Một trong những lý do học sinh thường dùng để biện minh cho việc học kém của mình là do họ có trí nhớ kém. Thật vậy, nhiều học sinh hiểu bài cặn kẽ và có khả năng trả lời các câu hỏi trong bài thi, nhưng đầu óc họ cứ trống rỗng mỗi khi họ phải làm bài trong một khoảng thời gian giới hạn. Kết quả là điểm số mà họ đạt được không phản ánh đúng khả năng thật sự của họ. May mắn thay, hiện nay, nhiều hệ thống giáo dục trên thế giới (bao gồm cả Việt Nam) đang dần dần từ bỏ việc ra bài thi hoàn toàn dựa trên việc học thuộc lòng, để chuyển sang việc ra bài thi thiên về đánh giá khả năng suy nghĩ, áp dụng kiến thức của học sinh nhiều hơn. Tuy nhiên, việc ra bài thi thiên về phân tích và áp dụng kiến thức nhiều hơn không hề làm giảm tầm quan trọng của trí nhớ. Lý do là vì trước khi bạn có thể lập luận áp dụng kiến thức, bạn vẫn phải nhớ những kiến thức cơ bản mà bạn đã học. Thông thường, những kỳ thi “mở” cho phép học sinh được mang theo sách và tài liệu vào phòng thi đem lại cảm giác tự tin giả tạo cho thí sinh. Hầu hết thí sinh đều nghĩ rằng trong các kỳ thi “mở” như thế, họ không cần phải nhớ bài vì họ có thể xem lại các dữ kiện trong phòng thi. Tiếc thay, trên thực tế, bạn không có đủ thời gian để làm việc đó. Khả năng nhớ được kiến thức mà không cần phải mở sách trở nên hết sức quan trọng là vì thế. NĂNG KHIẾU VỀ TRÍ NHỚ Nhiều học sinh có ý nghĩ sai lầm rằng khả năng ghi nhớ tốt là năng khiếu hoặc tài năng mà một số người có, một số người không. Những người nghĩ họ không có trí nhớ tốt từ bỏ việc cố gắng nhớ đầy đủ thông tin vì họ nghĩ họ sẽ quên hết chúng. Hậu quả chắc chắn là việc có trí nhớ kém nghiễm nhiên trở thành lý do mà họ dùng để biện hộ cho thất bại. Cứ như thế, họ sẽ luôn luôn nhận lãnh những kết quả kém. BẠN CŨNG CÓ THỂ CÓ TRÍ NHỚ SIÊU ĐẲNG Điều đầu tiên mà bạn phải hiểu là không hề tồn tại trí nhớ tốt hay trí nhớ kém, mà chỉ tồn tại trí nhớ được rèn luyện và trí nhớ không được rèn luyện. Theo chuyên gia về trí nhớ Harry Lorayne, những người có khả năng nhớ thông tin phi thường không hề có bộ não khác biệt với chúng ta. Thay vào đó, họ sở hữu những kỹ thuật tận dụng được trí nhớ của họ. Bởi thế, xin nhớ rằng trí nhớ không phải là một năng khiếu. Mỗi người trong chúng ta đều sở hữu một trí nhớ phi thường tự nhiên mà chúng ta chỉ cần học cách tận dụng nó. Trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về hai khái niệm: sự ghi nhớ và sự hồi tưởng. SỰ GHI NHỚ HOÀN HẢO VÀ SỰ HỒI TƯỞNG KHÔNG HOÀN HẢO Trí nhớ bao gồm sự ghi nhớ (lưu trữ thông tin) và sự hồi tưởng (tìm lại thông tin). Sự ghi nhớ liên quan đến việc lưu trữ thông tin chúng ta nhận được vào não bộ. Sự hồi tưởng liên quan đến khả năng tìm lại thông tin đó khi cần thiết. Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy khả năng lưu trữ thông tin của chúng ta là hoàn hảo, và không bị hao mòn theo thời gian. Điều này có nghĩa là mỗi từ ngữ, mỗi hình ảnh, mỗi âm thanh bạn lưu vào trí nhớ từ khi sinh ra được lưu giữ hoàn hảo nguyên vẹn ở một nơi nào đó trong não bộ của bạn. Vấn đề ở chỗ là khả năng hồi tưởng của chúng ta không hoàn hảo. Chính vì thế, chúng ta không thể nào nhớ lại (hay tìm lại) trong bộ não tất cả những thông tin chúng ta cần một cách dễ dàng. TRÍ NHỚ VÀ THƯ VIỆN Nếu chúng ta có thể lưu trữ được mọi thứ, tại sao chúng ta không thể nào nhớ lại được tất cả những thông tin đó