Chỉ thấy, ở cuối con đường trải đá, hiện lên một thằng nhóc trong cái áo tơi to xù xụ dài chấm đất. Bàn tay vươn ra phóng viên sỏi vẫn còn chưa kịp thu lại.
Thằng nhóc ngẩng đầu, ánh mắt dưới bóng nón tre vừa sáng vừa sắc:
“ Ô! Hơn một năm không gặp, Hương tiến bộ hơn trước nhiều. ”
“ Cẩu??? ”
Thằng nhóc quẹt ngón tay qua mũi, khụt khịt:
“ Chẳng tớ thì ai? Ma chắc? ”
Nó nói dứt câu, thì Hồ Phiêu Hương đã lướt đến ngay trước mặt nó. Bóng người phiêu phiêu đãng đãng nhẹ nhàng như mây, thân pháp uyển chuyển phiêu hốt tựa cánh én. Vạt áo lòa xòa tung bay theo sau, trông như ngọc nữ đạp ngang qua tuyết trắng.
Hai đứa nhóc đứng trước mặt nhau.
Hồ Phiêu Hương hơi kiễng lên, tay đặt lên đầu Tạng Cẩu, rồi đưa về phía mình. Ngón cái cô nhóc chạm trúng vầng trán thanh tú.
“ Cẩu lùn đi nhiều thế? ”
“ Lùn đi là thế nào? Hương cao hơn thì có. ”
Tạng Cẩu nói.
Tính ra, nó thua Phiêu Hương khoảng năm tháng. Thế mà lúc nào cũng lùn hơn một khúc.
Nó vẫn lấy làm khó chịu, không hiểu vì sao cùng là trẻ con, tuổi sàn sàn nhau mà Phiêu Hương lại cao lên nhanh hơn, nó đuổi mãi cũng không kịp. Thỉnh thoảng thằng nhỏ còn trộm nghĩ, rằng cứ cái đà này, đến năm chúng nó lớn, thì nó lùn hơn Phiêu Hương cả xích mất.
Hồ Phiêu Hương quay ngoắt đi, hỏi:
“ Sao không đi luôn đi, về làm gì nữa? ”
Cô bé thì lại phát hiện...
Hô hấp của Tạng Cẩu ngày càng dài, thời gian giữa hai lần hít thở cũng càng ngày càng dãn ra.
Võ công cô bé tiến bộ, thì thằng nhỏ cũng chẳng dậm chân tại chỗ.
[ Cứ thế này không được! Mình thể nào cũng bị Cẩu bỏ xa cho xem! ]
Chẳng biết tự lúc nào, hai đứa nó đã sinh ra thói quen ganh đua với nhau, từ chiều cao đến võ công. Theo đó, cũng tự nhiên mà coi đứa kia là một phần của tương lai lúc lớn.
Tạng Cẩu nói:
“ Đói nên mò về có được không? ”
“ Đúng là cái đồ chó con. Đi theo tớ. Xem thử trong bếp có gì ăn không. ”
Tạng Cẩu cười khì, để mặc cho Hồ Phiêu Hương kéo tay nó chạy xuống bếp. Nội lực của thằng nhóc bây giờ đã hơn trước, nếu nó cố ý ghìm lại, trâu cày cũng chưa chắc kéo nổi chân nó đi một li. Tất nhiên, nó chẳng việc gì phải làm thế cả.
Hay tin Tạng Cẩu về nhà, Nguyễn Phi Khanh và Liễu Thăng cũng sang chúc mừng.
Thấy nghĩa đệ chẳng những bình an vô sự, võ công còn tăng thêm, Liễu Thăng vừa thấy mừng, vừa thấy hơi bất lực. Lần nào cũng vậy, người được hết cao thủ này đến cao thủ kia để ý, truyền thụ hết bản lĩnh cho luôn là Tạng Cẩu. Mặc cho cậu cố gắng đến mức nào, cũng không đuổi kịp.
Mọi người xúm vào, hỏi xem một năm qua thằng nhóc này biến mất tận đâu mà không báo nổi lấy một câu bình an về nhà.
Tạng Cẩu bèn kể:
“ Vị hôm ấy bắt con đi, té ra là có giao tình không cạn với thầy. Hay tin Quận Gió mất, chính y đã tìm đến dạy con một năm, coi như là để tang thầy. ”
Nó không tiết lộ, rằng kì nhân sang Tàu dạy nó chẳng phải chỉ có một, mà đến bốn người.
Chính là bốn vị chí tôn của giới sát thủ - Địa Khuyết Thiên Tàn.
