Hôm nay sau buổi thường triều, Đông Cung lại theo đường cũ xuất cung, chạy đến quán nhỏ bên bờ kênh xanh tìm An Nhiên trò chuyện. Ngài cảm thấy chỉ khi nói chuyện với cô mới có thể là chính mình, dường như chỉ có An Nhiên mới hiểu được suy nghĩ của ngài, còn tất cả quan lại nội các và thái tử phi mỗi ngày chỉ biết ép ngài phải ra dáng là quân vương tương lai của một nước, phải bảo vệ phong tục lễ giáo, không được để truyền thống bị lai căng. Những thứ đó dồn ép ngài đến khó thở, chỉ thấy phiền phức muốn chết.
Cả ngày bị một đám bô lão lải nhải, về đến điện Quang Minh lại bị thái tử phi giảng giải này nọ, Đông Cung đều sợ tới mức muốn bỏ hết chạy ra nước ngoài phiêu lưu, giống như thời niên thiếu chỉ biết chơi đùa và dồn tâm trí vào nghệ thuật, chả cần lo gì sất.
Ngài cùng hai cận vệ Kiến Công và Cao Lãng vừa đến Ngọ Môn đã bị cung nữ Thanh Mai bên người hoàng hậu mai phục tại chỗ. Nói rằng hoàng hậu cho mời Đông Cung về cung Khôn Thái dùng bữa cơm trưa cùng hoàng hậu. Đông Cung không tiện từ chối, bèn ủ rủ đi theo Thanh Mai về cung Khôn Thái.
Hoàng hậu là người hiền lành nhân hậu, khi xưa đã từng là mỹ nhân đẹp nhất Nam Quốc. Nên Đông Cung có tám chín phần nhan sắc của bà, cũng xứng đáng với danh hiệu ông hoàng đẹp nhất Châu Á mà những người ngoại quốc đã đánh giá.
Hoàng hậu xuất thân trong gia đình danh giá, danh gia vọng tộc họ Tống. Cha của bà được phong đến danh hiệu quý quốc công, quan lớn nhất phẩm trong triều, đây là danh hiệu cao quý cực hạn dành cho ngoại thích. Chỉ tiếc cuộc đời bà không được suôn sẻ, sinh liền mấy hoàng nam đều bị bệnh mất khi còn nhỏ, chỉ còn duy nhất một người con trai là Đông Cung thái tử sống sót qua năm ba tuổi. Nhưng trong lúc dời đô đến Nam Quốc thì bị bọn người xấu bắt cóc mang đi nước láng giềng Mạn La, may sao được một vị linh mục người Tây cứu giúp mới thoát khỏi hang hùm miệng sói. Nhưng vì nhiều lý do, vị linh mục này chậm chạp không đem người trở về Nam Quốc, đến khi quay lại nhận tổ quy tông thì đã qua mười năm, con trai của bà đã trở thành người Tây chân chính. Thật vất vả lắm mới có thể dạy dỗ uốn nắn con trai, tập làm quen lại với phong tục Nam Quốc, nhưng mà vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn những suy nghĩ phóng khoáng của người Tây trong đầu của con trai.
Hoàng hậu cười hiền lành gắp một ít thức ăn vào bát của con trai, đổi lại con trai hơi nhíu mày, vẻ mặt có chút không hài lòng nhưng vẫn nhịn xuống gắp thức ăn cho vào miệng. Thật ra cũng không thể trách Đông Cung, vì từ nhỏ đã quen ăn trong đĩa, muốn thêm thức ăn sẽ dùng muỗng nĩa riêng để tự lấy, chứ không muốn người khác gấp thức ăn vào bát đĩa của mình.
Hoàng hậu không để ý chút chuyện nhỏ này, bà chỉ nhìn con trai duy nhất đầy yêu thương, từ ái.
Ông hoàng Uy Hóa ở bên ngoài cung Khôn Thái xin cầu kiến hoàng hậu, cung nữ Thanh Lan vội đi vào báo tin, hoàng hậu có chút ngoài ý muốn nhìn sang Đông Cung, thấy con trai không lộ vẻ khó chịu mới bảo Thanh Lan mời người vào.
Ông hoàng Uy Hóa vào điện phụ thì quỳ lạy, làm đủ lễ nghi chào hỏi với hoàng hậu, không như Đông Cung nếu không có người lạ thì ngài chỉ gật đầu chào hỏi mẹ mình, sẽ không quỳ lạy.
Hoàng hậu hiền hòa hỏi ông hoàng Uy Hóa: “Con đã dùng cơm trưa chưa?”
Ông hoàng vội cúi đầu đáp: “Dạ bẩm, con vừa làm xong công sự thì vội đến thăm mẹ, không biết hai tuần này con đi vắng người có khỏe hay không?”
Hoàng hậu mỉm cười, nói: “Đứa bé này thật có hiếu, sẵn dịp con mau ngồi xuống dùng cơm với mẹ và anh cả.”
