuốn sách này là một sự đầu tư.
Tôi không muốn ba hoa, nhưng trừ lần mua bán đó, tôi thực hiện khá tốt trong mấy ngày tiếp theo. Những thứ duy nhất tôi mua là một cái bình bằng crôm rất đẹp để mang cà phê đến cơ quan. (Cùng một ít hạt cà phê với một máy xay cà phê). Và một ít hoa và sâm panh cho sinh nhật của Suze.
Nhưng thật ra là tôi được phép làm điều đó, bởi vì như David E.Barton nói, bạn phải trân trọng bạn bè mình. Ông nói chia bánh với bạn bè là một trong những hành động giản dị xa xưa nhất, thiết yếu nhất của đời sống con người. “Đừng bao giờ ngừng tặng quà cho bạn mình.” Ông nói. “Chúng không cần phải đắt tiền – hãy sử dụng óc sáng tạo và cố gắng tự mình làm những món quà.”
Thế là tôi mua cho Suze nửa chai sâm panh thay vì cả chai – và thay vì mua bánh sừng bò đắt đỏ từ cửa hàng, tôi sẽ tự làm chúng với thứ bột nhào đặc biệt mà bạn có thể lấy từ những tuýp bột.
Tối đó, chúng tôi đi ra ngoài ăn đêm ở tiệm Terrazza với anh chị họ của Suze là Fenella và Tarquin – và thú thật, đó là bữa tối khá tốn kém. Nhưng không sao, bởi vì cái đó tính là chia bánh với bạn bè. (Trừ chuyện bánh mì ở Terrazza là bánh mì Ý cà chua phơi nắng giá £4,50 một ổ.)
.
Fenella và Tarquin đến lúc sáu giờ và vừa nhìn thấy họ là Suze đã reo lên thích thú. Tôi vẫn ở yên trong phòng và tiếp tục trang điểm, trì hoãn việc phải chạy ra ngoài để chào họ. Tôi không kết Fenella và Tarquin lắm. Thật sự thì, tôi nghĩ họ hơi bất bình thường. Mà trước hết là ở ngoại hình của họ bất bình thường. Họ đều rất gầy gò, nhưng lại to xương, và đều có hàm răng hơi hô. Fenella còn có chút để ý đến quần áo và trang điểm nên trông không quá tệ. Còn Tarquin thì, nói thẳng ra là trông như một con sóc. Hay là một con chồn. Hay là một sinh vật xương xẩu bé tí nào đấy. Họ cũng làm những điều lạ lùng nữa. Họ đi dạo bằng xe đạp đôi, mặc áo len chui ống giống nhau được bà vú già đan cho, và nói thứ ngôn ngữ của gia đình mà chẳng ai có thể hiểu được. Ví dụ như họ gọi sanwich là “witchy”. Và đồ uống là “titchy” (trừ khi nó là nước, thứ được gọi là “Ho”). Chỉ từng đó thôi cũng đủ khiến tôi phát bực rồi.
Nhưng Suze lại mê tít họ. Cô ấy đã trải qua những mùa hè thời thơ ấu với họ ở Scotland nên cô ấy không hề thấy họ có chút khác thường nào. Điều tồi tệ nhất là cô ấy bắt đầu nói về witchy và titchy khi ngồi với họ.
Tuy nhiên, tôi chẳng thể làm gì được - bây giờ họ đã ở đây rồi. Tôi chuốt mascara xong, đứng dậy và soi gương. Tôi khá hài lòng với hình ảnh của mình. Tôi đang mặc một bộ quần áo đen giản dị - và, cuốn hờ quanh cổ tôi là cái khăn lộng lẫy, lộng lẫy, hiệu Denny and George. Chúa ơi, thật là đáng đồng tiền. Trông nó thật tuyệt vời.
Tôi lưỡng lự một chút, rồi đành mở cửa đi ra.
“Chào cậu, Bex!” Suze nói, ngước nhìn với ánh mắt long lanh. Cô ấy đang ngồi khoanh chân trên sàn hành lang bóc quà, còn Fenella và Tarquin đang đứng bên cạnh, ngắm nhìn. Họ không có cái áo chui đầu giống nhau hôm nay, ơn Chúa. Nhưng Fenella lại mặc một cái váy đỏ kỳ cục may bằng vải tuýt lông, còn Tarquin thì mặc một bộ vest trông như thể được may từ thời Thế Chiến I.
