Thanh-Mai cười nhạt: - Ta biết tên thực của mi là Đặng Trường. Mi vốn người họ Trần nhà ta, gốc gác sinh trong trang Thiên-trường này. Lúc mi ra đời đúng lúc loạn Thập-nhị sứ quân. Mi vốn có nhiệt tâm với Đại-việt, lớn lên mi lập chí cứu nước, theo Nhật-Hồ lão nhân, đem Hồng-thiết giáo truyền vào Đại-việt. Lão Việt nghe Thanh-Mai nói, y kinh hoảng: - Có lẽ con nha đầu nói thực, chứ không sai. Nhưng tại sao bố nó biết ta ẩn thân ở đây, mà không đề phòng gì cả? Nguyên hôm ở tòa tổng trấn Trường-yên, Thanh-Mai được trình bầy đầy đủ lý lịch mười trưởng lão Hồng-thiết giáo. Trong đó ghi rõ, Đặng Trường hiện ẩn náu ở vùng Thiên-trường. Y học được võ công Đông-a. Vừa rồi nàng thấy lão Việt xử dụng võ công Đông-a, nên đoán già. Không ngờ lại đúng. Đặng Trường đánh ra liền ba chưởng, gió lộng ào ào, hơi tanh bốc nồng nặc, nhiều người muốn buồn nôn. Trần Kiệt võ công cực cao, chưởng lực hùng hậu. Mỗi chiêu ông đánh, khiến cho Đặng Trường gần nghẹt thở. Đúng ra với bản lĩnh của y, chỉ cần mấy chiêu, ông khống chế y dễ dàng. Ngặt vì y dùng độc chưởng. Ông không dám cho hai chưởng chạm nhau. Tự-An kinh ngạc vô cùng, vì những chiêu thức lão Việt đánh ra, đều thuộc võ công Đông-a, nhưng pha lẫn độc chưởng. Đấu được hơn hai mươi chiêu nữa, Đặng Trường bị đẩy lui tới sát chân tường. Hơi thở y dồn dập. Mỗi chiêu Trần Kiệt tấn công, y phải nghiến răng mới đỡ nổi. Trần Kiệt đẩy liền ba chưởng như sóng vỗ vào người y. Y đỡ chưởng thứ nhất, người lảo đảo, lưng y chạm vào tường. Đến chiêu thứ hai, thứ ba. Y nghiến răng đưa hai tay lên trời đỡ. Binh, binh. Y ngã ngửa xuống. Trần Kiệt chụp ngực y liệng ra giữa nhà. Y nằm bất động, miệng ri rỉ chảy máu. Trần Kiệt nhìn mụ Phương hỏi Tự-An: - Đại ca. Việc này để anh giải quyết. Tự-An thở dài: - Chúng ta thuộc giới hào kiệt, học võ để bảo vệ đất nước. Tuy vậy mụ này đã làm vợ ta. Luật lệ không cho ta giết vợ. Vậy hãy đưa mụ lên quan nha, để nơi này xét xử. Cả tên Đặng Trường cũng vậy. Đúng ra với địa vị của Trần Tự-An, ngay cả hoàng đế đương thời cũng phải nể vì. Một tay ông đã giết chết không biết bao nhiêu cường hào, ác bá cùng trộm cướp. Tuy vậy, ông cũng như tất cả danh sĩ thời bấy giờ, có cùng một quan điểm: Phải thượng tôn luật pháp. Nguyên, người Việt bị đô hộ từ sau thời vua Trưng cho tới thời Ngô Quyền, gần một ngàn năm, mới dựng lại được nền tự trị. Tiếp theo bị cái nạn mười hai sứ quân. Vua Đinh dẹp sứ quân chưa được bao lâu thì băng hà. Ngôi vua về Lê Hòan. Võ lâm không phục Lê, nhưng trước hoàn cảnh đất nước lại sắp bị người Tống cai trị. Vạn-Hạnh thiền sư đứng ra triệu tập Anh hùng đại hội tại chùa Tiêu-Sơn, nêu cao chính nghĩa, cứ tạm thời giúp Lê đánh Tống, rồi bắt Lê phải thi hành một chính sách thương yêu dân. Các đại tôn sư võ học cùng thề với nhau rằng, dù triều đình nào của người Việt cai trị, mọi người cũng phải tuân theo luật nước. Chính vì vậy mà Tịnh-Huyền, Huệ-Sinh bị một viên quan nhỏ bé bắt giam, hai người cũng để cho họ giam, chờ đem xử. Bây giờ, rõ ràng mụ vợ gian manh, đanh ác, thêm người đầy tớ phản bội. Đúng ra Tự-An cho mỗi người một kiếm, như vậy thực giản dị. Nhưng ông muốn chứng tỏ rằng mình thuộc người thượng tôn luật pháp, nên giao vợ cũng như tên nô bộc cho quan huyện địa phương. Ông quay lại bảo Thanh-Mai: - Việc dơ bẩn này, bố không thể dính dáng vào. Chú Kiệt của con, thân phận cao qúi biết dường nào, càng không nên động đến. Vậy con hãy thẩm vấn chúng xem, chúng mưu đồ gì khi ẩn thân trong trang của ta. Nói rồi ông hướng vào các sư đệ, đệ tử: - Chúng ta tạm giải tán. Đợi cho bố với các sư thúc ra rồi, Thanh-Mai nói với Mỹ-Linh: - Sư muội. Chị tuy lớn vai hơn em, nhưng chưa chính thức. Em là công chúa, em có thể truyền lệnh cho quan nha. Em lo dùm chị. Mỹ-Linh biết Thanh-Mai khó có thể thẩm vấn mụ Phương. Trong trường hợp này, nàng phải ra tay. Nàng cầm bút viết mấy chữ, rồi trao cho một tráng đinh: - Sư huynh. Tôi nhờ sư huynh mang đùm thư này cho quan huyện Thiên-trường. Xin sư huynh lên đường ngay. Tráng đinh vâng dạ, lấy ngựa lên đường. Từ trang Thiên-trường, tới huyện nha không xa. Tráng đinh đi một lát, trở về cùng với một trung niên nam tử, trong sắc phục huyện lệnh. Viên huyện lệnh từng về phủ Khai-quốc vương họp nhiều lần. Y đã biết công chúa Bình-dương con Khai-thiên vương, được chú là Khai-quốc vương nuôi, yêu thương, sủng ái cực kỳ. Y quỳ gối hành lễ: - Tiểu nhân Trần Thông, huyện lệnh Thiên-trường xin tham kiến công chúa điện hạ. Mỹ-Linh để cho Trần Thông hành lễ xong, nàng truyền lệnh: - Đêm khuya, tôi có việc trao cho huyện lệnh. Vì đây thuộc nhiệm sở của người. Nàng tóm lược sơ sài vụ Đặng Trường với mụ Trần-thị Phương cho Trần Thông nghe, rồi nói: - Tôi xin được ngồi dự thính huyện lệnh xử vụ này. Trần Thông vâng dạ. Y nói với Thanh-Mai: - Nhân danh Đại-Việt hoàng đế. Nhân danh Khai-quốc vương, bản chức tuyên mượn Thủy-các này làm công đường. Tất cả những người có mặt đều là nhân chứng. Trần Thông khoan thai thẩm vấn Đặng Trường, cùng Trần-thị-Phương. Bằng một phương pháp tỷ mỷ, ông phanh ra tất cả những bí mật bao trùm trong trang Thiên-trường bấy lâu. Đặng Trường nguyên xuất thân con nhà danh gia trong phủ. Bố mẹ họ Trần. So gia phả, y ngang vai với Trần Tự-An. Thủa nhỏ y học rất giỏi, lại có chút lòng son với đất nước. Y vốn nghe tiếng Nhật-Hồ lão nhân là đệ tử