một cách hiệu quả? Để hiểu được điều này, bạn nên biết rằng trí nhớ của bạn giống như một thư viện đồ sộ chứa đựng một khối lượng thông tin khổng lồ trong hàng trăm ngàn quyển sách. Nếu tôi yêu cầu bạn phải tìm một quyển sách trong một thư viện nào đó, bạn sẽ có thể tìm được dễ dàng bằng việc sử dụng hệ thống chỉ mục sách của thư viện vì những quyển sách được phân loại theo các mục như chủ đề, tên tác giả, năm xuất bản,… Nhưng hãy tưởng tượng, nếu tất cả các quyển sách nằm lộn xộn khắp nơi trong thư viện và không hề có chỉ mục nào để tìm kiếm, bạn có thể phải mất hàng tháng để tìm ra một quyển sách. Thậm chí, có thể bạn sẽ chẳng bao giờ tìm được quyển sách bạn cần. Vậy đó, khả năng tìm lại thông tin trong não bộ của bạn cũng phải làm việc tương tự như vậy. Đó là lý do tại sao không ít lần trong quá khứ, bạn bắt gặp bản thân không nhớ nổi một vấn đề khi cần, nhưng lại chợt nhớ ra nó vào lúc khác. Hầu hết thời gian, chúng ta thu nhận thông tin một cách có ý thức và không có ý thức. Thế nhưng, những thông tin ấy không được lưu trữ theo thứ tự ngăn nắp để dễ dàng tìm lại sau này. Do đó, chúng ta cảm thấy khó khăn trong việc hồi tưởng lại thông tin mặc dù thông tin đã được lưu trong não bộ chúng ta. Một trong những bí quyết để phát huy trí nhớ là phát triển một hệ thống mục lục thông tin trong não bộ. Hệ thống này sẽ giúp bạn nhớ lại kiến thức một cách nhanh chóng khi cần. ĐỊNH NGHĨA TRÍ NHỚ Trí nhớ được tạo thành bằng cách liên kết từng mảng thông tin với nhau. Nói một cách cụ thể hơn, việc ghi nhớ một thông tin mới chỉ đơn giản là liên kết thông tin mới đó với một thông tin khác chúng ta đã biết trước đó.
Đối với đa số những người chưa được rèn luyện kỹ thuật về trí nhớ, quá trình liên kết thông tin này chỉ đơn thuần thuộc về tiềm thức. Tiềm thức của chúng ta đôi khi tạo ra những liên kết bền vững, nhưng thường thì nó chỉ tạo ra những liên kết yếu ớt. Khi có sự liên kết bền vững, chúng ta cảm thấy dễ dàng nhớ lại thông tin. CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA TRÍ NHỚ Bạn có thể kể ra rất nhiều ví dụ về việc bạn quên một sự việc mới xảy ra gần đây như bạn vừa ăn gì sáng nay. Tuy nhiên, bạn lại có thể nhớ rất rõ hoặc không bao giờ quên được một số chuyện xảy ra từ nhiều năm về trước. Thậm chí, bạn có thể nhớ như in những sự kiện ấy một cách rõ ràng, sống động với đầy đủ hình ảnh, cảm giác và âm thanh đi kèm với nó. Những sự việc này có thể rất khủng khiếp hoặc đặc biệt đáng nhớ đối với bạn, như một chuyến bay xa hoặc lần đầu hẹn hò của bạn. Điều đáng buồn cười là khi bạn càng cố quên những sự việc đó, bạn càng nhớ chúng rõ hơn. Nhưng tại sao bạn lại có khả năng nhớ ngay lập tức một việc nào đó hoặc quên ngay một việc khác? Mỗi người chỉ có một bộ não, và rõ ràng chúng ta chỉ có cùng một não bộ trong mọi hoàn cảnh. Sự khác biệt nằm ở trạng thái não của chúng ta. Nếu não chúng ta đang ở trong trạng thái Trí Nhớ Siêu Đẳng, các nguyên tắc của trí nhớ vô tình được vận dụng lúc ấy giúp chúng ta nhớ được sự việc đó một cách lâu dài. Một khi bạn hiểu được các nguyên tắc này, bạn có thể chủ động áp dụng chúng mọi lúc mọi nơi, và sẽ có thể tận dụng được trí nhớ phi thường của bạn theo ý muốn. Nghiên cứu những người có trí nhớ phi thường, các nhà khoa học đã khám phá ra trí nhớ của họ cũng hoạt động theo các nguyên tắc tương tự. Những nguyên tắc cơ bản nhất