“Bọn mình nghe nhạc một lúc rồi ra ngoài ăn nhé?” Jonathan nói. “Do tòa soạn chi trả đấy. Tuần này mình đang viết về món thịt bỏ lò, cậu thấy được không?” “Được,” tôi nói. “Tuyệt vời.” Tôi đang đắm chìm trong âm nhạc. Dù đó có là món gì thì tôi cũng đồng ý hết. Chúng tôi quanh quẩn trong căn hộ cho đến khi cuốn băng chạy hết một mặt. Jonathan và Clare đang tỏ ra lịch sự - họ cũng thích nhạc của Van, nhưng lại coi nó như nhạc nền cho một cuộc trò chuyện. Clare hỏi những câu thăm hỏi xã giao về chuyến đi của tôi và về cuộc sống trước đây của tôi cùng Jonthan, tôi ngờ rằng có lẽ tôi đã trả lời nàng một cách nhát gừng với những nụ cười trừ và những giọt mồ hôi. Tôi không thể tập trung nghe nhạc trong căn phòng đó. Khi mặt một của cuốn băng đã chạy hết, chúng tôi ra ngoài. Clare khoác lên người cái áo khoác da cũ, với biểu tượng hòa bình màu trắng vẽ trên lưng. Không hiểu sao tôi lại thấy hiểu nàng, dù trông nàng có vẻ là người khó hiểu nhất mà tôi từng gặp. Nàng có một sự cởi mở phô trương – một tính cách ồn ào, có vẻ như không che giấu bất cứ điều gì. Nàng tạo cho bạn cảm giác hư bạn có thể cầm lấy tay nàng khi bạn đi trên phố. Chúng tôi đến một nhà hàng trông không giống nhà hàng chút nào. Một người khách qua đường không mấy hiểu biết có thể nghĩ rằng nó là một đại lý bảo hiểm rẻ tiền, với những cánh cửa chớp lật và vài chiếc cúp của trò bowling bám đầy bụi được trưng bày trên các cửa sổ. Nhưng, ở bên trong, nó chật ních người. Giọng ca của Elvis Presley[45]len lỏi qua những tiếng cười và tiếng lách cách của đồ dao dĩa bằng bạc. Tại chiếc bàn gần cửa ra vào, một phụ nữ mặc váy lông thú đang nói gì đó về khỉ đột, theo ngữ điệu Anh. [45] Elvis Presley (1935-1977): ca sĩ, diễn viên người Mỹ, được mệnh danh là ông vua nhạc rock and roll. Tôi đang mặc quần jean Calvin Klein và một cái áo phông thể thao. Đó là bộ đồ ưa thích nhất của tôi. Chúng tôi ngồi ở một bàn phía trong góc, nó quà gần ba bàn khác đến nỗi chúng tôi phải lách người qua đó mới vào được ghế của mình. Các bức tường treo đầy những cái đĩa lưu niệm và những tấm ảnh cũ, cùng với những cái đầu hươu nhồi, đồng hồ treo tường và những đĩa hát đã bạc màu của Dusty Springfield[46] và the Kingston Trio[47]. Một tấm biển treo ngay gần đầu tôi có dòng chữ: “Đừng đếm xỉa gì đến tấm biển này.” [46] Dusty Springfield (1939-1999): nữ ca sĩ người Anh. [47] The Kingston Trio: ban nhạc dân gian và pop của Mỹ có công làm phục hồi thể loại nhạc dân gian vào cuối thập niên 50 đến cuối thập niên 60. “Nơi này được trang trí quá nhiều,” Clare nói với tôi. “Vâng.” “Trang trí nhiều hơn toàn bang Maine,” Jonathan thêm vào. “Mà Bobby này,” Clare nói, “Anh nghĩ anh muốn làm gì ở đây? Ở New York này.” “Tôi là một thợ làm bánh khá cừ,” tôi nói. “Tôi nghĩ có lẽ tôi sẽ làm công việc