Chương trước
Chương sau
Không thể đi xa hơn Vọng Hương Đài nên tôi không có cơ hội biện hộ cho mình trước các vị phán quan ở địa ngục. Nhiều ngày trôi qua, tôi nhận ra rằng mình vẫn có những nhu cầu và mong muốn như khi còn sống. Cái chết đã không dập tắt tình cảm của tôi mà còn làm chúng dữ dội thêm.
Thất tình mà ở trần gian chúng tôi đã nói tới, hỉ, nộ, sầu, kinh, ái, hận và vọng, đã đi cùng tôi tới cõi âm. Tôi thấy những tình cảm sơ khai này thống trị và bền lâu hơn bất cứ sức mạnh nào khác trong vũ trụ: mạnh mẽ hơn sự sống, dai dẳng hơn cái chết, uy quyền hơn thứ thần linh có thể điều khiển, lơ lửng bên trên chúng ta, không có bắt đầu và cũng không có kết thúc.
Và khi tôi bị cuốn vào chúng, không gì mãnh liệt hơn nỗi buồn tôi cảm thấy về cuộc đời đã mất đi. Tôi nhớ Trần gia trang. Tôi nhớ mùi gừng, trà xanh, hoa nhài và mưa mùa hạ. Sau nhiều tháng chán ăn, đột nhiên tôi thấy thèm ăn ngó sen om tương ngọt, thịt vịt đông, cua hồ và tôm he.
Tôi nhớ tiếng họa mi, tiếng chuyện trò của đàn bà con gái trong nội đường, tiếng nước vỗ bờ. Tôi nhớ cảm giác vải lụa chạm vào da thịt và làn gió ấm thổi qua cửa sổ khuê phòng. Tôi nhớ mùi giấy mực. Tôi nhớ những cuốn sách. Tôi nhớ khả năng bước vào những trang sách và vào một thế giới khác.
Nhưng nhớ nhất là gia đình, người thân. Hàng ngày tôi nhìn qua lan can để quan sát. Tôi thấy mẹ, các thím, các em và những người tỳ thiếp trở lại với công việc thường ngày. Tôi vui khi cha về thăm nhà, gặp gỡ những người trẻ tuổi ở Phong Nhã Đường vào những buổi chiều, uống trà với mẹ tôi vào buổi tối.
Tuy vậy tôi chưa từng thấy họ nói về tôi. Mẹ không nhắc tới chuyện bà chưa điểm lên bài vị của tôi vì nghĩ cha đã làm rồi. Ông không nói đến nó vì nghĩ bà đã làm. Dĩ nhiên điều đó có nghĩa là cha cũng không mời Nhân trở lại để điểm lên bài vị cho tôi. Với bài vị bị giấu đi như thế, tôi có thể sẽ kẹt mãi ở đây.
Khi quá sợ hãi lo lắng về chuyện đó, tôi tự an ủi rằng Đỗ thái thú cũng đã chuyển đi vì được thăng quan ngay sau cái chết của Lệ Nương và cũng quên điểm lên bài vị nàng. Giữa tôi và Lệ Nương có quá nhiều điểm tương đồng, chắc chắn là tôi cũng sẽ được mang trở lại cuộc sống bằng tình yêu đích thực.
Tôi bắt đầu tìm nhà Nhân. Cuối cùng, sau vô số nỗ lực, tầm mắt tôi tìm đường bằng cách lướt qua mặt nước Tây Hồ, ngang qua Cô Đảo và băng sang bờ Bắc. Tôi xác định vị trí ngôi miếu có đuốc thắp rất sáng trong đêm diễn kịch, rồi từ đó xác định vị trí nhà Nhân. Tôi được coi là Ngọc nữ sánh đôi với Kim đồng, nghĩa là hai gia tộc chúng tôi môn đăng hộ đối, nhưng nhà họ Ngô chỉ có vài khoảnh sân, chiếc đình nghỉ mát, và một trăm hai mươi người.
Anh trai của Nhân đã đi nhậm chức ở tỉnh xa, sống cùng vợ và con gái, vậy nên trong nhà chỉ có Nhân, mẹ chàng và mười gia nhân. Tôi quan tâm chuyện này ư? Không, tôi tương tư và chỉ nhìn những gì muốn nhìn, mà đó là một trang viên nhỏ nhưng trang nhã. Cửa chính sơn son và mái ngói xanh hòa hợp một cách tuyệt vời với những cây liễu mọc quanh khu nhà.
Cây mai mà Nhân kể với tôi mọc ở sân giữa nhưng đã trụi lá. Và kia là Nhân, chàng dành cả ngày sáng tác trong thư phòng, dùng bữa cùng bà mẹ góa, lang thang trong hoa viên và dọc các hành lang tối tăm khi đêm về. Lúc nào tôi cũng ngắm nhìn chàng và quên mất gia đình mình. Đó là lý do tôi bất ngờ khi vú Thiệu đến gọi cửa Ngô gia.