“Xin chào!” tôi nói rồi hôn từng người một cách lịch sự.
“Ôi, trời!” Suze hét lên, lôi ra một bức tranh có khung cổ mạ vàng. “Em không thể tin được! Em không thể tin được!” Cô ấy nhìn hết Tarquin đến Fenela với đôi mắt lấp lánh, và tôi liếc nhìn bức tranh qua vai của Suze. Thành thật mà nói, tôi chẳng thể thấy ấn tượng nổi. Nhìn thoáng qua, trông nó thật bẩn thỉu- màu xanh, màu nâu lem nhem bao phủ- và hơn thế nữa, chỉ là một con ngựa đang đứng yên trên cánh đồng. Ý tôi là lẽ ra nó phải đang nhảy qua hàng rào hay chồm lên hay đại loại thế chứ? Hoặc là nó đang phi nước kiệu trong Hyde Park, trên lưng là một quý cô mặc bộ váy dễ thương như trong Kiêu hãnh và Định kiến chứ.
“Chúc Mừng Ngày Tồi Tệ!” Tarquin và Fenella nói đồng thanh ( Đây lại là một chuyện nữa. Họ gọi sinh nhật là ngày tồi tệ, kể từ khi... Ôi Chúa ơi. Thật quá nhạt nhẽo để giải thích.)
“Nó quả là lộng lẫy,” tôi nhiệt tình nói. “Quả là rất đẹp!”
“ Đẹp quá phải không?” Tarquin nói một cách tha thiết. “ Hãy nhìn các sắc màu mà xem.”
“Ừm, rất dễ thương,” tôi nói, gật đầu.
“Và cả những nét vẽ nữa. Thật tinh tế. Bọn anh đã ngỡ ngàng khi nhìn thấy nó.”
“Quả là một bức tranh tuyệt đẹp,” tôi nói. “Khiến bạn chỉ muốn.. phi nước kiệu xuống vùng quê thôn dã!”
Tôi đang nói điều vớ vẩn gì thế này? Tại sao tôi không thể trung thực mà nói rằng tôi không thích nó?
“Em có hay cưỡi ngựa không?” Tarquin nói, nhìn tôi với một thoáng bất ngờ.
Tôi đã cưỡi ngựa một lần. Con ngựa của anh họ tôi. Tôi đã ngã lần đó và thề rằng sẽ không bao giờ trèo lên lưng ngựa nữa. Nhưng mà tôi không định sẽ thú nhận điều đó vời Ngài Ngựa của Năm.
“Trước em cũng thường cưỡi,” tôi trả lời, khe khẽ mỉm cười khiêm tốn. “Nhưng không giỏi lắm.”
“Anh chắc là em sẽ lấy lại phong độ thôi,” Tarquin nói, nhìn tôi chằm chằm. “Thế em đã đi săn bao giờ chưa?”
Đi săn? Những con cáo nhỏ lông dày á? Anh ta có đùa không đấy?
“Này,” Suze nói, thích thú treo bức tranh lên tường. “Chúng ta làm một chút titchy trước khi đi đã chứ?”
“Tất nhiên rồi!” tôi nói, quay lưng lại với Tarquin. “ Ý kiến hay đấy.”
“Ồ, phải” Fenella nói. “Em có sâm panh không?”
“Chắc là có đấy” Suze nói, và chạy vào bếp. Đúng lúc đó điện thoại reo, và tôi tới nghe.
“Xin chào”
“ Xin chào, làm ơn cho tôi nói chuyện với cô Rebecca Bloomwood?” Một giọng phụ nữ lạ cất lên.
“Vâng,” tôi đáp bâng quơ. Tôi đang lắng nghe tiếng mở và đóng tủ bếp và tự hỏi không biết chúng tôi còn ít sâm panh nào không trừ nửa chai chúng tôi đã uống trong bữa sáng... “Tôi nghe.”
“Chào cô Bloomwood, tôi là Erica Parnell ở ngân hàng Endwich,” đầu kia nói và tôi như tê liệt.
Khốn thật. Ngân hàng gọi. Chúa ơi, họ đã gửi cho tôi lá thư đó đúng không và tôi chưa hề làm điều gì đáp lại.
