Chương trước
Chương sau
*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Kỷ Thận Ngữ một đêm ngủ không ngon, nằm nghiêng, hai má cọ tới cọ lui trên gối, liên tục mở mắt, lại được bóng đêm đen đặc ngoài cửa sổ làm cho khép lại. Từ từ ngủ, được một lúc tới hừng đông cậu lập tức tỉnh lại, dứt khoát ngồi dậy đọc sách.

Cậu ngồi ở dưới hiên hít thở luồng không khí mới mẻ sáng sớm, nâng một quyển sách ngữ văn thấp giọng đọc, đọc xong một bài, trên cành cây hỉ thước cao giọng hót, giống như đang phụ họa cho cậu. Cậu đọc đến vui vẻ, cũng cao giọng lớn tiếng đọc diễn cảm bài thơ, hết đoạn này đến đoạn khác.

Lật sang một trang, phía sau truyền đến tiếng kinh thiên động.

Cửa phòng ngủ bị đá văng ra, Đinh Hán Bạch mặt như Tu La đứng giữa cửa, khí thế hung ác vờn quanh, nếu như cầm kiếm tuyệt đối sẽ chém người. Anh nhịn cơn ngáp đi đến, mắng Kỷ Thận Ngữ: “Đọc tiếp đi, để tôi xem cậu đọc ra cây ra hoa gì, mới sáng sớm đã quấy nhiễu mộng đẹp của người ta!”

Kỷ Thận Ngữ sợ lại gặp xui xẻo, bỏ lại câu “Xin lỗi” liền trốn đến tiền viện.

Ban ngày lên lớp cậu bị báo ứng ngay, cậu quấy rối giấc ngủ của Đinh Hán Bạch, bây giờ đến phiên cậu không mở mắt nổi, bút tích lưu lại trên trang sách đều xiêu xiêu vẹo vẹo. Mơ mơ màng màng qua hết một ngày, sau khi tan học cậu chạy như bay đến hẻm Miểu An.

Kỷ Thận Ngữ là tới nói cho Lương Hạc Thừa biết tình hình của lò gốm, cậu sợ về nhà quá muộn, bởi vậy dự định gặp mặt nói cho xong, nhưng khi nhìn thấy Lương Hạc Thừa cậu lại nói không nổi.

Lương Hạc Thừa dựa vào đầu giường, cười: “Dáng vẻ ấy là sao? Ở trường có bạn học bắt nạt con à?”

Kỷ Thận Ngữ không trả lời, cậu nghĩ, Lương Hạc Thừa sinh bệnh sa sút một thời gian dài, khó khăn lắm mới gặp được cậu, lấy hết tinh thần còn sót lại để truyền tay nghề cho cậu, nếu như biết được lò gốm đã bị phá bỏ, bạn cũ cũng biến mất không tăm hơi, có phải sẽ chịu đả kích khủng khiếp không?

Nhưng cậu quả thật không am hiểu vòng vo, khóe mắt đều lộ hết tâm sự, Lương Hạc Thừa vẫn cười: “Đi thôn Đồng chưa, tìm đến nơi chưa?”

Kỷ Thận Ngữ không dám nói dối: “Tìm được rồi.”

Lương Hạc Thừa gõ trán cậu: “Tự con nói đi, đừng bắt ta hỏi nữa.”

Kỷ Thận Ngữ nói: “Sư phụ, cái lò gốm kia đã bị bỏ hoang rồi… Nghe người trong thôn nói đã hơn một năm, con cũng không gặp được bạn của người, Đông Phái Phàm.”

Lương Hạc Thừa sững sờ chốc lát, nụ cười cứng ngắc liền khôi phục. Ông nghỉ ngơi một thời gian dài, dường như không liên hệ với người ngoài giới, không ngờ chuyện này đã xảy ra rồi. Trong lòng không hề có một chút cảm khái, ông vừa nhấc mắt thấy Kỷ Thận Ngữ cúi đầu, còn buồn bã hơn cả ông.

Trong phòng lặng lẽ, chất bán dẫn cũ nát lâu lâu phát ra một chút tạp âm, một già một trẻ đều im lặng, thảm hết biết. Tiết trời dần chuyển thành màu đen, Lương Hạc Thừa rốt cuộc cũng lên tiếng: “Đừng ngơ ra đó nữa, ta thấy sắp mưa rồi, con mau về nhà đi.”

