Dịch: Phi Phi/ Beta: Kei Trinh Nhi muội muội, hy vọng muội vẫn khỏe khi đọc lá thư này. Ta chưa thể trở về vào lễ cập kê của muội vào tháng trước, thật sự cảm thấy tiếc nuối sâu sắc. Nhưng ta nghe nói hôm đó muội dùng kiểu hoa điền* như ta vẽ trong thư nên cũng bù lại phần nào chút tiếc nuối của ta. Người chưa thể về, chỉ có thể mượn dòng dòng chữ này để chúc mừng Trinh Nhi muội muội đã đến tuổi trưởng thành. * Nguyên văn 花钿: Hoa điền là hoa văn trang điểm trên trán các cô nương thời cổ đại. Ta cũng biết chuyện Từ Đại và Trịnh cô nương thành thân nhưng không biết gửi lễ vật có kịp ngày thành hôn hay không. Lỡ như muộn mất, vẫn mong Trinh Nhi muội muội đến Từ gia nói đỡ mấy lời. Về chuyện Trinh Nhi muội muội nhắc đến trong thư về Đoàn gia Đại lang: Ví dụ như sau khi hắn về phủ cứ bắt Đoàn cô nương học hành, khiến cô nương ấy không thể chơi với Trinh Nhi muội muội; hay sau khi hắn nhậm chức ở Hình Ngục Ti thì một đám quan già sắp chết bỗng tỉnh táo lạ thường, án tồn đọng trong tháng đó giảm hắn một phần ba … Những chuyện này ta đều không thấy lạ. Bởi vì Thư viện Phụng Sơn cũng có truyền tai nhau về sự tích của vị Đoàn gia Đại lang này, nhiều đến nỗi không biết kể từ đâu. Nhưng trong đó có một chuyện mà ta đoán Trinh Nhi muội muội sẽ cảm thấy hứng thú nên đặc biệt muốn kể với muội: Công tử Đoàn gia có một ngoại hiệu gọi là “Sát thần mặt lạnh”, có thể thấy uy lực từ cái tên đó cũng không ít. Nếu Trinh Nhi muội muội phải gặp hắn, tuyệt đối đừng để bị dọa; cứ coi tính cách của hắn giống như tổ mẫu của ta ấy, nghĩ vậy sẽ khiến muội thoải mái hơn nhiều. Có lẽ Trinh Nhi muội muội cũng không biết tổ mẫu viết thư cho ta cũng nhắc đến muội. Người nói vì muốn để Diêu ma ma thảnh thơi một chút nên muội đã âm thầm kéo phu nhân chuyên búi tóc nổi tiếng một thời ở kinh thành đến, tay nghề rất linh hoạt. Có điều tổ mẫu của ta da mặt mỏng nên ngày đó cũng không tỏ vẻ vui mừng, nhưng thật ra trong lòng tổ mẫu lại cực kỳ vui vẻ. Ta thay người cảm ơn muội. Mùa đông năm nay, Phụng Sơn có tuyết rơi. Ta viết cho muội bức thư này khi đang hâm rượu ngoài đình ngắm tuyết. Nhưng Trinh Nhi muội muội yên tâm, lúc ta uống rượu không có người ngoài ở đây, cho nên không tính là vi phạm giao ước của chúng ta. Hiện giờ rượu đã đủ ấm, còn nhiều lời muốn nói nhưng tạm dừng tại đây. Chúc muội bình an. … Lục Nghi Trinh đọc hết từng câu từng chữ trong thư, sau đó cẩn thận gấp nó lại rồi nhét vào bao thư. Tiếp đó nàng lại lấy ra một chiếc hộp gỗ nhỏ đặt lá thư vào bên trong. Hai năm nay, chiếc hộp gỗ đã đựng đầy những lá thư Tùy Ý gửi về từ Phụng Sơn. Nhưng hắn lại chưa về kinh lấy một lần. Tiểu cô nương cũng dần thoát khỏi nỗi nhớ nhung buồn bã sau khi chia