Bà hai không vui nhưng vẫn cầm đũa lên dùng cơm, tùy tiện liếc xéo Nam và bà cả một cái cho bỏ tức. Bà cả cũng không vừa gì mà đáp trả ánh nhìn bà hai bằng vẻ thách thức, kiêu ngạo. Bà hai gắp đồ ăn cho Thiên - đứa con trai ngoan của bà, Thiên sinh sau Trường Nam một năm, khi bà hai mang thai Thiên thì đã bất cẩn xém mất Thiên nên bà hai luôn dành những gì bà nghĩ là tốt nhất cho con trai của mình. Và đương nhiên bằng mọi giá chức vị người thừa kế đó bà sẽ giành cho đứa con trai duy nhất của mình.
Bà cả chỉ chăm lo cho con trai mình đến đồ ăn bà cả cũng tự tay gắp cho con mình từng món một. Trường Nam hơi có hứng thú đến cuộc chiến giữa hai bà vợ trong gia đình, cậu muốn châm lửa bùng nổ cuộc chiến gia đình này lên. Cậu để ý đến " Thiên " - cậu hai của gia đình giàu có này. Thiên từ đầu đến cuối vẫn im lặng dùng bữa. Dáng vẻ cậu nhóc nhỏ chỉ biết cầm đũa tự gắp đồ ăn nhưng ánh mắt nhóc thèm muốn dĩa gà chiên ngon tuyệt mà không dám đụng vào.
Hành động của Thiên khiến Trường Nam đoán cậu nhóc hiểu chuyện, biết thân biết phận không dám tranh giành với cậu. Trường Nam chưa từng nói chuyện với Thiên, cậu suốt ngày chỉ theo Tâm chơi bời. Hôm nay xảy ra chuyện giữa hai bà mẹ mà Thiên vẫn ngồi im đó mặc kệ làm Trường Nam rất tò mò.
Trường Nam nhìn Thiên rồi mở miệng ngỏ lời: " Thiên, lát nữa ra sau nhà chơi với Nam không? ".
Đột nhiên có người gọi tên mình, Thiên hơi giật mình mà ngước đầu lên. Lời mời của Nam cũng làm bà cả bất ngờ, không nghĩ con trai mình tự động kết thân với Thiên.
Thiên rụt rè, ấp úng không nói thành lời: " Em..". Bà cả liền nắm lấy tay Nam như ngăn cậu lại không muốn cho cậu chơi cùng Thiên: " Con còn phải học nữa Nam à, đừng quá ham chơi bỏ bê việc học ".
Ông Trương ( ông chủ của căn nhà, là bá hộ giàu có bậc nhất trong vùng, cha của Trường Nam) chủ động gắp đồ ăn cho Nam, nói với bà cả bằng giọng của một người cha thương yêu cưng chiều: " Không sao đâu cứ để Nam nó chơi với Thiên, là anh em trong nhà chơi chung với nhau nhiều tụi nó mới hiểu nhau, sau này làm việc với nhau cũng dễ hơn làm việc với người ngoài ".
Ông Trương gắp cho Thiên một miếng thịt gà từ dĩa gà mà Nam đang ăn, nói với Thiên bằng giọng ôn nhu: " Con còn nhỏ cũng đừng quá chăm chú vào việc học, thời gian rãnh hãy theo anh cả con đi chơi biết đây biết đó. Vì lí thuyết trong sách khác với thực tế rất nhiều ".
Thiên gật đầu, vui mừng nhấc chén nhận miếng thịt gà của cha mình cho: " Con biết rồi, cảm ơn cha ".
Hệ thống lúc này xuất hiện thầm thì vào tai cậu vài lời: [ Biết làm gì rồi đó thưa kí chủ ]. Trường Nam hơi rướn người về phía trước, ngang ngược lấy lại miếng thịt gà vừa vào chén của Thiên. Thiên ngơ ngác, thằng nhỏ còn chưa chạm đũa ngửi đủ miếng thịt đã bị lấy mất, khuôn mặt đứa nhỏ vừa hoang mang vừa ấm ức nhìn cha và mẹ nó.
Trường Nam trẻ con kéo dĩa thịt gà về phía mình, ngạo mạn bỏ vào miệng ăn. Không đợi ăn hết mà vừa ăn vừa nói: " Thịt gà của con, con không cho Thiên đâu ".
Ông Trương thấy hành động của Nam, nét mặt liền đanh lại nghiêm nghị: " Nam con làm cái gì vậy? Con có biết hành xử như vậy rất ích kỉ và bất lịch sự lắm không? ".
Trường Nam mím môi không thèm để ý đến lý lẽ, cậu kéo dĩa gà lại gần chén mình rồi chắn đũa phía trước như dựng cấm cọc phân chia lãnh thổ không cho ai lấn dù một chút: " Không, của con, tất cả là của con ".
Giây trước vừa thấy con mình ngoan ngoãn, giây sau cậu liền trở mặt trở thành con người ngang bướng. Ông bá hộ nghiêm giọng doạ cậu: " Con có trả lại cho em không? Hay muốn bị ăn đòn? Cái dĩa gà đó không phải làm cho một mình con ăn, con là anh lớn phải biết nhường em nhỏ chứ ".