của giáo-chủ Hồng-thiết bên Tây-dương Xích Trà-Luyện. Vì vậy y hằng ước ao bái kiến lão làm sư phụ. Duyên may dun dủi, y được gặp lão. Lão thu nạp y làm đệ tử. Y bỏ nhà, trốn theo lão phiêu bạt sang Trung-nguyên. Trong thời gian ở Trung-nguyên, y được gần Đông-Nhật lão nhân. Giữa sư thúc, sư điệt rất tương đắc. Nhật-Hồ lão nhân rời Trung-nguyên về Đại-Việt, mong bành trướng thế lực. Đặng Trường được sư phụ mang theo cùng với Vũ Nhất-Trụ, Phạm Trạch. Lúc bốn thầy trò về đến nơi, gặp đúng lúc thịnh thời Ngô vương. Ngô vương qua đời, loạn Thập-nhị sứ quân nổi lên. Trong nước cực kỳ hỗn loạn. Vì vậy thầy trò Nhật-Hồ lão nhân gặp thời. Lão mang lý thuyết Hồng-thiết kinh ra giảng cho dân chúng: Không vua, chẳng chúa. Thần, thánh, tiên Phật đều láo hết. Trên đời chỉ có thánh Mã Mặc, Lệ Anh. Của cải trong thiên hạ thuộc mọi người. Dân chúng theo Hồng-thiết giáo rất đông. Bốn trong mười hai sứ quân, theo Hồng-thiết giáo. Nhật-Hồ lão nhân được tôn như bậc thánh. Sau vua Đinh diệt các sứ quân. Hồng-thiết giáo bị truy lùng rất gắt. Hơn hai mươi năm trước, Nhật-Hồ lão nhân qua đời. Đệ tử của lão là bọn Vũ Nhất-Trụ, Lê Ba truyền xây lăng cho lão. Chúng phao rằng lão rất linh thiêng, song ai cũng coi lão như ma như quỷ. Từ đấy không ai biết mười đệ tử của lão ra sao. Khi Thuận-thiên hoàng đế lên ngôi (1010) ban chỉ ân xá. Hồng-thiết giáo lại tái hoạt động, song các trưởng lão vẫn khi ẩn khi hiện. Vì trước kia, Hồng-thiết giáo chủ trương tiêu diệt tất cản các tôn giáo khác. Chỉ Hồng-thiết giáo mới được coi là chính thống. Phật-giáo chủ trương tự giải thoát, giúp người giải thoát. Thì Hồng-thiết giáo chủ trương cần phải đoạt lấy ngôi vua, cai trị thiên hạ. Giáo chúng chỉ tôn thờ hai thánh Mã Mặc, Lệ Anh, tôn trọng chức sắc trong giáo, mà không biết đến trời, Phật, bố mẹ, họ hàng. Cho nên giáo chúng bị Phật, Nho, Lão coi như tà ma ngoại đạo. Tuy vậy Hồng-thiết giáo nêu cao ngọn cờ yêu nước, nên cũng có nhiều người theo. Từ ngày ấy, Hồng thiết giáo bí mật bành trướng. Còn các trưởng lão, ngay Khu-mật viện cũng mờ mịt về hành tung của họ. Võ lâm bí mật quật mồ Nhật-Hồ lão nhân lên, thì trong quan tài chỉ thấy khúc gỗ. Vì vậy có người bảo lão còn sống, ẩn thân đâu đó. Có người nói lão ta hiện ẩn thân trên rừng tu tiên. Có người bảo lão ta chết rồi. Không ngờ hôm nay, một trong mười đại đệ tử của lão ta tên Đặng Trường ẩn thân trong lớp áo gia nhân của đại hiệp Trần Tự-An, bị lộ tung tích. Đặng Trường khai, sư phụ y qui tiên. Hồng-thiết giáo giao cho y ẩn thân trong phái Đông-a trước hết để biết rõ hành tung của phái này. Sau đó dùng độc dược khống chế những người có nhiều thế lực trong phái, rồi một ngày kia, chiếm lấy chức chưởng môn. Trước đây y bịt mặt, giả làm thích khách, xử dụng Chu-sa độc chưởng khống chế thân mẫu Thanh-Mai. Không ngờ bà một lòng, một dạ với chồng với con, thà chịu chết, chứ không chịu nghe lệnh y. Vì vậy bà chết trong đau thương cực kỳ thảm khốc. Khi mụ Trần-thị-Phương vừa về nhà chồng, bị y kiềm chế. Mụ líu ríu tuân theo. Không những mụ không chống đối, mà còn lấy làm khoan khoái, khi gây ra những vụ xáo trộn trong gia đình Tự-An. Mấy hôm trước đây, y nhận được lệnh khẩn cấp của hội đồng giáo vụ trung ương, bằng mọi cách phải giết chết Tự-Mai với Tôn Đản, vì hai người đã luyện Vô-nhân tướng thần công, có thể giải Nhật-hồ độc chưởng. Còn đối với bọn Thanh-Mai, Mỹ-Linh, cần khống chế bằng độc dược. Y vội bỏ thuốc độc thi hành. Không ngờ bị Đỗ Lệ-Thanh khám phá ra. Thấy vậy, y truyền cho mụ Phương giết Tự-Mai với Tôn Đản bằng phương pháp tẩm thuốc độc vào nhẫn, rồi tát nó. Một lần nữa, bị bại lộ. Theo lời y khai, trong phái Đông-a có đến hơn mười đệ tử bị khống chế bằng độc chưởng. Tuy vậy những đệ tử đó địa vị không cao cho lắm. Trần Thông truyền bắt tất cả đem về huyện đường. Y kính cẩn nói với Thanh-Mai: - Khải tấu vương phi. Tên Đặng Trường này rất quan trọng đến vận mệnh xã tắc, tiểu nhân phải khẩn cấp giải y về Thăng-long, giao cho Khu-mật viện. Còn mụ Trần-thị-Phương, chẳng qua bị khống chế, tội cũng không đến nỗi nặng. Y thị chỉ phạm tội lỗi đạo vợ chồng, cần đưa về xã cho hành hình. Thanh-Mai gật đầu: - Điều cần nhất, phải tra xét xem ai đã hại vương phi Khai-thiên vương với phu nhân của Hồng-Sơn đại phu. Trần Thông lại thẩm vấn Đặng Trường. Y nói: - Người hãm hại vương phi Khai-thiên vương không phải tôi. Tôi được lệnh khống chế phái Đông-a. Còn người phụ trách ở Thăng-Long tên Vũ Nhất-Trụ. Còn phu nhân của Hồng-Sơn đại phu tôi không rõ. Mỹ-Linh truyền lệnh: - Ngày mai tôi lên đường về Thăng-long. Tên Đặng Trường võ công rất cao, lại biết xử dụng độc dược, đích thân tôi sẽ giải y về theo. Bảo-Hòa suy nghĩ một lúc rồi nói: - Điều quan trọng nhất chúng ta phải tìm ra tông tích Vũ Nhất-Trụ, cùng hội đồng giáo vụ trung ương. Chúng mới sai người truyền lệnh cho Đặng Trường giết Tự-Mai, Tôn Đản vì hai tiểu sư đệ này đã học được Vô-ngã tướng thần công. Như vậy y chỉ biết Khai-quốc vương, Đản, Mai học được thần công này mà không biết Thiệu-Thái, Mỹ-Linh với Bảo-Hòa cũng học được. Căn cứ vào điều này, chúng ta tìm ra y không khó. Mỹ-Linh lắc đầu: - Em không tin như vậy. Việc chú hai với Tôn Đản, Tự-Mai học Vô-ngã tướng thần công cho đến giờ này chỉ người trong trang Thiên-trường biết mà thôi. Em nghi tên Đặng Trường khai láo, để đánh lạc hướng