Vú già của tôi được dẫn vào một sảnh đường và bảo ngồi đợi. Rồi một gia nhân đưa Nhân và mẹ chàng vào. Ngô phu nhân đã là quả phụ nhiều năm và gần như toàn mặc đồ tối màu. Tóc bà lốm đốm những sợi bạc, khuôn mặt đượm vẻ đau khổ vì mất chồng. Vú Thiệu cúi chào mấy lần, nhưng bà ta chỉ là gia nhân nên họ không nói những lời xã giao và Ngô phu nhân không mời trà.
“Khi tiểu thư sắp mất,” vú Thiệu nói, “tiểu thư đưa tôi vài thứ, bảo tôi mang đến nhà ta. Đầu tiên là...” Vú Thiệu lật góc của tấm khăn lụa phủ trên chiếc giỏ tre rồi đem ra một gói nhỏ cũng được bọc trong lụa. Bà ta cúi đầu và chìa ra cái gói đặt trong lòng bàn tay.
“Tiểu thư dự định biếu phu nhân vật này đẻ thể hiện lòng hiếu thảo.” Ngô phu nhân nhận cái gói và chầm chậm mở ra. Bà cầm một chiếc hài tôi đã làm lên và xem xét nó bằng con mắt sắc sảo của mẹ chồng. Những đóa mẫu đơn tôi thêu nổi bật trên nền xanh thẫm. Ngô phu nhân đưa cho con trai và nói, “Đường kim mũi chỉ của vợ con rất khéo.” Nếu tôi còn sống, bà có nói vậy với tôi không? Hay là bà sẽ phê bình tôi, như các bà mẹ chồng vẫn làm? Vú Thiệu lại thò tay vào thúng và lấy ra bản Mẫu Đơn Đình của tôi.
Đây là một sự thực về cái chết: Đôi khi ta quên mất điều ta từng nghĩ là quan trọng. Tôi đã yêu cầu vú Thiệu mang tập một của Mẫu ĐơnĐình tới nhà mới ba ngày sau hôn lễ. Vú đã không làm thế vì những lý do hiển nhiên, và tôi đã quên lời hứa của bà ta, quên cả công trình của tôi nữa.
Ngay cả khi thấy con gái vú giấu mẫu thêu của nó trong những trang sách, tôi cũng không nhớ ra. Sau khi vú Thiệu giải thích rằng tôi đã thức khuya để đọc và viết, rằng mẹ tôi đốt sách và rằng tôi đã giấu tập một trong chăn đệm, Nhân cầm cuốn sách trong tay và mở ra. “Con trai ta xem vở kịch ấy, và rồi nó lùng sục khắp thành để tìm ấn bản đặc biệt này,” Ngô phu nhân giải thích.
“Ta nghĩ sẽ là tốt hơn cả nếu để con dâu ta tặng chúng cho tiểu thưMẫu Đơn. Nhưng đây chỉ là tập một. Thế tập hai đâu?” “Như tôi đã thưa chuyện, mẹ tiểu thư đã đốt rồi,” vú Thiệu nhắc lại. Ngô phu nhân thở dài và mím môi vẻ không tán thành. Nhân đọc lướt qua các trang, thỉnh thoảng lại dừng.
“Mẹ có thấy không ạ?” chàng hỏi, chỉ vào những chữ bị nước mắt tôi làm nhòe. “Hồn cốt nàng lấp lánh trên trang giấy.” Chàng bắt đầu đọc. Một lúc sau chàng ngẩng lên rồi nói, “Con thấy khuôn mặt nàng trong từng con chữ. Mực trông đậm và tươi. Mẹ này, mẹ còn có thể cảm thấy mồ hôi tay nàng trên giấy nữa.” Ngô phu nhân nhìn con trai mình với ánh mắt đầy thương cảm.
Tôi cảm thấy chắc chắn rằng Nhân sẽ đọc những suy nghĩ của tôi về vở kịch và biết chàng phải làm gì. Vú Thiệu sẽ giúp chàng bằng cách bảo chàng điểm lên bài vị của tôi. Song vú Thiệu không nhắc gì đến tấm bài vị chưa được điểm và Nhân không có vẻ hy vọng hay hứng thú chút nào.
Đúng hơn là nét mặt chàng càng thêm rầu rĩ. Nỗi đau sâu sắc đến nỗi tôi cảm thấy như thể tim mình đang tan ra từng mảnh. “Chúng ta biết ơn bà,” Ngô phu nhân nói với vú Thiệu, “Con trai ta tìm thấy vợ mình trong nét bút của tiểu thư. Như thế, tiểu thư vẫn như còn sống.” Nhân gấp sách lại và bất ngờ đứng lên.