Tôi phải nói gì bây giờ? Nhanh lên, tôi phải nói gì?
“Cô Bloomwood?” Erica Parnell nói.
Được rồi, tôi sẽ nói rằng tôi hoàn toàn nhận thức được là số tiền chi trội của tôi có hơi vượt quá giới hạn, và tôi sẽ có những biện pháp khắc khục trong vài ngày tới. Đúng rồi, nghe ổn đấy. “Biện pháp khắc phục” nghe rất xuôi tai. Được rồi - nói đi.
Tôi cương quyết tự nhủ không được hoảng hốt - những kẻ đó cũng là người - và hít một hơi thật sâu. Và rồi, bất chợt và không định trước, tay tôi đặt ống nghe xuống.
Tôi nhìn chằm chằm vào cái điện thoại yên lặng trong vài giây, gần như không thể tin được điều tôi vừa làm. Tôi làm thế để làm gì? Erica Parnell biết đó là tôi mà, đúng không? Cô ta sẽ gọi lại bất cứ lúc nào. Có thể bây giờ cô ta đang nhấn nút gọi lại cũng nên, và cô ta sẽ rất tức giận.
Tôi vội rút dây điện thoại ra và nhét nó dưới ghế sa lông. Bây giờ cô ta không thể gọi cho mình được nữa. Mình an toàn rồi.
“Ai gọi thế?” Suze hỏi trước khi bước vào phòng.
“Có ai đâu,” tôi đáp, cố nặn ra một nụ cười rạng rỡ. Tôi chỉ không muốn làm hỏng ngày sinh nhật của Suze với những vấn đề ngớ ngẩn của mình. “ Nhầm số thôi mà.. Nghe ngày, đừng uống ở đay. Ra ngoài uống đi!”
“ Ừ,” Suze nói,” được thôi!”
“Sẽ vui hơn nhiều,” tôi lắp bắp, cố gắng để cô không nhìn cái điện thoại. “Chúng ta sẽ đến những quán bar thật đẹp, uống cốc-tai, rồi đi đến tiệm Terrazza.”
Tôi nghĩ trước mắt tôi sẽ cài hiện số tất cả các cuộc gọi. Hoặc trả lời điện thoại bằng giọng nước ngoài. Hoặc, thậm chí tốt hơn là đổi số. Biến khỏi danh bạ điện thoại.
“Có chuyện gì thế?” Fenella xuất hiện ở cửa và hỏi.
“Có gì đâu,” tôi nghe thấy mình nói. “Chúng ta sẽ ra ngoài kiếm titchy, rồi đi ăn tối.”
Ôi tôi không thể tin được. Tôi đang biến mình thành một trong số họ.
Khi đến tiệm Terrazza, tôi đã thấy bình tĩnh hơn nhiều. Đương nhiên, Erica Parnell sẽ nghĩ là chúng tôi bị mất liên lạc do lỗi đường truyền hay gì đó. Cô ta sẽ không bao giờ nghĩ là tôi đã cúp máy. Ý tôi là cả hai chúng tôi đều là những trí thức trưởng thành, đúng không? Những trí thức trưởng thành thì không làm những việc như thế.
Và nếu tôi gặp cô ta, cầu Chúa điều này không xảy ra, tôi sẽ tỏ ra rất bình tĩnh và nói rằng “Chuyện thật lạ phải không, lúc trước cô gọi cho tôi ấy mà?” Hay còn hơn thế nữa, tôi sẽ trách móc cô ấy đã dập máy. (Tất nhiên là theo kiểu nửa đùa nửa thật.)
Quán Terrezza đầy người, nhộn nhịp, khói thuốc lá và tiếng chuyện trò, và khi chúng tôi ngồi xuống với quyển menu màu bạc to đùng, tôi cảm thấy còn thư giãn hơn nữa. Tôi thích đi ăn ở ngoài. Và tôi cho là mình xứng đáng có một bữa thực sự, sau mấy ngày chắt bóp vừa rồi. Thật không dễ dàng chút nào để thực hiện được chế độ nghiêm ngặt đó, nhưng dù sao, tôi đã xoay sở được. Tôi vẫn thực hiện rất tốt! Thứ Bảy, tôi sẽ kiểm tra thói quen chi tiêu của mình, và tôi chắc chắn là nó phải giảm xuống ít nhất là 70% rồi.
