Không cần nói nhiều, họ tìm một quán nướng vỉa hè ngay bên đường.
Hai người đã quen biết nhau mười bảy năm, từ cái năm Tưởng Tân Tả mất tích, từ mối quan hệ cảnh sát nhân dân trở thành bạn bè.
Trần Cường lớn hơn anh mấy tuổi, năm ấy vừa mới nhậm chức, chưa trưởng thành chín chắn. Tám năm trước được bầu chọn là một trong mười cảnh sát xuất sắc nhất, năm năm trước nhận khen thưởng "cán bộ tiên tiến" trong cục, hai năm trước anh ta mua nhà, cưới một cô gái bản địa, là giáo viên; mấy tháng trước anh ta lên chức bố, cô vợ sinh một đứa bé bụ bẫm kháu khỉnh, mỗi lần nhắc đến giữa hàng lông mày bất giác dịu dàng hơn nhiều.
Du Tùng bỗng nhiên nhận ra, dâu bể đổi dời, anh ta từ một thanh niên thành một người cha, còn anh vẫn một thân một mình, vẫn giậm chân tại chỗ.
Trần Cường nói: "Lần đầu tiên tôi mới nhìn thấu thế nào là kiên trì, mười bảy năm rồi người anh em à, chứ không phải mười bảy ngày, cậu có mệt không?"
Anh ta hỏi anh: "Nếu năm ấy người cậu bỏ rơi là một cô bé khác, cậu có cố chấp thế này không?"
Thời gian không thể quay ngược trở lại, chuyện cũ không thể vãn hồi. Không bao giờ xảy ra nên không cách nào phán đoán, nếu người anh bỏ lại là Mạc Tích Đồng thì sẽ ra sao? Du Tùng chỉ biết, cả đời này, anh nợ Tưởng Tân Tả.
Trần Cường thở dài: "Khi ấy cậu vẫn chưa trưởng thành, chuyện đã xảy ram hoàn toàn không phải là lỗi của cậu.
Du Tùng đáp: "Năm đó khi bị Lưu Đại Ba đưa đi cô bé mới bảy tuổi, cao chừng này, cái đầu chỉ bằng đến eo tôi, gầy sọp vàng vọt ngồi trong đống cỏ cao không thấy ngọn." Anh vừa kể vừa nhớ lại, cái bóng nhỏ bé ấy đã trở nên mơ hồ trong trí óc anh: "Khi ấy tôi nói lừa rằng cứ ngoan ngoãn chờ đợi, lát nữa sẽ tới đón cô bé, cô bé y thông minh như yêu tinh nhỏ, mở to đôi mắt ngẩng đầu lên nhìn..."
Mắt cô bé đã rơm rớm, nhưng vẫn mạnh mẽ không để nó rơi xuống.
Đôi mắt lấp lánh nước ấy nhìn thẳng vào anh, lặng lẽ hỏi: "Anh lừa em phải không, lát nữa em sẽ bị họ đưa đi."
Ngữ khí rất chắc chắn.
Năm đó Du Tùng vừa tròn mười bảy, tuy chưa trưởng thành, không biết chăm sóc người khác, nhưng vẫn hiểu trách nhiệm là gì. Khi nghe thấy giọng nói nhút nhát đó, cổ họng chàng trai nóng ran, khóe mắt đỏ hoe.
Cô bé chỉ cao đến eo anh, nhìn thẳng vào đôi tay anh và Mạc Tích Đồng đang nắm chặt nhau, Mạc Tích Đồng ôm cứng đùi anh, nghẹn ngào thút thít nãy giờ. Giây phút đó, cô ấy là công chúa, còn cô là con quỷ nhỏ đáng thương không ai đoái hoài.
Tưởng Tân Tả lại ngước đầu nhìn, trơ trọi đứng trước mặt anh, nhỏ bé như bị thế giới lãng quên.
Du Tùng nhìn bàn tay nhỏ xíu của cô bé đang nắm chặt lại, bẩn thỉu, móng tay dính bùn. Trên cánh tay khẳng khiu để lộ bên ngoài không phân biệt nổi đâu là vết thương cũ mới. Cô bé nhìn anh, nét mặt tuyệt vọng xen lẫn hoảng sợ, miệng mím lại, cố gắng nặn ra một nụ cười: "Em sẽ ngoan ngoãn chờ anh."
.... Em sẽ ngoan ngoãn chờ anh.
Mấy chữ như âm thanh ma quỷ quẩn quanh. Trong sắc trời mờ tối ảm đạm, ánh mắt run rẩy sợ hãi đâm thẳng vào tim anh.
Du Tùng không thể quên, càng không thể bỏ cuộc.