xa. Đến giờ, gần như chỉ những lúc một mình giữa bốn bề vắng lặng thì nàng sẽ nhớ đến hắn. Có điều, nàng không thể cho hắn nhìn thấy dáng vẻ xinh đẹp nhất của mình trong lễ trưởng thành, nghĩ thế nào cũng cảm thấy hơi mất mát. Nhưng điều này cũng không ảnh hưởng quá lớn, vì những món quà của hắn vẫn luôn ở bên nàng. Ví như hoa điền trên trán ngày hôm đó, hay như Lục Nấc Cụt – con cún đã kêu vui sướng hơn ai hết trong ngày lễ cập kê của nàng. Lục Nghi Trinh luôn cảm thấy lễ cập kê của mình đến hơi chậm. Chậm đến nỗi những tâm sự thiếu nữ nồng đậm sớm bén rễ trong lòng đã chậm rãi biến thành dòng nước len lỏi trong tim. Nàng thường xuyên viết thư cho Tùy Ý, chuyện to thì nói về những thay đổi quan viên trong kinh thành, luật pháp này kia; nhỏ thì hôm nay ăn gì, nói gì… hệt như hắn vẫn chưa từng rời đi. Đương nhiên tiểu cô nương cũng giữ lại chút tâm tư nho nhỏ của mình. Có một số việc nàng sẽ không bao giờ nhắc đến trong thư với Tùy Ý. Ví như: Lúc nàng đến phủ Tĩnh Quốc công thăm Tùy lão thái thái, thỉnh thoảng sẽ gặp Tùy Yến thị đang trò chuyện với Huyện chúa Ninh Gia, thậm chí có lần còn đụng phải Từ Uyển Trúc lẽo đẽo sau lưng Ninh Gia. … Ý ca ca, hy vọng huynh vẫn khỏe khi đọc lá thư này. Lễ vật tặng Từ đại ca ca của huynh không đến trễ, nhưng mà Từ đại ca ca vẫn luôn nói huynh “bạc tình bạc nghĩa”, ngay cả lễ thành thân của huynh ấy mà huynh cũng không có mặt. Nhưng huynh yên tâm, muội đã nói ngọt mấy lời cho huynh rồi. Chỉ cần huynh ấy có thể lọt tai một phần mười trong số đó thì chắc chắn sẽ hiểu nỗi khó xử của huynh. Thật ra cập kê cũng không mang đến thay đổi quá lớn đối với muội. Cha mẹ muội không giống phu thê Anh Vũ Hầu, họ không sốt ruột làm mai cho muội; thậm chí họ còn thường xuyên cảm thán nếu muội ở nhà thêm vài năm nữa thì tốt. Nhưng gần đây kinh thành xảy ra một chuyện rất hệ trọng: Quan gia cuối cùng cũng không chịu nổi Thái hậu nương nương và triều thần nhắc nhở nên đã chịu tuyển chọn tú nữ vào cung rồi. Mười ngày trước, nội quan trong cung cũng đến nhà muội, còn ghi tên của muội vào sổ ghi chép. Nhưng muội không muốn tiến cung nên mấy ngày đó muội rất lo sợ. Hỏi thăm bên phía Uyển Âm tỷ tỷ và Dục Nhi tỷ tỷ mới biết hai tỷ ấy cũng bị ghi vào danh sách, lúc đó muội mới nhẹ nhõm được một chút. Sau đó danh sách tiến cũng cũng không có tên muội và Uyển Âm tỷ tỷ, nội quan tuyển chọn còn áy náy đến nhà muội xin lỗi. Ông ta nói tối qua Quan gia vẩy bút gạch cả danh sách gần một trăm người, chỉ để lại mười người, ngay cả ông ta cũng không ngờ được. Trái lại muội rất mừng, chỉ là vẫn hơi lo lắng cho Dục Nhi tỷ tỷ. Vậy mà tỷ ấy lại chẳng suy sụp chút nào. Dục Nhi tỷ tỷ còn khuyên muội, nói xưa nay Đoàn Tể chấp