Chương trước
Chương sau
Mới cuối giờ thìn mà tầng ba của Tây Hồ đại tửu lâu đã đầy ắp tửu khách. Ngoài kia trời vẫn mờ mịt vì cơn mưa phùn lạnh lẽo.
Hàng năm, vào khoảng trung tuần tháng sáu, khu vực trung và hạ du Trường giang thường có những trận mưa phùn kéo dài cả tháng. Đây cũng là lúc hoa mơ nở rộ nên người đời gọi hiện tượng này là mai vũ.
Đó là lý do vì sao nhân sĩ Hàng Châu tụ tập trên tửu lâu này.
Trời u ám, mặt nước Tây hồ nổi sóng. Ngọn cô sơn giữa hồ ẩn hiện, huyền hoặc như núi Bồng Lai ngoài Đông Hải. Cảnh vật kỳ tú này có thể khiến bậc tao nhân mặc khách ngắm nhìn suốt ngày mà không biết chán.
Trong hơn trăm tửu khách có mặt hôm nay chẳng có mấy người đáng mặt thi nhân. Nhưng dẫu sao thì những vò rượu Thiệu Hưng lâu năm, thơm phức cũng khiến một số đông người ngỡ mình là Lý Bạch.
Phần lớn thực khách là đám thiếu niên thế gia công tử, tuổi trên dưới đôi mươi. Họ là con cháu của các bậc quyền quý, các nhà đại phú ở Hàng Châu. Cũng có vài chàng hiệp sĩ vai mang bảo kiếm, y phục diêm dúa, mặt mũi lạnh lùng cao ngạo.
Nhưng lạ thay, đám công tử coi trời bằng vung này hôm nay lại rất đạo mạo và nghiêm túc. Họ chậm rãi nhâm nhi những hớp rượu nhỏ, say sưa ngắm cảnh Tây hồ, đầu gật gù đắc ý với những vần thơ ngẫu hứng.
Khi đã chắc mẩm mình đã tìm ra câu tuyệt cú, họ bèn đọc lên để bằng hữu cùng bình phẩm bàn luận.
Giọng ngâm trầm bổng, trau chuốt và hơi lớn quá mức cần thiết. Mắt họ liếc về chiếc bàn kê sát lan can phía Tây. Nữ lang áo vàng kia chính là đích ngắm, là thần tượng mà mỗi người gửi gấm nỗi niềm.
Tây Hồ Tiên Nữ Dư Tiểu Phàm tuổi mới đôi mươi, nổi tiếng là đệ nhất nữ nhân vùng Giang Nam. Nàng còn nổi tiếng bởi pho Việt Nữ Kiếm ảo diệu và lợi hại phi thường. Nhưng thực ra bản lãnh nàng chỉ thuộc hàng nhị lưu trong võ lâm. Mọi người nể sợ Dư Tiểu Phàm vì nàng quá xinh đẹp và cũng vì nàng là ái nữ của Giang Nam Thần Kiếm Dư Tâm Nhiên.
Dư lão không những là cao thủ số một vùng Hoa Nam mà còn là một đại tài chủ có gia tài cự vạn. Được lọt vào mắt xanh của một nữ nhân tuyệt sắc và giàu có là mơ ước của bất cứ nam nhân nào.
Nhưng rất tiếc, Dư Tiểu Phàm lại chẳng hề để ý tới ai cả. Nàng là người con gái tinh ranh, ngang ngạnh và tàn nhẫn Nàng vẫn thường ban phát những nụ cười, những ánh mắt mê hồn và thỉnh thoảng buông ra những câu nói bâng quơ khiến người nghe ngượng ngùng và bối rối.
Đã có mấy chàng công tử bị nàng trêu ghẹo, xấu hổ đến mức chỉ muốn chui xuống đất. Nhưng sau đó, họ lại tiếp tục nhìn nàng bằng cặp mắt si dại, tôn thờ.
Hôm nay cũng vậy, Dư Tiểu Phàm đến đây không phải là vì cảnh đẹp của Tây hồ trong mùa mai vũ. Nàng đến chỉ để nghe những câu thơ ngớ ngẩn của đám thanh niên. Nàng đóng kịch rất giỏi nên chỉ mỉm cười khuyến khích, nhưng khi về đến Dư gia trang, nàng sẽ đọc lại tất cả cho phụ thân và đám tỳ nữ nghe. Họ sẽ cùng nàng ôm bụng cười thỏa thích.