đó. Ý tôi là, đó là việc mà tôi biết làm.” “Mình nghĩ cậu đến đây để thoát khỏi việc làm bánh chứ,” Jonathan nói. “Mình nghĩ cậu đang chết chìm trong cái công việc ngớ ngẩn đó cơ mà.” “Mình cho là thế,” tôi nói. “Mình nghĩ là mình đã nói thế, đúng. Nhưng, ừm, mình thực sự không biết làm gì khác. Ý mình là, mình không thể bước vào bệnh viện và hỏi liệu họ có cần bác sĩ phẫu thuật nào không.” Tai tôi nóng bừng. Tôi cảm thấy như mình đang bị thử tài trên thứ nguyên liệu mà tôi chưa từng được học. “Có lẽ anh có đủ khả năng bằng một nửa số bác sĩ ở đó,” Clare nói. “Này, cưng ơi, hãy nghe lời bà dì này của anh. Một trong số những đặc điểm hay ho của New York là, anh có thể làm bất cứ điều gì ở đây. Đây là Miền đất Cơ hội, chữ M viết hoa, chữ C viết hoa. Ở đây anh có thể kiếm được tiền khi làm bất cứ điều gì mà anh có thể nghĩ ra.” Tôi gật đầu, nhận thấy rằng nàng đang dùng móng tay vẽ những hình số tám nho nhỏ trên mặt bàn formica đùng đục. Nàng có đôi mắt màu xanh lá cây tự tin, nàng sẽ không nhìn đi chỗ khác khi nói chuyện với bạn. Nàng đeo một chiếc khuyên tai màu bạc rối rắm, kêu leng keng, dài đến mười lăm phân. Nàng tác động đến tôi giống như âm nhạc vậy. Tôi thấy thật khó khăn khi phải trò chuyện mặt đối mặt với nàng. “Đúng thế, Bobby,” Jonathan nói. “Cậu không cần phải lao ra ngoài và nhận ngay công việc đầu tiên mà cậu có thể kiếm được. Cậu có những người bạn giàu có mà.” “Ừm, chị làm nghề gì?” Tôi hỏi Clare. “Cơ bản là tôi chỉ chơi thôi,” nàng nói. “Tôi chạy quanh thành phố tìm kiếm những thứ để làm ra đồ trang sức.” “Clare là một nhà thiết kế,” Jonathan nói. “Vớ vẩn. Tôi chỉ là một kẻ bán đồ linh tinh thôi. Nếu chị em phụ nữ thôi không còn muốn tỏ ra kì cục nữa, tôi sẽ thất nghiệp.” Tôi nhìn vào mái tóc quả quýt của nàng, và tự hỏi đối với nàng loại phụ nữ nào mới là kì cục. Tuy nhiên điều mà tôi nói lại là: “Nghe có vẻ, chị biết đấy, khá hay ho.” “Ồ, đúng vậy,” nàng nói. “Đó là một mánh lới lớn đấy. Và khi đứa bé ra đời, tôi có thể làm việc đó ở nhà.” “Chị đang có em bé à?” “Jonathan không kể cho anh à? Chúng tôi đang trông đợi nó.” Mặt Jonathan sa sầm lại. Elvis đang hát Jailhouse rock. “Có phải bọn mình đang trông đợi ngày ra đời của nó đâu cưng,” cậu nói. “Bọn mình mới chỉ nghĩ ra kế hoạch đó thôi mà.” “Chẳng mấy khác biệt.” Tôi nói: “Tôi không biết hai người là, ừm…” “Tình nhân chứ gì?” Jonathan nói. “Không phải đâu. Bọn mình chỉ mới đề cập đến việc trở thành những ông bố, bà mẹ thôi.” “Ồ.” “Hầu hết các ông bố bà mẹ đều không phải là tình nhân,” Clare nói. “Như bố mẹ tôi ấy. Họ chỉ lấy nhau và không quan tâm nhiều đến người kia. Ít nhất thì Jonathan và tôi cũng là những người bạn tốt.” “Đây là thời hiện đại,” Jonathan nói, phần nào rụt rè. Tôi gật đầu. Rồi nhân viên phục vụ đến, và chúng tôi phải