Anh để ý đến chiếc xe đưa cô đi, chữ cái đầu tiên của biển số xe là Lỗ Y (1),thuộc huyện Nghi.
Sau đó anh tự ý bỏ học, một thân một mình đến huyện Nghi, tìm một công việc kiếm ăn, vừa làm vừa tìm người.
Thời gian thấm thoát mười bảy năm trôi qua.
Trần Cường không hiểu: "Nói xem, cậu muốn gì?"
Du Tùng trầm mặc rất lâu: "Chính là muốn biết, mẹ nó, cô ấy còn sống hay đã chết."
Trần Cường không hiểu sự nhẫn nại của anh, anh ta nhìn anh, nhưng luôn nhớ nét mặt của anh khi ấy.
Hoảng loạn, tang thương.
Sau đấy im bặt trong khoảng thời gian dài.
Du Tùng vùi đầu, chén rượu trước mặt phản chiếu ánh đèn lấp loáng. Anh nghĩ,
Nếu còn sống, vậy đưa cô về. Nếu đã chết, nợ cô cả đời này.
* * * * *
Ăn xong, anh bắt taxi về khu thành cổ.
Bầu trời xám tro, mặt trời xuống núi, trăng chưa lên cao, thời điểm hỗn độn nhất của một ngày.
Anh bóp ấn đường của mình, vừa rồi uống kha khá với Trần Cường, giờ đây tựa vào lưng ghế mà nghĩ, mệt chứ, sao không mệt cho được? Nhưng, không thể quay đầu lại nữa rồi.
Suy nghĩ của Du Tùng bị ngắt quãng bởi tiếng chuông, anh lấy điện thoại ra nhìn, bắt máy: "Tích Đồng, có chuyện gì à?"
"Anh Du, anh về Tế Nam chưa?" Thanh âm mềm mại, như đang làm nũng.
"Ừ, vừa mới về."
Đầu bên kia sột soạt, sau đó là tiếng chạy bộ. "Em đi tìm anh, nhớ anh quá đi mất."
Du Tùng cười: "Anh vẫn đang ở bên ngoài."
Tiếng bước chân dừng lại, thay vào đó là tiếng hừ nũng nịu: "Em biết mà, anh không bao giờ ở yên trong nhà." Rồi lại líu ríu hỏi: "Có mang quà về cho em không? Là gì đấy? Đẹp không?
Anh trả lời: "Không thiếu của em đâu, về đến nhà sẽ đưa cho em."
Bên kia reo lên: "Em đến nhà anh chờ nhé, khi nào thì anh về?"
"Anh đến thăm chú Tưởng rồi mới về."
Cô ấy khựng lại, nhỏ tiếng lầu bầu: "Lại đến thăm kẻ vong ân phụ nghĩa ấy."
Đối phương bỗng nhiên không lên tiếng, Mạc Tích Đồng thè lưỡi, biết anh không thích nghe những câu này, vội vàng nói: "Vậy anh lẹ lẹ lên, em chờ anh."
* * * * *
Nửa tiếng sau, Du Tùng trả tiền xuống xe.
Thành phố này đèn đuốc thâu đêm, nhưng khu thành cổ này hoàn toàn trái ngược lại, không còn phố xá náo nhiệt, chỉ có con đường tiêu điều.
Trước đây ba nhà đều là hàng xóm, sau đó nhà họ Du và nhà họ Mạc chuyển đến khu mở rộng, Tưởng Kỳ Phong ở lại nơi cũ, vẫn trong căn nhà thuê của Du gia. Mấy năm trước mẹ Du muốn bán nhà, anh ngăn cản, nên cứ trù trừ chưa bán.
Du Tùng thoáng nhìn xung quanh, mua mấy túi hoa quả ở sạp bên đường, theo lối đi cũ đến tiểu khu.
Bên cạnh bảo vệ có đám đông vây tròn, mấy người cãi nhau hăng say, những quân cờ trên bàn cờ vang lên lách cách. Du Tùng liếc mắt một cái là nhìn thấy Tưởng Kỳ Phong đang khom người, đứng bên ngoài đám đông, dường như đã nhìn thấy anh bên này, rồi lại tiếp tục cúi đầu xuống.
Du Tùng không đi tới, đứng sang một bên chờ đợi.
Không tới một lát, Tưởng Kỳ Phong không xem nữa, chắp tay sau lưng bước đến, cũng không chào hỏi anh.
Đèn đường kéo dài chiếc bóng của ông, Tưởng Kỳ Phong cúi đầu, lưng hơi gù, bước chân rất chậm, con đường quạnh quẽ này không biết ông đã đi bao nhiêu lần.