Tuy nhiên, giờ đây lòng nàng không được vui. Đôi mắt phượng thường liếc về phía một chàng thư sinh áo vải trắng tinh. Bàn của chàng ta chỉ cách nàng có hơn một trượng nhưng chưa một lần chàng ta nhìn nàng. Dư Tiểu Phàm không chấp nhận được cái gã học trò kia đui mù nên không biết rung động trước nhan sắc thiên kiều bá mị của mình. Nàng cố tình hắng giọng, bật cười khúc khích. Tiếng cười trong trẻo như ngọc vỡ làm xao xuyến cử tọa nhưng chẳng thể khiến chàng thư sinh quay lại.
Dư Tiểu Phàm hậm hực nhìn mãi, cố chờ đợi một chút lưu ý của đối phương. Và càng nhìn lâu, nàng phát giác ra cảm giác rung động len lén dâng trong hồn.
Chàng thư sinh tuổi đã gần tam thập, gương mặt nhìn nghiêng trông thanh tú và rắn rỏi lạ lùng. Đôi mắt sâu như mang nỗi buồn thăm thẳm, dõi nhìn bóng cô sơn trong làn mưa bụi. Thỉnh thoảng, bàn tay tả với những ngón thon dài, nâng chung rượu với động tác khoan thai, tao nhã một cách rất tự nhiên.
Ngồi chung bàn với Dư Tiểu Phàm còn có hai ả tiểu tỳ thân tín Tiểu Yến và Tiểu Oanh đã cùng lớn lên với nàng trong Dư gia trang. Họ cũng xinh đẹp nhưng không thể so với Tây Hồ Tiên Nữ.
Tiểu Oanh tinh ý nhận ra tâm sự của chủ nhân. Nàng bực bội nói :
- Tiểu thư để ý làm gì gã học trò ngu dốt ấy. Nếu gã là người thông minh thì đã không thờ ơ trước nhan sắc của tiểu thư.
Dư Tiểu Phàm mỉm cười lắc đầu. Đúng lúc ấy, một chàng công tử mặc võ phục màu lam, bằng gấm Hồ Châu thượng hạng, ngất ngưởng đứng lên, bước lại phía bàn nữ nhân. Gã đã đủ say để có dũng khí đến hầu chuyện với người mình tôn thờ.
Gã là Hàng Châu Nhất Long Du Tuấn Vỹ, nam tử của Du bá hộ, và là cháu quan tuần phủ. Với dung mạo khá anh tuấn và chút thanh danh trong võ lâm, họ Du là ứng cử viên sáng giá.
Du Tuấn Vỹ đã uống hết một vò rượu năm cân nên không còn biết sợ là gì nữa. Gã hiên ngang vòng tay nói :
- Tại hạ mạo muội xin được bồi tiếp tiểu thư vài chung rượu.
Dư Tiểu Phàm đang trong tâm trạng xấu nên trút giận lên đầu họ Du. Nàng ranh mãnh hỏi :
- Té ra công tử tửu lượng kinh nhân, đã cạn một vò mà còn có thể uống được nữa?
Du Tuấn Vỹ huênh hoang đáp :
- Được đối ẩm với nữ nhân thì Võ này dẫu có uống ngàn chung cũng chẳng say.
Mọi người nhìn nụ cười trên môi Tiểu Phàm, biết ngay họ Du sắp gặp tai họa.
Nàng lộ vẻ hân hoan :
- Thật là đáng khâm phục! Hôm nay thiếp mới được chứng kiến bản lãnh bậc anh hùng.
Nàng nhìn sang, cao giọng bảo gã tiểu nhị :
- Ngươi mau đem ra một vò rượu quý năm cân để Du công tử thưởng thức.
Tiểu Phàm không mời ngồi nên Tuấn Vỹ phải đứng. Dẫu đã say, nhưng khi thấy tiểu nhị đặt vò rượu trên bàn, gã cũng thức ngộ rằng mình đang tự thắt cổ.
Dư Tiểu Phàm bưng vò rượu trao tận tay gã, miệng mở một nụ cười mê hoặc :
- Xin công tử uống cạn để thiếp được đại khai nhãn giới.
Hàng Châu Nhất Long than thầm trong bụng, cười khổ nhận lấy, ngửa cổ uống cạn một vò. Dẫu đã cố tình để rượu trào ra áo nhưng số còn lại cũng khiến gã bổ nhào. Hơi rượu xông lên tận óc, gã mê man ngã khuỵu xuống, nằm dài trên sàn gỗ. Tay vẫn ôm chặt vò rượu, miệng lè nhè :
- Tại hạ... đã... uống xong.
Gã nói xong, lật ngang ngủ như chết. Tây Hồ Tiên Nữ cười nửa miệng hỏi :
- Chẳng hay còn bậc anh hùng nào muốn đối ẩm với tiện thiếp nữa không?