Chàng cho vú Thiệu một lạng bạc, bà ta cất vào túi. Rồi, không nói thêm lời nào, chàng đi thẳng bước ra khỏi phòng, kẹp cuốn sách của tôi dưới nách. Đêm đó tôi ngắm Ngô Nhân trong thư phòng khi chàng càng lúc càng chìm sâu vào u sầu. Chàng gọi gia nhân sai lấy rượu. Chàng đọc những gì tôi viết, nhẹ nhàng lật giở các trang giấy.
Chàng ôm đầu, uống rượu và để nước mắt rơi xuống má. Quẫn trí trước phản ứng này, đây hoàn toàn không phải điều tôi muốn, tôi tìm Ngô phu nhân và thấy bà trong buồng ngủ. Chúng tôi có chung tên gọi và cùng yêu thương Nhân. Tôi phải tin rằng bà sẽ làm bất cứ điều gì để xoa dịu tâm trí con trai.
Trong việc này chúng tôi phải tương đồng. Ngô phu nhân chờ tới khi cả nhà trở nên yên ắng, rồi bà bước nhẹ theo hành lang trên đôi gót sen nhỏ nhắn. Bà khẽ khàng mở cửa thư phòng, Nhân đã gục đầu xuống bàn và ngủ thiếp đi. Ngô phu nhân cầm cuốn Mẫu Đơn Đình và bình rượu rỗng lên, thổi tắt ngọn nến lung linh rồi rời phòng.
Trở lại buồng ngủ, bà nhét gọn công trình của tôi vào giữa hai tấm áo dài màu sắc tươi tắn. Vì là một quả phụ, bà sẽ không bao giờ mặc chúng nữa, và rồi bà đóng ngăn kéo vào. Nhiều tháng trôi qua. Vì không thể rời Vọng Hương Đài nên tôi gặp tất cả những người dừng lại tại đây trên hành trình qua bảy tầng địa ngục.
Tôi thấy những quả phụ tiết hạnh mặc tầng tầng lớp lớp áo liệm gặp những người chồng đã mất từ lâu trong niềm vui sum họp và biết rằng họ sẽ được quý trọng và vinh danh trong nhiều chục năm tới. Tuy nhiên tôi không gặp bà mẹ nào mất lúc sinh nở. Họ đã tới thẳng Tụ Huyết Trì, ở đó những người phụ nữ chịu đau khổ ở địa ngục vĩnh cửu vì nỗi nhục sinh nở thất bại.
Nhưng với những người khác đi qua con đường này, Vọng Hương Đài cho người mới chết cơ hội chào từ biệt những gì bên dưới và cùng lúc nhắc nhở họ về bổn phận giờ đây, khi trở thành một trong những người được thờ cúng trong từ đường. Từ giờ trở đi, họ sẽ trở lại chỗ này để nhìn xuống trần gian, đánh giá những điều hậu duệ của mình đang làm, ban phước hay trừng phạt.
Tôi thấy những vị tổ tiên giận dữ mắng nhiếc, trêu chọc hay làm bẽ mặt người ở lại trần gian; tôi thấy những vị khác, phốp pháp vì đồ cúng, đền đáp gia đình bằng những vụ mùa bội thu và vô số con trai. Nhưng hầu hết thời gian tôi quan sát những người mới chết. Không ai trong số họ biết nơi họ sẽ dừng lại khi đã qua hết bảy tầng địa ngục.
Liệu họ có bị đưa đến một trong mười nha môn với các ngục thất khác nhau? Liệu họ có chờ hàng trăm năm trước khi được phép trở lại trần gian trong một thân xác khác? Liệu họ có được tái sinh mau chóng, làm người đàn ông có học nếu may mắn, hay đầu thai làm phụ nữ, làm cá, làm sâu bọ nếu không may? Hay Quan Âm có vẫy họ tới Tây Phương Cực Lạc, cách đây mười tỉ dặm, ở đó, họ sẽ thoát khỏi vòng luân hồi và được ở một bến bờ của hạnh phúc của niềm vui, yến tiệc và vũ hội bất tận mãi mãi về sau? Vài nàng thiếu nữ tương tư khác mà khi còn sống tôi đã nghe tiếng, đến gặp tôi: Thương Tiểu Linh, nàng đào hát chết trên sân khấu; Vũ Nương, cái chết của nàng đã tạo cảm hứng cho Thang Hiền Tổ làm thơ tán tụng; Kim Phượng Điển, câu chuyện của nàng gần giống với tôi ngoại trừ việc cha nàng là một lái buôn muối; và mấy người nữa.