“Ta uống gì bây giờ?” Suze nói. “Tarquin, anh chọn đi.”
“Ôi nhìn kìa!” Fenella hét lên. “Eddie Lazenby kìa! Chị phải ra chào mới được.” Cô ta chạy đến chỗ một người đàn ông hói đầu mặc áo sặc sỡ cách chừng mười bàn. Làm thế nào mà cô ấy có thể nhận ra ông ta giữa đám đông, tôi chịu thôi.
“Suze!” một giọng khác thét lên, và chúng tôi cùng ngước lên. Một cô gái tóc vàng trong bộ cánh màu hồng phấn nhỏ xíu đang tiến về phía chúng tôi, hai tay dang rộng chuẩn bị cho một cái ôm. “Cả Tarkie nữa!”
“Chào Tory,” Tarquin nói, đứng lên. “Thế Mungo đâu?”
“Anh ấy ngồi đằng kia!” Tory nói, “Cậu nhất định phải ra chào anh ấy mới được”
Sao Fenella và Tarquin lúc nào cũng ở vùng trung Perthshire, vậy mà vừa mới đến London, họ đã bị những người bạn lâu ngày không gặp vây lấy nhỉ?
“Eddie gửi lời chào,” Fenella thông báo sau lúc quay trở lại bàn. “Tory! Cậu thế nào? Mungo sao rồi?”
“Ồ, anh ấy rất ổn,” Tory nói. “ Nhưng nghe này, cậu có nghe thấy gì chưa? Caspar vừa mới về!”
“Không thể nào!” mọi người đều hét lên, và tôi suýt nữa thì cũng làm như họ. Chẳng ai bận tâm giới thiệu tôi với Tory, nhưng kiểu nó phải thế. Bạn tham gia vào hội bằng cách thẩm thấu. Một phút trước bạn là một người hoàn toàn xa lạ, phút sau bạn đã phát cuồng lên với cả hội, rồi tham gia “ Các cậu có nghe về Venetia và Sebastian chưa?”
“Xem nào, chúng ta phải gọi đồ đã,” Suze nói. “Tory ơi, một chốc nữa bọn tớ sẽ ghé thăm bàn cậu nhé.”
“Được rồi, chào,” Tory nói rồi khệnh khạng đi mất.
“Suze!” lại một giọng khác thét lên, và một cô gái mặc váy đen xinh xắn chạy tới. “Cả Fenny nữa!”
“Milla!” cả hai gào lên. “Cậu thế nào? Benjy thế nào rồi?”
Ôi Chúa ơi, cái sự này không thể nào dừng lại được. Tôi cứ ngồi trơ trơ ra đó, nhìn chằm chằm vào cái menu, giả vờ đang rất chăm chú chọn món khai vị nhưng tôi cảm thấy mình như là một kẻ bị lãng quên không ai thèm đếm xỉa. Thật không công bằng. Tôi cũng muốn nhảy từ bàn này sang bàn khác gặp gỡ bạn bè. Tôi muốn tình cờ gặp lại những người bạn thời thơ ấu. (Mặc dầu nói thật là, người duy nhất tôi biết lâu đến thế là Tom, cậu bạn hàng xóm, và bây giờ cậu ta đang ở trong căn bếp gỗ sồi ngâm vôi ở Reigate.)
Nhưng để phòng khi, tôi hạ thấp tờ menu xuống, và nhìn quanh đầy hy vọng. Làm ơn, Chúa ơi, chỉ một lần này thôi, hãy để ai đó nhận ra con. Không cần là ai đó con thích, chẳng cần là ai đó con thân - chỉ cần một ai đó mà con có thể chạy ra hôn má chụt, chụt và hét lên, “Chúng ta nhất định phải đi ăn trưa!” Ai cũng được mà... Ai cũng được...
Và rồi thật bất ngờ, tôi nhận ra một khuôn mặt quen quen, chỉ ngồi cách có mấy bàn! Đó là Luke Brandon, ngồi chung bàn với một người đàn ông và một người đàn bà đứng tuổi ăn mặc rất sang trọng.