Toàn trường lặng lẽ như tờ, giả như ngắm cảnh Tây hồ. Bất chợt, từ đầu cầu thang có giọng âm u cất lên :
- Lão phu xin được hầu hạ nữ nhân.
Câu nói chưa dút thì một bóng đỏ đã đến bên Tiểu Phàm. Đó là một lão già búi tóc theo kiểu đạo sĩ nhưng tấm đạo bào bằng tơ lại đỏ như máu, trước sau có hình bát quái thêu chỉ đen. Dung mạo xú ác của lão khiến nữ nhân kinh hãi, nàng cùng hai tỳ nữ lùi nhanh đến sát lan can.
Đôi mắt lộ đỏ ngầu, chiếc mũi hếch to tướng, lởm chởm lông dài ló ra cũng như cái miệng nhỏ xíu kia đã đi vào truyền thuyết võ lâm.
Hồng Bào Tôn Giả là một trong Ngũ đại hung thần, danh tiếng lẫy lừng hơn cả Giang Nam Thần Kiếm, thân phụ của Tiểu Phàm. Ngoài tính hiếu sát, lão còn là kẻ hiếu sắc, dâm ác phi thường.
Cổ Hào hùng cứ ở Hồ Nam, chưa một lần đến Chiết Giang nhưng gương mặt quái dị là tiên chỉ mà ai cũng biết. Mọi người run rẩy, liếc quanh tìm đường tẩu thoát. Tôn giả cười hô hố :
- Chẳng lẽ lão phu không xứng hầu rượu với Tây Hồ Tiên Nữ hay sao?
Tiểu Phàm cố trấn tĩnh nói :
- Tiền bối là bậc trưởng thượng, tiểu nữ không dám mạo phạm.
Cổ Hao nhìn nàng bằng cặp mắt tà quái, dâm đãng. Ánh mắt lão khiến da thịt Tiểu Phàm nhột nhạt, rờn rợn. Lão gật gù bảo :
- Dư nha đầu không những xinh đẹp mà cốt cách cũng phi phàm. Ta sẽ nhận nàng làm đồ đệ, chỉ ba năm là có thể ngạo thị giang hồ.
Tiểu Phàm rùng mình lo sợ. Cả võ lâm đều biết lão có đến mấy chục nữ đệ tử và họ cũng chính là đồ chơi của lão.
Nàng gượng cười :
- Đa tạ lòng ưu ái của tiền bối. Tiếc là tiểu nữ đã có gia học họ Dư.
Cổ Hào cười rộ :
- Chút võ nghệ tầm thường của Dư Tâm Nhiên nào có ra gì mà nàng nhắc đến. Ta đã quyết ý, nàng đừng phản kháng uổng công.
Dư Tiểu Phàm biết không thể đấu dịu, nàng căm hận chỉ mặt lão ma :
- Cổ Hao! Lão đừng tưởng có thể đem chút ác danh ra mà uy hiếp được bổn cô nương. Ta thà chết chứ không theo lão.
Dứt lời, nàng rút kiếm ra chém liền, chiêu kiếm cực kỳ hiểm ác và nhanh nhẹn. Nhưng Hồng Bào Tôn Giả chỉ nhếch mép cười nhạt, vung song thủ giải phá.
Tay áo lão như con linh xà quấn chặt lấy bảo kiếm, giật phăng khỏi tay Tiểu Phàm. Bàn tay tả điểm nhanh lên người nữ nhân.
Tây Hồ Tiên Nữ bị điểm trúng huyệt đạo, đứng im như tượng gỗ. Đôi mắt đẹp tràn lệ, tỏa ánh bi phẫn, oán hận. Nàng bị phong tỏa cả Á huyệt nên không thể chửi mắng được, cơn giận dữ làm phập phồng đôi ngực căng tròn.
Cổ Hao cười dâm đãng, thò tay vuốt ngực nữ nhân. Dư Tiểu Phàm hổ thẹn đến mức chỉ muốn cắn lưỡi tự sát. Nhưng nàng tình cờ nhìn ngang qua vai lão ác ma, thấy chàng thư sinh ra dấu cố chịu đựng.
Lão ma say đắm nghe cảm giác râm ran từ đôi nhũ phong truyền vào cơ thể, lửa dục bốc cao, tâm xao động khiến màn cương khí hộ thể mỏng đi.
Đúng lúc ấy, chàng thư sinh lao đến như ánh chớp, vung chưởng giáng vào vai và lưng Cổ Hao. Lão ác ma bị đẩy văng vào vách lầu hướng Bắc, máu miệng rỉ ra.