Chúng tôi xót thương. Khi còn sống, chúng tôi đều biết nguy cơ bắt nguồn từ những trang bản thảo của vở kịch ấy, việc đọc, đọc bất cứ cái gì, có thể gây tai họa, nhưng mỗi chúng tôi đều mê mẩn trước sự quyến rũ của cái chết khi mình còn trẻ đẹp, tài năng. Chúng tôi đều bị cám dỗ bởi nỗi đau và niềm vui khi suy ngẫm về các thiếu nữ tương tư khác.
Chúng tôi đọc Mẫu Đơn Đình, chúng tôi làm thơ về nó và chúng tôi chết. Chúng tôi nghĩ rằng những gì mình viết ra sẽ sống qua sự tàn phá của thời gian và sự mục nát của thân xác, bằng cách ấy minh chứng cho sức mạnh của vở kịch. Những nàng thiếu nữ tương tư ấy muốn biết về Nhân và tôi nói với họ rằng mình tin tưởng hai điều: thứ nhất, Nhân và tôi là một đôi trời sinh; hai là tình sẽ mang chúng tôi trở lại với nhau.
Các nàng thiếu nữ nhìn tôi thương hại và thì thào với nhau. “Bọn chị đều có những tình nhân trong mộng,” cuối cùng nàng đào hát tiết lộ, “Nhưng chỉ thế mà thôi, những giấc mộng.” “Chị cũng tin chàng thư sinh của mình là thật,” Vũ Nương thừa nhận. “Ôi Mẫu Đơn ơi, bọn chị cũng giống như em.
Khi sống, bọn chị không có quyền được nói. Bọn chị đều sắp sửa lấy một người chồng xa lạ trong một gia đình xa lạ. Bọn chị không hy vọng về tình yêu nhưng bọn chị khao khát nó. Cô gái nào mà chẳng gặp một chàng trai trong mộng chứ?” “Để chị kể với em về tình yêu của chị.
Trong những giấc mộng, bọn chị vẫn thường gặp nhau tại một ngôi miếu. Chị rất yêu chàng,” một thiếu nữ khác nói. “Chị cũng nghĩ mình giống Lệ Nương,” con gái người lái buôn muối nói thêm. “Chị mong rằng sau khi chết, chàng trai ấy sẽ tìm ra chị, đem lòng yêu chị và mang chị trở lại với cuộc sống.
Bọn chị sẽ có tình yêu thực sự chứ không phải bổn phận hay nghĩa vụ.” Nàng thở dài. “Nhưng chàng chỉ là một giấc mộng và giờ chị ở đây.” Tôi nhìn những gương mặt xinh đẹp của họ. Vẻ buồn bã đó bảo với tôi rằng mỗi người bọn họ đều có câu chuyện gần như tương tự.
“Nhưng em thực sự đã gặp Nhân mà,” tôi nói. “Chàng đã chạm vào em bằng đóa mẫu đơn.” Họ nhìn tôi ngờ vực. “Thiếu nữ nào cũng có những giấc mộng,” Vũ Nương lặp lại. “Nhưng Nhân là thực.” Tôi chỉ qua lan can xuống địa hạt trần gian phía dưới. “Các chị nhìn xem.
Chàng đó.” Cả chục nàng thiếu nữ, không ai trên mười sáu tuổi, nhìn theo ngón tay tôi chỉ qua gờ lan can tới nhà Nhân. Chàng đang viết trong thư phòng. “Đó là một chàng trai. Nhưng làm sao bọn chị biết được đó là người em đã gặp.” “Làm sao bọn chị biết được em có gặp chàng hay không?” Ở thế giới bên kia, đôi khi chúng tôi có thể trở ngược thời gian để hồi tưởng những trải nghiệm của mình hay nhìn chúng bằng con mắt của người khác.
Đây là một lý do khiến địa ngục thật khủng khiếp. Người ta được cho cơ hội trải nghiệm lại những tội ác của mình mãi mãi. Nhưng lúc này đây, tôi nhớ lại những hồi ức hoàn toàn khác, thiếu nữ có thể thấy chúng. Tôi mang họ trở lại Ngự Phong Đình, Vọng Nguyệt Đình và lần cuối cùng linh hồn tôi tới thăm Nhân.
Họ khóc trước vẻ đẹp và sự chân thực trong câu chuyện của tôi, và phía dưới chúng tôi một cơn bão đổ xuống Hàng Châu. “Chỉ có cái chết mới khiến Lệ Nương chứng minh được niềm đam mê bất diệt của nàng,” tôi nói khi các thiếu nữ lau khô mắt. “Các chị sẽ thấy. Một ngày kia Nhân và em sẽ thành thân.” “Làm sao việc đó xảy ra được?” nàng đào hát hỏi.
“Làm sao có thể múc trăng dưới nước, làm sao có thể hái hoa từ chốn hư không?” tôi hỏi lại, dẫn lời Mộng Mai. “Chàng thư sinh không biết cách mang Lệ Nương về từ cõi chết nhưng chàng đã làm được. Nhân cũng sẽ tìm ra cách.” Các nàng thiếu nữ đáng yêu và duyên dáng nhưng họ không tin tôi.