chưa bao giờ có ý chống lại Quan gia, tỷ ấy thân là con gái Đoàn gia, mấy năm trước lại bị Quan gia nhìn thấy bộ dáng ngốc nghếch kia nên chắc hẳn sẽ không làm cung phi thật đâu. Hơn nữa, quá nửa là Quan gia không muốn chuyện tuyển chọn này làm mất mặt Đoàn Tể chấp nên cứ đề tên tỷ ấy trong danh sách, mười người tiến cung dạo chơi một ngày mà thôi. Đợi Quan gia đích thân chọn thì tỷ ấy sẽ được thả về. Muội cảm thấy Dục Nhi tỷ tỷ nói rất có lý. Cuối thư, muội không chúc huynh mạnh khỏe nữa, bởi vì muội biết huynh chắc chắn sẽ mạnh khỏe. … Đầu xuân, tiết trời vẫn còn se lạnh. Chẳng bao lâu sau khi tiểu cô nương viết thư gửi đến Phụng Sơn thì hẻm Du Lâm xảy ra hai chuyện. Một là, Tùy lão thái thái muốn khởi hành xuôi về phương Nam đến chùa Ẩm Tuyền hoàn nguyện, tiện thể thăm tiểu Thế tử đang học ở Phụng Sơn xa xôi. Hai là, hai tháng nữa thì cháu trai bên nhà mẹ đẻ của Lục phu nhân ở Dương Châu sẽ thành thân. Lục phủ. “Mẹ hiền, mẹ tốt bụng nhất trên đời, mẹ cho con đi cùng Tùy lão thái thái về phương Nam đi”. Lục Nghi Trinh ngồi quỳ một bên chân Lục Khương thị, nhẹ nhàng đưa tay lay nhẹ đầu gối của mẹ, đôi mắt sáng lên đầy vẻ chờ mong. “A Ngôn biểu ca sắp thành thân rồi, mẹ cho con về nhìn một chút thôi. Mẹ cũng biết khi còn nhỏ con thân với biểu ca nhất trong nhà mà”. Lục Khương thị ngồi trên chiếc ghế bằng gỗ cây lê, hai chân bị tiểu cô nương lắc hết sang trái lại sang phái nhưng thần sắc trên khuôn mặt vẫn không hề lay động. Lục Nghi Trinh hơi dao động, lại nói tiếp: “Còn cả tổ mẫu nữa, chẳng phải tổ mẫu đã nói trong thư sao ạ? Chín tuổi con đã rời khỏi Dương Châu, đi bẵng một cái đã sáu năm, tổ mẫu đã không thể tận mắt chứng kiến dáng vẻ lúc trưởng thành của con, hiện giờ đang nhớ con lắm! Mẹ cho con về Dương Châu thăm tổ mẫu đi…”. Lục Khương thị thở dài, rũ mắt nhìn tiểu cô nương xinh đẹp động lòng người bên gối mình, giọng điệu trầm xuống. “Trinh Nhi, con nói thật với mẹ, con thật sự chỉ muốn đi Dương Châu thăm ngoại tổ mẫu và biểu huynh thôi sao?”. Lục Nghi Trinh bị hỏi trúng tim đen, vô thức gục đầu xuống. Một lúc sau nàng mới từ từ ngẩng đầu lên, đối diện với đôi mắt đậm màu của Lục Khương thị, cắn môi nói: “Con, con muốn gặp Ý ca ca”. Giọng nói lí nhí yếu ớt mang theo cảm giác rón rén, thấp thỏm; đâu có còn có phần thăm dò và nét thẹn thùng không rõ. Lục phu nhân nhìn thấy, đáy lòng càng thêm buồn bực. Bà đỡ tiểu cô nương nhà mình lên, để nàng ngồi trên ghế đối diện. Hiển nhiên là tiểu cô nương rất căng thẳng, quan sát sắc mặt của mẹ không chớp mắt; dù lo sợ nhưng nhiều hơn vẫn là kiên định. “Trinh Nhi, mẹ cũng không phải muốn trách con”. Lục Khương thi xoa hai gò má nàng. “Mẹ cũng từng trải qua tuổi giống như