Nhưng công lực lão vô cùng thâm hậu, lập tức gầm lên lao đến. Tiếc là đối phương đã ôm lấy Tiểu Phàm, nhảy qua lan can lầu, lần lượt điểm chân lên mái ngói tầng hai, tầng một, rơi xuống đất và phi thân chạy thẳng.
Hồng Bào Tôn Giả giận dữ đuổi theo, thấy gã áo trắng kia dù phải mang theo một người mà cước bộ vẫn nhanh như thiểm điện, lão thầm kinh hãi. Nhưng bản tính tự tôn, hẹp hòi không cho phép lão bỏ qua mối hận. Cổ Hao nghiến răng dồn toàn lực vào đôi chân, truy sát đến cùng.
Bạch y thư sinh vượt qua khu rừng liễu ven hồ, chạy ngược vào thành. Chàng dùng một tay giải huyệt cho Tây Hồ Tiên Nữ rồi hỏi :
- Dư gia trang ở hướng nào?
Tiểu Phàm e lệ đáp :
- Công tử cứ chạy thẳng chừng hơn dặm nữa sẽ thấy bên tả có một tòa nhà lớn, trước cửa là hai con kỳ lân bằng bạch thạch.
Tiếng quát tháo của Hồng Bào Tôn Giả ở phía sau không hề làm cho chàng thư sinh bối rối, hơi thở vẫn điều hòa, mắt nhìn thẳng, chân lướt nhanh như lưu thủy hành vân. Dư Tiểu Phàm nằm im trên đôi tay mạnh mẽ, say đắm ngắm nhìn gương mặt hiền lành của ân nhân. Nhịp chân rung động khiến da thịt cọ sát nhau, mang lại cảm giác hưng phấn. Tiểu Phàm buột miệng nói :
- Thiếp là Dư Tiểu Phàm, dám hỏi đại danh công tử?
Thư sinh điềm đạm trả lời :
- Tại hạ là Tây Môn Sĩ Mệnh!
Lát sau Dư gia trang hiện ra. Sĩ Mệnh lao thẳng vào cánh cửa mở rộng. Đám gia binh vội ùa đến chặn đường Hồng Bào Tôn Giả. Cổ Hao điên cuồng vung chưởng đánh bạt bọn chúng ra. Chưởng kình của lão uy mãnh tuyệt luân, giết liền bốn gã áo xanh.
Tiếng chuông báo động khua vang, Giang Nam Thần Kiếm cùng hai lão già râu tóc hoa râm vội chạy ra. Trước đó Tây Môn Sĩ Mệnh đã đặt Tiểu Phàm xuống thềm đại sảnh, lặng lẽ phi thân đi mất. Tây Hồ Tiên Nữ ngỡ ngàng gọi theo :
- Công tử!
Nhưng chàng không hề quay lại. Tiểu Phàm tức tối dậm chân. Vừa lúc Dư trang chủ đến nơi, nàng bật khóc :
- Cha! Lão ác ma kia định bắt hài nhi.
Nhận ra Hồng Bào Tôn Giả. Dư Tâm Nhiên biến sắc, lạnh lùng bảo :
- Phàm nhi yên tâm, để ta và nhị vị tiền bối đây đối phó.
Cổ Hao đang tung hoành chém giết bọn tráng đinh, thấy Giang Nam Thần Kiếm bước đến, lão dừng tay nhảy lùi, quát vang :
- Dư Tâm Nhiên, nếu ngươi không giao con gái và gã tiểu quỷ áo trắng kia ra, lão phu sẽ làm cỏ nơi này.
Dư trang chủ không biết có sự hiện diện của Sĩ Mệnh, nhưng là người thâm trầm, ông đoán ra rằng có kẻ đã cứu ái nữ của mình.
Trang chủ cười nhạt đáp :
- Cổ Hao! Ngươi dám đến tận đây là coi như tận số rồi.
Ông phất tay ra hiệu, hai lão nhân mặc thanh bào ập đến như cơn lốc. Chưởng kình của họ tựa như bốn làn sương xanh nhạt phủ kín đối phương.
Hồng Bào Tôn Giả vội múa tít song chưởng tấn công. Chưởng khí chạm nhau nổ vang rền, song phương đều lùi lại ba bước.
Nhận ra lai lịch của đối thủ, Cổ Hao quát vang :
- Thì ra Thanh Vụ song sát. Không ngờ hai lão lại đem thân nương nhờ dưới trướng họ Dư.
Song sát vẫn ngậm tăm, lao vào tấn công. Thanh danh của họ tuy không lẫy lừng bằng Hồng Bào Tôn Giả nhưng xem ra bản lĩnh chẳng kém.
Thanh Vụ độc chưởng tỏa mùi hăng hắc rất khó chịu, lại hùng mạnh như bão tố khiến Cổ Hao không dám coi thường. Lão đem pho Huyết Ma chưởng thành danh ra đối phó, dần dần chiếm được thế thượng phong.