quyết định xem mình nên ăn món gì. Jonathan nói cậu buộc phải gọi món thịt bỏ lò, nhưng Clare và tôi nên ăn những gì chúng tôi muốn. Tôi ăn gà rán với khoai tây nghiền, còn Clare ăn món ăn đặc biệt – cá ngừ hầm với những miếng khoai tây vụn rắc bên trên. Sau bữa tối, chúng tôi đi dạo. Chúng tôi đi bộ ra sông Hudson và đứng trên một cái cầu tàu, nhìn sang New Jersey qua làn nước tối thẫm đang khuấy động. Xa xa phía bên kia, một tách cà phê neon khổng lồ đang nhỏ ra một giọt cà phê màu đỏ, nuốt nó trở lại và rồi lại nhỏ ra. Clare và Jonathan đều là những người hay chuyện. Tôi đưa đẩy cuộc trò chuyện của họ như thể nó là một cái võng trải ra giữa họ. Cùng nhau, họ là những người trình diễn. Họ ăn ý đến mức thu hút được một khán giả - tôi không cần phải nói gì nhiều. Họ nói chuyện về những đứa bé, về việc chuyển về miền quê, và về việc làm cách nào để tồn tại được ở New York. Họ trao đổi những bí quyết để tìm kiếm được một căn hộ, và bảo nhau họ có thể kiếm được một món hời ở nơi nào. “Cưng à,” Clare nói với tôi, “Chủ nhật tôi sẽ đưa anh đến khu Lower East Side. Đó là nơi anh có thể mua được đồ rẻ nhất.” “Không đúng đâu,” Jonathan nói. “Clare có sự đam mê kì cục với phố Orchard đấy.” “Jonathan toàn mua đồ bán lẻ thôi,” nàng nói. Giọng nàng ám chỉ rằng đó là một thói quen lười biếng, có thể nguy hiểm. “Lower East Side,” Jonathan nói, “là một nơi thích hợp để mua sắm nếu cậu muốn trông mình như một ông vua nhạc disco, vào khoảng năm 1975.” “Trông tôi có giống một ông vua nhạc disco không?” Nàng hỏi. “Với phụ nữ thì khác. Thế giới này không âm mưu biến họ thành những kẻ trông có vẻ ngớ ngẩn theo cùng một cách như vậy.” “Kẻ nào chỉ dành năm phút trong một cửa hàng tạp hóa thì không bao giờ được phép nói như thế. Đừng nghe cậu ta, Bobby ạ.” Tôi cứ để mình đánh đu theo họ. Tôi âm thầm chơi một bản nhạc phim trong đầu. Chúng tôi uống cappuccino trong một nhà hàng có sân vườn, nơi những ngọn đèn Giáng sinh nhấp nha nhấp nháy trên những cái cây, và một cậu bé làm bằng cẩm thạch đang tè vào một cái vỏ trai cũng bằng cẩm thạch. Rồi chúng tôi về nhà. Clare hôn vào má tôi, nói: “Chào mừng đến với Kiếp Trầm Luân,” và biến mất vào phòng riêng. Jonathan và tôi trải cái túi ngủ màu xanh dày dặn của cậu lên sàn. Cậu đưa cho tôi một cái gối từ giường của cậu. Khi chúng tôi đều đã nằm yên, khi ánh đèn có chao bằng giấy màu trắng đã tắt, cậu nói: “Ngày mai mình sẽ đưa cậu đến công viên Trung tâm. Mình tính rằng nếu mỗi ngày bọn mình đến một khu khác nhau của thành phố, thì sang tuần sau cậu sẽ có một cái nhìn toàn diện hơn về nó.” “Cậu biết mình muốn đi đâu không?” Tôi nói. “Ừm, mình muốn đến Woodstock.” “Nó cách đây hơn một trăm dặm cơ.” “Mình biết. Mình biết thế.” “Hôm nào đó chúng ta có thể đến đấy,” cậu nói. “Mình chưa đến đó