của Trí Nhớ Siêu Đẳng được liệt kê dưới đây. 1. SỰ HÌNH DUNG Sự hình dung là một trong hai nguyên tắc quan trọng nhất của Trí Nhớ Siêu Đẳng. Trí nhớ của chúng ta làm việc theo hình ảnh. Do đó, chúng ta có khuynh hướng nhớ hình hơn nhớ từ. Hình ảnh trong tâm trí ta càng rõ ràng sống động bao nhiêu, chúng ta càng nhớ về hình ảnh đó bấy nhiêu. Lý do khiến đa số học sinh quên kiến thức nhanh chóng là vì họ cố gắng ghi nhớ từ ngữ trong khi trí nhớ lại làm việc theo hình ảnh. Bí quyết nằm ở chỗ ta phải biết cách chuyển kiến thức thành hình ảnh để lưu vào não bộ một cách dễ dàng. Trong kỳ thi, chúng ta sẽ nhớ lại những hình ảnh đó và chuyển chúng thành các câu trả lời hợp lý. 2. SỰ LIÊN TƯỞNG Nguyên tắc quan trọng thứ hai của Trí Nhớ Siêu Đẳng là sự liên tưởng, nghĩa là tạo ra mối liên kết giữa những việc chúng ta cần nhớ. Các liên kết này sẽ tạo ra một mục lục dưới dạng chuỗi liên kết trong đầu, giúp chúng ta dễ dàng lần tìm lại thông tin. Liên kết những hình ảnh (hình dung kết hợp với liên tưởng) trong tâm trí chúng ta là một quá trình hết sức quan trọng của Trí Nhớ Siêu Đẳng. 3. LÀM NỔI BẬT SỰ VIỆC Nếu tôi hỏi bạn đã ăn trưa những gì hoặc bạn đã đãi những món gì trong lần sinh nhật năm ngoái của bạn, bạn có thể nhớ được không? Tôi nghĩ là không. Hãy giả sử vào lần sinh nhật năm ngoái, bạn bị bạn bè buộc phải ăn món gián rang giòn thì sao? Bây giờ bạn còn nhớ về điều đó không? Dĩ nhiên là bạn còn nhớ chứ. Thật ra, tôi dám cá rằng bạn sẽ nhớ mãi việc này cho đến khi bạn 80 tuổi. Bạn thấy không, não bộ có khuynh hướng ghi nhớ những sự việc nổi bật. Một trong những cách tốt nhất để làm nổi bật sự việc là sử dụng các chi tiết hài hước và các chi tiết vô lý. Chúng ta khó mà nhớ nổi những gì chúng ta học là vì cách ghi chú kiểu truyền thống rất nhạt nhẽo, đơn điệu. Chúng ta sẽ tăng cường được sức mạnh của trí nhớ bằng cách tạo ra những ghi chú làm nổi bật thông tin. Chúng ta cũng có khuynh hướng ghi nhớ những sự việc buồn cười, khác thường. 4. SỰ TƯỞNG TƯỢNG Chúng ta thường hay nhớ được những sự việc mà chúng ta tự tưởng tượng ra. Đặc biệt là khi chúng ta dùng nhiều giác quan để tưởng tượng. Nói cách khác, thay vì chỉ tưởng tượng đơn giản hình dáng một trái chuối như thế nào, chúng ta nên tưởng tượng thêm về vị ngọt, mùi hương,… của trái chuối. Chúng ta cũng nên dùng trí tưởng tượng để tạo cảm xúc mạnh mẽ. Nguyên nhân là vì chúng ta có khuynh hướng ghi nhớ những sự việc tạo cảm xúc mạnh mẽ như lo sợ, hạnh phúc, giận dữ, yêu thương, đau đớn,… 5. MÀU SẮC Màu sắc cũng là một tác động trí nhớ mạnh mẽ. Đó là lý do tại sao chúng ta nên dùng nhiều màu sắc khi ghi chú. Màu sắc có thể tăng cường trí nhớ của chúng ta lên 50%. 6. ÂM ĐIỆU Âm điệu giúp chúng ta tăng khả năng nhớ lại thông tin vì âm điệu kích hoạt bán cầu não phải, bán cầu mà thường bị bỏ quên khi chúng ta học tập. Ví dụ, bạn có bao giờ tự hỏi tại sao mình có thể thuộc lời bài hát dễ dàng hơn nhiều so với việc phải nhớ cùng một số lượng từ đó trong sách lịch sử không? Bạn có tự hỏi tại sao đến bây giờ bạn vẫn còn nhớ được những bài hát bạn học từ mẫu giáo không? Chúng ta có thể sử dụng âm điệu trong học tập bằng cách bật nhạc trong lúc học hoặc tạo ra những âm điệu riêng biệt cho những thông tin chúng ta cần nhớ. 7. CHÍNH THỂ LUẬN Cuối cùng, chính thể luận cũng giúp bạn ghi nhớ thông tin. Chính thể luận là việc học bằng