Kỷ Thận Ngữ hỏi: “Sư phụ, vậy chúng ta…”

Lương Hạc Thừa an ủi: “Suy nghĩ cách khác, không nghiêm trọng như vậy đâu.”

Không lâu sau quả nhiên mưa xuống, Kỷ Thận Ngữ sau khi xuống xe bước chân lao nhanh, nhưng một đoạn phố Sát Nhi cũng đủ xối ướt cậu rồi. Cậu chạy lên bậc tam cấp, đứng ở dưới mái hiên, xa xa nhìn thấy một người từ ngã tư đạp tới.

Trận mưa rất to, người đi đường đều tìm chỗ trú, vậy mà người kia vẫn chậm rãi đạp xe, một tay nắm tay lái, một tay bung dù, từ ngực lên trên không hề bị ướt.

Đối phương tiến gần, cây dù nhấc lên, chính là Đinh Hán Bạch.

Đinh Hán Bạch xuống xe ném dù cho Kỷ Thận Ngữ, một tay cầm xà ngang xách xe vào cửa. Từ cửa lớn đến tiền viện, anh liền đoạt lấy dù che cho hai người, nước chảy chèm nhẹp tiến vào phòng khách.

Kỷ Thận Ngữ tạm quên phiền não, buồn cười hỏi: “Sư ca, mưa lớn như vậy, sao anh đắc ý thế?”

Đinh Hán Bạch nói: “Phương bắc mùa thu ít khi có mưa, mùa đông càng khô, cho nên gặp phải ngày mưa thì biết hưởng thụ.” Anh không nói thật, sở dĩ dầm mưa, là bởi vì gần đây nóng trong người.

Còn tại sao nóng, có vẻ như là bởi vì nhai sâm Hoa Kỳ hơi nhiều.

Trận mưa rơi một lần tận ba ngày, lâu lâu đứt quãng, xối ướt cả thành phố. Tiếng mưa rơi phiền lòng, mà Kỷ Thận Ngữ lại suy nghĩ rất nhiều, suy nghĩ liên quan đến chuyện lò gốm bị bỏ, cậu và Lương Hạc Thừa nên làm sao đây.

Sáng sớm trời lạnh, vô cùng âm u, hoa hồng ở tiểu viện nát bươm, gió lạnh thổi vù vù.

Nhưng khu nam khá náo nhiệt, năm sư huynh đệ tụ họp đầy đủ, còn có sư phụ Đinh Duyên Thọ. Bảy, tám hộp giấy bày chỉnh tề, bên trong đều là đá quý mang về từ Tây An, lúc trước đặt ở Ngọc Tiêu Ký, sau khi sàng lọc mới chuyển về nhà.

Đinh Duyên Thọ ngồi xuống: “Mỗi người chọn một khối, đầu tháng sau nộp bài.”

Mở hộp ra, có loại phổ thông có loại giá trị cao, vừa ngọc vừa đá, tất cả đều nằm trong đó. Anh hai đến anh ba đều án binh bất động, phải đợi Đinh Hán Bạch chọn trước, cũng không phải trật tự trên dưới, chủ yếu là để ước lượng độ khó.

Đinh Hán Bạch nếu như chọn loại lớn, bọn họ không thể lấy cái quá nhỏ.

Đinh Hán Bạch nếu như chọn loại phổ thông, bọn họ sẽ không chọn cái giá trị cao.

Nhưng Đinh Hán Bạch trước giờ đều không chọn loại phổ thông, thậm chí còn không thèm nhìn, trực tiếp đi đến trước khối bạch ngọc, cúi người nhìn ngắm rồi hỏi: “Ba, đơn hàng sắp tới ở tiệm là gì?”

Đinh Duyên Thọ nói: “Đế cắm hoa bằng ngọc, một cái kiểu nhà Minh, một cái kiểu nhà Thanh.”

Đinh Hán Bạch giơ tay chỉ chỉ một khối bạch ngọc dài bằng cánh tay: “Cái này đi, đơn hàng kia con nhận.” Anh chọn xong liền đi, người khác chọn gì không quan tâm, cười hề hề, chuẩn bị trở về phòng chợp mắt một giấc.