bao giờ. Mình chắc ở đó rất hay. Đầy rẫy những gã hippie lớn tuổi, mình đoán thế.” “Ừm. Này, cậu và Clare thực sự sắp có con à?” “Ôi, mình không biết. Bọn mình mới chỉ đề cập đến việc đó thôi.” “Mình thích Clare,” tôi nói. “Mình cũng thế.” Một khoảng lặng trôi qua trong cảnh tranh tối tranh sáng. Tiếng ồn ngoài phố lọt vào qua những tấm rèm. “Bobby này?” Cậu nói. “Ừm?” “Mình không biết nữa. Mình cảm thấy có những điều cần phải nói với cậu, nhưng mình thực sự không biết phải bắt đầu thế nào. Mình không chắc phải nói những gì.” “Ừm, những điều gì?” Tôi hỏi. Cậu nằm ngửa, gối đầu lên hai tay. Đôi khi cậu nằm như thế mà ngủ luôn, những ý nghĩ khi thức thay nhau đi vào trong những giấc mơ của cậu. Có thể cậu sẽ gặp rắc rối khi tách những ký ức thực với những ký ức trong mơ. Tôi biết cậu có thói quen như thế. “Cậu biết đấy,” cậu nói. “Những việc bọn mình từng làm cùng nhau ấy. Ừm, những việc liên quan đến sex ấy. Ý mình là, bọn mình chưa bao giờ nói chuyện về nó, và sau khi học xong trung học bọn mình đã ngừng việc đó lại. Mình cho là mình đang thắc mắc không hiểu cậu nghĩ gì về tất cả những chuyện đó.” Tôi có thể nghe thấy hơi thở của mình. Đây là một chủ đề khó. Hồi đó tôi đã nhận rất rằng tôi không cảm thấy thứ mà người ta gọi là “ham muốn”. Trong tôi còn thiếu một thứ gì đó. Tôi cảm nhận được tình yêu – sự căng thẳng và cuồng nhiệt của nó, sự dễ chịu của cơ thể hòa lẫn với nỗi sợ hãi lý trí. Tôi có cảm giác như thế đối với cả gia đình Glover, với Sammi ở tiệm bánh, với Dylan khi ông hát bài Baby blue. Nhưng chẳng có gì dựng lên trong háng tôi. Chẳng có gì dồn dập kích thích hay cố gắng thoát ra. Hồi đó tôi làm chuyện ấy với Jonathan chỉ vì cậu muốn thế, và vì tôi yêu quý cậu. Những cơn cực khoái trôi qua tôi như những cảm xúc dâng hiến cho cơ thể hơn là cho chính bản thân tôi. Những cảm xúc này dù dễ chịu khi chúng ập đến nhưng cũng thực sự biến mất khi chúng qua đi. Sau khi Jonathan rời khỏi thành phố, tôi chỉ còn lại một mình. Có lẽ chính sự thiếu vắng đó đã khiến tôi có thể sống cuộc đời làm bánh ở Cleveland, khiến tôi có thể không cần đến những điều gây xúc động nào khác ngoài những bông tuyết đầu tiên của tháng Mười một và tiếng rít sống động của một cái kim khi chạm vào đĩa hát. Tôi nói: “Hồi đó chúng mình còn trẻ con, Johnny ạ. Đã lâu lắm rồi.” “Mình biết. Cậu có đang, ý mình là, cậu đã từng hẹn hò với ai chưa?” “Thực sự thì không,” tôi nói. “Cơ bản thì, mình chỉ làm việc và nghe nhạc. Thật lạ, đúng không? Ý mình là, ở độ tuổi của mình ấy.” “Ờ, vẫn còn có những điều lạ lùng hơn mà.” Chúng tôi chấm dứt cuộc trò chuyện tại đó. Chúng tôi nằm một lúc với tiếng ồn vẫn lan tỏa xung quanh – tiếng còi xe và tiếng quát tháo. Ngay trước khi thiếp đi, tôi nghe thấy tiếng người đi qua, cười đùa, chắc họ phải là một