Bốn người họ không tiện xuất hiện trên giang hồ, thành thử chỉ có thể chậm rãi nghe ngóng tin tức về Quần Hùng yến đẫm máu hôm ấy. Nhưng... cũng chẳng có tác dụng gì lớn.
Bốn ông lão lại nghĩ: Tạng Cẩu ở đất khách quê người cũng nguy hiểm chẳng kém. Võ công như nó bây giờ cũng chưa tính là gì trước mặt cao thủ đích thực, ngộ nhỡ xảy ra chuyện gì khiến truyền thừa của danh hiệu Quận Gió đứt đoạn thì thực đúng là không biết ăn nói thế nào với anh linh các đời vua trộm.
Thế là bốn lão phân công, hai người sang Tàu rèn giũa thằng nhỏ, hai người tiếp tục ở đất Đại Việt giải oan cho Quận. Sau sáu tháng, thì đổi chỗ cho nhau.
Người hôm ấy giao thủ với Hồ Quý Li chính là Tàn lão.
Hồ Phiêu Hương nói:
“ Nếu đã là bạn cũ của thầy, cớ gì lại đánh ông nội một chưởng? ”
Người kia ra tay không phân nặng nhẹ, đả thương ông nội cô bé. Thành thử, ấn tượng của Phiêu Hương với Tàn lão cũng không lấy gì làm tốt đẹp cả.
Hồ Quý Li nói:
“ Cao thủ có mấy phần tà khí, mấy phần bá đạo, cũng chẳng có gì là lạ. Đối chưởng với y một lần cũng khiến ông ngộ được mấy điều trước giờ vẫn thắc mắc, võ học có chỗ tiến bộ không nhỏ. Xem như là được nhiều hơn mất. ”
Ông nội đã lên tiếng, Hồ Phiêu Hương cũng không tiện nói thêm gì. Chỉ là cô bé vẫn phồng má lên, đoạn ngó lơ Tạng Cẩu, ra chiều ấm ức lắm.
Liễu Thăng ngồi được một lúc, đoạn đứng dậy cáo từ mọi người ra về. Lúc ra đến cửa, ánh mắt lại không tự chủ được rời xuống nhà bếp.
………
Đêm hôm ấy, trăng treo cao.
Trong đại sảnh, ánh đèn cầy lắc lư lắc lư, rọi lên tận lò hương đang nghi ngút ở góc phòng.
Năm người: hai cha con họ Hồ, hai đứa nhóc và Nguyễn Phi Khanh ngồi quây quần trước ngọn đèn. Tấm khăn thiền sư Tuệ Tĩnh lưu lại trải ở chính giữa.
Vạn lí thanh giang vạn lí thiên
Nhất thôn tang giá nhất thôn yên
Ngư ông tuý trước vô nhân hoán
Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền
Bốn câu, hai mươi tám chữ. Nét bút bình phàm đơn giản, mà mềm mại khoan thai, tỏ ra khí độ rộng lượng của thư gia.
Đấy là bài thơ Tuý Trước của Hàn Ốc đời nhà Đường.
“ Con nói, con phá giải được chút gì về manh mối thầy Tuệ Tĩnh để lại?? ”
Nguyễn Phi Khanh nghiêm hẳn sắc mặt.
Nhìn ông lúc này, chẳng ai nghĩ ấy là cái người lúc nào cũng nhởn nha nhởn nhơ bình thường.
Hồ Quý Li, Hồ Nguyên Trừng cũng nín thở lắng nghe.
Hai người mất nguyên một năm ròng mà không tài nào phá giải nổi bí ẩn của bài thơ. Tại sao Tuệ Tĩnh thiền sư chỉ đề bài Tuý Trước lên tấm khăn rồi bỏ đi? Tại sao ông không quay lại giải thích rõ ràng, khiến hai người bị mê cục bủa vây cả năm trời??
Tạng Cẩu gật đầu, nói:
“ Có hôm luyện công xong, con bèn ngâm bài thơ này lên chơi, không cẩn thận bị tiền bối kia nghe được. Ông nghe xong, lại tấm tắc bảo ấy là bút tích của thiền sư Dương Không Lộ!
Con nghĩ mãi, không biết ông Hàn Ốc với ông Dương Không Lộ có họ hàng gì với nhau, nhưng có lẽ người Tuệ Tĩnh thiền sư nói đến không phải Hàn Ốc… mà là Dương Không Lộ! ”
Nó nói hết câu, mới ngẩng đầu lên, thì phát hiện ba người lớn đều đã á khẩu vì cái tên “ Dương Không Lộ ”.