chúng ta. Bảo-Hòa vụt tỉnh ngộ: - Chị hiểu rồi. Nhất định Hồng-thiết giáo có liên hệ với bọn Tống. Chúng ra lệnh giết Tự-An, Tôn Đản để dằn mặt cậu hai. Hơn ai hết chúng biết hai người này đi với cậu hai mấy tháng liền. Bây giờ xuất hiện phá kế hoạch của chúng. Chúng giết hai người, để cậu hai kinh sợ, chồn bớt ý chí. Còn đối với sư tỷ Thanh-Mai, dĩ nhiên chúng muốn kiềm chế. Chúng cũng muốn kiềm chế em vì biết địa vị em ở Bắc-biên sau này tối quan trọng. Chúng còn muốn kiềm chế anh Thiệu-Thái với Mỹ-Linh vì biết sau này hai người ắt kế nghiệp bố với mạ mạ. Sáng hôm sau, Trần Thông tới trang Thiên-trường rất sớm, xin tấu trình công chúa một việc cực kỳ hệ trọng. Mỹ-Linh truyền mời ông ta vào. Viên huyện lệnh quỳ gối hành lễ: - Khải tấu công chúa điện hạ. Đêm qua, trong thiểm huyện có nhiều biến động khủng khiếp. Thần xin tấu để công chúa tường. - Huyện quan cứ nói. - Khải tấu công chúa, trong xã Yến-vĩ sương sen có án mạng, rất kinh khủng. Bấy giờ đang thịnh thời Thuận-Thiên hoàng đế. Đến đánh chửi nhau cũng hiếm có, chứ đừng nói án mạng. Mỹ-Linh vốn là Phật-tử, nghe vậy nàng ngồi nhỏm dậy: - Ai bị giết? Ai giết người? - Tấu, cả một gia đình gồm vợ, chồng, ba đứa con. Đến súc vật cũng bị giết gồm, một con trâu, một con nghé, một con gà mái, hai mươi con gà chiếp, ba con chó, hai con mèo, tám con vịt. Kẻ giết không biết ai. Nhưng hung thủ vô tình đánh rơi chiếc mũ tu lờ lại. Như vậy có thể y là nhà sư. Huyện quan trình ra cái mũ tu lờ. Thấy chiếc mũ, Tự-Mai, Tôn Đản nhìn nhau. Cả hai ngơ ngẩn cả người ra. Mỹ-Linh không thấy cái khác lạ trên mặt hai sư đệ. Nàng hỏi: - Nạn nhân tên gì? - Y tên Đặng Đức-Cần. Nghe nói đến tên Đặng Đức-Cần, Tôn Đản, Tự-Mai đưa mắt nhìn nhau. Vì hai đứa đã thấy y trong nhà mụ Anh-Trần. Bởi y có cái đầu bò liếm, trán dô, mắt cá chuối, răng hô, tiếng nói như vịt đực. Tự-Mai hỏi: - Thưa huyện quan, họ bị giết bằng kiếm, hay bằng chưởng? - Mỗi người, mỗi thú bị giết không giống nhau. Tên Cần bị cắt lưỡi. Cái... cái... bị cắt, nhưng lại nhét vào miệng y. Tự-Mai hiểu rằng Trần Thông định nói dương vật tên Cần bị cắt, rồi nhét vào chính miệng y. Nhưng vì tâu như thế e bất nhã trước công chúa. Nên Thông ấp úng. Tính tò mò, Tự-Mai hỏi: - Vợ y bị giết như thế nào? - Y thị bị một cây tre lớn hơn cổ tay, vót nhọn, đâm vào âm hộ, xuyên lên đến cổ. Nói đến đây, viên huyện quan rùng mình, rồi tiếp: - Một đứa con trai bị chặt làm hai khúc. Một đứa bị chẻ dọc làm đôi. Đứa con gái bị treo cổ. Mỹ-Linh thấy truyện ly kỳ. Nàng hỏi: - Còn thú vật, bị giết ra sao? - Trâu, nghé bị chặt hết bốn chân. Lúc tiểu nhân đến khám nghiệm, chúng vẫn còn thở. Chó bị cắt đầu. Mèo bị xé làm đôi. Gà bị cột cổ thành xâu, treo trên ngọn tre. Vịt bị chặt hết chân, cánh. Nghe huyện quan nói, Mỹ-Linh đưa mắt nhìn Thanh-Mai. Vì trước đây người ta nói rằng, bất cứ kẻ nào gây hấn với phái Đông-a. Đại-hiệp Trần Tự-An sẽ giết cả nhà, luôn cả chó, mèo, gà, vịt cũng không tha. Biết ý Mỹ-Linh, Thanh-Mai lắc đầu: - Mỹ-Linh đừng hiểu lầm. Phụ thân chị định trừng phạt kẻ nào, ông sẽ để tên lại phạm trường, cho người khác kinh sợ, chứ không bao giờ làm truyện dấu diếm như vậy. Mỹ-Linh cũng nhận thấy thế. Nếu Tự-An thù tên Đặng Trường, với mụ Phương. Hôm qua ông đã giết chết tại chỗ, việc gì phải trao cho quan nha. Mỹ-Linh bảo huyện quan: - Huyện quan truyền cho xã chôn cất, tiếp tục điều tra, rồi trình về phủ Khai-quốc. Trần Thông đi rồi, Tự-Mai đưa chiếc mũ tu lờ ra nói: - Chiếc mũ này của nhà sư ấy. Tất cả mọi người đều đưa mắt nhìn Bảo-Hoà. Bảo-Hoà cầm lấy mũ coi lại, thì đúng chiếc mũ của nhà sư trẻ theo sát, giúp đỡ bên nàng lâu nay. Tự-Mai vốn có cảm tình với nhà sư, nó nói: - Anh ấy hành sự kỳ bí. Võ công tuyêt cao. Nhất định tên Đặng Đức-Kềnh phải phạm tội nặng lắm, mới bị xử như vậy. Chúng ta chẳng nên thắc mắc làm gì. Xã Hải-lộ có hai chợ. Một chợ họp hàng ngày, vào buổi sáng sớm. Ban mai, ánh sáng lờ mờ, người ta đã tới chợ đông đảo. Khi mặt trời lên cao, chợ thưa dần. Còn chợ chính, nằm ngay trước đình làng. Chợ họp hàng ngày, từ sau Ngọ, nhưng lưa thưa, rất ít người, gọi là chợ hôm. Phiên chợ của xã có hai ngày, ngày một và tám. Hôm nay, ngày mười bẩy, còn một ngày nữa mới tới phiên chợ. Thế mà sáng sớm, dân chúng đã tụ hội đông đảo. Già , trẻ, lớn bé lũ lượt kéo nhau đến chợ. Người ta cho biết, hôm qua cụ tiên chỉ cùng chức sắc đã họp để xử tội con gái trong xã làm bại hoại luân thường. Người bị bị xử tên Trần-thị Phương, được gả làm phu nhân trang chủ Thiên-trường. Nhưng mới đây mụ phạm ba trong bẩy tội của Thất xuất. Quan huyện truyền đem mụ về xã, để trong xã xử tội, làm gương cho con gái. Đúng giờ Thìn, ba hồi trống chấm dứt, ông trương-tuần đi trước, lưng đeo bảo đao. Phía sau bốn tráng đinh, giải mụ Trần-thị-Phương, tay bị trói giật cánh khỉ ra giữa chợ. Họ trói mụ vào cây cột đã đóng sẵn từ bao giờ. Tuy là công chúa, thuộc lầu luật lệ Đại-Việt, nhưng Mỹ-Linh chưa từng được xem xã xử tội nhân vi phạm thuần phong mỹ tục bao giờ. Nàng đề nghị Thanh-Mai, Bảo-Hòa giả trang làm người nông dân, trà trộn vào dân làng để xem cuộc hành hình. Một thiếu nữ thở dài: - Con mụ Phương này, nhan sắc đã không ra gì. Tài năng nội trợ càng tồi tệ. Thế mà không hiểu tại sao một người như ông Trần Tự-An lại cưới mụ về làm chi? Một thiếu nữ khác xì một tiếng: - Chị mà biết