Du Tùng nhìn sang bên cạnh không biết đang nghĩ gì, người nọ biến mất ở cửa, anh mới sải bước đuổi theo.
Nơi Tưởng Kỳ Phong sống vẫn giống hệt mười mấy năm trước, phòng khách không lớn, một chiếc ghế sô pha giường, trên chiếc kệ cũ kĩ đặt chiếc ti vi kiểu xưa, trên trần nhà lắp bóng tuýp màu trắng, hai đầu đã ố đen, bức tường bốn phía bị khói hun ngả vàng.
Du Tùng đặt hoa quả lên sô pha, nhìn chung quanh. Sau cùng ánh mắt quay về phía ông.
Tưởng Kỳ Phong gầy như que củi, cả người không biết còn mấy lạng thịt. Hốc mắt ông trũng sâu, ngày giữa hè mà đội mũ len. Ông dùng sức nhưng cũng chỉ bê một nửa chậu nước nhỏ, đặt bên cạnh sô pha rồi ngồi xuống rửa chân.
Du Tùng nhìn đôi tay già nua tái trắng của ông, tay phải chỉ còn ba ngón, bưng chậu nước mà run lẩy bẩy. Anh tần ngần, khẽ nói: "Chú Tưởng, bên Tưởng Tả Tân đã có một ít tin tức, có thể đang ở Vân Nam."
Bàn tay đang cầm chiếc điều kiển từ xa khựng lại, run lên, một lát sau mới trở về bình thường.
Ông chuyển hai kênh, Du Tùng đứng im không cử động.
"Còn chuyện gì không?" Tưởng Kỳ Phong chỉ tay: "Để tiền trên bàn đi."
Anh đặt tiền xuống, rồi để mấy hộp thuốc lên: "Tháng trước chú uống thuốc chưa?"
Tưởng Kỳ Phong nhìn ti vi chằm chằm không để ý đến anh, anh nói: "Thuốc này cháu mang về từ nước ngoài, khoa học đã nghiên cứu rồi, rất có lợi với bệnh của chú."
Ông làm như không nghe thấy gì, Du Tùng đứng trong phòng mấy phút: "Chú Tưởng, vậy cháu đi trước đây." Anh đi tới bên cửa, rồi lại quay đầu dặn dò: "Chú đừng quên định kì tới bệnh viện khám, đến lúc đó cháu sẽ sắp xếp người tới đón chú."
Anh nói tiếp, "Về Tưởng Tân Tả chú yên tâm, cháu chắc chắn sẽ nhanh chóng tìm cô ấy về."
Không ai trả lời lại anh, anh mở cửa.
Giây phút đóng cửa, anh nghe thấy câu: "Chết rồi, nếu không chết đã về từ lâu rồi."
* * * * *
Dư Nam ở nhà nghỉ ngơi mấy ngày, cổ chân đã bớt sưng, vết thương trên gương mặt cũng đỡ hơn, cô và Bạch Chấn Dương cùng về xã Bản Kiều.
Bà nội đã đứng chờ ở đầu thôn từ sớm, Bạch Chấn Dương dừng xe, thò đầu ra mừng rỡ gọi: "Bà nội sao lại chờ ở đây?"
Bà nội nhìn anh ta, sau đó nhìn Dư Nam trên ghế phụ, khóe miệng cười không khép lại được: "Định đi chợ, tiện thể qua đây luôn."
Bạch Chấn Dương nhìn bà chăm chú, người già khi cười hiện ra nếp nhăn rõ ràng, trải đều trên gương mặt già nua, dường như còn già hơn lần trước gặp mặt. Tim anh ta nhói đau, vội vã mở cửa xe: "Bà lên xe đã, chúng ta cùng đi."
Bà nội xua tay: "Các cháu về trước nghỉ ngơi đi, trong chợ xe ô tô không vào được, bà đi một lát rồi về."
Bạch Chấn Dương vẫn muốn nói thêm, nhưng Dư Nam đã kéo anh ta lại, xuống xe: "Anh về trước đi, em đi cùng bà."
Trong chợ gặp được cha Kiều, trước mặt bày bán đủ loại hoa quả khô xanh xanh đỏ đỏ, Dư Nam chợt nhớ nửa tháng trước dẫn đoàn qua đây, Thạch Minh mua khá nhiều quả khô, cô giúp cậu ta mặc cả, Trương Thạc hỏi có thể giúp cả anh ta hay không, Du Tùng đứng bên cạnh cười nhạo, trêu anh ta một mình ăn hết đi.