Ông Trương càng muốn cậu giao ra dĩa gà thì cậu càng cứng đầu chống đối đến cùng: " Con là cậu cả mà cái gì cũng là của con, con không nhường ".
Ông Trương lần đầu tiên thấy Trường Nam hỗn láo dám nói giọng điệu " ta đây " với mình thì tức giận, ông đập đũa xuống bàn phát ra một âm thanh lớn chấm dứt bữa cơm vốn yên bình: " Cái thằng này, bà cả bà coi bà dạy lại thằng Nam, nó còn nhỏ vậy mà ương bướng như vậy là tại bà cứ cưng chiều nó suốt đấy ".
Bà cả liền vỗ nhẹ vào lưng Trường Nam nhẹ nhàng nhắc nhở: " Nam, không được ăn nói vậy với cha, xin lỗi cha nhanh lên ". Trường Nam còn chưa quậy đã, nước đã đục cậu còn muốn quậy đến chết cá mới chịu dừng. Cậu nhìn mẹ mình với ánh mắt: 'mẹ la con sao? Mẹ hết thương con rồi chứ gì? ", rồi oà khóc um sùm.
Bà cả bối rối nói nhỏ với Nam: " Nam, dừng lại đây không phải là lúc con nhõng nhẽo, xin lỗi cha con ngay ".
Bà hai thấy thời cơ đã tới lập tức châm dầu vào lửa: " Đó ông coi đó, tôi nói có sai đâu. Thằng Nam nó được mẹ nó cưng chiều, lúc nào cũng khẳng định cho nó biết nó là vua trong cái nhà này nên bây giờ nó mới xấc xược với ông như thế đó. Ai đâu như đứa con trai ngoan hiền của tôi chỉ biết im lặng chịu ấm ức thôi ".
Ông Trương gật gù: " bà nói đúng, cần phải dạy dỗ thằng Nam lại. "
Ông nhìn Nam ôm mẹ khóc ra vẻ chịu oan ức lắm, ông đanh mắt: " Ngày mai đến tuần sau không cho thằng Nam ra ngoài chơi nữa, học đạo giáo lễ nghĩa đến thuộc lòng đi rồi tôi sẽ sang kiểm tra ".
Trường Nam nhìn mẹ lắc đầu, bà cả vừa đang dỗ con khóc vừa mềm giọng nói với ông Trương: " Con nó còn nhỏ không hiểu chuyện thì từ từ dạy nó, ông có đâu mà quá nghiêm khắc với Nam. Nó còn nhỏ như vậy sao thuộc hết được đạo giáo lễ nghĩa ".
Bà hai xen vào dùng chất giọng chua chát phê phán: " Còn nhỏ mà không được dạy dỗ đành hoàng, ra đời chị cả không sợ người đời bảo nó mất dạy à? Hơn nữa cũng là cậu cả trong nhà, đạo giáo lễ nghĩa không hiểu thì đồn ra mất mặt hết cả gia đình ".
Bà cả nổi giận khi nghe ai đó nói con mình " mất dạy ", dám hạ bệ con mình. Chưa kịp phản pháo dạy dỗ lại thân phận ả ta là gì trong gia đình thì ông Trương đã nói trước: " Bà hai nói đúng, ông bà ta nói ' tiên học lễ, hậu học văn ', lễ nghĩa không có thì để thằng Nam học văn học chữ cũng vô dụng. Tốt nhất bà nên dạy lại lễ nghĩa thằng Nam cho tốt đi, càng chiều nó thì nó ngày càng hỗn láo ". Nói rồi ông Trương đứng dậy đi vào trong buồng.
Bà hai hả dạ cũng đứng dậy, nắm lấy tay Thiên dắt con mình với vẻ tự mãn: " Đi thôi Thiên ơi, để mẹ kêu người làm cho con mấy món ngon ngon nha đừng có dành đồ ăn với mấy loại hỗn láo mất dạy ".
" Bà hai, bà nói gì đấy? " _ Bà cả tức giận nhưng không làm được gì, Trường Nam càng khóc lớn hơn. Bà hai đáp lại với ánh nhìn khinh khỉnh kiểu: ' ừ tôi nói vậy đấy, rồi sao? '.
Sau khi bà hai rời đi, bà cả nhìn đứa con nước mắt nước mũi tèm lem muốn mắng cho nhóc con trước mắt này một trận. Không hiểu đang yên đang lành thì thằng nhóc con của bà lại dở chứng cái gì làm ông Trương tức giận. Bình thường có dí canh yến, sâm hầm tận miệng cũng có thèm nuốt trôi đâu. Mà hôm nay mắc cái gì lại giành mấy miếng gà chiên với thằng Thiên.
Bà cả ra vẻ trách mắng: " Hôm nay con bị cái gì vậy hả? Sao tự dưng lại kiếm chuyện với thằng Thiên làm cái gì để cha con chửi? ".