nhóm đông – như một đội hợp xướng của nhà thờ vậy. CLARE Tôi vừa muốn có một cuộc sống ổn định vừa muốn có một cuộc sống gây sốc. Hãy nghĩ về Van Gogh[48], về những cây bách và những chóp nhọn nhà thờ dưới một bầu trời đầy những con rắn quằn quại. Tôi là con gái của bố tôi. Tôi muốn được yêu thương bởi ai đó giống như người mẹ thận trọng, cứng rắn của tôi, nhưng cũng muốn được vừa chạy vừa la hét qua những ánh đèn pha với một chai trong tay. Đó là lời nguyền của gia đình. Chúng tôi thường nuôi dưỡng những đám ước mơ lộn xộn cứ chồng chéo, đối nghịch và triệt tiêu lẫn nhau. Lời nguyền đó ngụ ý rằng nếu chúng ta không học cách định hướng những khát vọng của mình theo chiều này hay chiều khác, rốt cuộc chúng ta sẽ chẳng làm được gì cả. Hãy nhìn vào bố mẹ tôi ngày nay mà xem. [48] Van Gogh (1853-1890): danh họa người Hà Lan thuộc trường phái hậu ấn tượng với nhiều tác phẩm nổi tiếng và được yêu thích nhất trên thế giới. Tôi lấy chồng lúc mới hai mươi mấy tuổi. Khi hôn nhân tan vỡ, tôi đã yêu một phụ nữ. Trong những thời điểm đó và cả những thời điểm khác, tôi tin rằng tôi đã thu lại những cơn bốc đồng và bắt đầu chế ngự được sự rối loạn của mình. Giờ đây, ở độ tuổi gần bốn mươi, tôi chẳng còn biết là mình muốn gì nữa. Thay vì niềm tin vào sự thay đổi như thời còn trẻ, tôi bắt đầu cảm thấy một sự bồn chồn lo lắng kêu tích tắc bên trong tôi như một chiếc đồng hồ. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ tiến sâu vào tình trạng bấp bênh như thế này. Tôi không cố tìm cách ngủ với Bobby. Trông anh rất giống một người đàn ông bị tai nạn trong phim hoạt hình, với những ngôi sao và hành tinh bay xung quanh đầu. Bạn có cảm tưởng rằng mắt anh hơi hiếng. Tuy vậy, anh vẫn làm bạn động lòng. Có lẽ vì bạn tin rằng nếu lâu lâu bạn không để mắt đến anh, anh sẽ bị một tai nạn khác. Anh sẽ mải cười tít mắt và rơi xuống một cái miệng cống đang mở. Anh sẽ bị một chiếc dương cầm rơi vào, và hàm răng anh sẽ bị thay thế bằng một loạt những phím đàn. Tôi không thích phải nghĩ rằng mình đang muốn được bảo vệ cho người khác ở ngưỡng cửa của tuổi trung niên. Tôi không thích phải nghĩ rằng mình đang ngày càng mềm lòng trước những người đàn ông bất tài, ngờ nghệch, những người đang cần được chăm sóc, như kiểu mẹ tôi chăm sóc bố tôi cho đến khi bà hết kiên nhẫn. Dù tôi không động đến anh, nhưng tôi không thể phủ nhận sự lôi cuốn trong vẻ bờm xờm; ngơ ngác của Bobby. Anh có đôi bàn tay vuông vức và một khuôn mặt lơ nga lơ ngơ. Nếu không có đôi mắt ấy, sự ngây thơ của anh sẽ chẳng thể gây nên một sự xúc động nào. Chính đôi mắt anh đã tạo nên ấn tượng. Hãy hình dung ra một căn nhà nhỏ ấm cúng ở ngoại ô, với một chú lùn bằng thạch cao trên thảm cỏ và những chậu cây dã yên thảo trên cửa sổ. Tiếp đó hãy mường tượng ra một khung cửa