Nhưng Dư Tâm Nhiên đã nhập cuộc, thân hình ông bốc lên cao, hòa với kiếm quang bủa xuống đầu Cổ Hao. Lão ma thấy đối phương dùng phép Ngự kiếm, hồn phi phách tán, dồn toàn lực vỗ hai đạo chưởng phong chống đỡ.
Lão chặn được đường kiếm nhưng lại trúng một chưởng của song sát vào ngực. Cổ Hao cắn răng chịu, lăn tròn trên mặt sân ướt át, phi thân đào tẩu. Những vết máu tươi để lại từng vũng chứng tỏ lão thọ thương rất nặng.
Thanh Vụ song sát định đuổi theo nhưng Dư trang chủ không cho. Nhất Sát hỏi :
- Phải chăng Trang chủ ngại gây oán với Huyết Y môn?
Dư trang chủ gật đầu :
- Đúng vậy! Lúc này chúng ta chưa đủ lực lượng để đối chọi với họ.
Ông ra lệnh cho thu dọn chiến trường rồi cùng song sát trở vào trong. Cả ba không biết rằng trên tàn cây du rậm rạp cạnh tường nam có một bóng trắng ẩn nấp. Người này đã xem hết trận chiến và nghe cả những đối đáp của họ.
Tây Môn Sĩ Mệnh buông mình xuống đất, lẩm bẩm :
- Dư trang chủ luyện thành thuật Ngự kiếm là chuyện không ai ngờ được. Lại thêm hai lão ma Thanh Vụ song sát bên cạnh, xem ra hùng tâm của Giang Nam Thần Kiếm chẳng phải là nhỏ.
* * * * *
Hôm ấy, thủ hạ của Dư gia trang bủa khắp thành Hàng Châu để tìm kiếm chàng công tử. Nhưng chàng ta đã biến mất và không ai biết đã đi về hướng nào.
Dư Tiểu Phàm vùng vằng giận dỗi, trách móc đám thuộc hạ bất tài. Nhất Sát Cù Quốc Nhân cười khà khà bảo :
- Dư trang chủ là ân nhân của Cái bang, trong tay nắm lệnh phù trưởng lão, lo gì không tìm được? Tiểu thư có nóng ruột cũng vô ích thôi.
Tiểu Phàm mừng rỡ, không còn phụng phịu nữa. Giang Nam Thần Kiếm nhíu mày nói :
- Không hiểu Sĩ Mệnh là đệ tử của bậc kỳ nhân nào mà lại có thể đả thương Hồng Bào Tôn Giả và thoát đi một cách dễ dàng như vậy? Ngay bản thân ta, nếu phải ẵm Phàm nhi trên tay, cũng không thể chạy nhanh hơn Cổ Hao.
Tây Hồ Tiên Nữ bẽn lẽn cúi đầu, nhớ lại cảm giác ngọt ngào khi nằm trong vòng tay Sĩ Mệnh. Nhị Sát Hướng Tâm Như ứng tiếng :
- Chẳng lẽ đó lại là pho khinh công “Xúc Địa Thành Thốn” của Ngũ Hành lão nhân?
Nhất Sát bác ngay :
- Không thể được, lão nhân đã hơn trăm tuổi, vắng bóng đã bốn chục năm nay, lẽ nào lại có truyền nhân nhỏ tuổi như vậy?
Dư Tiểu Phàm cáo mệt, xin vào nghỉ sớm.
Chờ nàng đi khuất, Dư trang chủ cười bảo :
- Xem ra con bé cứng đầu này đã say mê chàng thư sinh thần bí kia. Trước sau gì nó cũng lén bỏ nhà đi tìm, nhị vị hộ pháp phải lưu tâm giùm ta mới được.
Nhất Sát cười đáp :
- Trang chủ yên tâm, lão phu sẽ phái cao thủ theo hộ vệ.
* * * * *
Quả nhiên không ai hiểu con bằng cha mẹ.
Mờ sáng hôm sau, Dư Tiểu Phàm dẫn theo hai tỳ nữ âm thầm rời khỏi Dư gia trang. Lúc tối nàng đã vào phòng của cha, trộm lấy Cái bang trúc phù. Với vật này, nàng có thể dò hỏi bọn hóa tử về tung tích chàng thư sinh áo trắng.
Thực ra thì dẫu không có Trúc lệnh phù trong tay, đệ tử Cái bang cũng hết lòng tôn kính Dư tiểu thư.