Đinh Nhĩ Hòa chọn một cái, Đinh Khả Dũ và Khương Đình Ân cũng lục tục chọn xong, cuối cùng đến phiên Kỷ Thận Ngữ. Kỷ Thận Ngữ rất ít dài dòng, dường như đã nghĩ kỹ, nói: “Sư phụ, con chọn khối thanh ngọc này.”

Ba người kia liếc mắt nhìn sang, đủ loại suy nghĩ.

Trong những loại này, cái cao quý nhất chính là hai khối thanh ngọc, Đinh Hán Bạch không chọn, là bởi vì khách hàng yêu cầu dùng bạch ngọc. Đến Đinh Hán Bạch cũng không chọn, cho nên ai mà ngờ Kỷ Thận Ngữ lại dám chọn.

Chọn xong rời đi, Khương Đình Ân kéo Kỷ Thận Ngữ lại, hỏi: “Cậu dự định khắc cái gì?”

Kỷ Thận Ngữ thành thật nói: “Vẫn chưa quyết định.”

Khương Đình Ân sốt ruột thay: “Vậy mà cậu quyết chọn thanh ngọc sao? Anh đại còn không chọn đó!”

Kỷ Thận Ngữ hỏi ngược lại: “Sư ca không chọn thì em không được chọn sao? Chẳng lẽ không phải cái anh ấy không chọn thì em mới được chọn ư? Yên tâm đi, em sẽ dốc hết tâm lực để hoàn thành, tuyệt đối không phụ lòng vật liệu đó đâu.”

Cùng ngày đó, cậu cắt ra một phần ba, bao khối nhỏ lại nhét vào ba lô, lần thứ hai chạy tới hẻm Miểu An.

Hai thầy trò lại gặp mặt, mấy ngày nay hai người đều đang suy nghĩ, vào giờ phút này gặp lại có chút vui mừng. Lương Hạc Thừa bắt chuyện, bảo đồ đệ ngồi xuống, không hề vòng vo, đi thẳng vào vấn đề: “Thận Ngữ, con có nhớ lúc ta biết sư phụ con là ông chủ Đinh ta đã nói gì không?”

Kỷ Thận Ngữ đương nhiên là nhớ, đối phương vừa mừng vừa sợ, còn nói sở dĩ cả nhà đều không có đồ vật bằng ngọc, là bởi vì không thể múa rìu qua mắt thợ, dù có thể khắc thì cũng chạy không thoát pháp nhãn của Đinh Duyên Thọ.

Lương Hạc Thừa nói: “Con là đồ đệ của ông chủ Đinh, am hiểu nhất chính là điêu khắc, lại gặp được ta, đây không phải là trời đã định muốn chúng ta hợp lực sao?” Ông đăm chiêu nhiều ngày, rốt cuộc tự nhiên hiểu ra, hóa ra từ một nơi sâu thẳm duyên phận không chỉ bảo ông dạy cho Kỷ Thận Ngữ, cũng bảo Kỷ Thận Ngữ bù đắp chỗ hổng mà ông không đặt chân tới được.

Nếu như là ngụy tạo đồ ngọc, vậy không có lò gốm cũng không sao.

Bây giờ đến phiên Kỷ Thận Ngữ sững sờ, mở cặp sách, lột ra lớp giấy gói khối thanh ngọc. Cậu giật mình cười rộ lên, càng cười càng sâu: “Sư phụ, con và thầy có suy nghĩ giống nhau đấy.”

Lương Hạc Thừa khoái ý vỗ bàn: “Nếu con mang thanh ngọc tới, có phải là đã nghĩ kỹ sẽ làm cái gì rồi đúng không?”

Kỷ Thận Ngữ trả lời: “Ngọc đồng tử thời Tống, nắm sen cưỡi hươu víu cành hoa nhỏ.”

Thầy trò hai người vào căn phòng nhỏ, cái bàn vuông kia chính là bàn làm việc. Kỷ Thận Ngữ mài mực, cậu còn chưa từng thấy Lương Hạc Thừa vẽ tranh, trong mong đợi lẫn một chút không phục, dù sao có đồ đệ nào mà chưa từng ước “trò giỏi hơn thầy”.