“Có lẽ em đã gặp gỡ và chuyện trò với chàng trai này, nhưng bệnh tương tư của em giống hệt bọn chị.” Vũ Nương nói. “Bọn chị đều tuyệt thực đến chết.” “Tất cả những gì em có thể hy vọng là cha mẹ em sẽ xuất bản những bài thơ của em,” con gái người buôn muối gợi ý.
“Bằng cách này em có thể sống lại đôi chút. Đó là điều đã xảy ra với chị.” “Cả với chị nữa.” Các nàng khác phụ họa rằng gia đình cũng đã xuất bản thơ của họ. “Hầu như các gia đình không thờ bọn chị,” con gái người buôn muối tiết lộ, “nhưng bọn chị nhận được chút cấp dưỡng vì thơ bọn chị được in.
Bọn chị không biết tại sao nhưng đúng là như thế đấy.” Đây khó có thể coi là tin tốt lành. Tôi đã giấu những bài thơ của mình trong thư phòng cha và mẹ Nhân đã giấu tập một của Mẫu Đơn Đình trong ngăn kéo của bà. Các nàng lắc đầu thất vọng khi tôi kể chuyện này. “Có lẽ em nên nói những chuyện này với Hiểu Khánh,” Vũ Nương gợi ý.
“Chị ấy có nhiều kinh nghiệm hơn chúng ta. Có lẽ chị ấy sẽ giúp được em đấy.” “Em rất mong gặp chị ấy,” tôi hồ hởi nói. “Em còn coi trọng lời khuyên của chị ấy hơn. Lần sau các chị hãy rủ chị ấy theo nhé.” Nhưng họ không đưa Hiểu Khánh tới. Còn Thang Hiền Tổ cũng không tới thăm mặc dù các thiếu nữ tương tư bảo rằng ông ở gần đó.
Thế nên hầu như tôi chỉ một mình. Khi còn sống, tôi đã nghe kể nhiều điều về thế giới bên kia: đúng có, sai có. Hầu hết mọi người gọi nó là địa ngục nhưng tôi thích gọi nó là thế giới bên kia hơn, bởi vì nó không thực sự ở dưới đất, dù một số phần thì đúng là thế thật.
Nằm ngoài khái niệm về địa lý, nơi tôi đang ở có vẻ như thuộc về phía bên kia, song đó chỉ là một sự tiếp nối. Cái chết không chấm dứt liên hệ của chúng tôi với gia đình và địa vị chúng tôi khi sống cũng chẳng thay đổi. Nếu anh là nông dân ở trần gian thì ở đây anh sẽ tiếp tục làm việc trên cánh đồng; nếu anh từng là địa chủ, thư sinh, trí giả thì tại đây anh sẽ đọc sách, làm thơ, uống trà và đốt trầm.
Phụ nữ vẫn bó chân, vâng lời và tập trung chú ý vào gia đình; đàn ông vẫn trông nom địa hạt bên ngoài, đi tới các nha môn ở chốn Âm Tào Địa Phủ. Tôi tiếp tục học thêm về những điều có thể và không thể làm. Tôi có thể bay, lướt đi và tan biến. Không có vú Thiệu và Liễu Nhi, tôi học cách chăm sóc chân mình bằng đồ bó chân vàng mã mà người thân đốt cho tôi dùng ở thế giới bên kia.
Tôi có thể nghe từ khoảng cách rất xa, nhưng tôi ghét tiếng ồn. Tôi không thể lượn những góc hẹp. Và khi nhìn qua lan can, tôi có thể thấy rất nhiều thứ nhưng không thể nhìn vượt qua khỏi địa giới Hàng Châu. Sau nhiều tháng ở Vọng Hương Đài, một bà lão tới thăm tôi. Bà tự giới thiệu là bà nội của tôi nhưng trông bà không giống người phụ nữ có khuôn mặt nghiêm nghị trong bức chân dung treo ở từ đường nhà chúng tôi chút nào cả.
“Ôi chao! Sao chúng nó lại vẽ tổ tiên mình như thế?” bà chép miệng. “Ta chưa bao giờ trông đáng ghét như thế cả.” Bà nội vẫn đẹp. Tóc bà được ghim bằng những đồ trang sức vàng, ngọc trai và ngọc bích. Áo dài của bà may bằng loại tơ nhẹ nhất. Đôi gót sen của bà còn nhỏ nhắn hơn tôi.
Khuôn mặt hằn những đường mảnh nhưng nước da thì sáng. Bàn tay bà được ống tay áo thủy tụ kiểu cổ che kín. Trong bà tao nhã và quý phái nhưng khi bà ngồi xuống bên cạnh và tì tay lên đùi tôi, tôi cảm thấy một sức mạnh đáng ngạc nhiên. Trong vài tuần tiếp theo, bà tới thăm tôi thường xuyên nhưng không bao giờ đi cùng ông nội và luôn lảng tránh những câu hỏi về ông.