cách nhìn sự việc trong một bức tranh tổng quát. Việc phân tích các mối liên kết của thông tin đó vào các khái niệm tổng quát sẽ giúp bạn ghi nhớ tốt hơn là học từng chi tiết riêng biệt. HỆ THỐNG TRÍ NHỚ Hệ thống trí nhớ là tập hợp các kỹ thuật giúp bạn tạo ra những liên kết bền vững giữa thông tin mới mà bạn muốn ghi nhớ và những thông tin cũ bạn đã biết trước đó. Các hệ thống trí nhớ khác nhau được thiết kế để giúp bạn ghi nhớ các loại thông tin khác nhau. Hai hệ thống trí nhớ phổ biến nhất là Hệ Thống Liên Kết giúp nhớ từ ngữ (chương hiện tại) và Hệ Thống Số giúp nhớ số (Chương 9). HỆ THỐNG LIÊN KẾT: HỆ THỐNG NÀY DÙNG ĐỂ LÀM GÌ? Hệ thống này dùng để ghi nhớ một danh sách các từ hoặc các ý chính. Hệ thống này đặc biệt hiệu quả trong việc học những môn nhiều dữ liệu khó nhớ như vật lý, lịch sử, văn học, địa lý. TIẾN TRÌNH Hệ Thống Liên Kết là việc sử dụng trí tưởng tượng để kết hợp hình ảnh vào thông tin mà bạn muốn ghi nhớ. Trong quá trình tưởng tượng, bạn sẽ sử dụng màu sắc, sự chuyển động, các chi tiết đối nghịch, hài hước cùng tất cả những nguyên tắc khác về Trí Nhớ Siêu Đẳng. Do đó, Hệ Thống Liên Kết gồm có hai bước: sự hình dung và sự liên tưởng. 1. Sự Hình Dung Bước đầu tiên là tạo ra hình ảnh về những từ ngữ hoặc vấn đề bạn muốn ghi nhớ. Mỗi hình ảnh cụ thể sống động sẽ tương ứng với một từ ngữ hoặc sự kiện. Ví dụ, nếu bạn cần nhớ từ “xe hơi”, bạn nên tưởng tượng trong tâm trí hình ảnh một chiếc xe cụ thể. Tưởng tượng màu sắc, hình dáng, thương hiệu, thiết kế và tất cả những nét đặc trưng khác của chiếc xe. Nếu bạn cần ghi nhớ một danh sách mười từ, hãy tạo ra mười hình ảnh trong tâm trí bạn. 2. Sự Liên Tưởng Bước tiếp theo là liên kết tất cả các hình ảnh lại với nhau để tạo thành một câu chuyện. Câu chuyện này rất quan trọng vì nó giúp sự liên tưởng trở nên mạnh mẽ. Cách thức tạo ra câu chuyện là phải dùng tất cả các nguyên tắc của Trí Nhớ Siêu Đẳng. Trong câu chuyện của bạn, bạn nên sử dụng nhiều chuyển động, nhiều màu sắc, âm điệu. Điều quan trọng nhất là câu chuyện của bạn phải nghịch lý, hài hước và đáng nhớ. MỘT VÍ DỤ ĐƠN GIẢN: GHI NHỚ DANH SÁCH NHỮNG THỨ CẦN MUA SẮM Bây giờ, chúng ta hãy lấy một ví dụ đơn giản là làm thế nào để sử dụng Hệ Thống Liên Kết trong việc ghi nhớ một danh sách gồm 12 thứ cần mua sắm. Giả sử danh sách những thứ cần mua sắm của bạn bao gồm: trứng thịt bò nĩa và muỗng áo tắm nước hoa chuối ly nước cam xà bông bàn chải đánh răng sơn nước sơn móng tay Sử dụng Hệ Thống Liên Kết, bạn hãy hình dung cảnh bạn đang cầm trên tay một quả trứng trơn láng nóng hổi khi đi ra khỏi nhà. Say sưa với cảm giác trơn láng của vỏ trứng, bạn vô tình làm hổng một lỗ nhỏ trên quả trứng. Từ trong đó bất ngờ hiện ra một cái đầu bò có hai sừng. Sừng trái có hình dạng một chiếc muỗng bạc trong khi sừng phải có hình dạng một chiếc nĩa. Bạn tình cờ lắc mạnh chiếc nĩa làm chiếc nĩa đâm mạnh vào một cô gái đang mặc bộ áo tắm chấm bi nồng nặc mùi nước hoa. Bị đâm đau bất ngờ, cô gái làm rớt trái chuối trên tay xuống sàn. Không kịp nhìn thấy, bạn bị trượt vỏ chuối và té sầm vào một hàng ly thủy tinh chứa đầy nước cam. Mặt sàn bị vấy dơ và ông chủ ra lệnh bạn phải lau chùi sàn sạch sẽ với xà bông nhưng lại phải dùng bàn chải đánh răng để chà. Khi bạn đang chà sàn, bạn lại vô tình làm tróc vạch sơn đỏ trên sàn. Lo lắng, bạn tìm cách che lấp vết tróc bằng