Giấy không lớn, ngón tay thứ sáu của Lương Hạc Thừa hơi nâng lên, không tốn quá nhiều thời gian liền vẽ được đồng tử nắm lá sen, chỉ dạy: “Đồng tử bằng ngọc ở mỗi triều đại đều không giống nhau, nếu con muốn làm thời Tống, tư thái nắm sen cưỡi hươu hành tẩu víu cành hoa, kiểu tóc phải ngắn, xiêm y phải nghiêng hoặc là hoa văn chữ “thủy”, biểu cảm khuôn mặt phải tỉ mỉ đến cả lông mày và hình dáng tai cũng phải chú trọng.”

Đây không phải là điêu khắc tùy tâm, mỗi một đường nét nhất định phải chặt chẽ có tổ chức, chỉ một chút sai lầm cũng sẽ bị nhìn ra thật giả.

Khối thanh ngọc nhỏ này đủ làm một miếng đồng tử, Kỷ Thận Ngữ quyết định vẽ tư thế nắm sen hành tẩu. Lương Hạc Thừa theo dõi cậu vẽ, vừa chi tiết vừa tinh tế. “Sư phụ.” Cậu không nhịn được hỏi, “Trong đầu người rốt cuộc cất giấu bao nhiêu thứ vậy?”

Lương Hạc Thừa nói: “Chỉ đủ dọa con mà thôi.”

Kỷ Thận Ngữ trong lòng tự có tính toán, hàng nhái ở chợ đồ cổ tới chín phần mười, bao nhiêu nhân tài cao siêu ẩn nấp trong đó lặng lẽ phát tài, nhưng tài nghệ cao phần lớn là am hiểu theo ngành, ví dụ như đồ sứ, tranh chữ, trong đồ sứ phân ra rất nhiều loại, trong tranh chữ cũng phân ra nhiều loại, nhưng Lương Hạc Thừa thì khác, dường như cái gì cũng biết.

Cậu bỗng nhiên nhớ tới Trương mù, hỏi: “Sư phụ, người lợi hại như vậy, vậy mà Trương mù kia còn có thể nhìn ra à?”

Lương Hạc Thừa nói: “Ông ta từ nhỏ lớn lên trong đống bảo vật, hơn nữa còn có thiên phú, dăm ba câu không nói được.” Chỉ đụng tới một cái tên lại bát quái thành một câu, “Vào thời kỳ nào đó nhà ông ta bị chỉnh đốn thê thảm, đôi mắt cũng mù từ khi đó, phỏng chừng thông suốt rất nhiều, nhưng cũng bị hành hạ đến không còn lòng háo thắng nữa rồi.”

Kỷ Thận Ngữ nghĩ, cái cặp oan gia này, một người mù một người bệnh nan y, cần phải thành tri kỷ á nha.

Cậu thật sự là suy nghĩ nhiều quá rồi, không chỉ có suy nghĩ nhiều, mà còn nghĩ ngược rồi.

Một trận mưa thu một trận lạnh, kéo tận hai ngày, Đinh Hán Bạch lấy lí do trời lạnh nên xin nghỉ ở nhà… Anh luôn là như vậy, thay đổi biện pháp khiêu chiến giới hạn của Trương Dần, đối phương cũng vui vẻ nhẫn nhịn, chờ tích góp đủ danh tiếng sẽ trở thành người giữ bát cơm của anh.

Phòng cơ khí lạnh quá, anh ôm khối bạch ngọc đến phòng sách, rửa tay tĩnh tâm, định bắt tay vào khắc đế cắm hoa hình hoa ngọc lan (*). Trước tiên phủ một tấm vải dày, đặt khối bạch ngọc nhẹ nhàng lên đó, đắn đo một hồi là có thể vẽ.

(*) đế cắm hoa ngọc lan:



Đinh Hán Bạch tai thính mắt tinh, phết hai lần mực liền chú ý tới tiếng bước chân bên ngoài, nhẹ nhàng, không biết là tên trộm nhà ai.

Cửa mở ra một khe hở, nhưng đôi mắt màu hổ phách quá dễ nhận biết, tên trộm kia cứ tưởng mình an toàn, lùi về sau định rời khỏi. Đinh Hán Bạch cúi đầu nhìn ngọc, giọng lại cất cao: “Đến cũng đã đến rồi, còn đi đâu hả.”