con, những chuyện con cảm nhận được thì mẹ cũng từng trải qua. Nhưng con phải hiểu, xưa nay nữ tử thích nam tử trước đều là chuyện vô cùng… vô cùng vất vả”. Tiểu cô nương hơi giật mình nhìn mẹ, thần sắc trong đáy mắt vừa ngây thơ lại trong trẻo. “Ánh mắt của người khác, suy nghĩ trong trái tim con, còn cả suy nghĩ và gia thế của người mà con thích… đều là thứ mà con phải một mình đối mặt. Hơn nữa, cho dù không có những chuyện đó thì cũng có rất nhiều việc khác quấn lấy con”. “Giống như mẹ và cha con. Lần đầu gặp ông ấy, mẹ nghĩ cha con là một quân tử không khuyết điểm; nhưng sau khi thật sự ở bên nhau rồi mẹ mới biết, ông ấy có rất nhiều khuyết điểm. Ví dụ như dễ quên, bận rộn đến mức còn chẳng quan tâm đến bản thân mình; ví dụ như khi ngủ cha con rất hay đạp chăn… khác hoàn toàn với tưởng tượng ban đầu của mẹ”. “Mẹ nói những điều này không phải vì muốn dọa con. Nếu con hiểu những điều này rồi mà vẫn kiên nó đáng giá thì mẹ cũng không có lý do gì ngăn cản con”. “Nhưng làm một người mẹ, mẹ vẫn luôn hy vọng có một tiểu công tử biết yêu thương, hiểu lòng người đối xử tốt với Trinh Nhi; luôn coi con là bảo bối nâng niu trong lòng bàn tay chứ không phải mặc con một mình mà xông pha bên ngoài, như vậy thì mẹ sẽ không đành lòng”. Tâm sự dài của khiến không khí trong phòng trở nên yên tĩnh lạ thường. “Con biết, cảm ơn mẹ”. Giọng nói của nàng không lớn nhưng lại vang lên cực kỳ rõ ràng trong phòng kín. “Nhưng con vẫn muốn đi Phụng Sơn”. Đáy mắt Lục phu nhân thoáng lóe lên bất ngờ nhưng nhanh chóng đã bị sự thoải mái thay thế. “Con đã quyết định thì mẹ sẽ không ngăn cản. Nhưng Trinh Nhi, hôm nay con phải hứa với mẹ ba điều”. “Vâng, con đều nghe mẹ”. Lục phu nhân gật đầu, nói: “Thứ nhất, không được phép ở lại Phụng Sơn quá lâu. Thư viện đều là nam tử, mặc dù có Tùy lão thái thái ở đó thì một cô nương như con ở lại cũng không tiện. Con tính thời gian, phải đến Dương Châu trước lễ thành thân của A Ngôn biểu ca”. Từ kinh thành đến Phụng Sơn mất khoảng nửa tháng đi xe ngựa, từ Phụng Sơn đến Dương Châu lại mất thêm ba ngày; hôn kỳ của biểu ca vào hai tháng sau, tính toán qua một chút thì nàng chỉ được ở lại Phụng Sơn nhiều nhất là một tháng. Nhưng như vậy là đủ rồi. “Vâng, con nhớ ạ”. “Thứ hai, phải luôn luôn chú ý an toàn của bản thân, không cho phép được ở bên ngoài qua đêm với người khác, đặc biệt là nam tử”. “…” Không biết tiểu cô nương đang nghĩ đến điều gì mà gương mặt lại tự nhiên ửng đỏ, ánh mắt cũng lững lờ dịch chuyển sang chỗ khác, không dám nhìn thẳng vào mẹ. “Thứ ba”. Lục phu nhân tiếp tục nói: “Nếu, nếu con gặp chuyện buồn ở Phụng Sơn thì không cần do dự, lập tức về nhà”.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]