Ông hoàng Uy Hóa chấp tay xin vâng. Đợi hoàng hậu đụng đũa, chàng mới bắt đầu cầm đũa lên ăn cơm, khi hoàng hậu gắp thức ăn chàng liền cười nói cảm ơn mẹ, vô cùng tuân thủ quy tắc trong cung.
Đông Cung dường như chẳng quan tâm, chỉ muốn ăn nhanh để còn xuất cung.
Không khí coi như hòa hợp suốt bữa cơm, lúc cung nữ Thanh Mai và Thanh Lan dâng trà và hoa quả tráng miệng lên, hoàng hậu thấy Đông Cung đã bắt đầu đứng ngồi không yên, bèn kéo tay ngài cười nói: “Ngài Ngự và mẹ vừa xem qua danh sách tuyển tú năm nay, trong đó có vài vị tiểu thư tài sắc vẹn toàn, hôm nào con cùng mẹ đi xem thử xem có hợp ý con không. Thái tử phi cũng không có ý kiến, còn nói do thân thể nàng không tốt, gả vào hoàng tộc đã tám năm mà chỉ có được hai người con trai, nên nàng cũng có ý muốn con chọn thêm vài vị trắc cơ để có thêm người nối dõi.”
Đông Cung nhăn mặt, lại giở trò ‘con dù lớn cũng là con của mẹ’ với hoàng hậu, “Mẹ, con không muốn hôn nhân mai mối, đã một lần là đủ lắm rồi.”
Nhớ đến thái tử phi Đông Cung lại rùng mình, nàng là con gái lớn của thái phó, từ nhỏ đã có hôn ước với ngài. Vốn dĩ nếu ngài không trở lại thì hôn ước này sẽ rơi lên đầu ông hoàng Uy Hóa, nhưng cuối cùng ngài trở lại Nam Quốc nên Tống tiểu thư này nghiễm nhiên trở thành thái tử phi của ngài. Lúc thành hôn với nàng hai người còn chưa đủ mười tám tuổi, sau tám năm bên nhau thì có hai con trai nhưng mà tình cảm của hai người chỉ là tình thân và nghĩa vụ, cũng không phải tình yêu. Đối với tình cảm thái tử phi dành cho mình, Đông Cung vô cùng áy náy, chỉ có hứa cả đời này sẽ chăm sóc đối đãi nàng thật tốt, nhưng về tình yêu thì sợ mãi cũng không được như ý nàng.
Không đợi hoàng hậu răn dạy, ngài mừng rỡ khoe với hoàng hậu: “Mẹ, con đã tìm được người hợp ý rồi.”
Hoàng hậu vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, nói: “Đó là tiểu thư nhà nào? Mau để cho mẹ gặp mặt nàng.”
Đông Cung tỏ vẻ bí ẩn, “Chưa được đâu mẹ, nàng còn chưa đồng ý với con, khi nào nàng bằng lòng con sẽ đưa đến gặp mẹ. Chỉ có điều, nàng không phải tiểu thư nhà quan, chỉ là một thương nhân người Cao Ly.”
Hiếm khi ông hoàng Uy Hóa thất thố trước mặt hoàng hậu, chén trà chàng vừa đặt xuống bàn nghe cộp một tiếng thật lớn. Hoàng hậu và Đông Cung nhìn sang, ông hoàng bình tĩnh cúi đầu chấp tay với hoàng hậu, “Xin lỗi mẹ, con thất lễ, con chợt nhớ ra còn việc phải làm, xin phép được lui xuống trước.”
Hoàng hậu gật đầu, cho ông hoàng Uy Hóa lui ra.
Sau đó bà quay sang Đông Cung, có chút cưng chiều dạy dỗ: “Con nói nàng ta chỉ là thương nhân, thân phận như vậy không xứng với con. Tuy mẹ không phải là người xét nét, nhưng con là hoàng đế tương lai của Nam Quốc, không thể có giai phi là thương nhân được. Nếu con yêu thích nàng như vậy, thì để nàng làm nàng hầu cho con đi.”
Đông Cung nhăn mày lắc đầu, tỏ ý không muốn: “Con chỉ muốn lấy nàng làm trắc cơ.” Nói rồi hậm hực bỏ ra ngoài.
Hoàng hậu mệt mỏi ôm ngực, bà đã cố gắng dạy dỗ con trai trưởng, chỉ là mười năm xa xứ khiến tư tưởng của con quá khác biệt so với người Nam Quốc. Nhiều lúc những cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con đều đi vào ngõ cụt. Bà lại nghĩ đến đứa con trai trên danh nghĩa kia, nó quá hiểu chuyện, cũng một mực tuân thủ lễ giáo và đạo hiếu, thực sự vượt xa con trai ruột của bà. Trách không được, hoàng đế thiên vị yêu thích con thứ hơn con trưởng.
Đối với ông hoàng Uy Hóa, hoàng hậu cũng có nhiều trăn trở, cũng nhờ ông hoàng trẻ này mà bà vượt qua nỗi đau mất con, nhưng lại cảm thấy áy náy vì không thể thương nó như con ruột. Một năm sau khi Đông Cung mất tích không rõ sống chết, bà đã vô cùng đau khổ, mỗi ngày đều lấy nước mắt rửa mặt. Khi ngồi một mình sẽ tưởng tượng đến việc không biết con trai sống chết thế nào, có đói không, có lạnh không, có ai chăm sóc cho con hay không. Những lúc như vậy, lòng của hoàng hậu quặn thắt, đau như đứt từng đoạn ruột.