Bước chân Kỷ Thận Ngữ dừng lại, đành phải kiên trì đi vào.

Cậu sở dĩ không muốn ở chung một phòng với người khác, chủ yếu là sợ bại lộ chuyện mình đang làm. Làm cái gì? Cậu cầm mấy hộp thuốc màu, muốn tìm tờ giấy để pha màu, ngọc để lâu sẽ bị ố vàng, hoặc lên màu nâu xám, cậu pha màu để làm cũ miếng ngọc đồng tử.

Đi tới bên cạnh bàn, cậu lúng ta lúng túng mở miệng: “Sư ca, phác họa à.”

Đinh Hán Bạch không giương mắt, ngửi thấy mùi thuốc màu: “Vẽ à?”

Kỷ Thận Ngữ “Dạ” một tiếng, động tĩnh và bước chân đều khẽ như nhau. Vòng tới sau bàn, chuyển ghế sang ngồi ở bên cạnh anh, bày giấy ra, phết một nét vàng, lại phết một lớp nâu, đong đếm tỉ lệ.

Hình dáng đã phác họa xong, Đinh Hán Bạch hỏi: “Nghe nói cậu chọn thanh ngọc, định khắc cái gì?”

Kỷ Thận Ngữ trả lời: “Lò hương bằng ngọc, ba chân, tai bướm cầm vòng.” (*)

(*) lò hương: giống như lư hương nhưng nó không dùng cho việc cúng bái mà để xông hương như cái máy phun sương thời hiện đại, “tai bướm có vòng” là kiểu kiểu như cái hình ở dưới í



Đinh Hán Bạch rốt cuộc giương mắt nhìn cậu: “Độ khó cũng không nhỏ.”

Kỷ Thận Ngữ gật gật đầu, cậu đương nhiên biết, trước chọn khối thanh ngọc quý giá này không nói, cậu cắt đi một khối nhỏ để làm ngọc đồng tử, tương đương cắt giảm giá trị. Cho nên cậu nhất định phải điêu khắc một món có độ khó cao, sau này giá bán cao có thể bù đắp lại.

Cậu nghiên cứu nửa ngày cũng không ra được màu sắc mong muốn, đặt bút xuống thưởng thức của người khác. Khối bạch ngọc cũng bị cắt thành hai nửa, cậu nhớ một cái làm kiểu Minh, một cái kiểu Thanh, lĩnh giáo hỏi: “Sư ca, đế cắm hoa đời Minh khác đời Thanh chỗ nào ạ?”

Đinh Hán Bạch rất ít nói: “Chế thời nhà Minh.”

Chỉ bốn chữ, mà Kỷ Thận Ngữ lập tức đã hiểu. Chế thời nhà Minh, lúc đầu sẽ ngắn gọn thô kệch, sau khi trải qua một thời đại phát triển sẽ trở nên phức tạp đa dạng hơn, mà từ Minh đến Thanh cũng không tính là quá xa vời, bởi vậy về hình dáng sẽ không thay đổi quá nhiều.

Cậu thưởng thức xong rồi, tiếp tục pha màu.

Lúc này đến phiên Đinh Hán Bạch liếc mắt, nhìn một tờ toàn vệt vàng sẫm muốn mắc ói: “Cậu làm cái thứ nhảm nhí gì đấy?”

Kỷ Thận Ngữ chột dạ nói: “Em pha màu… vẽ cây tỳ bà.”

Đinh Hán Bạch thở dài, hận sắt không thành thép, đoạt lấy bút rửa sạch sẽ, ngòi bút chọc vào hộp thuốc màu, ba vàng một nâu, sau khi phết đều đặn hiện ra màu sắc quả tỳ bà chín mọng. “Vẽ đi.” Anh nói, “Dù sao tôi cũng chưa từng thấy cậu vẽ vời đơn thuần.”

Kỷ Thận Ngữ phóng lao phải theo lao, đành phải nghiêm túc vẽ.