“Ông bận ở nơi khác,” bà nói. Hoặc, “Ông đang giúp cha cháu trong một vụ đàm phán ở kinh thành. Đám người trong triều xảo quyệt còn cha cháu lại không thực tế.” Hay “Có lẽ ông đang tới thăm một tỳ thiếp... trong giấc mơ của ả. Đôi khi ông thích làm thế vì trong mơ thì những người thiếp ấy vẫn trẻ đẹp chứ không phải những bà lão.” Tôi thích nghe những lời bình phẩm tinh quái của bà về những người thiếp, vì khi còn sống tôi luôn nghe kể rằng bà đã rất tốt bụng và hào hiệp với họ.
Bà là một tấm gương cho những người vợ cả noi theo nhưng ở đây thì bà thích trêu chọc và giễu cợt. “Đừng có nhìn chàng trai dưới kia nữa!” một hôm bà gắt với tôi, lúc đó là vài tháng sau khi bà tới thăm tôi lần đầu. “Làm sao bà biết cháu đang nhìn ai ạ?” Bà thúc khuỷu tay vào tôi.
“Ta là tổ tiên! Ta thấy tất cả! Hãy nghĩ về điều đó, cháu ạ.” “Nhưng chàng là chồng cháu,” tôi cộc lốc đáp lại. “Cháu đã xuất giá bao giờ đâu,” bà vặn lại. “Cháu nên vui vì điều đó!” “Vui sao ạ? Số trời đã định Nhân và cháu sẽ ở bên nhau.” Bà nội tôi khịt mũi.
“Ý nghĩ lố lăng. Các cháu không được trời định cho ở bên nhau. Đơngiản là cháu có một cuộc hôn nhân sắp đặt, giống như mọi cô gái khác. Chẳng có gì đặc biệt cả. Và nếu cháu đã quên, thì cháu đang ở đây.” “Cháu không ngại,” tôi nói. “Cha sắp sửa thu xếp một đám cưới ma cho cháu.” “Cháu nên cân nhắc cẩn thận hơn những gì cháu thấy bên dưới.” “Bà đang thử cháu.
Cháu hiểu...” “Không, cha cháu có những ý định khác.” “Cháu không thể trông thấy cha khi ông ấy ở kinh thành, nhưng thế thì sao ạ? Ngay cả khi cha không thu xếp đám cưới ma cho cháu, cháu vẫn sẽ đợi Nhân. Đó là lý do tại sao cháu bị kẹt ở đây, bà không nghĩ vậy sao ạ?” Bà lờ đi câu hỏi của tôi.
“Cháu nghĩ rằng chàng trai này sẽ đợi cháu ư?” Mặt bà nhăn lại như thể vừa mở một bình đậu hũ thối. Bà là bà nội tôi, một bậc tổ tiên đáng kính, nên tôi không thể cãi lại bà. “Đừng nghĩ nhiều về anh ta như thế,” bà bảo, vỗ nhẹ vào mặt tôi qua ống tay áo thủy tụ che kín bàn tay.
“Cháu là một cô cháu gái ngoan. Ta rất thích những thứ hoa quả cháu cúng ta suốt những năm qua.” “Thế tại sao bà không phù hộ cháu ạ?” “Ta đã không làm gì có hại cho cháu.” Đây là một lời giải thích lạ lùng, nhưng bà vẫn thường nói những điều tôi không hiểu. “Giờ hãy chú ý,” bà nội ra lệnh.
“Cháu cần nghĩ tới lý do tại sao cháu bị kẹt ở đây.” Suốt thời gian này, những ngày trọng đại đến rồi đi. Cha mẹ quên tính phần tôi trong đồ cúng tết Nguyên Đán diễn ra chỉ vài ngày sau khi tôi mất. Ngày mười ba tháng Giêng sau tết, lẽ ra họ phải thắp đèn trên mộ tôi. Tết Thanh Minh, lẽ ra họ phải tảo mộ, đốt pháo và đốt tiền vàng cho tôi dùng ở cõi âm.
Vào ngày mùng một tháng Mười, ngày lập đông, lẽ ra họ phải đốt áo choàng có đệm lót, mũ len và hài cao cổ bằng giấy để giữ ấm cho tôi. Suốt cả năm, lẽ ra người nhà phải cúng cơm, rượu, thịt và tiền vàng vào mùng một và ngày rằm hàng tháng. Tất cả những đồ cúng đó phải được bày trước bài vị đã được điểm để tôi nhận được ở cõi âm.