gì. Tự ông tới tuổi ngũ tuần, không muốn lấy vợ quá trẻ. Ông tìm người có tuổi mà cưới. Xét ra chỉ có mụ ta, trên ba mươi tuổi chưa lấy chồng mà thôi. Một thanh niên lớn tuổi nói: - Đúng ra ông sẽ cưới con nhà danh giá. Nhưng ông cho rằng lấy một người dốt nát, rồi về ông dạy dỗ mấy hồi. Có ngờ đâu, ông lấy phải cái thứ quá ngu dốt, không biết thế nào là phải, thế nào là trái. Vì vậy ông nói gì mụ cũng không nghe. Một ông già tiếp: - Lỗi lầm của ông, khi đệ tử, con, cháu đều nhiều kiến thức. Ông đem mụ về đặt lên trên. Mụ vừa ngu vừa dốt, ương ngạnh, bởi vậy mới xẩy ra truyện hôm nay. Đến đó mọi người ngừng bàn tán. Ông lý trưởng đứng giữa chợ, tay cầm tờ giấy, ghé miệng vào loa nói: - Trình quan viên hàng xã. Hôm qua xã đã họp để xử Trần-thị Phương. Hôm nay tôi xin đem thi hành hương quyết. Ông ngừng lại kể tội thứ nhất của mụ là điêu ngoa, ác độc với con chồng. Thứ nhì lắm lời, cãi chồng. Thứ ba hiệp đảng với gian nhân. Đúng ra tội này, mụ bị tùng xẻo, nhưng vì xã không được quyền xử tử, nên chỉ có thể phạt tối đa ba tội một lúc. Một, nọc xuống đánh ba mươi roi. Hai, gọt đầu sơn vôi. Ba, thả bè trôi sông. Dân chúng vỗ tay hoan hô vang dội. Trương tuần cho tráng đinh nọc mụ ra, dánh đủ ba mươi roi. Roi đánh bằng mây, chỉ đau mà không sợ chết. Mụ Phương quằn quại dẫy dụa, chịu đủ ba mươi roi. Tiếp đến, người ta mang dao kéo ra cạo hết tóc mụ. Đầu mụ trọc lóc. Một tráng đinh mang ra bình vôi, lấy vôi trát lên đầu. Vì khi cạo tóc, lưỡi dao làm cho da đầu bị rách nhiều chỗ. Vì vậy khi bôi vôi lên, mụ đau xót rên la. Tiếp đến, ba bà già bước ra. Một bà bưng bát gạo, một bà bưng bát muối. Một bà lấy lá lót tay, rồi cầm tay mụ Phương dắt đi. Miệng bà lẩm nhẩm đọc một những gì Mỹ-Linh không nghe rõ. Thanh-Mai giải thích: - Dân chúng trong làng tin rằng mụ Phương là con ma, con quái đầu thai làm hại làng. Vì vậy dùng muối với gạo rắc lên bước chân mụ đã đi qua, như vậy ma quái không trở lại nữa. Còn một bà cụ nắm tay thị dắt đi ra bờ sông. Vì coi mụ như một thứ dơ bẩn, cần lót lá mà nắm tay, nếu không cái dơ từ tay mụ truyền qua. Tới bờ sông đã có cái bè chuối để đó từ bao giờ. Mụ Phương bị dắt xuống bè. Trên bờ trống đánh liền ba hồi, người ta xô cái bè ra xa. Nước sông đang chảy xiết, cái bè trôi đi liền. Thanh-Mai giải thích: - Bè chở mụ ấy, dạt vào xã nào, xã ấy phải đem mụ lên, dùng làm tôi tớ, chuyên quét chợ, hoặc gả cho thằng mõ làng. Thanh-Mai trở về trang Thiên-trường, trời đã quá Ngọ. Đại hiệp Trần Tự-An dặn con: - Con sinh ra làm gái. Nhưng bố tạo cho con cái chí khí nam nhi. Với tái trí của con, e khó có người vựơt qua. Con cùng với hai chú đi lên vùng Mê-linh tiếp xúc với phái Tản-viên, mục đích lo bảo vệ đất nước. Con đừng nên vì tình cảm riêng tư, mà làm trái với lời bố dạy. Bố nói ít. Con hiểu nhiều. Thanh-Mai biết bố nhắc mình không nên vì Khai-Quốc vương, làm trái quyết định của môn phái. Nàng kính cẩn nghe lời, mà trong lòng chua xót. Có tráng đinh phi ngựa khẩn cấp từ cổng trang vào. Y xuống ngựa hành lễ với Trần Tự-An: - Trình chủ nhân, ngoài cổng trang có một cô gái, mặt che bằng một vuông lụa xin được gặp chủ nhân. Tiểu nhân hỏi tên họ, cô ta nhất định không chịu khai. Sau cùng cô ta đưa cái hộp này cho tiểu nhân, rồi dặn rằng trình chủ nhân. Tự-An mở nắp hộp ra, bên trong hộp có một cái vòng bằng ngọc mầu xanh biếc. Thanh-Mai bật lên tiếng kêu kinh ngạc. Vì cái vòng đó trước đây thân mẫu nàng thường đeo. Lúc sắp qua đời, bà tháo đưa cho bố nàng, dặn rằng: " Đây là chiếc vòng anh dẫn lễ hồi cưới em. Không thể chôn theo em được. Vì chôn theo, hồn em không siêu thoát được. Anh hãy cất đi. Khi em chết rồi, hồn em sẽ theo bên cạnh anh, phù hộ cho anh gặp được một giai nhân tài sắc vẹn toàn. Khi anh gặp người như anh ước mơ, anh đem vòng ngọc này tặng nàng. Như vậy em biết anh yêu thương người ấy. Em sẽ giữ gìn nàng, phù hộ nàng thành kế thất của anh." Sau này đại hiệp Tự-An cưới mụ Trần-thị Phương. Thanh-Mai không thấy mụ đeo chiếc vòng này. Nàng hỏi bố, đại hiệp Tự-An im lặng không trả lời. Bây giờ thấy lại chiếc vòng cũ, nàng kinh ngạc đưa mắt nhìn bố như dò hỏi nguyên do. Đại hiệp Tự-An thấy chiếc vòng, tay ông cầm lên mà hơi run run. Thiên-trường tứ kiệt cũng như Thanh-Mai thấy ông có cử chỉ tỏ ra cực kỳ súc động, điều mà chưa từng ai thấy ở ông bao giờ. Vì vậy không ai dám lên tiếng hỏi. Tự-An vẫy tay ra hiệu cho tráng đinh loan tin, rồi ông vọt lên mình ngựa của y phi ra cổng trang. Tới cổng, ông nhảy xuống ngựa, hỏi tráng đinh canh cổng: - Vị cô nương đó đâu? Tráng đinh chưa kịp trả lời, có tiếng nói trong như sương mai, ngọt dịu như cam thảo: - Em đây! Một thiếu nữ thân hình mảnh mai đứng núp sau bụi hoa nhài chạy lại ôm chầm lấy Tự-An. Tự-An quên mất thân phận mình là một đại tôn sư võ học vang danh thiên hạ, trước mặt còn tráng đinh, đệ tử. Ông cũng ôm lấy thiếu nữ. Nàng khóc trong cơn nghẹn ngào: - Em...em tưởng kiếp này không gặp lại anh nữa. Rồi nàng nấc lên, trong khị vẫn gục đầu vào vai Tự-An. Tự-An khẽ gỡ khăn lụa che mặt nàng ra, tất cả tráng đinh, đệ tử đều bật lên tiếng ồ đầy vẻ kinh ngạc. Họ kinh ngạc là phải, vì lần đầu tiên họ thấy vị đại tôn sư bộc lộ tình cảm một cách mãnh liệt, lộ liễu trước mặt mọi người. Vì thời bấy giờ, ngay vợ chồng cũng không thể nắm tay nhau trước mặt mọi người, chứ đừng nói ôm nhau. Lý do