Trường Nam nhõng nhẽo: " Giành..giành với Nam ".
Bà cả lau nước mắt trên đôi má khóc đến đỏ ửng của Nam, vừa dạy dỗ mà vừa an ủi thằng nhỏ: " Con sợ gì chứ? Con trai mẹ muốn cái gì chả được, nhưng con phải biết lúc nào nên giành lúc nào không nên giành chứ? Ở bàn cơm giành với thằng Thiên làm chi, sau bữa cơm muốn ăn thêm thì kêu người làm nấu thêm ".
__
Trường Nam lắc đầu vẻ mặt chán nản như chơi một món đồ đến chán đến lúc vứt bỏ nó tìm một món mới thay thế, cứ như vậy cậu từ bỏ món thịt gà chiên mà mình cố giữ lấy: " Không, Nam không thèm nữa. Nam muốn đi chơi ". Cậu đứng dậy dang hai tay về phía Tâm như thể Tâm mới là món đồ chơi mới của cậu, mè nheo nhún nhảy đòi được bế trên tay Tâm đi rong chơi khắp nơi: " Tâm, bế ~ ". Tâm đón cậu vào vòng tay rồi bế cậu ngang hông.
Bà cả: " Con đi đâu đấy? Con không nghe cha kêu con học lại lễ nghĩa sao ".
Trường Nam nũng nịu lắc đầu,cậu không cần học mấy cái lễ nghĩa đó làm gì, nhiệm vụ của cậu là làm một phản diện mà, phản diện phải khiến cho người ta càng ghét bỏ mới tốt: " Con muốn đi chơi, không học đâu ".
Bà cả không muốn cho cậu đi ra vẻ dạy dỗ cậu, giọng ra lệnh Trường Nam: " Con muốn cha la con nữa hả? Đi vô phòng học bài cho mẹ ".
Trường Nam oe oe vờ khóc lấy lòng bà cả: " Không học, mẹ bắt con học con nhịn ăn cho mẹ coi ". Trường Nam giật giật áo Tâm không muốn rời người Tâm, Tâm vỗ lưng cậu vỗ về nghĩ cậu sẽ khóc nữa. Bà cả thấy vậy thì xua tay, vẻ mặt chán nản chiều theo con: " Thôi mệt con quá muốn chơi bời gì thì đi đi, chơi đúng ngày hôm nay rồi quay về học cho mẹ".
Tâm bế Nam ra sau hè dẫn cậu đi chơi, nhưng vừa ra tới nơi phát hiện cậu ôm mình ngủ từ khi nào rồi. Tâm không muốn gọi cậu dậy để yên cho cậu ngủ, trong khi ngủ cậu còn nấc lên vài tiếng coi bộ còn nức nở lắm. Tâm vỗ vỗ lưng cậu, cho cậu yên tâm chìm vào giấc ngủ.
Cậu ngủ chừng canh giờ,thấy Tâm cũng ngủ cùng mình dưới một gốc cây xanh,dùng thân làm nệm lót cho cậu ngủ. Trường Nam thấy vui lắm, cậu chưa bao giờ được ngủ trên thân người khác như vầy. Nói trắng là ngủ trên một bộ xương biết đi, Tâm dáng người cao ốm khi nằm xuống vùng sườn lộ rõ xương khiến cậu nằm cứ cảm thấy cái gì cứng cứng ấn vào người.
Không sao khi nào thích hợp cậu sẽ dưỡng lại cho Tâm, nhưng cậu nghĩ lại thì thôi khỏi đi. Nuôi dưỡng nam chính cho to bự rồi để hắn sau này vật mình ra đất, hành mình ra bã thì lại nuối tiếc cái công sức nuôi dưỡng nam chính như hoang phí. Mà nghĩ đến có ngày mình bị đè bẹp dưới đất chịu nhẫn nhục thì Nam lại trở nên ghen ghét cái con người đang nằm ngủ ngon lành này.
Nhìn kiểu gì cũng thấy ngứa mắt, cậu vươn tay nhéo mạnh má Tâm cho hả dạ. Tâm bị nhéo, bất ngờ bật người dậy, nhưng trong phản xạ tự nhiên của Tâm đã bao gồm phải luôn bảo vệ cậu chủ. Tâm vô thức ôm người trước ngực mình vào lòng khi đang mơ màng bị đánh thức.
Trường Nam đột nhiên bị ai đó ôm vào lòng, có chút khó thở cậu đánh đánh vào ngực Tâm. Tâm ngơ ngác hỏi cậu bé mới vừa đánh vào ngực mình bốp bốp mấy cái mạnh: " cậu cả nhéo con sao ạ? ". Sức trẻ con đánh dù không quá đau nhưng Tâm cảm thấy ngực mình hơi nhói nhói. Điều đó khiến Tâm thắc mắc sao tự dưng cậu chủ nhỏ lại đánh mình.
Trường Nam tự nhiên trả lời: " Đúng rồi, tại tự nhiên thấy mặt Tâm thấy ghét quá ".
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]