Thật ra hắn không phải là một người bạn cũ - nhưng tôi biết hắn mà, đúng không? Và tôi rất muốn nhảy từ bàn này sang bàn nọ như mọi người.
“Ôi Luke kìa!” tôi reo lên (nhỏ tiếng để Luke không nghe thấy). “Tớ phải ra chào mới được!”
Khi mà mọi người vẫn còn đang ngỡ ngàng thì tôi đã chỉnh lại tóc, đứng dậy rồi bước vội, tràn đầy hạnh phúc bất ngờ. Tôi cũng có thể làm thế! Tôi đang nhảy từ bàn này sang bàn khác ở quán Terrezza. Tôi là một cô gái Thời thượng!
Tới khi chỉ còn cách bàn họ vài bước, tôi đi chậm dần và tự hỏi thực sự thì mình sẽ nói điều gì với hắn.
Được rồi.. Tôi sẽ phải lịch sự. Chào và - a, đúng rồi! Tôi có thể cảm ơn hắn lần nữa vì đã tử tế cho tôi vay hai mươi bảng.
Khốn thật. Tôi đã trả hắn rồi, đúng thế không?
Rồi. Rồi mà. Tôi đã gửi cho hắn một tấm thiệp xinh xắn có hình những bông hoa anh túc làm bằng giấy tái chế và một tấm séc rồi mà. Đúng rồi. Giờ thì đừng có hoảng, hãy bình tĩnh và Thời thượng.
“Xin chào!” tôi nói ngay khi đến tầm nghe của bàn hắn, nhưng tiếng ồn ào xung quanh quá to, nên hắn không nghe thấy tôi. Khỏi phải nghi ngờ, tất cả đám bạn của Fenella đều có giọng choe chóe.
Bạn chỉ cần có sáu mươi lăm decibel để được nghe thấy. “Xin chào!” tôi thử lại lần nữa, to hơn, nhưng vẫn không có đáp trả. Luke đang nói chuyện say sưa với người đàn ông đứng tuổi còn người đàn bà thì đang lắng nghe chăm chú. Không ai trong số họ buồn liếc mắt lên.
Thế này thì hơi xấu hổ thật. Tôi đang đứng đó, như trời trồng, hoàn toàn bị kẻ mà mình muốn chào phớt lảng. Dường như chưa một ai khác từng mắc vào rắc rối này. Tại sao anh ta không chồm dậy, hét lên “Mọi người đã nghe về Quỹ đầu tư Vùng đất mũi chưa?” Thật không công bằng. Tôi nên làm gì bây giờ? Tôi có nên chuồn đi không? Tôi có nên vờ như đang đi về phía toa lét nữ không?
Một người bồi bàn đang bưng khay xô vào tôi, và tôi bị đẩy về phía trước, phía bàn của Luke - và đúng lúc đó, hắn ngước lên. Hắn nhìn tôi chằm chằm ngây ngô như thể chẳng biết tôi là ai, và tôi thấy dạ dày mình khẽ quặn lên hốt hoảng. Nhưng giờ thì tôi phải tiến lên thôi.
“Xin chào, Luke!” Tôi hào hứng nói. “Tôi chỉ nghĩ là nên... ra chào một tiếng.”
“Chà, xin chào,” cuối cùng hắn cũng đáp lại. “Bố, mẹ, đây là Rebecca Bloomwood. Rebecca, đây là bố mẹ tôi.”
Ôi, Chúa ơi. Tôi vừa làm gì thế này? Tôi đã nhảy vào một cuộc sum họp gia đình đầm ấm sao. Ra khỏi đây, nhanh lên.
“Cháu chào hai bác,” tôi nói, cố nặn ra một nụ cười yếu ớt.” Dạ, cháu không muốn làm phiền mọi người..”
“Cháu quen Luke thế nào nhỉ?” bà Brandon hỏi.
“Rebecca là một phóng viên tài chính hàng đầu ạ,” Luke nói, nhấp một chút rượu. Có thực là hắn nghĩ thế không? Trời ơi, tôi phải kể chuyện này với Clare Edwards.(Và Philip, cả ông ta nữa.)
Tôi mỉm cười tự tin với ông Brandon, cảm giác như thể kẻ tung người hứng. Tôi là một phóng viên tài chính hàng đầu, tán gẫu với một doanh nhân hàng đầu trong một tiệm ăn hàng đầu ở London. Không tuyệt lắm sao?