Năm năm trước, Tổng đàn Cái bang gặp hỏa tai, Giang Nam Thần Kiếm đã tặng bang hội này một ngàn lượng vàng để tái thiết. Nghĩa cử này đã khiến Cái bang cảm kích, phong tặng danh hiệu trưởng lão danh dự cho Dư trang chủ.
Trước tiên, Dư Tiểu Phàm đến Phân đà Cái bang, yêu cầu Phân đà chủ diều tra lộ trình của Tây Môn Sĩ Mệnh.
Chỉ nửa canh giờ sau, lão đã phúc đáp rằng :
- Chiều hôm qua, một nam nhân bạch y tuổi tam thập đã rời thành Hàng Châu qua cửa nam, vượt sông Tiền Đường, đi về hướng Tây. Chàng ta cưỡi một con ngựa đen tuyền.
Tây Hồ Tiên Nữ mừng rỡ, thưởng cho gã Phân đà chủ trăm lượng bạc rồi lên đường ngay.
Nhưng tiếc rằng bọn hóa tử đã lầm lẫn, khiến Dư Tiểu Phàm đi sai đường. Thực ra sau khi rời Dư gia trang, Tây Môn Sĩ Mệnh đã trở về khách sạn thay áo rồi khoác bọc hành lý đi về hướng ngọn núi phía bắc Tây hồ.
Chàng phi thân lên đỉnh ngọn núi thấp, tìm đến một ngôi đạo quán cổ kính. Tấm bảng trên cửa tam quan đã phai nhạt vì mưa gió, chỉ còn lờ mờ mấy chữ “Toàn Chân đạo quán”.
Sĩ Mệnh đứng trước cánh cổng đóng kín, gọi lớn :
- Đại sư huynh! Tiểu đệ theo di mệnh của tiên sư đến bái kiến.
Từ trong, một đạo sĩ già, tuổi độ bát tuần, râu tóc bạc trắng bước ra. Lão mở cửa, buồn rầu bảo :
- Té ra ân sư đã tạo hóa. Sư đệ vào đi.
Người này chính là Tùy Vân đạo trưởng, đại đệ tử của Thiên Hạc chân nhân.
Sĩ Mệnh lặng lẽ đi theo lão vào căn trúc xá, mé hữu đại điện. Đạo trưởng bảo sư đệ an tọa rồi hỏi :
- Ân sư đã quy tiên lâu chưa?
- Bẩm đại sư huynh, người đã khuất núi đúng đêm rằm tháng tư vừa rồi.
Tùy Vân nhìn người tiểu sư đệ với vẻ yêu thương, chậm rãi nói :
- Phải chăng ân sư đã dặn sư đệ đến đây gặp ta để hỏi về thân thế?
Sĩ Mệnh cắn răng gật đầu :
- Thưa phải, trước khi cưỡi hạc, ân sư mới thổ lộ rằng lai lịch của tiểu đệ rất bi thảm và có nhiều uẩn khúc Người dạy tiểu đệ đến gặp sư huynh để tìm hiểu.
Tùy Vân đạo trưởng rót trà, nhấp một hớp rồi buồn bã kể lại chuyện hai mươi năm trước :
- Lệnh tôn nguyên là hình bộ thượng thư Tây Môn Thường, tham chính từ thời vua Minh Hiến Tông. Đến năm Chính Đức thứ ba đời vua Minh Võ tông, thiên tử sủng ái tên yêu hoạn Lư Cẩn, người liền dâng sớ dàn hặc. Võ tông không nghe nhưng cũng chẳng trách phạt bậc trung thần. Từ đó họ Lưu đem lòng thù hận lệnh tôn. Năm sau, đê sông Hoài bị vỡ, thiên tử truyền chỉ phát chuẩn. Lưu Cẩn liền tiến cử lệnh tôn phụ trách việc này. Nào ngờ, đoàn thuyền từ Bắc Kinh xuôi Nam, vừa qua khỏi Từ Châu đã bị tập kích. Hơn trăm tên bịt mặt võ công cực kỳ lợi hại đã lợi dụng bóng đêm, dùng thuyền nhỏ tấn công. Vì quá bất ngờ nên quan quân chẳng kịp trở tay. Ta vốn là bạn vong niên tri kỷ của lệnh tôn nên cũng đi theo hộ tống. Nhưng bản lãnh của bốn tên cầm đầu lợi hại phi thường, trong chớp mắt đã giết được lệnh tôn, lệnh mẫu. Ta cũng bị trúng một kiếm nên đành ôm sư đệ nhảy xuống sông đào tẩu. Năm ấy sư đệ đã bảy tuổi, nhưng vì bị một tên vung chưởng đánh phớt qua đầu nên mê man bất tỉnh, quên cả chuyện quá khứ. May nhờ tiên sư hết lòng cứu chữa nên mới thoát chết. Người lại yêu mến cốt cách của sư đệ nên mới nhận làm đệ tử.