Nhưng vì vú Thiệu không mang nó ra và không ai hỏi đến, tôi kết luận rằng mọi người vẫn quá đau buồn vì cái chết của tôi đến nỗi không dám nhìn lên bài vị. Rồi, khi đến tiết Khổ Nguyệt, diễn ra trong những ngày tối tăm và khắc nghiệt nhất của mùa đông, tôi khám phá ra một điều khiến tim tôi tan nát.
Ngay trước ngày giỗ đầu của tôi, cha về thăm nhà và mẹ chuẩn bị món chè đặc biệt với nhiều ngũ cốc, đậu phộng và hoa quả, nêm bằng bốn loại đường khác nhau. Cả gia đình tập trung ở từ đường và cúng chè cho bà nội cùng những người đã khuất khác. Một lần nữa, bài vị của tôi không được mang ra khỏi chỗ giấu trong nhà kho và tôi không nhận được đồ cúng.
Tôi hiểu rằng mình đã bị “lãng quên”; hàng đêm, mẹ vẫn nhỏ những giọt nước mắt cay đắng vì tôi. Sự bỏ bê này nghĩa là có gì đó tồi tệ hơn nhiều. Bà nội tôi, hẳn đang ở đâu đó ăn chè cùng ông nội, thấy chuyện xảy ra và đến bên tôi. Bà là người nói năng thẳng thắn nhưng tôi không muốn nghe, cũng không muốn chấp nhận những điều bà nói.
“Cha mẹ sẽ không thờ cúng cháu đâu,” bà giải thích. “Cha mẹ thờ cúng con cái là trái với tự nhiên. Nếu cháu là con trai, cha cháu đã đánh lên quan tài để phạt cháu tội bất hiếu vì chết trước cha, nhưng rốt cuộc cha cháu sẽ mủi lòng và chăm lo chu cấp cho cháu. Nhưng cháu là con gái, mà lại còn chưa lấy chồng.
Gia đình sẽ không đời nào thờ cúng cháu cả.” “Vì bài vị của cháu chưa được điểm sao ạ?” Bà nội khịt mũi. “Không, vì cháu chết khi chưa lấy chồng. Cha mẹ nuôi cháu cho nhà chồng cháu. Cháu thuộc về họ. Cháu không được coi là người họ Trần. Và ngay cả khi bài vị của cháu được điểm, nó cũng sẽ bị để khuất sau cánh cửa, trong ngăn kéo hay ở một ngôi miếu đặc biệt, đó cũng là điều xảy ra với các cô gái tới thăm cháu.” Tôi chưa từng nghe bất cứ chuyện gì như thế trước đây, và sau một thoáng, tôi tin lời bà nội.
Nhưng rồi ngay sau đó, tôi giũ bỏ những suy nghĩ tồi tệ của bà ra khỏi đầu óc mình. “Bà nhầm rồi ạ.” “Vì trước khi chết, không ai nói với cháu rằng chuyện này sẽ xảy ra ư? Chà! Nếu cha mẹ đặt bài vị của cháu lên bàn thờ gia tiên, họ sẽ có nguy cơ phải bị những vị tổ tiên khác trừng phạt.” Bà giơ một tay lên.
“Không phải ta, nhưng có những người khác ở đây giữ gìn lề lối truyền thống. Không ai muốn thấy một vật gở như thế trên bàn thờ gia tiên cả.” “Cha mẹ yêu thương cháu,” tôi khăng khăng. “Một người mẹ không yêu con sẽ không đốt sách của con để giữ cho con sống.” “Đúng vậy,” bà nội đồng tình.
“Nó không muốn làm thế, nhưng đại phu hy vọng việc đó sẽ chọc giận cháu, để cháu rời khỏi con đường lầm lạc ấy.” “Và cha sẽ không dựng vở kịch cho sinh nhật cháu nếu cha không yêu cháu như một viên ngọc quý.” Ngay khi lời bật khỏi miệng, tôi đã cảm thấy chúng sai.
“Vở kịch không phải dành cho cháu,” bà nội bảo. “Nó dành cho Đàm đại nhân. Cha cháu đang vận động để được bổ nhiệm.” “Nhưng Đàm đại nhân không thích vở kịch đó mà.” “Thế thì hắn là một kẻ đạo đức giả. Người thế lực thường thế.” Liệu bà có ám chỉ rằng cha tôi cũng là kẻ đạo đức giả không? “Trung quân là một sự mở rộng tự nhiên của lòng trung thành giữa những cá nhân với nhau,” bà nội nói tiếp.
“Ta e rằng cha cháu, con trai ta, không có cả hai điều đó.” Bà không nói gì nữa, nhưng nét mặt bà khiến tôi quay nhìn phía sau, để cuối cùng nhìn thấy, và hiểu ra điều tôi đã lờ đi khi còn sống. Cha không phải là trung thần của nhà Minh hay một người chính trực như tôi vẫn luôn tưởng thế, đối với tôi, điều này chỉ là thứ yếu.