“Phóng viên tài chính ư?” Ông Brandon lẩm bẩm và trễ cặp kính lão xuống để nhìn cho rõ tôi hơn. “Thế cháu đánh giá thế nào về tuyên bố mới của ngài thủ tướng?”
Tôi sẽ không bao giờ bắt chuyện trong quán ăn nữa. Không bao giờ.
“Dạ,” tôi lấy lại bình tĩnh, tự nghĩ giá mà tôi có thể giả vờ như vừa nhìn thấy một người bạn cũ nơi cuối phòng.
“Bố, con chắc là Rebecca không muốn nói chuyện công việc đâu,” Luke nói, môi hơi mím lại.
“Đúng đấy!” bà Brandon nói, mỉm cười với tôi. “Cái khăn đẹp quá, Rebecca. Có phải của hiệu Denny and George không cháu?”
“Dạ, vâng ạ!” tôi nói, thở phào nhẹ nhõm. “Cháu đã gặp may, cháu mua nó trong đợt giảm giá tuần trước!”
Từ khóe mắt, tôi có thể nhận thấy Luke đang nhìn tôi chằm chằm với một thái độ rất lạ. Tại sao nhỉ? Tại sao anh ta trông như là...
Ôi khỉ thật. Làm sao mà tôi ngu thế nhỉ?
“Cháu mua...cho bác cháu”, tôi tiếp tục, cố gắng nghĩ nhanh nhất có thể. “Cháu mua tặng cho bác cháu. Nhưng mà bác ấy đã... qua đời rồi ạ.”
Mọi người đều im lặng choáng váng còn tôi thì cúi gằm mặt. Tôi không thể tin được điều tôi vừa nói.
“Ôi trời,” ông Brandon thốt lên.
“Bác Ermintrude mất rồi?” Luke hỏi bằng một giọng rất lạ.
“Vâng” tôi đáp, cố ép mình ngước lên. “Điều đó thật rất tệ”
“Khủng khiếp quá!” bà Brandon nói đầy thương cảm.
“Bác ấy đã nằm viện đúng không?” Luke nói, tự rót cho hắn một cốc nước. “Có chuyện gì xảy ra với bác ấy thế?”
Trong một khoảnh khắc, tôi im lặng.
“Là do... chân của bác ấy,” tôi nghe mình nói thế.
“Chân bà ấy?” bà Brandon nhìn tôi đầy băn khoăn. “Chân bà ấy bị làm sao?”
“Nó.. sưng vù lên và bị nhiễm trùng,” tôi nói sau một hồi im lặng. “Và họ phải cưa nó đi nhưng rồi bác ấy đã không qua khỏi.”
“Chúa ơi,’ ông Brandon nói, lắc đầu. “Bọn bác sĩ khốn kiếp.” Ông bất chợt đưa mắt nhìn tôi một cách dữ dằn. “Bà ấy đến bệnh viện tư à?”
“Dạ... cháu không chắc lắm,” tôi nói, bắt đầu lùi lại. Tại sao tôi lại không nói là bác ấy đã đưa cho tôi cái khăn điên rồ này? “Dù sao cũng rất vui khi được gặp anh, Luke. Tôi phải đi đây, chắc các bạn tôi đang chờ.”
Tôi vội vã vẫy chào, không dám nhìn thẳng vào mắt Luke rồi nhanh chóng quay lại chỗ Suze, chân tôi bủn rủn và những ngón tay tôi vặn vẹo hai bên.Chúa ơi, một thất bại ê chề.
Tôi đã lấy lại bình tĩnh ngay khi đồ ăn tới. Đồ ăn! Tôi đã gọi món sò nướng và lúc ăn miếng đầu tiên, tôi suýt khóc. Sau quá nhiều ngày ăn uống khổ sở, đối phó, thì đây quả thực như ở thiên đường. Tôi thấy vui, phát khóc - như là một tù nhân khi mãn hạn, như một đứa trẻ sau chiến tranh. Sau món sò, tôi dùng bít tết besarnaise với khoai tây chiên - và khi tất cả mọi người đều nói không, cảm ơn với món tráng miệng thì tôi gọi một cái kem socola. Vì ai mà biết đến bao giờ tôi mới lại đi ăn tiệm như thế này? Mấy tháng tới sẽ tiếp tục là bánh sandwich pho mát và cà phê tự làm đựng trong bình, chẳng có gì khác ngoài sự đơn điệu đó.