Tây Môn Sĩ Mệnh run rẩy gạt nước mắt hỏi :
- Nhưng vì sao mãi đến hôm nay sư phụ mới cho tiểu đệ biết sự thực?
Tùy Vân đạo trưởng thở dài :
- Tên khốn kiếp Lưu Cẩn chính là kẻ chủ sự vụ huyết án bày. Bọn bịt mặt đêm ấy đã giết sạch quan quân, cướp đi hai vạn lượng bạc, phi tang thi hài phu thê hình bộ thượng thư và phao tin lệnh tôn cấu kết với cường đạo cướp bạc bỏ trốn. Lưu Cẩn vịn vào cớ này, hết lời sàm tấu. Minh Võ Tông hôn ám liền nghe lời lão, xuống chỉ truy nã Tây Môn Thường. Do đó, ân sư và ta đâu dám cho sư đệ biết ẩn tình. Mãi đến năm ngoái vua Minh Thế tông mới xét lại vụ án, hủy bỏ hình phạt năm xưa, cho phép giòng họ Tây Môn được thi cử làm quan. Lưu Cẩn đã chết từ mười năm trước nhưng bọn bịt mặt vẫn vón đó, nhiệm vụ của sư đệ là tìm ra bọn chúng.
Sĩ Mệnh hỏi lại :
- Đại sư huynh đã từng giao đấu với chúng, vậy có nhận ra chút manh mối nào không?
Tùy Vân trầm ngâm :
- Ta và tiên sư đã bàn bạc rất nhiều, cuối cùng kết luận rằng có bàn tay của ba trong số Ngũ đại hung thần Nhưng người thứ tư mới là kẻ đáng sợ, chỉ vài chục chiêu đã đả thương được ta.
Sĩ Mệnh cười nhạt :
- Tiểu đệ khổ luyện gần hai mươi năm nay, không sợ bất cứ ác thú nào. Chỉ cần bắt được một trong ba lão ác nhân, sẽ tra khảo ra những tên còn lại.
Tùy Vân mỉm cười :
- Ta biết sư đệ đã bẩm thụ hết chân truyền của tiên sư, võ công còn cao hơn cả ta. Nhưng nhớ câu “minh thương dễ tránh, ám tiễn khó phòng”. Bọn ác nhân đều cực kỳ gian xảo, thủ đoạn tàn độc, ti tiện. Sư đệ đừng chủ quan mà phụ lòng kỳ vọng của ân sư.
Sĩ Mệnh toát mồ hôi, chỉnh sắc thưa :
- Tiểu đệ nóng giận nên lỡ lời, thực lòng chẳng dám quên những lời giáo huấn của tiên sư.
Chàng phục xuống, lạy chín lạy, kính cẩn nói :
- Không ngờ đại sư huynh lại là bằng hữu của tiên phụ cũng là người cứu mạng cho tiểu đệ. Chín lạy này để tỏ lòng kính ngưỡng. Nay sư phụ đã cưỡi hạc về trời, đại sư huynh chính là trưởng bối thay quyền, mong người hết lòng dạy dỗ.
Tùy Vân đỡ chàng lên, ôm vào lòng, cười ha hả :
- Ngày xưa, ngươi vẫn thường ôm cổ ta gọi bằng Mã bá bá. Không ngờ nay lại là bạn đồng môn.
Đã đến bữa ăn chiều, Tùy Vân dọn cơm chay và rượu ngon cho hai người thù tạc. Sĩ Mệnh ở lại một đêm, ôm lấy đại sư huynh mà trò chuyện.
Sáng ra, Tùy Vân trao cho đệ một thanh đoản kiếm rất kỳ lạ. Chuôi kiếm dài, lưỡi có bản lớn hơn trường kiếm, nhưng lại chỉ ngắn độ gang tay. Gần mũi kiếm có hai ngửi chạy giáp vòng, mỗi ngửi lại có một nốt lồi tròn nhỏ bằng hạt đậu đen.
Đạo trưởng cười bảo :
- Sư phụ chúng ta là thần nhân nên chỉ cần một thanh trúc là đủ. Nhưng sư đệ, công lực non kém tất phải có kiếm mới phát huy được tinh túy của pho Hạc Vũ kiếm pháp. Thanh Tam Tiết kiếm này tuy không phải là thần vật nhưng cũng rất sắc bén và tiện dụng.