nước sơn móng tay màu đỏ. Bây giờ, nếu bạn hình dung lại câu chuyện vô lý và khôi hài ở trên, bạn sẽ nhớ lại danh sách những thứ cần mua sắm dễ dàng. Bạn nhớ được bao nhiêu thứ? Có thể bạn bỏ lỡ một hoặc hai thứ, nhưng tôi chắc chắn rằng bạn sẽ nhớ lại được nhiều hơn những lúc bình thường. Nếu bạn vẫn quên nhiều thứ, thì có nghĩa là bạn đã không tạo được những hình ảnh rõ ràng trong tâm trí bạn về câu chuyện. Chú ý khi tạo câu chuyện để liên kết tất cả các từ cần nhớ, chúng ta đã dùng: sự chuyển động (“rớt chuối”, “hiện ra một cái đầu bò”) sự hài hước (“đâm mạnh vào cô gái”) sự nghịch lý (“đầu bò từ trong trứng”, “sừng bò có hình dạng nĩa và muỗng”) năm giác quan (“nồng nặc mùi nước hoa”, “quả trứng nóng hổi trơn láng”) Một lần nữa xin nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là bạn phải sử dụng các nguyên tắc của Trí Nhớ Siêu Đẳng để tạo ra mối liên kết bền vững giữa các hình ảnh. Nếu bạn cảm thấy mình không thể nhớ nổi, đó là vì những liên kết mà bạn tạo ra không đủ sự chuyển động, không đủ nghịch lý, không đủ hài hước hoặc ấn tượng. TƯỞNG TƯỢNG NHỮNG TỪ TRỪU TƯỢNG Hầu hết các môn học thường có rất nhiều từ ngữ trừu tượng khiến bạn cảm thấy không thể hình dung được. Trong những trường hợp này, bạn phải chuyển hóa những từ trừu tượng thành hình ảnh thông qua quá trình mô tả tượng trưng. Sau đó, bạn mới có thể dùng Hệ Thống Liên Kết để kết hợp các từ lại với nhau. Có hai cách thức bạn có thể dùng là Kỹ Thuật Âm Thanh Tương Tự và Kỹ Thuật Gợi Nhớ.
KỸ THUẬT ÂM THANH TƯƠNG TỰ Để nhớ được một từ trừu tượng, bạn phải chia từ này thành nhiều âm tiết. Sau đó, bạn sẽ dùng một hay nhiều từ thay thế có cách phát âm tương tự như âm tiết đó. Từ thay thế phải là từ dễ hình dung. Ví dụ, hợp chất hóa học “chlorine” (clo-rin) rất trừu tượng nhưng nó có thể được thay thế bởi từ “lo-riêng” có âm điệu gần giống như từ “chlorine”. Do đó, chúng ta có thể tưởng tượng trong tâm trí hình ảnh một người đàn ông đang lo lắng không biết làm cách nào để xẻ được một quả sầu riêng rất lớn. Hình ảnh mường tượng này sẽ nhắc chúng ta về chất “chlorine”.
Còn từ “phosphorus” (phốt-pho-rớt) thì sao? Có thể dùng từ thay thế nào khác có âm thanh tương tự như “phosphorus”? Từ này có thể được chia ra làm ba âm tiết: “phốt”, “pho”, “rớt” nên có âm điệu na ná như là “phớt phơ rớt”. Do đó, bạn có thể hình dung một chiếc lá thu vàng mong manh phớt phơ bay theo gió sau khi rớt xuống từ một nhánh cây.
Những môn học như lịch sử, văn học, địa lý hiếm khi cần tới việc dùng các từ thay thế để học, vì hầu hết các sự kiện đều xác thực và dễ hình dung. Bạn chỉ cần đến những từ thay thế trong các môn học này khi phải nhớ tên gọi và địa điểm.
Ví dụ: Bạn phải ghi nhớ việc Napoleon bị đánh bại trong trận chiến Waterloo. Tên “Napoleon” có thể được chia ra thành các âm tiết “na”, “pơ”, “lê”, “ông”. Vậy thì bạn có thể hình dung Napoleon như một ông già tay phải cầm quả na, đầu đội quả bơ, tay trái cầm quả lê. Waterloo (địa điểm) có thể được chia thành hai âm tiết “Water” và “loo”. Để ghi nhớ, bạn có thể hình dung một cái lu (loo) nước (water). Để nhớ rằng Napoleon bị đánh bại trong trận chiến Waterloo, chỉ cần đơn giản liên kết hai hình ảnh trên với nhau trong một câu chuyện nghịch lý. Bạn có thể tưởng tượng hình ảnh một ông già tay trái cầm quả na, đầu đội quả bơ, tay phải cầm quả lê bị rơi tõm vào lu nước.