Dư Nam nhớ lại tên người nọ, thoáng chợt hốt hoảng, qua nhiều ngày vậy rồi, nhưng y như một giấc mơ, cô không dám chắc chắn chuyến đi ấy đã từng xảy ra, hay chỉ là một tưởng tượng không căn cứ của mình mà thôi.
Dư Nam cười tự giễu, cởi ba lô xuống, lấy cây thuốc Ngọc Khê ra: "Con mua cho chú cây thuốc, chú hút thử xem có ngon không, lần sau con lại mang tiếp."
Chú ấy đẩy trả: "Cái này không được, chú hút thuốc tẩu là được rồi, sao để con cháu tiêu tiền lung tung."
Bà nội đứng bên cạnh nói đỡ: "Cho chú thì chú nhận đi, lòng tốt của Nam Nam nhà tôi, con bé có tiền, không sao đâu.
Đẩy tới đẩy lui mấy lần, rốt cuộc cha Kiều cũng nhận, nhét hai bọc hoa quả khô vào túi cô: "Có thời gian thì đến nhà tìm A Lan chơi nhé."
Dư Nam gật đầu. Hai người chào tạm biệt, bà nội vô cùng vui vẻ, mua rất nhiều rau cải và thịt cá, cô xách giúp bà.
Bà lão nói liên miên khi A Dương còn nhỏ, cha mẹ đã mất sớm, bà nội vất vả nuôi nấng cậu bé. Cậu bé ngoan ngoãn nghe lời, từ nhỏ đã có thiên phú với hội họa, bà nội giật gấu vá vai để anh ta học trong học viện mỹ thuật, bây giờ cuối cùng cũng được hồi đáp, anh ta trở thành nhà nghệ thuật khá nổi tiếng.
Nói mãi, bà nội lại chuyển câu chuyện sang cô: "Nhưng con còn nghịch hơn cả nó."
Dư Nam cười rộ: "Đâu ạ, hồi nhỏ con rất ngoan mà."
Bà nội nhéo mũi cô: "Con thuộc loại nghịch ngầm, ngoài mặt thì rất ngoan ngoãn, nhưng sau lưng thì nghịch tung trời."
Thật ra bà nội nói sai rồi, rồi nhỏ Dư Nam rất biết nhìn sắc mặt người khác, trước mặt bà nội cô cực kì ngoan ngoãn. Ở trường học cũng trầm mặc kiệm lời, nếu có cãi vã cũng do bạn học gây sự trước, cô mới ăn miếng trả miếng, trả không sót miếng nào.
Bà lão thở dài một tiếng: "Thời gian trôi qua nhanh quá, chớp mắt con đã thành thiếu nữ rồi, mới khi nào con chỉ cao chừng này..." bà miêu tả lại chiều cao của cô: "Nội sống thêm một ngày cũng ít đi một ngày."
Dư Nam ôm lấy cánh tay gầy guộc của bà: "Nội đừng nói lung tung, nội sống lâu trăm tuổi mà."
Bà nội cười, răng cửa thiếu một cái: "Vậy trở thành yêu tinh già ư?" Bà nắm chặt tay cô: "Nam Nam nhớ nhà không?"
Dư Nam hơi khựng lại, cười nói: "Nhớ chứ ạ, ngày nào con cũng nhớ nội."
"Con biết nội đang nói đến nhà nào mà."
Cô đáp: "Con chỉ muốn ở bên cạnh nội thôi."
Bà lão vỗ nhẹ tay cô, hai người cùng nhau trở về, một lát sau, bà nội lẩm bẩm: "Lá rụng về cội, yến bay về tổ, huống gì là con người nhỉ."
Cô vẫn còn trẻ, không thể ở bên bà cả đời, trước đây cứ nghĩ rằng A Minh có thể chăm sóc cô, nhưng hai người chia tay. Rốt cuộc có một ngày anh lấy vợ sinh con, xây dựng gia đình. Bà không yên tâm, đến cuối cùng chỉ còn lại mình cô.
Dư Nam cúi đầu: "Con không nhớ ạ."
Khi mới đến cô bị sốt cao, ngày ấy điều kiện khám chữa bệnh trong xã không tốt, lúc chuyển đến bệnh viện cô đã sốt mê man suýt để lại di chứng, sau khi tỉnh lại không còn nhớ bất kì chuyện gì trước đây.
Bà nội nói: "Nếu muốn về nhà, sẽ luôn có cách."
Dư Nam mỉm cười, nhưng không nối lời bà.
Hết chương 27
(1) Lỗ: tên gọi khác của tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ở Trung Quốc, chữ cái đầu của biển số xe sẽ viết tắt tên tỉnh thành nơi đăng kí xe đó, ví dụ như Hỗ沪 là Thượng Hải, Kinh 京 là Bắc Kinh...
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]