Nói xong, ông bấm vào nút cơ quan ở chuôi, thanh kiếm bỗng dài thêm một gang, bấm lần nữa thì thanh kiếm trở thành trường kiếm. Tùy Vân vung kiếm đâm vào cột gỗ. Mũi kiếm ngập sâu mà hai đoạn kia vẫn không thụt vào. Đạo trưởng rút ra, lần lượt nhấn vào hai hạt thép trên lưỡi kiếm, đẩy từng đoạn vào.
Sĩ Mệnh thấy Tam Tiết kiếm được bố trí cơ quan tinh xảo, chàng hân hoan nhận lấy và hỏi lại :
- Từ đâu mà đại sư huynh có bảo vật này?
Tùy Vân cười đáp :
- Sáu năm trước, trên đường từ Hoàng Sơn về Hàng Châu, ta gặp một tên cường đạo dưới chân núi Xích Thành. Gã đang cướp bóc bọn lái buôn liền bị ta giết chết. Thấy thanh kiếm ngộ nghĩnh, ta đem nhặt về, định bụng sẽ tặng cho sư đệ.
Sĩ Mệnh cảm động, xiết chặt tay đạo trưởng rồi quay gót. Chàng xuống núi, vượt Đại Vận hà đi về hướng Tây. Bên kia sông là một trấn lớn. Chàng ghé vào dùng điểm tâm. Mua một con ngựa hồng phi nước đại.
Sĩ Mệnh tuy không phải là đạo sĩ nhưng đã quen chay tịnh hai mươi năm nay. Chàng thấm nhuần tinh thần đạo giáo, tâm hồn trong sáng, siêu thoát nên mối huyết thù không tạo thành sát khí trên nét mặt, mà chỉ khiến ánh mắt thêm buồn.
Chàng đã nhiều lần xin Thiên Hạc chân nhân cho mình xuất gia nhưng ông không chấp thuận, nghiêm nghị bảo rằng :
- Ngươi mang nặng sát nghiệp và tình nghiệp nên không thể tu hành được.
Nhưng cuộc sống ẩn dật, thiền định suốt một thời gian dài, từ thuở ấu thơ đã hình thành tính cách hiện nay của Sĩ Mệnh. Chàng nắm được tinh túy của học thuyết lão Trang nên coi nhẹ sự đời, thuận theo tự nhiên mà sống.
Tư tưởng đạo giáo do lão Tử sáng tạo, nhưng mãi đến thời Đông Hán, Trương Đạo Lăng mới hoành bá thành một tôn giáo.
Sau này, Đạo giáo chia làm hai phái chủ yếu. Một là phái chính nhất, còn gọi là Thiên Sư đạo, thịnh hành ở phía Nam, tôn Trương Đạo Lăng làm Thiên sư hay Chính Nhất đạo sư. Đạo sĩ phái Chính Nhất không xuất gia, mặc đạo bào nhưng sống như người trần tục. Đám thầy cúng, thầy pháp ở Trung Hoa chính là đệ tử của phái Thiên Sư.
Hai là phái Toàn Chân, lưu hành ở phương Bắc, phát triển mạnh nhất từ thời Kim và Liêu. Các đạo sĩ, đạo cô của phái này đều xuất gia tu hành và ăn chay. Người đời thường gọi họ là “mao sơn đạo sĩ”.
Thiên Hạc chân nhân là một nhân tài kiệt xuất của phái Toàn Chân. Nhưng từ sáu mươi năm trước, ông bất mãn khi thấy đồng môn quan hệ mật thiết với triều đình, quên đi tôn chỉ của Đạo giáo, nên bỏ núi Lão Sơn, hành hiệp giang hồ.
Trong ba mươi năm, ông là đệ nhất cao thủ võ lâm, công tích trừ gian diệt bạo, cứu giúp lương dân không sao kể xiết. Năm bảy mươi tuổi, ông chọn đỉnh Hải Bạt, trong dãy Hoàng Sơn làm nơi ẩn cư, tu luyện.
Sĩ Mệnh kính ngưỡng sư phụ như thần thánh nên quyết noi theo gương. Trí tuệ và gân cốt của chàng thuộc hàng thượng phẩm nên đã tiếp thu trọn vẹn cả hai phần đạo học lẫn võ học của chân nhân.
Hỗn Nguyên thần công không phải là Đồng Tử công, nhưng người luyện võ phải giới sắc cho đến khi đã luyện qua lớp thứ sáu.
Tùy Vân đạo trưởng tuy là đệ tử chân truyền nhưng chẳng may lại mất nguyên dương khá sớm nên chẳng thể đạt đến mức đại thành. Nay Sĩ Mệnh đã giữ mình đến tuổi hai mươi bảy, sắp hoàn tất lớp thứ sáu của pho tâm pháp. Chính vì vậy, chàng chẳng hề màng đến sắc dục.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.