sổ ở tầng trên. Đó là một khuôn mặt của Bobby. Đó chính là vẻ ngoài của anh. Tuy vậy, tôi vẫn không thể ngừng chú ý đến anh. Dạo gần đây, nỗi khao khát đó cứ quấy nhiễu tôi như thể đám ruồi nhặng làm phiền một con ngựa. Đó là sự bực bội dai dẳng nhưng không lớn. Nó có thể bị xua đi. Có lẽ tiền bạc là thứ ngăn trở tôi. Gia đình tôi có tiền, ý tôi là bên gia đình đằng ngoại nhà tôi. Không phải giàu có theo kiểu quý tộc, thượng lưu – mà vì ông ngoại tôi đã kiếm được bộn tiền nhờ kinh doanh đồ trang sức rẻ tiền. Ông đã xây được ngôi nhà to vào loại thứ ba ở Providence. Ông đã đổi họ của mình từ Stein sang Stone, và cho mẹ tôi đến học ở trường Wellesly. Chuyện đó cũng đã lâu rồi. Ông vua của những món trang sức làm bằng kim cương giả đã nhắm đến sự chính thống thông qua sự phát triển của các thế hệ sau. Ông đã cho mẹ tôi đi học ở một trong bảy trường đại học ngành khoa học xã hội dành cho nữ sinh thuộc vùng Đông Bắc, và lập ra một tài khoản ngân hàng cho tôi từ trước khi tôi ra đời. Theo kế hoạch của ông, dòng máu sẽ được lọc bởi tiền bạc, và những đứa chắt của ông sẽ là những quý tộc thực sự, với sự điềm tĩnh và một thái độ thản nhiên về giá trị của chúng. Ông mất khi tôi mới lên mười. Nhưng tôi biết cái tương lai mà ông đã tính toán trong óc. Một con hươu bằng gang đã giương những chiếc gạc cứng nhắc trên bãi cỏ trước nhà và những con cá được mạ vàng đã rẽ nước để vào bồn tắm của nhà ông. Tuy nhiên, dục vọng đã làm nghẽn kế hoạch đó. Mẹ tôi không quan tâm đến những anh chàng mà bà gặp trong những buổi giao lưu ở trường Wellesley, họ cũng không chú ý đến bà. Bà có nét mặt cương quyết và tác phong kín đáo, nghiêm nghị của một thợ trang sức. Bà không ve vãn, cợt nhả. Bà nuôi dưỡng những đam mê viển vông, hay đúng hơn là bà tin như thế, và không hứng thú gì với việc làm duyên làm dáng. Nếu là một trăm năm trước, bà có thể được coi là một phụ nữ ngoan. Nhưng ở trường Wellesley vào những năm 1940, bà chỉ có thể được biết đến như một kẻ tẻ nhạt. Bà trải qua bốn năm đại học như một kẻ mộng du bất mãn và rồi lấy bố tôi, người nói rằng ông đã “bị hạ giá” và có đủ cá tính cho cả hai người. Ông là cuộc phiêu lưu tình ái duy nhất của bà. Bà không bao giờ muốn có thêm lần nữa. Tôi không biết có phải ông lấy bà vì tiền không. Tôi không nghĩ mọi chuyện lại đơn giản như thế. Bố tôi là một kẻ trăng hoa. Ông rất mau chán. Có lẽ ông thích chinh phục cái thử thách mà mẹ tôi đã đặt ra, một phụ nữ không bao giờ giả vờ cười hay có bất cứ phản ứng lịch sự nào khác, và là người được tất cả các trường luật mà bà nộp đơn vào chấp nhận. Ông là một người rất điển trai, phù phiếm. Có lẽ ông nghĩ rằng bà hiểu ông một cách sâu sắc hơn, và có thể bù đắp cho ông thông qua sự chăm chú nghiêm túc của bà. Có lẽ ông định giúp bà trở nên mềm mỏng