thứ hai họ kinh ngạc, vì thấy thiếu nữ ôm lấy Tự-An gọi bằng anh, ít ra cũng trên ba mươi tuổi. Nào ngờ khuôn mặt nàng quá trẻ, lại đẹp như tiên nữ. Cách đây hơn năm, nhân có việc qua Thăng-long, đại hiệp Trần Tự-An cùng một người bạn vốn là danh sĩ đế đô tên Chu Anh, thả con thuyền trên sông, uống rượu thưởng trăng. Khoảng gần giờ Tý, thuyền đi vào vùng Từ-ninh, ánh trăng chiếu xuống sáng vằng vặc. Sông Hồng nước chảy mầu đỏ tươi như máu. Chu Anh cho thả neo, rồi hai người đem rượu, hoa quả ra, vừa uống vừa nói truyện thế tục. Giữa lúc hai người đang vui truyện, thì đâu đó vẳng lại tiếng đàn, âm điệu thanh tao nhẹ nhàng. Chu Anh sẽ ra hiệu cho bạn im lặng để thưởng thức âm thanh kỳ diệu. Tiếng đàn đang êm đềm như sóng nước hồ thu, như thiếu nữ đang đu xuân. Bỗng dồn dập, rồi chuyển sang buồn bã, nức nở như thiếu phụ phòng không, than khóc cho duyên phận. Tự-An là người bác học, đa năng không học thuật nào ông bỏ qua. Duy có một điều ông không thông, không hiểu gì về âm nhạc. Thế nhưng khi nghe tiếng đàn, giọng hát, ông dễ bị cảm xúc theo âm điệu nhất. Bản đàn đứt, ông hỏi bạn: - Bản nhạc vừa rồi tên gì nhỉ, mà tôi chưa từng nghe qua? Chu Anh đáp: ⬔Bản này tên Xuân dạ Việt-nữ chiến Trường-an. Tác giả tên Nguyễn Giao-Chi, một nữ anh hùng thời Lĩnh-nam. Tự-An gật đầu: - À bản này có lai lịch rất hùng tráng. Nguyên vào thời Lĩnh-nam, lúc Trần Tự-Sơn bị Quang-Vũ bắt giam ở Trường-an. Bắc-bình vương Đào Kỳ, cùng vương phi Nguyễn Phương-Dung đem anh hùng đi giải cứu. Trên đường từ Phù-phong đi Trường-an, Nguyễn Giao-Chi đã sáng tác bản này. Cho nên âm điệu hùng tráng thì có hùng tráng, buồn thì cũng có vẻ buồn. Người đánh bản đàn này, ắt phải có kiến thức đây. Bỗng có tiếng phách, tiếng đàn đáy cùng tiếng hát vọng qua. Hai người lắng tai nghe: Lĩnh-Nam là đất anh hùng, Vua Bà ngự trị, một lòng thương dân. Mê-linh khởi nghĩa, Ánh trăng soi, lửa chiếu đến ngang trời. Vua Bà cầm bảo kiếm, quyết một lời: Thề đem sức, giúp đời dành tự chủ. Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, Lưu thủ đan tâm chiếm hãn thanh. Khi đuổi giặc, rồi thì đất tổ thái bình, Đem tất cả hùng tài dựng lại nước. Tài không thiếu, đức cũng đủ, dư thừa phương lược, Chỉ hiềm vì, thế nước đã suy vi, Cẩm-khê sóng cả bốn bề, Anh hùng gieo xuống, hồn về cỏi tiên. Nghìn năm lịch sử ghi tên. Tự-An ngơ ngác hỏi Chu Anh: - Chu huynh, điệu hát này là điệu gì, tôi chưa từng nghe qua? Tôi chỉ phân biệt được hai câu đầu ngâm theo lối Sa-mạc. Còn lại thì mù tịt. Chu Anh trả lời bằng cái lắc đầu. Hai người hướng mắt nhìn theo nơi phát ra tiếng hát, nơi đó có một con thuyền nhỏ, đang để trôi theo giòng. Bỗng trên thuyền lại vang lên tiếng hát vọng buồn não nuột. Tiếng hát vừa cất cao, lập tức bị cắt đứt, thay vào đó bằng tiếng hét lanh lảnh, đầy vẻ khủng khiếp, rồi có tiếng la: - Cứu tôi với! Tiếng la bị gián đọan bằng tiếng ú ớ, rõ ra tiếng đàn bà bị bịt miệng. Tự-An bảo phu đò: - Mau chèo thuyền lại phía con đò nhỏ cho ta. Thuyền lao tới con đò nhỏ. Có tiếng nói lớn: - Thuyền ai kia, mau ngừng lại. Đừng dại can thiệp vào truyện của bang Hồng-hà mà mất mạng. Tự-An nhún mình một cái, ông đã nhảy sang con đò nhỏ. Một người tầm thước trên đò vung đao chém ông. Còn ở trên không, ông phóng một chưởng hướng người ấy. Người ấy bay bổng lên không rơi tòm xuống nước. Tự-An đã đáp nhẹ nhàng trên con đò nhỏ. Hai người khác từ trong lòng đò chui ra, vung đao tấn công ông. Ông dơ tay phẩy nhẹ một cái, đao người nọ chém vào đao người kia. Cả hai ngơ ngác ngẩn người ra. Một tên hỏi: - Người là ai? Phải chăng người thuộc phái Đông-a? Tự-An chụp cổ hai tên liệng xuống sàn thuyền, ông dẫm chân lên ngực chúng, rồi hướng vào trong đò hỏi: - Dám hỏi vị nào là chủ đò? Tại hạ Trần Tự-An phái Đông-a cứu viện trễ, làm các vị kinh hoàng, thực có lỗi. Ánh đèn trong đò cùng ánh trăng chiếu sáng, hiện ra một trung niên nam tử, mặt đẹp như ngọc tuổi khoảng bốn mươi lăm, bốn mươi sáu. Cạnh ông một thiếu phụ tuổi khoảng bốn mươi, dáng người thanh nhã, khuôn mặt thanh tú, cử chỉ mềm mại. Phía sau, một thiếu nữ tuổi khoảng mười bẩy, mười tám. Nàng cúi đầu trong thuyền, vì vậy ông không nhìn rõ mặt. Trung niên nam tử chắp tay hướng Tự-An: - Đa tạ đại hiệp cứu viện. Nếu không chúng tôi đã bị giết chết trên sông này rồi. Tôi họ Đào, tên Phúc. Vợ tôi tên Bích-Lân. Chúng tôi đều làm nghề ca hát trong thành Thăng-long. Tự-An à lên một tiếng: - Thì ra hai vị nổi danh Phúc-Lân song phụng đấy. Tại hạ ở Thiên-trường từng nghe danh hai vị nức tiếng Long-thành vì có giọng hát không thua gì Trương Chi. Tại hạ thầm ước ao có ngày được diện kiến, không ngờ duyên may dun dủi, lại gặp hai vị trên sông Hồng. Đào Phúc hướng vào trong khoang thuyền gọi: - Hà-Thanh, con mau ra tạ ơn đại hiệp cứu mạng đi. Thiếu nữ từ trong thuyền bước ra, nàng cúi đầu hành lễ: - Đa tạ Trần đại hiệp cứu mạng. Ơn này nguyện khắc cốt ghi tâm. Chu Anh cho hai con thuyền kè sát vào nhau. Ông chắp tay: - Anh em chúng tôi ngồi trên thuyền uống trăng, hãm rượu, nói truyện cổ kim. Bỗng đâu tiếng hát Song Phụng vọng qua, làm cho hồn phách như lên tiên. Nào mời hai vị cùng cô nương Hà-Thanh sang bên này, chúng ta đàm đạo. Tự-An hỏi hai tên đạo tặc: - Chúng bay tên gì, mau khai ra. Vừa hỏi, ông vừa vận sức vào chân. Hai tên đạo tặc đau quá, rên rỉ. Một tên nói: - Tiểu