Khi tôi đang đợi món kem socola của mình, Suze và Fenella quyết định họ phải đến nói chuyện với Benjy, ở phía bên kia của quán. Thế là họ đứng lên, cùng châm thuốc lá như thường lệ, rồi đi mất. Còn Tarquin thì ở lại cùng tôi. Anh ta có vẻ không thích gặp gỡ chuyện trò như hai người kia. Thực ra cả buổi tối anh ta khá ít lời. Tôi cũng để ý thấy là anh ta uống nhiều hơn tất cả bọn tôi. Tôi nghĩ là anh ta có thể gục xuống bàn bất cứ lúc nào.
Chúng tôi im lặng một lúc. Thật lòng mà nói tôi nghĩ Tarquin khá khác thường. Tôi không biết nên nói chuyện gì với anh ta. Rồi bỗng nhiên anh ta nói “Em có thích Wagner không?”
“Ồ có chứ,” tôi trả lời ngay. Tôi không chắc đã nghe thấy cái tên Wagner lần nào chưa, nhưng mà tôi không muốn tỏ ra thiếu hiểu biết văn hóa. Với lại tôi cũng đã từng đi xem Opera, mặc dù tôi nghĩ đấy là Mozart.
“Bản ‘Liebestod’ trong vở Tristan” anh ta nói, lúc lắc đầu. “Liebestod.”
“Ừm,” tôi nói, và gật đầu với hy vọng đó là một hành động sáng suốt. Tôi rót cho mình một chút rượu và rồi cũng rót đầy cốc anh ta, và nhìn quanh xem Suze đâu. Cô biến mất, bỏ mặc tôi với gã anh họ say xỉn.
“Dah-dah-dah-dah, daaaah dah dah...”
Ôi Chúa ơi, giờ thì anh ta bắt đầu hát. Không to nhưng đầy sôi nổi. Rồi anh ta nhìn chằm chằm vào mắt tôi như thể chờ đợi tôi cùng hát.
“Dah-dah-dah-dah...”
Bây giờ thì anh ta đã nhắm mắt lại và bắt đầu đung đưa. Thật xấu hổ quá đi mất.
“Da diddle-idy da-a-da-a daaah da...”
“Hay lắm, tôi nhiệt tình nói. “Anh không thể bắt nhịp được Wagner, đúng không?”
“Tristan,” anh ta nói. “Un Isolde.” Anh ta mở mắt ra. “Em sẽ là một Isolde tuyệt đẹp.”
Tôi sẽ là một cái gì? Trong khi tôi vẫn đang nhìn anh ta, anh ta đã bắt đầu nâng hai tay tôi lên môi và bắt đầu hôn chúng. Trong một khoảnh khắc, tôi sốc đến nỗi không thể cử động được.
“Tarquin,” tôi nói dứt khoát hết mức, cố gắng giật tay lại. “Tarquin, làm ơn...” Tôi nhìn lên, cố gắng tìm Suze khắp nơi - và, khi tôi làm thế, tôi thấy ánh mắt Luke Brandon, đang rời khỏi nhà hàng. Anh ta hơi nhíu mày, giơ tay lên chào tạm biệt, rồi biến mất sau cánh cửa.
“Da em thơm như hoa hồng vậy,” Tarquin rên rỉ vào tay tôi.
“Thôi, im đi!” tôi gắt lên, và giật mạnh tay ra khỏi tay anh ta, mạnh đến nỗi răng của anh ta hằn một vệt dài trên da tôi. “Để tôi yên!”
Tôi sẽ tát anh ta nhưng mà anh ta có thể sẽ coi nó như là một sự khuyến khích.
Ngay lúc đó, Suze và Fenella quay lại bàn với đống tin tức về Binky và Minky - còn Tarquin trở nên im lặng như trước. Và cả tối đó, ngay cả lúc chúng tôi giải tán, anh ta không còn nhìn tôi. Ơn Chúa. Chắc chắn anh ta đã hiểu.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.