hơn. Khi tôi còn trẻ, tất cả những người tình của tôi đều là những kẻ hà tiện, ích kỉ. Chồng tôi, Denny, thường khiêu vũ sáu tiếng một ngày, và vẫn coi thường sự thiếu chuyên nghiệp của chính bản thân anh ta. Người tình Helene của tôi thường có những quan điểm tức cười về mọi vấn đề từ quyền phụ nữ đến việc rửa rau bina. Bản thân tôi cũng gặp khó khăn khi quyết định có nên đội mũ hay không. Ở độ tuổi hai mươi, tôi ngờ rằng nếu bạn lột vỏ vẻ ngoài, những thói quen và nửa tá những tư tưởng đanh thép của tôi, bạn sẽ tìm thấy một điểm trống rỗng, nơi lẽ ra phải chứa cái bản ngã của tôi. Đó có lẽ là bí mật tệ nhất của tôi. Tôi đã dâng hiến cho những người tình thiện ý và tính nhạy cảm của mình – dường như đó là tất cả những gì tôi có. Tôi đã luôn tỏ ra ngoan ngoãn dễ thương đối với những người cuối cùng sẽ thay đổi ổ khóa để ngăn chặn những chuyến viếng thăm đột xuất của tôi. Những kẻ tuyên bố rằng họ sẽ chết nếu tôi bỏ họ, nhưng lại giận dữ tát tôi khi tôi mang về nhà loại bia không đúng ý. Sau khi ly dị, tôi đã thay hết người tình này đến người tình khác, lần nào cũng nghĩ rằng mình đã học được một bài học mà sẽ không bao giờ lặp lại nữa. Người tình mới này của tôi sẽ có khiếu hài hước, hay sẽ không dùng ma túy. Người tình mới này của tôi sẽ là một phụ nữ, hoặc một người đàn ông da đen, hoặc một trùm máy tính với trái tim dành hết cho các dữ liệu. Từ khi bước sang tuổi ba mươi, tôi đã ngừng yêu. Tôi vẫn đang sống như một đứa trẻ, hết giờ này qua giờ khác, trong khi những phụ nữ khác ở tuổi tôi thường đến dự những buổi biểu diễn hay những vở kịch ở trường của con họ. Việc buông xuôi này cũng không khó khăn lắm. Tôi có một công việc vặt vãnh ngớ ngẩn, và một khoản tiền thừa kế kếch sù đang chờ tôi khi tôi bước sang tuổi bốn mươi. Tôi có những người bạn để gặp gỡ và uống cà phê, và có những bộ phim và câu lạc bộ đang chờ tôi đến. Thời gian trôi qua một cách dễ chịu. Và bây giờ - có vẻ quá đột ngột – những cô nhân viên bán hàng đã gọi tôi là “bà”. Những chàng trai trẻ không còn tự động liếc nhìn tôi khi tôi đi qua họ trên đường phố nữa. Tôi không còn xuất hiện trên màn hình radar của họ nữa. Trong chừng mực nào đó, tôi thích việc mình đang già đi. Tôi đã tự tạo một cuộc sống riêng cho mình. Tôi không phải một kẻ tham vọng tỏ vẻ đứng đắn sống với hai con mèo trong một ngôi nhà trong thành phố đầy rẫy những bản đồ cổ xưa. Tôi không phải một kẻ say sưa cứ trôi dạt hết cuộc chè chén này đến cuộc chè chén khác rồi lại tiếp tục lặp lại. Tôi tự hào về điều đó. Tuy nhiên, lúc này tôi lại hi vọng có được một niềm kiêu hãnh thông thường hơn trong cái tôi lớn hơn của mình. Tôi nghĩ rằng tôi có thể nói, nếu ai đó hỏi tôi, thật chính xác về những điều tôi đang làm trên đời này.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]