KỸ THUẬT GỢI NHỚ Kỹ thuật này được dùng khi bạn không thể tìm một từ có âm điệu tương tự để thay thế. Nói một cách đơn giản, kỹ thuật này liên quan đến việc hình dung tới một hình ảnh trong tâm trí khiến bạn nghĩ đến từ trừu tượng cần nhớ. Hình ảnh này có tính chất chủ quan vì những người khác nhau có thể nghĩ đến những hình ảnh khác nhau. Nhưng bạn nên giữ vững hình ảnh riêng của bạn. Ví dụ, bạn nghĩ đến hình ảnh gì đầu tiên khi nghe từ “chính trị”? Bạn có thể nghĩ đến hình ảnh tổng thống Mỹ Bush hoặc hình ảnh những người trong nghị viện. Hình ảnh càng cụ thể càng tốt. Từ “nhôm” thì sao? Từ “nhôm” thường khiến ta nghĩ đến hình ảnh “cuộn giấy nhôm”. Thế còn từ “dân số”? Từ này có khiến bạn nghĩ đến những đứa trẻ mới sinh, những nơi người tụ tập đông đúc và những người đến từ các nước khác nhau không? Khi dùng Kỹ Thuật Gợi Nhớ, bạn nên sử dụng hình ảnh mà bạn nghĩ đến đầu tiên. ÁP DỤNG HỆ THỐNG LIÊN KẾT Bây giờ, chúng ta hãy cùng thảo luận một số ví dụ áp dụng Hệ Thống Liên Kết để ghi nhớ các dữ kiện dưới đây. CHỦ ĐỀ 1: VẬT LÝ SƠ CẤP Trong ví dụ đầu tiên, chúng ta hãy cùng thảo luận một thứ thật đơn giản. Giả sử bạn muốn ghi nhớ những đặc tính cần có của một đồ đo nhiệt độ hiệu quả. Một đồ đo nhiệt độ hiệu quả cần có các đặc tính sau: dễ đọc nhiệt độ sử dụng an toàn không đắt nhạy với sự thay đổi nhiệt độ có phạm vi đo nhiệt độ lớn 1. XÁC ĐỊNH TỪ KHÓA Điều đầu tiên chúng ta cần làm là xác định từ khóa trong mỗi đặc tính liệt kê phía trên. Xin nhớ rằng, không phải tất cả các từ đều quan trọng như nhau. Do đó, chúng ta chỉ cần ghi nhớ một hay hai từ khóa có tác dụng giúp chúng ta nhớ lại toàn bộ ý nghĩa của từng đặc tính. Những từ khóa được gạch dưới bên trên. 2. HÌNH DUNG Bước tiếp theo là tạo một hình ảnh cho đồ đo nhiệt độ, và từng hình ảnh cho mỗi đặc tính kể trên. Xin nhớ rằng nếu đặc tính đó có nghĩa trừu tượng, chúng ta phải dùng Kỹ Thuật Âm Thanh Tương Tự hoặc Kỹ Thuật Gợi Nhớ để tạo hình ảnh tương ứng. Việc đầu tiên là chúng ta cần hình dung chủ đề chính, đồ đo nhiệt độ. Hãy tưởng tượng trong tâm trí bạn hình ảnh một đồ đo nhiệt độ khổng lồ bằng thủy tinh với một bóng đèn thủy ngân ở đầu và các gạch đo nhiệt độ màu đen dọc theo thân. Bây giờ, chúng ta hãy tạo ra các hình ảnh cho tất cả năm đặc tính. Đặc tính đầu tiên là “dễ đọc”. Vậy thì bạn có thể hình dung một người đang đọc một quyển sách màu xanh dày rất nhanh, lật tới lật lui các trang sách.
Từ khóa tiếp theo là từ “an toàn”. Vì bạn không thể hình dung được từ “an toàn”, chúng ta sẽ dùng Kỹ Thuật Âm Thanh Tương Tự. Để hình dung từ “an toàn”, bạn có thể nghĩ đến hình ảnh một cái tủ an toàn lớn, màu đen, bằng kim loại với một ổ khóa to tướng.