Cậu xoay mặt nhìn cửa sổ rộng mở, vườn cây trong viện hiện ra, linh cảm cũng hiện ra, tùy ý phác họa đường nét. Không ngừng được, một nét lại một nét, cây xanh biếc, cành lá um tùm, quả vàng, nhuộm đẫm một mảng trời hiu quạnh, cậu nằm ra bàn, dần dần hoàn thành một bức tranh cây tỳ bà sắc thái rõ ràng.

Đinh Hán Bạch ngừng dao chú ý, nhìn tranh, nhìn Kỷ Thận Ngữ mím chặt môi, nhìn hàng chữ cong cong cậu viết xuống:

Đồ mi đưa hương

Tỳ bà ánh vàng

Ao vườn lén đổi cảnh xuân

Gáy đậu cành dâu

Oanh hót gần cửa

Người đi đường xa tha hương

Ôm nỗi ly biệt đoạn trường (*)

(*) đồ mi: hoa đồ mi (trà mi),gáy: chim gáy, oanh: chim oanh, đoạn trường: đứt ruột dứt gan. Trích từ bài thơ “Đồ mi đưa hương” của Hàn Dịch

Tiểu viện, ao cạn, chim hót, từ Dương Châu đi tới nơi này là đường xa tha hương, tất cả đều phù hợp, nhưng Đinh Hán Bạch không vui, cái gì gọi là ôm nỗi ly biệt đoạn trường? Trước giờ anh không vui là muốn gây chuyện, muốn giáo huấn, hỏi: “Ăn ngon uống mát, còn có tôi thương cậu, cái ruột nào của cậu đứt hả?”

Kỷ Thận Ngữ không có ý gì khác, chỉ lí nhí: “Anh thương em lúc nào chứ.”

Đinh Hán Bạch nhịn, mời ăn mì tương đen, dẫn đi dạo phố, bị thương còn được bế tới bế lui… Anh lười liệt kê, lạnh lùng bỏ lại câu khó nghe: “Đồ nhẫn tâm, hôm nay tôi phải cho cậu biết thế nào là bà ngoại không thương, cô cậu không yêu (*).”

(*) bà ngoại không thương, cô cậu không yêu (gốc là mỗ mỗ không thương, cữu cữu không yêu) mình sửa “cữu cữu” thành “cô cậu”: chỉ những đứa trẻ có hoàn cảnh đáng thương, không nơi nương tựa, không ai yêu thương

Kỷ Thận Ngữ cười sáng rỡ: “Bà ngoại cô cậu mắc mớ gì đến anh, anh không phải anh đại của em sao?” Cậu giả ngu đúng chỗ, lúc gần chịu thua, giúp đối phương dọn dẹp đống vụn ngọc rơi vãi.

Đinh Hán Bạch lạnh lùng nhìn cậu, cậu lóng ngóng khen một câu, khối bạch ngọc này chưa qua điêu khắc đã cảm thấy đẹp rồi. Không biết khen ngọc hay là khen người, nhưng cậu biết đôi mắt lạnh băng của Đinh Hán Bạch đang nóng lên.

Bên ngoài thổi tới một trận gió thu, trên đường thậm chí có lá rụng, xung quanh viện bảo tàng thành phố luôn là một mảng xanh, cành lá vẫn vững chắc. Lương Hạc Thừa tới thăm quan, rất có tinh thần xếp hàng vào cửa, muốn nhìn thử những hiện vật mới.

Bước nhỏ đi loanh quanh, thấy một cái thủy vu sáu cạnh (*) mạ vàng, đồ vật này không mới lạ, nhưng ông cụ đeo kính râm đứng trước đó thì rất mới mẻ.

(*) thủy vu: một món đồ văn phòng phẩm thời xưa, dịch sát nghĩa thì nó là cái chậu đựng nước



Vì để bảo vệ hiện vật, ánh sáng viện bảo tàng không thể sáng quá, vậy mà còn đeo kính râm, khùng chưa kìa. Lương Hạc Thừa đi qua, lầm bầm lầu bầu: “Men màu xanh lá thông, màu sắc hơi tầm thường.”

Người kia đầu cũng không xoay lại, phán: “Vách trong màu đỏ phèn, vách ngoài màu hồng, đỏ phối với xanh khắm như rắm chó, thích hợp với ông lắm.”