Khi sống, tôi biết rằng cha lấy làm tiếc vì tôi là con gái. Mặc dầu vậy, ở trong lòng, tôi tin tưởng, thực sự tin tưởng rằng ông yêu mến, thương yêu và quý trọng tôi, song sự thực về bài vị của tôi cùng mọi điều nó hàm ý, rằng tôi là một cô con gái chưa chồng được nuôi cho gia đình khác, đã chứng minh ngược lại.
Vì không ai chăm lo cho tôi bằng cách thờ cúng bài vị ở dương thế, linh hồn tôi lâm vào rắc rối lớn. Tôi giống như miếng lụa lẻ bị xé ra. Tôi đã bị bỏ rơi, quên bẵng, điều này giải thích tại sao tôi bị kẹt ở Vọng Hương Đài. “Chuyện gì sẽ xảy ra với cháu ạ?” tôi khóc.
Chỉ một năm qua mà áo dài của tôi đã phai màu và tôi càng gầy gò hơn. “Cha mẹ có thể gửi bài vị của cháu vào một ngôi miếu, nhưng đây là một ý tưởng tồi, vì những chỗ đó không chỉ để bài vị của con gái chưa chồng mà còn của đám tỳ thiếp và gái làng chơi nữa.” Bà nội lướt qua Vọng Hương Đài và ngồi xuống cạnh tôi.
“Một đám cưới ma sẽ mang vật gở đi khỏi Trần phủ...” “Cháu vẫn có thể lấy Nhân. Bài vị của cháu sẽ được dùng trong nghi lễ. Mọi người sẽ biết nó chưa được điểm,” tôi nói vẻ hy vọng. “Nó sẽ được điểm và sẽ được thờ cúng trên ban thờ của nhà họ Ngô.” “Nhưng cha cháu chưa thu xếp việc đó.
Nghĩ xem, Mẫu Đơn, nghĩ xem. Ta đã bảo cháu nhìn, nhìn một cách thực sự ấy. Cháu đã thấy gì? Cháu thấy gì ngay bây giờ nào?” Thời gian ở đây rất lạ: đôi khi nhanh, đôi khi chậm. Giờ đã là nhiều ngày sau đó, và có thêm nhiều chàng trai trẻ tới thăm cha tôi. “Cha cháu có hẹn.
Ông ấy là người quan trọng.” “Cháu không nghe hả cháu?” Công chuyện thuộc về thế giới bên ngoài. Tôi đã chủ tâm không nghe các cuộc chuyện trò của cha, nhưng giờ tôi đã để ý lắng nghe. Ông hỏi han các chàng trai. Ngay lập tức tôi sợ rằng ông đang thu xếp một đám cưới ma cho tôi với ai đó, không phải Nhân.
“Cậu sẽ trung thành và hiếu nghĩa chứ?” ông hỏi hết người này đến người kia. “Cậu sẽ khóc trước mồ mả chúng ta vào dịp tết và cúng bái ở từ đường nhà chúng ta hàng ngày chứ?” Và “Ta cần có cháu trai. Cậu có thể sinh con trai để chăm lo cho chúng ta sau khi cậu chết không?” Sau khi nghe những câu hỏi này, ý định của cha trở nên rõ ràng.
Ông sắp nhận nuôi một trong số họ. Cha không sinh được con trai, một nỗi hổ thẹn cho bất cứ người đàn ông nào và một thảm họa khi đến dịp cúng bái tổ tiên. Nhận nuôi một người vì mục đích hiếu nghĩa cũng là bình thường và cha có thể chấp nhận được, nhưng vị trí của tôi trong trái tim ông sắp sửa bị một người khác hoàn toàn thay thế! “Cha cháu đã làm nhiều điều cho cháu,” bà nội nói.
“Ta đã thấy nó quan tâm đến cháu thế nào, dạy cháu đọc, viết và đặt vấn đề. Nhưng cháu không phải là con trai mà nó thì cần một đứa con trai.” Cha đã thể hiện sự tận tâm, tình yêu và nhiều ân cần với tôi trong những năm qua, song giờ đây tôi thấy việc tôi là con gái đã làmtình yêu của ông dành cho tôi bớt đi nhiều.
Tôi khóc và bà nội ôm lấy tôi. Gần như không thể chấp nhận được chuyện này, tôi nhìn xuống nhà Nhân, hy vọng gia đình chàng sẽ cúng chè cho tôi. Đương nhiên là họ không làm thế. Nhân đứng dưới một mái hiên trong cơn mưa như trút nước, đang sơn son lại cổng trước nhà chàng làm biểu tượng hồi sinh của năm mới, trong khi đó, ở thư phòng cha tôi, một chàng trai mắt nhỏ ký vào bản khế ước nhận con nuôi.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.