Hoàng đế nhiều lần bắt gặp cảnh bà ngồi khóc sau rèm thì thở dài, dù sao cũng là tình nghĩa vợ chồng bao năm, ông cũng đau lòng vì bà, nên cuối cùng làm ra một quyết định trọng đại.
Con trai của nhị giai phi họ Trần vừa mới ba tuổi, đây cũng là phi tần mà ông sủng ái trong hậu cung ba ngàn giai lệ. Thật lòng mà nói hoàng trưởng tử của ông cũng tốt, chỉ là nhà mẹ đẻ có thế lực quá lớn, còn có quân đội phía Tây làm hậu thuẫn nên có chút đe dọa tới hoàng vị của ông. Nhị giai phi họ Trần tuy không xinh đẹp bằng hoàng hậu, thế lực nhà mẹ đẻ cũng bình thường, nhưng lại khôn khéo hiểu lòng người nên có chút thiên vị yêu quý hoàng tử thứ xuất hơn cũng là chuyện bình thường. Người ta thường nói mẫu bằng tử quý chính là như vậy.
Ngày hôm đó chân trời đầy sét, người trong hoàng cung hoang mang trong tiếng đùng đoàng của mưa giông chớp giật. Hoàng đế mang hoàng tử thứ tư đến cung Khôn Thái, bảo hoàng hậu từ nay hãy nuôi dưỡng đứa bé như con ruột.
Hoàng hậu ngẩn ngơ, nhìn đứa bé nhỏ xíu khóc đến mặt mũi đều đỏ lên, không dám tin vào quyết định của hoàng đế.
Bà khó khăn nói: “Sao em có thể cướp con của người khác về nuôi dưỡng.”
Hoàng đế khoát tay, giọng trầm mà hữu lực, phàm ngài đã quyết định điều gì thì sẽ không thay đổi, “Con của trẫm cũng là con của hoàng hậu, hôm nay trẫm ở đây nói Hạo Nam từ nay về sau sẽ là con dưới gối của nàng.”
Hoàng hậu nhăn mày, con bà bị mất tích, bà làm sao có tâm trạng giành nuôi con của người khác, nỗi đau mất con ai là người làm mẹ đều hiểu được, bèn qua loa đáp: “Nói miệng không có chứng cứ, về sau có nói ra cũng không ai tin là thật.”
Không ngờ hoàng đế lại sai người viết giấy làm tin, còn sửa đổi gia phả, để hoàng tử thứ xuất lật người trở thành hoàng tử con dòng chính, là con thân sinh của hoàng hậu.
Ở bên ngoài đều nói đế hậu tình thâm, nhưng sự thật trong đó chỉ có duy nhất vị ngồi ở điện Càn Thành mới hiểu rõ chân tơ kẽ tóc.
Mấy ngày sau đó, mỗi ngày quý phi họ Trần vừa được thăng vị đều chạy đến cũng Khôn Thái làm loạn, kêu khóc thảm thiết. Hoàng hậu vừa phiền lòng vừa không nỡ, bèn đưa con trai nhỏ ra cho nàng ta thăm nom. Cứ như vậy không biết từ lúc nào đã có thông lệ, ông hoàng nhỏ được hoàng hậu nuôi dưỡng tại cung Khôn Thái, còn Trần quý phi cứ cách vài ngày sẽ chạy tới thăm ông hoàng nhỏ.
Hoàng hậu nhiều năm không vui, nên giữa đầu mày thường mang vẻ ưu phiền, vẻ đẹp của mỹ nhân u sầu này ban đầu còn làm cho hoàng đế thương tiếc, nhưng sau đó lại cảm thấy áy náy, đau lòng. Ông đã lệnh cho người dưới dốc sức tìm kiếm hoàng trưởng tử rồi, nếu tìm không được âu cũng là số mệnh, đó cũng là con trai trưởng của ông, làm sao không thương cho được. Nhưng cứ nhìn thấy đau thương trong mắt hoàng hậu, cứ gợi lên cảm giác thất bại và sự yếu kém của người làm cha, không thể bảo hộ an toàn cho con trưởng của mình, nên về lâu về dài ông có thể tránh liền tránh, vì sợ phải đối mặt với hoàng hậu.
Mà Trần quý phi đầu ấp tay gối với hoàng đế ở điện Minh Viễn, lại sinh cho ông thêm hai hoàng tử, càng ngày càng được nhiều thánh sủng.
Một màn hồi tưởng này của hoàng hậu là sau khi hai đứa con trai đã rời khỏi điện Khôn Thái, bà nửa nằm nửa ngồi trên phản gỗ, nhắm mắt dưỡng thần, cung nữ đứng ở hai bên quạt nhè nhẹ, trong phòng trầm hương lượn lờ, không khí vô cùng yên ắng.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]