Hồ Nguyên Trừng nghĩ một lúc, chợt vỗ trán:
“ Tôi hiểu rồi! ”
Bộp!
Quay ngoắt sang, té ra người vừa vỗ bàn đánh rầm một cái là Nguyễn Phi Khanh.
Hồ Phiêu Hương nhíu chân mày lá dăm, đoạn quay sang hỏi ông nội:
“ Ông ơi, Dương Không Lộ là ai? Sao con chưa nghe bao giờ? ”
Có lẽ do quá hưng phấn, nên trước khi Hồ Quý Li kịp nói câu nào, Nguyên Trừng đã cướp lời đáp:
“ Ông ta chính là Lí Quốc Sư! ”
“ Không phải Lí Quốc Sư là Nguyễn Minh Không hay sao? Sao lại có thêm một Dương Không Lộ? ”
Tạng Cẩu tròn vo mắt, hỏi.
Nguyễn Phi Khanh bèn đáp:
“ Theo sử sách còn ghi lại được, thời Lí từng có hai ông quốc sư cùng được ban quốc tính. Một là thiền sư Minh Không, người còn lại chính là thầy Không Lộ.
Tuy nhiên, ba lần đánh Nguyên Mông khiến nước ta bị đốt huỷ nhiều sách sử quý báu. Ghi chép về thầy Không Lộ vốn đã ít, nay lại vì truyền miệng mà sinh ra lắm dị bản, không đồng nhất nữa. Những gì còn sót lại của ông đều mang tính truyền kì hư ảo, giả giả thật thật khó mà phân biệt. Đến độ liệu ông có phải người thật, hay huyền sử, chẳng ai biết cả.
Lâu dần trăm năm sau, người ta chỉ còn nhớ đến một ông Lí quốc sư mà thôi. ”
Hồ Phiêu Hương lại nói:
“ Nhưng đức thánh tổ Khổng Lồ là thầy Nguyễn Minh Không. Chuyện ông Không Lộ là sao? Còn bài thơ nữa… sao mọi người càng nói càng thấy mâu thuẫn thế? ”
Hồ Nguyên Trừng như không nén nổi hưng phấn, cười:
“ Thế mới nói, manh mối chính là miếng vải này! Sư thầy Tuệ Tĩnh giao bài thơ này… ngay trước khi ông giả bị tử hình. Tức là kế thay mận đổi đào! Bài Tuý Trước của Hàn Ốc, có lẽ là do khi sang Tàu, thánh tổ có tức cảnh ngâm đọc. Rồi tuỳ tùng theo sau chép lại. ”
Nguyễn Phi Khanh lại tiếp:
“ Theo suy đoán của bác, thánh tổ biết mình sang nước Tàu lấy đồng là chuyện nguy hiểm đến bang giao hai nước. Thế nên để tránh phiền hà không đáng có, có thể đã dùng tên giả là Dương Không Lộ! Không Lộ, đọc chệch đi chẳng phải là Khổng Lồ đấy ư?
Về sau giặc Nguyên đun kinh đốt sử ta, không loại trừ khả năng hai cái tên thánh tổ từng dùng bị hậu thế hiểu nhầm là hai người khác nhau. Bài Tuý Trước cũng vì thế mà bị hiểu nhầm là bút tích của ông luôn… ”
Hồ Phiêu Hương thốt lên:
“ Thế tức là chúng con đáng lẽ phải tìm tên Dương Không Lộ, chứ không phải Nguyễn Minh Không sao? ”
“ Rất có khả năng này. ”
Hồ Nguyên Trừng nói.
Tạng Cẩu lôi cái trống đồng to bằng quả cau ra, cong ngón tay búng vào mặt trống đánh coong một cái.
Tuy còn xa lắm mới phá giải được bí mật của cái gọi là Chìa Khoá Loa Thành, nhưng… chí ít, cũng đã biết phải bắt đầu từ đâu.
Thì ra…
Hôm đó sau khi bị bắt, giải vào lao ngục, Chu Đệ đã bí mật đến gặp thiền sư Tuệ Tĩnh và tỏ ý sẽ thả ông. Thiền sư già nghĩ một hồi, bèn quyết định diễn vở kịch giả chết với Vĩnh Lạc luôn. Thế nên… mới có tấm vải mang đầy hàm ý như vậy. Chu Đệ có thông minh bằng trời, đọc bài thơ, cũng chỉ biết đấy là Tuý Trước của Hàn Ốc mà thôi. Sao y ngờ được, phía sau hai tám con chữ là cả một đống uyên nguyên sâu xa từ tận thời nhà Lí kia chứ?
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]