Hai ông lão xoay mặt nhìn nhau, ngoài cười nhưng trong không cười, thấy ngứa mắt nhưng không tách ra, dán vào nhau tiếp tục đi dạo. Vừa đi vừa tranh cãi sôi nổi, đến cả nhân viên cũng nhìn bọn họ.

Khi vào một khu, Trương Tư Niên nói: “Nghe nói ông bị bệnh, làm không nổi rồi chứ gì?”

Lương Hạc Thừa đáp: “Làm không nổi, chứ không sao rảnh ra ngoài đi dạo thế này.”

Trương Tư Niên châm biếm: “Đã sớm nói nghề này của ông không có tiền đồ đâu, gặp tai ương bệnh tật cũng chỉ có thể dừng lại thôi. Không như tôi, dù chỉ còn một con mắt có thể nhìn thấy cũng không ngần ngại gì, nếu không ông bái tôi làm thầy, đổi nghề là được.”

Lương Hạc Thừa thấy cãi nhau chán òm, nhưng vẫn muốn tuyên chiến, nói: “Tôi nhận một đồ đệ.” Thấy đối phương kinh ngạc, bổ sung, “Tôi ngã xuống rồi, ông liền tự xưng lão đại hay sao? Đồ đệ kia của tôi thiên phú dị bẩm, thông minh phi thường, trọng điểm là nó mới mười bảy, luộc chết được ông.”

Trương Tư Niên vẫn cười: “Luộc chết tôi ư? Tôi luộc chết ông trước đã.” Sóng vai đi ra khỏi cổng viện bảo tàng, rộng rãi sáng sủa, “Một tên quái vật sáu ngón cũng có thể nhận đồ đệ, tôi không thể sao? Đồ đệ kia của tôi mới có tài năng phi phàm, đồ đệ của ông làm gì cũng đừng hòng tránh được pháp nhãn của nó.”

Lương Hạc Thừa cao giọng: “Tốt! Vậy thì thử xem!”

Hai tên khọm già đã hẹn ước thách đấu, bọn họ một mâu một thuẫn, không phân biệt được ai mạnh ai yếu, kiểu gì cũng sẽ già thôi, vậy hãy để cho đồ đệ lên thay. Nhìn tay nghề ông lợi hại, hay là mắt tôi tinh tường.

Đinh Hán Bạch và Kỷ Thận Ngữ hoàn toàn không biết, còn đang ngồi cùng nhau thưởng họa. Đinh Hán Bạch không biết xấu hổ, tranh của người ta, chữ của người ta, anh lại móc ra con dấu đóng lên, trêu đến nỗi Kỷ Thận Ngữ phải cãi lại, cãi xong không phản ứng nữa, tiếp tục pha màu vàng vàng nâu nâu.

“Này, người Dương Châu các cậu viết thơ nuốt câu thế à?”

Đinh Hán Bạch trước đó đã phát hiện, lúc này mới nhắc, chờ Kỷ Thận Ngữ nghiêng đầu nhìn, anh lấy bút viết thêm phía sau câu “Ao vườn trộm đổi cảnh xuân” —— “Nắm giữ ban ngày nhân gian”. (*)

Tầm mắt chạm vào nhau, hai gương mặt đều đỏ lên, cả hai người đều quên mất bây giờ đang là mùa thu.

(*) Cảnh xuân ngoài chỉ cảnh đẹp mùa xuân thì nó còn chỉ những thứ khác ví dụ như gương mặt của một người hoặc là tư tình nam nữ, hoặc thô tục hơn là chỉ những khung cảnh 16+

Ý nghĩa của cả bài thơ: bài thơ miêu tả cảnh đẹp cuối xuân đầu hạ, dễ dẫn đến nỗi buồn ly biệt. Trà mi và tỳ bà là những loại cây chỉ nở vào cuối mùa xuân. “Ao vườn trộm đổi cảnh xuân” hình dung mùa xuân bất tri bất giác từ từ đi xa.  “Nắm giữ ban ngày nhân gian” chỉ khoảng thời gian cuối xuân đầu hạ, cảnh xuân vô hạn kéo dài hết cả ban ngày.

Vừa được quay lại khoảng thời gian phân tích thơ năm cấp 3, lòng bồi hồi xao xuyến:((
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.