nhân tên Công. Còn người này tên Du. Bọn tiểu nhân thuộc bang Hồng-hà. - Các người lên con đò này, với mục đích gì? Do lệnh của ai? - Thưa, bọn tiểu nhân được lệnh bang chủ theo dõi cô nương Hà-Thanh từ hơn tháng nay. Bang chủ ra lệnh cho bọn tiểu nhân phải bắt cóc, đem về tổng đường. Hôm nay bọn tiểu nhân mới ra tay. Trần Tự-An đã nghe nói nhiều về bang Hồng-hà. Chúng làm ăn trên suốt giải sông Hồng, sang sông Cầu, sông Đuống. Dân thuyền chài đánh cá, dân buôn gỗ từ mạn ngược về, dân buôn trên sông đều phải phục tùng, nộp thuế cho chúng. Bằng không khó mà yên ổn làm ăn. Bang chủ là ai, ông chưa từng nghe qua. Chỉ biết y gốc người Hoa, võ công rất cao cường. Ông cùng các sư đệ có ý tiễu trừ bọn chúng. Nhưng bang chúng rất khôn khéo, không bao giờ họ đụng chạm với người của sáu đại môn phái Lĩnh-nam. Chúng lại càng tránh không đụng tới quan binh. Vì vậy bang chúng ngày càng đông, thế lực càng mạnh. Trần Tự-An suy nghĩ rất nhanh: - Muốn diệt trừ một đảng cướp lớn như bang Hồng-hà, một mình ta không thể làm nổi. Ta cần bàn với các sư đệ, cùng chưởng môn nhân đại môn phái xem sao đã. Vì vậy ông ôn tồn bảo hai tên lâu la: - Hai người về nói với bang chủ rằng Trần Tự-An phái Đông-a cấm chỉ bang chúng không được làm khó dễ Song-Phụng đất Thăng-long. Dù các người chỉ đụng đến sợi tóc cô Hà-Thanh, ta sẽ giết toàn bang không sót một người, dù con gà con chó cũng không tha. Nói rồi ông vẫy tay một cái, hai tên cướp rơi tòm xuống sông. Chúng lặn đi mất tăm. Thời bấy giờ, trên toàn đất Đại-Việt có hàng trăm bang hội, hàng chục môn phái nhỏ. Bang nào, môn phái nào cũng có đệ tử, gây ảnh hưởng trong vùng. Tự nhiên họ tạo ra luật lệ không thành văn riêng biệt gọi là luật Võ-lâm. Dù bang nào lớn, mạnh đến đâu, dù phái to đến mấy cũng không được vi phạm luật lệ đó. Chủ trương của mỗi bang, mỗi phái có nhiều điều khác biệt. Trong các phái, sáu phái lớn nhất, đã thành lập từ lâu, đào tạo nhiều đệ tử làm lên sự nghiệp hển hách, đó là phái Tiêu-sơn, Mê-linh, Đông-a, Tản-viên, Sài-sơn, và Tây-vu. Cổ nhất phải kể phái Sài-sơn, do Phù-Đổng thiên vương sáng lập. Ngài được toàn quốc tôn làm bậc thánh. Khi còn sinh thời, ngài đã làm lên công nhiệp kinh thiên động địa. Một người, một ngựa, dùng gậy sắt phá giặc Ân. Sau đó ngài ẩn trên núi Sài-sơn dạy đệ tử, lưu truyền đến nay. Ngài được tôn làm thánh, vì sau khi qua đời, ngài rất linh thiêng. Dân Việt thường gọi ngài bằng nhiều từ ngữ khác nhau như Thánh Dóng, Thiên-vương hay Phù-Đổng Thiên-vương. Phái Sài-sơn không chỉ học võ, mà còn học cỡi ngựa, trồng cấy, Thiên-văn, Lịch-số, kể cả nấu ăn. Tôn chỉ của phái này, lấy việc phù trợ quốc gia làm chính. Tổng đàn đặt trên núi Sài-sơn. Hồng-Sơn đại phu hiện làm chưởng môn phái này. Nhưng ông lại không ở trên tổng đàn. Tiếp theo, đến gần cuối đời Hồng-bàng, vua Hùng gả công chúa cho phò mã Sơn-Tinh. Sơn-Tinh đem công chúa lên núi Tản-viên hưởng thanh phúc. Ngài cũng được tôn làm thánh, dân chúng thường gọi ngài là thánh Tản-viên. Ngài tuy được tôn kính, song chỉ về phương diện tôn giáo, vì ngài rất linh thiêng. Thế kỷ thứ bẩy, linh khí đất Việt bốc lên chín từng mây. Quan thái sử lệnh tâu lên vua Đường. Nhà vua sai một người giỏi bậc nhất về phong thủy sang làm An-nam đô hộ phủ với lời dặn rằng phải ếm tất cả những linh khí đất Việt, cùng phá các thế đất phát đế vương đi. Cao Biền hoàn thành sứ mệnh khắp nơi. Chỉ duy có núi Tản-viên, y ếm mà không thành công. Y bị thánh vật, súyt mất mạng dưới chân núi. Đương thời thánh Tản-Viên thu dụng, cùng đào tạo đệ tử rất đông. Vì vậy các đời sau lấy tên núi Tản-viên gọi môn phái này. Phái Tản-viên lấy tôn chỉ khuông phù chính nghĩa, diệt trừ kẻ ác, cứu khốn phò nguy. Thời Lĩnh-nam, vua Trưng xuất thân phái Tản-viên, mà thành đại nghiệp. Chưởng môn phái Tản-viên hiện là Đặng Đại-Khê. Tổng đàn đặt trên núi Tản-viên. Phái Tây-vu được thành lập vào thời Lĩnh-nam ( 39 sau Tây-lịch). Sự thực lúc đầu, 72 động vùng Tây-vu, Thiên-sớ của các bộ lạc ít người như Thái, Mán, Mường, Nùng, Tày, Mèo, đại hội, bầu Hồ Đề làm thống-lĩnh đặt tên chung 72 động là Tây-vu. Trong cuộc khởi binh của vua Trưng, đệ tử Tây-vu đóng một vai trò cực kỳ trọng yếu. Sau khi vua Trưng tuẫn quốc, họ còn kháng chiến, tự lập thành những tiểu quốc gia riêng biệt, không chịu thống thuộc chính quyền Hán. Trải qua nghìn năm Bắc thuộc, cho đến đầu đời Lý (1010) tổng cộng còn 207 tiểu quốc, sử gọi là Khê-động. Phái Tây-vu hiện do Thân Thừa-Qúi, phò mã của Thuận-thiên hoàng đế làm chưởng môn. Nhưng người làm vua Bắc-biên của 207 khê động là Lĩnh-nam bảo quốc, hòa dân công chúa, con gái thứ nhì của Thuận-thiên hoàng đế, tức vợ của Thân Thừa-Qúi. Tổng đàn của phái này đặt ở núi Hoàng-liên-sơn. Phái Mê-Linh, mới được thành lập vào thời vua Đinh Tiên-Hoàng. Nguyên sau khi vua Trưng tuẫn quốc, các tướng sĩ ẩn thân vào dân chúng tiếp tục luyện võ dạy đệ tử, đợi một mai khôi phục đất nước. Phải đợi cho đến thời vua Đinh, Hoa-Minh thần ni, mới viết thư mời tất cả các chi phái nguồn gốc từ thời vua Bà lại họp, lập ra phái Mê-linh. Họ bao gồm đệ tử phái Long-biên, Hoa-lư, Cửu-chân, Khúc-giang, Quế-lâm thời Lĩnh-Nam. Tôn chỉ của phái này thu gọn lại sáu chữ bảo quốc, trấn bắc, bình nam. Tổng đàn hiện đặt ở núi vua Bà hay Mê-linh. Chưởng môn là sư thái Tịnh-Tuệ. Phái Tiêu-sơn được thành lập từ khi