Với từ khóa “không đắt” tiếp theo, chúng ta sử dụng Kỹ Thuật Gợi Nhớ (tự hỏi mình xem bạn nghĩ đến gì đầu tiên) để tạo hình ảnh đại diện cho từ khóa này. Trong trường hợp này, bạn có thể tưởng tượng đến một túi đựng toàn tiền xu loại “500 đồng” để đại diện cho từ “không đắt”.
Từ khóa kế tiếp là từ “nhạy”. Một lần nữa, sử dụng Kỹ Thuật Gợi Nhớ, chúng ta có thể hình dung cảnh một cô gái đang khóc vì cô ấy cực kỳ nhạy cảm. Về từ khóa cuối cùng “phạm vi lớn”, chúng ta có thể sử dụng Kỹ Thuật Gợi Nhớ để hình dung một phạm vi bắn súng cực lớn. 3. LIÊN TƯỞNG Sau khi tạo ra các hình ảnh cho từng ý, chúng ta có thể liên kết chúng lại với nhau để tạo thành một câu chuyện nghịch lý với nhiều chuyển động, hài hước, nhiều màu sắc để tận dụng các nguyên tắc khác của Trí Nhớ Siêu Đẳng. Ví dụ: Bạn hình dung một đồ đo nhiệt độ khổng lồ bằng thủy tinh có bóng đèn thủy ngân ở đầu và các gạch đen trên thân đo. Lạ lùng thay, nó có thể hoạt động như một con người. Đồ đo nhiệt độ này đang đọc một quyển sách dày màu xanh, lật qua lật lại các trang sách rất nhanh (nhắc bạn nhớ tới đặc tính “dễ đọc”). Bất ngờ, nó tìm thấy giữa các trang sách một tủ sắt an toàn màu đen bằng kim loại với một ổ khóa to tướng (nhắc bạn nhớ tới đặc tính “an toàn”). Nó hào hứng mở tủ sắt đó ra nhưng lại chỉ thấy một túi nhỏ đựng toàn tiền xu loại “500 đồng” (nhớ từ “không đắt”). Thất vọng, đồ đo nhiệt độ bắt đầu khóc (nhớ đến “nhạy”). Những giọt nước mắt của nó rơi vào phạm vi tập bắn lớn của một siêu xạ thủ và bị bắn vỡ tung tóe (nhớ đến “phạm vi lớn”). KIỂM TRA TRÍ NHỚ Hãy hình dung câu chuyện này trong tâm trí và thử kiểm tra trí nhớ của bạn. Từ câu chuyện này, bạn có thể nhớ lại năm đặc tính của đồ đo nhiệt độ không? CHỦ ĐỀ 2: LỊCH SỬ SINGAPORE Giả sử bạn phải ghi nhớ bảy ảnh hưởng từ sự chiếm đóng của Nhật lên Singapore như trình bày dưới đây. Những ảnh hưởng từ sự chiếm đóng của Nhật Không có luật pháp và trật tự Xảy ra xung đột dân tộc và bạo động Đảng Mã Lai ra đời Rối loạn xã hội và công cộng Nhiều vấn đề kinh tế Nhu cầu về cao su Mã Lai giảm Uy tín của lực lượng Anh Quốc giảm * Các từ khóa được gạch dưới nhằm giúp bạn nhớ được các ý. Nguyên tắc vẫn như cũ: xác định từ khóa trong mỗi ý chính, tạo hình ảnh tượng trưng và liên tưởng các hình ảnh đó trong một câu chuyện nổi bật. 1. XÁC ĐỊNH TỪ KHÓA VÀ HÌNH DUNG Xin nhớ rằng bạn chỉ cần chọn một hay hai từ khóa để nhớ lại từng ý. Những từ khóa bạn cần hình dung được gạch dưới bên trên. 2. LIÊN TƯỞNG
Bây giờ, chúng ta sẽ kết hợp tất cả những hình ảnh lại để tạo thành một câu chuyện nghịch lý, hài hước. Ví dụ, bạn có thể hình dung một ông người Nhật mập đang đi kiếm việc (nhớ tới “ảnh hưởng từ sự chiếm đóng của Nhật”). Cuối cùng, ông ta tìm được việc làm luật sư vì xã hội đang hỗn loạn (nhớ tới “luật pháp”). Là luật sư, ông ta phải bào chữa cho một chú ngựa phạm tội phân biệt chủng tộc (nhớ tới “xung đột dân tộc”). Chủ của chú ngựa này là một thành viên trong Đảng Mã Lai (nhớ tới “Đảng Mã Lai”). Bất thình lình, chú ngựa đánh rắm hôi thối đến mức khiến cho mọi người trở nên hỗn loạn (nhớ tới “rối loạn xã hội”) và làm sập các tòa nhà văn phòng lớn (“vấn đề kinh tế”). Hàng ngàn quả bóng cao su từ trên tòa nhà rớt xuống (“nhu cầu cao su giảm”) và trúng vào một người Anh làm ông ta bị té (“uy tín Anh Quốc giảm”). KIỂM TRA TRÍ NHỚ Bây giờ, sau khi hoàn tất bài thực hành bằng việc áp dụng Hệ Thống Liên Kết, bạn hãy viết ra bảy tác động của ảnh hưởng từ sự chiếm đóng của Nhật. CHỦ ĐỀ 3: KINH TẾ HỌC CƠ BẢN Đây là một môn học phổ biến khi vào đại học. Chúng ta hãy cùng dành chút thời gian trong phần này. Giả sử bạn phải ghi nhớ tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu về số lượng của một mặt hàng. Các yếu tố này là: Giá cả của mặt hàng đó Giá cả của những mặt hàng liên quan khác Thị hiếu Phân bố thu nhập Dân số Để nhớ được các yếu tố này, hãy tưởng tượng “nhu cầu về số lượng” như một đứa trẻ đang khóc vòi mẹ để ăn bánh ngọt. Chìu con, người mẹ đi đến một tiệm tạp hóa nhưng thấy rằng giá bánh quá đắt ( “giá cả”). Cho nên, bà ta mua kẹo sôcôla với giá rẻ hơn (“giá cả mặt hàng liên quan”). Đứa trẻ ăn kẹo và cảm thấy thích hơn cả bánh ngọt (“thị hiếu”). Đứa trẻ hào hứng đến mức nó vô tình làm đổ bình mực lên thảm. Vết dơ phân bố toàn bộ thảm (“phân bố thu nhập”). Mực tràn ra thảm thành từng vết ố (âm thanh làm nhớ đến từ “dân số”). Hãy tưởng tượng hình ảnh trong tâm trí và kiểm tra trí nhớ của bạn sau đó.
CHỦ ĐỀ 4: ĐỊA LÝ SƠ CẤP Có sáu cách bảo tồn đất trồng:Giả sử bạn đang học môn địa lý và phải nhớ các thông tin về bảo tồn đất trồng như sau. Cày ruộng bậc thang Đắp đồi cao Đắp bờ Luân canh Gặt tướt Bồi bổ đất trồng bằng phân bón
Một lần nữa, làm theo các bước xác định từ khóa (gạch dưới) nhằm giúp bạn nhớ lại các ý, tạo hình ảnh tượng trưng và kết hợp chúng thành câu chuyện. Đây là một trong các cách giúp bạn có thể nhớ sáu phương pháp bảo tồn đất trồng dễ dàng. Hãy tưởng tượng các mẩu đất trồng đang truyền tai nhau về việc bảo tồn thiên nhiên (nhắc bạn về việc “bảo tồn đất trồng”). Sau khi nghe về cảnh đẹp bên ngoài, chúng quyết định đi lang thang ngắm cảnh (nhớ đến từ “bậc thang”). Chúng đến thăm những ngọn đồi xanh rì (nhớ đến từ “đắp đồi”) và đi dạo dọc bờ biển (nhớ đến từ “đắp bờ”). Vào ban đêm, chúng thay phiên canh cho nhau ngủ (nhớ đến từ “luân canh”). Một đêm nọ, một ngọn gió lớn ác độc tướt mất quần áo của chúng (nhớ đến từ “gặt tướt”). Quá xấu hổ, chúng lấy cây trồng làm quần áo nhưng lại bị phân làm vấy bẩn (nhắc đến từ “phân bón”).
NĂM BƯỚC ĐỂ GHI NHỚ Bạn đã thấy việc ghi nhớ một danh sách các ý chính rất dễ dàng. Nói một cách ngắn gọn, bạn nên tuân thủ năm bước cơ bản dưới đây để đạt kết quả tốt nhất. Xác định từ khóa nhằm giúp bạn nhớ từng ý chính, thậm chí nhớ cả chủ đề. Chuyển từng từ khóa thành hình ảnh tượng trưng. Kết hợp tất cả các hình ảnh thành một câu chuyện hết sức nghịch lý và hài hước. Vẽ lại diễn biến của câu chuyện ra giấy. Ôn lại các hình ảnh của câu chuyện ít nhất ba lần. Khi thực hành nhiều, bạn sẽ khám phá ra Hệ Thống Liên Kết là một công cụ hữu hiệu trong học tập. Nó giúp “ghi khắc” các sự việc vào não bộ chúng ta và nhờ vậy bạn lưu trữ thông tin nhanh hơn và lâu hơn, thay vì bạn phải “nhai đi nhai lại” những kiến thức khô khan nhiều lần. Hệ thống này cũng giúp việc học trở nên thú vị hơn.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]