Tỳ-ni Đa-lưu-chi sang Lĩnh-nam. Ngài dạy Thiền-công cho tổ sư Pháp-Hiền. Thiền công gốc ở cửa Phật. Còn ngoại công lại do một tục gia đệ tử tên Trần Tự-Viễn sáng chế ra. Phái Tiêu-sơn coi như được lập vào thế kỷ thứ sáu. Trải qua bao thế hệ, sản xuất nhiều cao tăng đắc đạo. Đến đời Bồ-tát La Quý-An, ngài mới chủ trương can thiệp vào việc đời, lập lại nước Việt. Cho nên lịch sử Việt dùng danh từ Thầy tăng mở nước để nói về các ngài. Tổ thứ mười hai là Vạn-Hạnh thiền sư, chủ trương đó mới thành công. Vua Lê Đại-Hành, đại đệ tử của ngài có chiến công đánh Tống, bảo vệ đất nước. Đệ tử khác của ngài là Lý Công-Uẩn lập ra triều Lý, tức Thuận-thiên hoàng đế. Tổng đàn của phái Tiêu-sơn đặt tại chùa Tiêu-sơn. Chưởng môn hiện là Minh-Không thiền sư. Ngài giữ nhiệm vu Quốc-sư tức thầy của nhà vua. Mới nhất, phái Đông-a. Tổ của phái Đông-a là Trần Tự-Viễn, nhân học Thiền-công nhà Phật của phái Tiêu-sơn, rồi chế ra ngoại công. Ông chính là tổ sư ngoại công của phái Tiêu-sơn. Ông rời chùa Tiêu-sơn về Thiên-trường lập ra phái mới. Trong chữ Hán, chữ Đông với chữ A hợp lại thành chữ Trần. Vì vậy phái này mang tên Đông-a. Chủ trương của phái Đông-a bao gồm Bảo vệ đất nước, duy trì công đạo, cứu khốn phò nguy. Chưởng môn hiện là Trần Tự-An. Trong sáu phái, có năm vị nổi tiếng Đại-Việt ngũ long là Minh-Không, Đặng Đại-Khê, Hồng-Sơn đại phu, sư thái Tịnh-Tuệ, và Trần Tự-An. Năm người như ông vua không ngai. Võ công, kiến thức cao không biết đâu mà lừơng. Võ lâm Hoa-Việt nghe đến tên vừa kính, vừa sợ. So về thực lực, phái Tiêu-sơn mạnh nhất rồi đến phái Đông-a. Khi chưởng môn phái Tiêu-Sơn phán một câu, không ai mà không cúi đầu tuân phục. Thứ đến phái Đông-a, có đến năm đại cao thủ ngang nhau. Họ rất đạo đức, song không ai dám đụng vào phái này. Chỉ cần gây oán với họ, thì coi như cuộc đời không bao giờ yên ổn. Hôm nay, Trần Tự-An đưa ra lời cấm đụng vào Long-thành Song-Phụng cùng Đào Hà-Thanh. Hai tên cướp nghe tên ông mà kinh tâm động phách. Tuy nghe Trần Tự-An đưa ra lời đe dọa bọn Hồng-hà, nhưng Đào Hà-Thanh cũng run lật bật. Nàng hỏi: - Trần đại hiệp. Không biết...không biết chúng định bắt... bắt tiểu nữ làm gì? Tự-An an ủi Đào Hà-Thanh: - Cô nương đừng sợ. Tuy chúng không nói ra, tôi cũng đã hiểu mục đích của chúng rồi. Cô nương không biết võ, chắc không thù oán gì với chúng. Tuổi cô nương còn trẻ, không giầu có ức vạn, chúng bắt cô nương chẳng phải vì của. Thế thì chúng bắt cô nương vì nhan sắc diễm lệ mà thôi. Cô nương cứ yên tâm, chúng không dám đụng đến cô nương đâu. Hà-Thanh theo bố mẹ sang thuyền của Chu Anh. Chu Anh thân rót nước, đem hoa quả mời khách, rồi ông nói: - Chúng tôi ngồi trên thuyền, trộm nghe giọng ca khi thì như sương mờ ban mai, khi thì như mây chiều trên đồi, khi thì lảnh lót như tiếng sáo diều. Lòng cứ tự hỏi, ai mà có giọng ca này. Thì ra giọng ca Bích-Lân của Long-thành. Ông quay lại giới thiệu với Trần Tự-An: - Trần huynh ở xa, lại không mấy chú ý đến ca hát, nên không biết danh Long-thành Song-Phụng cũng phải. Đệ xin vì huynh mà trình bầy. Khi vua Lý Thái-tổ thiên đô từ Hoa-lư ra Thăng-long, dân chúng bốn phương kéo về lập nghiệp, không đầy một năm, đế đô trở thành một thị tứ đông người. Tửu lầu, khách điếm mọc lên nhan nhản khắp trong cũng như ngoài thành. Vì vậy, bấy giờ viên tri phủ Long-thành chia kinh đô làm hai khu vực. Khu nội thành có năm phường. Khu ngoại thành có bốn phường. Tổng cộng chín phường. Thương nhân các phường thi nhau làm sao cho phường mình đẹp đẽ, để có thể thu hút người đến mua bán. Trong các tửu lầu, có bốn ngôi danh tiếng nhất. Ngôi thứ nhất ở cửa Bắc tên Lạc-viên lầu, quay ra bãi sông. Lạc-viên có hai tầng lầu, hình vuộng vức. Bốn phía đều có thang gỗ lớn đi lên. Ngôi thứ nhì ở giữa thành, tên Nguyệt-cung lầu, quay ra hồ Tây. Nguyệt-cung lầu có ba căn lầu, ngôi nào cũng có hai tầng. Ba ngôi cách nhau hai trượng. Từ ngôi mọ sang ngôi kia nối với nhau bằng một, hành lang bằng gỗ. Dân bấy giờ gọi Nguyệt-cung là Tam-nguyệt lầu. Ngôi thứ ba đặt ở ngoài thành, về phía bãi Ngọc-thụy. Tửu lầu là một con thuyền cực lớn, chia làm hai tầng, đặt tên Động-đình lầu. Lầu Động-đình thường đậu ở bãi Ngọc-thụy, đôi khi di chuyển dọc theo sông Hồng. Tửu lầu thứ tư mang tên Long-biên anh hùng quán xây trên bãi sông Hồng về phía Đông. Tất cả các tửu lâu đều dùng hết khả năng nấu nướng, cung phụng cho thực khách những miếng ngon vật lạ. Từ hơn mười năm về gần đây, các tửu lâu tìm cách mời những danh kỹ bậc nhất đến hát, để lôi kéo danh sĩ. Trong các danh kỹ, cặp vợ chồng Đào Phúc, Bích-Lân nổi tiếng bậc nhất. Đào Phúc xuất thân trong một gia đình ca nhạc. Vì vậy chàng được thụ lĩnh giòng máu văn nghệ, cùng nghệ thuật cha truyền con nối. Còn Bích-Lân, dáng người nhỏ nhắn, được sắc đẹp trời cho, thêm gịong ca thiên phú. Hai người gặp nhau trong những buổi hát trên tửu lầu, rồi họ nên đôi vợ chồng. Cặp tài tử đi hát ở cả bốn tửu lầu. Danh sĩ Thăng-long đặt cho họ tên Long-thành Song-Phụng hoặc ghép tên hai người thành Phúc-Lân. Danh tiếng hai người vang khắp nơi. Ngày hai người hát ở tửu lâu nào, thì tửu lâu ấy đông nghẹt khách. Cặp tài tử này có một điểm đặc biệt, họ không chịu đến các đại gia ca hát, dù người mời là vương tôn, đại thần, dù chủ nhân trả bao nhiêu tiền, họ cũng từ chối. Nhưng khi gặp tri kỷ, dù ở xa nghìn dặm họ cũng tìm đến. Điều dễ thương nhất, trong những ngày giỗ Quốc-tổ, ngày giỗ Thánh-gióng, ngày giỗ vua Trưng hay ngày giỗ các anh hùng dân tộc, không ngày nào thiếu mặt họ. Họ tự đặt lời, ngụ ý ca tụng công đức người xưa. Trần Tự-An hỏi: - Hai vị nổi danh đại tài tử đất đế đô, mà tôi không biết, thực đúng là tên nhà quê. Tôi muốn thỉnh hai vị ít điều, vừa rồi Bích-Lân hát một bài ca tụng vua Trưng, nhưng tôi không biết đó thuộc điệu hát gì? Bích-Lân hơi bẽn lẽn: - Điệu hát đó do chúng tôi cùng Hà-Thanh mới sáng chế ra. Đào Phúc tiếp lời vợ: - Tự cổ, đất Việt có nhiều điệu ca. Đến đời vua An-Dương còn tới tám. Nhưng kể từ sau vua Trưng tuẫn quốc, cho tới nay không còn nguyên thủy nữa, mà bị hòa lẫn với nhạc Trung-nguyên. Vì vậy chúng tôi mạo muội chế ra điệu ca mới. Tự-An mừng quá, ông hỏi: - Hai vị định đặt điệu ca này ra sao? - Chúng tôi chưa đặt tên. Song, danh sĩ Thăng-long nghe Bích-Lân, Hà-Thanh hát, họ tặng cho tên Hát ả Đào vì chúng tôi họ Đào. Trong một lần chúng tôi hát chầu Phù-Đổng Thiên-vương, được các vị cao nhân phái Sài-sơn đặt cho tên Ca-trù . Ghi chú, Đoạn này thuật hành trạng, nguồn gốc của tổ sư một điệu hát cổ Việt mang tên Ca-trù, Hát-nói, hay Hát Ả-đào. Ca-trù đến thời Nguyễn (1802-1945) trở thành cực thịnh. Nhờ Hát-nói, mà văn học Việt lưu lại nhiều áng văn chương tuyệt tác. Các thi nhân nổi tiếng của Hát Ả-Đào là Cao Bá-Quát, Nguyễn Công-Trứ, Dương Khuê, Chu Mạnh-Trinh, Tản Đà. Hiện nay (1995) Ca-trù được coi như một bộ môn nghệ thuật, được giảng dạy tại các trường âm nhạc trong nước. Những danh ca nổi tiếng là Hà Vy, Diệu Linh, Thúy-Hòa... Hồi thơ ấu, thuật giả được tiền nhân giảng dạy hết sức chu đáo về thú tiêu khiển này. Bích-Lân chỉ Hà-Thanh: - Hồi đầu tôi đặt lời, không có nguyên tắc nào cả. Sau Hà-Thanh sửa đổi dần, thành lề lối, nguyên tắc. Hiện các danh kỹ Thăng-long đều sáng tác theo nguyên tắc chúng tôi đặt ra. Bích-Lân chỉ vào cái đàn đáy trước mặt: - Khi hát, cần có nhạc công dùng đàn đáy đệm. Ca kỹ phải dùng cặp phách đánh nhịp. Trong lúc hát, cần có một danh sĩ ngồi bên cái trống nhỏ với dùi. Danh sĩ tùy theo giọng ca kỹ mà khen hay chê. Khi khen, đánh một tiếng trống, khi đến chỗ tuyệt hay đánh ba tiếng. Còn khi ca kỹ hát dở, đánh vào thành trống. Chu Anh gật đầu: - Hiện nay, người ta thường gọi tiếng trống là tom tiếng gõ vào thành trống là chát. Trong bốn đại tửu lầu đều có danh kỹ hát Ả Đào. Nhưng không ai hơn được Long-thành Song-Phụng cùng cô nương Hà-Thanh. Đào Phúc kính cẩn nói với Tự-An: - Hôm nay bèo mây gặp gỡ anh hùng. Chúng tôi xin hát lại khúc chầu vua Trưng hồi nãy, mong đại hiệp chỉ cho chỗ khiếm khuyết. Đào Phúc đưa trống và dùi cho Chu Anh cầm chầu. Chàng ôm cây đàn đáy dạo lên mấy tiếng. Hà-Thanh cầm cặp phách gõ vào nhau. Nàng ngâm Sa-mạc hai cầu đầu, tay gõ nhịp bằng phách. Tiếp theo các câu khác nàng cất cao giọng hát. Cho đến câu lục bát cuối, nàng lại ngâm Sa-mạc, sau đó buông thõng câu cuối cùng. Tự-An bị giọng ca êm đềm, nhẹ nhàng như gió thoảng của Hà-Thanh đưa vào giấc mộng huyền ảo. Mặt nàng vốn đẹp như người đi trong sương như có như không, thêm giọng hát hòa lẫn với đàn, tiếng phách, khiến ông như ngây như dại. Bài ca vừa dứt, Tự-An chưa kịp khen ngợi, nàng đã bắt sang bài khác, mở đầu bằng câu lục bát ngâm Sa-mạc: Cái tình là cái chi chi, Anh hùng, danh sĩ mấy khi thoát vòng. Khi hạ xuống câu bát, nàng liếc nghiêng, khóe mắt lướt trên người Tự-An, miệng nở nụ cười, rồi ngừng lại: - Trần đại hiệp, em chế ra lối hát này đấy. Ca-trù có đôi chút ảnh hưởng của người Hoa mà thôi. Một bài hát thông thường có ba khổ. Khổ đầu gồm ba câu, câu đầu là lá đầu, hai câu kế là xuyên thưa. Khổ giữa có bốn câu, hai câu đầu là hai câu thơ, có thể là ngũ ngôn, có thể là thất ngôn, cũng có thể thực dài. Miễn hai câu phải đối nhau. Hai câu kế là xuyên mau. Khổ cuối cùng là khổ xếp, gồm có ba câu. Câu đầu là dồn câu kế là xếp, câu cuối cùng là keo. Tổng cộng mười một câu. Trần Tự-An nghe nàng nói, gật đầu: - Từ cổ mình vốn có văn tự Khoa-đẩu, với một nền văn chương giầu có. Khi Mã Viện sang chiếm Lĩnh-nam, y cấm lưu truyền văn tự Khoa-đẩu, cấm học. Thành ra cho đến nay không còn tác phẩm nào cả. Hơn nghìn năm bị người Tàu cai trị, mình không còn gốc, đành lấy cái của người làm của mình. Cho nên hiện trong triều, ngoài dân dùng chữ Hán. Các thể thơ văn dùng Phú, Sở-từ, thơ Đường. Dần dà không còn gì của mình cả. Nay cô nương đưa ra thể Ca-trù, hoàn toàn do cảm hứng sáng tạo, thực hợp lý. Chu Anh hỏi: - Trong bài ca ban nãy, cô nương có ngâm theo điệu Sa-mạc một cặp lục bát ở đầu và một cặp ở cuối. Ý nghĩa như thế nào? Hà-Thanh nghiêng đầu bẽn lẽn: - Em chế thêm biệt lệ. Đúng ra một bài Ca-trù phải có đủ những câu trên. Nhưng cũng có ngọai lệ. Một bài có thể thêm một cặp lục bát ở đầu gọi là mưỡu đơn hoặc hai cặp lục bát gọi là mưỡu kép. Có mưỡu đầu, thì cũng có mưỡu cuối. Mưỡu cuối phải đặt lên trên câu keo. Mưỡu cuối cũng có thể là mưỡu đơn hay mưỡu kép. Khi hát, câu mưỡu ngâm theo giọng Sa-mạc. Hà-Thanh lại cất tiếng ca bài Mùa xuân Động-đình thuật lại truyện Quốc-tổ Lạc Long-Quân cùng Quốc-mẫu Âu-Cơ gặp nhau. Nàng vừa hạ xuống câu keo, thì phu đò vào nói với Chu Anh: - Thưa chủ nhân, có mười con thuyền, trên thắp đèn, đang hướng đến thuyền chúng ta.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]